Translate

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

TRÁI TIM CỦA LÀNG...

  
Khi xe vừa vượt qua chiếc cầu ngói  cổ kính thì gặp một đoàn học trò đi ngược trở ra. Anh lái xe của BHXH Hà Tây dừng lại hỏi, một cô bé có cái trán dô rất bướng nói rành rọt:
            - Các chú hỏi “Thư viện làng” à? Kia kìa... Đấy, “Trái tim của làng” cháu đấy...
            Nếu nói rằng có một ngôi làng đẹp như công viên, hẳn  ai cũng cho rằng người viết... đại ngôn. Song khó cỏ thể dùng từ nào khác, khi tả về làng Bình Vọng- xã Văn Bình- Thường Tín- Hà Tây:
            Dọc làng là một hồ nước chạy dài trong văn vắt được kè đá phẳng lỳ. Bên bờ, đường làng trải  bê tông nhẵn bóng, rộng thênh thang. Những ngôi nhà cổ thụ đứng như kẻ chỉ. Những cụ già miệt mài đánh cầu lông trên thảm cỏ hay chăm chú đọc sách trên ghế đá chẳng khác gì trong công viên. Một chiếc cầu cổ lợp ngói vắt vẻo qua hồ nối tới ngôi đình cổ đồ sộ, uy nghiêm... Và điểm nhấn của cái khung cảngh nên thơ ấy là một “Thư viện làng” mà lâu nay người dân Bình Vọng vẫn tự hào, coi như... “Trái tim của làng”...

