Translate

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Về hưu trường kỳ tạp chuyện.

I. CHUYỆN NHÀ ÔNG ĐẤU MỞ HÀNG NƯỚC                

Cái nhà ông bán hàng nước đầu phố tôi gọi là ông Đấu: Phạm Văn Đấu. Nghe kể hồi bà cụ sinh ra ông đúng năm 1940, cái năm Nhật - Pháp câu kết với nhau, bắt dân nhổ lúa trồng đay, trăm nhà cả trăm đói xơ, đói xác. Mẹ ông mang thai chín tháng mười ngày mà không đẻ được vì đói quá. Trong nhà còn cái đỉnh thờ bằng đồng trải qua bốn đời cụ, kị, tính đã già trăm năm, bố ông cầm lòng mang đổi cho địa chủ Canh ở đầu làng lấy một đấu thóc. Xay giã, sàng sẩy xong, cha nấu cho mẹ ông một nồi cháo to; bà húp một mạch hết tám bát, húp xong nằm xuống ổ rơm là đẻ ngay, đẻ xong thì bà cũng chết luôn, phần vì mất máu, phần vì bội thực. Bố ông đặt tên cho ông là Đấu để nhớ cái đấu thóc oan nghiệt hồi ấy...
Ông Đấu trước làm ở nhà máy nước; bà Đấu trước làm ở nhà hộ sinh thị xã; hai ông bà cùng mới nghỉ hưu đầu năm ngoái. Ăn ở với nhau gần bốn mươi năm, hồi còn trẻ, bà  sinh nở  đến ba bốn đận song không lần nào giữ được, toàn đẻ non. Đến ngoài bốn mươi tuổi thì bà “tịt” hẳn. Nhà quạnh quẽ, vắng vẻ, thiếu nhất là vắng tiếng trẻ con nghe nó cứ âm u... song được cái ông Đấu tốt tính, lại thêm cái mác cán bộ phòng tổ chức nhà máy nước nên cũng chẳng nghĩ đến cảnh vợ bé, vợ to gì cả. Hồi còn đi làm công chức, ông bà cứ gù ghì sớm đi, tối về, chẳng to tiếng với ai, chẳng ai ghét, ghét ai; gần bốn mươi năm vừa đi bộ đội, vừa đi làm ông mới được về hưu, chức tước chẳng to tát gì cũng  là cái anh trưởng phòng hưởng lương kịch bậc cao chót vót, cả ông cả bà cứ nhẩn nha mà sống, an nhàn, sung túc nhất phố.
Đùng một cái đầu năm ngoái, cả hai ông bà cùng nhận sổ hưu. Không đi làm nhưng đều đều đầu tháng, hai ông bà có gần triệu bạc lương hưu. Đồ đạc trong nhà đã sắm đủ; hơn nữa nhà hai người, không sắm thì thiếu, sắm ra lại thừa. Ăn tiêu dư dả, tháng tháng ông bà cũng để ra được ba, bốn trăm ngàn, khéo xoay xỏa thêm mỗi tháng cũng mua được chỉ vàng bỏ ống bơ. Khổ mỗi cái là buồn. Sống giữa khu phố sầm uất nhất nhì thị xã mà lắm lúc ông nghĩ đang sống trên... rừng! Suốt ngày, căn nhà nhỏ của ông vắng vẻ, quạnh quê đến gai người. Hồi mới về có sáng vùng dậy, ông vội vàng đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, lấy cặp rồi dắt xe đi... Sực nhớ mình vừa về hưu, lại tần ngần quay vào ngủ tiếp. Hồi còn đi làm, nhà tuy gần, song sáng nào ông cũng là người đến cơ quan sớm nhất. Thì nhà có hai người, vợ trực trọt suốt ngày, ngồi nhà một mình cũng buồn. Sáng nào cũng vậy, ông đến cơ quan từ lúc lão bảo vệ vừa mới ngủ dậy. Là cái anh trưởng phòng nhưng sáng sáng ông vẫn quét dọn phòng, đánh ấm chén; xong, ủ ấm trà nóng rồi ra cổng cơ quan, hôm làm nghìn xôi, hôm quả trứng luộc..., trở về cũng là lúc ngấm ấm trà, anh em trong phòng lục tục kéo đến. Nhìn mọi người hít hà chén trà thơm lừng, nóng dãy, ông cũng cảm thấy khoan khoái trong lòng. Là người ít học, năng lực cũng chẳng  có gì; song được cái chu đáo với anh em, cơ quan quý mến, năm nào ông cũng được bầu là “Lao động tiên tiến”, thậm chí được cất nhắc từ tổ phó, tổ trưởng rồi đến phó phòng, trưởng phòng, chỉ đạo hàng chục con người. Tuy chỉ là một chân "sếp" nho nhỏ, song ngày ngày có người báo cáo, thưa  gửi, nhiều lúc ông thấy mình cũng quan trọng. Hồi còn đi làm, anh em trong phòng bảo nhau: cùng lạng trà ấy, anh Đấu pha bao giờ cũng ngon hơn, đậm và thơm hơn... Vậy mà giờ đây ông đã về hưu. Sáng, chiều sống trong căn nhà vắng heo vắng hút, nỗi buồn càng khôn kể xiết. Ông vốn sợ sự vắng vẻ. Vợ chồng già chuyện phiếm với nhau mãi rồi cũng hết. Hàng xóm láng giềng suốt ngày buôn bán, bận mải làm ăn, sang nhà người ta chơi có khi không tiện. Nhà có cái  ti vi, cái Cát xét, một cái giường và một cái tràng kỷ, hai ông bà cứ thay phiên nhau: ông nằm giường thì bà tràng kỷ; ông nằm tràng kỷ thì bà lại ra giường, suốt ngày chỉ có mỗi việc dán mắt vào cái ti vi, ăn xong bữa sáng đã chuẩn bị cho bữa trưa... cuộc sống cứ thế trôi đi, lặng lẽ, tẻ nhạt như một cỗ máy cũ nát.
Từ ngày về hưu ông Đấu có cảm giác mình thừa ra, cái gì cũng thừa; song sợ nhất là thừa cái tay. Nói như người ta là không biết đút tay vào đâu, cứ buồn rấm rứt, lắm lúc chỉ ước có mảnh vườn, cái ao mà bắt sâu, thả cá, ước có tiếng trẻ con để suốt ngày nó bi bô... Thế mới biết nhiều anh khôn lắm: sắp về hưu đã chuẩn bị vườn cây, nhà nghỉ, tạo thú vui phòng lúc xế chiều...
Đến một hôm, bất chợt trong đầu ông Đấu loé lên một ý nghĩ: Tại sao ta không phát huy cái “năng khiếu” pha nước trà của mình từ ngày còn đương chức ? Nhà gần đường, gần các quán cơm, quán phở, lại chưa có quán nước trà nào cả? Vừa có việc làm, vừa tăng thu nhập, và nhất lại “khôi phục” được cái công việc ngày xưa là pha trà đợi khách. Biết đâu chẳng kéo cả hội về hưu  đến trò chuyện như tao đàn. Và thế là ông quyết định mở ngay quán nước trà thật. Vợ ông thì bảo:
- Ai đời ông trưởng phòng ra đầu hè bán quán nước trà, chẳng bõ người ta cười cho vào mũi. Ông bảo: Đàn bà biết cái gì? Có cái gì xấu nào! Hai hôm sau, một cái bàn, ba cái băng, hộp thuốc lá, hộp kẹo cao su và ấm nước trà  đã xuất hiện. Cả phố xôn xao trước sự kiện của Đấu về hưu mở quán nước trà, kẻ khen, người chê, riêng ông thì mặc. Phải nói rằng lời đồn ông Đấu sành uống trà và có "khiếu" pha trà kể cũng không ngoa. Ông bảo: "Trà Thái, gái Tuyên", người ta bán hàng nước mua trà chục ngàn một ký  mới hòng có lãi, ông là cứ phải trà Thái chính hiệu gần năm mươi ngàn một ký. Ông bán trà cho vui mà không hám lời! Sợi chè phải sóng, săn se như cái lưỡi câu, bốc vào ấm tích nghe tiếng soang soảng... Nhà ông có bể nước mưa hứng từ cây cau trong văn vắt hơn đứt nước khoáng Lavie,  ai xin ông cũng không cho, chỉ để pha trà mời khách. Cứ nhìn cái cung cách pha trà cũng đủ biết ông diệu vợi chừng nào: ấm chén phải trắng như ngà; ngâm nước sôi nóng ran rồi mới bỏ trà vào ấm; một chén trà dùng cái que kem gạt ngang, bỏ vào ấm rồi vẫn còn kêu loong coong. Nước sôi già tráng qua cho mềm sợi, rồi mới đổ nước xăm xắp, ủ vào giỏ bông, lúc khách đến mới lấy ra chế thêm nước vào. Chén nước rót ra phải xanh đậm như nước chè xanh xứ Nghệ, mà vẫn sóng sánh vàng như mật ong, trông loang loảng mà cắm tăm không nổi, mới rót được nửa chén mùi thơm ngầy ngậy đã ùa và mũi... Ăn sáng xong vào quán ông Đấu chiêu một chén nước trà, nước trôi đến đâu biết đến đấy, người tỉnh ra đến đấy. Mà đã uống trà buổi sáng cứ phải nhâm nhi nó mới khoái khẩu; chiêu một tớp, chẹp miệng ba cái, vị trà chan chát, đăng đắng ngấm tê đầu lưỡi, phải một lát sau liếm môi vài cái mới thấy vị ngòn ngọt, bùi bùi, ngầy ngậy..., không thể uống vội được. Mà chỉ có cánh về hưu mới đủ thời gian và kiên nhẫn để thưởng thức chén trà kiểu ấy, nên chỉ hai tháng sau, cái góc hè nhỏ nhà ông Đấu đã biến thành chốn tao đàn của cánh về hưu sành uống  khắp cái phố nhỏ thật. Mà cánh về hưu đã gặp nhau, có chén trà vào là chuyện ra như khảo. Thôi thì bao nhiêu là chuyện đông tây kim cổ, thời sự, phiếm đàm, chuyện làm ăn, con cái, học hành..., cả thế giới đã bắt đầu dồn về cái góc nhỏ đầu hè nhà ông Đấu. Sáng nay ghé vào, ngồi uống được hai ché trà, hút được hai điếu Vina mà đã có ba câu chuyện luận bàn; thứ nhất, chuyện ông Hão ở cơ quan B. đã 62 tuổi, cơ quan làm thủ tục về hưu dứt khoát không về, vì ông chỉ muốn "cống hiến đến hơi thở cuối cùng"(!); thứ hai, chuyện ông Bện ở T. vừa về hưu tháng trước, tháng này con cháu đã rùm beng làm thượng thọ 70 tuổi cho ông. Té ra ông này khi đương chức Bí thư khai rút hẳn mười tuổi, làm thêm hẳn mười năm, hưởng thêm không biết bao nhiêu bổng lộc... Ông Kính vốn là cán bộ phòng Văn hoá thông tin thị xã cũng mới về hưu hồi cuối năm ngoái nghe không phục; ông chiêu cả một chén nước trà vào mồm, chẹp miệng đủ ba cái rồi mới lắc lắc cái đầu:
- Vứt! Vứt hết! Toàn loại cố đấm ăn xôi cả. Phải học ông Hướng kia kìa! Mới 55 tuổi đã rậm rịch cho cái sự về hưu từ 4-5 năm nay rồi, bây giờ chỉ còn chờ hạ cánh, mà cũng còn 5- 6 năm nữa. Khôn! Khôn thật! Khôn như cái nhà ông Hướng mới đáng mặt là khôn, chắc đất nước này chỉ có một. Các ông không biết tôi kể cho mà nghe đây này...

