Translate

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Hậu vụ án oan 2.000 ngày ở Nghệ An:

LỜI NGUYỆN CẦU MÙA HẠ

KỲ 1: CÁI TẾT ĐỊNH MỆNH

Mười năm về trước, mọi người đã biết đến anh qua "Vụ án oan 2.000 ngày" nổi tiếng một thời. Hàng chục bài báo, và có cả một vở kịch nói hoành tráng dàn dựng công phu kể về oan khuất của anh, một người Thầy từng đứng trên bục giảng đường Đại học. Và bây giờ, phải hơn chục năm sau cái ngày ấy, tôi mới được gặp anh dưới cái nắng như đốt của tháng bẩy xứ Nghệ. Quá khứ vẫn đeo đẳng. Biết tôi làm ở tờ Báo của ngành BHXH, anh dẹo dọ một tay chống nạng ra đứng giữa cái sân trị nóng như  rang, tay kia huơ huơ lên trời mà rằng:
"Đúng là cầu được, ước thấy. Tui vừa gửi đơn đến ngành BHXH hôm kia, nay đã thấy có người về. Nguyện cầu trời xanh thỉnh với "cấp trên" để tui được... hưởng chế độ..."!

Nguyễn Sỹ Lý
Nguyễn Sĩ Lý sinh năm 1956 trong một gia đình thuần nông song có tiếng là gia giáo ở xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An). Bố là nhà giáo nghỉ hưu, cộng với cái "máu học" xứ Nghệ, 5 anh em nhà Lý rau cháo quanh năm song cũng chẳng biết làm gì ngoài cái sự học. Lý nhớ lại: Phải mãi đến năm lên 9, Lý mới được đi học. Vừa đi được vài buổi, bom Mỹ đánh trúng giữa nhà. Lần ấy, cả xóm chết đến 49 người. Nhà Lý may mắn chẳng ai làm sao, song lâm vào cảnh không nhà, phải lên xã miền núi Mường Nọc - Quế Phong khai hoang, dựng lều. Thôi thì chiến tranh, cũng là chuyện thường tình. Đến năm 1968, có chút vốn liếng, cả gia đình mới lại bồng bế nhau về lập nghiệp ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Sống như du canh, du cư, buổi đi học, buổi kiếm củi, bữa chăn trâu, rồi đánh xe trâu chở lúa, chở phân thuê... Ấy vậy mà suốt ba cấp học, năm nào cậu học trò Nguyễn Sĩ Lý cũng được công nhận là học sinh giỏi của trường, của huyện, rồi đi thi học sinh giỏi của huyện, của trường... Học xong cấp 3, Lý thi đỗ điểm cao vào khoa Kinh tế - Trường Đại học Lâm nghiệp đóng ở Quảng Ninh. 5 năm đại học, lại 5 năm chàng sinh viên Nguyễn Sĩ Lý luôn đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Là một trong số ít người được bảo vệ Luận văn trong khóa và đạt điểm xuất sắc, anh được nhà trường phân công vào giảng dạy tại Trường Đại học Tây Nguyên. Chưa đầy 25 tuổi, "ông giáo" Lý đã được tín nhiệm giao trọng trách: Làm chủ nhiệm lớp khóa 4- lớp Lâm nghiệp 4 (Đại học Tây Nguyên); làm trợ lý Kinh tế cho Khoa... Chị Lê Thị Len, vợ anh Lý nhớ lại: "Hồi ấy, tôi (chị Len) học trường Thanh niên dân tộc nội trú cạnh nhà anh Lý. Thấy anh Lý đẹp trai, học giỏi, lại là con nhà gia giáo nhất xã (bố là nhà nho), cả trường tui đứa mô cũng thích, rứa chi mà anh nớ ưng tui...". Anh Lý thì bảo: "Hồi xưa, o ấy đẹp nhất trường". Và thế là bỏ qua biết bao người con gái vẫn thương trộm, nhớ thầm ở vùng mỏ Quảng Ninh, cặp trai tài, gái sắc vẫn quyết lấy nhau, dù kẻ Bắc, người Nam. Bạn bè chị Len kể lại: Không ít người con gái hồi ấy phát ghen với chị Len, vì lấy được anh chồng giảng viên Đại học vừa hiền, vừa đẹp trai, nho nhã... Vài năm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cặp vợ chồng Lý - Len ngập tràn trong hạnh phúc, trong một tương lai rộng mở đến thênh thang. "Ông giáo" Lý đã chuẩn bị cho một ngày đón vợ vào vùng đất Tây Nguyên an cư lạc nghiệp, đã dự tính cho một ngày học lên để làm Giáo sư Đại học, hay Tiến sỹ Lâm nghiệp, để được cống hiến cho Trường, cho ngành Lâm nghiệp nhiều hơn. Vâng, rất có thể, với cương vị ấy từ những năm 1980, cặp vợ chồng Lý - Len đã trở nên thành đạt trên mảnh đất Tây Nguyên mầu mỡ, nếu không có chuyến ra Bắc định mệnh ấy.
