Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

 “ÔNG "LIỆT SỸ" 
ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI...!

Một ngôi nhà nhỏ nằm trong một ngõ nhỏ sát hai trường học; “diện tích mặt sàn” của ngôi nhà vẻn vẹn 12mét vuông, còn “mặt tiền” chỉ có …2,3m. Phía trước, một cái quán nhỏ liêu xiêu chênh vênh trên vỉa hè, lèo tèo dăm chai nước, vài hộp kẹo, một hộp thuốc lá và một ấm trà…Có người bảo, ở cái quận Hà Đông (Hà Nội), có hai quán trà pha ngon nhất, thì quán của “ông Liệt sĩ” ấy là… số 1! Trà ông pha thoạt trông thì nhạt mà sóng sánh, “cắm được tăm”; uống vừa thơm, đậm, ngọt, chát…; ngụm trà chảy vào đến đâu trong cơ thể, người uống cảm nhận được vị ngon đến đấy…
  Và, một điều quan trọng, là một ấm trà nhỏ, trong một quán trà cũng nhỏ, lại đang làm nên một  chuyện lớn lao cho đời!

1.     Mười hai ngàn ngày đi “Xin làm người còn sống”...
Ông chủ quán trà “Đệ nhất Hà Đông” ấy tên là Phạm Văn Nam, sinh năm 1953. Với “gốc gác” là con trai cả của một thương binh miền Nam tập kết, lúc ấy, anh đủ cơ hội để xin không gia nhập quân đội hoặc vào mặt trận; song anh bảo: “Đất nước cần, thì mình đi thôi…” Và thế là năm 1973, giữa lúc chiến trường miền Nam đang vào kỳ ác liệt nhất, anh rời Công ty Xây lắp Điện lực Hà Tây (cũ) lên đường ra trận, đúng tuổi 20.
18 năm trong quân ngũ; 6 năm trực tiếp tham gia 2 mặt trận là giải phóng Miền Nam và mặt trận biên giới Tây Nam, cũng ngần ấy năm làm lính trinh sát, nên Phạm Văn Nam kịp có mặt ở gần khắp các chiến trường, từ Đường 9, Rừng Sác…, đến mặt trận Lào, Campuchia… Nhiều lần bị thương, song lần bị thương mang tính “quyết định” nhất là năm 1978 ở mặt trận đường 56,  đánh nhau với lính PônPôt. Lần ấy bị hai viên đạn bắn toác đỉnh đầu, và một viên bắn nát đầu gối trái, chiến sĩ Phạm Văn Nam đã ngừng thở. Đồng đội đã kịp gói anh vào túi ni lông, kèm theo là một vỏ đạn ghi tên tuổi, quê quán, đưa về tuyến sau… Ai dè sau một đêm “gối đất, nằm sương”, Phạm Văn Nam tỉnh lại; một đồng đội giúp anh thoát khỏi chiếc túi ni lông đã bị buộc chặt, băng bó vết thương cho anh. Không ngờ, người đồng đội ấy hy sinh ngay sau đó; còn Nam luồn vào rừng, sau nhập vào một đơn vị khác… Lúc thu dọn chiến trường, ai nấy ngậm ngùi chẳng hiểu xác Nam lạc đâu, mà chỉ thấy mỗi cái túi ni lông dính đầy máu và mảnh giấy ghi rõ tên tuổi, quê quán… bên trong một chiếc vỏ đạn đã đập bẹp đầu… Năm 1979, bà con Khối 6, rồi cán bộ, nhân dân phường Quang Trung, Thị xã Hà Đông (lúc bấy giờ) đã long trọng tổ chức Lễ Truy điệu cho Liệt sĩ Phạm Văn Nam trong niềm tiếc thương vô hạn. Đùng một cái, năm 1990, anh được Trại an dưỡng Thuận Thành(Hà Bắc) đưa về nhà giữa lúc nửa đêm. Người mẹ già khóc lặng, chắp tay vái: “Con sống khôn chết thiêng…”! Anh chỉ kịp bảo: “Mẹ ơi, con còn sống…” rồi ngã vật vào lòng mẹ. Sau hỏi anh rằng suốt 13 năm liền sao không tin tức để gia đình biết mình còn sống? “Ông Liệt sĩ” Phạm Văn Nam hỷ hả: thì suốt 13 năm mình liệt nửa người; vết thương trên đầu làm mình lắm lúc bị thần kinh. Nghĩ bụng: thà cứ để gia đình coi mình là liệt sĩ, còn hơn trông thấy mình như thế này. Sau, nghĩ mẹ già đã gần đất xa trời, thương nhớ mẹ, đành phải… về thôi…
Suôt hai năm trời, người dân Hà Đông không cầm được nước mắt khi thấy lúc thì “Bà mẹ liêt sĩ”, lúc thì “Ông bố Liệt sĩ” vốn cũng là Thương binh chống Pháp còng lưng dìu “con Liệt sĩ” tập đi trong cái phố nhỏ Bế Văn Đàn. Sau hai năm “chập chững” trên đôi tay cha, mẹ già, “Liệt sĩ” Phạm Văn Nam biết tự đi trên đôi nạng gỗ thì người bố mất, để lại trong anh bao trăn trở, bộn bề…
Năm 1993, “bước đi đầu tiên” của Phạm Văn Nam trên đôi nạng gỗ, là lên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) trả lại Giấy Báo tử, trả lại Bằng Tổ quốc ghi công, và chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Xin cái giấy xác nhận là mình còn sống!
Và cho đến tận bây giờ, sau 12 ngàn ngày báo tử, và sau 18 năm đi xin, Phạm Văn Nam vẫn chưa xin được cái giấy ấy. Và cũng chỉ vì thiếu cái giấy thiêng liêng ấy, mà cho đến nay, ở cái tuổi 60, Phạm Văn Nam vẫn chưa được hưởng chế độ gì, vì liệt sĩ chẳng phải, thương binh cũng không(?!). Hôm nhóm phóng viên đến thăm nhà, ngoài tài sản quý giá nhất là một cái ti vi màn hình mỏng do bạn chiến đấu tặng, anh chỉ cho xem hai thứ mà anh cho rằng quý giá hơn cả: đó là một tủ hồ sơ liệt sĩ, và một bọc thuốc to bằng cái giỏ ấm. Anh bảo: một ngày không có thuốc là chết! Và thật tùi ngùi: cả đống thuốc ấy đều được chắt từ những chén nước chè sóng sánh “Đệ nhất Hà Đông” kia…

2.    “Liệt sĩ Nam” đi… tìm đồng đội.
Năm 1973, Phạm Văn Nam lên đường vào mặt trận giữa lúc chiến trường miền Nam trong thời kỳ ác liệt nhất. Trong khu phố lần ấy, lên đường với Nam có đến vài chục người. Tất cả đều được “phiên” vào một đơn vị, là Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Lần nào trước khi ra trận, mấy anh em cũng kịp tâm sự, dặn dò nhau: “Sau, nếu thằng nào còn sống, thì phải đi tìm thằng đã mất, để giao cho mẹ…”. Suốt bao năm đau đáu lời nguyền với đồng đội; song phần do liệt nửa người, phần do đời sống quá khó khăn, Phạm Văn Nam cũng chỉ biết khắc khoải với lời nguyền.
Cho đến một lần vào năm 1993, Phạm Văn Nam đi dự đám tang một người đồng đội dưới Quảng Ninh. Tình cờ, Nam gặp hai mẹ con đang khóc ngất vì vừa đi tìm mộ chồng, mộ cha trong Bình Phước mà không thấy. Gạn hỏi, hóa ra người Liệt sĩ mà hai mẹ con đang tìm chính là đồng đội của anh, tên  là Nguyễn Đình Hòa, hy sinh năm 1975 tại mặt trận Bình Phước mà do chính tay anh chôn cất. Vài ngày sau, “Liệt sĩ Nam” cùng vợ con người đồng đội trở lại Bình Phước, nhanh chóng tìm chính xác mộ liệt sĩ Nguyễn Đình Hòa. Anh Nam kể lại: là lính trinh sát, chẳng mấy ai vào trận mà lại mang theo giấy bút; đặc biệt là chẳng đào đâu ra lọ Penixilin, nên anh có sáng kiến: nếu có giấy bút thì ghi tên tuổi, quê quán lên mảnh giấy, rồi bỏ vào vỏ đạn, cắn bẹp đầu rồi để vào miệng liệt sĩ. Không có giấy bút thì bỏ vật gì đó vào vỏ đạn rồi về ghi đặc điểm vào sổ. Bằng cách ấy đã giúp anh khá hiệu quả trong công việc tìm mộ sau này. Và cũng từ cái lần đi tìm mộ Liệt sĩ hết sức tình cờ ấy, “nghiệp” tìm mộ gần như thấm vào máu “Liệt sĩ Nam”. Cho đến bấy giờ, mỗi khi trái nắng trở trời, hai vết thương trên đỉnh đầu lại hành hạ, làm anh nhiều lúc giở điên, giở khùng… Những lúc tỉnh táo, không hiểu sao, những hình ảnh cũ ngoài mặt trận cứ hiện dần lên hàng ngày, rõ mồn một... Có khi đang ngồi bán nước trà, bất chợt nhìn thấy một hiện tượng nào đấy, có thể như một màu áo lính…, anh lại nhớ ra tên tuổi, quê quán, phần mộ của một người đồng đội nào đấy…. Những lúc như thế, anh bỏ mặc khách, quay vào nhà ngồi vẽ chi tiết phần mộ, tên tuổi, quê quán… từng người. Ngồi sau quán nước từ Hà đông, anh có thể vẽ lại từng lối mòn, hốc đá; ghi lại từng đặc điểm dưới mộ của người liệt sĩ ở Miền Nam… Trong một trang vở, anh viết: “Nguyễn Danh Tuấn-1947; gói bằng tấm tôn, 2 dầu đóng 2 cọc sắt 3 cạnh”… Sau này, gia đình liệt sĩ Nguyễn Danh Tuấn vào bốc mộ anh, thấy địa điểm, đặc điểm y hệt như vậy, không khỏi ngỡ ngàng. Vì trong những năm sống trong hai cuộc chiến, “Liệt sĩ Nam” đã từng đánh khắp các mặt trận ở Miền Nam, rồi Lào, Campuchia…, tự tay chôn cất hàng trăm Liệt sĩ, chứ không phải chỉ vài người. Một người có uy tín trong lĩnh vực tâm thần học đặt giả thiết: Có thể, hai vết thương trên đầu ảnh hưởng đến não bộ, và chúng làm kích thích khu thần kinh liên quan đến trí nhớ của anh. Chẳng biết nhận định của nhà khoa học nọ có đúng hay không; chỉ thấy mỗi lần nhớ ra một ngôi mộ, một khu mộ, là “Liệt sĩ Nam” lại tìm cách… lên đường. Anh bảo: nhớ ra rồi, không đi tìm họ về, cứ như ngồi trên đống lửa, không chịu được. Cứ sau mỗi lần như thế, anh lại liên hệ với thân nhân liệt sĩ, rồi cùng gia đình thân nhân trở lại chiến trường với đủ loại phương tiện: ô tô, máy bay, xe lửa…, rồi lại cùng thân nhân leo đèo, vượt thác… 18 năm nay, “Liệt sĩ Nam” trở lại chiến trường xưa hàng trăm chuyến, năm nhiều tới 16 chuyến, năm ít nhất cũng 5-7 chuyến; mỗi lần đi cũng mất dăm bữa, nửa tháng; có lần dài nhất tới 45 ngày. Cứ dạo nào thấy vắng ông “Liệt sĩ Nam” đằng sau quán trà, dân phố Quang Trung, rồi dân ngõ Bế Văn Đàn lại bảo nhau: “Ông Liệt sĩ lại đi miền Nam rồi”, để đến lúc gặp lại bên quán nước trà, họ lại hỏi anh: “Thế nào, kỳ này được… mấy cái?”; để rồi anh lại cười khì: “Ừ, được có… dăm cái”! Lần tìm được nhiều nhất phải kể đến năm 2007, anh lăn lội lên tận Kon Tum, đưa về hài cốt 16 liệt sĩ của riêng xã Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội)… Cứ như “Con ong tìm… mộ” như thế, 18 năm nay, “Ông Liệt sĩ” Phạm Văn Nam đã trực tiếp bốc, rửa…, rồi “mang về cho mẹ” đồng đội tới 242 phần mộ liệt sĩ. Đấy là chưa kể nhiều phần mộ liệt sĩ anh chỉ đường, chỉ đặc điểm cho thân nhân tự bốc. Khắp miền Nam biết anh, vì anh đến đấy tìm mộ; khắp Miền Bắc biết anh, vì phần mộ anh tìm thấy giúp là người con của những thân nhân ở khắp miền Bắc. Nhiều liệt sĩ anh không hề biết, thân nhân đến nhờ, anh cũng nhận lời và tìm hộ rất hiệu quả. Người biếu nải chuối, cân gạo thì anh nhận; tuyệt nhiên không lấy của gia đình nào dù nào một xu. Có gia đình trên đường trở về thì hết tiền; anh đã bán bộ quân phục mang theo để đỡ cho gia đình thân nhân Liệt sĩ.
Khi hỏi về nguồn kinh phí cho những chuyến đi, anh Phạm Văn Nam chỉ tay vào cái ấm nước trà, rồi lại chỉ tay về phía vợ: “Tất cả ở đấy”! Từ năm 1990, người vợ thấy anh chồng “Liệt sĩ” đau ốm quanh năm, đành xin nghỉ “một cục”, ở nhà chăm sóc chồng và phụ đỡ quán nước. Chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu, tần tảo chắt chiu từ cái quán nước được đồng nào lại dồn hết cho chồng “vào Miền Nam”; 18 năm, chị không một lời than vãn. Có lần anh lên đường mà không có tiền, chị tất tả đi vay, đi mượn bên nội, bên ngoại, cho anh lấy tiền làm lộ phí. Chị bảo: “Thấy anh ấy vui là tôi vui rồi…”. Vài năm gần đây nhiều người biết chuyện, gửi biếu anh dăm chục, một trăm qua đường bưu điện. Thật cảm động khi đọc lá thư của bà Lê Minh Tâm, 80 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh: “Mẹ vừa được một triệu đồng lương hưu, mẹ chia cho 3 người: con 300 ngàn, và…”! Hàng trăm, hàng trăm là thư như thế khắp mọi miền đất nước gửi về, biết ơn, cảm động, sẻ chia… Có điều, họ chỉ biết đến anh như một người thương binh đi tìm mộ đồng đội, mà ít ai biết rằng: anh cũng vẫn đang là một… Liệt sĩ (?!)…
Sau 18 năm chống nạng lên xuống đi xin cái giấy “Xác nhận còn sống” mà chưa được; bây giờ anh im lặng! Anh động viên vợ con: “Bạn bè tôi còn nằm lại chiến trường nhiều lắm; tôi còn được sống thế này đã là… quý lắm rồi!”…