II. ÔNG HƯỚNG CHUẨN BỊ CHO NGÀY VỀ HƯU
Ông Hướng xuất thân khác  hẳn với ông Đấu. 
Xưa, gia cảnh ông Đấu bần hàn, nghèo khó bao nhiêu, nhà ông Hướng lại giàu có bấy nhiêu: bố là địa chủ. Hồi trước Cách mạng, ông cụ thân sinh ra ông Hướng có tới gần trăm mẫu ruộng, hai chục con trâu, lúc nào cũng có vài chục người làm, kẻ ăn người ở tấp nập trong nhà. Sau mỗi vụ gặt, thóc lúa trong nhà chất như núi: bảy gian nhà ngang, bốn gian nhà dọc lủng củng cót đại, cót trung... không có lối nào mà len. Vậy mà cứ tháng ba ngày tám, trong nhà ông lại trống rỗng, chỉ dành lại một cót vừa đủ ăn đến vụ sau: ông cụ đổi thóc ra vàng. Thì có quy luật: thóc cao - vàng hạ; thóc hạ - vàng cao; cứ tháng  ba ngày tám dân hết thóc ăn, ông cụ lại tung thóc ra bán, mua vàng vào; sau mỗi vụ gặt, ông lại bán vàng, mua thóc. Chỉ mỗi cách ấy mà trong mấy năm, ông cụ đã thành người giàu nhất nhì trong  tổng, mua được chân hương trong xã, người làng vẫn gọi là cụ Hương Sơ. Giàu có như vậy song cụ Hương có tính tiết kiệm. Mỗi bữa, kẻ ăn người ở  cũng như vợ con trong nhà chỉ được 2 bát cơm đầy với một con cá rô kho to bằng hai đầu ngón tay. Ba vợ, mười sáu đứa con song mười chín người cùng rách rưới, thiếu thốn như ai. Cụ Hương có tính thích chơi... vàng. Hễ có đồng nào, cụ nhờ người đi mua vàng hết, bỏ vào ống bơ. Đời cụ có cái  thú nhất là  đếm nhẫn vàng. Cứ chờ vợ con, kẻ ăn người ở đi ngủ hết, cụ đóng kín cửa, đổ từng bơ vàng ra chiếu rồi lại nhặt vào từng chiếc. Chỉ có bấy nhiêu song đêm nào cũng đếm! Tiếng nhẫn vàng bỏ vào ống bơ nghe loong coong, chắc nịch, đêm nào không nghe tiếng vàng cụ không chịu nổi. Năm cải cách, cụ Hương cũng đã bị quy vào diện bị bắn theo tiêu chuẩn; song số nhà cụ có phúc: mới dẫn ra đến đầu làng thì trên cho người phi ngựa về báo có sửa sai, không phải bắn nữa. Hôm ấy cụ như người được sinh ra lần thứ hai, ngựa chỉ chạy chậm tý nữa cụ đã thành người thiên cổ. Giàu có như vậy ấy mà đến lúc chết, cả ba bà vợ lẫn mười sáu đứa con lần khắp nơi không thấy một chỉ vàng nào; bà nọ nghĩ ông cụ trao cho bà kia, đứa nọ nghĩ bố cho đứa kia, ẩu đả, cãi nhau loạn xạ, giận lìa mặt nhau suốt mấy năm giời. Ai dè trận lụt năm Canh Tuất, bão lũ, gió cuốn đổ nhà, một bọc nhẫn vàng rơi ra từ chỗ bức vách gẫy. Chỉ mình ông Hướng biết. Vậy là bỗng dưng ông trở thành người giàu có. Ông đem chôn biệt gói vàng dưới gốc cây mít...
Với một xuất thân vừa dễ, vừa khó như vậy, ông Hướng biết khó mà ngóc lên được bằng con đường học tập, ông xung phong đi bộ đội. Đi bộ đội rồi lúc nào  ông cũng chỉ sợ... chết. Thật ra, ông sợ cho ông thì ít, mà sợ cho cái gói vàng dưới gốc cây mít thì nhiều: Ông mà chết rồi, ai biết lối nào mà đào cái gói vàng dưới gốc mít lên? Trận đầu đụng với một tiểu đội lính ngụy, Hướng đã chui vào hầm, kê súng AK bắn một phát vào tay, mất luôn ngón giữa và ngón  chỏ chuyên dụng bóp cò... Sau khi tay lành, 5  năm liền Hướng được bố trí làm cấp dưỡng, không phải ra trận. Ấy mà trong một dịp gánh cơm cho bộ đội, Hướng vấp phải quả mìn muỗi, mất ngay nửa bàn chân trái, thành thương binh trở về làng với quân hàm Hạ sỹ. Về đến nhà, việc đầu tiên là ông ra đào bọc "gia bảo" mà bố ông để lại. Cái túi vải, cả cái túi ni lông  đã mủn rữa, chỉ còn một đống nhẫn vàng xỉn màu nằm gọn trong đất. Với một lý lịch đã khá khá, ông được bố trí vào chân kế toán phụ ở Xí nghiệp gạch ngói của huyện. Không đào được đất, không vào được khuôn, nhưng sổ sách kế toán ông làm được. Vào Xí nghiệp gạch tuần trước, tuần sau ông cưới luôn bà vợ bây giờ, và mua một căn nhà. Mua luôn, kẻo sau người ta nghi tham ô từ Xí nghiệp gạch! Nhiều người nghĩ ông bắt được vàng hồi đi bộ đội. Có người kháo nhau: lúc ở chiến trường ông bắt được một đấu vàng, ông chỉ cười. Lúc bí, ông bán đi từng chỉ tiêu dần; có điều, ai cơ nhỡ, túng bấn đến vay ông cũng bảo: còn đúng hai chỉ để phòng thân...
        Thấm thoắt đã hai chục năm công tác. Tính cả thâm niên, chỉ còn 5 năm nữa ông đã về hưu. Hai mươi năm ấy, lắm lúc đã nghĩ đến việc đào nốt chỗ vàng lên, xây lại cái nhà nhưng ông lại thôi. Phần vì bà vợ đẻ một lèo 4 đứa con gái; đứa lớn mới rồi thi trung cấp không đỗ, mới biết tin con bé trượt vỏ chuối đã có người hể hả đến xin làm con dâu; đứa bé mới vào cấp I . Xây nhà, sau có khi chỉ tổ mấy thằng rể  nó tranh nhau. Phần vì quả thật, sau hai chục năm công tác ở xí nghiệp gạch, ông đã đi lên dần dần từ kế toán phụ, kế toán trưởng, rồi phó phòng, trưởng phòng, phó Giám đốc Xí nghiệp gạch và bây giờ là phó Giám đốc Công ty du lịch của cả một tỉnh. Thì cái gương tày đình của ông Khóa vẫn còn đấy. Đang làm Giám đốc Công ty du lịch của một tỉnh giàu tiềm năng, ông Khoá đã vội vã xây toà lầu 4 tầng. Xây chưa kịp xong thì có đơn kiện, thanh tra, kiểm tra, kết tội ông Khoá tham ô, thu hồi hết tài sản xong thì phải về hưu. Về hưu tuần trước, tuần sau ông Khoá lăn ra mà chết, chưa kịp hưởng lương hưu tháng nào. Hoặc  như ông Son cơ  quan B; suốt 30 năm công tác là 30 năm chơi sổ số. Có bao nhiêu tiền, ông Son dốc tất cả vào quầy sổ số bà Tư thọt gần ngã tư bưu điện. Mỗi ngày một bộ vé nguyên xê ri 15  chiếc, mỗi ngày hết 45 ngàn, vị chi mỗi tháng hết một triệu hai trăm bảy mươi ngàn, trừ 4 chủ nhật sổ số không mở. Ông Son nghèo, nghèo lắm. Hai đứa con học cấp 3, chỉ trông vào mỗi ngày mười cân giá của bà mẹ bán ngoài chợ Hà. Về hưu rồi nhưng lương ông Son mỗi tháng kể cả các loại phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thương binh, làm thêm giờ... cũng được chín trăm hai mốt ngàn, vậy mà thi thoảng vẫn có tiền uống bia của nhà máy bia thị xã. Thế mà vẫn đủ. Thỉnh thoảng ông vẫn trúng cái giải bảy, giải sáu, đủ uống bia cả tháng. Đi làm về mặc vợ con làm thế nào thì làm, ông ghếch chân đọc báo, có rau ăn rau, có cá khô ăn cá khô, ông Son đều mặc. Vợ con ca cẩm, rền rĩ, ông cũng... mặc. Ông chịu khổ suốt một đời để chờ một ngày, ừ, chỉ một ngày thôi... Đùng một cái hồi đầu năm ngoái, ông trúng cả bộ vé, được lĩnh 900 triệu đồng. Làm từ thiện, ủng hộ cơ quan, hỗ trợ bão lụt, chia cho anh em con cháu mỗi  đứa vài chục triệu đồng vẫn còn già nửa tỷ. Tưởng hai ông bà đã đến lúc an  hưởng tuổi già; ai dè 4 thằng con trai xâu vào: ông bà già rồi cần gì nhiều tiền đến thế. Đầu tiên nó nịnh; về sau nó nạt; sau cùng nó dọa, cuối cùng nữa là bố con chửi nhau suốt ngày vì cái giải sổ số, nhà nát như  tương; nghe nói tháng trước ông Son đã tử tự mà không chết. Rặt một lũ vừa ngu, vừa hèn. Riêng ông Hướng không thế. Cái gói vàng ông giữ hai mươi lăm nay không ai biết. Họa hoằn có việc cơ cực ông mới lấy ra một hai chỉ chi tiêu dần. Ông Hướng có thú chơi vàng chẳng khác ông cụ Hương Sơ đời trước: vàng bốn trăm rưởi một chỉ; lúc nào có bốn trăm ba, ông lại "giật nóng" hai chục mua thêm một chỉ vàng bổ sung vào đấy. Thế nên một đận mua  nhà, một đận cưới vợ, nuôi bốn đứa con hai mươi năm nay, tuy khổ, tuy đói một tý, cái túi vàng gần 200 chiếc nhẫn vẫn đầy nguyên. Có cái két sắt bằng cái thùng gạo, lúc nào ông cũng nhét chìa khóa vào đáy quần đùi, hai chục năm nay không một ai biết! Hôm nào vợ con vắng  hết, ông khoá trái cửa, mở  két, mở hộp nhẫn vàng ra đếm y hệt cụ Hương ngày xưa; đếm xong lần nào cũng lắc lắc cho cái hộp kêu lục cục, nghe đến sướng tai. Nay thì ông chuẩn bị về hưu  rồi. Ông quyết không sống khổ, sống sở như ông Đấu, ông cũng không sống phè sống phỡn như ông Khóa, mà cũng chẳng dại gì sống hờ  sống hững như ông Son... Ông đã  chuẩn bị chu đáo cho  ngày về hưu. Đối với ông, sau khi về hưu  mới là những ngày tận hưởng, còn đi làm, chẳng qua chỉ là phục vụ, là làm đầy tớ cho người ta! Cái nhà ở quê bây giờ mới thấy chả đáng cái gì, vừa chật, vừa sâu, hun hút, chẳng làm ăn gì được. Ông dấu vợ con, lén mang chỗ vàng còn lại mua  hơn ngàn mét vuông đất ven đường Láng - Hoà Lạc. Thì người ta vẫn bảo, khu Láng - Hoà Lạc nay mai thành khu công nghiệp lớn  nhất nhì nước, giá đất sau này không kém gì giá đất TOKYO! Hơn ngàn mét vuông đất mua hết có phần tư gói vàng - hai mươi nhăm triệu, tháng sau có người trả gần trăm triệu ông không bán; bán có mà điên! Đúng là vàng cụ đẻ ra vàng cháu vàng chắt! Chỗ đất ông  mua ngay gần ngã tư, sát mặt đường nhựa. Năm năm nữa về hưu, xây cái nhà nghỉ có khu vui chơi giải trí, câu cá... ông thì bộn tiền. Giữa vườn ông  sẽ xây cái biệt thự; sau cái biệt thự đào cái ao; chung quanh trồng cây ăn quả, vừa lấy bóng mát, vừa lấy quả. Việc trước tiên ông xây cái nhà cấp 4 nơi xế vườn, xây tường bao quanh, thuê người làm vườn... Bây giờ cái nhà là nơi tá túc, sau này làm chỗ để xe. Chiều chiều, anh em trong Công ty 5 giờ mới nghỉ, ông cứ 3 giờ lại cáo khách, lén ra chợ Bưởi, hôm mua cây na, hôm mua cây nhãn mang về trồng. Ông có cả cái sơ đồ,  chỗ nào na, chỗ  nào nhãn, chỗ nào xoài... đã đánh dấu đâu vào đấy cả. Mỗi  năm mười hai ngày phép, ông nói dối vợ con là đi làm; còn ông vào hì hục đào ao, vật đất. Đất ông vật lên đắp gốc cây, cây cối cứa xanh mườn mượt; cái ao thì ngày càng to ra, sâu xuống... Ông cần mẫn như một chú dã tràng. Chỉ hai năm sau, một ngàn mét vuông đất của ông  có dáng dấp của một trang trại. Dưới đất: lạc, ngô, khoai lang... lên mơn mởn; trên cao na, nhãn, xoài... đã xoè  tán, vài năm nữa đã có thu hoạch. Nhiều lúc thấy ông bon bon xe máy trên đường Láng - Hoà Lạc, đằng sau là mấy cây na, cây nhãn, có người tưởng ông đi buôn cây cảnh, ông cười: Hãy đợi đấy! Thành quả lao động của ông, dăm năm nữa, ối người biết tay. Có lúc phấn khởi, ông cũng định kể cho bà vợ già và bốn đứa con gái cùng nghe.  Làm cái gì một mình nó cũng ức, nhưng rồi lại thôi. Bà vợ hơn ông hai tuổi, lấy do mối mai từ hồi còn trong bộ đội, ông cũng chẳng thiết tha, trò chuyện bao giờ. Bốn đứa con toàn là gái đều sắp tuổi cập kê, nói ra không khéo nó lại  nghĩ mình định ở tây, ở riêng, thôi thì mặc. Song không có thằng con trai, nghĩ cũng ức. Mà mình mới ngoài 50 tuổi; chức vụ chẳng cao, cũng chẳng hèn. Gia sản chưa giàu song cũng ít ai bằng. Một vợ, bốn con mà nhiều lúc thấy đơn độc, đông thì có mà vui thì không. Nhiều hôm chủ nhật nói với vợ con là đến nhà bạn bè, song ông tốc thẳng lên Hoà Lạc. Gió mát trăng thanh, cây cối mượt mà, không gian tĩnh lặng, mùi hương hoa sữa đầu ngõ thoang thoảng thơm càng làm ông nao nao như kẻ đói thuốc phiện. Giá như cứ nghèo thiếu đi nó lại một nhẽ. Đằng này...
            Một buổi chiều đang nhẩn nha, lãng đãng như thế thì ông Hướng nghe tiếng chuông réo  rắt từ cổng...

III.  KHÔN QUÁ HÓA... TRẮNG TAY!
     
Nghe tiếng chuông reo, ông Hướng giật bắn người như đứa trẻ đang trèo cây ăn cắp quả bị bắt quả tang. Ông làm sẵn cái chuông rồi ngắt điện để đấy, ai dè tay làm vườn nó nối dây tự khi nào? Sợ vợ biết lên tìm, ông rón rén, hồi hộp ngó qua lỗ cổng mà quả tim cứ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhưng khi đã nhìn qua lỗ cổng, tim ông vừa lắng xuống, vừa đập rộn ràng như muốn vỡ tung ra: Mơ ! Ông như người chiêm bao: trước mặt ông đúng là Mơ thật. Có điều đấy không phải giấc mơ, mà là em Mơ, em Lò Thị Mơ, người ông đã  một thời... Lúc Mơ gục đầu vào vai ông khóc nức nở rồi ông còn quài tay ra sau tự cấu vào vai mình, thấy đau, ông mới rưng rưng tự cảm nhận cái hạnh phúc đến quá bất ngờ. Mơ kể:
          - Em xuống Hà Nội đã một tuần. Nhớ anh mà không dám nói, chiều chiều đến cổng cơ quan, nhìn anh qua lại, đi về, thấy mặt một cái hết nhớ lại về nhà trọ, cả tuần rồi mà anh không hay biết. Anh thật vô tâm! Chiều nay thấy anh ra cổng, em đánh bạo thuê xe ôm bám theo, hoá ra anh ở chỗ này...
         Mơ là con gái Thái, nhà ở bản Phiềng, Sơn La, ông Hướng quen từ mười năm trước khi lên Sơn La công tác. Người Tây Bắc quý khách, nhất lại khách dưới Hà Nội lên. Đêm ấy cơ quan chủ nhà đãi khách bằng chầu rượu cần và một đêm xòe do đội văn nghệ bản Phiềng biểu diễn. Ông Đấu bảo: “Trà Thái, gái Tuyên”; ông Hướng thì bảo: “Trà Thái, mà gái cũng... Thái”: trà Thái Nguyên ngon bao nhiêu, gái người Thái đẹp bấy nhiêu! Đêm ấy, mười cô gái Thái đẹp như tranh, bó mình trong bộ áo váy khít căng nhập nhoà múa lượn trước ánh lửa bập bùng. Rượu cần uống nhạt, song  càng uống càng dễ say. Cái say của rượu cần là say bốc lửa, sây rần rật, say cuồng nhiệt chứ không say chỏng say gọng như cái anh rượu nếp miền xuôi. Múa một vòng, tất cả lại quây quanh bình rượu, vít cần, nhìn nhau đắm đuối; uống cạn bình, chế thêm nước cho đầy rồi lại ra múa tiếp. Càng say, nhịp múa càng mau; càng say, những bắp chân trắng nõn nà của những người con gái Thái càng rộn rịp, càng dẻo, càng đẹp... Những cái lưng nhỏ xíu, những bộ ngực tròn căng lắc lư, những tấm thân thon thả uốn lượn, mềm mại như vũ điệu loài rắn; những khuôn mặt đỏ lựng vì lửa, vì rượu; những ánh mắt sắc nhọn như dao... Đêm múa xoè làm cán bộ Hướng ngất ngây như sống giữa đêm ả Rập. Cả mười cô gái Thái đều đẹp như mười cô Tấm; nhưng nổi bật vẫn là Mơ: em đẹp như nàng công chúa trong truyện cổ tích! Hồi ấy Hướng mới ngoài bốn mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời đàn ông, cái tuổi chín chắn, sung mãn, đầy đủ nhất. Chỉ đêm ấy Hướng đã say Mơ như điếu đổ. ác một điều, Hướng đã một vợ, hai con... Nhưng mà... đứng trước cái đẹp, ai mà dửng dưng cho được? Đầu tiên là chú cháu, sau là anh em; thư đi, thư lại gần mười năm trời, “mối tình qua những bức thư” bền chặt lúc nào không hay. Gặp mặt mới có 4 lần mà thư từ gần trăm lá, ông Hướng bó gọn cất kỹ trong góc tủ đứng để ở cơ quan. Vậy mà thoắt cái ông Hướng đã ngoài 50, Mơ cũng đã ngoài 30, vẫn chưa chồng. Hồi mới gặp, Mơ tâm sự : con gái bọn em vào đội văn nghệ cho vui, chứ sau rất khó lấy chồng(!); con trai dân tộc rất ... “kỵ” lấy con gái hát hò làm vợ. Một lần ông Hướng lấp lửng: không ai lấy, về xuôi với anh... Không ngờ chỉ một lời ấy, bây giờ Mơ về Hà Nội tìm ông thật. Chẳng trách  người ta vẫn bảo con gái người dân tộc chung tình...
         Từ ngày có Mơ, ông Hướng trẻ ra hàng chục tuổi: áo quần gọn gàng hơn, tác phong nhanh nhẹn, hay nói, hay cười... Được cái ông cũng tốt máu, ngoài 50 tuổi mà tóc vẫn đen rưng rức, chưa phải tốn tiền nhuộm lại. Lác đác có ít tóc bạc, ông bắt 2 đứa con gái nhỏ xúm vào nhổ, mỗi lần nhổ cho mỗi đứa 5 ngàn, chỉ ba buổi mất ba chục ngàn là bói không ra sợi tóc trắng. Sáng ông đi làm sớm hơn, chiều về sớm hơn nhưng kỳ thực trên đường về ông lại ghé vào khu trang trại với Mơ. Cũng may mà năm ngoái nhà nước cho nghỉ thêm ngày thứ 7; nói dối vợ con rằng đi làm thêm, mỗi tuần ông lên ở với Mơ trọn 2 ngày. Ngoài ba mươi tuổi, người có đẫy ra một chút, song Mơ vẫn gọn gàng, tươi tắn và đẹp không kém so với hồi ở đội văn  nghệ bản Phiềng. Ông Hướng mê ở Mơ nhất là  cái lưng. Con gái Thái có tục bó bụng từ nhỏ, lớn lên lưng eo cô nào cô ấy cứ như lưng con ong vò vẽ. Thứ bảy, chủ nhật, ông lại bắt Mơ mặc nguyên xi bộ áo, váy của con gái Thái để ông ngắm, mãi vẫn không chán mắt. Ngoài 50 tuổi còn được sở hữu cái eo lưng như thế, quả có sống đến hai lần vẫn cứ ít. Lão làm vườn quê Thanh Hoá ông đã cho nghỉ ngay sau hôm Mơ đến. Mơ giúp ông trông nhà, làm cỏ, trồng cây, đảm đang, tháo vát, đằm thắm, vừa như đứa ở, vừa già nhân ngãi, non vợ non chồng. Hàng xóm biết, người có tuổi thì nói xa nói xôi: “già rồi còn chơi trống bỏi!”; thanh niên thì kháo nhau: “Cụ” Hướng vớ được... “con bò lạc” ngon ra phết! Con mụ vợ tay lái xe đầu ngõ thì nói mát: Bác Hướng có cô ÔSin xinh quá đi thôi ! Ông Hướng chỉ cười gật gù, chẳng ra thừa nhận, chẳng ra phản bác. Biết ông Hướng có đến 4 đứa con gái, Mơ bảo: Em sẽ đẻ cho anh một lèo 4 thằng con trai! Ông cười: thì chỉ cần một thằng con trai làm "của để dành", chứ hai vợ, tám con, có mà... loạn ! Nghĩ đi nghĩ lại nhà ông vẫn còn phúc lớn ! Ông đang thừa tiền, thiếu tình thì Mơ đến như của trời cho; ông chăm bẵm, nâng niu như một thứ lộc trời ban tặng.
        Có một điều ông Hướng không hiểu, nhiều lần đột xuất đến trang trại, ông thấy Mơ đi vắng. Hỏi, lúc Mơ bảo: em đi thăm nhà người quen; lúc bảo: em đi tìm mối làm ăn, ngồi nhà chơi không buồn chết... Giống như ông, Mơ có cái hòm sắt lúc nào cũng khoá im ỉm. Mơ nũng nịu: con gái Thái bọn em rất kỵ người ngoài ngó vào hòm riêng, đen lắm ! Có hôm nửa đêm tỉnh giấc, ông thấy Mơ đang soạn tiền, rất nhiều tiền cất vào hòm; và trong hòm cũng rất nhiều tiền. Thừa lúc Mơ ngủ say, ông lén dậy mở két đếm lại gói vàng, thấy còn nguyên ông mới yên tâm quay vào ngủ tiếp. Từ hôm Mơ đến, ông Hướng bỏ mất thói quen thi thoảng mang gói nhẫn vàng ra đếm; đôi khi cũng thấy nhớ, nhưng càng nhớ ông càng ấn sâu chiếc chìa khoá két vào đáy túi quần. Tuy đang si mê, song ông cũng chưa đến nỗi lú lẫn.
        Cho đến một chiều thứ sáu, tai hoạ đột ngột giáng xuống đầu ông, cái điều mà bấy lâu ông không hiểu bỗng thành dễ hiểu. Vừa dắt xe vào đến cổng, ông Hướng đã thấy trong nhà lố nhố bóng công an. Cái hòm sắt của Mơ mở tung, phía trong không còn một thứ gì. Một anh cảnh sát đang niêm phong 4 gói nhỏ mầu trắng như bánh xà phòng mà sau này ông mới biết là Hêrôin... Ông Hướng đổ vật xuống khi nhìn thấy cái két nhỏ của ông cũng mở toang, trống rỗng. Bên công an thông báo: Mơ là đối tượng truy nã vì tội danh buôn lậu Hêrôin; xuống đây, Mơ vẫn tiếp tục buôn bán Hêrôin ngay trong nhà ông Hướng. Thấy động, Mơ đã kịp cao chạy xa bay trước khi công an đến đúng nửa tiếng cùng với gói vàng mà hai bố con ông chắt chiu, dành dụm.
         Sau khi bị tạm giữ 2 ngày để thẩm vấn, ông Hướng được công an xác minh vô can, không bị đi tù, không bị tịch thu nhà..., song ông bị cơ quan cảnh cáo vì tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
        Người ta bảo "khôn ba năm dại một giờ", ông Hướng khôn suốt ngần ấy năm để dại có mấy ngày! Câu chuyện vỡ lở, vợ con tìm lên tận nơi dày vò, oán trách; ông Hướng xin nghỉ hưu sớm trước 2 năm, quyết chí làm lại từ đầu...

