Translate

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

NGẠI
                                                                            

   1. Cô bé nhà bên kém hắn 10 tuổi. Lúc hắn vào quân ngũ, cô bé mới vào cấp hai đã phổng phao, xinh đẹp vô ngần: làn da trắng nõn, cổ cao ba ngấn, và đặc biệt cặp mắt buồn buồn tròn xoe lúc nào cũng sáng long lanh. Lần nào về phép, hắn cũng thấy cô bé sang chơi ô ăn quan với hai đứa em gái. Một lần, hắn đang ngồi vơ vẩn ngoài sân thì cô bé chạy vụt qua, vừa chạy vừa bảo:
-       Không có quà à…?
Câu hỏi như một làn gió thoảng qua, vừa đủ cho hắn nghe thấy. Hắn chẳng biết, cô bé nói hay là gió nói; chẳng biết cô bé đùa, hay là trách móc! Song hắn cũng thấy bối rối, có lẽ là cái bối rối đầu đời của một kiếp làm đàn ông. Hắn thấy ngại quá!
Hết quân ngũ, hắn sắp xong đại học thì cô bé cũng nhập học một trường Trung cấp ngoài thị xã. Tuần nào hắn cũng về quê. Chủ nhật nào cũng thấy cô bé về quê. Trước sân nhà có một cây hồng nhung, hoa nở quanh năm. Sáng ra, cứ lúc mẹ hắn đang lui cui nấu cơm trong bếp, hắn lại ngắt trộm một bông, kẹp trong trang báo, giả vờ sang nhà đưa cho cô bé tờ báo. Mỗi lần mở tờ báo ra, thấy bông hồng đỏ thắm, mắt cô bé lại sáng lên, long lanh. Hắn vẫn chẳng nói gì. Quả thật, mỗi lần đưa cho cô bé tờ báo, hắn lại muốn nói một câu đã chuẩn bị sẵn: “ Cô bé- anh yêu em!”… Nhưng cái câu ấy cứ ra đến đầu lưỡi thì lại tụt vào. Hắn thấy ngại quá!
Ra trường thì cô bé lấy chồng luôn. Buổi tối sang đám cưới chơi, giữa đám khách khứa nghìn nghịt, lừa lúc len vào rót nước cho hắn, cô bé ghé vào tai hắn, thì thào:
-      Anh… tệ lắm…

2.  Trường của con gái hắn nằm hút sâu trong một ngõ nhỏ.
Trưa nào, hắn cũng treo chân trước cổng trường đón con. Trưa nào, đúng giờ tan học, hắn cũng thấy một bà lão cứ chìa chìa cái nón vào mặt lũ học trò mà… xin! Bà lão thì gầy, lùng nhùng trong cái áo nâu vá vá, víu víu. Cái nón thì rách mất chóp. Lũ trẻ vừa thở, vừa chen chúc nhau len qua cái cánh cổng mở hẹp. Bị cái nón rách cứ chĩa vào mặt, có đứa bực, nói hỗn, bà lão cũng chẳng nói gì. Họa hoằn mới có đứa trẻ bỏ vào lòng nón hai trăm, hoặc năm trăm  tiền lẻ. Có đứa bỏ vào đấy nửa gói bim bim đang ăn giở. Thì, trẻ con làm gì có tiền! Có người cười: cụ già giở hơi, ăn xin ở đâu chẳng xin, đi xin lũ trẻ con! Thế mà trưa nào cũng vậy, cứ thấy lũ trẻ rồng rắn kéo ra, cụ lại nhao tới, chìa chìa cái nón rách vào mặt chúng, như một thói quen…
            Hắn, mấy lần cũng đã chợt đưa tay lên túi áo ngực, nơi có cái ví mỏng. Tuy buồn cười, song cũng thấy thương thương bà cụ. Hắn định lấy vài ngàn lẻ, bỏ vào nón cho cụ, rồi bảo cụ về đi, đỡ khổ, trẻ con lấy gì mà cho! Mấy lần hắn định làm thế, song lại thôi, vì thấy ngài ngại. Ngại đủ thứ. Ngại vì lần nào cũng vội. Ngại nhất là phải chen vào đám trẻ con đang xô xô, đẩy đẩy. Ngại người ta nhìn thấy lại bảo “tinh vi”…, nên lại thôi. Bụng hắn bảo dạ: thế nào cũng có lần thuận tiện, cho cụ dăm ngàn…
            Bẵng đi một dạo, chẳng nhìn thấy cái cảnh bà cụ gầy nhom, chìa chìa cái nón rách vào mặt lũ trẻ con mà hắn  thấy đã thành quen thuộc. Hắn thấy thiêu thiếu. Hắn mạnh dạn hỏi chị bán chả xiên cũng thường xuyên đứng ở cổng trường về sự thiếu vắng bà cụ, chị buồn rầu rầu:
-       Cụ ấy chẳng chồng, không con, vừa mới mất rồi, tội lắm  anh ạ…

                                                                                                      T.N



Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

TRĂNG MUỘN!
            