Vĩ thanh: Có lần, một người bố của đồng đội tìm đến anh để cảm ơn. Chưa kịp xong chào hỏi, ông cụ đã  quỳ xuống mà “Lạy quán nước trà, lạy anh…”, vì nhờ có quán nước trà,  nhờ có anh mà con trai  của cụ đã được trở về với  Đất Mẹ./….
                                                                                        (Báo Tiền phong- 27/4/2001)

                                                                                             T.N


NGÃ BA ĐỒNG LỘC, 
"TÔI KỂ CHUYỆN NGÀY XƯA"...

Lúc ở nhà anh Ninh về đã 11 giờ đêm. Qua nghĩa trang10 cô, thấy trăng sáng vằng vặc. Hai tôi lại lên nghĩa trang ngồi, ngầm nghĩ. Tôi lầm rầm khấn: 30 năm trước, các chị chỉ khát khao một đêm trăng thế này được đi với người yêu mà chưa được. Nay, chúng em đến với các chị giữa một đêm trăng tuyệt đẹp, với mong rằng các chị bớt phần lạnh lẽo. Ông Chủ tịch xã bảo: chưa có đoàn phóng viên nào ngủ lại ở Ngã ba Đồng Lộc, và cũng chưa có ai lên nghĩa trang 10 chị vào nửa đêm. Về đến nhà anh Chủ tịch Hội nông dân đã gần 12 giờ đêm. Nhà gần ngay khu nghĩa trang 10 chị. Có mỗi chiếc quạt điện, đã nhường cho ông cụ thân sinh anh Chủ tịch Hội. Nóng quá, hai tôi mắc màn ra hè ngủ. Tôi không biết mặt chị Tần, nhưng đã mấy lần xem phim “Ngã ba Đồng Lộc” có ca sĩ Thúy Hường đóng vai chị. Tôi vốn nhát bóng đêm. Cứ nhắm mắt vào là thấy chị Tần (có khuôn mặt của ca sĩ Thúy Hường) đứng ngoài sân, tóc dài, mặt bầu, mắt đen nhìn tôi đau đáu, trách móc. Tôi đâm sợ, bèn lay anh bạn đã ngủ say dậy đổi chỗ, tôi nằm vào trong mà vẫn không dám nhắm mắt.

1. Chuyện về mười đóa sim rừng.

Đến Can Lộc, trời đã chạng vạng chiều. Ông Chính, trưởng phòng VHTT huyện khuyên chúng tôi: dưới Đồng Lộc, từ điện nước đến chỗ ngủ nghỉ đều rất khó khăn. Các anh nên nghỉ lại nhà khách huyện ủy cho đàng hoàng, sáng mai ta xuống! Anh bạn cùng đi với tôi thì bảo: Chúng tôi muốn ngủ một đêm ở đúng Ngã ba Đồng Lộc! Ông Trưởng phòng vốn rất nặng máu nghệ sĩ chắp tay bái bái như sư phụ: Tôi hiểu, tôi hiểu. Đây là lần đầu tiên tôi đưa khách xuống Đồng Lộc vào lúc chập tối...bái phục. Bái phục.
            Vù một lèo hết 30 km đường nhựa láng bóng, về đến Đồng Lộc đã thấy đủ mặt dàn lãnh đạo xã đang lim dim ngồi...chờ. Vị Chủ tịch xã còn trẻ, mặt đen cháy như Bao Công phân bua: Anh Chính vừa điện xuống nói các anh về, chúng tôi đến ngay. Hơn nữa, chúng tôi chờ cuộc gặp này từ lâu. Tức quá. Tức quá. "Sao chúng tôi đến, Chủ tịch lại bảo “tức” ?- Xin mời các anh xuống dưới dân, kẻo chúng tôi nói sợ các nhà báo không tin...
            Nhà “dân” đầu tiên mà chúng tôi đến là anh Nguyễn Thế Ninh, 60 tuổi, ở xã bên cạnh. Anh nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 552, chỉ huy trực tiếp tiểu đội 4- Tiểu đội có 10 cô Thanh niên xung phong hy sinh ngày 24 tháng 7 năm 1968. Vóc dáng gầy gò, khuôn măt u uất, song anh trẻ hơn so với cái tuổi 60. 9 giờ đêm, anh vẫn cởi trần, đánh vật với đống lúa cao ngất ngưởng ngoài sân. Một chiếc bàn thờ giữa nhà chăng đầy câu đối, hương khói ngan ngát. Anh Ninh bảo, bà cụ thân sinh ra anh vừa mất được mấy mươi ngày. Lúc thắp hương bái khấn vong linh cụ, tôi giật mình, trông ảnh cụ sao thấy...quen quen. Hóa ra - anh Ninh cho biết - đây chính là người đã đóng cảnh cụ già đi...chơi lang thang giữa ngổn ngang bom mìn trong phim “Ngã ba Đồng Lộc” của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh mà tôi đã mấy lần xem. Anh Ninh tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong từ tháng7 năm 1965, xuất phát từ Bí thư huyện đoàn Xuân Lộc. Chỉ huy một đại đội gồm 8 tiểu đội, toàn là nữ, song anh cũng chưa giám ngỏ lời yêu ai, chỉ thấy thương các cô vô cùng. Anh kể; cho tới bây giờ, hình ảnh 10 cô gái tiểu đội 4 đã hy sinh vẫn hiện lên trong tôi rõ mồn một, như ngày hôm qua, làm nhiều năm tôi bị ám ảnh mà không nghĩ đến chuyện lấy vợ, Mãi đến năm 1975, sau khi đại đội TNXP giải tán, tôi mới cưới một cô chiến sĩ cùng đại đội, lúc đã gần ở tuổi 40. Yêu thì chưa, song hồi ấy, tôi mến nhất cô Hường ở tiểu đội 4. Hường là người thị xã Hà Tĩnh, nhỏ nhắn, trẻ nhất tiểu đội, có mái tóc dài đến hông và nước da trắng như trứng bóc. Lần nào gặp tôi Hường cũng hỏi: sau này hết chiến tranh, liệu chúng em có lấy được chồng không anh? Tôi lại phải động viên: các cô cứ tích cực, nhiệm vụ bây giờ là thông đường, thông xe...sau này giải phóng, tôi sẽ giới thiệu...giúp. Cuộc chiến hồi ấy cực kỳ ác liệt. Mỗi ngày có khoảng 30 trận bom ném xuống Đồng Lộc, còn bom thì không đếm xuể, song  cả 10 cô đều rất tích cực. Lúc nhàn rỗi , hết bom, thông đường, các cô lại hát hò, nuôi gà, nuôi lợn, dạy nhau học văn hóa...lúc có bom, tắc đường, chỉ một tiếng còi, các cô đã có mặt ngay ở hiện trường, phá bom, san đường...10 cô hy sinh thì 8 cô chưa một lần yêu. Mới có cô Tần (tiểu đội trưởng) có người yêu tên là Hồng ở xã bên cạnh, đi bộ đội trước khi Tần vào TNXP; và cô Cúc, nhà ở huyện Hương Sơn, mới lấy chồng song cũng gia nhập TNXP. Trẻ trung, nhí nhảnh nhất vẫn là cô Hường, cô hát suốt ngày. Hết bài “Chào em cô gái Lam Hồng” lại đến bài “Ngày mai em vừa tròn 20 tuổi...”. Buổi chiều 24/ 7/1968 có anh lính lái xe ủi tặng Hường một bó hoa toàn sim rừng tím. Hường bỏ xẻng, chạy ngay lên nóc hầm đang đào giở cười khanh khách: Hoa này là anh ấy tặng cho cả tiểu đội ta, không chỉ tặng cho riêng em, nên các chị đừng...ghen nhé. Vừa nói dứt lời, một tiếng máy bay rít, một trái bom lao xuống, và...Lúc chúng tôi bới được Hường lên, Hường vẫn tươi rói, vẫn cười, và bó hoa sim rừng vẫn chặt trong tay. Hường chết lúc chưa tròn 19 tuổi.
            Còn cô Tần, không phải nhiều tuổi nhất trong tiểu đội, song là người kiên nghị, đứng đắn nhất, nên được bầu làm Tiểu đội trưởng. Tần người cao, da ngăm ngăm, có mái tóc dài tới ngang kheo. Chiều hôm ấy tiểu đội 4 được giao nhiệm vụ đi đào hầm tránh bom cho đơn vị. Hôm ấy, tiểu đội đi sớm hơn mọi khi. Không hiểu tại sao, Tần quay lại nói với tôi: “Chiều nay đi sớm thế này, cũng là chiều đi cuối cùng đấy anh Ninh ạ”.Tôi động viên : các cô cứ yên tâm ra đi, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thương nhất cô Tần lúc ra đi vẫn còn đang hiểu lầm người yêu mà chưa giải tỏa được. Chả là anh Hồng (người yêu chị Tần) lúc đó đang ở chiến trường B. Vì sợ mình đi lỡ không về, anh Hồng viết thư khuyên Tần đi lấy chồng; Tần giận, cũng viết thư cho anh Hồng dọa... cắt, hai người hiểu lầm nhau. Cũng chính vì vậy mà mãi hàng chục năm sau anh Hồng không lấy vợ. Mãi sau này, chính bố đẻ chị Tần thúc ép, đi hỏi vợ cho anh Hồng, anh mới chịu lấy, song lúc nào cũng coi Tần là vợ cả. Bố mẹ của 10 chị đều đã mất. Đúng chỉ có bố chị Tần còn sống, năm nay đã 83 tuổi. Anh Hồng vẫn đi lại, chăm sóc ông cụ, coi cụ là bố vợ. Còn ông cụ thỉnh thoảng vẫn chống gậy qua thăm bố con anh Hồng, như thăm con rể, thăm cháu...