IV. CỦA MÌNH LÀM RA

Quả như người ta thường nói: “Của cha mẹ để cho như nước lũ, của mình làm ra như nước nguồn”; ông Hướng được cha để lại cho (mà thực chất là “xoáy” của cha) 500 cái nhẫn vàng, vậy mà đến lúc về hưu, chỉ mấy ngày ngắm hoa, thưởng nguyệt, ông Hướng bỗng thành trắng tay.
Sau hôm Mơ bỏ đi, vợ con chì xiết, cơ quan phê bình, xóm làng dè bỉu, ông không còn gì đáng để mà sống. Đêm rằm cuối thu, trăng sáng vằng vặc, gió mát xạc xào, ông Hướng lặng lẽ cầm cái khăn lụa dài của vợ đi ra hướng cây bưởi cuối vườn  mọc gần cửa sổ nhà ông Vạn. Đang lim dim nghủ, bỗng thấy đánh“huỵch”; ông Vạn tưởng có kẻ trộm, ngó ra. Té ra cành bưởi vốn giòn, ông Hướng vừa đạp ghế, cành bưởi đã gãy. Ông Hướng một tay ôm đít, tay kia loay hoay gỡ cành bưởi ra mà mãi không được, vì cái cổ và cái cành cây còn nối với nhau bằng dải khăn lụa. Trăng sáng mồn một, ông Vạn nhìn thấy rất rõ, song phải một lúc sau ông Vạn mới trèo lên trần nhà mình, nhẩy dù một phát xuống vườn nhà ông Hướng. Cũng nghe đánh“huỵch”, ông Hướng chỉ “á” lên một tiếng rồi ngây đờ ra. Chậm rãi, từ từ, ông Vạn vừa khẽ nhắc cành bưởi, vừa rít lên trong họng:
- Đồ hèn !
Đoạn, ông Vạn giang tay tát trái cho ông Hướng một phát như trời giáng vào mặt. Sau khi ông Hướng hết nổ đom đóm mắt, ông Vạn mới lại thủng thẳng tháo cái nút lụa quấn quanh cổ ông Hướng. Mặc cho ông Hướng quỳ sấp dưới đất khóc tức tưởi, ông Vạn chỉ thở dài, buông thõng một câu:
- Anh hèn lắm. Mai sang tôi bảo... Rồi ông Vạn lại trèo tường, trở về nhà mình.
Sau cái tát nảy lửa của ông Trung tá về hưu có hơn hai chục năm quân ngũ, ông Hướng mới như người mơ ngủ chợt tỉnh hẳn ra. Cũng may sau đận ấy, ông Vạn không hé răng ra với ai về chuyện ông Hướng tự tử hụt, nên ông Hướng vừa nể, vừa ơn, vừa sợ ông Vạn. Bốn hôm sau, buổi sáng ông Hướng lên cơ quan nhận quyết định nghỉ hưu sớm, thì buổi chiều ông Hướng mới lò giò sang nhà ông Vạn. Mấy năm về đây sống mỗi người mỗi cảnh, ông Hướng ít chơi với ông Vạn; gặp nhau đầu ngõ  thì chào, còn ngồi chung chén trà, cốc rượu thì chưa. Chỉ nghe đâu hồi xưa 3 đời nhà ông Vạn làm nghề lái đò ngang qua sông Đáy, ba đời chở dân từ làng Đông qua làng Đoài đi chợ Đặng, rồi chở du kích, chở bộ đội... Ba đời nhà ông Vạn chỉ có hai thứ tài sản lớn nhất là túp lều tranh và con đò làm bằng nứa trát cứt trâu khô. Có lẽ vì thế mà bố ông đặt tên cho ông là “Vạn” để nhớ hai chữ "Vạn đò". Đúng năm Mỹ leo thang ra miền Bắc, giống như hàng vạn trai làng, ông Vạn lên đường đi bộ đội. Đi khắp chiến trường Đông Dương, từ Khe Sanh, Quảng Trị, Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum... một mạch bảy năm sau, tức sau giải phóng miền Nam một năm ông mới trở về làng với bẩy vết thương trên người và cặp quân hàm đại uý. Đi bộ đội, người ta vẫn bảo: “xanh cỏ, đỏ ngực”, ông ở trường hợp thứ hai. Vào sinh ra tử, bom đạn đầy mình, thần chết vẫn chừa ông ra. Hôm về phép lần đầu, ông được coi như vị anh hùng của làng; mấy cô gái làng áo nâu non óng, má bồ quân nhìn cái “tỏi gà” anh Vạn đeo lủng lẳng bên hông, mắt lúng liếng nhìn nhau rồi lại đấm lưng nhau thùm thụp. Ba tháng sau, dịp về tranh thủ lần thứ hai thì một trong số các cô gái ấy trở thành vợ ông: đấy là bà Loan bây giờ. Sau này lấy nhau rồi bà Loan mới kể thật: hồi ấy bọn em thích nhất ở anh là cái... súng lục (!). Một đám cưới vui vẻ tại UBND xã do bà con xóm giềng và chính quyền địa phương giúp đỡ, có loa phóng thanh, có kẹo lạc, nước trà... Cưới nhau xong lại đi. Mẹ ông Vạn mất từ năm đói ất Dậu; anh trên, em dưới không có; bố ông Vạn mất năm 1972 do bom B52. Đến năm 1990, ông Vạn về hưu với quân hàm Trung tá. Lúc này, tỉnh đã cho xây cái cầu xi măng khá to bắc qua sông Đáy để tiện cho khách thập phương vào chùa Hạ, không ai còn phải đi đò nữa; kiếp “Vạn đò” đeo đuổi ba đời nhà ông cũng chấm dứt từ đây. Nói thế để biết, ông Vạn vào đời bằng hai bàn tay trắng, gia đình, vật chất... gần như không có tý gì.
Vậy mà đến gần cuối thế kỷ trước, sau 10 năm thế thái vần vũ, vợ chồng ông Vạn, bà Loan đã có cuộc sống vững chãi nhất làng: Một ngôi nhà kiểu biệt thự hai tầng, tám phòng, công trình phụ khép kín; bốn gian nhà dọc trước để ở, nay cải tạo làm chuồng nuôi tám con gấu; ao sâu, cá to, vườn rộng, gà, ngan đầy chuồng... Cưới vợ từ năm sau thống nhất, song mất đúng mười năm bà Loan chẳng chửa đẻ gì.  Có bệnh vái tứ phương, ông Vạn đưa bà Loan đi khắp tỉnh này, huyện nọ tìm thầy, tìm thuốc, hễ thấy ai mách là đi; rồi lại đi hết chùa này, đền nọ, từ chùa Hương đến Bia Bà... mong có đứa con. Đùng một cái, đúng mười năm sau, trong vòng hai năm bà Loan đẻ liền tù tỳ 2 đứa, một trai một gái, có nếp, có tẻ. Nay thằng lớn 14 thì  con bé cũng 13, cả hai đứa ông đều gửi học cấp 2 trên trường thị xã, mỗi tháng tiêu tốn triệu bạc bằng cả tấn thóc vẫn coi chẳng thấm tháp gì. Chiều thứ 7 hai ông bà lại đèo nhau bằng cái DReem mới roong ra thị xã thăm hai con. Ông Vạn, bà Loan lại trở về thời kỳ son rỗi,
Nói chuyện bây giờ là thế, chứ ngẫm lại mươi mười lăm năm về trước, vợ chồng ông Vạn còn khổ nhất làng. Thì người ta vẫn bảo: “Sông có khúc, người có lúc” mà thôi ! Đận ấy, đứa lớn một tuổi, đứa bé còn đỏ hon hỏn, 4 miệng ăn trông vào đồng lương Thiếu tá. Mà một đứa bé mới đẻ tiêu pha còn tốn bằng mấy miệng ăn người lớn. Không có tiền mua sữa, nhiều hôm ông phải chắt cả nước cơm rồi pha đường cho con uống, ấy chúng vẫn lớn bồng bồng. Thương con, ông lén đi buôn, đi bán đủ thứ: nào lên La Phù mua bánh kẹo dởm về bán ở chợ Đanh; nào ra La Khê lai nước mắm về bán ở chợ Tế Tiêu... Một lần ông lên Tân Lạc  buôn sắn tầu; lúc về đến bến ô tô trời đã chạng vạng tối. Vác tải sắn nặng trên vai, tính đi đường tắt cho nó gần, ai dè lạc giữa đồng suốt đến nửa đêm; bốn tiếng đồng hồ vác tải sắn đi loanh quanh giữa cánh đồng làng Bài cứ như ma làm, về đến nhà thì ngất xỉu, bà Loan phải lấy cây dâu tươi tẩm nước đái, vụt mãi ông mới tỉnh. Trong vòng 3 năm, ông lén đi buôn đủ thứ, từ vải mặc, thuốc tây, xà phòng đến cả vàng, chỉ có thuốc phiện là ông không dám. Khổ nỗi lúc bán chẳng ai buồn mua, lúc mua chẳng ai muốn bán; khi mua chín lạng, khi bán còn nửa cân, càng đi buôn ông càng bị thâm vào vốn.. Không buôn còn rau mà nhặt, đi buôn rồi rau không có mà ăn, ông đành bỏ nghiệp đi buôn, vay vốn  xoay sang nghề sửa xe đạp... Vốn tính hiền lành, cẩn thận, ai có xe bơm, xe hỏng... đều mang vào hiệu nhờ ông sửa, hai nghìn miếng vá, quả một vốn bốn lời. Khổ nỗi  thằng sửa xe đạp bên kia đường ghen ăn tức ở vì mất khách, nó dạy con nó  hát: “Đầu đường trung tá vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen...”; suốt ngày lũ trẻ chỉ hát đúng mỗi một câu như vậy. Bực mình, ông quẳng cả bơm lẫn hộp đồ nghề xuống con mương đầu ngõ, không ốm mà nằm liệt đúng 3 ngày. Đến ngày thứ 3, ông đang nằm bệt trong nhà, thấy thằng Bân con nhà Bần bên làng Đoài vác cái bao tải bã mía đến bảo:
- Cháu có con gấu, ông mua, cháu bán rẻ...
Hỏi ra, chuyến tầu Lào Cai - Ba La đêm ấy chở ba thằng buôn mang 2 con gấu. Lấng chấng thế nào tầu về gần đến ga, một con cạy lồng ra ngoài, nhảy tọt xuống cánh đồng làng Đoài. Thằng Bân vốn thợ chuyên bắt trộm chó bán cho các quán cầy tơ, lúc ấy đang ôm con bé người yêu giữa cánh đồng Đoài, thấy con gì lùi lũi băng qua ruộng lúa, bèn bỏ con bé ngồi một mình, vội vã băng theo. Lúc nắm được cái cẳng sau rồi, Bân mới biết đấy không phải là chó. Theo kinh nghiệm, mỗi khi tay phải nắm được cẳng sau con chó nhấc ngược lên, đồng thời tay trái chẹn ngang họng, con chó dữ đến mấy cũng đành nằm im, có chạy đường trời, giãy không được, mà kêu cũng không được. Đằng này, lúc nhấc ngược lên, chặn họng, con vật chỉ kêu khịt... khịt...; mà nó giãy rất khoẻ, lông cứng đâm vào tay rát như nắm vào gốc rạ. Mãi sau 2 đứa chụm đầu soi diêm mới phát hiện ra đó là con gấu: Con gấu ngựa rất đẹp, ngực có chữ "V" màu trắng, nhỏ chừng 5 kg, chưa bằng con chó choai. Nhà con bé gần đấy, nó chạy tọt về, trút thóc xuống đất, lấy cái bao tải bã mía mang ra, vậy là con gấu nằm gọn trong đó tha hồ mà giẫy. Thì hai đứa đang định tuần sau đi rừng Cúc Phương , gần trăm cây số mà chưa có đồng nào. Mà ở vùng này, chỉ nhà ông Vạn có lương hưu Trung tá là cao nhất, không tìm đến ông Vạn còn tìm đến đâu?  Quả thật, chúng đã không nhầm địa chỉ.
            Lại nói cách đấy hai đêm, ông Vạn nằm mơ thấy căn nhà của mình tự dưng bốc cháy đùng đùng. Người ta vẫn bảo: mơ thấy nhà cháy là có của trời cho(!). Hai hôm nay mấy  lần  định ra đánh con đề nhà ông Thù đầu ngõ, song sợ  người ta bảo Trung tá về hưu còn hám chơi đề, ông lại thôi. Trong nhà còn đúng hai trăm ngàn định hôm sau nộp tiền bán trú cho con bé, ông đưa tất cho thằng Bân, gỡ luôn cho nó cả cái ti vi SONY Malaisia mua từ hồi mới về hưu. Thằng Bân mừng quýnh, bê luôn cái ti vi về xem, bỏ luôn chuyến đi rừng Cúc Phương làm con bé người yêu cứ tức lồng tức lộn; nó đi rêu rao khắp xóm trên, xóm dưới rằng "thằng Bân con nhà Bần ăn bẩn"(!).  Ông Vạn càng mừng quýnh khi ngày hôm sau có người biết, đến gạ đổi con gấu lấy cái DReem Thái mới tinh. Bà Loan tính ngay ra con DReem bán chí ít cũng được hai mươi tám triệu đồng, ông Vạn quyết không đổi. Nay ông biết thừa câu ca dao mới: "Làm ruộng nuôi trâu, làm giầu nuôi gấu". Hồi sống bên Lào, ông cũng có chút ít hiểu biết về gấu. Hà Nội đang lên cơn sốt mật gấu! Xưa, quý nhau thì  người ta đãi nhau bằng rượu Jonwokker, Reeme, Hennitse...; nay đãi nhau bằng rượu mật gấu mới ra dáng cái anh sành điệu. Hôm ra Hà Nội, nghe nói mật gấu tươi giá hai trăm ngàn đồng một "giọt"(một xê xê), bốn anh uống hai giọt đã thấy mặt mũi phừng phừng, lao vào cãi nhau,  gầm ghè như gấu, ông Vạn mới  nhìn xa đã phát hoảng. Nhưng  thôi, đấy là chuyện của người ta; ông Vạn mất cái ti vi với hai trăm ngàn đồng, được con gấu gần ba chục triệu đã quá là trúng số độc đắc. Gấu tuy to, khoẻ vật vã song phàm ăn hơn lợn: từ rau luộc, khoai lang, nước gạo, cá kho, xương, thịt... gấu xơi được cả; thi thoảng đi vắng cả ngày không cho ăn gấu vẫn ngủ khì khì, không có cái kiểu đói một tý là lại rống lên như lợn. Mỗi lần có lương hưu, ông Vạn chỉ đưa cho vợ hai phần; phần còn lại, hôm ông mua cho gấu cân cá, hôm mấy cục xương, hứng lên có hôm còn mua hộp sữa Ông Thọ, cân đường... gấu ăn tất tần tật. Từ hôm có con gấu, ông như người thêm bạn, quên cả phiền muộn. Nhà còn mỗi hai ông bà, chiều chiều lũ trẻ con học về qua lại ghé vào xem gấu, chúng cứ coi cái chuồng gấu nhà ông như cái vườn bách thú, nô đùa ầm ĩ, song có tiếng trẻ con ông cũng thấy vui vui, chỉ có cái túi tiền là vơi đi nhanh chóng. Mỗi lần mua sữa, mua xương... về cho gấu, bà Loan lại cằn nhằn:
            - Đến người chẳng có mà ăn, lại mang cho gấu ? Ông Vạn chỉ làm thinh.
            Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con gấu phàm ăn, lớn nhanh hơn cả lợn. Chừng một năm sau, con gấu bé xíu thoắt đã biến thành chàng gấu vật vã nặng trên một tạ. Xưa đã có câu: “ Giầu có sơn lâm hữu khách tầm”; biết tin ông có con gấu, không ít người xưa giáp mặt chẳng chào, nay tìm đến bày cho ông cách này, cách nọ... Có người còn bảo:"Sẵn sàng cho ông vay vốn để mở mang chuồng trại", ông không màng... Một ông “Bác sỹ gấu” từ Hà Nội vào, mang máy siêu âm, áo Blu trắng, thuốc mê... giúp ông chiết mật. Ngay lứa chích đầu tiên con gấu đã cho 100cc mật, anh Bác sỹ trả luôn 18 triệu đồng, trừ 3 triệu tiền công vẫn còn 3 tập 5.000 mới cứng. Từ đấy, cứ sáu tháng anh "Bác sỹ gấu" lại vào một lần; mỗi lần vị chi 15 triệu. Tiền, ông mang cất kỹ; mỗi lần chích, ông bớt lại đúng 2cc, pha bốn lít rượu, làm bốn mâm cơm mời tất cả anh em, bạn bè, mời cả tổ hưu đến uống rượu mật gấu. Mấy lần ông Vạn cho mời cả ông Hướng, ông Hướng ngại không sang, sau thôi. Từ hồi anh có bạn gấu và chai rượu mật gấu, ông Vạn trẻ, khỏe hẳn ra, lại khỏi dứt hẳn cái bệnh viêm đường ruột mãn tính. Tiền bán mật ông tiêu dè sẻn, chủ yếu phục vụ hai đứa bé học ngoài thị xã. Còn lại, ông dồn hết từng cục, nhờ người tìm mua thêm gấu: Gấu đẻ ra gấu, gấu nuôi gấu, gấu mua gấu... Chỉ ba năm sau đàn gấu của ông lớn bé có 8 con thì 6 con đã cho mật. Mỗi con 6 tháng chích một lần, vị chi mỗi tháng chích mật một con, mỗi tháng ông Vạn có từ 15 - 20 triệu đồng để ra, tiền chẩy vào nhà như nước. Thi thoảng khi vắng khách, bà Loan lại lấy bàn tay chuối mắn phát đánh "bốp" vào mông ông Vạn mà mắng yêu: Rõ "nỡm" như...gấu!
            Hôm ông Hướng sang, ông Vạn vừa chích xong mật con gấu to nhất, con gấu mà thằng Bân bán cho 3 năm trước, được gần 200cc; giá mật đã hạ, còn có 130.000đ/cc, thu hơn hai chục triệu. Còn chai rượu mật gấu, ông Vạn mang mời ông Hướng. Ông Hướng ngậm ngụm rượu trong mồm mà vị mật đắng ngấm vào tận tim: đúng là của mình làm ra có khác. Rượu vào lưng lửng ông Vạn mới bảo:
            - Tôi biết cảnh ông! Vợ con như vậy, trông vào đồng lương hưu... gay đấy. Nếu thích, tôi bán chịu cho một con mà nuôi. "Của mình làm ra như nước nguồn", ông ạ... Chỉ một câu nói ấy thôi đã đủ cứu một đời ông Hướng. Mua chịu của ông Vạn một con gấu nhỏ 15 triệu đồng; 9 tháng sau ông Hướng đã trả xong nợ, đấy là ông Vạn không tính tiền lãi. Và cũng y như ông Vạn, theo con đường y như ông  Vạn, gặp những may mắn trên "con đường chăn nuôi" giống như ông Vạn, hai năm  sau ông Hướng cũng có đàn gấu 4 con. Và cũng  cứ nhẩn nha vài tháng lại một lần, ông Hướng thu mươi, mười lăm triệu đồng từ tiền bán mật gấu. Có điều, lãi đồng nào, thu đồng nào, ông lại mua vàng  hết; ông vẫn say thú chơi vàng mấy đời tự thủa nào. Ơn ông Hướng với ông Vạn cao như núi, dài như sông, ông Hướng không khi nào quên. Năm nào cũng vậy, cứ chiều hai ba Tết Táo, ông Hướng lại làm hẳn con gà trống thiến nặng tới 4 cân, một mâm xôi, một chai rượu Hennitxi(mà không phải rượu mật gấu)... cùng đứa con gái út đội sang nhà ông Vạn để cúng thổ công, ông Vạn chối sao cũng không được. Thì người ta vẫn bảo:"Phú quý sinh lễ nghĩa" mà lại! Hăm ba Tết Táo năm nay, đặt mâm lễ lên bàn thờ nhà ông Vạn rồi, ông Hướng mới kéo bằng được ông Vạn ra góc sân, dặn đi dặn lại:
          - Thế nào thì thế, dứt khoát sáng mồng Một năm nay bác phải sang xông đất và ăn Tết với bố con em...
           Ông Vạn thủng thẳng:
            - Chỗ tôi với bác lúc nào chẳng được. Sáng mồng Một, tôi đã có "lịch" đến thăm thầy giáo mất rồi...