            Thật ra, Bình Vọng ngày xưa cũng nghèo, nghèo lắm; cái nghèo cố hữu của các miền quê Việt Nam. Bao nhiêu  năm trời, dân làng Bình Vọng chỉ biết  bám lấy cây lúa, cây dưa làm nguồn sống; tiếng là đất trồng mầu, song “tháng ba ngày tám”, mười phần dân cũng đến tám, chín phần thiếu ăn. Một phần dâm bám lấy cái chợ làng, gọi là chợ Bằng, song cũng chỉ gọi là đủ ăn qua ngày. Tuy nghèo như thế, song đây lại có tiếng là mảnh đất văn vật từ độ xa  xưa. Cái làng bé tẹo, mà cách đây từ  vài trăm năm đã có tới  7 vị Tiến sĩ, hiện văn bia vẫn còn lưu giữ trên Văn Miếu.- Quốc Tử Giám. Không chỉ là nơi duy nhất có hẳn đền thờ thánh hiền khổng tử, Bình Vọng còn lưu khá nguyên vẹn hệ thống  Đình, Đền, Chùa, Miếu, và cả cây cầu ngói có từ hàng nghìn năm... Nên dù trải  bao thăng trầm, Bình Vọng vẫn giữ được nét của sự tao mặc, cổ kính.
            Có lẽ sống trong không giam văn hóa như  vậy, nên người dân Bình Vọng cũng trở nên tao nhã, gia giáo hơn, thuần khiết hơn; song cũng kém năng động hơn trong cái gọi là “Kinh tế thị trường” sôi sùng sục. ở các làng khác, huyện khác, người ta giục con cháu làm ăn để giàu có; thì ở đây, người ta giục con học để... làm giầu. Có mấy trăm nóc nhà, chẳng mấy nhà không có con, cháu đang học Đại học. Không trai thì dâu, rể, chẳng mấy nhà không có ông giáo, bà giáo... ở đây, dân họ lấy chữ làm đầu. Chẳng thế mà từ năm 1946, lớp Bình dân học vụ đầu tiên của cả nước do cụ Bùi Văn Tố trực tiếp dạy người ta lại mở ở đây. Thế nên mới có  chuyện ông Dương Văn Phi, vốn cũng là giáo viên, khi về hưu chẳng  biết làm gì, vườn ít, ruộng không, bèn xoay sang làm... chữ! Ông bảo: mấy chục năm làm anh giáo, rồi quản lý. Nghề phụ chẳng có, kinh doanh không biết, ruộng vườn cũng không, chẳng lẽ mới ngoài 60 đã ngồi một chỗ xem ti vi rồi chờ con hầu cơm? Ông “xoay” sang... mở thư viện. Lúc biết ý định mở  thư viện của ông, có người nói gần, nói xa: họa có “thần kinh” mà “Kinh doanh thư viện” ở cái xứ nhìn gần chỉ thấy lúa, nhìn xa chỉ thấy dưa này! Song ông không kinh doanh. Gần triệu lương hưu ở cái đất màu này, tằn tiện ông cũng sống thỏa mái. Chẳng qua tuy nghỉ hưu rồi, ông vẫn muốn đóng góp một “cái gì đấy” cho sự phát triển của làng  quê. Mà theo ông, chẳng có cách nào làm cho quê mình đi lên, giầu lên bằng chi thức, bằng cái chữ! Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có “cái chữ” là còn mãi mãi. Và thế là ngày ngày ông lóc cóc đạp xe đến từng nhà, trước là “thuyết trình” về cái hay, cái tốt của “Thư viện làng”; Sau là... xin sách. Không phải không có người trước mặt vồn vã, hoặc hờ hững; đằng sau bảo... “ông già khùng”... Cũng có người nhặt cho ông vài ba cuốn sắch cũ cho... xong. Song các bậc cao tuổi, nhất là các cụ vốn là cán bộ về hưu trong làng thì ủng hộ cả... hai tay. Cụ Lan, cụ Tăng vốn là Đại tá về hưu, Bác Phi, cụ bà Nguyễn Thị Mai..., toàn người “thất thập”, “bát thập”, song cũng hăng  hái đến nhà con cháu vận động hiến sách mở thư viện. Gom được ít sách rồi , cụ Phi lại dắt mấy cụ già rồng rắn lên thôn, lên xã xin địa điểm làm... thư viện. Một chuyện “động trời”, vì chẳng mấy ai mở “thư viện làng” bao giờ cả! Song vì nể các vị “bô lão” hơn là tin, xã cũng cho “mượn” một gian “giải vũ” của Đình làng cho các cụ mở thư  viện. Có người nói “toẹt” ra rằng: để xem các cụ làm được  bao lâu...