            2. Chuyện về đoàn làm phim

           
Cùng anh Nguyễn Thế Ninh(1998).
Nhìn căn nhà còn ướt mạch vữa, biết thừa rằng vừa mới xây, anh bạn cùng đi vẫn buột một câu, nửa như khen, nửa như hỏi: Hình như anh làm ăn khá, mới xây ngôi nhà đẹp quá? Anh Ninh rầu rầu: Khổ quá, khá giả gì đâu. Tôi hưởng mất sức từ năm 1983; năm 1994-1995 bị cắt mất sức do ngành LĐ-TBXH tỉnh tính nhầm. Mãi tới năm 1995 mới được nhận chế độ thương binh, 2 người làm, 6-7 người ăn, nói sao đến dư giả.
         Cuối năm 1996, đoàn làm phim “Ngã ba Đồng Lộc”  về gặp tôi. Đầu tiên các anh ấy xin ý kiến tôi về kịch bản. Tôi đề nghị các anh ấy sửa nhiều chi tiết không có thật trong kịch bản. Song một anh trong Đoàn cho biết: Kịch bản là pháp lệnh, không ai được sửa, tôi đành thôi.(Đến cái ngày mất của 10 chị là ngày 24/7, trong kịch bản và trên phim lại nói 26/7, tôi bảo sửa lại cũng không được thì... thôi rồi còn gì.) Sau, đoàn quyết định mượn nhà tôi làm nơi ở và làm phim trường. Tôi đã phải dỡ nhà cho tan hoang để làm cảnh quay. Các anh ấy bảo, cứ dỡ đi, sau này đoàn sẽ giúp dăm bảy triệu mà làm ngôi nhà mới. Suốt hai tháng trời, vợ chồng, con cái xoay trần phục vụ đoàn làm phim, từ nấu cơm, đi chợ, đào hầm, vận chuyển hàng hóa, trông nom đồ đạc... Ruộng vườn bỏ bê, lợn gà bán hết, con cái nghỉ học... tất cả dành cho đoàn làm phim. Riêng tiền công mà đoàn phải thanh toán trả gia đình là 1,7 triệu, song đến lúc đoàn làm phim đi, mới trả được 1,2 triệu. Khi tôi đòi gay gắt, các anh mới gửi huyện trả thêm 500.000đ, nay vẫn còn thiếu 100.000đ, nói chi đến chuyện “giúp 5-7 triệu làm ngôi nhà mới”. Đoàn làm phim đi, để lại ngôi nhà tan hoang quá, tôi đành vay mượn xây lại ngôi này cho vợ con khỏi cằn nhằn. Mới xong phần “mộc”, nay đã nợ 8 triệu, chưa biết lấy gì mà trả. Anh Ninh bảo, lúc thấy đoàn về đặt vấn đề làm phim “Ngã ba Đồng Lộc”, cả xã, cả huyện mừng, vì cứ nghĩ, đây cũng là cuốn sử để lại cho con cháu sau này. Vì thế, mọi người đâu có đòi hỏi gì? 30 năm trước, người dân Đồng Lộc dỡ cả mái nhà cuối cùng lót nhà cho xe đi, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để thông xe, nào ai có nghĩ đến “hợp đông” hay “kinh phí”? Nay cũng vậy, người dân Đồng Lộc sẵn sàng giúp đỡ đoàn làm phim, để đoàn “làm giúp” Đồng Lộc một cuốn sử bằng hình mà không hề đòi hỏi. Song, đã hứa với người Đồng Lộc là phải làm, nói dối là không nên, nhất là khi nói dối ở Ngã ba Đồng Lộc. Mà lời nói dối ấy đâu có chỉ dành riêng cho gia đình người Đại đội trưởng C4 nổi tiếng?.Sáng hôm sau, khi làm việc với UBND xã Đồng Lộc, vị Chủ tịch xã cho biết: đoàn làm phim còn nợ UBND xã 700.000đ, nay vẫn chưa trả. Món tiền thì nhỏ, cái tiếng thì lớn. Hàng trăm người được xã huy động đào hầm, làm cỏ, vận tải... với lời hứa 10.000đ/công(!). Song chỉ một số người được trả 5.000đ/công (?), còn 5.000đ thì trừ vào... bát mì tôm và quả trứng vịt luộc mà đoàn đã mời ăn trưa. Đến cái kẻng của UBND xã vốn là vỏ một quả bom, đoàn mượn làm đạo cụ quay phim. Quay song, “đạo cụ” này được vần xuống...mương, để rồi hôm sau lại phải huy động dân quân ra... vớt lên. Giáo viên, học sinh trường cấp 2-3 Đồng Lộc cũng cùng chung cảnh ngộ như vậy. Với khẩu hiệu: tất cả vì bộ phim Ngã ba Đồng Lộc, trường đã động viên 32 học sinh khối 10, khối 12, tham gia đóng các vai, huy động hàng trăm lượt học sinh nghỉ học để đi đào hầm, san lấp, làm cỏ... để rồi cuối cùng chỉ có 32 học sinh nữ được nhận 5.000đ/ngày, còn 5.000đ cũng trừ vào... bát mì tôm và quả trứng gà giống như phụ huynh của chúng. Hiện nay đoàn vẫn nợ trường trên một triệu đồng chưa thấy trả. Các thầy cô giáo phải dạy bù 50 tiết học cho các em tham gia đóng phim, đi lao động... với lời hứa sẽ... “bồi dưỡng”, song nay vẫn chưa có thầy cô nào được “bồi dưỡng” tí gì?
           Lúc đoàn làm phim về, dân xã trong làng, trong huyện mừng bao nhiêu,thì lúc đoàn đi lại buồn bấy nhiêu.
            Kể mãi về đoàn làm phim, biết hai vị nhà báo gầy tom đã ngán, ông Chủ tịch Hội Đồng nhân xã cao to như hộ pháp bèn làm một con tính vui: Đồng Lộc có 2230 ha đất tự nhiên, thì hai năm 1967-1968 chịu tới 42.994 quả bom và tên lửa các loại. Bình quân mỗi ha được “bón” 19 quả. Nếu chia cho 3000 dân lúc đó, thì mỗi đầu người phải “gánh” 14 quả. Riêng mật độ số bom ném xuống Đồng Lộc bằng 9,3 lần mật độ ném xuống toàn tỉnh Hà Tĩnh. Với 403 người chết, 3768 lượt nhà dân bị cháy, Đồng Lộc lúc ấy đã hoàn toàn biến thành xã “trắng”.
             Sau 30 năm, dấu vết của chiến tranh nay chỉ còn đọng lại trên những bức tượng đài, trong những khu nghĩa trang yên tĩnh đầy phi lao. Từ một xã trắng, nay Đồng Lộc đã trở thành sầm uất với 5000 khẩu/1200hộ . Từ năm 1994, Đồng Lộc đã được phong tặng xã Anh hùng. Con đường mòn dày đặc bom năm xưa đã được trải nhựa láng bóng. Từ khi được công nhận là xã miền núi, Đồng Lộc đã lấy rừng làm mũi nhọn, đã bứt lên từ cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Tuyệt đại đa số nhà dân trong xã đã ngói hoá, có bát ăn, bát để. Xã đã có trường cấp 2, cấp 3 cho con em đến lớp. ngay Ngã ba Đồng Lộc, một cụm tượng đài hoành tráng cao như tòa nhà 5 tầng vừa được khánh thành. Cả xã có tới 7 cum di tích nổi tiếng, mỗi năm có hàng nghàn lượt người đến thăm. Đồng Lộc đang có hướng mở mang, phát triển du lịch, vừa tạo điều kiện cho khách đến thăm, vừa tăng nguồn thu cho địa phương. Song, điều đó vẫn còn đang ở thì tương lai, vì “lực bất, tòng tâm”, không có kinh phí. Thi thoảng, những quả bom vùi sâu trong lòng đất từ 30 năm trước vẫn nổ. Chiến tranh vẫn chưa đi qua Đồng Lộc.Với đặc thù vùng núi miền Trung, nghề phụ không có, đất đai bạc mầu và nặng chua phèn, phải cố gắng lắm người nông dân ở đây mới đưa năng suất lúa lên 3,2/vụ/sào; 300 kg lương thực quy thóc/người. Vì thế, không phải nông dân Đồng Lộc không còn phải vật lộn với những khó khăn, lo toan cho cuộc sống. Cạnh việc đầu tư cho những tượng đài, những khu tưởng niệm, người dân ở đây đang mong có được những dự án, chương trình, những giống lúa mới, những nghành nghề phụ... phù hợp với đồng đất chua Đồng Lộc. Chỉ có như vậy, mới mong giúp Đồng Lộc nhanh chóng thoát khỏi cảnh khó khăn gần như cố hữu.
            Xin dẫn một câu nói hơi hoa mĩ của vị trưởng phòng VHTT Can Lộc để thay câu kết cho bài viết này: Hơn một lần, Đồng Lộc đã vì cả nước. Nay, cả nước, hãy hướng về Đồng Lộc./.
T.N
Nông thôn ngày nay
Ngày 22/7/1998.
(Chuyện đã quá xưa cũ; mọi việc sau đó đã trở nên êm đẹp, có hậu... Nó chỉ còn lại như một chút hoài niệm xưa! Nếu có ai đó trong cuộc vô tình đọc phải bài này, cho Tác giả gửi lời xin lỗi là đã vô tình vẽ lại một ngày mưa)...

http://danviet.vn/tieng-dan/chuyen-hang-xom-va-cu-na-dai-bac/20130929103225608p1c36.htm


ĐI TÌM TƯỢNG ĐÀI MẸ SUỐT

1.Từ bức tranh Bảo Ninh...
           
Từ bên này thị xã Đồng Hới, nhìn qua bên kia dòng sông Nhật Lệ là xã Bảo Ninh, quê hương của nữ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt.
            Xã Bảo Ninh (thuộc thị xã Đồng Hới- Quảng Bình) trông giống như mũi một con tàu, mà một mạn là biển Đông, một mạn là dòng sông Nhật Lệ. Suốt một ngày sục chân trên cát, đi dọc ngang gắp làng, tìm đến từng nơi Mẹ đã sống và ngã xuống, chúng tôi không một lần được đặt chân trên đất. Gọi là xã, thật ra là một cồn cát trắng phơi mình giữa ba mặt biển khơi. Anh Trần Huyên, bí thư Đảng uỷ xã xót xa: Nhiều khi, chúng tôi chỉ thèm được đặt bàn chân trần lên cái mát lạnh của đất. Bước chân xuống giường là cát. Đi họp, đi làm cũng suốt ngày sục chân trong cát nóng. Cả xã có 510.000ha đất tự nhiên, thì chỉ có 97ha đất thổ cư, 270ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 9,7ha đất trồng lúa, còn lại là... cát.
            Vậy mà, với một điều kiện tự nhiên như thế, mà Bảo Ninh nay đã vươn lên trở thành một trong những xã giầu nhất tỉnh Quảng Bình. Cách đây 30 năm, Bảo Ninh là vùng cát trắng, trắng cả con người. Duy nhất chỉ có bến đò mẹ Suốt là sinh tồn để đưa bộ đội qua sông. Nay, Bảo Ninh đã là một làng cá sầm uất sinh sôi trên cát với gần 7.000người/1.500hộ. Đất ít, người đông, người Bảo Ninh lấy nghề đi biển và chế biến hải sản làm nguồn sống chính. Hiện nay, cả xã có tới gần 400 thuyền lớn, công suất 60 sức ngựa, ra tận phao số “0”, lên Quảng Ninh, xuống Phan Thiết đánh bắt hải sản. Nếu năm 1978, vụ được mùa nhất cũng chỉ đạt 800 tấn hải sản/năm; nay, bình quân mỗi năm đạt 2.000 tấn, trong đó có 30% được xuất khẩu trực tiếp. Các công việc chế biến hải sản, đóng sửa tàu thuyền... cũng phát triển, gần như 100% lao động trong xã đều có việc làm ổn định, thu nhập cao. Vì thế, hộ được coi là nghèo ở đây cũng thu nhập 150.000đ/khẩu, mà không phải là 15kg gạo/khẩu như ở nhiều nơi khác. Tuy vậy, số hộ được coi là nghèo này (thu nhập 150.000đ/khẩu) tuy chỉ chiếm 10%, rơi vào những gia đình không có lao động, hoặc không biết làm ăn. 30% số hộ có thu nhập 30-50 triệu; 30% số hộ có thu nhập trên 100 triệu mới được coi là hộ giầu. Số hộ trung bình còn lại mỗi năm cũng thu lãi vài ba chục triệu. Không năm nào năng suất lúa của Bảo Ninh xuống dưới 9,5 tấn/ha. Đời sống văn hóa, xã hội trong xã cũng phát triển. 100% số hộ có nhà kiên cố, 100% học sinh học cấp 1-2, không có ai mù chữ. Từ năm 1968, toàn xã Bảo Ninh đã sớm được phong Anh hùng; và hiện nay, cũng đang là một xã điểm, xã khá nhất trong 17 xã miền biển của tỉnh Quảng Bình... Đảng bộ và nhân dân Bảo Ninh đã vẽ nên một bức tranh hoành tráng rực rỡ.
Cùng con trai cả Mẹ Suốt(1996).
           