V. TẾT THẦY
         
Người ta bảo: "Mồng một Tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy"; còn Ông Vạn năm nào cũng đến tết thầy đúng sáng mồng một. Ai mới biết tặc lưỡi: Ôi dào! Phú quý thời sinh lễ nghĩa. Ông Vạn giầu nứt đố nổ vách, chẳng tết thầy thì tết ai? Học trò bây giờ nứt mắt ra, gặp thầy vừa dạy năm trước, ối đứa còn tránh mặt làm ngơ, huống hồ... Cứ thử nghèo nghèo một tý xem nào! Người hiểu biết, sống cùng thời ông Vạn từ thủa hàn vi thì khen: Ông ấy thế mà ra người ân nghĩa. Những năm bố con ông Vạn côi cút cảnh gà trống nuôi con, không có ông giáo Dung, có hoạ ông Vạn đã chết đói rũ ra mấy đận rồi.
            Hồi ấy, cả ba huyện chiêm trũng vùng Nam tỉnh Hà mới có đúng một cái trường cấp 2 đóng ở làng Sêu nổi tiếng. Cụ Sùng bố ông Vạn một chữ cắn đôi không biết; mỗi lần vay gạo nhà lão Hương Sơ, lại phải một lần giơ ngón tay chỏ cho thằng con cả lão Hương cọ vào đít nồi điểm chỉ. Có một lần, thằng con lão Hương vừa nhổ bãi nước bọt vào đít nồi, vừa kéo tay ông cụ ra rồi bảo: "Đúng là đồ vô học". ức ! Nghĩ mà ức ! Ông cụ rút phắt tay lại, quay ngoắt về. Từ lần ấy ông cụ không thèm vay một thúng thóc nào của nhà Hương Sơ nữa. Thì cả cha con nhà Hương Sơ, giầu có đến vậy cũng đều chỉ học xong lớp nhất, biết ba cái chữ quốc ngữ chứ mấy? Nghĩ càng ức, ông cụ càng quyết chí cho ông Vạn đi học, học để khỏi còn bị bố con lão Hương Sơ chửi là đồ vô học. Khổ nỗi, nhà ông Vạn nghèo. Ba đời làm nghề chở đò mà mãi vẫn chỉ có một túp lều nát với một cái đò nứa trát cứt trâu khô. Hai bố con côi cút chèo đò quanh năm vẫn không đủ tiền đong gạo. Ông Vạn đi học song không có gạo mà đi trọ học. Nhà cách trường bẩy cây số, ngày học hai buổi, ông Vạn sáng đi, tối về, cuốc bộ đến trường. Hồi ấy cả làng có đúng mỗi nhà lão Hương Sơ là có cái xe đạp STekling của Pháp. Hôm lão Hương mang xe ra đường làng tập, xe bon đến đâu cả một đoàn mấy chục trẻ con, người lớn chạy theo xem đến đây, náo loạn một góc làng, cứ như kiểu có người từ hành tinh khác mới đến. Bố ông Vạn đứng đầu ngõ nhìn ra, lẩm nhẩm: "Thằng Vạn lên cấp ba, tao thề sẽ mua cho nó một cái còn "oách" hơn thế. Khổ nỗi, Vạn ăn còn chưa no nghĩ gì đến xe đạp. Sáng nào cũng vậy, hai bố con ông Vạn dậy từ gà gáy canh ba: Người chèo đò sớm cho bà con qua chợ; người nhóm lửa bung ngô. Nhà ông Vạn có mảnh đất bãi ven sông; ngoài giờ chèo đò, đi học, hai cha con cặm cụi trồng một vườn ngô, mỗi năm hai vụ. Được cái, ngô nhà ông năm nào cũng tốt bời bời bởi bón lắm cứt trâu. Chủ nhật nghỉ học, ông Vạn lại làm đôi quang gánh, đôi cặp xương bả vai trâu đi hót cứt khắp làng về bón cho ngô. Nhiều hôm gánh cứt trâu đi trên đường, lũ trẻ con cứ chạy theo mà hát: "Trời mưa trời gió đùng đùng, bố con ông Sùng đi hót cứt trâu"... Ông Vạn nghe thấy cũng mặc. Có hôm trời mưa, gánh gẫy, ông Vạn bèn đội sề cứt trâu lên đầu. Nước mưa ngập sề, nước cứt chảy tòng tõng, ông Vạn cứ tay vuốt mặt mà đi. Thì ông vẫn nhớ bố ông bảo: "Cố làm, lên cấp ba, có tiền bán ngô, tao mua cho cái xe đạp!". Nghĩ đến cái xe đạp, đói ông cũng chịu được, làm gì khổ mấy ông cũng làm. Có hôm học đến tiết hai buổi học chiều, ông Vạn sùi bọt mép, ngất xỉu giữa lớp, cả lớp nhốn nháo tưởng ông trúng gió. Thầy Dung cho lớp dừng học, bế xốc ông Vạn về nhà, cạy mồm đút cho đến thìa cháo thứ 5 thì ông tỉnh luôn. Nhiều hôm đi học về đói quá không nhắc nổi chân, ông Vạn chui vào đống rạ giữa đồng ngủ một giấc rồi lại đi tiếp. Có đận tháng giêng, trời rét cá rô chết đầy ngòi, ông Vạn không đủ quần áo mà mặc. Rét quá, ông vớt cá chết, đốt một đống rạ to trướng giữa đồng, vừa sưởi, vừa nướng. Nhà chủ thấy đống rạ cháy đùng đùng, lao ra đánh cho ông Vạn một trận thẳng cẳng. Vậy mà ông Vạn vẫn cố học, không bỏ buổi nào, năm nào cũng xếp hạng nhất, thứ nhì trong lớp. Thầy Dung biết gia cảnh ông Vạn. Nhiều trưa biết Vạn đói, thầy dẫn về nhà lấy cơm cho ăn. Nhà thầy cũng nghèo. Cả cô và thầy đều từ Nghệ An ra đây dạy học. Thầy cô đẻ một lèo sáu đứa con gái thì chết mất một. Bẩy miệng ăn trông vào hai xuất gạo bông, mỗi suất 13kg vừa gạo, vừa mì. Tháng nào đi xếp hàng đong gạo về cũng vậy, thầy chia bọc mì ra thành 60 gói, chia bọc gạo thành 60 gói, mỗi bữa nấu đúng một gói mì, một gói gạo. Hôm nào có Vạn ăn cơm, thầy lại san thêm một ít ở gói mì, gói gạo định nấu bữa sau. Có bữa, cả thầy, cả cô, cả ông Vạn cùng vừa ăn vừa chan cơm bằng nước mắt. Người nọ nhường người kia, ấy mà bữa nào cũng còn thừa đứng nửa bát cơm ở đấy nồi, không ai chịu ăn. áo quần thầy mặc cũ, thầy lại bảo cô tháo chỉ ra, may lại cho Vạn mặc. Ân nghĩa là thế, ba năm trời học cấp hai, thầy cô coi Vạn như con đẻ. Có lần đứa con gái lớn của thầy nói đùa: Bố quý anh Vạn hơn cả chúng con ! Thầy chỉ nuốt nước mắt, cười trừ. Thầy bảo: Vạn ạ, em cố mà học để sau này đi... "Thoát ly", ở nhà khổ lắm. Vạn chưa kịp thực hiện lời thầy dặn thì bố mất do bom Mỹ; ông cụ cũng chưa kịp thực hiện lời thề là sẽ mua cho Vạn một cái xe đạp. Thầy cô cũng năm đứa con, không thể nhờ mãi được. Đang học giở lớp 9 thì ông xung phong đi bộ đội. Sau ba chục năm lăn lội trong quân ngũ, ông trở về với quân hàm trung tá. Như vậy là ông cũng đã trưởng thành, thực hiện đúng lời thầy là đi "thoát ly" kẻo ở nhà... khổ lắm.
            Bây giờ ngẫm ra mới thấy ông Vạn đúng. Người ta bảo: "Mồng một tết cha"; cha mẹ ông Vạn không còn, ông Vạn coi thầy Dung như cha, nên từ ngày ông Vạn đi bộ đội, hễ cứ được nghỉ tết ông Vạn lại về quê ăn Tết với thầy chứ không phải chỉ đến bây giờ. Năm đứa con gái của thầy đều đã lấy chồng, đẻ con, đứa ngoài Hà Nội, đứa tận Sài Gòn. Cô con gái út ở gần thầy nhất là giáo viên cấp 3 cũng ở tận ngoài Hà Đông, cách nhà năm, sáu chục cây số. Hồi mới lấy chồng, đứa nào cũng vậy, dăm bữa nửa tháng lại đáp ô tô về thăm thầy một lần. Đến khi sinh con đẻ cái, mỗi đứa một, hai cái xe máy rồi mà có khi một năm, nửa năm chúng mới về một lần; về hôm trước, hôm sau sấp sấp ngửa ngửa đi ngay cứ như là khách. Năm nay thầy vừa tròn 80 tuổi, nghỉ hưu đã tròn hai chục năm. Đại thọ bố, cả 5 cô con gái, 5 anh con rể, 12 đứa cháu ngoại đùng một cái cùng kéo về một lúc trong ngày 28 Tết. Cái nhà nhỏ hai gian thầy được phân từ hồi những năm bẩy mươi bỗng hóa chật chội. Cặp vợ chồng thì nằm giường; cặp vợ chồng thì nằm đất; cặp nằm đi văng; có cặp phải sang ngủ nhờ nhà cô giáo độc thân bên cạnh. Mọi năm, mọi tháng thì chúng chia nhau: mỗi tháng hoặc mỗi quý một đứa về thăm bố. Có tết chúng cũng chia nhau, đứa này về ăn Tết năm này, đứa khác về ăn Tết năm khác. Năm ngoái, đứa con gái lớn từ Sài Gòn ra một tuần, mắc cho bố cái điện thoại xong lại đi. Có cái điện thoại cũng tiện, thi thoảng thầy gọi hỏi thăm con, thăm cháu. Song từ ngày có cái điện thoại chúng cũng ít về hơn. Nhớ bố, thương bố chúng lại gọi cú điện thoại, gửi về ít tiền, ít quà..., thế là xong. Cô mất từ 10 năm trước; một mình thầy thui thủi trong căn nhà ven sông Đáy. Cả 5 đứa con gái đều bắt thầy phải đến ở với chúng; đứa ở Sài Gòn mời vào, đứa ở Hà Nội mời ra, thầy quyết không đi. Đến nhà đứa nào, thầy cũng ở đúng 5 ngày rồi kêu chán đòi về. Thầy chỉ muốn về với 2 gian nhà với cái mảnh vườn cạnh ngôi trường cấp 2 ở làng Sêu mà đã gần 50 năm thầy sinh sống. Có lúc thầy bảo: Vắng tiếng học trò, tôi không chịu được; có lúc thầy bảo: Đến nhà chúng nó cứ như ở... nhờ. Thực chất, thầy không quen sống thành phố. Tấm bé sống ở Nghệ An, lớn lên đã đến làng Sêu. Cái làng Sêu yên ả trở thành quê hương của thầy khi nào không biết. Có lần ra Hà Nội, nhìn lên cái chung cư cao 8 - 9 tầng, thầy lắc đầu: người ta ở như ... chim thế mà cũng chịu được ! Có mảnh vườn gần trăm mét vốn là cái thùng bom do đám học sinh cũ sau trở thành cán bộ xã san lấp cho, thầy trồng đủ thứ: từ nhãn, cam, bưởi, hoa hồng, hoa cúc cho đến rau răm, rau ngót... Được cái, dù 80 tuổi thầy vẫn khoẻ, minh mẫn như người ngoài 60. Cũng thấy sự lạ là 80 tuổi mà răng vẫn bằng chằn chặn, chưa mất cái nào, da dẻ đỏ au, cơ bắp vẫn rắn chắc, chỉ có mái tóc thầy là bạc trắng như cước. Suốt ngày, thầy như một ông tiên cặm cụi ngoài vườn, có dăm cái cây đánh hết góc này sang góc khác, hạ xuống lại đào lên... Học trò cũ đều đã trưởng thành, đứa làm Giám đốc, đứa Bác sỹ, Kỹ sư, Chủ tịch... cũng có không ít đứa là liệt sỹ. Mỗi dịp về quê chúng lại ghé thăm, có đứa biếu bộ com lê, đứa biếu hộp thuốc; cũng có đứa từ Lào Cai, Yên Bái về biếu thầy con họa mi, con yểng... Vì thế tuy sống một mình song ông giáo Dung không lúc nào cảm thấy cô đơn: hoa nở đầy vườn, quả sai trĩu cành, chim hót véo von suốt ngày, bạn hữu đầy nhà... Tám mươi tuổi, thầy vẫn được tổ hưu trên bốn mươi người bầu làm tổ trưởng, giữa tháng lĩnh bọc tiền về, chia đủ cho 40 người không thiếu một xu. Nhiều người bảo: Thầy già rồi, ôm rơm cho cho... rặm
           Biết  5 cô con gái, 5 chàng rể và 12 đứa cháu ngoại của thầy về thăm từ 28 tết, tối 28 ông Vạn đã tìm đến rồi. Song sáng mồng một tết, giống như mọi năm, trời vừa tảng sáng  ông Vạn đã xúng xính trong bộ com lê mầu tím, xách chai rượu mật gấu, ba nén hương, con gà trống thiến và mấy thứ lặt vặt đến chúc tết thầy.
    Khác như mọi năm, mới đến gần cổng, ông Vạn đã thấy trong nhà chật cứng những người là người; xe máy, xe đạp chất như nêm từ trong nhà ra ngoài ngõ, cười nói râm ran; một lũ trẻ con đốt pháo tép đì đẹt đầu ngõ. Hàng chục cành hoa đào cắm trên rặng rào nở sáng bừng. Vẫn biết hôm nay đại thọ thầy tuổi 80; nhưng khi bước chân qua hết mảnh vườn đầy chim, đầy hoa, đầy quả... ông Vạn mới như đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác..../.