             Tôi nguyên là giám đốc một doanh nghiệp lớn của tỉnh, về hưu tới nay vừa tròn sáu năm. Tôi đang sống đơn độc trong một căn hộ khá khang trang ven bờ sông Đáy thuộc một huyện chiêm trũng nằm tận cuối tỉnh. Về hưu với lương giám đốc, mỗi tháng tôi vẫn được hơn 1triệu đồng, cộng với thu nhập từ ao cá, vườn cây ăn  quả rộng 3 sào, tiền tôi tiêu không hết, mỗi năm để ra vài ba chục triệu triệu đồng gửi tiết kiệm. Cuộc sống nông thôn với mức thu nhập ngần ấy đã là dư giả.
       Bởi tôi sinh sống điều độ, không thuốc, không rượu..., nên dù đã ngoài 65 tuổi, tôi vẫn khỏe mạnh như lúc còn đang đi làm: tóc còn đen, da vẫn đỏ, răng chưa rụng, hai tay vẫn xách được hai thùng nước to, ai cũng bảo tôi là người có phúc!  Vậy mà giờ đây tôi lại đang bạc tóc về một mối tình mà không biết là phúc hay là họa? Tôi băn khoăn không biết thổ lộ cùng ai, đành viết mấy chữ, trước là trút bỏ nỗi lòng, sau là xin ý kiến của quý báo, quý độc giả.
            Cách nay vừa tròn 45 năm, lúc 20 tuổi, bố mẹ đã bắt tôi lấy vợ. Tôi là con độc nhất trong nhà, bố mẹ tôi muốn sớm có người nối dõi. Lấy  vợ xong là đi. Hết chiến trường B đến Nam Lào, Đường 9... Xa nhau đằng đẵng, tuy chẳng được yêu nhau ngày nào, song vợ chồng tôi thương nhau thật sự. Cô ấy là con của một ông đồ cùng dạy học với bố tôi. Bốn lần về phép, cô ấy sinh cho tôi được 4 cháu gái xinh xắn. Giải phóng miền Nam xong, tôi chuyển ngành đi học đại học hàm thụ, rồi từ phó phòng, trưởng phòng, lên giám đốc. Dù công việc quản lý doanh nghiệp rất bận rộn, tôi vẫn dành hết tình yêu thương cho vợ, cho con mong bù đắp lại cho mẹ con cô ấy những thiệt thòi trong chuỗi ngày tôi đi xa đằng đẵng. Gia đình toàn  con gái, song thật hạnh phúc, những lúc gian khó nhất của thời bao cấp trong nhà lúc nào cũng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười.
            Ai ngờ, cách đây 15 năm, nhà tôi mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cùng các con đưa nhà tôi đi hết viện này, viện khác, được chăm sóc hết mình song nhà tôi vẫn không qua khỏi. Tôi gục ngã gục suốt mấy năm liền, song thương các con, tôi cố đành gắng gượng. Lúc ấy tôi mới ngoài 50 tuổi. Sau “đoạn tang” vợ, nhiều người mai mối, khuyên tôi “đi bước nữa” cho có  bầu, có bạn lúc tuổi xế chiều, nhưng ngại cảnh dì ghẻ con chồng, tôi quyết ở vậy một mình nuôi các cháu. Nay, tất cả bốn đứa đều đã có gia đình, đứa con gái út cũng lấy chồng đầu năm ngoái; cả 8 đứa gái, rể đều là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... Đứa lớn lấy chồng xa nhất cũng ở Sài Gòn, đứa út lấy chồng gần nhất cũng trên thị xã, cách nhà vài chục cây số. Đứa nào cũng vậy, khi mới lấy chồng, tháng nào cũng về thăm tôi đến dăm ba bận; sau thì một tháng, hai tháng, thậm chí ba tháng chúng mới về một lần, còn điện thoại thì ngày nào cũng gọi. Mấy lần về thăm, chúng cũng có ý mời bố ra thành phố, thị xã ở, nhưng tôi sống ở quê quen rồi, ở đấy còn có bà con họ mạc, chòm xóm. Hơn nữa, cái bàn thờ nhà tôi, chẳng lẽ lại để hương lạnh, khói tàn? Thông cảm với con cháu bận công việc xã hội, tôi chẳng hề có ý trách chúng một câu, song lắm lúc cũng cảm thấy buồn. Lại cảnh cơm niêu, nước lọ, chẳng khác nào hồi mới chuyển ngành sống ở khu tập thể cơ quan.
            Đùng một cái, “bà ấy” xuất hiện trước mặt tôi sau đúng 32 năm xa cách.
            Tôi quen bà ấy ở mặt trận Đường 9 vào năm 1967, lúc chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt. Lúc ấy, bà ấy là thanh niên xung phong, tròn 18 tuổi, còn tôi đã là trung đội trưởng, tuổi ngoài 30. Biết tôi đã có vợ, có con, song không hiểu sao bà ấy vẫn yêu tôi cuồng nhiệt. Từ cái cúc áo đứt, viên thuốc sốt rét, đến bát cháo lúc tôi ốm... đều do một tay bà ấy lo liệu. Bà ấy rất xinh, da trắng như trứng gà bóc, nết na, lại có giọng hát rất hay, bao nhiêu người ước ao được bà ấy yêu thương mà bà ấy dửng dưng, lại đi yêu tôi, một người đã có một vợ, hai con. Tôi cũng thầm yêu bà ấy thực lòng. Song tôi đã có vợ, có con, hơn nữa lính thời chiến dính vào chuyện yêu đương bất chính như vậy là phạm tội nặng lắm, nên tôi không dám đi xa hơn quan hệ anh em, đồng đội, thậm chí nhiều khi tôi phải trốn bà ấy. Hôm đơn vị tôi chuyển  quân, lần đầu tiên tôi và bà ấy mới dám lén ra ngồi với nhau bên bờ suối. Bà ấy khóc suốt cả một buổi chiều, nước mắt ướt đẫm một bên vai áo quân phục của tôi. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói cuối cùng của bà ấy trước lúc chia tay: “Dù anh chết hay trở về với vợ, với con, xin anh hãy nhớ rằng: em yêu anh suốt đời, và sẽ chỉ yêu mình anh thôi...”. Quả là một người con gái có tính cách mạnh mẽ khác người. Bà ấy tặng tôi cái khăn dù quàng cổ, tôi vẫn giữ gìn hơn 30 năm nay. Thi thoảng tôi vẫn nghĩ đến bà ấy, song thâm tâm chỉ nghĩ đấy là một kỷ niệm thời trai trẻ mà thôi. Tôi vốn vẫn là một người chồng, người cha mẫu mực.
            Một hôm, có chiếc xe ca chở khách đi chùa Hương đến ngõ nhà tôi thì hỏng máy, khách xuống xe kẻ đứng ven sông ngắm cảnh, người ngồi ven đường lố nhố. Một người phụ nữ nhỏ nhắn thấy nhà tôi có bể nước mưa, bà ta vào xin nước uống. Tôi bảo, đi chùa sao uống nước lã? Bà ấy bảo: “Cháu” ở nông trường, quen và chỉ thích uống nước mưa... Rồi bà ấy hét lên: Anh Đống phải không...? Bà ấy xuất hiện như ma hiện, tôi bất ngờ quá, chỉ biết đứng như trời chồng giữa sân. Kể cũng lạ. Hơn ba chục năm trời, từ con người đến đất trời bao sự đổi thay, vậy mà vừa nhìn thấy tôi bà ấy vẫn nhận ra ngay. Sau bà ấy bảo: anh có cái răng khểnh không lẫn vào đâu được, có... chui dưới đất em cũng vẫn nhận ra... Hôm ấy, bà ấy lỡ cả chuyến lên chùa.
            Hết tết Quý Mùi vừa rồi, sau khi tiễn con cháu đứa vào Nam, đứa ra thị xã, tôi lén khăn khói tìm lên chỗ bà ấy.
            Nơi bà ấy sống là một nông trường của tỉnh B, đang trong thời gian chờ giải thể.
            Tưởng nơi nào, chứ nông trường này thì tôi biết đã lâu.
            Đó là một khu đất màu mỡ rộng tới hơn 2000 ha, nằm giữa ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc. Trước năm 1960, nông trường còn là khu đất hoang thẳng cánh cò bay. Theo “tiếng gọi Tây Bắc”, đầu những năm 1960, hàng ngàn thanh niên xung phong mà phần lớn là nữ đã tình nguyện lên đây khai phá rừng hoang thành nông trường trù phú sau này. Hàng trăm bài báo đã viết đủ lời để ca ngợi nông trường. Hàng chục bài thơ ca ngợi sức mạnh của con người được thai nghén từ đây. Hồi ấy, nông trường như một biểu tượng của tinh thần tập thể, một bản anh hùng ca ca ngợi thành  quả lao động cua những con người...
            Khó một nỗi, những năm ấy lớp thanh niên chúng tôi ra mặt trận gần hết. Lên với nông trường mười người thì chín người là nữ. Mảnh đất mầu mỡ mà không có đàn ông. Sau 20 năm xây dựng, vào đúng cái lúc nông trường lên đến đỉnh của vinh quang thì mới “tòi” ra một vấn đề xã hội nhức nhối: hàng trăm cô gái ngày nào lên với nông trường còn mơn mởn, bỗng chốc biến thành những “cô lữ” không chồng! Ngày ấy, cánh lính tráng chúng tôi, cứ đánh xong vài trận lại được một dịp ra miền Bắc an dưỡng, nghỉ phép... Nghỉ phép mươi ngày, đủ thời gian vừa “tìm hiểu”, vừa cưới xong một “cô bé nhà bên” do bố mẹ “dấm” cho từ trước, công đâu mà mò lên tận cái nông trường heo hút cách xa hàng trăm cây số ấy. Thế là nhiều cô ế. Mà ế hàng loạt. Đầu những năm 1980, nhiều cô “tự cứu lấy mình” ở cái tuổi đã “đầu ba, đuôi vô cùng” bằng cách... về quê tìm chồng. Có cô lấy được anh trung úy xuất ngũ. Có cô lấy được anh công nhân cùng cảnh xa nhà. Có cô lấy anh thương binh vừa từ trại an dưỡng trở về. Nhiều cô lấy chồng thương binh được gọi là hành động cao cả, đẹp đẽ của thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Cũng có nhiều tấm gương những người phụ nữ rất cảm động mà ở đây tôi không thể kể hết ra. Song suy cho cùng, đã làm người, nhất lại làm phụ nữ, ai chẳng  muốn có chồng, có vài đứa con? Trước là để có đứa trẻ bi bô cho đỡ vắng cửa, vắng nhà, sau là để lúc về già có chỗ mà dựa dẫm. Với một mong muốn cháy bỏng là được làm mẹ, một vài “cô lữ” nông trường bắt đầu dấm dúi... đẻ! Bây giờ, chửa trước, cưới sau, thậm chí không chồng mà chửa đã là chuyện thường. Chứ hồi ấy, không chồng mà chửa là chuyện tày đình, nhiều người ác mồm vẫn gọi là “chửa hoang”. Hồi ấy, hai từ “chửa hoang” như cái án tử hình đối với những nhà nào có con gái lớn. Vì thế, khi tiễn con đi đâu xa, bố mẹ chẳng dặn dò gì ngoài một câu: “Khi về, nhớ đeo “ba lô” đằng sau, chớ đeo “ba lô” đằng trước; mất nết tao... băm!”. Thế mà có cô vẫn cứ chửa. Có tổ địa chất trú chân tạm trong nông trường: có cô chửa! Anh lái xe chở gạo đến nông trường: cũng có cô chửa! Có cô mẹ ốm, xin về quê dăm hôm chăm sóc mẹ, lên được non tháng đã vội bỏ về quê vì có... chửa! Theo quan niệm cũ, hồi ấy gái không chồng đâu được quyền sinh con. Thế nên, cô nào có bầu, vội vã lẻn về quê để đẻ. Không về thì nông trường cũng đuổi, nên cứ tìm cách “chuồn” trước là xong! Khổ thân, có cô biết mình có chửa bèn bỏ đi đâu biệt tăm, ở lại nông trường chẳng ở vì không có chốn nương thân, về  quê cũng chết vì sợ... (!). Có cô không dám về quê, xin nông trường vài chục mét đất hoang tận cuối bìa rừng làm lán ở tạm, người ta đồn um lên: chắc... con ông Giám đốc nên mới... mới “sướng” như thế! Để giữ cái “tiếng” cho mình, ông Giám đốc lại phải yêu cầu cô này rời khỏi nơi đang cư trú. Chửa: bỏ về quê; chửa: đuổi khỏi nông trường... Cứ thế, mỗi đứa trẻ sinh ra từ nông trường là cả một cái ao chứa đầy nước mắt. Đầu những năm 1980, nông trường vợi người, ông Giám đốc có lúc cũng giật mình: hàng chục cô gái không chồng... biến mất (?). Cứ “đà” này, nông trường lấy đâu ra người mà sản xuất?
            Cũng may, trước những năm “đổi mới”, nhất là từ khi có Luật Hôn nhân và Gia đình, quan niệm nặng nề về chuyện này nhẹ nhõm hẳn. Người ta chỉ còn cười dấm, cười dúi đằng sau những cô gái không chồng mà chửa, chứ  chẳng ai còn dám đưa ra cuộc họp, hoặc “bắt vạ” những cô gái đáng thương hơn là đáng giận. Quyền của họ là được làm mẹ! Giữa những năm 80, nông trường vẫn còn hàng chục cô gái ngoài 40 tuổi mà vẫn... phòng không. Sau khi chuyển sang cơ chế thị “khoán hộ”, lãnh đạo nông trường nẩy ra “sáng kiến”: cấp cho mỗi cô dăm chục mét vuông đất ven đường cái, cho mỗi cô vay vài triệu đồng dựng cái nhà tạm, gọi là “đầu tư cho... tương lai!”. Chỉ trong một tháng, cả chục ngôi nhà nhỏ, vách đất, mái rạ đồng loạt xuất hiện ven con đường tỉnh lộ chạy vắt qua nông trường. Và chỉ một năm sau, dân số nông trường đột ngột tăng lên được hàng chục... đứa trẻ. Báo chí, dư luận coi như một “sự kiện”; có báo hết lời ca ngợi ông Giám đốc bằng đủ mỹ từ: nào là “nhân văn cao cả”; nào là “năng động”; nào là “tình người”... Có báo gọi đấy là “Làng không chồng...”; có người gọi đấy là “Làng không cha...”. Không gì thì không, người ta cũng là con người, cũng có quyền được làm mẹ chứ! Ông Giám đốc già hoan hỷ bảo thế, coi đấy là một thành công mang đậm tính nhân văn! Quả thật, ông đã đúng. Bây giờ, những đứa trẻ cùng năm sinh ngày ấy đều đang học phổ thông trung học trường huyện, và đang là “nguồn sống chính” ở nhiều nghĩa của hàng chục gia đình. “Làng không chồng” này đã biến thành “làng đông con”...
            Đấy là những gì tôi được biết qua báo chí và tìm hiểu sau này. Có điều, tôi cứ nghĩ nó là chuyện ở tận đẩu, tận đâu, hay chuyện của ai đấy trong phim, trong tiểu thuyết (!). Không ngờ Nguyệt- bà ấy- cũng từng có một quãng đời không kém gì giông tố. May mà nghị lực người lính đã giúp bà ấy vượt qua.
            Lúc đứng trước ba cái cọc tre buộc vào nhau gọi là “cổng”, tôi ứa nước mắt mà không tin nổi vào chính mắt mình...
            Trên một vạt đất rộng chừng nửa sào nằm khuất dưới chân đồi, những thanh nứa chiếc dài, chiếc ngắn cắm xiêu vẹo. Rào cắm mà không buộc lạt, thưa đến nỗi một con lợn con cũng lọt qua.
            Nhìn cách cắm rào tôi suy nghĩ: chắc nhà không có đàn ông! Chính giữa cái vạt đất ấy, một gian nhà nhỏ, mái lợp tranh, tường xếp gạch xiêu dẹo. Xung quanh nhà, chè xuân xanh mơn mởn. Nguyệt ngồi ở chái nhà ,tư lự, chậm chạp bốc từng nắm ngô ném cho đàn gà to lồng lộc dẽ đến dăm chục con. Trông thấy tôi, Nguyệt vụt đứng dậy. Đàn gà đạp lên nhau chạy thục mạng. Nguyệt đứng trân trân nhìn tôi, mắt giàn dụa nước. Em thốt lên một câu: Không ngờ... anh... lên thật...
            Giữa bốn hàng gạch được gọi là “tường” không thấy có cái gì đáng giá. Một bộ phản gỗ sung dùng lâu ngày đã nhẵn thín. Chiếc xe đạp cũ không sơn được treo cẩn thận ở góc nhà bằng hại sợi thừng. Đã 2 giờ chiều mà chiếc kim giờ đồng hồ vẫn chỉ con số 6. Nguyệt méo mó cười: Có mỗi cái đồng hồ thì đã hỏng từ lâu. Nhà không có đàn ông mà anh...
            Một điều làm tôi thật bất ngờ: Đằng sau tấm riđô hoa chắng ngang gian nhà để chia thành “buồng” có chiết tủ đứng cũ kỹ dùng để đựng quần áo; trên nóc tủ đặt chiếc khung ảnh mà người trong đó không ai khác chính là tôi. Nhìn tấm ảnh truyền thần rất đẹp, tôi nhớ ngay đến buổi chiều chia tay bên bờ suối, tôi đã tặng Nguyệt một tấm ảnh cỡ 3x4 cm. Lạ một điều, tấm ảnh truyền thần của tôi đặt trên nóc tủ lại có một giải lụa đen vắt chéo qua ngực theo kiểu ảnh chụp  một người đã chết. Thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên, Nguyệt nói như van vỉ:
            - Anh vừa đi mệt, Xin anh, cơm nước xong, em sẽ kể hết anh nghe...
            Quả thật, 15 năm nay tôi mới lại có được những giờ phút hiếm hoi như buổi chiều hôm ấy. Sau ngày vợ mất, tôi dành hết tình yêu thương cho  bốn đứa con gái. Song chúng cũng còn phải lao vào học, lao vào những cuộc thi. Chúng yêu tôi, thương tôi, song thực lòng, mấy khi con cái hiểu được lòng cha mẹ? Sau, lên đại học, rồi lấy chồng, sinh con, chúng càng ít có thời gian quan tâm đến bố hơn. Lắm lúc tôi thấy thương tôi. Tôi thật cô đơn giữa chốn đông người. Hồi còn làm Giám đốc, tôi đi nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, đủ thứ sơn hào, hải vị. Ấy vậy mà đôi lúc vẫn thèm một bát canh cua nấu rau mồng tơi ăn với cà pháo mà cũng không có. Đôi lúc thèm cả một lời trách móc của vợ với chồng, thèm cả một lời quát mắng của mẹ đối với con, nhưng đâu có được. Bà ấy mất rồi!
            Bữa chiều hôm ấy, ngoài món gà luộc mà Nguyệt nuôi được, bà ấy còn đãi tôi món canh cua đồng nấu với rau mồng tơi kèm cà pháo là những thứ tôi nghiện từ trong bộ đội, và cũng là nhữnng thứ rất khó kiếm ở cái vùng đất nửa đồi, nửa núi này.
            Suốt bữa, bà ấy không ăn, chỉ ngồi nhìn tôi nhẩn nhà từng hớp rượu nhỏ.
            Đêm hạ tuần, trăng muộn.
            Lúc ông trăng khuyết mất một góc đột ngột chui lên từ ngọn đồi chè xa xa, bữa cơm mới tàn.
            Tôi hỏi Nguyệt, sao lại thờ tôi trong khi biết tôi còn sống. Bà ấy nén một tiếng thở dài rồi bảo:
            - Chuyện dài lắm, nhưng trước khi kể, em phải một trăm lần xin lỗi anh...
            Mẹ sinh em vào một đêm rằm trăng sáng. Đêm ấy, trên đường đến nhà hộ sinh, mẹ đẻ rơi em bên bờ giếng đầu làng; nhờ ánh trăng sáng vằng vặc mà bố mới nì rõ để tự tay cắt rốn cho em. Em sống nhờ ánh trăng. Có lẽ vì thế, bố đặt tên cho em là Nguyệt để nhớ đêm trăng hôm ấy.
            Người ta vẫn bảo, con gái sinh vào đêm rằm thường đáo để; còn ai có tên là Nguyệt, tên Liễu... thường hay gặp cảnh “hồng nhan”, chẳng biết có đúng hay không? Suốt từ bé đến lớn, chưa thấy ai bảo em đáo để bao giờ. Chỉ biết, tính em khác người: đã làm gì, làm bằng được; đã ghét ai, ghét hơn đào đất đổ đi; đã yêu ai, em quên cả thân mình. Học hết cấp 2 em nghỉ học. Năm 18 tuổi, nhiều người khen em đẹp nhất làng: mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa... gái  quê đồng chiêm lam lũ mà nước da vẫn trắng ngần như trứng gà bóc. Mẹ em thở dài: thanh niên lành lặn ra trận hết cả rồi, muốn lấy một anh tử tế, chẳng lẽ tao lại... cho đi bộ đội? Bố em bảo: “Cái ngữ ấy mà đòi ra trận, có họa... vướng chân!”. Chỉ vì một câu ấy của bố, em lén nộp đơn vào bộ đội thật. Dạo ấy bộ đội không tuyển nữ, mà chỉ tuyển vào Thanh niên  xung phong. Em đã cuốc bộ 7 cây số lên tận huyện, nộp đơn xin vào Thanh niên xung phong, mặc bố em chầm ngâm chép miệng, thở dài, còn mẹ ngầm khóc đến cạn nước mắt. Em cùng 8 đứa con gái cùng tuổi, cùn làng lên đường một ngày mà vui ngỡ đi hội. Lần ấy bọn em xuất quân bằng đò. Mỗi huyện được phân bổ một chiếc đò gỗ to, chở cả trăm người lẫn gạo thóc, hàng hóa... Cả tỉnh có 14 huyện là 14 con đò. Rất nhiều cô giá trẻ măng ở độ tuổi mười bảy, mười tám. Cờ, biểu ngữ đỏ rợp một đoạn ngã ba sông Đáy. Hết đò đến xe Zin, khoảng ba tháng đã ra gần hết mặt trận. Những ngày đàu sống ở trạm giao liên tiền phương em đã gặp anh. Anh biết không, em yêu anh đến mê mẩn, cuồng si. Phút gặp đầu tiên em đã nghĩ ngay rằng: anh sinh ra là để cho em; và sinh em ra cũng là để cho anh. Tinh yêu đích thực thường như vậy. Anh cao, to, đẹp trai, hai mắt sáng như sao, lại thêm cái tài ăn nói lôi cuốn, rất duyên... Anh biết không, cả tiểu đội em chúng nó mê anh, suốt đêm chỉ bàn chuyện về anh; song biết anh đã có vợ, có con, lại thêm kỷ luật mặt trận, không đứa nào dám hé răng- ngoài em. Không biết có phải hồi ấy em “lẳng lơ” hay không? Cũng may hồi ấy anh là người cương nghị, anh chạy trốn em. Nếu không, chẳng biết bây giờ thế nào? Hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời em là buổi chiều trước hôm anh chuyển quân, em được một lần khóc trên vai anh bên bờ suối. Không một câu anh nói yêu em, song qua ánh mắt, em biết anh cũng yêu em. Đối với em, chỉ thế là đủ. Sau buổi chiều hôm ấy, không hiểu tại sao em cứ nghĩ đã là vợ anh. Em khắc khoải. Em đợi chờ. Đêm nào trước khi đi ngủ em cũng cầu trời, khấn phật cho anh trở về, anh đừng chết. Em với anh như có một định mệnh mà chính em cũng không lý giải nổi. Suốt sáu năm làm thanh niên xung phong hỏa tuyến, đi đến đâu em cũng hỏi thăm anh, dò la tin tức về anh, song biệt vô âm tín. Năm 1972, giữa lúc bom Mỹ đang đáng phá ác liệt ở Hà Nội, bọn em được chuyển quê hương. Cả huyện trống dong, cờ mở đón chúng em. Xã em chín đứa đi thì có sáu đứa về. Hai mươi bốn tuổi. Ở quê em tuổi ấy coi như đã khó lấy chồng. Cũng một vài người mối mai, đánh tiếng, em chẳng hề rung động trước ai. Đứng trước họ, em lại nghĩ đến anh, em lại lắc đầu. Người ta bảo “Con cá mất, con cá to” là thế...
            Ở nhà với bố mẹ được đúng 6 tháng, thấy còn buồn hơn ngày đi hỏa tuyến. Ngoài việc đi làm theo kẻng cho Hợp tác xã lấy ngày mươi điểm, chẳng còn việc gì làm. Bạn bè cùn lứa đã lấy chồng hết, chẳng có chỗ mà chơi. Nghe tin nông trường này tuyển công nhân nữ chuyên đi hái cam, em lại lên xã xin “chỉ tiêu” đi xây dựng nông trường...