            2...Đến bức Tượng đài trong tranh.
            Từ nhiều năm nay, hình tượng mẹ Suốt không những là niềm tự hào của mỗi người dân Bảo Ninh, người dân Quảng Bình, mà còn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam bất khuất.
            Mẹ Suốt hy sinh ngày 22/8/1968 năm vừa tròn 60 tuổi. Nếu còn sống, năm nay mẹ vừa 88. Xuất thân từ một gia đình nông dân, trước những năm chiến tranh phá hoại, mẹ tranh thủ lúc nông nhàn, làm nghề chèo đò qua sông chở người chở cá... kiếm tiền nuôi 4 người con 3 gái 1 trai ăn học. Năm 1966, giặc Mỹ điên cuồng ném bom Đồng Hới suốt ngày đêm hòng cắt đứt tuyến giao thông chiến lược Bắc Nam. Cả làng, cả thị xã đi sơ tán hết. Bảo Ninh biến thành một vùng trắng người mà đen khói bom. Một mình mẹ bám sông, bám đò đưa bộ đội, đưa vũ khí qua sông. Năm 1967, mẹ được phong Anh hùng, được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Đến năm 1968, mẹ hy sinh vì một loạt bom bi, tay còn nắm chặt mái chèo. Trong vòng 3 năm, mẹ đã chở gần 1.000 chuyến đò với hàng vạn lượt bộ đội qua sông dưới làn bom đạn. Hình ảnh “Mẹ Suốt” tay chèo đò, mắt nhìn máy bay đã tạc thành tượng đài trong tim mỗi người dân Việt Nam từ cách đây 30 năm... Và khi biết được vào Bảo Ninh công tác, chúng tôi thầm mong, sẽ được thắp ba nén nhang, quỳ chân trước tượng đài mẹ mà lạy một trăm lạy.
            Vậy mà, sục chân trên cát nóng cả ngày, chúng tôi cũng không tìm thấy bức tượng đài ấy ở đâu. “bến đò mẹ Suốt” phía Đồng Hới, nay đã biến thành một cái chợ cá, ồn ào, tấp nập, trên bến dưới thuyền, suốt ngày bốc lên mùi cá ươn tanh tưởi. Một cái gọi là “phù điêu mẹ Suốt” xây vội vã, nhấp nhô giữa chợ người, đầy quang, đầy cá, lan can gẫy sập, tường vôi nhám đen, nhếch nhác. Anh Hùng, con trai mẹ Suốt than thở với chúng tôi: tượng đài chẳng ra tượng đài, phù điêu chẳng ra phù điêu, bia tưởng niệm chẳng ra bia tưởng niệm. Trông xa thì giống như một mảng vôi bị lở, trông gần thì giống như một vết mực đổ... Quả thật, không biết có phải mình kém cỏi về hội họa, song hình dung mãi, chúng tôi mới nhận ra hình một người đang lái đò trên lưng chừng. Tấm “phù điêu”, thấy chất đầy nào chăn, màn, chai mắm, lọ nước, nón, áo, củi... Hỏi ra mới biết đấy là đồ đạc của một cụ già 76 tuổi, người Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào đấy xin cá, lấy luôn tấm phù điêu “Mẹ Suốt” làm nơi tá túc, che mưa, che nắng. Vô tình, ống kính máy ảnh của người viết bài này chụp được cảnh cụ đang... bậy vào bức phù điêu. Hai cái bình hương ở hai mặt đổ ngả nghiêng. Chúng tôi cũng không dám thắp hương vào đấy.
            Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bảo Ninh bạt ngàn bia mộ các Liệt sĩ ngã xuống trong hai thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.
            Phải nói, nghĩa trang xây dựng đẹp, trang nghiêm, ngự trên một quả đồi ngay cạnh UBND xã. Giữa bạt ngàn bia mộ, tấm bia tưởng niệm mẹ Suốt nổi bật hẳn lên. Sau khi thắp hương trên Đài tưởng nhớ các Liệt sĩ, chúng tôi vác máy ảnh ra mộ mẹ. Hãnh diện làm sao, có được một tấm ảnh  chụp mình đang thắp hương trên mộ mẹ Suốt. Song, thật ngỡ ngàng khi một người đi cùng rỉ tai: mộ giả đấy. Sau này, về đến văn phòng UBND xã mới biết, năm 1993, trước khi qua đời, chồng mẹ Suốt có dối lại, muốn được nằm bên mẹ. Ngày xưa, khi “Mẹ Suốt” chèo đò đưa bộ đội qua sông, ông đã an ủi, động viên, khích lệ mẹ, mang cơm, mang chăn màn cho mẹ... Nhiều người cho rằng, không có ông chắc cũng không có hình tượng “Mẹ Suốt”. Vì thật sự, hai ông bà đã trở thành đồng chí của nhau, điểm tựa của nhau  trong những ngày mẹ đội bom chèo đò. Hẳn lúc chết, ông cũng muốn nằm bên bà, để làm chỗ dựa, để mà an ủi... Ngặt một nỗi, mặc dù được thưởng Huân trương độc lập hạng 3 nhưng ông không phải là Liệt sĩ(!), nên không được đưa vào NTLS. Mà chẳng lẽ, trong nghĩa trang tôn nghiêm của xã, lại không có mộ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt. Vậy là, xã quyết định xây một ngôi mộ giả cho mẹ trong nghĩa trang, còn mộ thật của mẹ thì vẫn cứ để ngoài cồn cát trắng, suốt gần 30 năm nay. Mãi đến năm 1995, nhiều người xì xào, xã mới lại phá tấm bia mộ để đổi thành “Bia tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt”.
            Rời nghĩa trang Liệt sĩ, chúng tôi tìm đến ngôi mộ thật của “Mẹ Suốt”. Gọi là khu lăng, nhưng thật ra cũng chỉ là một ngôi mộ xây công phu, nằm trên cồn cát sát biể Đông. Trước đây, mẹ Suốt được an táng ngay nơi mẹ ngã xuống. Đưa về đây từ năm 1970, nhưng năm ngoái, Sở VHTT Quảng Bình mới cấp kinh phí mới xây chứ trước đây cũng chỉ là một ụ cát. Nghe đâu trên cấp 5 triệu đồng, gia đình xây hết 6 triệu hai. Cách mộ mẹ chừng 50m là mộ chồng, cũng nằm trên một gò cát trắng toát. Nói là mộ, song thật ra là một đống cát được vun lên, bao quanh là chừng gần trăm viên gạch xếp tròn để cát khỏi trôi. Trên mộ, duy chỉ có vài cái chân hương cắm xiêu vẹo. Cụ đã đến ngày sang cát. Song gia đình nay không biết tính kiểu gì? Trước sau cũng phải đưa hai người lại bên nhau theo lời trăn trối của cụ ông. Mộ mẹ Suốt đã xây gọn gàng khá đẹp với 6,2 triệu đồng. Nếu xây mộ cụ ông bên cạnh cụ bà mà sơ sài, thì sợ “bên nặng, bên nhẹ”, mẹ cũng không yên lòng. Mà xây cho đàng hoàng, tương xứng thì không có... tiền. Ba người con gái mẹ Suốt suốt ngày ngoài chợ bán rau, bán dưa chỉ đủ nuôi con. Một mình người con trai út làm thợ mộc, mà đã làm thợ thì chỉ nuôi... miệng. Giá mà bây giờ, “Mẹ Suốt” và chồng cũng được “màn sui sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”... Tấm bằng của  Bộ VHTT cấp ngày 22/01/92 công nhận Bến đò mẹ Suốt (tức bến Cự Hà - Thị xã Đồng Hới) là di tích Văn hóa Lịch sử cũng chẳng có chỗ nào để treo cho xứng đáng; đành phải ngự trên một cái nóc tủ cũ trong uỷ ban xã cùng với mũ, áo mưa... của cán bộ xã(!).
            Trở lại ngôi nhà “Mẹ Suốt”, chúng tôi ngỡ ngàng: sao nhà mẹ Suốt lại đẹp đến thế? Hỏi ra mới biết, ngôi nhà cũ của mẹ đã bị cũ nát và mối ăn gần sập. Cách đây 2 năm, khi nhà gần có nguy cơ bị sập, anh Hùng, con trai út mẹ Suốt phải phá đi làm lại. Mà đã làm lại thì phải đàng hoàng cho “bằng anh bằng em”. Vậy là anh phá đi “ngôi nhà mẹ Suốt”,thay vào đấy là ngôi nhà mái bằng khang trang chừng 30m2 bằng tiền đi mượn. Nhìn ngôi nhà xinh xắn, chúng tôi giật mình: Thế hệ sau, nếu đến thăm nhà mẹ Suốt, hẳn sẽ thốt lên: Nhà mẹ Suốt đẹp quá. Ai sẽ hình dung nổi cái cảnh mẹ Suốt “cực thân từ thưở mới lên chín mười”. Chắc rằng, mươi năm nữa khi nền du lịch phát triển, và đẻ giáo dục lịch sử cho lớp trẻ, người ta sẽ lại dựng lên ở đâu đó một ngôi nhà mẹ Suốt giả lụp sụp, giột nát để phục vụ khách tham quan về giáo dục truyền thông ấy mới nhớ nguồn. Con đò mẹ Suốt sau lúc mẹ mất vẫn còn; mà nay chẳng biết chỗ nào? Duy chỉ giữ được một mái chèo cất trong viện Bảo tàng tỉnh; còn cái mái chèo khác phải làm... giả.
            Ngoài tấm phù điêu bên bờ Đồng Hới là bến đò chính, ngôi mộ giả trong nghĩa trang, khu mộ thật trên cồn cát, ngôi nhà mới của mẹ Suốt, còn có 2 nơi nữa để thắp hương cho mẹ. Đó là 2 bến đò phía bờ xã Bảo Ninh. hai bến đò này cũng có 2 tấm bia tưởng niệm, vị chi là 6 nơi tưởng niệm,song chẳng có một nơi nào được cấu trúc tương xứng với tầm vóc của “Mẹ Suốt”.
            Anh Phạm Đình Tiến- sinh viên Đại học Nghệ Thuật Huế mới ra trường, với một tâm huyết ấp ủ về hình ảnh mẹ Suốt, đã phác thảo bức tượng đài về mẹ. Cả tỉnh, huyện, xã và gia đình đều khen mẫu tượng đài đẹp, xứng đáng với hình tượng và tầm vóc “Mẹ Suốt”. Song cho đến nay, bức tượng đài vĩnh cửu để ghi công một người nữ hai lần được tuyên dương Anh hùng ấy vẫn còn nằm trong... bìa họa báo. Vì kinh phí khó khăn, không có... tiền. Trong khi đó, ngoài Bộ giao thông vận tải nhận “Mẹ Suốt” là Anh hùng giao thông vận tải, hiện nay, còn 4 ngành, đoàn thể nữa đều muốn nhận mẹ Suốt làm nữ Anh hùng của ngành, của đoàn thể mình(?!). Song có ai hiểu được trăn trở của chàng sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp trường Đại học Nghệ Thuật Huế?
            Nghe đâu tỉnh Quảng Bình cũng đang định giải phóng chợ cá để xây một khu quần thể tượng đài “Mẹ Suốt”, vì mẹ là niềm tự hào, là biểu tượng của tỉnh Quảng Bình. Song thị xã chưa chịu, vì họ bảo chợ họp đấy “quen rồi”.                       
           Ngồi trong phòng khách tỉnh uỷ Quảng Bình, nhìn qua cửa sổ tầng hai, thấy tòa nhà hát 4000 chỗ ngồi xây hết 9 tỉ đồng để chào mừng Đại hội Đảng nổi lên sừng sững bên này bờ sông Nhật Lệ; tôi thầm ước ao bên bờ sông bên kia, nơi quê hương mẹ Suốt, cũng nổi lên lồng lộng một tượng đài Mẹ Suốt thấp thoáng bên bờ sông Nhật Lệ trắng sóng.   
                                                                                                                               
                                                                                                                            Báo Lao động
Ngày 11 tháng 8 năm 1996.
(Và bây giờ, Quảng Bình đã dựng xong Tượng Mẹ rồi- đẹp, hoành tráng-
 trên Bến Cự Hà, chính nơi ngày xưa Mẹ ngã xuống- ảnh 2)                                                                     


500 CÔ GÁI KHÔNG CHỒNG...
ĐI ĐÂU?

    
Có người đùa Tác giả: 500 cô gái không chồng đi... tắm suối!
      Quả thật, tôi là một gã đàn ông quá đỗi vô tình. Biết Liên làm ở nông trường Sông Bôi đã 24 năm, mà mãi tới bây giờ tôi mới một lần tìm gặp. Ngày ấy, tôi và Liên học cùng một lớp. Kẻ ngõ trên, người ngõ dưới, suốt 8 năm, từ vỡ lòng đến lớp 7, mỗi lần đi học, tan học, tôi và Liên vẫn như hình với bóng. Liên không xinh, nhưng có duyên, và cái răng khểnh hồi ấy đã làm khổ khối người. Hồi cuối lớp 7 tôi biết Liên mên mến tôi qua những cái nhìn đau đáu, những gói kẹo bạc hà mà Liên giúi vội cho.
Nhưng tôi, lại mê mẩn với một cô bạn khác, cũng cùng lớp. Cái tuổi học trò ấy mà. Học xong cấp 2, mỗi người mỗi ngả, tôi học tiếp cấp 3, còn Liên theo chị lên nông trường Sông Bôi ...
          