VI. GẶP GỠ ĐẦU NĂM

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt ông Vạn là hình ảnh ông thầy giáo già đang vớt bánh chưng: Một lũ học trò cũ, người trẻ nhất cũng ngoài bốn mươi, người già nhất dễ ngoài sáu mươi, đứng vòng trong vòng ngoài quanh cái nồi bánh đang bốc khói nghi ngút. Thầy Dung, chân diện đôi ba ta trắng, bộ quần áo pizama trắng, mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi vì hơi nóng từ nồi bánh chưng phả ra, đang cẩn thận vớt từng cặp bánh. Râu tóc thầy bạc phơ, đứng giữa đám học sinh tóc đen, tóc trắng, mùi hương, mùi khói đặc quệt, trông chẳng khác gì một ông tiên đang hành lễ. Thầy bảo: ngày tết, thầy “thú” nhất là 2 việc : một là đun bánh, hai là vớt bánh. Năm nào cũng thế, cả mấy anh con rể lẫn mấy cô con gái cứ đến hai tám Tết, thấy thầy chuẩn bị lạt, lá... chúng lại: Ôi dào! Ba ngày tết ăn được mấy, thầy cứ để tụi con mua quách mươi cái từ Hà Nội mang về, thế là... xong Tết! Song thầy dứt khoát không thế. Bốn chục năm sống với cô giáo, năm nào cũng vậy cứ đến chiều ba mươi tết, cô lại ngả cái nong ra đầu hè: cô ngồi cắt lá, xúc gạo... thầy vừa vào khuôn, vừa chẻ lạt. Đêm ba mươi Tết, con cái ngủ đâu vào đấy  cả rồi, thầy cô mới kê nồi, thức suốt đêm bên nồi bánh ôn cũ, kể mới. Sáng tinh sương mồng Một lũ trẻ vừa dậy đã được nồi bánh xanh ngắt, chín rền. Suốt bốn mươi cái Tết đều như vậy. Từ ngày cô mất, thầy vẫn giữ thói quen tự mình gói bánh, đun bánh, không năm nào chịu để cho ai làm giúp, làm hộ. Năm nay làm đại thọ, thầy gói hẳn hai nồi, đúng bốn chục cái bánh chưng, một mình vừa cắt lá, vào khuôn, chẻ lạt ... mất đúng một ngày Ba mươi. Vớt xong cái bánh cuối cùng, xếp ngay ngắn trên nong, thầy Dung mới ngồi bệt xuống bậc thềm, kéo ống tay áo quệt mồ hôi ướt đẫm trên  mặt rồi cười:
- Năm nay không có cái cánh “trò hưu” này có hoạ còn “xơi” mới xong! Té ra, biết thầy có thói quen gói bánh chiều 30 Tết, từ sáng Ba mươi, hai chục vị cán bộ về hưu từng là học trò của thầy không ai bảo ai, nườm nượp  một lúc kéo đến xin được... gói bánh hộ thầy. Có vị từng làm tới chức đại tá; có vị từng làm giám đốc, trưởng phó ban, đứng đầu ngành một tỉnh; cũng có vị từng được bầu danh hiệu "Nông dân sản xuất giỏi” của huyện..., chỉ có mỗi ông Vạn là không! Hai tám Tết đã đến một đận rồi, ấy mà cái chuyện hai chục ông trò gói bánh hộ thầy thì nay mới biết. Thảo nào, hai chục cặp bánh mỗi cặp một kiểu: Cái dày, cái mỏng, cái to, cái bé, có cái vuông như hòn gạch bát, có cái lùm hùm như một gói xôi; té ra ai cũng tranh gói, cuối cùng thầy Dung phải chia cho mỗi người gói một cặp. Ai đời toàn là ông nội, ông ngoại cả rồi mà chiều Ba mươi Tết, hai chục “cụ học trò” suýt nữa cãi nhau giữa sân nhà thầy giáo, ỏm tỏi như cái chợ vỡ, chẳng khác gì hồi còn đi học. Gì chứ cánh này thì ông Vạn biết cả. Người lớp trên, kẻ lớp dưới, kẻ Đông, người  Đoài... bốn chục năm rồi xong nhắc đến ai ông nhớ đến đấy. Lúc ngồi mâm ăn cỗ, chén rượu đầu tiên còn dè dặt, nào chạm cốc, nào chúc mừng, nhường trên, nhường dưới... Đến chén thứ ba thì mọi người đã nhận ra nhau tất, nhớ ra nhau tất từ cái xấu lẫn cái tốt của nhau, nói cười oang oang. Ông Đỉnh học trên ông Vạn một lớp, cũng  vừa làm “Thượng thọ” tuổi 60 năm ngoái, trước làm giám đốc nông trường S., nay đang ở với anh con trai ngoài Hà Nội, tấm tắc: các ông ở quê sướng thật; động một tý là đông đủ bạn hữu, thầy trò, anh em... còn tôi đây này... Nghe vậy, ông Sang, học cùng lớp nhất với ông Đỉnh, ngồi tít đầu mâm bên này với sang:
-Thì ông phải trả giá cho việc bỏ quê của ông chứ còn gì nữa? Ông Đỉnh nghe vậy, buông bát đũa, ngồi thừ ra mà rơm rớm vành mi. Chẳng là hồi còn làm giám đốc nông trường, ông Đỉnh nổi tiếng là người kiêu kỳ, diệu vợi. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, ông về thăm con, thăm vợ bằng cái xe Com măng ca mới coong, về đến đầu làng đã bóp còi inh ỏi. Ai có công , có việc hôm  sau muốn đi nhờ qua thị xã, đến năn nỉ ông Đỉnh từ chiều hôm trước, ân tình lắm mới cho đi. Ông bảo: thì xe của Nhà nước, có phải của tôi đâu ? Hàng xóm láng giềng, nhà nào có ma chay, hiếu hỉ, ông cứ coi như không biết. Cả đời hàng xóm không nhằn được của nhà ông Đỉnh một hớp nước chứ chưa nói đến chén rượu. Nhà có cái xe đạp Phượng hoàng, hôm vợ ông Sang đẻ phải đi viện huyện, bà Đỉnh đem cho ông Sang mượn; chủ nhật về ông
Đỉnh biết, ông bảo vợ: tôi nhà cho người ta mượn vợ còn hơn là cho mượn xe! Từ đấy cả làng không ai dám bén mảng đến nhà ông Đỉnh mượn xe lần nào nữa. Vụ cam năm ấy được mùa, ông Đỉnh cho xe về đón vợ lên nông trường. Bắt công nhân đổ đúng bốn tấn cam thành đống có ngọn vào giữa sân Nông trường bộ, ông Đỉnh dẫn vợ lên đứng trên đỉnh đống cam, cho người chụp ảnh. Công nhân vừa lau mồ hôi, vừa nuốt nước mắt cười, mà họ vẫn hận đến tận bây giờ. Bà con chòm xóm cơ nhỡ, kẻ ốm người đau đến giật nóng ít tiền đi viện, đã chẳng cho vay thì chớ, ông Đỉnh còn lớn tiếng : “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, lười như các ông bà có mà ăn ....cám!". Con chó, con gà nào lỡ lạc sang vườn nhà ông Đỉnh phá rau, lúc thoát ra khỏi vườn chỉ ít cũng què một chân. Sẵn tiền, sẵn gạo, ông xây hàng rào quanh vườn, trường cao đúng hai mét rưỡi, trông như cái thành nhà Mạc. Suốt đời ông chẳng đến nhà ai, và cũng chẳng ai dám đến nhà ông. Nhà nuôi hai con chó Béc- giê, không đuổi thì khách cũng đố dám bén mảng. Hôm mới về hưu, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã đến đề nghị:
            - Mời bác gia nhập hội viên nông dân cho Hội thêm phần tiếng thơm... Gì thì trước bác cũng là lãnh đạo nông trường; nông trường với nông dân chắc chỉ là một... Ông Đỉnh quầy quậy: Tôi đã phấn đấu mấy chục năm mới “thoát ly” ra khỏi thành phần nông dân, nay sao lại “xui” tôi trở về... thành phần cũ? Ông Chủ tịch Hội Nông dân tím mặt chuồn luôn. Chính vì những sai lầm nối tiếp sai lầm như vậy mà ông Đỉnh bị cô lập. Cả xã có 14 tổ hưu; đến lúc ông Đỉnh về hưu, không tổ nào nhận. Xóm riềng không ai bén mảng. Hôm ông Đỉnh cưới chồng cho đứa con gái út, cả làng xui nhau không đến, làm có 60 mâm cỗ, thừa đúng 54 mâm; cánh bắc rạp, giúp việc ăn cỗ thừa đúng 2 ngày không hết; sau thiu, đợi đêm xuống phải lén cho người mượn xe cải tiến chở cỗ đổ xuống sông Đáy, lũ cá mương được bữa cỗ ê chề. Tức mình, đúng một tuần sau ông Đỉnh bán nhà, ra Hà Nội ở với vợ chồng thằng Hùng. Ông Đỉnh bảo: Cái dân làng này... không chơi được ! Bán hết nhà cửa, vườn tược, ông bà Đỉnh bù trì cho thằng Hùng xây lại căn nhà cấp 4 gần chợ Cầu Mới thành ngôi biệt thự ba tầng, khang trang, lộng lẫy. Thôi thì “cá chuối đắm đuối vì con”, cả cuộc đời ông Đỉnh sống vì vợ, vì con chứ đâu đã bao giờ sống vì ai? Được cái thằng Hùng là đứa con có hiếu, con vợ cũng là đứa dâu biết điều. Vợ chồng nó là Bác sỹ cả, nhưng về đến nhà là cơm bưng nước rót, cung phụng vợ chồng ông Đỉnh vẹn tròn, hai ông bà nhàn tảng, tối xem tivi, sáng ra sông Tô Lịch tập thể dục dưỡng sinh, tuổi già an hưởng thế đã mấy ai bằng. Ai dè thằng Hùng trong một lần về quê tảo mộ, rượu say, trên đường quay ra loạng choạng thế nào đâm ngay vào gầm chiếc xe U- oát ngược chiều, chết tại chỗ. Người ta bảo “Trẻ cậy cha, già cậy con" quả đúng không sai. Mất thằng Hùng, vợ chồng ông Đỉnh như mất cái cột cái trong nhà; vợ chồng ông sống trong nhà con trai mà như sống giữa nhà khách. Từ ngày chồng mất, vợ thằng Hùng đầu tiên như người mất hồn, nửa năm sau cũng đã thấy hẹn hò, đi đêm về hôm như thời con gái. Đi làm, nó lí nhí sai con chào ông bà chứ nó cũng không thèm chào một câu;  về nhà, đến bữa ăn nó cho con lên gọi ông bà "xuống mà ăn cơm!". Có hôm, ông Đỉnh chưa kịp ăn hết bát cơm, nó đã dục thằng bé “ăn nhanh tao còn rửa bát”, ông đắng miệng bỏ bát cơm lên gác nằm. Đêm, bà Đỉnh lại dúi cho ông khi cái ổ bánh mỳ, khi cái bánh nếp. Hai ông bà ngoài 60 tuổi nằm trong màn trên gác ba nhai bánh mỳ lúc nửa đêm, nghĩ khổ hơn đi ăn cắp. Thì người ta chỉ bảo “già cậy con” chứ ai bảo "già cậy con dâu” bao giờ. Bây giờ mới biết mình là dại, ngoài 60 tuổi đầu, từng làm giám đốc một nông trường lớn nhất tỉnh mà về hưu còn dại: “Cơm vợ thì ngon, cơm con thì đắng”, đắng nữa là cơm con dâu (!). Nghĩ đến mảnh đất ở quê bán non bán tháo, ông Đỉnh chỉ biết thở dài. Có lần đánh tiếng mua lại miếng đất cũ, chủ mới đòi giá cao gấp 10  lần, chẳng qua là đánh đố nhau chứ chuộc lại với giá ấy, ông Đỉnh cũng chẳng lấy gì ra mà mua. Mua đất đầu ghềnh, cuối bãi thì ông Đỉnh không muốn. Vì vậy, ông Đỉnh lâm vào cảnh “Giở đi mắc núi, giở lại mắc sông” ! Nghe ông Sang “Đốp cho một câu như thế, ông Đỉnh chỉ biết thừ người ra, rơm rớm nước mắt; ngậm ngụm rượu trong mồm mà đắng như ngậm quả bồ quân. Chẳng lẽ mồng Một Tết, trong ngày đại thọ thầy giáo mà lại đi cãi nhau ? Bản tính ông Đỉnh kiêu kỳ song tốt nhịn. Hồi xưa đi học, nhiều lần ông Sang kích bác, ông Đỉnh đều bỏ qua. Bầy giờ cũng vậy, ông không chấp ! Được thể ông Sang càng cành cao:
          - Ngày xưa đi học, các ông toàn chê tôi ngu ! Hoá ra bây giờ tôi mới thấy là khôn ! Chẳng xưa ông Sang học dốt nhất lớp: mỗi lớp người ta mất một năm, còn ông thì cứ đều đều hai năm một lớp. Vì thế hơn ông Vạn đến bốn tuổi, song đến lớp sáu thì ông Vạn và ông Sang lại cùng lớp với nhau.  Học xong lớp 7 thì ông Vạn đi bộ đội; ông Sang con một lại thuộc diện chính sách, không phải đi bộ đội. Dốt là thế song đến năm hai mươi ba tuổi cũng hết lớp 10, được xã cử đi Đại học nông nghiệp ở Liên Xô, sau về làm kỹ sư thuộc phòng Nông nghiệp huyện. Con đường quan chức rộng rãi là vậy mà lóp ngóp thế nào mãi lúc gần về hưu mới lên được cái anh phó Chủ tịch huyện. Hồi mới lên chức phó Chủ tịch, có tay mặt sắt, da chì mới nhìn mặt ông Sang đã phán:
          - Số ông không làm được quan. Cố làm rồi sẽ chết non. Ông Sang không tin. Từ xưa ông chưa bao giờ mê tín. Dạo mới tốt nghiệp kỹ sư ở Liên xô về, có lần ông bắt bố ông mang bát hương xuống làm... vại muối dưa, ông cụ từ mặt từ đấy. Vậy mà sau ông Sang phải tin thật. Từ hồi còn làm phó phòng thuỷ lợi, rồi trưởng phòng, rồi đến trưởng phòng nông nghiệp huyện, ông Sang cũng để ra được chút ít dấn vốn kha khá. Người ta “ăn xổi, ở thì”, ông Sang ăn chắt để dè theo kiểu"năng nhặt, chặt bị", vốn liếng có tới cả trăm cây vàng. Có tiền rồi lại muốn có chức; sau một thời gian “ngoại giao con thoi” thì ông Sang trúng chân huyện uỷ viên kiêm Hội đồng nhân dân, được bầu làm phó Chủ tịch văn xã. Việc làm đầu tiên khi lên chức, là ông cho quân xuống phá một bức tượng Bồ Tát dưới chùa Hạ. Chùa Hạ không chỉ là di tích lịch sử, là danh thắng nức tiếng cả vùng, mà còn được mệnh danh “Nam thiên đệ... tam động”, khách tứ phương về vãn cảnh, thắp hương nườm nượp, huyện cũng có một khoản thu đáng kể cho ngân sách từ đấy. Bỗng dưng, một mụ buôn vải dưới Hải Phòng tìm đến huyện, biếu huyện 10 triệu đồng chỉ để xin được “tiến” một bức tượng Bồ Tát vào chùa Hạ. Vừa được tiền chi tiếp khách, vừa được bức tượng đẹp, ai lại lắc đầu?  Song được mấy ngày, có  "quân sư" tìm đến bảo: Con mẹ buôn vải nó “tiến” cho ta tượng... của nó (!). Giật mình vào xem lại bức Bồ Tát, thấy chẳng giống Bồ Tát mà giống con mẹ bán vải thật: cũng béo múp míp, mắt long lanh, môi trái tim... Bồ tát nào như vậy ? Té ra nó tiến tượng của nó cho dân thờ sống? Vậy là huyện có nghị quyết phá tượng bức tượng. Khổ nỗi “ để là hòn đất, cất lên đã thành phật”, huy động cả trung đội công an mà không anh nào dám vào phá trước. Họ vẫn nặng đầu óc mê tín quả ! Tức mình, ông Sang vác cái búa tạ tiến vào, đập một phát, đầu bức tượng bay ra ngoài, lăn lông lốc xuống đất vỡ tan.  Lập tức mọ người theo gót ông Sang, thi nhau dùng búa tạ, xà beng đập nát bức tượng ra làm trăm mảnh. Đầu tuần  ông Sang được khen ngợi, cuối tuần bà vợ đang làm ruộng khỏe như trâu đất bỗng lăn đùng ra trúng gió rồi nằm bán thân bất toại mấy chục năm nay. Khổ nỗi, bà Sang bị "bán thiên đầu thống” đã lâu, chiều hôm ấy lại gội đầu muộn, gặp gió lạnh, đứt mạch máu não, bị bán thân bất toại là điều dễ hiểu; vậy mà có kẻ xấu bụng cứ rì rầm rằng: vì ông Sang phá tượng nên mới gặp hoạ như vậy (?). Đúng là lắm kẻ dài mồm. Từ ngày đứa con gái út đi lấy chồng nốt, ông Sang cũng đúng lúc về hưu; ông về nhà ân cần chăm sóc vợ như để bù đắp lại những gì mà ông đã làm cho bà thiệt thòi. Hai năm nay, ông thuê thêm con bé Ôsin, mới mười lăm tuổi song đã tỏ ra người thạo việc, thành ông cũng nhàn. Bốn đứa con cả trai lẫn gái, mỗi tháng mỗi đứa gửi về cho mẹ 200 ngàn, cộng với 600 ngàn tiền hưu của ông, cả 2 ông bà với con Ôsin sống dư dả. Kể cũng may, mấy năm trước, hết gái, trai, rồi đến dâu, rể... xúm vào khuyên ông bán nhà, chia tiền rồi ra ở với mỗi đứa 3 tháng. Chúng bảo: bố mẹ ở mỗi nhà 3 tháng; vị chi  mỗi năm bố mẹ ở nhà mỗi đứa một lần... Ông chẳng dại. Không khéo mỗi khi chuyển nhà, chúng lại chẳng mang bố mẹ ra cân như trong Ti vi hồi nào. Ông bà Sang cố thủ ở quê, thi thoảng buồn chán ra nhà đứa này, đứa nọ một hai hôm lại về, việc nhà đã có Ô sin. Quả là ông Sang cũng khôn hơn ông Đỉnh chán vạn lần.
            Những chuyện của ông Đỉnh, ông Sang... ông Vạn chỉ biết láng máng . Ngồi đông đủ thế này, ngẫm người nọ, suy người kia, mới thấy đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cùng cánh về hưu với nhau song trăm nhà trăm cảnh khác nhau, chẳng ai giống ai. Vốn người điềm đạm, thấy ông Đỉnh, ông Sang, ông Sân... ông nào ông nấy mặt đỏ phừng phừng, nhất lại nhìn cái ánh mắt ông Đỉnh, ông Sang gặp nhau như tóe lửa, ông Vạn dàn hòa:
            - Thôi, thôi, già cả hết rồi nói hơn nói thiệt làm gì? Mà nay đến Tết thầy giáo kia mà, sao lại nói chuyện ở đâu? Học với nhau từ tấm bé, ông Vạn lạ gì ông Sang và ông Đỉnh không hợp,  động ngồi với nhau chỉ chực cãi vã. Ông Vạn lái chuyện:
            - Cô bé Ô sin nhà ông Sang “nhớn" gớm rồi đấy nhẩy? Tết này nó có về quê không? Anh Dũng, con rể đầu của Thầy Dung  vẫn ngồi bó gối vừa uống rượu, vừa nghe các bậc bề trên nói chuyện; lúc này rượu cũng đã lâng lâng, muốn nói mà chưa biết nói gì. Chưa để ông Sang trả lời ông Vạn,  anh Dũng  đã cười  toe toét, xoa tay vào nhau roàn roạt, cướp nhời:
            - Ối giời! Lại nói chuyện Ôsin! Các ông, các bác để cháu kể chuyện Ôsin cho mà nghe.../.