            Nguyệt kể đến đây thì ngoài phí bờ rào có tiếng xe máy Minskhơ nổ xoành xoành. Một ông xe ôm đội chiếc mũ cối chùm hụp xuống tận mặt, vừa bóp còi inh ỏi, vừa rọi đèn cho một cô gái lách qua cành rào chắn ngang ba cái cọc tre làm cổng. Vừa chạy vào nhà, cô gái vừa ríu rít:
            - Mẹ... Mẹ...
            Cô gái còn trẻ, ra dáng một nữ sinh. Qua ánh đèn vàng, tôi thoáng thất thần: không ngoài ai khác, đấy chính là Nguyệt của hơn ba mươi năm về trước; từ khuôn mặt, đôi mắt, sống mũi..., không lẫn vào đâu được. Nguyệt vụt đứng dậy:
            - Con em đấy!
            Cô gái sững lại trân trân nhìn tôi, rồi lại nhì lên cái ảnh thờ cài chéo băng tang vẫn đặt trên nóc tủ. Nguyệt ngẹn ngào bảo con gái:
            - Cha đấy, con...
            Tôi đứng như trời trồng. Thật bất ngờ chỉ trong vài tích tắc, cô gái chạy nhào về phía tôi...
            Tôi không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa.
            Hồi còn ở chiến trường, tôi và Nguyệt mến nhau thật, song yêu nhau theo đúng nghĩa của nó thì chưa bao giờ. Duy nhất buổi chiều cuối cùng bên bờ suối vắng, tôi ôm em vào lòng, đặt lên môi em một nụ hôn. Chỉ vậy thôi. Chẳng lẽ chỉ có thế mà Nguyệt nỡ... đổ vạ cho tôi?
            Cháu gái mới chừng ngoài hai mươi tuổi, gọn ghẽ, xinh xắn như mẹ ngày nào. Cháu chỉ kịp thét lên một tiếng: Cha!... rồi đổ gục trên vai tôi.
            Sau mấy phút nức nở đến nghẹn ngào, cháu trách:
            - Sao cha nỡ bỏ con suốt hai chục năm nay, hở cha...?
            Tôi nghẹn người không nói được câu gì, đưa ánh mắt giận giữ nhìn Nguyệt. Nguyệt chắp tay, vái trước mặt tôi hai cái:
            - Em xin anh, thư thư rồi em kể hết anh nghe, anh sẽ hiểu...
            Cháu gái tên Hạnh- Nguyễn Thị Đức Hạnh- lấy họ của tôi. Sau nửa ngày đường từ trường đại học ở Hà Nội về, cháu thấm mệt. Quá nửa đêm, cháu đã ngủ mê mệt. Con bé giống Nguyệt ngày xưa quá! Trong giấc ngủ, thi thoảng nó lại nhếch miệng, nở một nụ cười mãn nguyện. Nó đang có một giấc mơ tràn trề hạnh phúc.
            Đợi con ngủ say, Nguyệt lại lần lần quá khứ, kể nốt câu chuyện còn dở dang cho tôi nghe.
                                                                  