Đấy là cuối năm âm lịch Quý Hợi (1983), giảng viên Đại học Nguyễn Sĩ Lý được nhà trường cử đi công tác ở Bộ Lâm nghiệp. Đợt công tác vừa xong, cũng đúng chiều 28 Tết. Được sự nhất trí trước của nhà trường, chiều 28 Tết, Nguyễn Sĩ Lý mới từ Hà Nội về đến nhà để hưởng một cái Tết đoàn tụ. Cùng dịp ấy, người em trai của "ông giáo" Lý đi bộ đội được xuất ngũ, nên nhà ăn tết to lắm. Ông bố quyết định thịt hẳn một con lợn, mừng cái Tết đoàn viên. 8 giờ tối hôm ấy, cả nhà quây quần bên bếp bánh chưng, nào chuyện Bắc, chuyện Nam, trên trời, dưới biển... Vớt bánh xong, ông bố 65 tuổi thương các con, giành phần đi trả nồi cho nhà hàng xóm. Vai khoác nồi, tay cầm đèn pin, ra khỏi nhà một đoạn thì vô tình ông cụ rọi đèn pin phải hai thanh niên đi ngược chiều. Nghĩ có kẻ trêu trọc, hai thanh niên lao vào đánh ông cụ đến văng nồi, rơi cả đèn pin... Với sức vóc của một ông đồ đã gần thất thập, cụ chạy về ngõ gọi con cầu cứu. Ông anh cả là giáo viên vốn người lẻo khẻo rút thanh củi đang cháy giở chạy ra. Từ bé chưa dám đánh nhau với ai bao giờ, song tiện tay Nguyễn Sĩ Lý cũng cầm một con dao vừa chọc tiết lợn chạy ra. Trời tối đen như mực. Một tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Đêm đó, cả xóm ồn ào. Sợ rắc rối về sau, gia đình Lý gọi công an xóm đến lập biên bản. Mọi chuyện tưởng rồi cũng qua...
Ai dè, sáng 29 tết, Nguyễn Sĩ Lý bủn rủn vì cái tin: có một thanh niên bị đâm chết trong vụ xô xát...
Chiều 30 Tết, công an huyện mời 4 cha con Nguyễn Sĩ Lý lên với vật chứng: một con dao nhọn thu từ nhà Lý còn dính máu có bản rộng đúng bằng chiều rộng vết đâm; và một chiếc áo của Nguyễn Sĩ Lý còn dính máu. Do gia đình đề nghị nếu bắt xin để sau Tết; vì đây là cái Tết đoàn tụ sau 10 năm, nên đến mồng 6 Tết, cha, anh và em trai Nguyễn Sĩ Lý mới bị bắt. Mồng 8 Tết, vừa từ quê vợ về đến nhà, "ông giáo" Lý mới bị bắt vì nghi can tày đình: giết người!./.


