Translate

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

“VƯỢT CẠN",
NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT...


  
 Nhà tôi ở cạnh Trạm Y tế của một xã. Chiều chiều, tôi vẫn thường dắt con sang trạm chơi, hòng trốn đi những giây phút căng thẳng của đời thường. Một chiều đông lạnh tê tái, thấy có chị phụ nữ gầy sắt, phong phanh chiếc áo nâu sồng, lủi thủi ôm bụng, cắp chiếc nón rách tươm vào Trạm xin đẻ. Tôi hỏi người nhà? Chị giấu khuôn mặt đen đúa vào vành nón khóc tức tưởi. Lúc sinh được một bé gái kháu khỉnh, không có lấy một cái tã, không có lấy một cái áo sơ sinh... ngoài một cái áo cũ xé đôi để bọc cho đứa con tím tái. Cả gia đình nhà đẻ, nhà chồng không một ai đoái hoài đến chị ngoài đứa con gái mới lớn mười hai tuổi. Nghe đâu cả nhà chồng, nhà đẻ đều bảo: “nó không biết đẻ”(!). Của đáng tội, kỳ sinh này là lần thứ năm chị sinh con gái...
            Không biết tự bao giờ và không biết vị tiền nhân nào đặt cho sự sinh hạ của người phụ nữ cái tên “Vượt cạn” thật chuẩn xác. Chỉ hai từ đủ nói lên sự vất vả, khổ sở của người phụ nữ cả đời mang nặng, đẻ đau. Nhưng thôi, xin khỏi nói về nỗi đau của người phụ nữ khi “vượt cạn”, vì có giấy bút nào tả cho hết! Chỉ xin nói đôi chuyện về nỗi đau tinh thần của người phụ nữ khi “vượt cạn”, nhất là phụ nữ nông thôn, và nhất là khi sinh con một bề là gái. Đối với một người đàn ông, có hạnh phúc nào lớn hơn là được đứng đón vợ trước cổng nhà hộ sinh; có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được làm cha, làm mẹ. Đối với những người phụ nữ, tiếng khóc oa oa chào đời của đứa trẻ sơ sinh là kết thúc sự đau đớn về thể xác, nhưng cũng có thể là sự bắt đầu của nhiều nỗi đắng cay. thành phố, nhất là những gia đình trí thức, công chức, khi đến đón con từ nhà hộ sinh, chí ít người ta cũng bày tỏ niềm vui bằng những bó hoa, những chiếc ô-tô láng bóng đi thuê, bằng những chúc tụng... Người ta vẫn bảo: thêm người, thêm của mà lại. ít ai nghĩ đến chuyện con trai, con gái. Có chăng, chỉ là những nỗi buồn thoáng qua. Hôm ăn cỗ đầy tháng đứa con gái thứ hai của một anh bạn ở Hà Nội, ngồi giữa đống hoa tươi, rượu ngoại, giữa núi đường, núi sữa... tôi lại chạnh nhớ đến chị phụ nữ đến Trạm Y tế một mình vào chiều đông nọ. Cũng cảnh “vượt cạn” với nhau, sao người sung sướng làm vậy, người đắng cay đến thế? Hóa ra, chỉ tại cái câu từ ngàn xưa để lại: “Thập nam viết hữu, thập nữ viết vô” còn đè năng lên thân phận người phụ nữ. Đẻ toàn con gái, lấy ai nối dõi tông đường, lấy ai “chống” gậy lúc... chết! Và cứ thế, nhiều gia đình đã trượt dài, suy sụp về chuyện con trai, con gái. Hiền, người bạn gái cùng cấp hai với tôi thưở nào, nổi tiếng nết na, xinh xắn nhất làng, học xong lớp 7 đã vội ở nhà lấy một anh con trai vốn “độc đinh” nhưng gia đình giầu có. Nay, mới ba mươi tám tuổi mà trông như gần năm mươi với 5 đứa con gái, đứa út gần năm đã lại thấy cái bụng nghễu nghện. Còn nhà chồng thì từ giầu có nhất làng, sau hơn 10 năm đẻ hòng phá thế “độc đinh” trở thành nghèo xác vì người ăn thì nhiều, người làm không có, anh chồng chán trường lao vào chè rượu, vợ thì bụng mang dạ chửa quanh năm. y vậy mà hôm vừa rồi về quê ăn Tết Canh Thìn, thấy anh chồng còn tuyên bố một câu xanh rờn: Trăm bó đuốc, thế nào cũng được... con ếch(!). Anh bảo: ở quê, đẻ con gái không những “mất giống”, mà còn được mời đi ăn cỗ cũng không giám đi! Các ông bố đẻ toàn con gái đi ăn giỗ họ cũng phải ngồi chung một mâm ở nơi khuất mắt. Chẳng ai bắt thế vì chẳng nơi nào còn giữ cái hủ tục ấy, song như một lẽ thường tình, chẳng ai bảo ai, “hội ông ngoại” vẫn tự tìm đến nhau. Vì vô tình nếu có “ông nội” nào lọt vào mâm, có khi chỉ vài câu đùa, một câu khích bác là có chuyện rách việc. Mấy năm trước, đã có vụ án mạng bên mâm rượu chỉ vì khích nhau chuyện con trai, con gái. Mà chuyện này không chỉ dừng ở mấy ông nông dân; cả trí thức cũng có chuyện như vậy. Một ông Hiệu trưởng trường cấp 1 ở M.