Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016


PHIÊN TÒA KHÔNG XỬ...
         

  Người xưa có câu: 
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. 
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua...”
            Đằng này, nhà Lan và nhà Kiểm cách nhau có mỗi đoạn con sông đào, nên tình yêu của hai người đến với nhau dễ dàng và nhanh chóng lắm. Tuy là hai làng khác nhau nhưng cách nhau có mỗi bờ nước với đúng một con đò, nên chẳng mấy đêm, hai người không gặp nhau. Nhiều đêm trăng thanh gió mát, trên là cây đa, dưới là bến nước, hai người đã có những tháng ngày mơ mộng không kém những bài thơ hay nhất viết về quê hương, tình yêu. Có hôm về muộn, hết đò, Kiểm đội quần áo bơi qua sông trở về nhà, làm Lan không khỏi cảm động trước tình yêu “vượt sóng, vượt... nước” của Kiểm. Và tình yêu của họ ngày càng được thử thách, bền chặt sau mỗi đêm như thế, tưởng không có gì chia cắt nổi.
            Nhưng rồi, cái gì vẫn đến với tình yêu nó đã đến. Sau gần nửa năm yêu thương đắm đuối, cũng dưới bóng đa ven sông một đêm trăng lồng lộng, chỉ mười ngón tay đã đùa vào trong mái tóc của Kiểm, Lan mới hồi hộp báo cho người yêu cái tin quan trọng:
-         Anh! Chúng mình... sắp... có con...
-         Sao?
Kiểm chợt tuột khỏi vòng tay của Lan. Dù chỉ trong ánh trăng, Lan cũng đủ nhìn rõ gương mặt vốn            trắng bệch của Kiểm càng thêm nhợt nhạt.
-         Thật không? Một phút im lặng/
-         Thật không? Mà... có... thật... của anh không?
            Lan chỉ còn biết sững người, nhìn Kiểm trân trân như chết đứng. Phải một lúc sau, như chợt nhớ ra, Lan mới giơ tay, tát mạnh vào khuôn mặt nhợt nhạt của anh chàng mới chớm tuổi hai mươi, rồi ù té chạy tức tưởi trên bờ cỏ ướt đầm trăng...
            Chỉ sau đêm ấy, Lan và Kiểm đã vội xa nhau, cũng nhanh như lúc tình yêu vội đến. Đã mấy lần, Lan nhờ đứa em gái mang thư nhắn tìm Kiểm, song Kiểm như “chim trời, cá nước biết đâu mà tìm”. Vốn là người cháu của một Đôn Joan, Kiểm “lặn” một hơi lên vùng biên giới phía bắc với lý do “tìm việc làm” sau một thời gian “nối cầu liên lạc” mà không được, lại có người bắn tin: “Kiểm đã lấy vợ ở Lạng Sơn?!”... Lan cũng đành... nhắm mắt đưa chân, theo một người anh họ xa vào Sầm Sơn bán hàng nước mong che mắt hàng xóm. Sự sầm uất, vui vẻ của bãi biển Sầm Sơn trong bốn tháng hè cũng đủ làm Lan nguôi ngoai đi phần nào. Song cái bào thai trong người Lan cứ lớn dần lên cùng nỗi lo lắng, khắc khoải. Đến tháng tám, khi mùa hè ở biển đã hết, cũng là lúc ông anh họ thấy cái bụng Lan lùm lùm. Cũng đúng lúc ấy, Lan lại nghe cái tin Kiểm đã trở về và... chưa có vợ.
            Do sự kiên quyết của ông anh họ sợ “vạ lây”, Lan buộc phải quay về làng với hy vọng mong manh. Về đến làng, Lan đến thẳng nhà Kiểm. Với lòng kiên trì và nhẫn nhục,  Lan quỳ gối trước mặt bố mẹ Kiểm, kể lể hết sự tình, xin Kiểm nghĩ lại để đoàn tụ. Kiểm nằm trong buồng, nghe xong, bà mẹ Kiểm nói thẳng với Lan:
            - Cô đi Sầm Sơn suốt mấy tháng, vác bụng về đổ cho con tôi ư? Ai còn lạ gì cái cảnh Sầm Sơn... và bà còn nghiến răng: Tuần sau, con tao cưới vợ. Nếu mày... nếu mày phá hạnh phúc của con tao, tao... tao gi... ê ê... êt.
            Lan nuốt nước mắt, nghiến răng vác cái bụng đã gần 7 tháng về nhà trong nỗi đau đớn ê chề...
            Quả đúng như lời bà mẹ Kiểm nói thật, tuần sau thì Kiểm cưới vợ. Vợ Kiểm là cô gái Thái, người tận Lạng Sơn. Người ta bảo con gái Thái rất đẹp, kể cũng đúng thật. Vợ Kiểm tuy hơi chậm, song nói tiếng Kinh khá sõi, và gái trong làng không thể ai sánh kịp. Tuy giấu giếm, song người trong họ ngoài làng vẫn đến đông nườm nượp. Họ đến để mừng cho cô dâu, chú rể thì ít, mà đến thì để xem mặt cô dâu người Thái thì nhiều. (Vì hai nhà xa nhau gần ba trăm cây số). Đêm ấy, trai gái làng, bà con lối xóm đến chật nhà, chật ngõ. Đúng lúc đám trẻ con đang đứng vòng quanh cô dâu để xem mặt, thì ngoài bể nước, chợt có tiếng người kêu thất thanh:
-      Trời ơi...