  Đứng trước cổng nhà Liên, lần đầu tiên tôi lại thấy ngập ngừng. Hôm trước về quê, thấy thầy tôi bảo: Liên vẫn không chồng! Già bốn chục tuổi đầu, một vợ, hai con, gã đàn ông đến thăm cô bạn gái chưa chồng, nghe cứ làm sao? Tôi còn đang chần chừ, chân trong, chân ngoài đã nghe thấy tiếng Liên hát một điệu ru não nề đến sởn da gà: “À... ơi... Thương nhau cho thịt cho xôi, ghét nhau đưa đến Kim Bôi... hái... chè...” Đúng là giọng của Liên, cái giọng trầm trầm đặc sệt tiếng địa phương mà 1/4  thế kỷ vẫn không thay đổi. Bài hát ru và tiếng vỗ bồm bộp làm tôi biết Liên đã có con, và chắc chắn con còn nhỏ. Liên đã lấy chồng? Nghĩ thế, tôi lấy hết can đảm để bước chân qua cái cổng tre xộc xà xộc xệch. Cuối cùng, tôi cũng ngồi đối diện Liên trong nhà. Gọi là “nhà”, song thực chất chỉ là mấy mảnh giấy dầu chụp trên ba hàng gạch xỉ xếp chồng lên nhau, xiêu xiêu vẹo vẹo dọa đổ bất kỳ lúc nào. Đồ đạc trong nhà độc nhất có 2 chiếc ghế gỗ tự đóng, thì một chiếc đã gãy chân, ngồi cứ đong đa đong đưa. Có một thứ đắt tiền nhất là chiếc đồng hồ Liên Xô vỡ nắp thì khô dầu, không chạy. Anh bạn phóng viên ảnh cùng đi với tôi ra vật nghiêng xe máy, chọc một ít nhớt xe tra vào, cái đồng hồ lại chạy tanh tách. Liên cười méo mó: Thế mà cứ tưởng hỏng, định vứt từ lâu. Trong nhà không có đàn ông, khổ thế đấy! Chợt nhớ lời ru ai oán lúc nãy, tôi chỉ cháu gái nhỏ chừng 4 tuổi, đang ngủ nhễ nhải trên chiếc chõng tre:
            - Thế bố cháu...
            Phải đến nửa phút lặng người như để kìm những giọt nước mắt, Liên mới bật ra:
            - Cháu không có bố.
            Lúc này tôi mới nhìn thẳng vào mặt Liên. Nước da trắng hồng hồi nào đã trở nên đen sọm. Mới 40 tuổi, mà nếu đoán là 60 cũng được. Tóc lốm đốm trắng. Chiếc răng khểnh làm duyên hồi nào biến thành đôi hàm răng... vẩu. Tôi xót xa: mảnh đất này khắc nghiệt đến vậy ư? Liên bảo: không, mới vậy thôi.
            Với bề dày hàng trăm năm khai phá (1883) và hàng chục năm thành lập (1961), lúc ấy, Nông trường Quốc doanh Sông Bôi (NTSB) vang bóng một thời, giống như một biểu tượng, một điểm sáng trong giai đoạn quá độ tiến lên CNXH. Nhớ thời 1960 - 1965, hàng ngàn Thanh niên khắp miền Bắc viết đơn xung phong lên NTSB lao động, công tác, lấy việc lao động trên nông trường là nghĩa vụ vinh quang của cả một thế hệ. Năm 1975, sau khi học xong cấp 2, Liên lên với NTSB đúng lúc cả Liên và NT đang vào thời kỳ sung sức nhất. Năm 16 tuổi, Liên đã là công nhân biên chế chính thức của nông trường. Đất đai trù phú, Liên định nảy mầm, ươm cây ở đây...
            Nhưng rồi, sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, NTSB đã và đang xuống dốc nhanh chóng, nếu không muốn nói là đang đứng trước bờ vực tan rã. Tan rã cả về đất đai, cả về con người. Năm 1990 -1991, với trên 2000ha đất tự nhiên, có hơn 2200 công nhân, mà tổng toàn bộ tài sản nông trường còn có 1,1 tỉ đồng, trong đó nợ 1,75 tỉ đồng không có khả năng chi trả. Với mức lương 50.000 đ/tháng mà phải nửa năm mới có một lần, hàng ngàn công nhân phải rời bỏ nông trường đi tứ tán khắp nơi, kẻ đi buôn chó, người vào miền Nam, người về quê. Sau khi khoán đất về hộ (1993), quả là doanh thu và giao nộp của nông trường có khá lên thật nhờ kiểu làm ăn “bán canh, thu tô”. Song đấy là nông trường bộ. Còn đất đai và con người tan tành hết. Sau năm 1993, gần 2.000ha đất được bán hết cho hộ dưới hình thức “bán cây” hết chu kỳ thu hoạch. Người công nhân đã phải đóng tiền đất một lần, song lại vẫn phải nộp sản, nộp quản lí phí theo kiểu mua canh, trả tô, và tự phải nộp  cả 20 % lương cơ bản vào quỹ BHXH (?). Nông trường họ có cái lí của nông trường: Người lao động “đã thu sản phẩm”, nên phải tự đóng BHXH (?). Tính bình quân một công nhân bậc 6, phải đóng 1,2 triệu đồng BHXH/năm, trong khi thu nhập từ 1- 200.000đ/tháng, nên họ tự bỏ nông trường mà đi hết. (1988 có 2220 CN; 1991: 1334 CN; 1996: 884CN; 1997: 618 CN; 1998:546 CN). Vì theo họ, làm công nhân hay ra ngoài cũng thế: vẫn nộp tiền đất một lần, vẫn nộp sản (30%) và quản lí phí (33- 100% nộp sản), ra khỏi biên chế càng khỏi phải đóng BHXH hơn triệu/tháng. Có người lên lương bậc 6 từ 1989, nay cho nâng bậc nhất quyết không lên, vì lương càng cao đóng BHXH càng nhiều. Thế là, trong vòng 10 năm, NTSB đã “bán” xong gần 2.000ha đất, và “giảm biên” được1674 người. Còn lại 546 người, họ là ai mà gắn bó với “biên chế” của nông trường? đó là trên 30 người thuộc nông trường bộ, như Giám đốc, kế toán, thủ quỹ... và xấp xỉ 500 người đang ngấp nghé tuổi nghỉ hưu, nên họ cố kiên nhẫn để chờ... sổ hưu. Còn lại, nhiều người đã có 15- 17 năm công tác trong biên chế, cũng đều phải tự nguyện ... rút lui. y nên mới có chuyện cười ra nước mắt: mấy năm trước, có tờ báo loan tin rằng: NTSB có 500 cô gái không chồng (!). Hôm chúng tôi lên làm việc, một ông trong ban lãnh đạo cứ khăng khăng: tờ báo ấy nói sai, nông trường hiện chỉ còn một cô gái... “khó lấy chồng”. Vì hồi ấy, có 500 cô xung phong lên NTSB công tác thật, nhưng 449 cô đã ... bỏ mà đi rồi. Liên, bạn tôi, là một trong số 449 cô gái ấy. 17 năm trong biên chế nông trường, đến lúc “bỏ mà đi” thì đã lỡ thời con gái, chẳng giám về quê, Liên cũng “tậu” được một mảnh vườn chè cỗi 5 sào; 4 năm trước, Liên cũng theo chị, theo em “tậu” được một bé gái không cha để nương tựa lúc về già. Liên bảo, trong đội của Liên, cũng khoảng mươi người phải đành như thế. Đấy là còn sướng hơn 6 chị đang ở trong khu tập thể đội 6, 10 người, thì 6 chị còn không chồng, không con... Thảo nào, lúc xe máy tụi tôi đi qua khu tập thể, thấy các chị vịn cửa nhìn theo xe tôi đau đáu! Cạnh nhà Liên là nhà Huệ, cũng cảnh như vậy. Huệ 40 tuổi, quê Phù Lưu Tế – Mỹ Đức – Hà Tây, rời quân ngũ vào đây lập nghiệp từ năm 1983. Không chồng nhưng có một con gái nhỏ 8 tuổi. Huệ “nhận khoán” 5 sào chè song phải nộp 6,5 triệu đồng “mua cây chè” đã qua 31 năm thu hoạch, giờ đã cỗi hết. Sau 17 năm gắn bó với nông trường, nay tài sản lớn nhất chỉ có chiếc xe đạp nát. Năm1997, xây một gian nhà hết 5 triệu nay vẫn nợ 3 triệu. Đang hưởng lương bậc 4, mỗi năm phải đóng 700.000đ BHXH cùng với trên 300kg thóc thuế Nhà nước và quản lí phí; cũng đang lo nay mai nông trường giải thể, không biết... đi về đâu? Huệ không có tiền đóng BHYT. May mà 17 năm nay chưa ốm trận nào, chứ không, cũng chẳng biết chạy chữa ở đâu?
            “Hạnh phúc” nhất trong số các gia đình mà chúng tôi vào, có lẽ là chị Lê Thị Thủy, 37 tuổi, đội 7. Chị có cả chồng, cả con. Chị (quê Mỹ Đức- Hà Tây) và chồng (Ninh Thanh - Hưng Yên) lên đây “lập nghiệp” từ năm 1997. Năm 1998, “hợp đồng” mua của nông trường 1,1ha đất, giá 8 triệu đồng, trong đó có 0,4ha chè + 0,7ha đất trắng. Chè mà chị “hợp đồng” đã qua 24 năm thu hoạch; thu bình quân đạt 120kg/sào x 4 sào x 1.800 đ/kg = 816.000đ/năm. Song mỗi năm anh phải nộp 800.000đ tiền thuế Nhà nước và tiền quản lí phí của cả 1,1 ha đất cho nông trường. Đấy là chưa kể 840.000đ tiền thuốc sâu, 600.000đ tiền phân bón cho 0,4ha chè. Hỏi làm sao mua, anh bảo: để có chỗ ở. 3 năm lập nghiệp trên nông trường, 2 vợ chồng anh, 2 đứa con vẫn bàn tay trắng, sống trong một túp lều tranh vách đất rộng 10m2 , ốm đau bệnh tật không biết bấu víu vào ai...
             Lúc ở nhà Liên ra, mấy anh công nhân chặn chúng tôi lại mà bảo: nông trường bộ thì giầu lên nhờ bán canh thu tô. Người lao động thì tan tác, ngày một khốn khó. Trong khi nông trường khác, như Lam Sơn, Sông Hậu... đang bắt đất đẻ ra vàng. Thì 2349ha đất của NTSB vẫn đang như nàng công chúa ngủ quên trong rừng.
             Còn hai thằng chúng tôi lại nhảy lên chiếc xe ọc ạch để đi tìm: còn gần 500 chị nữa, giờ đang ở đâu?
T.N
Báo NTNN
(Ngày 11/5/1999).


(Sau bài báo này, Giám đốc NTSB kiện Tác giả lên bờ, xuống ruộng. Họ bảo: Cả Nông trường chẳng có ai tên là Liên- như trong bài báo! Tác giả đã bịa đặt?...  Và đến giây phút cuối cùng, Tác giả vẫn không tiết lộ: Liên trong bài chính là Biên- Vũ Thị Biên- quê ở thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây- chỉ vì sợ Nông trường lại làm khổ em)!
ÔNG GIÀ KHÙNG,
VÀ KHO KỶ VẬT BẰNG MÁU

Kỳ 1: “Trai cầu Giẽ”!
Đất Phú Xuyên đồng chiêm, nư­ớc trũng, đ­ược coi là cái “rốn nước” của tỉnh Hà Tây. Chưa đến nỗi “sống ngâm da, chết ngâm x­ương”; song người dân ở đây vẫn quen thấy cái cảnh “đi cày ngập nửa bụng trâu”… Chẳng thế mới vài trận mưa đầu mùa, đã thấy nhiều cơ quan, ban, ngành trong huyện … mênh mang trong n­ước.
Con đư­ờng vào nhà ông Lâm Văn Bảng, thôn Nam Quất, xã Nam Triều cũng vậy: Một con đư­ờng nhỏ đầy rơm lầy lội, gồ ghề như nổi trên mặt nư­ớc trắng xóa. Một v­ườn cây um tùm, rậm rạp tưởng như­ toàn muỗi! Ấy vậy mà đây lại đang được coi là một “địa chỉ đỏ” cho hàng vạn ng­ười ghé thăm, để rồi bùi ngùi, để rồi ngẫm suy… Mới dăm năm tr­ước, cả vợ – và nhiều ng­ười – còn gọi ông Lâm Văn Bảng là “ông già khùng”, để rồi bây giờ lại ngất ngây tr­ước hơn 2000 món tài sản còn quý hơn cả cổ vật của ông: những hiện vật làm từ… máu.