                       VII. ANH DŨNG ĐI TÌM "Ô- SIN"
Dũng là con  rể cả của thầy Dung. Mới ngoài 40 tuổi, song vốn là người khéo ăn, khéo nói và bản tính điềm đạm, nên tuy chỉ giữ chân kế toán quèn trong một Công ty liên doanh, anh lại được cả thầy Dung lẫn họ hàng bên ngoại vị nể nhất trong sáu anh con rể. Bữa cơm chiều 30 tết năm nay cũng vậy, anh “cứu nguy" cho các "lão trò" một bàn thua trông thấy. Để ý thấy các vị mâm nào vào mâm nấy mặt đã đỏ phừng phừng, hằm hè chỉ chực choảng nhau, Dũng bày cách kể chuyện Ô sin chẳng qua nhằm giữ "không khí hoà bình" giữa các mâm mà thôi; mọi người biết vậy, cũng bèn dừng đũa giả vờ lắng nghe, chứ chuyện anh Dũng tìm mãi qua ba đời Ô sin vẫn chẳng có cô nào ưng, đến cô thứ tư ưng ý nhất thì Ô sin biến luôn thành mẹ kế, ai mà chẳng biết.
Dũng vốn con một, sinh ra trong một gia đình đặc sệt phong kiến ở làng Vạn cách nhà thầy Dung chưa đầy nửa tiếng đi bộ, và cũng là học trò khoá cuối cùng của thầy Dung. Thế gian có câu: “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan", ý nói chơi đâu thì chơi, ba chỗ ấy nam tử phải chừa, ai dè sau 4 năm đại học Dũng lù lù dẫn Lan, cô con gái đầu xinh đẹp, nết na nhất của thầy Dung về nhà, nhận thầy làm... bố vợ. Không biết có phải tại ông giời chơi ác, hay tại vợ Dũng mang cái gien của thầy Dung, mà lấy nhau được 4 năm thì Lan đẻ một lèo 2  "cách cách". Thật ra, đẻ xong đứa thứ 2, Dũng đã định đưa vợ đến viện triệt sản luôn. Ông cụ thân sinh ra Dũng biết chuyện, hoả tốc đáp tầu hoả ra Hà Nội, té tát cho cả hai vợ chồng một trận khiếp vía kinh hồn. Cụ bảo con dâu:
- Nhà chị lắm người, chị coi cái việc đông người chẳng ra cái gì. Nhà tôi xưa nay ít người, ít con, đẻ thêm "một vài lứa" nữa cũng chẳng chết ai! Anh chị cứ đẻ. Sau không nuôi được, tôi nuôi! Vợ chồng suy đi tính lại, thấy bố nói cũng có phần có lý, quyết tâm "phá rào" đẻ thêm một đứa nữa khi đứa con gái thứ hai vừa tròn hai tuổi. Ai ngờ lần đẻ thứ 3 được luôn thằng con trai cháu khỉnh, bụ bẫm; cha con, vợ chồng Dũng như kẻ bắt được vàng. Được cái bây giờ cơ chế cũng thoáng; sau khi mẹ tròn, con vuông, vợ Dũng chỉ bị cắt lao động tiên tiến, chậm lên lương mất một năm, chứ cũng không kỷ luật, cảnh cáo gì. Cứ như mấy năm trước, thôi việc là cái cầm chắc. Dũng làm Công ty liên doanh, chẳng ai rỗi hơi để ý năm con hay ba con. Sau khi có thằng cháu đích tôn, ông Dĩnh - bố Dũng- giết hẳn con lợn một tạ mời cả họ, rồi gửi cái  nhà ở quê, chuyển hẳn ra ở với cháu nội, nâng hứng cháu như nâng trứng, hứng hoa. Ông Dĩnh nghỉ hưu từ 5 năm trước, năm nay vừa tròn 65 song ông vẫn khoẻ, da dẻ săn sóng như người mới ngoài 50. Từ ngày nghỉ hưu về quê nhàn nhã bao nhiêu, ra ở với vợ chồng Dũng, ông vất vả bấy nhiêu. Chẳng lẽ vợ chồng nó suốt ngày tất tả, rối ren với ba đứa con mà ông cứ xem tivi, đọc báo... cũng không được. Ngoài việc trông coi, chăm sóc hai đứa cháu gái, đầu tiên ông quét hộ cái nhà, cắm hộ nồi cơm... Sau, thấy bát đũa chúng cứ hai ngày rửa một lần, buốt mắt, ông rửa hộ nốt. Đến lúc cô con dâu hết hai tháng nghỉ đẻ phải đi làm (sinh lần thứ 3 chỉ được nghỉ hai tháng, không có chế độ gì khác) thì cả nhà rối bời thật sự: ba đứa trẻ, đứa lên bốn, đứa lên hai, đứa còn đỏ, chẳng lẽ đổ tất lên đầu ông Dĩnh? Dũng đi tối ngày, họa hoằn về được lúc bữa trưa, chỉ kịp giặt chậu tã lót lại đi ngay, cơm chẳng kịp ăn. Lan cũng vậy, làm nghề bác sĩ cũng đi suốt ngày, mỗi trưa chỉ tranh thủ về vài tiếng, cơm nước, cho con bú xong lại tất tả đi. Ông Dĩnh bỗng dưng hoá ra người trông trẻ không công, tháng tháng ông phải còn về quê lĩnh lương hưu lên bù trì cho cháu tiền đường, sữa. Thì ông đã nuôi trẻ con bao giờ? Vợ ông mất từ khi Dũng lên mười, ông ở vậy, gọi là "gà trống nuôi con" song chưa bao giờ ông thấy vất vả vì trẻ con như thế này. Vợ chồng Dũng thấy ái ngại cho bố, bàn nhau tính chuyện tìm Ô sin. Song tìm người thì dễ, tìm người giúp việc hợp ý lại quả không dễ chút nào.
Người đầu tiên đến giữ "chức" Ôsin ở nhà Dũng tên là Lĩnh, một người bà con xa đằng vợ. Tuy có cái tên mượt mà như lụa, song đấy là người đàn bà 45 tuổi, không chồng, không con, người đen sạm, khô quắt như que củi. Đầu chị ta húi cao như đầu đàn ông. Lúc chị  mới đến, con Hà mới 4 tuổi, gọi Dũng vào phòng trong, ghé tai:
- Bố ơi! Con phải chào bằng chú hay bằng cô? Thật thà như trẻ con, vợ chồng Dũng phải cắn môi nhịn cười. Đến bữa cơm, nhà có cái ăn, có bình rượu thuốc, cứ Dũng một chén, ông Dĩnh một chén thì cô Ôsin cũng một chén. Mỗi bữa, cô ăn đúng ba bát cơm, uống đúng ba chén rượu. Cô bảo: "Cơm ba bát, thuốc ba thang...". Cứ đến chén thứ ba là cô rung tít cái đùi gầy như que củi, rồi xem tướng, xem số lần lượt cho từng người trong nhà. Cô bảo Dũng: số anh là được làm quan, song lúc nào cũng có "yêu nữ" án trong đời, không ngóc lên được! Cô bảo Lan: số cô lấy kẻ khù khờ thì được ăn sung mặc sướng, song dễ... chết non! Cô bảo ông Dĩnh: tướng ông sát vợ; lấy ai rồi người đó cũng phải chết,v.v..và v.v... Đến lúc cô định bói cho ba đứa trẻ con thì cả nhà phải gạt đi, cô mới chịu thôi. Rượu vào, cô lên giường đắp chăn, ngủ một mạch từ bữa trưa đến bữa chiều, vừa ngủ vừa ngáy sồng sộc. Đến ngày thứ ba thì bình rượu mà ông Dĩnh vẫn chu chí vơi đi một nửa; ông cắn nhằn:
-  Đến khách quý tao cũng không phải hầu như thế, đằng này... Bàn đi tính lại, Lan phải nói dối với Ôsin:
- Cháu được nghỉ phép một tháng. Cô cứ về nhà, khi nào hết phép, cháu đi làm, cháu nhắn cô lên... Rồi Lan cho cô "lặn" luôn. Mời khéo được bà "thầy bói" ra khỏi cửa, cả nhà Dũng như trút được một mối họa.
Ôsin thứ hai là một cô bé 17 tuổi. Tuy đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu" song trông nó sắt seo như đứa trẻ 11 - 12. Nó yếu quá. Động đến tý việc gì là thở. Lau được một gian nhà: ngồi thở. Giặt được bộ quần áo: ngồi thở. Có hôm nó bê chậu quần áo lên gác ba phơi, đúng 6 chỗ nghỉ cầu thang là 6 lần nó ngồi thở. Con bé thứ hai mới 2 tuổi, nặng chỉ chừng 10 cân, trông nó bế nách cứ khệ nệ, vẹo người như đang vác tải thóc. Có lúc thấy nó vắt cái áo người lớn mà vặn mình xuýt ngã; thương tình, ông Dĩnh lại giặt luôn hộ số áo người lớn, chỉ chừa lại cho nó giặt ít áo trẻ con. Có Ôsin mà cứ như không. Đến ngày thứ năm thì vợ Dũng đành dúi cho nó năm chục, hai bộ quần áo cũ rồi bảo Dũng đèo về quê. Lên xe rồi  thấy nước mắt nó lã chã, nghĩ vừa thương, vừa tội.
Cô Ôsin thứ ba thì khác hẳn với hai cô trước. Nếu hai cô trước sắt seo, đen đủi bao nhiêu, thì cô nàng này lại mơn mởn, tràn trề sức sống bấy nhiêu. Dáng người cao, thon lẳn, cộng với nước da trắng như trứng gà bóc, lại biết cách ăn mặc, trông cô giống như một nữ sinh thành phố hơn là một cô Ôsin đến từ làng quê. Đẹp nhất là đôi mắt. Đôi mắt có đuôi dài, trong vắt, lúc nào cũng mở to, nhìn ai có cảm giác muốn nuốt chửng người ấy. Đôi mắt có lửa. Có lúc ăn cơm, cặp mắt ấy đang nhìn xuống đĩa thịt chợt ngước lên gặp ánh mắt Dũng, Dũng thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Cô tên Hiền. Phòng ngủ của Hiền ngay sát lối ra nhà vệ sinh, có cái sửa sổ trông ra ngoài sân. Năm giờ sáng Dũng dậy tập thể dục, Hiền vẫn ngủ. Dưới ánh điện xanh mờ, Hiền nằm đẹp như một nàng tiên ngủ trong rừng. Cái váy mỏng, ngắn đến đầu gối vô tình hất ngược lên, để lộ cặp giò thon lẳn trắng nõn trắng nà. Cặp ngực nở như ức chim bồ câu, phập phồng dưới làn áo mỏng, làm Dũng nhiều lúc run lên, quên cả tập thể dục. Nhiều sáng, Dũng bỏ tập, đứng ngoài sửa sổ ngắm cô Ôsin ngủ. Người đàn bà đã đẹp, họ càng đẹp hơn trong lúc ngủ. Mà đứng trước cái đẹp, họa chỉ có vô tri, vô giác mới không rung động.Từ ngày có Hiền đến giúp việc, căn nhà của Dũng sạch sẽ hơn, gọn gàng hơn, song tự dưng bỗng thấy trầm lắng hẳn đi. Dũng chịu khó tranh thủ về buổi trưa hơn. Vợ chồng về đến nhà, nhà cửa đã tơm tất, cơm dẻo, canh ngọt; thằng cu tý cũng ngoan hơn, thấy nó ngủ suốt ngày. Phải mỗi tội từ ngày có Hiền, Dũng cảm thấy mình mất hẳn lòng tự tin; nhiều lúc anh cảm thấy lúng túng trước cặp mắt sắc, dài của cô. Lan cũng thấy dạo này Dũng diện hơn, chăm giặt, chăm là quần áo hơn, và nghe như có vẻ... trẻ trung hơn...
Một buổi, vào đúng cái hôm ông Dĩnh về quên ăn giỗ, tầm 10 giờ trưa, Dũng tạt qua nhà. Cửa đóng im ỉm. Hai đứa lớn đi mẫu giáo. Dũng đoán chắc Hiền và cu tý đang ngủ trong nhà. Dùng chìa khoá riêng, Dũng rón rén mở cửa. Phòng ngoài cu tý mới ngủ mê mệt. Ngó qua cửa sổ phòng Hiền, tấm thân Dũng như muốn chảy thành nước, hai chân khịu xuống: dưới ánh đèn xanh mờ ảo, tấm thân nuột nà của Hiền đẹp lồ lộ, không một mảnh vải. Bên cạnh, một thằng đàn ông trần trùng trục, mặc độc chiếc quần đùi đang ngáy o o... Thấy động, cặp trai gái hốt hoảng, song phải đến mươi phút sau mới trở ra, lạy Dũng như tế sao lúc này đang ngồi chết dí trên đi văng. Té ra, những buổi cả nhà đi vắng, Hiền cho cu tý uống thuốc ngủ, rồi sẵn cái điện thoại, cô điện cho bạn trai đến nhà... Ngay buổi trưa hôm ấy, Hiền lặng lẽ gói ghém quần áo rời khỏi nhà, không kịp đợi Lan về để nhận tiền công. Khốn nỗi, đến trưa Lan về, Lan dồn dập hỏi Dũng: Bố về quê, đang giờ làm việc anh lẻn về nhà làm gì? Anh làm gì cô ấy đến mức cô ấy phải bỏ đi? Từ nhân chứng thoắt cái Dũng biến thành tội chứng. Anh không biết thanh minh với vợ làm sao. Suốt một tuần, không khí trong nhà căng như chuẩn bị chiến tranh vùng Vịnh. Rồi trong cái rủi cũng có cái may; đúng một tuần sau vợ chồng Dũng nhận được thư của Hiền. Hiền xin lỗi, và thanh minh rằng đó là... "chồng chưa cưới của em". Dũng như trút bỏ được khối ung thư trong người.
            Như vậy là quá tam ba bận. Lần này vợ chồng Dũng bàn nhau: phải tìm một người  tuổi thật cao, sức thật khoẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, và phải nhờ hẳn Trung tâm giới thiệu việc làm tìm giúp, chứ không tự đi tìm nữa. Nghe nói, nhận người từ Trung tâm giới thiệu việc làm, nếu có sơ xẩy gì, Trung tâm họ còn bồi thường cho nữa kia.
Có anh bạn quen một Trung tâm giới thiệu việc làm ở một ngõ nhỏ gần chợ Đồng Xuân, Dũng vội tìm đến. Chỉ sau 2 ngày hẹn, Giám đốc Trung tâm đã điện vào: có người như ý, cho người ra nhận. Sau khi đã nộp 100.000 đ tiền đặt cọc, Dũng chở "bác Ô sin" về nhà. Đó là một người phụ nữ trạc ngoài 60 tuổi, tên Hậu. Bà Hậu dáng người tầm thước, da trắng, tóc lốm đốc bạc, gọn gàng, sạch sẽ. Nếu mẹ Dũng còn sống chắc tuổi cũng trạc tuổi như bà. Nghe nói bà là người Thanh Hoá, cả chồng và 2 đứa con trai đều đã chết hết trong trận cuồng phong ngoài biển Hậu Lộc năm 1997 khi ba cha con đang đánh cá gần đảo Hòn Ngư. Năm năm nay bà sống một mình.
            Từ ngày có bà Hậu, Dũng có cảm giác như chính mẹ mình sống lại. Bà cụ coi vợ chồng Dũng như con; đặc biệt, bà quý mến, nâng niu ba đứa con Dũng như quý cháu nội. Sáng sớm, vợ chồng Dũng đánh răng, rửa mặt xong đã thấy thức ăn sáng bốc khói trên bàn. Đi làm về đến nhà, đã thấy cái khăn mặt vắt bên thành chậu nước nóng chờ sẵn. Cơm nước, quần áo, nhà cửa... vợ chồng Dũng không phải động đến việc gì. Biết gia cảnh bà cụ, vợ chồng Dũng cũng thương quý cụ như ruột thịt, trong đầu không mảy may nghĩ cụ là Ô sin. Chẳng trách người ta bảo: " Một mẹ già, bằng ba người ở", đây thì cộng lại, bà Hậu chăm chỉ như người ở, lại chu đáo, vun vén như mẹ già. Thằng cu tý một ngày là đã  quấn lấy bà, cả hai con chị, đi mẫu giáo về đến nhà là suốt ngày làm nũng bà, ăn cũng bà, thay quần cũng bà, chúng coi bà Hậu như bà nội. Song phấn khởi nhất có lẽ vẫn là ông Dĩnh. Trước chưa có bà Hậu, lúc ông thấy buồn bã, cô quạnh. Thì cả hai vợ chồng chúng nó đi tối ngày, sáng sớm đã khoá trái cửa, để hai ông cháu trông nhà, muốn trò chuyện với ai cũng chẳng được. Lắm lúc ông lại thấy mình như người trông trẻ, suốt ngày ầm ĩ, bi bô, ồn ã như ngoài chợ. Từ ngày có bà Hậu, ông Dĩnh tươi tỉnh hẳn lên. Đêm nào cũng vậy, cứ hai giờ sáng ông đã thức chong chong, nhắm mắt để đấy mà ngủ không được. Bà Hậu cũng cứ 5 giờ sáng là dậy nấu bữa sáng cho cả nhà. Hôm thì cháo, hôm phở, súp, xôi... có hôm bà còn tự xay bột, tráng bánh cuốn ngon hơn cả ăn hiệu. Sáng nào cũng vậy, bà Hậu dậy thì ông Dĩnh cũng dậy. Ông giúp bà mấy thứ lặt vặt, lúc nhặt rau, khi đổ nước. Bảnh mắt ra đã thấy hai ông bà lo xong xuôi bữa sáng cho con, cho cháu, rồi ngồi bên nhau cạnh ấm trà nóng rì rầm nói chuyện. Có sáng dậy sớm, Lan còn thấy bà đang lấy vạt áo lau nước mắt, còn ông Dĩnh thì an ủi:       
         - Thôi, bà cứ  nghĩ ngợi thế làm gì cho khổ! Bà Hậu yên lặng không nói gì. Cứ theo như ông Dĩnh kể lại, thì bà Hậu cũng từng có một thời vàng son, thậm chí còn nổi tiếng nữa. Vậy mà bây giờ bà đâm khổ...