            Thế rồi cái “Thư viện làng”  cũng thành. Đấy một gian nhà cũ, trước làm nơi bày cỗ mỗi khi có “việc làm”. Vài trăm cuốn sách cũ với vài trăm kệ sách đơn sơ. Có một  điều lạ, là trước khi có cái kệ sách ấy, ối người dè bỉu. Vậy mà có nó rồi, các cụ về hưu trong làng hồ hởi hẳn lên: sáng sáng sau buổi tập dưỡng sinh, các cụ ra  Đình... đọc sách. Nhiều cụ trước đây suốt ngày ngồi Tổ tôm, xóc đĩa..., nay thấy có cái thư viện,  bỏ hẳn món bài bạc, chuyển sang ngâm nga sách báo. Con cháu thấy lạ! Có anh bảo: Thử ra Thư viện làng xem các “làm gì”, sau... “nghiện” luôn, trở về vác sách mang hiến tặng thư viện. Mấy cháu học sinh tò mò ghé thăm ông bà, thấy sách, chúng “sà” vào luôn. Chị Lương Thị Liên, Giáo viên vừa mới nghỉ hưu tâm sự: Thấy cũng lạ. Trước khi có cái “Thư viện làng” này,  các cụ thì hay “đánh chén”, “đánh bài”..., các cháu hay la cà, tụ tập. Nay cứ lúc nào rảnh rỗi, các cụ lại ra thư viện, các cháu cũng ra Thư viện, tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn đi... Sau thấy các cụ cũng “làm ăn được”, chíng quyền thôn, xã dành cho các cụ hẳn 4 gian “giải vũ” của Đình làng để làm thư viện. Nay thì cái “Thư viện làng” ấy đã “hoành tráng” lắm: có tới 4.000 đầu sách, 2000 đầu tạp chí,  6 đầu  báo hàng ngày... với đầy đủ các thể loại. Các cháu thiếu niên có sách giáo dục, truyện thiếu nhi..., các cụ nhà nông, nhà làm trang trại có sách dạy nuôi gà, vịt, trồng cây...; phụ nữ có sách dạy sinh nở, nuôi con... Đáng kể là với ngần ấy đầu sách, các cụ chẳng phải... bỏ đồng nào. “Hữu xạ tự nhiên hương”, biết có cái “Thư viện làng” như thế, người tâm huyết mọi nơi gửi sách về tặng, người vài ba cuốn, người cả trăm  cuốn: Bà Nguyễn Thúy Hòa, giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh gửi biếu 100 cuốn sách quý; ông Thanh Huyên, cán bộ  NXB Lao động gửi biếu trọn cả tủ sách; ông Lương Khắc Huệ ở tận Thái Nguyên đánh hẳn ô tô về tặng hơn trăm cuốn sách quý...
            Tuy là “Thư  viện làng” song xem ra nghiệp vụ thư viện được các cụ ở đây thực hiện khá bài bản. Hàng trăm loại sách được phân loại một cách khoa học, tỷ mẩn, có “phích”, có thư mục, muốn tìm cuốn nào Thủ thư chỉ cần tìm trong thời gian một phút. Riêng số thẻ đọc sách phát ra trong các cháu học sinh- sinh viên trong làng đã đạt con số gần 200. Một vị phụ huynh cho biết: Trước khi có “Thươ viện làng”, phần đông các cháu chơi bời, tụ tập đinh đáo. Từ  ngày có cái Thư viện làng này, học sinh trong làng ngoan hẳn lên, rảnh rỗi lại ra thư viện... Chẳng thế mấy năm gần  đây, tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng tăng gấp 4- 5 lần những năm trước. Song “khoái” nhất có lẽ là mấy ông nông dân chủ trang trại: rảnh lúc nào, lại ra thư viện nghiền ngẫm mấy cuốn sách dạy nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi vịt... Có người  bảo: Đọc sách ở Bình Vọng đang là... “mốt”! Song thực tế không phải, mà nó đang là “văn hóa làng” vì  cái thư viện nhỏ ấy lại tác động không  nhỏ đến văn hóa, thậm chí kinh tế của cả một làng.
            Nhiều nơi, kể cả Sở VHTT Hà Tây từng coi đây là điểm sáng, tổ chức những hội thảo, tìm hiểu... để học tập và mở rộng. Học tập theo mô hình này, Hà Tây đã có đến vài chục điểm “văn hóa làng” sôi động.
             Điều đáng quý nhất, cái “Thư viện làng” Bình Vọng đang như tổ ấm của những người về hưu trong làng. Sớm sớm, cái “công viên làng” nên thơ trước cửa “Thư viện làng” đông nghịt các cụ ra tập dưỡng sinh, quyền, đi bộ... Xong, các “lão làng” lại vào thư viện, trầm ngâm đọc sách báo, sau rồi về tuyên truyền lại cho con cháu những vấn đề thời sự, kinh nghiệm làm ăn... 60 cụ già chia nhau 7 ngày; mỗi ngày 8- 9 cụ “trực” ,thư viện, giúp con cháu tìm sách, đọc sách, song thực tế lúc nào cũng có vài chục cụ giúp  nhau làm... “Thủ thư”. Vì các cụ bảo: “ngày ngày không ra được thư viện, không chịu được...”!
            Mới qua 8 năm hoạt động, “Thư viện làng” Bình Vọng đã đón tiếp hơn 200.000 người đến đọc, mượn sách, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển nông thôn không chỉ ở làng Bình Vọng. Trong lần về thăm, lãnh đạo Thư viện Hoàng Gia Thụy Điển đã tấm tắc: Đây là một điểm sáng văn hóa độc đáo, mà chúng tôi cũng đang muốn học tập...
            Còn chúng tôi, thấy cô học trò cấp 2 dùng từ khá đắt, khi gọi cái “thư viện làng” ấy là: Trái tim của làng./.