Ông sinh năm 1942.
Ở cái tuổi ngoài sáu m­ươi thời nay vẫn được coi là… trẻ. Còn ông, ngoài được cái dáng ngư­ời đen, chắc, trông chẳng khác một ông lão… tám m­ươi. Mới nghỉ hưu đư­ợc vài năm, đã thấy chân tay ông co quắp, râu tóc bạc phơ… Ấy là chứng tích của gần 6 năm tù thì có tới gần 1500 ngày bị chính quyền Sài Gòn giam cầm ở nhà tù Phú Quốc. Đấy là ch­ưa kể những năm tháng gian truân thời ấu thơ…
Ông kể, cái ngày xưa ấy, nghèo, nghèo lắm. Xã Nam Triều và cả huyện Phú Xuyên quê ông đ­ược coi là nghèo nhất tỉnh Hà Tây, thì nhà ông lại đư­ợc coi là nghèo nhất xã Nam Triều. 5 anh em trai, chỉ mình ông “oách” nhất là đ­ược học đến lớp 7. 4 anh em khác, người hết lớp 2, kẻ hết lớp 3 đều phải bỏ học ở nhà cày cuốc, mò ốc, bắt cua kiếm sống qua ngày. Tấm áo chẳng đủ mặc; bát sắn, bát ngô chẳng đủ no. Thế mà cua ốc đồng chiêm cũng nuôi nổi 5 anh em trai ăn ăn, lớn lớn để sau 4 ng­ười ra trận thì một anh cả đi đánh Pháp, 3 anh em đi đánh Mỹ. Hồi ấy, do có ng­ười anh cả (năm nay 82 tuổi) từng là tù binh của Pháp bị đày tại Phú Quốc, lại có 2 ngư­ời anh em đang ngoài mặt trận chống Mỹ, nên chàng trai Lâm Văn Bảng không thuộc diện gọi nhập ngũ. 21 tuổi đ­ược tuyển đi công nhân giao thông. 23 tuổi (1965), tự coi mình là “Chàng trai cầu Giẽ” (vì nhà chỉ cách cầu Giẽ vài km), anh Bí thư­ chi đoàn hạt quản lý đường 75 Lâm Văn Bảng trốn nhà, trốn địa phương, xin đi bộ đội. Cuối năm ấy, Lâm Văn Bảng lại viết đơn tình nguyện vào chiến trư­ờng miền Nam chiến đấu. 24 tuổi, anh lính trẻ Lâm Văn Bảng đ­ược kết nạp Đảng tại mặt trận trong trận đánh đồn Bôn Đốp (Sông Bé). Trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân vào Sài Gòn, cả tiểu đoàn hy sinh gần hết, chỉ còn 12 ng­ười trở về, trong đó có Lâm Văn Bảng. Trong trận đánh vào Sào Gòn đợt 2 (tháng 5/1968), Lâm Văn bảng bị 15 vết đạn, giập nát hết tay, chân… Tư­ởng Lâm Văn Bảng đã chết, đồng đội vội kéo “xác” anh vùi tạm vào một hố bom, chờ dịp… chôn sau. Khi lính Mỹ– Nguỵ đi thu dọn chiến trư­ờng, thấy Lâm Văn Bảng vẫn còn ngọ nguậy, chúng tra còng số 8 vào cả đôi chân và đôi tay đều rách tư­ớp của anh rổi quẳng lên trực thăng. Sau 2 năm nằm hết Khám Chí Hòa đến nhà tù Hố Nai, do lại “can tội” tổ chức đấu tranh chống chiêu hồi, chống đánh đập, chống… xem tivi, rồi tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức truy điệu Bác Hồ…, Lâm Văn Bảng bị địch đày ra đảo Phú Quốc.
Đã có quá nhiều t­ư liệu, sách, báo… nói về sự hà khắc, dã man của nhà tù Mỹ – Nguỵ nói chung, nhà tù Phú Quốc nói riêng; nên cựu tù Lâm Văn Bảng không nói nhiều đến gần 1500 ngày trong cái “địa ngục trần gian” ấy. Song ông ngạc nhiên đến lạ kỳ: 6 năm trời, 15 vết thương không hề đư­ợc chữa trị. Có những vết thương dòi đã ăn rồi dòi lại…đi. Cứ vài tháng lại thấy một mảnh đạn đùn ra từ… vết th­ương… Vậy mà chẳng hiểu làm sao ông cũng không chết do nhiễm trùng? Có hôm kêu đau đầu để đòi đi viện, chúng lấy dùi cui gõ vào đầu, hỏi: khỏi ch­ưa? Bảo: ch­ưa khỏi! Chúng lại gõ, gõ đến khi đầu mềm nhũn ra rồi chúng cũng ch­ưa thôi. Không kể “tầu bay”, “tầu ngầm” (hai cách gọi trò tra tấn dã man của địch), anh em sợ nhất khi bị chúng bắt ngồi rồi chụp thùng phi lên đầu mà… gõ. Anh nào khỏe cũng chỉ gõ đến cái thứ 2 là chẩy máu tai; gõ đến cái thứ 5 là bị thần kinh. Rồi trăm trò tra tấn man rợ… Vậy mà anh em đều vẫn giữ vững khí tiết: bằng mọi cách, cơ sở Đảng vẫn hoạt động, chỉ đạo mọi hoạt động trong tù. Với phương châm“nhất lý, nhì lỳ”, Lâm Văn Bảng cùng cơ sở Đảng bí mật lãnh đạo nhiều hoạt động, nhiều phong trào đấu tranh thắng lợi trong tù, nh­ư chống đánh đập, chống thủ tiêu, đòi cải thiện bữa ăn… Nhiều đồng đội đã ngã xuống tr­ớc mặt Lâm Văn bảng bằng nhiều cách giết chóc, thủ tiêu, trả thù man rợ, song suốt 4 năm trời lưu đày ở Phú Quốc, địch không lung lay đ­ược ý chí kiên cư­ờng của Lâm Văn Bảng cùng hàng ngàn chiến sỹ khác.
Năm 1973, Lâm Văn Bảng được trao trả tự do theo Hiệp định Pari. Ông nhớ lại: hôm ngã vào tay đồng đội, cơ thể tôi là một bộ xương teo tóp nặng hơn… 20kg với 15 vết thư­ơng “đeo” qua 3 nhà tù từ năm 1968.
Sau những ngày được đi chữa bệnh, điều dưỡng…, ông trở về đơn vị cũ. Năm 1974, ra quân, ông lại trở về ngành giao thông, được đi học… Năm 1985, ông đã là Hạt trư­ởng Hạt quốc lộ 1, chỉ huy sửa chữa cầu Giẽ. Lần ấy, đơn vị ông đào đ­ược một quả bom tấn còn nguyên vẹn nằm ngay dư­ới chân cầu. Sau khi trục vớt, rút thuốc, ông cho xây một cái bệ xi măng ngay đầu cầu rồi… đặt quả bom lên. Trên thành bệ, ông lại cho đắp nổi một dòng chữ to: “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”. Lúc ấy, nhiều công nhân dưới quyền, và cả những ngư­ời dân đều cho rằng: ông Hạt trư­ởng bị… “khùng”!
Và từ cái lần “khùng” thứ nhất ấy, ông đã ấp ủ một ý tư­ởng “khùng” thứ hai: Xây bảo tàng Cách mạng!./.
Kỳ 2: Kho kỷ vật bằng máu!
Hôm moi đ­ược quả bom đen trùi trũi từ chân cầu Giẽ lên, ông Hạt trưởng Hạt Quốc lộ 1 Lâm Văn Bảng mới giật mình: Hai cuộc đánh phá của máy bay Mỹ ra miền Bắc, cầu Giẽ hứng hàng ngàn tấn bom, mà nay (có lẽ) chỉ còn thấy một. Liệu sau này, con cháu còn thấy gì sau hàng trăm trận bom vào Cầu Giẽ? Phải có gì lưu lại, để sau cháu con còn nhớ. Thế nên hồi ấy (1985), ông mới cho đắp bức tượng đài “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ” bằng một… quả bom…