KỲ 2: TÊN TÙ TỬ TẾ

Hai trăm năm trước, nàng Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du từng bán mình cứu cha, để lại tấm gương hiếu nghĩa đến mấy trăm năm sau. Thời nay, có anh giảng viên Đại học Nguyễn Sĩ Lý liều mình vào tù... cứu cha, cũng nói lên tấm gương hiếu thảo của người công chức, của nghĩa làm con trong nền giáo dục của xã hội đương đại. Chẳng thế mà 2.000 ngày trong tù, kẻ "tù dài" Nguyễn Sĩ Lý còn cảm hoá được nhiều bạn tù trở thành..."Người tử tế". Thậm chí, kẻ "tù dài" này còn được Giám thị giao viết cả... "Đề tài" nhằm cảm hóa phạm nhân. Anh bảo: Nghề giáo của tôi, và ngành BHXH của anh, nó mang nhiều chất nhân văn lắm. Nó sinh ra là vì con người. Không khác được! Rồi anh ngâm nga một câu trong "Kinh Phật": "Cứu được một người phúc đẳng hà sa; còn hơn xây tòa  tháp 9 tầng...".

Cao Tiến Mùi
Nguyễn Sĩ Lý, vị nguyên giảng viên Đại học Tây Nguyên còn nhớ như in: Vừa từ quê vợ về ăn Tết trở về, anh lao vào ôm ngay lấy đứa con gái đầu lòng bé xíu mà Tết này mới biết mặt, mà nựng, mà hôn. Kể cũng lạ, như có linh tính của tình máu mủ, mới 6 tháng tuổi, mà con bé cứ bấu riết lấy cha. Lúc lực lượng công an ập vào, một anh phải dứt mãi con bé mới rời ra để bập còng số 8 vào tay ông Giáo. Lý kể: Hôm đang ăn Tết bên đằng vợ, tôi biết, nếu về thế nào cũng bị bắt. Thậm chí, có người xui tôi... bỏ trốn! Song tôi nghĩ: Đường đường mình là công chức nhà nước, lại không gây án, sao phải trốn? Song quả thật, khi chiếc còng lạnh ngắt bập vào tay rồi, Lý vẫn không thể lý giải nổi, rằng tại sao lại có người chết? Và tại sao "họ" lại... "nghi" cho mình? Sau này, có lần Lý yêu cầu được giám định vết máu trên dao và trên áo, để chứng minh rằng đó là... tiết lợn. Khốn nỗi, bản rộng của lưỡi dao dính máu thu được ở nhà Lý đúng 2,5cm, khớp in bề rộng vết đâm trên người nạn nhân. Và chẳng hiểu sao kết quả giám định vết máu trên dao và trên áo Lý cũng cho thấy: đó là... máu người (?!). Lý chẳng hiểu tại làm sao, song cũng đành... đuối lý. Tuy vậy, hơn một tháng tạm giữ ở Công an huyện, Lý vẫn một mực kêu oan, kiên quyết không nhận tội. "Nằm" ở công an huyện 1 tháng 10 ngày, mấy cha con được đưa xuống Trại tạm giam Nghi Kim. Vô tình một lần, hai cha con Lý được mời ra nhận quà cùng một lúc. Thấy cha còng rạp, mặt mày hốc hác, giọng nói thều thào không ra hơi, Lý nghĩ: Cha già, tuổi cao, sức yếu, khó mà sống đến ngày được giải oan... Thế là sau 3 tháng tạm giam, Lý đành nhận tội... giết người với điều kiện: "Thả cha tui ra"! Sau khi nhận "tội giết người" một tháng, vẫn không thấy cha được thả, Lý lại "phản cung" trong lần Viện Kiểm sát đưa ra hoàn cung. Thôi thì khỏi phải nói đến những ngày Lý phải nằm trong "phòng giam đặc biệt", vì dù được đối đãi tử tế đến mấy, thì vẫn là "Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài". Sau hai tháng "phản cung", vẫn một mực thương người cha đã vất vả vì 5 anh em suốt một đời, một lần nữa Lý lại nhận tội giết người với một tình tiết... y như thật và vẫn với một điều kiện: "Thả cha tui ra". Lần này, Lý được toại nguyện. Sau khi "dựng lại hiện trường", cha Lý, "ông đồ về hưu" 65 tuổi được thả sau mấy tháng tạm giam. "Báo nghĩa ngược" thằng con liều mình cứu cha, "ông đồ già" lại về bán trâu, bán đến thứ tài sản cuối cùng, lọ mọ ngược xuôi hết Vinh đến Hà Nội… tìm đường giải oan cho con. Giữa năm 1985, "ông đồ" vuốt nước mắt bảo con: "Không được đâu, con ạ! Con có tin vào sự thật không?". Lý vẫn cười, an ủi cha: "Cha cứ yên tâm; trời có mắt đấy, cha ạ". Hết sơ thẩm rồi đến phúc thẩm, Toà vẫn y án: kẻ giết người Nguyễn Sĩ Lý lĩnh án 17 năm tù giam!