T.N 

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

ĐI TÌM NGƯỜI HÁT
 "NGƯỜI CON GÁI PAKÔ"...
                                    

       Gã si tình...

     Từ thuở mới học lớp cuối cấp hai ở mái trường làng, tôi đã thầm yêu một cô bạn gái ngồi bàn trước. Mối tình ba chục năm nay giờ mới nói ra thì người nam kẻ bắc và đều đã đống con. Cô bạn xinh xắn, gọn gàng mà có giọng hát như chim. Những đêm văn nghệ giữa sân trường, khi cô hát bài “tủ”: “Người con gái PaKô”, cái giọng véo von như chim, cặp mắt lúng liếng đen như nhung làm lao xao trái tim bao gã trò làng. Rồi, cô lấy chồng xa. Tôi chỉ biết, có hai người hát bài “Người con gái PaKô” hay nhất, đạt nhất, ấy là cô bạn gái đã làm tôi biết đến phút rung động đầu đời; và ca sĩ Tường Vi. Hai người hát hay đến độ, mỗi lần nghe Tường Vi hát “Người con gái PaKô”, tôi lại nhớ như in người bạn gái năm nào. Đã có lần tôi lên đỉnh Trường Sơn, đến huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) tìm gặp “Người con gái Pa Kô” để viết bài. Đó là nữ anh hùng Kan Lịch, hiện đang sống ở xã Bắc Hồng. Vậy mà, cả hai người hát về Kan Lịch thì chưa.
     Mãi đến ngày Tết của ngành giáo vừa rồi, chị hẹn đến nhà. Tôi nói với bạn trong phòng: hơn hai chục năm làm nghề; gặp, viết về hàng trăm người, mà sao lần này vẫn thấy hồi hộp?! Cô bạn đồng nghiệp biết, trêu: chắc nhớ mối rung động đầu đời... Sau khi tôi lấy câu chuyện ấy “làm quà” thật bất ngờ, ngồi giữa phòng khách khá sang trọng ngập đầy hoa, Tường Vi lại hát tặng tôi bài “Người  con gái PaKô”. Chị bảo: sống trên đời phải biết yêu; không yêu mãnh liệt, chảng làm gì nên hồn. Từ nhỏ, Tường Vi vốn nổi tiếng là người mơ mộng. Nhà sát biển Tam Kỳ, sau nhà có cái nhà thờ. Đêm đêm nghe thánh ca, Tường Vi tám tuổi đã lên ra bờ biển tập hát một mình, chín tuổi đã mê và hát rất hay nhạc Văn Cao. Bố mất từ năm lên mười, mười sáu tuổi đã xung phong đi bộ đội. Thấy người Tường Vi nhỏ xíu chảng làm nên “cơm cháo” gì, các chú bộ đội bề cho  vào làm hộ lý viện 3, Quân khu 5. Đêm, thương binh đau, vật vã, rên rỉ, Tường Vi thương đứt ruột mà không biết làm sao.Tình cờ có lần Tường Vi hát, cả phòng đang rên rẩm  bỗng im bặt. Thê là sau này mỗi lần rảnh rỗi, Tường Vi lại hát cho Thương binh nghe. Nghiệp ca hát bắt đầu vận vào Tường Vi từ đấy. Hồi mới được chuyển  ca quân y viện 108, chị được giao chăm sóc hai thương binh bị tâm thần, một anh tên Thế, một anh tên Quế. Mỗi khi các anh lên cơn không ai dỗ nổi. Tường Vi chỉ cất giọng hát, cả hai đột nhiên cắt cơn. Nhiều thương binh không chịu tiêm, không chịu uống thuốc nếu Tường Vi không hát cho nghe; có hôm hát suốt ngày, chiều tối đắng cả cổ không nuốt được cơm, thế mà hôm sau vẫn hát. Sau khi chuyển về đoàn ca múa Tổng cục chính trị, Tường Vi lại đi khắp các chiến trường, các điểm chốt biên giới, hải đảo... hát cho chiến sĩ nghe. Có chiến sĩ trên chốt một mình, điện về qua bộ đàm xin được nghe Tường Vi hát một bài; Tường Vi hát qua bộ đàm, tặng một mình chiến sĩ ba bài. Có tổ phi công chuẩn bị xuất kích muốn ng he hát, Tường Vi đến tận cửa máy bay hát tặng các anh. Và bài hát nổi tiếng “Phi đội ta xuất kích” do chị sáng tác ra đời từ dịp ấy. Không chỉ hát trên chốt, hát ngoài đảo, hát ở trận địa...Tường Vi còn lặn lội sang Lào, CamPuChia... chỉ để mang giọng hát đến với chiến sĩ tình nguyện. Những ngày Bác Hồ còn sống, chị là người hay được vào hát cho Bác nghe. Lời dặn của Bác trong một lần vào hát ảnh hưởng đến suốt đời ca hát của chị, và còn tác động đến chị tới tận bây giờ. Bác bảo: con (Tường Vi) phải học hát cho cơ bản để hát thật tốt, sau này còn dạy cho lớp trẻ; và đã hát phải hát cho tròn vành, rõ chữ. Cũng từ lời dặn ấy, sau này Tường Vi là người thành công nhất trong  việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc quốc tế, đưa âm nhạc OPêRa vào chất giọng nhạc Việt Nam: hát mà không phải hát, hát như chim hót, như suối chảy, như cung đàn một nốt tách ra làm đôi... 40 năm trong nghề ca hát, Tường Vi hát cho hàng triệu lượt chiến sĩ, hát ở hàng nghìn nơi, không một đồng thù lao, không một lần “castxê”, ngoài trái tim của hàng nghìn chiến sĩ. Nhiều bài hát do chị thể hiện như “Cô gái vót chông”, “Người lái đò trên sông PôKÔ”, “Người con gái PaKô”... đạt đến đỉnh cao của chất giọng thính phòng. Là một ca sĩ, song Tường Vi lại là một nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi có tên trong “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam”.
      Vậy mà khi hỏi đến “bí quyết thành công của sự nghiệp”, Tường Vi chỉ đơn giản: Hát bằng trái tim. Hãy để Trái tim hát!