Ông Bảng nhớ lại:
Hồi ấy, cuối thời bao cấp, còn khó khăn đủ đ­ường. Anh em công nhân mà bữa đói, bữa no, lo làm việc và kiếm miếng ăn là chính, mặc dù hiểm nguy chẳng kém thời chiến tranh (vì bom từ thời phá hoại miền Bắc còn sót lại có thể nổ bất kỳ lúc nào), ít ai nghĩ đến chuyện cao siêu. Ấy mà ông Hạt tr­ưởng, cứ rảnh rỗi, lại ra ngồi ngắm “tác phẩm nghệ thuật” của mình là… cái quả bom! Hồi ấy, nhiều ngư­ời đã tưởng Hạt tr­ưởng Bảng bị… “khùng”! Và trong một lần “khùng” ấy, đầu Hạt trưởng Bảng lóe lên: Bao kỷ vật chiến tranh; rồi bao kỷ vật hồi l­uư đày ngoài Phú Quốc, sao không s­ưu tầm, giữ gìn, trưng bày, để làm bài học bằng máu cho cháu, con? Về nhà ngắm nghía 1.600m2 đất do ông cha để lại, Hạt trư­ởng Bảng bàn với vợ: Xây bảo tàng cách mạng, xây Nhà t­ưởng niệm liệt sỹ… Ng­ười vợ giáo viên hiền lành, hết mực thư­ơng chồng, thư­ơng con là thế mà cũng giãy nảy lên: “Ông khùng! Ông định rước… ma về nhà à?”. Ấy rồi do có ngư­ời anh cả cũng từng là cựu tù Phú Quốc thời đánh Pháp hiểu và động viên; rồi biết tính chồng làm gì kỳ được, bà giáo cũng đành… chiều theo. Thế là, cứ ngày nghỉ, ông Hạt trưởng Lâm Văn Bảng lại… xin tiền bà giáo, rong ruổi khắp nơi chơi bời, mà thực ra là đi tìm “Kỷ vật thời Phú Quốc”. Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc biết tin, ủng hộ hết lòng. Thế rồi từ đấy (1985), hàng chục cựu tù Phú Quốc cùng ông Bảng lặn lội khắp 64 tỉnh, thành để tìm hiện vật. Ông Bảng bồi hồi nhớ lại: không thể không nhắc đến các cựu tù Phú Quốc như các ông Chu Hữu Ngọc, rồi Đại tá Tô Diệu, rồi Mai Thiện Chi, Nguyễn Huy Sang, Nguyễn Trọng Dư­, Nguyễn Văn Cử… và hàng trăm cựu tù chính trị nữa. Ông Chu Hữu Ngọc, cựu tù Phú Quốc, nay đã 70 tuổi (hiện ở Hà Nội), bị ung thư­ bàng quang độ 3, lúc nào cũng đeo kè kè cái “bàng quang giả” bên sườn, song 20 năm nay, lúc xe đạp, xe máy, khi máy bay, tàu hỏa…, vẫn cùng ông Bảng và đồng đội khắp nơi rong ruổi s­uư tầm kỷ vật. Chuyến đi xa gần đây nhất của các ông là vào cuối năm 2004, thì gồm ông Ngọc ung thư độ 3; ông Bảng thương binh đặc biệt (81%)với 7 lần mổ, còn 1 quả thận... Vậy mà 2 ông xin vợ, giắt l­ưng đi 50 triệu đồng, đi mấy tháng hết có 7 triệu; vì đi đến đâu, anh em trong Ban liên lạc “đãi” hết đến đấy. Thế mà 2 ông cũng mang về đến hàng trăm hiện vật. Mà mỗi hiện vật đều làm từ… máu, nên để có đư­ợc quả là chuyện khó khăn. Biết ông L­ương Minh Dũng, hiện là Tỉnh uỷ viên tỉnh Khánh Hoà, có chiếc… bấm móng tay, các ông tìm đến. Mà đối với ông Dũng, chiếc bấm móng tay này còn quý hơn cả tính mạng: Gia đình ông Dũng có tới 4 ngư­ời bị chính quyền Mỹ- – Ngụy giam cầm tại nhà tù Phú Quốc: Bố, chú, ông Dũng và một ng­ười em. Chiếc bấm móng tay 5 tác dụng là của thân sinh ông Dũng làm từ chiếc cà mèn bằng inox trong những ngày sống ở nhà tù Phú Quốc. Sau, chiếc bấm móng tay được truyền lại cho chú, rồi đến hai anh em ông Dũng qua những lần gặp nhau trong tù. Đối với ông Dũng, đây là kỷ vật gia truyền làm từ máu. Vậy mà sau nhiều lần, nhiều ng­ười thuyết phục, ông Dũng cũng trao lại cho “Bảo tàng cách mạng” của các cựu tù Phú Quốc. Hôm trao lại cho ông Bảng, thậm chí ông Dũng đã phải thắp hư­ơng xin phép tổ tiên rồi mới dám trao. Thế mới biết, mỗi kỷ vật làm từ máu ấy còn quý hơn cả nhiều lần… máu! Hay như lá cờ Đảng nhận được từ anh Dư­, cựu tù Phú Quốc, nhà ở Thanh Oai- Hà Tây. Lá cờ đ­ược thêu bằng chì đỏ do nhuộm bằng máu chiến sỹ, nhỏ bằng lòng bàn tay nh­ưng từng là linh hồn, là niềm tin của hàng nghìn cựu tù Phú Quốc hồi ấy. Lá cờ đã chứng kiến hàng chục lần kết nạp Đảng ngay trong tù. Nghe kể lại, hồi ấy mỗi khi biết sắp có khám xét, các anh lại đem cờ giấu dưới cát, hết khám xét lại moi lên truyền nhau cất giữ. Chỉ khi nào làm lễ, như­ kết nạp Đảng, kỷ niệm Sinh nhật Bác… mới dám treo lên m­ươi phút rồi lại phải giấu đi. Năm 1973, khi sắp đ­ược trao trả, địch khám xét rất gắt gao. Có khi, anh em phải buộc cờ vào trong lần vải buộc vết th­ương để che mắt địch. Hôm trao trả cũng vậy: anh Dư­ cho cờ vào túi nilông, buộc dây chỉ, một đầu dây buộc vào răng rồi nuốt vào bong; trao trả về phía ta rồi lại lôi cờ ra. (Anh D­ư sau về làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở địa phương- vừa mới mất)…
Đấy, mỗi kỷ vật đều làm bằng máu như­ vậy; mà nay, Phòng Truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã lên đến 2000 kỷ vật. Ông Bảng r­ưng rưng cho tôi xem ba cuốn “sách” viết tay mà mỗi trang nhỏ bằng nửa bao thuốc lá, dày chừng mươi trang mà bảo: có ông phóng viên nước ngoài đã “trả giá” 40.000 USD một cuốn; song có đến… 1 tỷ USD, chúng tôi cũng không bán. Vì- ông bảo- không ai bán… máu đồng đội cả! Đấy là những cuốn “điều lệ Đảng”, “Điều lệ Đoàn”, rồi sách dạy chính trị mà anh em đã viết bằng máu để chuyền tay nhau trong những năm lựu đày ở nhà tù Mỹ-  Ngụy.
Sau 20 năm dọc ngang đất nư­ớc, nghe nói đâu có kỷ vật là đến; nay, “kho báu” của các ông đã lên đến hơn 20 nghìn cá thể, mà mỗi kỷ vật đều nhuốm máu của nhiều ngư­ời. Trong khuôn viên của gia đình, nấp sau um tùm cây cối là 9 gian phòng lúp xúp chứa la liệt kỷ vật. Các ông trưng bày theo chủ đề: căn phòng coi là sang nhất, đẹp nhất, đ­ược trư­ng bày những kỷ vật về Bác Hồ. Rồi phòng trưng bày riêng về “cầu Giẽ anh hùng” mà trong đó có quả bom tấn đào dưới chân cầu Giẽ ngày nào- quả bom đã tạo nên một “ý t­ưởng từ máu”. Khu nhà yên tĩnh, lăng xăng vài ba ngư­ời giúp việc. Hoá ra đấy cũng là những cựu tù đến… trực! Ông Bảng kể: Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc của ông có gần chục ngàn ng­ười, mà ông là Phó ban, phụ trách khu vực phía Bắc. Phòng Truyền thống này là công sức của tất cả anh em cựu tù. Khách đến thăm đông, nhất là học sinh, và nhất lại vào thứ 7, chủ nhật, nên khoảng 50 ng­ười ở gần (Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hư­ng Yên…) thường xuyên túc trực ở đây để… đón khách và “thiết kế, duy tu…”. Ai đến “trực” mang gạo, mang tiền lo 4 tự: tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Ấy là ch­ưa kể đến việc từ Trung ­ương đến địa phư­ơng, ở đâu cần, các ông lại mang hiện vật đến tận nơi để trưng bày… Vậy mà, ai ai đều say mê như­ “nghiệp” của chính mình. Vừa làm “hướng dẫn viên” miễn phí, những cựu tù vừa làm thợ mộc, thợ xây, thợ làm vư­ờn đến nấu cơm, rửa bát, đến dọi lại từng chỗ dột hay phục vụ khách thăm quan. Có căn phòng tr­ưng bày những kỷ vật đến vô giá ấy mà m­à nước giột tong tỏng, n­ước ướt sũng cả hiện vật. Có gian phòng mới xây xập xệ nấp sau bụi chuối. Biết để thế dễ hư hỏng, song toàn cựu tù chính trị, lấy đâu ra tiền. Đã có “Dự án 210 triệu đồng” để xây phòng tr­ưng bày cùng bảo quản cho tử tế hơn, song chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Cũng có một nữ phóng viên nư­ớc ngoài đến thăm rồi ngỏ ý tặng 20.000 USD để xây phòng trư­ng bày mới. Bàn đi tính lại rồi thôi vì - các ông bảo-  lúc ấy máu “tự hào dân tộc” lại “nổi lên”, không nhận…
Thiết nghĩ, Phòng Truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày của những cựu tù Phú Quốc mà ông Lâm Văn Bảng đang “trụ trì” thực chất là một “Bảo tàng Cách mạng” thu nhỏ. Nơi ấy đang l­ưu giữ hàng ngàn kỷ vật mà không thể coi đó là của riêng một tổ choc; nó còn là tài sản, là kỷ vật quốc gia. Nên một vấn đề đặt ra là, ngành Văn hóa từ Trung ư­ơng đến tỉnh Hà Tây cần h­ướng dẫn, tổ chức, rồi đầu t­ư để bảo quản… ra sao, để “Nhà bảo tàng” này có thể phát huy hết hiệu quả và đ­ược bảo tồn mãi mãi. Không thể để tình trạng lúc nào “thích” thì đến “mượn”,  xong lại “trả” nh­ư hiện nay… Vì Phòng truyền thống này đã đạt đư­ợc 4 yếu tố: là trung tâm sinh hoạt của hàng vạn cựu tù chính trị; là nơi l­ưu giữ hàng ngàn kỷ vật vô giá; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ; và là một chốn tâm linh có thực...
Trong một lần về thăm, sau khi làm lễ, nhà ngoại cảm Đặng Bá Hiệp đã thốt lên rằng: “Anh em (liệt sỹ) “về” nhiều lắm các ông ạ…”!

 Kỳ 3: Chuyện “Nhân – quả”
Có tới 4 đứa con, thì ba đứa gái đã học xong đại học; cậu con trai út cũng đang học năm thứ tư đại học Giao thông vận tải- nối nghiệp cha. Từ ngày chúng còn là những đứa trẻ, ông đã trăm lần dạy : “Ở hiền thì sẽ gặp lành. Vì ở đời có luật nhân- quả đấy, các con ạ…”! Và ông cũng không ngờ hai chữ “Nhân-  quả” lại gắn với đời ông, với gia đình ông đến thế…

 Trong cái khuôn viên rộng 1.600 m2 với 9 gian trưng bày những “kỷ vật bằng máu” theo lối nhà vườn ấy, có lẽ nơi trang trọng nhất là “Đài tưởng niệm các Liệt sỹ”. Gọi là “Đài”, song trông lại giống một ngôi chùa nhỏ, cũng có cái cầu cong cong, cũng mái cuốn long đao… ngự trên mặt hồ cũng nho nhỏ. Vẫn là hương khói, đèn nhang…, song điều đặc biệt ở đây: Đài tưởng niệm thờ chân hương và đất của khá nhiều nghĩa trang, nhà tù trong nước: từ đất, chân hương ở Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên, Nghĩa trang Trường Sơn, Đền Bến Được, Nhà thờ Đá Chông đến nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Phú Quốc, Côn Đảo, rồi cả nắm đất Củ Chi được các ông mang về từ địa đạo… Ông Bảng chủ trì xây Đài tưởng niệm này từ cuối năm 2004; tiền do anh em cựu tù đóng góp. Lúc khởi công xây dựng, bà giáo vợ ông đã kêu ầm lên mà rằng: “Các ông định rước… “ma” về nhà à?”. Rồi “ma” cũng… “về” thật. Có điều, đấy là hương hồn các liệt sỹ, chứ không phải là… ma! Ông Bảng tùi ngùi: anh em hy sinh nhiều lắm; mà tôi cũng… “nợ” anh em nhiều lắm. Nên không thể chỉ lưu giữ kỷ vật của anh em, mà tôi muốn “thờ” anh em như người ruột thịt, nên mới xây “cái này”. Ông Bảng bảo: thấy lạ, là từ hôm khánh thành xong đến nay, ít đêm ông không thấy anh em… về! Đêm, trong giấc ngủ chập chờn, thấy tiếng anh em láu nháu, tiếng súng ống va vào nhau, tiếng gọi nhau í ới, rồi tiếng hô “xếp hàng”, “xung phong”… rõ mồn một. Hôm đầu thấy sờ sợ, sau đêm nào không thấy anh em “về” lại thấy… nhơ nhớ. Các cựu tù đạp xe về đây thắp hương hàng ngày. Song thấy lạ, là cứ hôm nào thắp hương vào các ngày lễ, kỷ niệm (như 30/4, 19/12, 2/9…), bát hương lại cháy đùng đùng, và cũng chỉ cháy vào những ngày ấy. Thế nên dân trong vùng đồn đại rằng ngôi đền nhỏ rất “thiêng”, chẳng ai dám động chạm, khiếm nhã… Có lần, Nhà ngoại cảm Đặng Bá Hiệp đã về đây. Sau khi thắp một tuần nhang làm lễ ở Đài tưởng niệm, ông Hiệp ngẩn người ra rồi rối rít: Các ông ơi, anh em “về” đây đông lắm, đang xếp hàng tề tựu, đông đủ…, làm ai cũng tủi tủi, mừng mừng… mà càng tin ở công việc mình đang làm hơn…
Những chuyện đại loại như thế thì nhiều; coi là “tâm linh” cũng được, mà coi là “lòng tin” cũng được. Song có một chuyện ngẫu nhiên đến kỳ lạ không thể không kể đến, mà ông Bảng vẫn cho rằng do có “luật nhân- quả”. Ấy là chuyện vể cô con gái út Lâm Thị Thanh Huyền bị mất tích suốt nhiều năm, ông Bảng tìm lại được đúng 2 giờ đồng hồ sau khi làm lễ khánh thành Đài tưởng niệm.
 Chẳng là năm 1997, tốt nghiệp PTTH, Lâm Thị Thanh Huyền trúng tuyển vào Đại học Giao thông vận tải- Hà Nội. Học hết năm thứ nhất, Huyền chuyển trường, thi đậu khoa Toán Tin - ĐH Quốc gia Hà Nội, rồi được cấp học bổng đi du học ở Australia. Trước khi con đi du học, ông Bảng chỉ cho con gái được cuốn sách “Nhân- quả” mà lâu nay ông rất quý, làm hành trang. Ở Australia, Huyền được một bà mẹ nuôi người Pháp coi như con gáI, vì bà không có con. Rồi tai hoạ liên tục ập đến: Huyền bị ốm nặng, bà mẹ nuôi người Pháp tận tình đưa Huyền sang tận Mỹ chữa chạy. Hôm Huyền ra viện, một tai hoạ khác lại ập đến: chiếc tacxi chở hai mẹ con đâm vào xe tải, bà mẹ nuôi chết tại chỗ, còn Huyền mất trí nhớ hoàn toàn sau những ngày lại nằm viện. Đồ đạc và giấy tờ tuỳ thân cũng mất hết, Huyền không biết mình là ai, ở đâu…? Ra viện, Huyền lang thang một mình giữa thành phố New York, kiếm sống bằng nghề rửa chai, lọ cho một nhà hàng. Do Huyền chỉ nhớ đúng hai từ “Việt Nam”, “Hồ Chí Minh” trong đầu, nên một nữ thương nhân Trung Quốc cảm động, nhận làm con nuôi rồếnau đưa qua cửa khẩu Lạng Sơn, hòng giúp Huyền có cơ hội tìm về được nhà. Về đến Hà Nội rồi, Huyền vẫn không nhớ mình là ai. Lại đi làm thuê, từ rửa bát, bán bánh mỳ đến bán sách cũ…
Lại nói đến bạn bè ở trường. Tưởng Huyền đã bỏ về Việt Nam, bạn bè gói ghém hết đồ đạc, sách vở (trong đó có cuốn Nhân- quả) gửi về Việt Nam cho Huyền. Song do địa chỉ không rõ, món hàng ấy cũng bị thất lạc, rồi chẳng ai nghĩ đến nữa.
Làm nghề bán sách báo cũ. Trong một lần mua lại được món sách cũ để bán, thấy cuốn “Nhân- quả” hay hay, Huyền giữ lại cho mình, mà không hề ngờ rằng: đó chính là cuốn sách mà bố đã tặng mình 4 năm về trước. Vô tình, Huyền lần gỡ những lớp giấy bọc kỹ càng ngoài bìa sách, một tấm “Chứng minh nhân dân” rơi ra. Huyền ngỡ ngàng khi “cô gái” trong tấm ảnh có tên Lâm Thị Thanh Huyền trên tờ “Chứng minh nhân dân” trông rất… giống mình. Đọc trên bìa sách thấy ghi chữ “Bang” và một số điện thoại. Tò mò, mấy lần Huyền gọi về số điện thoại ấy hỏi: “Có phải nhà… “Bác Bang” không ạ?” thì đều nhận được câu trả lời: “Nhầm máy!”…
Bao năm ông bảng tưởng rằng đã mất con.
Ông Bảng nhớ lại: Hôm ấy là ngày 26 tết âm lịch, năm 2004. 4 giờ chiều, anh em làm lễ khánh thành Đài tưởng niệm Liệt sỹ, thì đúng 6 giờ, cháu lại điện về nói rành rọt: “Đấy có phải nhà bác Bang, người nhà Lâm Thị Thanh Huyền, sinh ngày…, quê quán… không ạ”… Ngay sau cuộc điện thoại ấy, không gian như vỡ òa, cha con đã nhận ra nhau. Và ngay đêm ấy, Huyền đã được đoàn tụ với gia đình.
Thì ra trong những ngày học ở Australia, do rất quý cuốn “Nhân- quả” bố tặng, nên Huyền giữ gìn rất cẩn thận, rồi cô nhét luôn tờ giấy “Chứng minh nhân dân” của mình vào bìa cuốn sách để tiện gìn giữ. Sau bao năm lưu lạc qua bao người, cuốn sách vô tình trở về chủ cũ. Và chính nhờ cuốn “Nhân- quả” ấy, Huyền đã tìm lại được gia đình của mình sau bao năm lưu lạc, mất trí nhớ…
Bây giờ, Lâm Thị Thanh Huyền đã có chồng, sắp sinh con với một gia đình hạnh phúc. Hiện Huyền đang mở lớp dạy học tại nhà với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội. Còn ông Bảng, ông lại coi cuốn sách “Nhân- quả” như một báu vật; vì có nó- mà thật ra là vì chữ “Nhân” - ông đã tìm lại được đứa con gái yêu của mình…
Cũng từ hôm ấy, ông Bảng càng đau đáu đến những việc tâm linh, nghĩa tình mà chăm chút hết lòng những kỷ vật làm từ máu chiến sỹ. Ông bảo: Tâm linh hay không chưa biết; nhưng Nhân-quả thì… “quả” là có thật!