            ... Năm 1972, sau hơn nửa năm ở nhà với bố mẹ, em lại tình nguyện lên nông trường. Hồi ấy, đàn ông ra mặt trận hết. Nông trường có gần một ngàn người thì tới hơn chín trăm rưởi là nữ. Ban ngày bọn em đi làm theo đội, trồng cam, cắt cỏ..., vui lắm! Đêm về, một nôi cô đơn, vắng vẻ, heo hút, bao phủ lên cả đội. Đội 2 chúng em có 50 người, thì cả 50 người là nữ, từ đội trưởng, đội phó, tổ trưởng... Quá nửa đội là thanh niên xung phong xuất ngũ, sàn sàn, độ tuổi 22- 25. Ban ngày đi làm vất vả nhưng vui. Đêm đến, 50 đứa nằm trong một lán, không đứa nào nói với nhau một câu. Có đứa chong đèn dầu, cặm cụi suốt đêm viết thư cho gia đình. Nhiều đứa vờ ngủ, vắt tay lên trán, mắt thao láo nhìn lên mái gianh mà thở dài sườn sượt. Có đứa nằm ôm nhau, rấm rứt khóc... Nhiều khi cả tháng chúng em không thấy một bóng đàn ông đi qua. Nhớ một lần, có anh cán bộ huyện đội đi tuyển quân đạp xe ngang qua, cả đội nói, cười, trêu chọc, rồi lấy đất, đá, củi khô... ném anh cán bộ huyện đội. Anh này sợ quá, quẳng cả xe đạp chạy thục mạng, sáng hôm sau bọn em lại phải cử người mang xe lên lận huyện trả người ta. Suốt hàng chục năm trời như vậy. Chán cảnh ấy quá, một số đứa bỏ về quê lấy chồng. Không hiểu bằng cách nào, một vài đứa có chửa, nông trường kỷ luật lên, kỷ luật xuống rồi mới đuổi việc. Có đứa vác bụng về quê, đứa bỏ đi đâu không rõ? Gan lỳ nhất là cái Huyền. Khi biết nó có chửa, ông Giám đốc nông trường ký quyết định cho nó thôi việc, đuổi về quê, nó dứt khoát không về. Nó vác bụng vào rừng tìm tre, nứa, làm một cái lán nhỏ trên miếng đất hoang ven nông trường, sáng sáng xuống chợ huyện, mua hàng đầu chợ, bán cuối chợ, vậy mà sống được! Hồi nó đẻ được thằng con trai, cả đội em coi như con chung. Thằng bé bây giờ đã là kỹ sư lâm nghiệp, đang công tác ở chính nông trường này.
            10 năm sống cảnh như vậy, đến năm 1982, thì có tổ địa chất đến khảo sát suối nước nóng đóng trại ngay gần đội của em. Cả đội mừng như ruộng cạn gặp cơn giông. Lúc này em đã 34 tuổi, tưởng như cái tuổi đã hết thì con gái. Vậy mà có một anh vẫn đến với em. Anh ấy khen em đẹp, em trẻ..., em mụ cả người không biết gì nữa. Anh ấy bảo: Đi biền biệt, chưa có thời gian lấy vợ... Em như người đang ốm bỗng có thuốc thần, khỏe khoắn ngay lại. Nhiều đứa ganh tỵ, bảo em “tốt số”. Ngẫm cũng xứng đáng thôi! Ngoài ba mươi tuổi. Vẫn còn xuân sắc. Mà em đã được ai yêu bao giờ?...
            Lúc cái bụng em lùm lùm, cũng là lúc đơn vị anh ấy hoàn thành nhiệm vụ phải về xuôi. Hôm chia tay, anh ấy thề sống thề chết rằng chỉ mươi hôm sau anh ấy sẽ lên đón em về. Mươi hôm... Một tháng... Một năm... Rồi hai mươi mốt năm..., anh ấy lặn mất tăm. Chỉ thương cái Hạnh, côi cút suốt hai mươi mốt năm nay.
            Cũng may hồi em có mang, quan niệm về gái không chồng mà chửa không còn nặng nề như xưa nữa. Sau khi có cơ chế khoán hộ, nông trường còn cắt cho em một miếng đất nhỏ và cho vay ít tiền để dựng cái nhà tạm. Trong nhà có đứa trẻ con, em thấy mình cũng hạnh phúc.
            Đẻ cái Hạnh xong, em mới biết rõ con người thật của bố nó. Té ra anh ta đã có vợ và ba đứa con gái ở dưới xuôi. Anh ta đến với em chỉ để kiếm thằng con trai. Khi biết tin em lại sinh con gái, anh ta trốn biệt luôn. Có người xui em mang con trả cho nhà anh ta, em không nghe. Con người bạc tình như thế em chẳng tiếc. Lúc ấy, không hiểu làm sao em chỉ nghĩ đến anh. Em cứ ước ao rằng, giá như cái Hạnh nó là con anh? Em cứ tiếc rằng, sao buổi chiều hôm ấy em không liều mình xin anh một đứa con? Biết anh họ Nguyễn, em lấy họ anh là họ con. Giấy khai sinh của nó, trong phần ghi về bố, em cũng lấy tên anh: Nguyễn Văn Đống! Khi lên hai tuổi nó đã nói sõi. Câu hỏi đầu tiên trong đời nó với em là: “Bố con đâu?”. Em lấy tấm ảnh của anh ra, chỉ cho nó xem và bảo: “Bố hy sinh rồi”!. Suốt những năm thơ ấu, nó luôn giữ tấm ảnh anh bên mình. Em biết, nó yêu bố vô cùng. Cái ảnh trên bàn thờ kia là hồi lên 10 tuổi, nó bắt em xuống phố huyện vẽ truyền thần, rồi đặt lên bàn thờ. Suốt hai chục năm nay, nó vẫn tin rằng người trong ảnh chính là bố nó. Sau hôm gặp lại trong chuyến đi Chùa Hương, em nói với nó: “Bố hãy còn sống...”, nó như phát cuồng, tuần nào học xong cũng vội vã từ Hà Nội về, bắt em dãn đi gặp anh. Tội nghiệp nó quá...!
            Giờ tôi đã hiểu.
            Nguyệt van vỉ tôi hãy vì Nguyệt, vì cháu Hạnh mà đừng cho nó biết sự thật. Hãy cứ để nó yên ổn trong niềm hạnh phúc dù giả tạo là có một ông bố tuyệt vời như tôi. Tôi thương Nguyệt. Tôi thương cháu Hạnh vô cùng. Bỗng dưng, cả hai mẹ con đối với tôi như trở thành máu mủ. Tôi không muốn làm mất đi niềm hạnh phúc cuối cùng của hai mẹ con. Song  còn 4 đứa con gái của tôi, bốn đứa rể và hàng chục đứa cháu ngoại, lại còn bà con lối xóm, họ hàng..., tôi biết ăn nói với họ ra sao? Có ông bạn thân biết chuyện khuyên tôi đón mẹ con cô ấy xuống dưới này cho có bầu, có bạn lúc tuổi già... Chao ôi! Đã 15 năm sống vò võ một mình, tôi cũng muốn thế lắm chứ. Song đến cái tuổi này, chẳng nhẽ để người đời mai mỉa, con cháu cười chê. Ở đời có câu: “Trăng sớm còn chẳng ăn ai, huống gì trăng muộn”. Còn bỏ mặc mẹ con Nguyệt tôi cũng không đành!


            Tôi đau đầu quá, không biết xử trí ra sao. Đành viết lá thư dài, trước là để dốc bầu tâm sự, sau là hỏi quý báo, quý độc giả: Có ai rơi vào hoàn cảnh như tôi không? Tôi nên làm thế nào đẻ vẹn cả đôi đường?... Tôi xin hết lòng cám ơn.
T.N
NGƯỜI HAI LẦN CẮM CỜ TRONG 
“NGÀY LỊCH SỬ”…
Ba mươi nhăm năm công tác ở Văn phòng Chính phủ, người vẫn gầy nhẳng và giản dị như một lão nông. Lúc tôi hỏi quê, ông bảo: Tôi dân Vũ Thư- Thái Bình! Anh bạn đi cùng suýt xoa: Lại Thái Bình! Quê ông hình như có “duyên” đi căm cờ. Từ Tạ Quốc Luật cắm cờ ở Điện Biên Phủ, đến Bùi Quang Thận cắm cờ ở Dinh Độc Lập, rồi đến ông. Không những thế, ông còn là người duy nhất hai lần được cắm cờ trong cái thời khắc lịch sử ấy: 30/4/1975!
I.   Từ “Trại David”…
Sinh năm 1952 ở xã Tự Tân – Vũ Thư – Thái Bình. Từ nhỏ, cậu bé Phạm Văn Lãi đã có dáng người cao ngỏng nhưng gầy sắt, gầy seo. Năm 16 tuổi, cha xin cho đi học trường Thể dục – Thể thao Bắc Ninh, hòng mong cậu con trai sau này có cái “dáng thể thao” một tý! Song cái “nghiệp thể thao” chưa vận được vào cơ thể là mấy, thì năm 1970 Phạm Văn Lãi xung phong đi bộ đội, đúng lúc chiến trường Miền Nam đang thời kỳ ác liệt nhất. Ông bảo: Anh em học viên cùng trường lần lượt lên đường hết; ngồi học không chịu được…
Sau 6 tháng huấn luyện, Phạm Văn Lãi được điều động vào chiến trường Miền Đông, một trong những mặt trận quan trọng hình thành nên chiến dịch Hồ Chí Minh. Những trận chiến ác liệt giành thế “răng lược”; những lần bị địch vây ráp; có lần rơi vào ổ phục kích… Song với dáng người thể thao vốn nhanh nhẹn, mưa bom bão đạn của địch chẳng làm gì nổi được ông. Sau 3  năm tham gia hàng chục trận chiến ở chiến trường Miền Đông, với tư chất thông minh cộng với có chút văn hóa, năm 1973, Phạm Văn Lãi được điều về Phòng Điện ảnh thuộc Cục Chính trị Quân Giải phóng Miền Nam, hoạt động tại Trại David. Theo ông, đây mới là những tháng ngày hết sức căng thẳng và nguy hiểm. Nằm sâu trong lòng địch, nhân viên, chiến sỹ trong Trại không chỉ suốt ngày căng thẳng đối phó với những âm mưu nham hiểm của kẻ thù nhằm phá hoại Hiệp định Paris; mà còn phải dồn hết lòng gan dạ, mưu trí, thông minh của mỗi cá nhân để hóa giải sự lươn lẹo, dối trá của địch… Đây thật sự là một mặt trận hết sức căng thẳng ngay trong lòng địch; chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây hại cho cách mạng. Ông kể: “Trại David như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, một mặt trận công khai giữa lòng địch. Chúng tôi đã trải qua 823 ngày đêm đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ - Ngụy”… Và thực tế những năm tháng ấy, Trại David như cái gai nằm sát trái tim kẻ thù, góp phần quan trọng vào việc ép Mỹ - Ngụy thực hiện hiệp định Paris. Không những thế, anh em còn biến Trại thành nơi cung cấp, trung chuyển công khai những ấn phẩm văn hóa, phim, ảnh… phục vụ chiến trường. Ông Phạm Văn Lãi bồi hồi nhớ lại: Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn; thì ngay hôm ấy, anh em ở Trại David được lệnh cung cấp và chiếu liền 5 tập bộ phim “Giải phóng Châu Âu” của điện ảnh Liên Xô. Hình ảnh những chiếc xe tăng Hồng quân ào ạt tiến vào Berlin đã khiến chiến sĩ ta hết lòng phấn chấn trong trận tiến vào Sài Gòn…
Ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn thì đêm 28/6, Trại David nằm ven sân bay Tân Sơn Nhất cũng trở thành cứ điểm mọi loại hỏa lực của cả hai bên. Pháo tầm xa 130 ly của ta ngày đêm nã đạn vào sân bay, chặt đứt cầu hàng không cuối cùng trong việc di tản của Mỹ - Ngụy. Pháo của địch cũng câu đêm ngày vào sân bay, nhằm chặn đường tiến của ta. Đạn pháo hai bên rơi đầy cả vào Trại David. Những ngày ấy, nhân viên, chiến sĩ ta đang trong trại David cũng không nghĩ mình còn sống đến ngày chiến thắng, song mọi người đều bám trụ đến phút cuối cùng. Thức tế, đã có một số chiến sĩ của Trại hy sinh, bị thương ngay trong ngày toàn thắng…
II. …đến Dinh Độc lập.
Phải mất đến hơn hai đêm, một ngày giằng co, Quân Giải phóng mới căn bản chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất. Vào khoảng 8 giờ ngày 30/4, tiếng đạn pháo, tiếng súng ở khu vực sân bay mới vãn. Thiếu tướng, trưởng đoàn đại biểu Quân sự lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị: gọi Thượng sỹ Phạm Văn Lãi lên. Phạm Văn Lãi được giao nhiệm vụ: Vào kho lấy lá cờ to nhất, giao cho vệ binh cắm lên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất. Vốn tính nhanh nhẹn, chỉ trong vài phút, Phạm Văn Lãi đã có trong tay lá cờ to nhất may từ bốn khổ vải mà Trại có. Song, khi mang ra, thì các đồng chí vệ binh đã đi làm nhiệm vụ khác. Một thoáng chần chừ: tiếng súng vẫn nổ; tàn quân đầy rẫy; ta và địch vẫn còn giằng co… Mang cờ Giải phóng trèo lên điểm cao đơn độc là tháp nước lúc này chẳng khác nào tấm bia sống cho kẻ thù. Song, nếu lúc này có một lá cờ giải phóng trên cao điểm, sẽ động viên chiến sỹ ta rất nhiều, và làm cho địch tan rã cũng rất nhanh… Nghĩ vậy, Phạm Văn Lãi quyết định: tự mình cắm cờ! Trên đường chạy đến tháp nước. ông gọi thêm đồng chí Nguyễn Văn Cẩn – một chiến sỹ gác cổng Trại, đề nghị phối hợp cắm cờ. Hai người vượt qua làn đạn vẫn còn chát chúa, leo lên tháp nước cao chót vót. Cũng may, lúc chạy ra tháp nước, ông vớ được một đoạn ống nước bằng kẽm, giao cho đồng chí Cẩn. Đứng phía trên, ông ra hiệu cho đồng chí Cẩn đưa ông nước lên, rồi xuyên một đầu dây thép vào cuối cạp cờ, quấn mấy vòng rồi buộc dây thép vào cán cờ, sau đó buộc ghì vào thanh sắt ốp dọc bên ngoài thành tháp nước. “Lay lay thấy cán cờ đã chắc chắn, tôi mới buông hai mép cờ ra. Nghe “phật” một tiếng, rồi lá cờ tung bay trong gió, hai chúng tôi vui sướng đến nghẹn cả người…!”
Đúng như suy nghĩ của Phạm Văn Lãi; lá cờ được cắm lên, vừa là hoa tiêu cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công; vừa làm cho quân địch ở cả Sài Gòn hoảng loạn, nhanh chóng tan rã. Bản chất, nó như cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của chế độ cũ… Ngay chiều 30/4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập. Phạm Văn Lãi cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ Trại Divid cũng được điều về Ủy ban Quân quản. Phạm Văn Lãi được bố trí ở tầng 2 – Dinh Độc lập. Một vinh dự nữa lại đến với Phạm Văn Lãi: Sáng 1/5/1975, ông được Thượng tướng Trần Văn Trà đích thân giao nhiệm vụ: trèo lên nóc Dinh Độc lập, thay lá cờ do Bùi Quang Thận cắm hôm trước, vốn nhỏ quá. Hơn nữa, là cờ cũ bị mắc dây, không mở ra được, cũng không kéo dây hạ xuống được. Cột cờ cao, trơn tuột, Phạm Văn Lãi bèn lấy dây dù buộc vào hai chân như kiểu bà con Nam bộ leo dừa mà leeo lên, và cũng phải mãi mới gỡ được dây rối, rồi treo lại lá cờ lớn hơn…
Sau 7 năm quân ngũ, năm 1977, Phạm Văn Lãi được điều về Văn phòng Chính phủ.
Người viết bài này có một ông thầy dạy Địa lý hồi học cấp 3. Sau, Thầy chuyển ra Văn phòng Chính phủ, công tác cùng ông Phạm Văn Lãi ngót nghét chục năm. Vậy mà hỏi về “Người hai lần cắm cờ trong ngày lịch sử”, thầy ngớ người: Chỉ biết cái ông Phạm Văn Lãi,- Vụ phó- là một người cán bộ mẫn cán, đức độ, giản dị… Chỉ biết ông Phạm Văn Lãi cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chứ cũng ít ai ở Văn phòng Chính phủ biết rằng ông chính là người hai lần cắm cờ trong cái ngày lịch sử ấy…
Hỏi ông Phạm Văn Lãi về việc này, ông chỉ cười: Hai lần cắm cờ, chỉ là hai lần thực thi nhiệm vụ, có gì mà kể… Anh em chiến sỹ, công lao, hy sinh… còn lớn hơn tôi nhiều… 35 năm làm ở Văn phòng Chính phủ, người vẫn gầy sắt, gầy seo. Tài sản chẳng có gì ngoài một căn hộ bốn chục mét vuông ở khu tập thể Bộ Giáo dục. Năm 2012, bà vợ cũng về hưu từ Tổng Công ty rau quả (Bộ Nông nghiệp), hai ông bà bán nốt căn hộ này, phần chia cho con cái, phần mang về quê cải tạo cái nhà, cái vườn của Tổ tiên để lại. Gần sào vườn với và chục gốc trà cổ trồng từ hàng trăm năm trước lại là nguồn thu chính của ông bà. Cũng thèm có vài cái lồng chim lấy tiếng hót; vài nhành lan để ngắm hoa, thưởng nguyệt… Song ông bảo: Suốt ngày bới đất lật cỏ, đánh chỗ này, trồng chỗ kia…, chưa có lúc nào mà chim với hoa để thưởng thức lúc tuổi già. Chỉ còn có cái vườn còn đỏ ối, ngồn ngang đất là đã ngút ngát bóng xanh. Đến bà con ở thôn Nam Long cũng chỉ biết hai ông bà “làm gì trên Hà Nội” nay về hưu(?!). Chẳng ai biết rằng, đấy chính là người đã hai lần cắm cờ ở hai cao điểm trong trận chiến quyết định trong ngày 30/4.