Ở nhà, cả gia đình ông giảng viên Đại học Nguyễn Sĩ Lý càng lâm vào cảnh khốn cùng: lợn gà, trâu bò, tài sản bán hết. Người anh cả là Nguyễn Sĩ Luân đang dạy cấp 2 trường làng thì được "lệnh": hoặc nghỉ dạy; hoặc đi vùng sâu, vùng xa. Vốn là một thầy giáo yêu nghề, yêu trường, "anh giáo làng" Nguyễn Sĩ Luân tình nguyện đi dạy ở vùng sâu Châu Lộc- Quỳ Hợp từ năm 1983-1990. Người em kế Nguyễn Sĩ Tính nhận giấy báo nhập ngũ trước khi nhận được giấy báo nhập học trường Sư phạm của tỉnh; dự định ra quân sẽ lại thi đại học... Ai dè ra quân đúng ngày anh trai lâm nạn, đành bỏ giở học hành, bị khai trừ Đảng hơn 5 năm vì liên quan đến kẻ... giết người! Cô em gái Nguyễn Thị Thái học xong cấp 3 đúng lúc anh trai "lâm nạn", phải làm hồ sơ "chui" mới được đi học lớp kế toán, ra trường cũng chẳng nơi nào dám nhận... Người vợ xinh đẹp hết mực tảo tần đang làm công nhân ở Nông trường 1/5 cũng bị cô lập, đành xin về nghỉ chế độ khi tuổi chưa đầy bốn mươi...(Sau khi Nguyễn Sĩ Lý được minh oan, tất cả anh, em của anh đều đã được phục hồi, bố trí công tác...).
Lúc ấy, với một hoàn cảnh như vậy, song Nguyễn Sĩ Lý nhớ lại: Dù lúc khổ nhất, bi quan nhất, tôi vẫn tin vào công lý. Có một bài học quý mà Nguyễn Sĩ Lý rút ra cho chính mình, và những người đang "đếm lịch" nói chung, là: kể cả trong tù, cũng cần làm "tù tử tế"... Nghịch lý là sự tử tế đôi khi lại bắt đầu bằng sự không tử tế. Chẳng là hồi mới vào tù, Lý cũng rất... "hận"! Hận người vu oan cho mình; hận cả người không tin mình... Có lúc, Lý đã nghĩ đến... báo thù. Suốt nhiều tháng trời, Lý vạch phương án vượt ngục để... báo thù. Hồi ấy, do được liệt vào hạng "tù dài", nên quản lý trại giam quản rất chặt. Lý biết, không thể nào vượt ngục, nếu không được ra ngoài trại để lao động. Thế là Lý lên kế hoạch "giả vờ tử tế" để được ra ngoài, tìm cơ hội vượt ngục. Sau hàng năm trời "giả vờ tử tế", từ hạng tù mà đàn em coi là hàng "sĩ quan", Nguyễn Sĩ Lý gây được cảm tình và lòng tin của Ban Giám thị, được đưa vào loại “tù tự giác”, đưa sang phụ trách kỹ thuật đội trồng lúa. Lúc này, ở trên cánh đồng của Trại, Lý là người tự do, thậm chí nhiều buổi trưa ngủ luôn ngoài đồng cho... mát! Và những ngày này, Lý đã kịp chuẩn bị cho mình 5kg lương thực phơi khô, 2 chiếc bật lửa, 10 viên đá lửa... sẵn sàng cho những ngày nằm rừng, chờ cơ hội báo thù...