VIII. CHUYỆN CỤ DĨNH CƯỚI VỢ

Tính theo tuổi ta, thì sau Tết Giáp Ngọ vừa rồi, bà Hậu vừa chẵn 60 tuổi. Bà sinh năm Mùi - Đinh Mùi. ở đời có câu: "Trai Đinh - Quý - Giáp thì tài; gái Đinh - Quý - Giáp phải hai lần đò'; đầu tiên bà Hậu cũng không lấy thế làm tin, song sau ngẫm ra đúng như vậy thật. Năm 1997, cả chồng và hai đứa con trai của bà đã chết cả trong trận cuồng phong ngoài biển Hậu Lộc. Nay đã ở tuổi 60 song bà vẫn đẹp. Không hẳn là đẹp lão; bởi tóc bà vẫn đen rưng rúc, bói mãi vẫn không tìm thấy một sợi bạc. Có lần đi gội đầu, con bé vừa dùng móng tay gãi tanh tách, vừa hỏi:
            - Cô nhuộm tóc ở đâu, sao không đến hiệu cháu ? Bà Hậu cười mà mặt vẫn đỏ chín. Một đời chồng, ba lần đẻ được hai thằng con trai, vậy mà bà vẫn giữ được cái lưng ong thon thả như thời con gái mới lạ. Hai hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp như hai hàng hạt lựu. Cặp mắt nâu sâu thăm thẳm, tuy hai bên đã nhiều vết chân chim song vẫn đủ nói lên rằng: thời còn trẻ, bà Hậu đẹp, rất đẹp. Duy có giọng nói vang vang, ồm ồm và nước da nâu mịn là không dấu vào đâu được: bà là con gái vùng biển. Nhìn khuôn người thon thả và cặp mắt vẫn còn lửa của bà Hậu, có lần ông Hinh đến chơi, ghé tai bảo ông Dĩnh :
            - Bà Ô Sin nhà cụ đang... hồi xuân đấy, cụ Dĩnh ạ... Ông Dĩnh cũng thấy gượng ngập. Bà Hậu vốn dân thể thao nên lẳn người, trẻ lâu. Những nằm đâu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, bà từng là người phụ nữ nổi tiếng không chỉ của huyện Lộc, mà còn được mệnh danh là người đàn bà giỏi giang nhất tỉnh Thanh. ở tuổi hai mươi, bà vừa là trung đội trưởng dân quân, là đội trưởng một đội đánh cá, vừa là vận động viên bơi lội của tỉnh mỗi khi Ty Thể dục- Thể thao triệu tập. Từng được mật danh là "con cá kình của biển cả", nhiều tấm ảnh của bà đăng trên báo tỉnh, có nhạc sĩ đã lấy bà nguồn cảm hứng cho một bài tình ca... Dáng người thon lẳn, mắt ngước nhìn bầu trời, bà đứng trên mũi thuyền rẽ sóng ra khơi, một tay cầm ống nhòm, tay cầm dây súng vắt lằn qua cặp ngực nở cao... đấy là vài nét mô tả một tấm ảnh chụp bà Hậu mà bà vẫn giữ đến tận bây giờ. Chính nhờ có những nét đẹp tuyệt vời ấy, mà bà đã lọt vào tầm ngắm của anh Hãn, đại đội trưởng dân quân đẹp trai, vượt qua hàng tá các cô gái khác để làm vợ anh từ lúc tuổi mới tròn hai mươi. Mười năm làm trung đội trưởng dân quân, bà Hậu vừa tay súng, tay lưới, vừa đẻ cho ông Hãn ba thằng con trai thì một thằng rơi xuống biển, mất xác từ lúc chưa đầy hai  tuổi. Hết chiến tranh, vợ chồng bà Hậu  quay trở về với cuộc sống đời thường: vợ ở nhà nuôi lợn, vá lưới; ba cha con ông Hãn một tháng hai lần dong thuyền ra biển câu mực. Nhà có 4 miệng ăn thì ba người là lao động chính. Cuộc sống ngư dân chưa ai đã giầu song gia đình bà Hậu cũng có thể gọi là sung túc nhất nhì trong xã. Ai dè trận lốc giữa năm 1997, biển đã nuốt nốt của bà ba người thân yêu nhất. Biển đã sinh ra bà; biển cũng nuôi sống bà; hơn 50 năm bà lớn lên cùng với biển; biển là ân nhân và biển cũng là con quái vật cướp tất cả của bà 4 người đàn ông: một chồng và ba thằng con . Từ một gia đình ấm cúng, sung sức nhất làng với ba người đàn ông, bỗng dưng bà thành tay trắng, trơ trọi, côi cút một mình. Một tháng liền bà gào khóc như điên như dại, khóc không còn nước mắt  mà vẫn cứ khóc. Suốt ba năm trời sau đó bà không làm được việc gì, kể cả nấu cơm. Ba năm liền, cứ chiều chiều, khi mặt trời còn quãng một con sào nữa là chui xuống biển, bà lại ra bờ biển ngồi, mắt đăm đắm nhìn về phía chân trời, ngóng chồng, ngóng các con. Cũng chính vì thế mà sau 3 năm, đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi, từ cái đài, cái ti vi đến bộ bàn ghế... Bà con chòm xóm, chính quyền địa phương, các đoàn thể .. cũng giúp đỡ, cưu mang nhiều; song lòng tốt đến mấy cũng có giới hạn. Hơn nữa, sau cái chết của toàn bộ 3 người đàn ông trong nhà làm bà thấy sợ biển. Mỗi khi nghe sấm chớp mưa giông, mỗi khi nghe sóng biển vỗ ì oạp, bà lại thấy một đàn thuồng luồng há những cái mồm đỏ máu lao về phía bà. Bà quyết định từ bỏ cái bờ biển phủ đầy cát trắng, từ bỏ những con sóng đã từng vuốt ve cơ thể bà, nuôi sống bà suốt gần 60 năm như từ bỏ một mối thù. Bà ra Hà Nội kiếm việc làm và gặp ông Dĩnh trong một hoàn cảnh như vậy.
            Thực ra bà Hậu cũng không kể cho ai nghe cái quá khứ đau buồn ấy của mình. Song cảm thông với người cùng cảnh ngộ goá buạ như mình, lại là người biết nghe chuyện, mỗi buổi sáng, ông Dĩnh được bà Hậu kể cho nghe một đoạn về mảnh đời của bà. Chắp nhặt lại, ông Dĩnh có được một câu chuyện xúc động về bà Hậu. Nghe bà kể, nhiều lúc ông phải vờ đứng dậy làm một việc gì đó, rồi lén lấy ống áo lau nước mắt mà không dám khóc. Đàn ông, ai lại khóc! Nghĩ vậy, song ông thương bà Hậu thật sự. Vợ ông Dĩnh cũng mất từ ngày ông mới ngoài 40 tuổi vì ung thư vú. Hơn hai chục năm nay, ông côi cút ở vậy, nuôi thằng Dũng lớn  khôn như bây giờ. Mấy lần có người đánh tiếng mối mai giục đi bước nữa, ông chỉ thở dài: "Mấy đời bánh đúc có xương...", để thằng Dũng khổ là ông cũng có tội với bà ấy. Hơn hai chục năm thiếu hơi đàn bà, những năm đầu thi thoảng ông Dĩnh cũng cảm thấy bứt rứt, sau dần thành quen. Hơn nữa, công việc cơ quan cuốn hút ngày đêm, ông Dĩnh ít khi nào có thời gian để mà buồn. Những tưởng ngọn lửa lòng đã tắt ngấm trong ông tự lúc nào. Khổ nỗi, từ ngày về hưu, chân tay ông cứ như bị thừa. Vợ chồng thằng Dũng đã đông con, lại toàn lít nhít trứng gà, trứng vịt; về đến nhà, chúng sấp ngửa với ba đứa con, không còn cả thời gian mà tâm sự, chăm sóc đến ông. Mọi công việc nhà đã có bà Hậu lo chu đáo, ông Dĩnh không phải động đến việc gì, bỗng dưng ông hóa thành người thừa. Cũng may, từ khi có thêm bà Hậu đến nhà, ông như người thêm bạn. Cùng cảnh goá bụa, cô đơn như nhau, ai mà không thông cảm. Những nỗi buồn về mất mát cất giữ sâu kín 5 năm nay, bà Hậu  dồn hết cho ông Dĩnh; hơn hai chục năm nay, ông Dĩnh mới lại có chỗ tâm tình. Ông Dĩnh tuổi Hợi, hơn bà Hậu bảy tuổi; không biết có phải ở tuổi tam hợp Hợi - Mão- Mùi  hay không, song càng gần, ông dĩnh càng thấy mình hợp với bà Hợi: nhỏ to tâm sự với nhau cả ngày không chán. Hễ vợ chồng thằng Dũng vừa dắt xe ra khỏi cổng, bà Hậu lại pha ấm trà đặc, hai ông bà ngồi nhấm nháp, ôn nghèo, kể khổ, nhạt ấm trà rồi mới làm gì thì làm. Có hôm ông Dĩnh về quê ăn cỗ cưới, nói với vợ chồng thằng Dũng: Bố về vài ngày ! Song đến chiều hôm ấy, sau khi ăn cỗ xong, ông đã sấp ngửa ra ngay. Vợ chồng thằng Dũng ngạc nhiên hỏi:
            - Sao bố bảo về ba ngày kia mà ?
            Ông Dĩnh ậm ờ:
            - ừ ... ừ ... tao quên mang cái sổ hưu về lĩnh lương. Thực chất, ông vừa gửi sổ về lĩnh lương đầu tuần trước rồi. Té ra là ông... nhớ bà Hậu.
            Nếu không có cái đêm 5 vợ chồng con cái thằng Dũng về quê ngoại ăn giỗ mẹ vợ - tức vợ thầy Dung  - thì cũng chưa biết cái tình ý giữa ông Dĩnh với bà Hậu phải dồn nén đến bao giờ. Chẳng biết ông giời sắp đặt hay một sự tình cờ, mà vợ chồng, cha con Dũng vừa kéo nhau đi lúc chiều, thì đến đêm ông Dĩnh đau bụng. Ông đau quằn đau quại. Chỗ cái mũi ức  như có cái dùi sắt nung nóng đâm thẳng vào, ông cứ quỳ dưới đất, tay bấu thành giường, chổng mông lên trời mà kêu. Đang đêm, bà Hậu cuống quýt sang nhà hàng xóm gọi anh bác sĩ. Anh bảo: cụ bị giun chui ống mật, chỉ cần uống viên thuốc với cốc nước đường, ống mật giãn ra, con giun sẽ tự ... rơi xuống ! Quả như lời ông bác sĩ, uống viên thuốc nhỏ như hạt đậu tương xong chừng vài phút, ông Dĩnh đã thấy giảm đau. Khổ nỗi, đến chừng nửa đêm, cơn đau lại tái phát. Chắc con giun nó lại mò lên. Nửa đêm, cả phố đã ngủ cả chẳng nhẽ lại quấy rầy anh bác sĩ ? Bà Hậu nhỏm dậy:
            - Để tôi đấm lưng cho ông...
            Ở tuổi 60, song lạ là tay bà Hậu vẫn vừa mềm, vừa ấm như bàn tay con gái. Bàn tay mềm mại vuốt đến đâu, cơ thể ông Dĩnh nóng ran lên đến đấy. Bà Hậu vừa đấm, vừa xoa lưng, vừa thở hổn hà hổn hển như người vác nặng. Ông Dĩnh đờ đẫn như người bị thôi miên. Những tưởng ngọn lửa của cả người đàn ông lẫn người đàn bà đã tắt ngấm từ vài chục năm nay, ai ngờ, ông đã nhầm. ở cái tuổi sáu mươi bảy, mà ông Dĩnh khẽ lật người, kéo nhẹ một cái, bà Hậu đã đổ gục trên bộ ngực đầy xương sườn của ông Dĩnh. Tích tắc, nước mắt bà đã làm ướt đẫm ngực áo ông. Cả hai ông bà như sống lại cái thời son trẻ, như tìm lại được bọc vàng mà mình đánh mất bao lâu nay...
            Chiều hôm sau, vợ chồng, cha con Dũng đèo nhau ra, thấy bà Hậu khoá trái cửa, nằm lỳ trong buồng. Đợi vợ chồng Dũng rửa mặt mũi xong xuôi, ông Dĩnh mới cẩn thận pha một ấm trà đặc, rót hai chén rượu thuốc để hai đầu bàn, bóc bao Vina mới nguyên rồi gọi Dũng:
            - Bố thằng cu, anh lên bố bảo.
            Dũng ngạc nhiên: xưa nay bố không hút thuốc, cũng không uống rượu suông bao giờ ? Hay là có chuyện gì ... gở (?). Im lặng. Năm phút im lặng đến gai người. Hai cha con lặng lẽ uống gần hết chén rượu, ông Dĩnh mới hít một hơi thở thật sâu rồi nói nhanh như đọc:
            - Bố muốn về quê. Bố muốn về quê và sống với ... bà... bà Hậu !
            Từ lâu, vợ chồng Dũng thấy bố côi cút một mình, nhiều lúc cũng nghĩ: nếu bố muốn đi bước nữa, vợ chồng Dũng không ngăn cấm. Đúng như người ta, bố lấy vợ từ lâu rồi mới phải. Song đến lúc bố nói câu ấy ra khỏi miệng, Dũng cũng không khỏi choáng váng ! Mà lấy ai kia chứ, ai đời ông chủ đi lấy... ô sin ? Dũng bảo vậy, ông Dĩnh đập mạnh chén rượu xuống bàn:
            - Anh có phận anh, tôi có phận tôi, anh đừng ích kỷ. Nếu anh chị ủng hộ, đến mai "chúng tôi" mới về; nếu không, "chúng tôi" về ngay bây giờ. Vợ Dũng là người hiểu biết, kéo Dũng vào buồng, nói nhỏ:
            - Kệ bố anh ạ. ở đời có câu: "Xưa nay con cháu nuôi cha, cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông"; cũng phải để cho bố có một chỗ dựa lúc tuổi già chứ. Mà ba đứa bé nhà mình, có thêm một bà nội như bà Hậu còn tốt chán. Còn hơn là...
            Cuối cùng, một tuần sau, vợ chồng Dũng lại phải rồng rắn kéo nhau về quê một lần nữa: cưới vợ cho bố ! Cũng mất thủ tục ra Ủy ban xã đăng ký đàng hoàng ! 5 mâm cỗ, chỉ gọi là mời các vị tộc trưởng và vài vị trong tổ hưu, song người lớn, trẻ con đứng chật đầu ngõ. Họ đến ăn cỗ thì ít, mà  đến xem "cô dâu" thì nhiều. Không áo dài, không khăn xếp; cô dâu gọn gàng trong chiếc áo lụa Hà Đông mầu xanh do vợ Dũng mua tặng, đầu chít khăn mỏ quạ, ngồi lẫn trong đám cụ bà - têm trầu. Ông Dĩnh trong bộ comple mầu xanh mượn của thằng Dũng, rộng thùng thình, xăng xái mời rượu, mời nước khắp mâm trên, mâm dưới. Có bà nói vui:
            - Trông cụ Dĩnh cứ như thanh niên đôi mươi ý... Có đứa trẻ lại hát: "Có phúc lấy được vợ già; Bát cơm cũng ngọt, quả cà cũng ngon"..., ông Dĩnh chỉ cười; mỗi lần cười, chòm râu bạc trắng như cước lại rung rung...
            Sau ngày cưới, hai vợ chồng ông Dĩnh ở hẳn lại quê, nuôi đàn gà, một con lợn, chăm sóc cái mảnh vườn lấy tiền tiêu vặt. Cá thịt nhà quê rẻ ê hề chứ không đắt như ngoài Hà Nội; cộng với khoản lương hưu trên năm trăm ngàn, lại vợ chồng thằng Dũng thi thoảng biếu xén, vợ chồng ông Dĩnh sống sung túc hơn hẳn ối cặp vợ chồng nhà khác. Tháng tháng, hai ông bà lại vẫy ô tôbus, đáp xe ra Hà Nội thăm ba đứa cháu nội. Khối người thấy cảnh hạnh phúc của ông Dĩnh, bà Hậu mà thèm.
Chỉ khổ vợ chồng anh Dũng, lại phải một lần nháo nhào nhờ người tìm hộ ô sin...
(Tạp chí BHXH- 2001).