                                                                                                T.N

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

BA GIỜ VỚI... 
"NGƯỜI LÁI XE SỐ MỘT"!

Cũng vì sự ác liệt của hai cuộc chiến tranh, mà nhiều lái xe ô tô ở Việt Nam đạt trình độ siêu đẳng. Trong chiến trường, từng có người lái xe bay qua suối để đến bờ bên kia, ra mặt trận. Thậm chí, có những đoàn xe không lốp, đi bằng vành, lăn bánh sắt trên dây cáp vượt qua vực thẳm chở hàng ra tiền tuyến, thế giới phải kinh ngạc…
Song, nói đến “Người lái xe Số Một” ở Việt Nam, chắc không có ai khác ngoài ông Nguyễn Văn Mùi! Không hẳn vì ông là người đã lái xe suốt 30 năm không một lần mắc lỗi; mà vì 30 năm trong nghề lái xe, thì có đến 26 năm ông lái xe cho hai đời Nguyên thủ Quốc gia, trong đó có 16 năm làm bảo vệ, lái xe cho “Người công dân Số Một”- Chủ tịch Hồ Chí Minh…
 Một công việc, và một kỷ lục chắc… không có người vượt!

Con phố Phương Mai (Đống Đa- Hà Nội) nằm sát ba bệnh viện lớn, lúc nào cũng đông đúc, ngột ngạt…
Tận cùng trong cái ngách nhỏ thuộc con phố ấy, một ngôi nhà nhỏ chật chội, im ắng đến tĩnh mịch; song sạch sẽ, ngăn nắp và xanh mướt mát đến diệu kỳ. Nó như một ốc đảo giữa ồn ào phố thị. Tuy chật thôi; song người chủ đã khéo tạo nên sân trước, vườn sau. Những cây lộc vừng đang kỳ nở hoa đỏ lựng. Những giò phong lan cuối hè còn vương đầy nụ. Bốn, năm cái lồng chào mào, chòe lửa, gáy, họa mi…treo lủng lẳng; những con chim tranh nhau hót loạn xạ… Một ông cụ cao lớn, tóc húi cao bạc trắng như cước trên khuôn mặt còn đỏ au đang lúi cúi cho mấy con chim ăn. Phong độ. Đĩnh đạc. Vừa thấy mặt tôi, ông cụ đã tần ngần mà rằng: Tiếc quá! Tiếc quá! Có con chào mào hót hay quá mà nó vừa bay mất thôi… Thật không thể tin nổi rằng: đấy lại là một ông cụ đã ở tuổi 84, người có đến 26 năm làm bảo vệ, làm lái xe xuyên suốt hai đời Nguyên thủ Quốc gia, trong đó có 16 năm làm bảo vệ, lái xe cho Hồ Chủ Tịch- “Người công dân Số Một” của Việt Nam!
Trong căn phòng khách nhỏ mà trước đây vốn là cái kho của Nhà khách Văn phòng Chính phủ, đồ đạc khá đơn giản song sắp xếp rất gọn gàng, hợp lý. Ông cụ bảo: Tôi sống rất đơn giản, song rất sạch sẽ… Nhiều năm gần Bác Hồ, có lẽ tôi cũng được ảnh hưởng tính cách của Bác. Bản tính trầm lặng, ít nói, mà khi tôi hỏi về Người, cặp mắt vẫn sáng ngời lim dim một lúc lâu như để hồi tưởng những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời…
Ông là Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931 từ một vùng quê nghèo thuộc xã Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định. Cha mẹ sinh đến 9 người con, nhà ông được coi là nghèo nhất trong cái vùng quê nghèo ấy. Là con trai út, nên từ nhỏ đã được cha dắt díu đi hết Quảng Ninh, Hải Phòng…, cha con làm thuê, làm mướn. Năm 1948, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Mùi từ Quảng Ninh tìm đường về quê, nhập đội du kích. Sau, Pháp đánh chiếm Nam Định, đội du kích dạt sang Thái Bình, gây dựng lại lực lượng. Thái Bình mất nốt, mấy anh em trong đội du kích đành bỏ quê, trốn nhà tìm đường lên Chiến khu Việt Bắc. Cũng may là vừa lên đến Việt Bắc thì Nguyễn Văn Mùi gặp được ông anh cả đang làm ở xưởng đúc tiền. Nhờ anh trai xin cho, Nguyễn Văn Mùi được nhận vào làm công nhân ở đây với nhiệm vụ đốt than, thổi lò… Đến năm 1950, Chính phủ chuyển từ đúc tiền kim loại sang in tiền giấy, anh Mùi chuyên nghề đốt lò, thổi than bỗng dưng… thất nghiệp. Mất một thời gian dài, Nguyễn Văn Mùi được giao nhiệm vụ áp tải lương thực từ đồng bằng chuyển lên chiến khu. Những lúc nghỉ hay rảnh rỗi, Mùi lại năn nỉ lái xe cho… học lái. Với bản tính thông minh, ham học, chẳng mấy chốc anh đã lái được thành thạo, và nghiệp lái xe vận vào chàng thanh niên quê gốc Nam Định từ đây… Ông Nguyễn Văn Mùi nhớ lại: đời tôi có nhiều duyên may. Hôm ấy, đoàn vận tải lương thực đang nghỉ chân ở một cánh rừng, thì gặp đội xe của Văn phòng Chính phủ. Thấy xe tôi đông người, một anh bên Văn phòng Chính phủ hỏi: Sao xe ấy đông thế? Anh phụ trách bảo: thiếu xe, mấy người thay nhau lái một chiếc (cả đội xe vận tải lương thực cho chiến khu hồi ấy có đúng 5 chiếc). Thế rồi một anh–sau mới biết là anh Vũ Hoàng, đội trưởng–sang bảo: thì cho một cậu sang đây! Rồi anh Vũ Hoàng chọn đích danh Nguyễn Văn Mùi, một chàng “xế mới” cao to, mặt mũi hiền lành. Con đường từ quân du kích địa phương đến lái xe cho Văn phòng Chính phủ chỉ đơn giản có thế. Chẳng một Quyết định. Không một dấu mộc. Ông cười: hồi ấy bọn mình lên chiến khu mà cứ như… đi chơi ấy!
Năm 1954, đoàn quân tiến từ Việt Bắc về Thủ đô, Nguyễn Văn Mùi cũng ở trong đoàn quân ấy. Vốn cao to, nhanh nhẹn, Nguyễn Văn Mùi được giao nhiệm vụ: lái xe sau, áp sát, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Suốt 7 năm liền, chiếc xe Pô-Pê-Đa và Nguyễn Văn Mùi lặng lẽ như một cái bóng, lúc cản địa, lúc áp sát, lúc đổi xe, nghi binh…, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho vị Cha già dân tộc. Cho đến một ngày mà ông Mùi không sao quên được; ấy là ngày 15/3/1961, đồng chí Vũ Kỳ gọi ông lên giao nhiệm vụ: “Từ hôm nay đồng chí Mùi chính thức lái xe cho Bác”! Lúc ấy tai ông như ù đi: Không ngờ, cái anh đốt than, thổi lửa trên chiến khu hôm nào, nay được lái xe cho Lãnh tụ cao nhất của Đất nước. Nguyễn Văn Mùi vừa mừng, vừa lo đến thắt ruột. Biết ý, Bác vỗ vai Nguyễn Văn Mùi: “Cháu lái xe cho Bác, cứ đi đứng an toàn, cẩn thận là được. Bác không yêu cầu phải đi nhanh nhưng phải tuyệt đối an toàn, đừng đâm vào ai, cũng đừng để ai đâm vào mình.”! Được lời động viên của Bác, từ lúc ấy ông mới yên tâm. Ông tâm niệm: “Cả đời Bác đã hy sinh cho Dân tộc, không một đòi hỏi. Mình lái xe cho Bác, phải làm sao cho xứng với Bác.” Từ đấy, hàng ngày ông dậy sớm hơn, thay nước, đổ xăng, kiểm tra từng chi tiết nhỏ… Đi đâu Bác thường đi bất chợt, nên sáng sớm sau khi bảo dưỡng xe xong, ông phải dùng tay quay khởi động cho nóng máy, để Bác cần đi là có xe ngay. Hồi ấy, Văn phòng cấp cho ông một gian nhà rộng 10m2 ở số 2- phố Thụy Khuê nhưng chẳng mấy khi ông ở. Suốt đêm, suốt ngày ông trực ở đội xe, Bác cần đi đâu là có ngay. Vợ chồng quanh năm không gặp mặt. Nhớ mãi một lần, hôm ấy sáng sớm Bác phải đi địa phương gấp; đồng chí bảo vệ chuẩn bị không kịp; Bác bảo Nguyễn Văn Mùi: “Cứ đi! Không chờ!”. Lần ấy, đồng chí bảo vệ vừa được một phen vừa lo lắng, vừa ân hận suốt. Là người chuẩn mực về kỷ luật, song Bác lại là người cực kỳ tâm lý và quan tâm đến anh em phục vụ. Năm 1956, khi còn làm lái xe bảo vệ, Nguyễn Văn Mùi về quê cưới vợ. Bác biết, Bác “Mừng cô chú” một cái phong bao bên trong có 20 ngàn đồng. Lúc ấy, 20 ngàn đồng bằng đúng một tháng lương của lái xe, đủ đong một tạ gạo. Việc Bác nhịn ăn nhường khẩu phần ăn cho anh em lái xe, phục vụ đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Sinh nhật, Bác thường tổ chức đi địa phương, tránh tốn kém, mất thời gian. Lần ấy đúng dịp 19/5, Bác đi Vĩnh Phúc. Buổi trưa, trên đường về qua Đông Anh, Bác bảo dừng lại cho đoàn ăn cơm. Suất của anh em lái xe, phục vụ chỉ có ít thịt lợn. Suất cơm của Bác có thêm mấy miếng thịt gà hấp cách thủy. Thấy vậy, Bác gắp cho mỗi người một miếng thịt gà. Có người chưa quen cảnh ấy, ngồi rưng rưng nước mắt, không dám ăn. Bác bảo, cố mà ăn cho hết, không để lãng phí. Ăn để có sức mà làm việc… Ông Nguyễn Văn Mùi bùi ngùi: Thương Bác lắm. Lúc gần mất rồi, mà Bác vẫn cứ nhường nhịn, tiết kiệm... Đến cái quạt điện, Bác cũng cứ bật lên rồi lại tắt. Bác bảo: Vừa đỡ tốn điện; vừa đỡ hại quạt. Đất nước còn thiếu điện! Trưa hè nằm nhà sàn vẫn nóng như rang. Anh em tính lắp cho Bác cái điều hòa mà Bác nhất quyết không chịu. Anh em chúng tôi bàn nhau: hôm nào Bác đi vắng, cứ lắp cho Bác. Vậy mà về nhìn thấy thế, Bác nhất quyết bắt tháo xuống, mang lắp cho một bệnh viện. Bác bảo: “Ở đấy, họ cần hơn Bác”! Đến cái ô tô đảm bảo an toàn là thứ hết sức cần thiết với một lãnh tụ. Song Bác cũng dứt khoát không nhận. Hồi ấy, Liên Xô tặng Bác một chiếc xe Zit-Nanh-Đơ; đây là loại xe sản suất riêng cho nguyên thủ Quốc gia, có kính chống đạn dày đến nửa gang tay. Thấy chiếc xe quá sang trọng, Bác không nhận. Bác gọi tôi ra: “Này chú Mùi, xe mình (là cái xe Pô-Pê-Đa Bác vẫn thường đi) có tốt không?”. Tôi thật thà: “Dạ, tốt ạ…”! Bác bảo: “Tôi nghe chú Mùi; xe còn tốt, không đổi, lãng phí…”! Sau này bác mới bảo với tôi: Đất nước còn nghèo, đi xe sang là lãng phí! Hơn nữa Bác thường xuống với dân, đi xe quá sang không thể gần gũi với nhân dân được…
 Kể hết câu chuyện này thì ông Nguyễn Văn Mùi lắc đầu mà bảo tôi: Thôi, thôi; tôi mà kể cho anh hết những kỷ niệm về Bác thì phải mất ba ngày; chứ đừng nói đến… ba giờ! Là Nhà báo, chỉ cần anh nhớ một điều: Tôi đã học được ở Bác rất nhiều đức tính; nhất là tính tiết kiệm, giản dị… Đến lúc này, tôi mới chợt giật mình: ở trong căn phòng nhỏ vốn sửa lại từ cái nhà kho của Nhà khách Chính phủ ngày xưa (mà bây giờ hay gọi là “Khu tập thể Văn phòng Chính phủ”) quả có nét gì… “quen quen!”: Đồ đạc hết sức giản dị, đơn giản song vô cùng ngăn nắp, sạch sẽ.  Ông Mùi bảo: kể cả khi mất điện, cần tìm thứ gì, tôi chỉ cần với tay một cái là thấy ngay! Con đi làm, cháu đi học, một tay ông lão vẫn đảm đương việc dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc gọn gàng đâu vào đấy. Hết chăm giàn lan lại xoay sang chăm hai bể cá. Hết chăm sóc cho mấy cái lồng chim lại xoay sang tưới tắm cho mấy cây lộc vừng. 84 tuổi, vẫn luôn chân luôn tay. Ông bảo: Bác xưa cũng chẳng lúc nào được nghỉ ngơi; Bác cũng quần quật suốt ngày… Hết đi bảo vệ Bác, rồi lại lái xe cho Bác, 16 năm trời đến lúc Bác mất. 16 năm trời gần gũi, tính cách của Bác như ngấm sang tôi. Anh em phục vụ chúng tôi được Bác coi như ruột thịt trong nhà. Thế nên, chẳng biết trước lúc mất Bác có dặn gì hay không; mà hôm truy điệu, tất cả anh em phục vụ chúng tôi, từ lái xe, cấp dưỡng, bảo vệ… đều được thay nhau đứng trực bên linh cữu Bác như trước một người cha. Cả nhà tôi ơn Bác đúng với nghĩa đen. Hồi cưới xong, vợ tôi ở nhà làm ruộng. Bác biết, Bác bảo tạo điều kiện cho vợ tôi lên “để chú đỡ vất vả”! Thế rồi vợ tôi cũng được lên Hà Nội, sau làm nhân viên phục vụ cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Hai ông bà đều đã nghỉ hưu từ lâu. Với hai xuất lương hưu hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, đủ tằn tiệm cho một cuộc sống an nhàn; song ông bảo: giúp được cháu con ngày nào hay ngày ấy; hơn nữa không làm, không chịu được!
Nói đến đây, thì một lần nữa ông lão Nguyễn Văn Mùi cười lớn: Đấy, tôi đã bảo anh rồi rằng thôi, có kể hết mất 3 ngày chứ đừng nói ba giờ, mà tôi lại… cứ kể… Đấy là chưa nói đến việc sau ngày Bác mất, tôi lại được lái xe cho Bác Tôn Đức Thắng từ năm 1969 đến năm 1980- khi Bác Tôn mất. Thôi nhé, chuyện về Bác Tôn tôi hẹn anh lần sau…
Sau ba giờ, quả thật, phóng viên bản báo lần đầu tiên cảm thấy bối rối và bế tắc trước một nhân vật: Phải là con người thế nào? Phải là một đức tính và cốt cách thế nào, thì mới được tín nhiệm mà trở thành người bảo vệ, người lái xe xuyên suốt cho cả hai đời Nguyên thủ Quốc gia 26 năm trời; trong đó có đến 16 năm vừa làm bảo vệ, vừa làm lái xe cho “Người công dân Số Một”?. Không hẳn vì cả một đời lái xe 30 năm không một lần xẩy ra lỗi! Không hẳn chỉ vì có một đức tính tốt, một vóc dáng cao to hay một võ nghệ cao cường…! Ông Nguyễn Văn Mùi thì bảo: đấy là một mối duyên may! Còn tôi, tôi biết: chỉ có thể là một người có Nhân cách lớn: Nhân-cách-của-người-lái-xe!
Ba giờ và một trang báo, bất lực trước chân dung của ông; tôi đành chỉ biết gọi bằng cái biệt danh mà mọi người đã “mệnh” cho ông: “Người lái xe Số Một”!./.