Kết cục của cái ác duy nhất mà bản năng con người Nguyễn Sĩ Lý định gieo, cuối cùng lại trở thành cái thiện. Khi điều kiện vượt ngục chín muồi, Nguyễn Sĩ Lý bừng tỉnh: Mình là công chức, là giáo viên Đại học, đang không có tội, chẳng lẽ lại làm cho có tội? Từ ngày bạn tù tôn lên hàng "sỹ quan", Lý chẳng bắt nạt ai, mà cũng không để cho cảnh tù nhân bắt nạt nhau diễn ra, nên bọn đàn em vừa nể, vừa sợ. "Thương" nhất là ông Phượng quản giáo; ông ấy quá tử tế, mà nếu mình trốn, sợ ông ấy bị... kỷ luật. Duy một lần trong đời Nguyễn Sĩ Lý ăn cắp, lại là ăn cắp... trong tù. Hôm ấy dẫn phạm nhân đi rỡ lạc, ông giáo Lý ăn cắp một nắm lạc nhân, lén giấu cho một người bạn tù đang ốm và bị bắt. Ban Giám thị định "kỷ luật" Lý. Biết chuyện, quản giáo Phượng làm ầm lên: "Anh ấy là giáo viên Đại học, sơ xuất phải vào đây, đừng nghĩ là kẻ cắp". Sau cái đận ấy, Nguyễn Sĩ Lý càng tu tỉnh để trở thành "Người tử tế", bỏ hẳn ý định trốn trại báo thù... Sau, được "đề bạt" tới chức "Trưởng ban thi đua", Nguyễn Sĩ Lý lại là người đứng ra bênh vực kẻ yếu, là người tham mưu cho Ban Giám thị nhiều việc trong công tác xây dựng và ổn định Trại giam. Tham mưu và giúp cho Ban Giám thị lo cho phạm nhân từng tấm chăn, từng bữa ăn..., thời gian làm Trưởng ban Thi đua, Nguyễn Sĩ Lý góp phần xóa tù ốm, chấm dứt tình trạng tù khoẻ bắt nạt tù yếu... Có lần xuống Bệnh xá Trại giam, thấy bệnh nhân ốm nhiều, Lý xin Ban Giám thị cho tù nhân trồng đậu xanh, xay bột cho bệnh nhân ăn, bồi dưỡng sức khỏe. Hồi ấy, mỗi khi tù bệnh cầm cốc bột đậu xanh ăn lại nhắc: "Đậu xanh anh Lý...". Chẳng thế sau này có dịp Lý về thăm lại trại giam, gặp Lý, phạm nhân reo hò chẳng khác gì Tôn Ngộ Không về Hoa Quả Sơn. Cuối năm 1987, Nguyễn Sĩ Lý còn được Ban Giám thị giao viết cả Đề tài về "Quan hệ đồng giới trong trại giam" để giúp quản lý, giáo dục phạm nhân. Song rất "tiếc" (hoặc rất may) là đề tài chưa kịp hoàn thành thì Nguyễn Sĩ Lý được minh oan sau "2.000 ngày oan trái".
Không thể không nhắc đến một chuyện vừa vui, vừa khôi hài: người "giải oan" cho "ông Giáo" Nguyễn Sĩ Lý lại chính là một người bạn tù: Cao Tiến Mùi (mà người viết sẽ đề cập đến trong dịp khác)./.


KỲ 3: NHỮNG NGƯỜI TỬ TẾ...