(Cái hồi đăng xong kỳ cuối, "sếp" phó trực tiếp biên tập ghé tai bảo: "Tớ chuẩn bị về hưu; tớ... biết thừa cậu lấy tớ làm nhân vật, nhưng tớ... không nói gì...!". Khổ thế đấy. Thảo nào...)

                                                                                                                               (Hết)
TN.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

PHƯỢNG
                                                (Tác phẩm đạt giải B,
Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ 1999).
               
                                
     Em sinh đúng vào đầu mùa hoa phượng, nên nội đặt tên cho em là Phượng: Nguyễn ThịPhượng!
     Có điều, hoa phượng thì đỏ, mà một quãng đời của Phượng thì đen. Lúc mới sinh, giống bao đứa trẻ khác trên đời: em cũng lằn lặn, có mẹ có cha, có một gia đình hạnh phúc.Vậy mà, niềm hạnh phúc kéo dài chẳng được bao lâu. Chào đời được đúng 90 ngày, bất hạnh đã dồn dập ập đến với đứa trẻ chưa một lần kịp học lẫy. Sau một trận lên sởi, Phượng bị liệt chân trái. Nghĩ chồng bị “chất độc da cam”, mẹ Phượng – một người đàn bà mới tròn 20 tuổi- vội vã bỏ Phượng lại trên giường bệnh mà đi. Ba tháng tuổi, Phượng vừa mất mẹ, vừa thành đứa trẻ tàn phế. Bố đi bộ đội. Ông bà nội gần 70 tuổi đành dang rộng đôi tay gầy nâng niu, che chở đứa cháu tật nguyền. 20 năm rồi, dân làng Cao Viên (Thanh Oai – Hà Tây) vẫn nhớ như in hình ảnh 2 vợ chồng già, vắt đứa cháu gái như rẻ khoai héo trên lưng, dắt díu nhau đi hết huyện này xã khác tìm thầy, tìm thuốc. Bà con xóm riềng giềng, họ hàng, người cho bò gạo, kẻ biếu dăm đồng, suốt 3 năm ròng hai cụ đến gõ cửa gần trăm thầy thuốc, cả gần trăm thầy đều lắc đầu. Quãng đời của Phượng lúc ấy, chẳng khác nào bông hoa phượng đang đâm nụ, gặp bão giông đã vội bị giập vùi. Cuộc đời tưởng chừng bỏ Phượng mà đi. Thì người ta vẫn bảo:" Thân tàn, ma dại..." đấy thôi!
 Năm lên 6 tuổi, ngồi trong góc sân, nhìn các bạn cùng tuổi đến lớp, Phượng bảo ông:
           - Ông ơi, cháu đi học!
      Ông nhìn Phượng trân trân nước mắt:
           - Chân tay như vầy, học làm chi hở cháu?
       Phượng chỉ biết khóc ngấm, khóc ngầm. Năm lên 7, ông thương Phượng quá, bèn cõng cháu đến lớp trong con mắt ái ngại của xóm làng. Ông bảo: “Cố cho cháu học hết cấp một, gọi là để biết mặt cái chữ”. Bà nội có nghề làm đậu phụ. Đêm đêm, bà ngồi nấu đậu, ép đậu..., sáng mang ra chợ làng bán, gom góp từng xu, từng hào nuôi cháu ăn học. Quanh quẩn hết cấp một, bà đủ tiền mua cho Phượng chiếc máy khâu. Bà bảo:
           - Biết ối chữ rồi. Nay con đi học thợ may, sau ông bà chết, tự kiếm tiền mà sống.
       Phượng năn nỉ:
           - Cháu muốn đi học. Xin ông, xin bà cho cháu đi học. Cháu muốn làm cô giáo...
           Hai vợ chồng già lại đêm đêm thức trắng bên nồi đậu phụ, chiều lòng đứa cháu gái tật nguyền. Có người nói vào, nói ra:
           -  Ối người lành lặn đi học còn chẳng ăn ai. Đằng này...
       Phượng chỉ biết cắn chặt môi hơn, ấn sâu hơn hai hàng lỗ đáo trên con đường làng. Nhiều hôm trời mưa, cắm sâu mũi nạng xuống mặt đất rồi, vẫn ngã oành oạch trên đoạn đường có vài trăm  mét. Có bữa đến được lớp, trông Phượng chẳng khác gì mới đi... bắt cua về. Trời nắng, đường làng phơi ngập rơm, mỗi bước di lại kéo theo một đụn rơm, lại ngã sấp ngã ngửa. Suốt 9 năm học cơ sở, dù mưa, dù nắng, Phượng không bỏ một buổi. Từ chỗ thương hại, ái ngại, Phượng được bạn bè, thầy cô cảm phục. Nhiều bạn xin được cõng Phượng đến lớp, Phượng chỉ cảm ơn và đùa: Liệu có ai cõng mình được hết đời? Nhiều người nhìn cảnh Phượng gập người chống nạng đằng trước, lũ bạn tíu tít ôm mũ, ôm cặp hộ đằng sau, không khỏi vừa vui vừa gạt nước mắt. Học xong lớp 9, có người tìm đến bảo Phượng: một số người nước ngoài đang cần tìm trẻ em tàn tật để làm “con nuôi”? Nhiều người bảo “cơ may” đang đến với Phượng. Phượng nghỉ hẳn một năm ở nhà chờ “cơ may” ấy. Nhưng rồi, người ta lại đến và bảo Phượng “chưa đủ tiêu chuẩn”, vì chưa... mồ côi! Phượng ngậm cười, nhờ bạn bè nộp đơn xin thi vào trường PTTH Thanh Oai B. Ông Nhữ Đình Doanh thấy một cháu gái bị liệt đứng dựa cổng trường, liền hỏi:
           - Cháu đi đâu?
           - Thưa, cháu đi thi – Cô bé đáp.
        Khi hiểu rõ hoàn cảnh của Phượng, ông bảo: Nhà ông gần trường. Nếu đỗ, vào nhà ông mà ở. Và Phượng đỗ thật. Nhà ông Doanh chẳng giầu có  gì. 8 miệng ăn, một bà vợ ốm, chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vậy mà, có 6 người con, thì 4 người đỗ đại học, làm kỹ sư, bác sĩ. Thêm Phượng, gia đình càng túng bấn hơn. Ông Doanh chỉ cười: Thêm đũa, thêm bát ấy mà. Cả gia đình ông coi Phượng như con, nuôi nấng, chăm sóc Phượng suốt ba năm trời. Phượng kể, nhiều lúc nản quá, chỉ nghĩ đến cái chết để mọi người đỡ khổ. Song mọi người tốt quá, Phượng không nỡ để mọi người khổ thêm. Phượng “nợ” mọi người quá nhiều, Phượng càng lao vào học – học để “trả nghĩa”. Ngồi kể chuyện Phượng, cô Thắm- Chủ nhiệm lớp Phượng suốt 3 năm PTTH - rưng rưng: “Mỗi sáng, nhìn em nó liêu xiêu đến lớp trên cây nạng gỗ, thương lắm anh ạ. Ngay từ đầu, em đã họp lớp, căn dặn lớp phải giúp đỡ Phượng: Đây là một người đáng trân trọng, đừng để Phượng tủi thân...!”! Suốt 3 năm, bạn bè, rồi cô Thắm, sớm tối thay nhau đưa đón, trời nắng cũng như trời mưa. Có hôm mưa phùn gió bấc, bạn  bè thương không đến đón và xin phép cho Phượng nghỉ. Nghĩ thế nào, nhóm bạn lại xin nghỉ học, đi đón Phượng. Dọc đường đã thấy Phượng vai đeo cặp, tay vác nạng lết lê trên con đường đất trơn tuột. Nhóm bạn ôm Phượng ngồi khóc giữa trời mưa tả tơi. Biết Phượng nhà nghèo, bạn bè gom góp từng tập giấy, cái khăn, tấm áo... tặng Phượng. Cuối những năm cấp 3, học hành vất vả hơn, các bạn cũng vất vả hơn. Hằng, Hà, Tuyến, Lập... mỗi người học thêm mỗi nơi, song cứ phải đưa Phượng đến lớp rồi mọi người mới yên tâm đến lớp của mình. Có hôm thương bạn, Phượng lén một mình chống nạng đến trung tâm học thêm cách nhà 3 km, ngã xây xẩm mặt mày. Phượng bảo, mỗi lần ngã, Phượng càng quyết học. 12 năm học phổ thông, 12 năm Phượng đạt học sinh tiên tiến xuất sắc, là học sinh đạt giải học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh Hà Tây. Năm 1996- 1997, Phượng đỗ thẳng vào 2 trường Đại học: Ngoại ngữ và Dân lập Đông Đô - Hà Nội.

       Bây giờ, Phượng đã là nữ sinh năm thứ 2, lớp FA6-97 – Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ở tầng 2, học tầng 4, cuộc sống của Phượng gặp không ít khó khăn. Song, cùng 7  bạn trong phòng, người khoa Trung, người khoa Anh văn, lớp trên, lớp dưới, lại xúm vào giúp đỡ Phượng như chị em ruột thịt. Phượng bảo: Em chỉ muốn học để khỏi phụ lòng mọi người, khỏi trở thành người bỏ đi... Một vài tờ báo viết ca ngợi em. Phượng bảo tôi: anh đừng viết gì về em. Em muốn làm một con người bình thường. Nếu có thể, anh... “động viên” bố giúp em. Bố rất vất vả vì em, mà chưa có... báo nào nói cả.
Thanh Nhuận
(Báo NTNN, Phụ nữ VN
ngày 03/01/2000).