                                                                                                                  THANH NHUẬN
                                                                                                    



“HIỆP KHÙNG”!
Đã mấy dịp tìm đến mấy nhân vật chuyên sưu tập đồ chiến tranh; thấy lạ, là ông nào cũng bị gán chữ “khùng” đằng sau cái tên (!?) Với ông Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thương – quận Tây Hồ - Hà Nội) cũng không ngoại lệ: Vừa hỏi đến cái tên Nguyễn Mạnh Hiệp, cả chục người dọc đê Yên Phụ ai cũng gật gù: “À, Hiệp bảo tàng, “Hiệp khùng” chứ gì?”…
Ở tuổi 65, song trông ông còn khá nhanh nhẹn, quắc thước. Duy chỉ có cái lưng gù gù, cộng mái tóc bạc trắng với khuôn mặt đen đúa, làm ông như một lão nông khắc khổ. Vừa giời thiệu là phóng viên, ông đã quày quả xua tay mà rằng: Thôi, thôi! Tớ bận lắm! Còn đang bận đi xin tài trợ cho anh em vào chiến trường xưa đây… Bà vợ - một người phụ nữ nhỏ thó, mau mắn- ái ngại ghé tai phóng viên: “Ông ấy bị thương ở đầu, khùng khùng suốt mấy chục năm nay anh ạ”… Nguyễn Mạnh Hiệp cười ha hả: Thì 21 năm nay, cả phường, cả quận, cả nhà vẫn gọi tôi là “Hiệp khùng” đấy thôi! Chỉ đến khi thấy phóng viên đứng tần ngần trước tấm ảnh “Hiệp khùng” chụp chung với nữ Anh hùng Kan Lịch; và biết phóng viên có mối quan hệ đặc biệt với “Người con gái Pa Kô” này, “Hiệp khùng” mới thay đổi hắn thái độ, bù khú tiệp phóng viên suốt một buổi sáng trời mưa tầm tã. Nguyễn Mạnh Hiệp bảo: Kan Lịch là chiến sĩ địa phương của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), từng dẫn tôi đi đánh hàng chục trận. Kan Lịch vừa là đồng đội, vừa là ân nhân. Người quen Kan Lịch, không thể không tiếp… Lúc này, cái tính khùng khùng bến mất. Song Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn luôn nhận mình… khùng! Ông bảo, ông bị gán tên “khùng” từ 21 năm trước, khi ngày ấy ông cứ khuân về một lô một lốc nào bom, súng, với bi đông, ba lô… toàn của người đã chết về, bày biện khắp nhà. Người ta thì sưu tập đồ cổ, đồ đồng, đồ gốm… Ông thì đi sưu tập đồ chiến tranh, bán chẳng ai mua, xin chẳng ai cho, không “khùng” mới lạ. Khổ nhất là giai đoạn mới bắt tay vào làm: một ngôi nhà cũ tin hin dưới chân đê Yên Phụ, sáu vợ chồng cha con đã phải xoay xỏa trong sự chật chội, nay lối chẳng có mà đi vì ngổn ngang toàn bom với đạn. Có lúc bà vợ và bốn đứa con phải kêu trời vì những thứ mà người ta gọi là “đồng nát”. Sau, đêm đêm thấy ông chong đèn ngồi ngắm nghía, lau chùi từng món đồ vật, cả vợ và bốn đứa con như có sự cảm thông, lại xoay ra ủng hộ ông hết mình trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh…