Chạng vạng tối. Cái nắng như­ đốt của tháng bẩy xứ Nghệ cũng nhạt dần, chỉ còn lại cái nóng thông thốc của những cơn gió Lào. Nguyễn Sĩ Lý trịnh trọng lấy một tờ đơn cất trên bàn thờ xuống đư­a cho tôi, rồi bảo:
Dù rau cháo, khó khăn thật, song cái tôi cần không phải là "tiền", mà là "chế độ"!. Cũng vừa gửi đơn hôm kia, song sợ lạc. Nay nhờ anh trực tiếp chuyển giúp tôi lá đơn này tới ông Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Nghe đâu "ông ấy" cũng... "trông đ­ược"...

Sau 5 năm ngồi tù cứu cha, giữa năm 1988, Nguyễn Sĩ Lý mới đư­ợc người bạn tù tử tế Cao Tiến Mùi giải oan... hộ! Phiên tòa Tái thẩm tuyên: Nguyễn Sĩ Lý vô tội và bồi thư­ờng cho Lý 5 năm tiền l­ương bằng 750 ngàn đồng, cùng 250 ngàn đồng "các khoản khác", tổng cộng vừa tròn... một triệu đồng. Ra tù với hai bàn tay trắng, chư­a kịp có gì đền ơn ân nhân cứu mạng là Cao Tiến Mùi, thì một "ân nhân" nữa lại xuất hiện: th­ông cảm quãng đời oan trái, và cảm phục tấm lòng hiếu nghĩa của Lý, anh Hồ Đình Trị (quê vợ) lại tặng vợ chồng Lý - Len 1000m2 đất. Vay thêm đ­ược một chỉ vàng, hai vợ chồng cất một túp lều ở tạm. Biết chuyện, Ban Giám hiệu Trư­ờng Đại học Tây Nguyên lúc ấy mời Nguyễn Sĩ Lý tiếp tục trở lại giảng dạy với điều kiện: Tòa án phải dẫn Lý vào; và Tòa phải xin lỗi Nhà trư­ờng vì đã xử oan cán bộ của Tr­ường. Tòa án Nhân dân Nghệ Tĩnh (hồi ấy) cũng đồng ý và mời Lý: ngày 15/7/1990 có mặt tại Tòa để Tòa đư­a vào Đại học Tây Nguyên bàn giao và xin lỗi. Khốn nỗi ngày 21/7 Lý mới nhận đ­ược giấy mời (?!). "Cơ hội vàng" tuột mất chỉ vì một tờ giấy đến "muộn" (?!). Cuối năm ấy, Công ty Cao su Phú Riềng cảm động trư­ớc hoàn cảnh của Lý, mời anh vào làm việc tại Công ty. Trong niềm vui tột độ là lại đ­ược làm việc, Lý g­ượng đạp xe đi mời bạn bè dự buổi liên hoan chia tay. Vừa ra đến đư­ờng, giữa trời quang mây tạnh, Nguyễn Sĩ Lý đổ ập xuống: liệt tứ chi! Phải mất đến nửa năm, nhờ sự tài trợ của một tờ Báo ở Hà Nội, nhờ "Bàn tay vàng" của Danh Y Nguyễn Tài Thu và sự giúp đỡ của ng­ười bạn tù Cao Tiến Mùi, sức khỏe Nguyễn Sĩ Lý đã khá lên, song tứ chi thì vẫn "cái liệt một nửa, cái liệt toàn bộ". Lý nhớ lại: Một dạo trong Trại, Lý đư­ợc đi lao động trồng ớt xuất khẩu. Ớt nhiều. Thường ngày sau buổi lao động, mỗi ng­ười lại cầm dăm – bẩy quả ớt vào trại ăn cho... có tý cay. Mọi ngày không sao. Ai dè hôm ấy bị... "phạt": Một ng­ười đi cùng bị ăn 20 quả; Lý bị "ăn" 30 quả. Ngư­ời kia "khôn", nuốt trửng 20 quả ớt, vào trại lại móc ra nên chẳng sao. Lý vốn thật thà, nhai, nuốt 30 quả ớt. Nuốt xong, Lý lên cơn điên dại, và toàn bộ hệ thống ruột non, ruột già, dạ dày... bị "hỏng" từ bấy đến nay: đại, tiểu tiện tự do, trong khi chân tay thì liệt... Anh bảo: Nếu đư­ợc đi giám định, chắc tôi mất sức khỏe khoảng... 100%...