Đ (Hà Tây) đã có 4 đứa con gái. Tới đứa con gái thứ 5, sau khi vợ đi Trạm Y tế, người nhà phải nói dối vợ sinh con trai để anh giáo yên lòng. Anh giáo vội đạp xe đi chợ huyện, mua gà về để liên hoan, mua thịt nạc về để làm ruốc... Về đến bờ ao, có người thông báo thật để anh khỏi bất ngờ: con gái! Lập tức, anh quẳng cả gà, cả thịt xuống giữa ao, để rồi đến chiều lại ra ao nhì nhọp lặn tìm cân thịt nạc vì xót của! Lại có ông kỹ sư nông nghiệp huyện P., vợ đã đẻ hai đứa con gái, muốn đẻ đứa nữa mà sợ luỵ đến đường công danh. Ông kỹ sư lập kế, cho vợ vào miền Nam “thăm người nhà” để đẻ đứa nữa, mang ra nói dối là “xin thằng bé bị kẻ vũ phu bỏ rơi”... Chẳng biết mẹ nuôi thương con nuôi đến mức nào mà tiết cả sữa cho thằng bé bú chùn chụt(!). Lúc ấy mới lòi đuôi ra và ông mất luôn chức “lao động tiên tiến”. Khổ nỗi, ngày nay, trong các đám cưới trang nghiêm, trong buổi gặp nhau đầu xuân, người ta vẫn thường chúc nhau đẻ con trai đầu lòng, ít ai chúc nhau lập nghiệp, hạnh phúc! Có ông chồng chỉ vì lời chúc, khát con trai, bèn áp dụng “biện pháp khoa học” về ăn kiêng, uống kiêng, kiêng đủ thứ đến phát bệnh để rồi cuối cùng chẳng có lấy nổi một mụn con dù là gái. Nay nghe tin, nhiều người còn bán lợn, bán lúa non lấy tiền về tận Thái Bình, ra tận Hà Nội để xét nghiệm; nghe đâu ở đấy có chỗ đoán giới tính thai từ khi được một, hai tháng. Nếu trai thì để, nếu gái thì “triệt” luôn! Có nhà có 3 cô con dâu, dẻ được 6 đứa toàn là gái. Bà mẹ chồng treo giải thưởng: 2 cây vàng cho đứa nào đẻ được cháu trai! Thế là cả ba cô con dâu đều ngấm ngầm thi nhau... đẻ. Ba năm sau, ba cô con dâu đã nâng số cháu gái của bà lên... 12 đứa, bà mới té ra là mình... dại. Có những kẻ vì khát quá mà sinh lú lẫn, mất hết tính người. Nhớ chuyện động trời hồi giữa năm 1993: gã nông dân đã 5 lần sinh con gái. Đến lần thứ 6, cũng lại là con gái, người nhà phải nói dối là trai để  gã yên lòng. Khi đến nhà hộ sinh, thấy là con gái, gã giằng lấy đứa bé vứt ra ngoài cửa sổ rồi bỏ trốn. Thương tâm nhất là vụ án ở P.T hồi giữa năm 1995. Cũng lại một gã nông dân vợ 4 lần sinh con gái. Đến lần vợ mang thai đứa thứ 5 đến tháng thứ 7, hắn đi xem bói. Lão thầy bói bảo lần này lại sinh con gái. Hắn uống rượu say, cầm dao đâm chết vợ rồi trói cả 4 đứa con gái cùng định nhảy xuống sông, may có người cứu được cả năm cha con. Đến lúc mổ tử thi người vợ, hắn mới ngất đi vì biết đứa bé xấu số là một bé trai! Bố vào tù, mẹ chết; 4 đứa con gái, đứa lớn nhất mới hơn 10 tuổi phải nương  nhờ vào bà con lối xóm. Trước khi lãnh án, sao hắn không biết một điều rằng, con nào mà chẳng là con; vả lại nếu có sinh toàn con gái cũng là tại hắn, chứ đâu có phải tại người đàn bà xấu số kia?
            Còn chuyện 2 mẹ con bị chồng và gia đình nhà chồng bỏ đói vì “tội đẻ con gái” là chuyện cơm bữa. Sinh con, ai chẳng muốn có nếp, có tẻ; song những người như “hắn” làm cho người phụ nữ vốn lam lũ, tần tảo, đã phải mang nặng, đẻ đau, lại phải mang trên người một tâm trạng nơm nớp đến quằn quại chỉ lo mình lại sinh con gái. Vô lý thay, khi phần lớn phụ nữ đều cảm thấy mình có lỗi nếu mình không đẻ được con trai cho gia đình nhà chồng?
            Thay cho bài viết này là chuyện về một ông giáo làng đã về hưu ở Đ.T; hồi ông đang đi dạy học, bà giáo cũng đẻ một lèo 4 cô con gái. Lúc gần về hưu, ông bắt bà đẻ thêm lần chót hòng kiếm “thằng cu”. Nào ngờ, lần ấy bà giáo đẻ sinh đôi liền 2 cô con gái. Đặt tên cho 2 cô gái út là Hằng, Nga xong, ông ra... ở riêng một mình khi tuổi đã ngoài năm mươi! Nay, 4 cô chị đã học xong đại học, đứa bác sĩ, đứa giáo viên... Hai cô út, Hằng, Nga xinh như hoa hậu, mới học đại học năm thứ  hai đã nhiều kẻ rập rình, quà cáp... Thấy mấy anh con trai nhà hàng xóm vừa làm cỗ cúng 3 ngày bố xong đã cãi nhau ầm ĩ về chuyện đất cát chia nhau không đều, ông giáo mới móm mém cười, chép miệng nói vui với bà giáo: Giá hồi ấy “bà nó” đẻ sinh tư lại hóa hay...!
T.N