Thật ra ban đầu, Nguyễn Mạnh Hiệp không có thú trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh.
Hồi ấy, khi mới 18 tuổi, vừa mới học xong lớp 9, Nguyễn Mạnh Hiệp xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng vừa hành quân, vừa huấn luyện mới vào đến chiến trường Bình Trị Thiên. Suốt 9 năm làm lính trinh sát ở mặt trận A Lưới, ở chiến trường Bình Trị Thiên, Nguyễn Mạnh Hiệp nhớ vùng chiến sự này như lòng bàn tay. Ông bảo, hồi ấy chiến sĩ hy sinh nhiều. Anh em trong đơn vị bảo nhau: Nếu anh nào chết, thì anh sống cố mang vật gì đó về cho gia đình làm… kỷ niệm. Song ở mặt trận, giữa sự sống và cái chết chẳng biết thế nào, nên cũng chẳng thực hiện được. Năm 1975, Nguyễn Mạnh Hiệp xuất ngũ, về công tác ở Bộ Văn Hóa với tấm thẻ thương binh 4/4 và một kỷ vật duy nhất là chiếc cốc nước của Đại tá Nguyễn  Văn Thọ mà ông thu được trong trận “Lam Sơn 719”. Suốt cả chục năm công tác ở Bộ Văn hóa, Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn đau đáu với lời dặn của đồng đội, là đưa những kỷ vật về cho gia đình liệt sĩ. Đối với ông, đó như món nợ với đồng đội. Phải đến năm 1996, sau khi xin nghỉ “hưu non”, Nguyễn Mạnh Hiệp mới có dịp và thời gian để trả món nợ này. Vợ làm công nhân ở Sở Giao thông, một nách nuôi bốn con nhỏ, tiền của chẳng có; Nguyễn Mạnh Hiệp từng bán món đồ cuối cùng trong nhà để trở lại chiến trường xưa, tìm lại di vật của đồng đội mà trong dân địa phương còn lưu giữ rất nhiều. Đầu tiên chỉ là những cái cốc, chiếc mũ cối, đôi dép cao su…; có khi cả chuyến đi mang về chỉ đúng mỗi cái ba lô… Tuy là những kỷ vật nhỏ; song phần lớn, kỷ vật nào cũng có một bản “lý lịch”, cho biết rõ đấy là đồ của ai, hy sinh năm nào, và ở chiến trường nào…? Mỗi kỷ vật là cả một câu chuyện. Không có ý định sưu tầm. Song sau những món kỷ vật đầu tiên, ông bảo, lạ lắm, cứ như có những linh hồn chiến sĩ theo về. Nhiều đêm nằm mơ, cũng thấy anh em trách cứ, hay dặn dò… Có lần, có anh em còn chỉ dẫn cho rằng ở chỗ ấy, chỗ nọ, có cái này, cái kia…, thế là lại lên đường, lại đi… Có khi chỉ là cái lược bằng xác máy bay; có khi chỉ là cái ca uống nước làm bằng vỏ đạn… Ông bảo, mỗi thứ như có linh hồn chỉ dẫn cho ông tìm đến; và tự dưng ông biến thành nhà sưu tập lúc nào cũng chẳng hay. Những kỷ vật nho nhỏ còn đỡ, như những đôi dép, cái mũ, chiếc máy bộ đàm… Có khi, chỉ một ba lô, hoặc một chiếc hòm, về nhà mở ra đã có vài ba chục kỷ vật. Tốn công sức, tiền của nhất là những quả bom từng ném xuống đơn vị mà đến nay còn nguyên thuốc nổ; rồi mảnh chiếc máy bay bị chính nữ anh hùng Kan Lịch bắn cháy năm nào… Có lần lên A Lưới, gặp quả bom tấn mà Mỹ ném xuống còn nguyên thuốc nổ. Vật nài mãi, chủ nhà hàng sắt vụn mới bán cho ông với giá “hữu nghị” là 3 triêu đồng. Vét xong đồng tiền cuối cùng, ông lại “hỏa tốc” ra Bắc, xin tiền vợ trở vào, thuê người khui thuốc nổ rồi lại thuê xe chở ra. Không ít lần bị công an bắt vì “buôn bán vũ khí chiến tranh”; sau biết ông là “nhà sưu tập”, lại được thả ra. Từ ý định ban đầu là sưu tập kỷ vật của đồng đội, ông Nguyễn Mạnh Hiệp chuyển sang ý đồ dựng lại hình ảnh cuộc chiến của cả hai phía trên mặt trận Bình Trị Thiên; nên ông sưu tập đủ thứ, nhưng chủ yếu từ mặt trận A Lưới và Bình Trị Thiên. Từ chiếc cúc áo, chiếc máy bộ đàm, cái ba lô, mũ cối… của chiến sĩ ta, đến những vật dụng vũ khí của phía bên kia. Cứ cái gì thuộc Bình Trị Thiên, thuộc A Lưới là ông lại rinh về. Người dân Phú Thượng một thời xầm xì cho rằng ông đi buôn bán sắt vụn! Có người hỏi thăm, đánh thuế! Ông bảo, mỗi kỷ vật là một linh hồn! Mà ai đánh thuế linh hồn? Sau, mọi người hiểu ra, cảm phục, động viên, thậm chí giúp đỡ. Ông bảo, biết trong vùng A Lưới có kỷ vật gì, không mang về được, không chịu được! Có cái đầu máy bay F111 nài nỉ mãi người ta mới bán cho. Lúc trở ra Bắc lấy tiền quay vào thì người ta bán mất rồi, ông tiếc hùi hụi đên tận bây giờ. Có cái cây nhiệt đới còn nguyên vẹn, người ta đòi đến 30 triệu đồng; thích qua mà không đủ tiền mua. Trong mỗi cây nhiệt đới chẳng hiểu có tác dụng gì mà lại có cục vàng to bằng viên bi nên đắt lắm. Ông đành bỏ ra mấy triệu mua cái cây nhiệt đới mà đã bị người ta tháo mất cục vàng ấy ra rồi, nên chẳng còn nguyên vẹn…
Cư thế suốt 21 năm nay, cả trăm lần Nguyễn Mạnh Hiệp trở lại chiến trường xưa đi tìm kỷ vật. Năm ít nhất cũng một vài lần. Có năm ông đi tới … 10 lần. Có khi, cứ đầy chuyến đồ lại ra. Cũng có khi, cứ hết tiền thì lại ra! “Kiến ta lâu cũng đầy tổ”, nay ông đã có trong tay bộ sưu tập tơi trên 3.000 hiện vật chiến tranh, chủ yếu từ vùng A Lưới và Thừa Thiên Huế. Nhỏ nhất như cái lược, viên đạn; lớn nhất như những quả tên lửa vác vai, quả bom tấn, đến cái cánh máy bay Mỹ…
Một căn phòng rộng 100m2 khắc họa đầy đủ hình ảnh của cuộc chiến khốc liệt. Một cái sân rộng cả trăm mét vuông lủng củng nào bom, nào đạn, nào pháo… Xác máy bay, tên lửa… treo kín bờ rào… Kỷ vật mà ông tâm đắc nhất vẫn còn giữ được là chiếc chăn và chiếc võng do Thiếu tướng Trần Minh Đức tặng trong lần ông bị thương nằm viện 268 sau trận đánh đồn Mang Cá (Thừa Thiên Huế). Hôm ấy, ông bị thương nặng; nằm viện mà chăn màn, quần áo cũng chẳng có. Thấy vậy, Thiếu tướng rút chăn, võng của mình trong ba lô ra tặng cho chiến sĩ Hiệp. Ông bảo: Chăn và võng ấy vẫn còn thẫm máu của tôi…
Với một vết đạn vào đầu, bây giờ nhiều lúc Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn khùng khùng, nhất là những ngày trời nắng. Hết khùng, ông lại đi. Hai suất lương hưu của hai vợ chồng nhiều khi chẳng đủ cho những chuyến đi, lại phải vay mượn anh em, bạn bè. Nay những chuyến đi dư dả hơn, bởi ông có một vườn cây cảnh rộng 700m2 đã đến kỳ làm hàng hóa. Sắp sửa đến mỗi chuyến đi, ông lại gọi khách đến… bán cây. Có người bảo: giá như 21 năm nay ông sưu tầm đồ cổ, đồ đồng, đồ sứ… thì nay đã thành… tỷ phú. Ai đời lại đi sưu tầm toàn đồ sắt vụn? Còn đối với ông, ông bảo: 3.000 kỷ vật sắt vụn của ông mới là vô giá: đấy là những linh hồn! Đêm đêm ngồi lau chùi từng món kỷ vật, thầm thì nói chuyện với những cái ca, cái cốc, chiếc ba lô…, ông thấy đồng đội hiện về, thân thiết, gần gũi và làm ông nhẹ vơi đi nỗi lòng. Người vợ tần tảo từ chỗ gọi ông là khùng, là điên vì mang toàn đồ liệt sĩ về bày biện khắp nhà, nay trở thành phụ tá đắc lực, lo toan cho ông trong mỗi chuyến đi. Không chỉ là nơi để hàng chục du khách đến đây để chiêm nghiệm mỗi ngày; cái Bảo tàng chiến tranh của ông còn là nơi tụ hội của đồng đội, của những cựu binh đến đây để nhớ lại một thời lửa đạn. Đây còn là bộ giáo cụ khổng lồ có một không hai cho những lớp học sinh nội thành, ngoại thành đến để tìm hiểu về chiến tranh.
Trước lúc phóng viên chuẩn bị ra về, thấy tiếng ông Nguyễn Mạnh Hiệp tất tả goi con trai, nhờ bán hộ bố vài cái cây lấy tiền trở lại A Lưới trước ngày 27/7.
Vườn cây lại sắp hụt đi. Và cái bảo tàng chiến tranh chắc lại có thêm dăm ba món đồ mới!

THANH NHUẬN


KHI GIẤY KẾT HÔN LÀ MỘT… 
“CÔNG HÀM”!