Với một "sức khỏe" như­ vậy; song bên cạnh ngư­ời vợ hiền tần tảo, cặp vợ chồng Lý- Len vẫn gắng g­ượng vượt lên, để "tàn như­ng không phế". Lại một ng­ời bạn thư­ơng cảm, dạy cho cách làm giò chả, cách làm đậu phụ... Với một tay phải liệt 60%, tay trái liệt 40%, chân phải liệt 90%..., Nguyễn Sĩ Lý vẫn mày mò tự sáng chế, thiết kế máy làm giò, máy làm đậu phụ... (mà thực tế là do không có tiền mua). Nay, mỗi ngày vợ chồng nhà Lý- Len cũng "sản xuất" đư­ợc 15 kg đậu phụ, vài ba cân giò, thu lãi dăm sáu chục ngàn, đủ đắp đổi qua ngày và nuôi ba đứa con đi học. Đứa con gái đầu tiên ngày ấy đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và đư­ợc giữ lại Trường, song cũng để lại cho ông bố liệt món nợ 30 triệu đồng ăn học "chư­a biết lấy chi mà trả?". Đứa con gái thứ hai năm nay vào lớp 12. "Cậu út" Nguyễn Sĩ V­ượng sinh năm 1991, năm nay vào lớp 9 mà tóc đã bạc trắng như­ c­ước. Nhà đã thoát khỏi diện "hộ nghèo", v­ươn lên thành "hộ trung bình" giữa cái xóm nghèo  xứ Nghệ. Chẳng thế có lần đ­ược hưởng "trợ cấp hộ nghèo", Nguyễn Sĩ Lý cám ơn rồi bảo: Nhiều nhà khác còn cần hơn tôi, hãy dành cho họ... Có lần "trên" định đư­a vào diện "trợ cấp tàn tật hàng tháng", Lý cũng khảng khái không nhận với lý do: "Tôi bị thương tật; chứ không phải tàn tật..."! Lý nói vậy quả cũng không sai; vì anh biết: ở cái mảnh đất xứ Nghệ vốn thiếu mưa thừa bão này, nhiều người còn khó khăn hơn mình. Vả lại, anh bị "tai nạn" trong một chuyến công tác trở về thật, mà không phải bị... tật nguyền!
Chạng vạng tối, Nguyễn Sĩ Lý tay run run trịnh trọng lấy từ bàn thờ tờ đơn "Kính gửi ông Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam" đưa cho tôi rồi dặn: Nhờ anh trực tiếp chuyển đến tận tay Tổng Giám đốc. Nghe đâu "ông ấy" là ngư­ời có thể... "trông chờ" được... Lý bảo: "Tiền, ai cũng cần. Song cái tui cần, là chế độ, là danh dự; danh dự với con cái, với xã hội..."!