Thế nên bây giờ ở xã Nam Triều, cả “bà giáo” và dân làng chẳng ai còn gọi ông Bảng là “ông già… khùng” như xưa nữa. Có chẳng, anh em cựu tù chỉ gọi vui ông là “Ông già khùng vĩ đại” mà thôi./.
T.N
ĐỢI LŨ

            Người ta thì mong “Bao giờ cho đến tháng mười”, còn người dân vùng lũ thì lại mong sao cho nhanh hết... tháng bảy. Tháng bảy là mùa mưa bão, cũng là mùa phân lũ. Mười năm thì cả mười tháng bảy người dân vùng lũ thấp thỏm đợi lũ. Cứ qua tháng bảy âm lịch mà chưa có lũ, khi lúa đã đỏ đòng, người nông dân mới thở phào: thoát rồi!
          
(Ảnh có tính minh họa)
  Những năm 1967 -1972, xã tôi có 3.000 dân thì có hơn 1.000 dân Hà Nội về sơ tán, tránh bom. Hồi ấy, dân làng tôi chặt trụi cả tre, cắt trụi cả những vườn cỏ tranh ủng hộ đồng bào sơ tán làm lán, làm nhà. Có hôm tôi vác rổ ra sân hợp tác xã chờ chia khoai; nhà ít điểm, hôm nào nhiều được chừng một rổ khoai là cùng. Đợi mọi người trong đội đến đông đủ, ông đội trưởng đội sản xuất mới đứng trên đống khoai cao ngất giữa sân mà tuyên bố:
            - Hôm nay xe chở bột mỳ của đồng bào sơ tán bị bom đánh cháy, bà con sơ tán không có gì ăn! Nay xã viên đội ta ủng hộ đồng bào sơ tán toàn bộ chỗ khoai lang này, có được không?
            Hàng trăm người đứng ngồi chật sân kho cùng đồng thanh đáp:
            - Đồng ý... ý... ý... Rồi mọi người vui vẻ quang rổ về không.
            Nhà tôi nhận nuôi hộ 2 đứa trẻ con, đứa lên bốn, đứa lên hai. Mỗi thứ bảy bố mẹ nó lại đạp xe về thăm, lúc cho nhà tôi lọ mỳ chính, lúc trai nước mắm loại một, quý lắm. Gần 30 năm chiến tranh qua đi, đứa làm kỹ sư, đứa làm bác sỹ, tuyệt không thấy một lần về thăm...
            Mấy hôm vừa rồi về quê thấy cả làng lại nháo lên về chuyện phân lũ! gặp bà chị họ ngoài đồng, chị hỏi: Năm nay có phân lũ không hả chú, cứ làm như tôi là cái ông chuyên mở cống phân lũ không bằng. Chị bảo, cắm cây mạ xuống bùn mà cứ đờ đẫn cái cổ tay. Đổ mồ hôi đuồn đuột mà không biết có nhìn thấy hạt lúa hay không? Năm 1971 cũng phân lũ. Chỉ trong một ngày, con lũ đổ về 4 dòng, cắt rời làng tôi ra làm 5 khúc; 2/3 xã tôi và 1/2 huyện Mỹ Đức chìm sâu trong xoáy nước. Từ xưa, làng tôi vốn là cái rốn của tỉnh Hà Tây, động nắng là hạn, động mưa là lụt. Chiến tranh thì dân làng tôi đón người Hà Nội về sơ tán; nước sông Hồng to thì lại đón lũ về để cứu Hà Nội. Lũ thì chỉ có mấy ngày, còn ngập thì hàng tháng. Tính riêng năm ấy, cả xã tôi mất 7 tỷ đồng (tiền năm 1971); 3.000 dân đói xơ đói xác. Nhà nước phải “cứu tế” bằng hạt mỳ, bột mỳ, không ai chết đói...
            Năm nay, theo số liệu của UBND huyện Mỹ Đức cung cấp thì mức nước phân lũ dự kiến sẽ cao hơn mức nước năm 1971 từ 1,6m đến 2m. Như vậy, toàn bộ huyện Mỹ Đức sẽ chìm sâu trong nước, mất trắng 7.250ha lúa (100%); 1.000ha màu (100%); 476ha vườn cây ăn trái, ngập 33.000 nóc nhà, ngập 40/54 trường học; 21/23 trạm y tế rơi vào tình trạng... ngập phủm! Toàn huyện Mỹ Đức sẽ mất khoảng 450 - 500 tỷ đồng. Riêng ở Đốc Tín - cái rốn của vùng rốn nước - sẽ thiệt hại lớn hơn cả: 1011 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó 500 nhà bị nhấn sâu 3m. Nếu các xã khác ngập 30 ngày nước rút, thì ở đây sau 45 ngày vẫn còn ngập. Ngoài 214ha canh tác bị mất trắng (trên 1.000 tấn lương thực) thì cái mất lớn nhất ở đây là cây ăn quả và cây công nghiệp. Đốc Tín là đất trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và là nơi có vườn nhãn lồng nổi tiếng trồng cách đây hàng trăm năm, có cây cho hàng tấn quả mỗi vụ. Cả xã có 60ha dâu, 9.000 cây nhãn và mỗi năm cho hàng trăm ngàn tấn quả và là nguồn sống của trên 4.000 con người. Riêng hai nguồn này, mỗi năm dân làng thu về trên 3 tỷ đồng. Nếu phải trồng lại, phải 10 năm sau mới lại có bãi dâu như bây giờ và 100 năm sau mới lại có được vườn nhãn như bây giờ. Cây dâu chỉ ngập nước 10 ngày là chết, vậy mà năm nay dự kiến nước sẽ ngập 30 - 40 ngày? Cán bộ xã lo sắt người, âm thấm lo cách di dân mà chưa dám hé răng vì sợ dân bỏ vụ cấy mùa. Không nói ai cũng biết, vì năm nào mà họ chẳng phải đợi lũ. Đi đến đâu cũng thấy tiếng hỏi: liệu có phân lũ không chú...? Liệu có phân lũ không anh...? Họ cứ làm như tôi là ông trưởng ban... phân lũ! Chợt nhớ hôm vừa rồi ra phố Khâm Thiên cắt cái áo, tôi nói chuyện với mấy chị thợ may về chuyện phân lũ. Một chị tặc lưỡi: Ôi dào, phân lũ là chuyện đẩu đâu, Hà Nội sao mà lũ được! Cả làng tôi đang thon thót một nỗi lo nữa: một đoạn đê Đáy sắp vỡ cuối làng. Nhớ hồi tôi còn bé, phía ngoài chỗ đê ấy là một bãi chiếu bóng rộng thênh thang. Nhưng bãi chiếu bóng đã lở xuống sông; nay sông lở sát vào mặt đường vào chừng 1m. Mà đây là đoạn đường rất đẹp, có hàng vạn du khách về thăm chùa Hương mỗi năm. Hồi chiến tranh, mấy nhà thơ về đây sơ tán cũng làm được nhiều bài thơ nổi tiếng về đoạn đê này. Phía trong đê là mấy cái hố bom. Bây giờ chỉ cần sông Đáy báo động mức nước số 3, đoạn đê này vỡ là điều cầm chắc. Nói dại, nếu nó vỡ, 10 xã vùng nam Mỹ Đức sẽ ngập phủm, chưa cần đợi đến phân lũ. Chỉ cần 400 - 500 triệu đồng kè lại, giữ cuộc sống cho 10 xã với 5 vạn dân mà xin kinh phí suốt 4 năm nay vẫn chưa được. Xã nghèo, đến cái trường cấp 1 bão sập suốt 4 năm nay vẫn chưa có tiền xây lại, học trò phải học đậu khắp nơi, lấy đâu ra tiền kè lại? Thật ra năm 1997, Chính phủ đã hỗ trợ cho chỗ đê sắp vỡ này 1,1 tỷ đồng để tu bổ; vì nó còn là đoạn đường đẹp nhất trong cả tuyến du lịch Mỹ Đức - Chùa Hương. Họp hành liên miên, dấu mực đỏ lòe, việc kè lại sẽ bắt đầu triển khai thì 1,1 tỷ đồng lại được huyện “điều động” sang xã khác...?
            Cho đến những ngày đầu tháng 7 này, 23 xã của huyện Mỹ Đức đã cấy gần xong 7.250 ha lúa vụ mùa mà đang có nguy cơ mất trắng. 20 năm nay, năm nào người dân Mỹ Đức cũng thấp thỏm đợi lũ. Họ quen rồi và họ vẫn cứ sống, cứ hy vọng lại đón lũ “sểnh” như năm ngoái, năm kia... Họ sẵng sàng chấp nhận tất cả, chấp nhận thiệt thòi mà không hề có đòi một hỏi gì, miễn là đừng ngập Thủ đô! Chính phủ, Trung ương, huyện, xã... đã có đầy đủ phương án chống lũ để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Từng cân muối, mét vải, bạt lều... đã ém sẵn trong kho. Phương án chống lũ của UBND huyện năm nào cũng dày cộp hàng trăm trang. Từ con người đến con bò, con lợn... đều đã có địa chỉ sơ tán. Trong phương án, khi phân lũ sẽ báo trước 48 giờ; liệu có đủ sức, đủ thời gian sơ tán ngần ấy con người, tài sản đến một nơi cách đấy dăm bảy cây số? Trừ xã Hương Sơn, phần lớn các xã đò chẳng có một con, xuồng chẳng có lấy một chiếc, đến phao cứu sinh cũng không có lấy một cái... Thế mà người dân ở đây vẫn vui vẻ đợi lũ. Họ hiểu: nếu lũ ở Hà Nội, thiệt hại còn gấp trăm ngàn lần lũ ở một vùng đất nghèo như quê tôi. Song, họ cũng có quyền mong người khác hiểu cho họ; họ sẽ đói, sẽ mất tất cả tài sản, vườn tược vì chịu lũ thay(!). Đến với họ, ngoài tình thương, sự cảm thông hoặc những tấm lòng “từ thiện”, cần phải có thêm một khái niệm nữa: Trách nhiệm! Xin đừng vô tình như chị thợ may mà tôi đã từng gặp.

            Hôm nay, người dân vùng lũ vẫn thấp thỏm: Bao giờ cho hết... tháng bảy?
T.N