Báo chí đã viết nhiều về chuyện tình của anh – một cán bộ ngành TDTT cũng mới nghỉ hưu. Thậm chí, có đài truyền hình nước ngoài đã dựng thành phim, và gọi vợ chồng anh là “Romeo và Juliet của Châu Á”…
Thực tế, câu chuyện tình yêu của vợ chồng anh còn li kỳ hơn “Romeo – Juliet” của Shakespear cả trăm lần. Bởi nó không chỉ gặp rào cản pháp luật giữa hai nước; mà còn bị chi phối bởi sự “nóng – lạnh” của hai phe XHCN và TBCN, bởi sự thăng trầm trong quan hệ giữa các nước, của những biến cố chính trị, những cuộc chiến tranh… Để rồi sau 31 năm đợi chờ, phải nhờ đến nguyên thủ Quốc gia, đến Bộ Ngoại giao…, “câu chuyện tình yêu” của họ mới được kết trái bởi cả một… “Công hàm”…
1. Mối tình… “sét đánh”!
Con đường Đê La Thành (Ba Đình – Hà Nội) lúc nào cũng ồn ã, bụi bặm… Khu tập thể Thành Công được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã trở nên xập xệ, chắp vá; 8 giờ tối, kẻ mua, người bán vẫn huyên náo như một cái chợ…
Căn phòng nhỏ của cặp vợ chồng vẫn được mệnh danh là “Romeo – Juliet” lại tách bạch, trầm mặc giữa cái cảnh phố xá huyên náo ấy. Một khoảng sân chung trống trơn. Căn phòng tiếp khách chật tin hin. Sau cái cánh cửa kéo gỉ sét: một bộ bàn ghế bằng gỗ tạp đã cũ; một chiếc giường đơn vừa để ngồi uống nước, vừa để đón khách... Ấn tượng nhất là cái xe máy Uran to uỳnh oàng sản xuất từ thời Liên Xô mà ông vẫn dùng để giám sát các đoàn vận động viên đua xe đạp… 65 tuổi, tóc hói trắng đầu, song trông vẫn tráng kiện đúng vóc dáng của nhà thể thao. Vậy mà ông bảo: “Để có được cuộc sống như thế này, tôi đã phải “chiến đấu” suốt… 47 năm”!?
Vốn xuất thân từ một gia đình được coi là danh giá mà bố làm ở Bộ ngoại giao, mẹ làm ở Ngân hàng Nhà nước; 18 tuổi, Phạm Ngọc Cảnh được cử sang Triều Tiên học chuyên ngành máy hóa chất ở Trường Đại học Công nghiệp hóa học Hàm Hưng. Vốn vóc dáng cao to, đẹp trai; lại đóng gần một trường chuyên đào tạo lao động nữ của Việt Nam; song suốt 4 năm trời, Phạm Ngọc Cảnh không một lần rung động trước một ai. Hồi ấy, có người bảo Cảnh… kiêu (!); có người lại bảo: Cảnh có… vấn đề… (!).
Cho đến một ngày của năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh đi thực tập ở Nhà máy sản xuất phân đạm, nằm ở một thị trấn nhỏ ven biển. Là nhà máy, song vách tường của các phân xưởng làm toàn bằng kính. Có lần ngang qua phân xưởng tinh luyện khí, Phạm Ngọc Cảnh tò mò nhìn qua ô kính. Một cô gái mặc bộ đồ lao động đang chăm chú trước hộp công tác: Da trắng ngần như tuyết; cái mũi dọc dừa thanh tú; đôi môi chẳng son phấn mà đỏ mọng… Đặc biệt, cặp mắt đen láy nhưng trĩu buồn lúc ngước lên bắt gặp đúng lúc mắt Cảnh đang nhìn trộm làm cả hai cùng sững sờ. Lúc ấy, chàng trai Phạm Ngọc Cảnh chỉ biết ước ao: “Giá mà cô ấy làm vợ mình”; mà không hề biết rằng cái “tận khổ” của sự “lụy tình” bắt đầu vận vào anh từ ánh mắt ấy …
Hồi ấy, Việt Nam và Triều Tiên đều đang ở những năm đầu của xây dựng CNXH; hai nước lại mới đặt mối quan hệ; nên vấn đề kỷ luật của cả lao động lẫn lưu học sinh được đặt lên hàng đầu. Bất kỳ ai có quan hệ nam nữ, nhất lại quan hệ với người nước ngoài, đều bị cho về nước ngay, thậm chí bị kỷ luật rất nặng. Ngay cả việc nói chuyện giữa nam – nữ nước khác cũng không được phép. Phạm Ngọc Cảnh cũng không muốn rơi vào tình cảnh như thế, song bắt mình không yêu thì lại… không thể. Thế nên, anh trở nên hết sức thận trọng, âm thầm bước vào cuộc chinh phục tình yêu với một cảnh giác cao độ. Ri Yong Hui là một nữ công nhân khá cần mẫn. Trong mỗi ca, cô phải đi lại liên tục từ đầu phân xưởng đến cuối phân xưởng. Lợi dụng những lúc như thế, chàng trai Việt lại giả vờ đi ngược chiều; mỗi lần chạm mặt, hai người vẫn phải vờ như không quen, để chỉ khẽ chào nhau một câu, hoặc nhìn nhau một cái rồi ai lại về vị trí nấy. Tuy vậy, chàng trai Việt khấp khởi nhận định: phải chăng, “nàng” đã… “cảm” ?!
Cho đến một lần, lúc cả phân xưởng đã đi ăn trưa hết, chỉ còn mỗi mình Ri Yong Hui cặm cụi trong phòng máy. Phạm Ngọc Cảnh vờ cầm tập tài liệu vào phòng, hỏi cô gái một vài số liệu. Ri Yong Hui đã co dúm người vì… sợ! Song, chỉ trong vòng… 2 phút, chàng thanh niên Việt Nam đã kịp hỏi cô gái Triều Tiên: Em đã có người yêu chưa? Chỉ một câu: “Em chưa có”… Hai người chỉ kịp ghi địa chỉ cho nhau, cùng với một tấm hình mà Phạm Ngọc Cảnh chụp chung với hai người bạn. Vậy mà, cái “duyên trời” 31 năm đeo đuổi hai con người khác quốc tịch chỉ sau cái thời gian 2 phút ấy.
2./. Hành trình 31 năm…
Đầu năm 1973, Phạm Ngọc Cảnh lên đường về nước. Chiều ấy trên sân ga Bình Nhưỡng, người ta thấy một cô gái Triều Tiên cứ chạy theo đoàn tàu mà vẫy vẫy chiếc khăn với lời tiễn biệt: “Anh cứ về nước đi, nơi đây em sẽ mãi đợi anh”… Về nước rồi, Phạm Ngọc Cảnh vẫn phải giấu nhẹm mối tình với cô gái Triều Tiên, ngay cả gia đình lẫn bạn bè, không một ai hay biết. Phải vài tháng sau, chàng trai si tình Việt Nam mới dám gửi lá thư đầu tiên cho người bạn gái Triều Tiên. Để tránh kiểm duyệt, những lá thư phải “mạo danh”: người gửi là tên một cô gái Triều Tiên; còn người nhận là… mẹ người yêu. Mà trong thư cũng chỉ dám viết những câu mà khó có thể ai bắt bẻ, như “Đồng chí Ri Yong Hui có khỏe không?”; rồi “Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ”… Nếu có “ướt át” lắm thì cũng chỉ là những câu như “Mùa đông này, tuyết ở Hàm Hưng có dày hơn không?”… Vậy mà sau này Ri Yong Hui cho biết, những bức thư vẫn bị kiểm duyệt nhiều lần, rồi mới đến tay người nhận… “Cẩn thận” như vậy, mà cũng đến một ngày, hai người bặt tin nhau vì những lá thư không thể đến đúng địa chỉ. Ri Yong Hui thì nghĩ: anh ấy đã thay lòng, đổi dạ. Bên này đại dương, chàng trai Việt vẫn nóng lòng chờ tin từ đất nước Triều Tiên. Năm 1997, một người bạn công tác ở Bộ ngoại giao cho biết: Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sắp sang thăm Triều Tiên! Vốn là chỗ quen biết của gia đình, Phạm Ngọc Cảnh tìm đến tận nhà Bộ trưởng, nhờ giúp đỡ trong việc tìm lại tung tích người yêu. Bộ trưởng cảm động trước mối tình xuyên biên giới, vui vẻ nhận lời và nhờ Bộ ngoại giao Triều Tiên giúp đỡ. Chỉ ít ngày sau, một người trong Bộ ngoại giao Triều Tiên báo tin: Ri Yong Hui đã... đi lấy chồng (?). “Không thể tin được; nếu lấy chồng, cô ấy đã lấy từ nhiều năm trước”! Với một niềm tin như vậy, Phạm Ngọc Cảnh vẫn tiếp tục tìm mọi mối quan hệ, mọi hoàn cảnh để tìm tung tích người yêu. Khoảng năm 2000, biết Sở TDTT Hà Nội có một số huấn luyện viên người Triều Tiên đang huấn luyện Taekwondo, Phạm Ngọc Cảnh xin chuyển hẳn về đây để có cơ hội tìm tung tích Ri Yong Hui. Và, cái tin đầu tiên mà anh nhận được là: “Ri Yong Hui đã chết cách đây 10 năm…”! Lúc này, Phạm Ngọc Cảnh đã nửa tin, nửa ngờ; song vẫn tiếp tục nhờ một người bạn làm phiên dịch tìm về tận thị trấn Hàm Hưng tìm hiểu, xem Ri Yong Hui chết trong trường hợp nào, và từ hôm nào…? Không ngờ, chính người bạn đã từng báo Ri Yong Hui đã đi lấy chồng, lại báo một tin khác: “Cô ấy vẫn… chờ”! Niềm vui trong Phạm Ngọc Cảnh như vỡ òa… Mãi về sau anh mới biết: thời gian hai người thất lạc tin tức, thậm chí nhận được những thông tin sai; là do hồi ấy, quan hệ giữa một số nước liên quan đang trong giai đoạn “thiếu ấm áp”; nên những thông tin số phận một con người cũng… không được chính xác! Phạm Ngọc Cảnh nhớ lại: thời điểm 1992 – 2000, là thời kỳ Thế giới có nhiều biến động, mà mỗi biến động ảnh hưởng đến Triều Tiên, cũng là một ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm. Mỗi biến động của Triều Tiên đều ảnh hưởng đến sự khắc khoải của chàng trai si tình người Việt. Khi Mỹ mở cuộc chiến tranh với IRắc, Phạm Ngọc Cảnh cũng đứng ngồi không yên, vì IRắc có mối quan hệ khá mật thiết với Triều Tiên…, chỉ lo… lỡ có chuyện gì (?). Rồi vô số những mối quan hệ quốc tế kiểu như vậy, Phạm Ngọc Cảnh biết: nó đều ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm của mình. Bởi anh biết, Luật pháp Triều Tiên rất nghiêm khắc, và có mối liên hệ khá mật thiết… Những năm 1990 của thế kỷ trước, biết Triều Tiên đang gặp khó khăn về lương thực. Lúc này đang làm trưởng đoàn vận động viên xe đạp của Sở TDTT Hà Nội, anh tiên phong trong việc vận động vận động viên, rồi cán bộ Sở TDTT quyên góp tiền, gạo… giúp bạn. Phía Chính phủ Triều Tiên cũng biết việc này. Và chính đây cũng là một trong những việc mà Phạm Ngọc Cảnh đã làm cho Chính phủ Triều Tiên biết và… quan tâm hơn tới hoàn cảnh của anh… Nhớ hồi năm 1978, Phạm Ngọc Cảnh được cử sang Triều Tiên 3 tháng để nghiên cứu về ứng dụng của thuốc trừ cỏ. Biết việc kết hôn hết sức khó khăn, Phạm Ngọc Cảnh đã thổ lộ với người mình yêu: viết thư gửi vợ Chủ tịch Kim Nhật Thành (lúc ấy là Chủ tịch Hội Phụ nữ Triều Tiên) định nhờ giúp đỡ. Ri Yong Hui đã khuyên: nếu anh làm vậy, anh sẽ mất em vĩnh viễn!
Mãi cho đến năm 2002, biết tin có đoàn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Triều Tiên do Chủ tịch Trần Đức Lương dẫn đầu. Một lần nữa, Phạm Ngọc Cảnh lại đôn đáo viết thư, rồi viết đơn nhờ Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Di Niên giúp đỡ. Chưa yên tâm, anh lại lên tận Vụ phó Vụ Châu Á Lê Văn Cự nhờ giúp đỡ. Ông Cự cười: Tôi cũng đã có thư gửi Chủ tịch nước rồi mà không biết thế nào? Ngày mồng 2/5/2002 đoàn sang Triều Tiên; mồng 5 về, ông Lê Văn Cự thông báo luôn: Trong lúc máy bay đang bay, Bộ trưởng Nguyễn Di Niên đã báo cáo với Chủ tịch nước; Chủ tịch rất cảm động và đưa việc của anh vào mục cuối cùng của… chương trình nghị sự! Và trong buổi gặp gỡ lãnh đạo giữa hai nước, “mục cuối” ấy đã được… thông qua! Song, từ khi được “thông qua” đến có được một “Công hàm” chính thức cho hai người kết hôn cũng phải trải qua nhiều chặng đường gian nan với thời gian gần… 5 tháng. Chẳng là tháng 2/2002, Phạm Ngọc Cảnh được mời sang dự cuộc thi xe đạp nước ở Hàn Quốc. Anh lại lên Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc, nhờ Đại sứ tác động giúp với Triều Tiên cho… nhanh. Kẻo anh sợ Mỹ đang chiến tranh với IRắc, ảnh hưởng đến Triều Tiên, mà sẽ ảnh hưởng đến cái Công hàm mà anh đang nóng lòng chờ đợi. Cuối cùng, giữa tháng 9/2002, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo: Đại sứ Triều Tiên đã đến Bộ Ngoại giao trao Công hàm… cho hai người lấy nhau, với điều kiện: Ri Yong Hui vẫn là… công dân Triều Tiên! Niềm vui trong anh như vỡ òa sau 31 năm nín thở chờ đợi, khắc khoải: “Hôm ấy, tôi như… hóa điên”!
Hôm sang Triều Tiên đón vợ về, dư giả tiền do anh em giúp đỡ; song hai vợ chồng quyết định về bằng xe lửa, không dám đi máy bay. Anh bảo, đi máy bay lỡ có chuyện gì, sợ phí… 31 năm! Về đến Hà Nội thì chẳng còn đủ tiền mà làm đám cưới. Sở TDTT Hà Nội, rồi Liên đoàn xe đạp… lại một lần quyên góp tiền, tổ chức đám cưới cho anh chồng Việt, vợ Triều Tiên tưng bừng ngay Nhà thi đấu Hà Nội…
Bây giờ, “chú rể” về hưu đã được 5 năm nhưng vẫn làm phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Xe đạp – Mô tô thể thao Tp.Hà Nội, tuần tuần vẫn cùng các đoàn đua tập luyện… “Cô dâu”, trước đi bán chăn, ga, gối, đệm thuê, rồi học tiếng Việt... Nay ngày ngày chị vẫn cần mẫn cùng chiếc xe đạp điện đi dạy tiếng Hàn Quốc cho các Trung tâm. Căn hộ rộng chừng dăm chục mét vuông, lúp xúp, ngăn ra một nửa cho thuê mỗi tháng cũng được dăm triệu. Cùng với lương hưu của chồng mỗi tháng 4 triệu, tằn tiệm đủ cho cuộc sống một cặp vợ chồng son. Hôm gặp chị, tôi hỏi: Chị thấy Việt Nam thế nào? Gương mặt trắng ngần vẫn thanh tao chợt bẽn lẽn: “Tôi hạnh phúc lắm khi được làm dâu Việt Nam” – một giọng tiếng Việt vẫn chưa sõi !/.
                                                                                                                          
Thanh Nhuận.