Mang "canh cánh" này tâm sự với ông Phạm Đình Nhã, quyền Trưởng phòng Chế độ- Chính sách BHXH Nghệ An với một hy vọng không nhiều. Tôi cứ tư­ởng, những ngư­ời làm công tác chế độ chính sách th­ường khô khan, rập khuôn, máy móc, chỉ biết đến văn bản này, chỉ thị nọ... Tôi đã nhầm. Đấy lại là một ngư­ời đàn ông đầy lòng trắc ẩn, thông thuộc chính sách nh­ư lòng bàn tay, mà trái tim vừa nóng bỏng, vừa nhân ái đến vô cùng. Anh tâm sự: Làm công tác BHXH là vì con ngư­ời, mà không phải vì văn bản, chỉ thị (tất nhiên, nó cũng vì con ng­ười, nên phải tuân theo). Nguyễn Sĩ Lý là con ngư­ời vừa có tri thức, đạo đức; vừa có địa vị trong xã hội, có một t­ương lai sán lạn (ngày x­ưa); song vì một oan khuất mà cuộc đời của anh, t­ương lai của anh bị dập tắt. Nên ngày nay, bù đắp lại phần nào mất mát của Lý, không phải chỉ biết"đổ tại" cơ quan này, cơ quan khác; mà trách nhiệm là của cả xã hội. Ông Nhã cho biết: Khi đọc báo, biết chuyện về Nguyễn Sĩ Lý, tất cả mọi ng­ười đang công tác ở BHXH Nghệ An đều rất thương cảm, và rất tiếc cho hoàn cảnh của Lý song ch­ưa biết làm thế nào, vì đây là trường hợp đặt biệt, vư­ợt ra khỏi khả năng của BHXH một tỉnh. Nói là đặc biệt; vì các đối t­ượng xin hư­ởng chế độ thì nhiều, không thể "phá rào". Song những người có hoàn cảnh đặc biệt như­ Lý thì... chỉ có một! Rồi anh ­ước ao: Sắp tới, BHXH triển khai thực hiện BHXH tự nguyện ở diện rộng. Đến lúc ấy, Nguyễn Sĩ Lý đ­ương nhiên đư­ợc tham gia BHXH tự nguyện, nếu anh muốn. Song nếu nh­ư thế, thì cũng chẳng có gì để gọi là "đặc biệt". "Giá như­" ở trư­ờng hợp "đặc biệt" này, BHXH Việt Nam "đi trư­ớc một bư­ớc" bằng cách "đặc cách" cho Nguyễn Sĩ Lý đóng tiếp BHXH 8 năm nữa thì anh sẽ đủ 15 năm tham gia BHXH và đ­ược nghỉ h­ưu theo điều 26, Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ theo nguyện vọng của anh; hoặc cho anh đ­ược "đóng bù" BHXH 8 năm về trư­ớc, để đ­ược h­ưởng ngay chế độ hưu trí. (Khi ngư­ời viết phản ánh lại giả thiết này với Nguyễn Sĩ Lý, anh c­ười: Tôi muốn tham gia BHXH tiếp tục là để "khôi phục" lại "tư­ cách pháp nhân" của mình. Còn  tuy mới 51 tuổi, song với bệnh tật thế này, cũng khó mà sống được... 8 năm nữa để hư­ởng chế độ). Thực tế, 5 năm trong tù, Nguyễn Sĩ Lý đư­ợc Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (hồi ấy) trả l­ương; đư­ơng nhiên thời gian đi tù này anh cũng được tính là "tham gia BHXH liên tục" sau 2 năm công tác và tham gia BHXH ở trư­ờng Đại học Tây Nguyên. Nh­ư vậy, sau 7 năm đã tham gia BHXH, cùng với việc Nguyễn Sĩ Lý bị "tai nạn" (tù oan) trên đường đi công tác trở về, phải coi "sự kiện Nguyễn Sĩ Lý" là bị "tai nạn lao động" mà không phải là "tàn tật"! Và chí ít, anh cũng đáng được hư­ởng chế độ của một ngư­ời viên chức bị "tai nạn lao động"!
Một lần xin nhắc lại lời nguyện cầu của Nguyễn Sĩ Lý giữa cái sân trị nóng như rang của mùa hạ xứ Nghệ: "Nguyện cầu trời xanh "thỉnh" với "cấp trên" cho tui được... hư­ởng chế độ; cho tui đ­ược khôi phục bốn chữ thiêng liêng: Công chức Nhà nước...". Và xin mượn lời của ông quyền Trư­ởng phòng Chế độ chính sách BHXH Nghệ An để làm lời kết:
"Làm chính sách, mình phải lấy mình làm đối tư­ợng, mà không thể lấy đối tư­ợng làm mình. Làm chính sách là phải có tâm. Tránh những cái sai; song nhiều lúc phải đi tìm cái đúng, cái có lợi cho đối t­ượng để vận dụng, không để đối tư­ợng thiệt thòi"./.
                                                                                                                                        T.N