       Càng già, càng yêu.

        Nếu tính theo “tuổi các cụ”, năm nay Tường Vi đã  65, đã làm bà nội.
       Trong ngôi nhà khá bề thế giữa một ngõ nhỏ thuộc phố Mai Dịch, có người tưởng chị đang lẽ loi, đơn côi một mình ở một nghĩa nào đó, thì đấy cũng là sự thật: ly dị với chồng cách đây từ 20 năm. Con trai và con dâu (Ca sĩ Ngọc Anh trong ban nhạc 3A) ở gần song không ở cùng. Có một tờ báo viết đại ý rằng: Tường Vi đang hạnh phúc vì... hết yêu! (Hết yêu là hạnh phúc). Tường Vi rất buồn mà không biết đấy là vô ý hay ác ý. Chị bảo: chẳng bao giờ chị hết yêu. Càng già, càng yêu. Có điều nay đã “ngoại lục tuần”, đã là bà nội, không thể có tình yêu đôi lứa. Tình yêu của chị bây là với công việc, với tiếng hát, với lũ trẻ mồ côi... Mọi sự bắt đầu từ một đêm đông ngồi luyện giọng. Đang xướng âm, chị thấy ngoài cửa sổ có tiếng xuỵt xoạt, xuỵt xoạt... Chạy ra xem, té ra hơn chục đứa trẻ mồ côi bên trường S.O.S đi chơi ngang qua, đang kiễng chân nhìn qua khe cửa nghe hát. Chị hỏi: các con thích học hát không? Tất cả các cháu đều bảo: mẹ dạy chúng con hát cho đỡ...  buồn. Tường Vi bảo: dạy các con hát cho cuộc sống đẹp hơn, mà không phải cho đỡ buồn. Các em ngân ngấn nước mắt. Năm ấy, Nhạc sĩ Văn Cao còn sống. Tường Vi đến xin ý kiến Nhạc  sĩ Văn Cao, được Văn Cao ủng hộ và nhận làm “cố vấn”. Thế là “câu lạc bộ nghệ thuật tình thương bỗi dưỡng tài năng trẻ ra mắt ngay sau khi Tường Vi về hưu (1992) Lời dặn của Bác Hồ: “Sau này còn dạy cho lờp trẻ” đã thành hiện thực. Đầu tiên, chị chỉ tuyển những em nhỏ mồ côi có năng khiếu vào học. (Diễn viên Linh  Nga cũng theo học lớp này từ năm 10 tuổi). Tác phẩm âm nhạc, tác phẩm hội họa (làm “đạo cụ”) đều do chị tự sáng tác. Sáng tác được tác phẩm nào lại mang nhờ Văn Cao góp ý. Nhiều hôm, Văn Cao tự đệm đàn ghi ta cho các cháu học hát. Sau khi lớp đã được thành lập, đội ngũ giáo viên tự nguyện gồm toàn nghệ sĩ cựu chiến binh: Hòa Liên, Dy Linh... Gọi là “giáo viên” mà không có lương, không có tiền “trợ giảng”. Học sinh trong lớp đứa khiếm thị, đứa khuyết tật; có đứa không bố, có đứa không mẹ, nhiều đứa không cả hai, nhưng tất cả đều ngoan và có năng khiếu.Tường Vi chỉ mong một điều: sau này chúng kiếm được cơm, khỏi phải sa ngã, khỏi phải trở thành người bỏ đi. Mới đầu chỉ vài ba chục đứa, sau hàng trăm đứa đến xin học, chị đành tuyển và chia ra làm nhiều lớp: Lớp múa, lớp hát, lớp đàn Ocgan... Giáo viên toàn “tình nguyện”, chị vừa soạn “giáo án”, vừa sáng tác, vừa trực tiếp dạy thanh nhạc, vừa làm “Giám đốc không lương”. Với 1,2 triệu đồng lương hưu thượng tá quân đội, mình chị sống dư giả. Nhưng còn đạo cụ, nhạc cụ, đồng phục, nước nôi...? Ban đầu, Tường Vi đôn đáo đi vay tiền, kỳ lương lại... trả nợ. Nhạc sĩ Văn Cao biết, nhiều khi giúp tiền. Sau, nhiều “Mạnh Thường Quân” biết, giúp tiền. Có nhạc sĩ là cựu  binh Mỹ đến thăm ôm mặt khóc: “Trời! Các cháu ngây thơ quá, mà hát hay quá.Thế mà không hiểu sao trước đây tôi từng mang bom ném xuống đầu các cháu?”. Rồi ông ta tặng lớp cả cây đàn Pianô đáng giá nhiều triệu đồng.Theo Tường Vi, chị không chỉ dạy nhạc, dạy múa cho lũ trẻ, mà chính là dạy “Người”! Bọn trẻ mồ côi, tật nguyền, thiệt thòi, nên thường 9- 10 tuổi đã thích hát những  bài buồn, bi lụy... Chị lại sáng tác những bài có ca từ lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống để dạy các cháu, như “Trái tim ơi xin đừng buồn”, “Hoa hy vọng”, “Đời cho những nốt nhạc vui”... Vì thế, phần lớn các em khi mới  vào đều nhìn cuộc sống bi quan; sau một thời gian, các em được tăng thêm nhiều nghị lực và tình yêu cuộc sống. Khá nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa... đã được chắp cánh từ đây: Hồng Thi, Thanh Lan, Hương Giang, Li Li, Linh Nga, Hồng Vi... Như một mái ấm, các nghệ sĩ trưởng thành, vào đời, rồi lại quay về làm “giáo viên không lương” cho Trung tâm như kiểu ong trả mật cho hoa. Bây giờ, ngôi nhà 4 tầng không lúc nào còn trống trải nữa; lúc nào cũng có xấp xỉ 100 em đủ các thành phần theo học các lớp Ocgan, Pianô, thanh nhạc, múa, học... 4 tầng nhà đầy ắp tiếng trẻ con, 4 tầng nhà đầy ắp tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng gọi “mẹ Vi”... Chị bảo: không có thời gian để cô đơn. Ngoài việc nhận đỡ  đầu cho các trường S.O.S, làng trẻ mồ côi Birna, làng tàn tật Hòa Bình, chị còn mới mở thêm hai Trung tâm tương tự ở Quảng Nam và Đà Nẵng, nên công việc càng bận rộn hơn.
       Vậy mà một giây cũng thấy chị buồn buồn: 65 tuổi rồi, như lá trên cành, ai mà chẳng có lúc... Chẳng biết lúc ấy ai sẽ thay thế tôi...
       Nhìn lũ trẻ 9- 10 tuổi ngây thơ như những cái búp cây đang say sưa tập múa, tôi trách: “Chị cứ nói dại”, song cũng không khỏi gợn lòng. Chị cười, “động viên ngược” lại tôi:
-    Khi nào vào Nam mà tìm người hát “Người con gái PaKô” thứ hai đi!
Tôi lảng:
-     Người ta ba con rồi mà chị.
Tường Vi cười phá lên:
-     Càng già, càng yêu kia mà?
Lại một tốp các cháu trường S.O.S. lễ mễ ôm hoa đến tặng “mẹ Vi”. Tôi về để đi đặt vé tầu vào Nam. 
T.N
(2005)