Mọi người đổ xô ra.
            Bà mẹ chú rể nằm ngất xỉu bên bể nước. Còn trên nắp bể xi măng, một cái tả cũ, quấn quanh một hài nhi trai chừng bảy tháng đã tím ngắt. Mọi người hiểu ngay. Đám đông giải tán lập tức. Nghe đâu hôm sau, cô dâu xinh đẹp người Thái đã lén dậy sớm, lên tàu về Lạng Sơn trước giờ cưới.
            Chừng mười ngày sau, khi câu chuyện trên còn đang xôn xao người dân cả hai làng, thì Tiến, một người em cùng họ với Kiểm, không biết kiếm đâu ra tấm ảnh chụp hài nhi của Lan hôm cô đến “giải quyết” ở bệnh viện. Trong một lần uống rượu say, Tiến đến nhà Kiểm, giơ tấm ảnh vào mặt bố Kiểm mà phán một tràng về “Đạo lý”.
            - Con trai nhà ông thất đức. Con trai ông giết cháu ông. Cả nhà ông thất đức...
            Đoạn, Tiến đốt tấm ảnh, vứt lên bàn thờ mà về. Song Tiến mới ra đến cửa mấy ông anh, ông chú của Kiểm đã xông vào đánh Tiến một trận nên thân giữa nhà.
            Nghe nói, hôm Tiến nằm ở bệnh viện, chân tay Tiến không gãy, không sứt sẹo, mặt mũi cũng không bị thâm tím... mà chỉ thấy máu trong mồm, trong mũi Tiến trào ra. Nghe bác sĩ bảo, Tiến bị “chảy máu trong”.  Gia đình Tiến kiện nhà Kiểm vì tội “đánh người gây thương tích”, nhưng họ hàng lại bảo thôi. Nếu kiện, không biết ai sẽ phải ra tòa, một bên hay cả ba bên??? Vì thế, phiên tòa lương tâm của ba bên thì đều có, nhưng việc xử ở tòa thì không.

(Câu chuyện có thật ở một huyện đồng bằng Bắc bộ. Chuyện lâu lắm rồi; những người trong chuyện đều đã trưởng thành, thậm chí lên ông, lên bà... Song, chuyện thì vẫn còn chưa cũ...)

TN
(Báo Tiền phong cuối tháng)
"CỤ ĐỒ THỜI NAY"... VĨ ĐẠI !

Căn nhà của "Cụ đồ” Lương Văn Trưng nằm tận cùng con ngõ nhỏ của một thôn nghèo thuộc xã Hồng Việt (Đông Hưng - Thái Bình). Gọi là "nhà" cho sang, thật ra đấy chỉ là bốn bức tường gạch xếp tạm, gắn qua quýt bằng vôi vữa, phía trên chụp bằng hai mái ngói bò xộc xà xộc xệch. Nó thấp lụp xụp và rộng chưa đầy vài chục mét vuông! Một chiếc giường bằng tre cũ kỹ, một bộ bàn ghế mộc choán hết lối đi. Cả nhà không thứ gì đáng giá, ngoài khoảng 60 thùng sách là vô giá! Có điện mà không dám thắp. Cụ Trưng ngồi miệt mài dưới ánh sáng tự nhiên lờ nhờ, bên cạnh là cuốn từ điển Anh- Việt dày cộp. Không phấn; không bảng. 8 em học trò mắt sáng như sao ngồi xếp bằng trên một chiếc chiếu cũ trải ngay dưới nền nhà...

Sinh năm 1930 trong một gia đình nghèo, đông con nhưng giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, lên 5 tuổi, cậu bé Trưng đã biết khai tăng 2 tuổi để được đến trường làng như bao cậu học trò nghèo khác. Học hết lớp 7, nhà nghèo, cậu học trò Lê Văn Trưng đành bỏ học. Tuy mới học hết lớp 7, song là người sáng dạ, học giỏi, nên năm 16 tuổi sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu đã được Chính quyền mời đi dạy xóa mù chữ trong các lớp Bình dân học vụ. Nghiệp làm Thầy đeo đuổi anh trai làng 16 tuổi từ đấy. Năm 17 tuổi đã là du kích xã, làm thường trực Hội đồng Nhân dân; kết nạp đảng cũng từ năm 17 (do thời gian đi học khai tăng hai tuổi). Biết anh là thầy giáo Bình dân học vụ thông minh, hiếu học, một đồng chí là cán bộ cách mạng do chính gia đình Lê Văn Trưng làm cơ sở nuôi giấu lại giới thiệu anh đi học Bổ túc văn hóa ở Trường Kháng chiến Phan Thanh. ở đây, anh là học sinh xuất sắc của cả hai khoa: Toán- lý- hoá, văn - sử - địa, ngoại ngữ và được giữ lại làm giáo viên của trường. Đến khi  giặc Pháp gây hấn, anh lại trở thành du kích, được điều lên hoạt động ở Chiến khu Việt Bắc. Là người thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, lại vốn là người "văn hay, chữ tốt", những ngày ở Việt Bắc, anh vừa là người viết tin, viết truyền đơn địch vận... Miền Bắc giải phóng, anh được cử về dạy học ở Trường cán bộ chủ chốt của huyện, rồi được cử đi học trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh. Ra trường, cả huyện Đông Hưng chưa có lấy một trường cấp 2, anh lại là người đứng ra xây dựng trường cấp 2 để có trường mà dạy. Những ngày dạy học cấp 2, anh từng là Chiến sỹ thi đua ngành Giáo dục. Sau khi được cử đi học nâng cao trình độ sư phạm, anh được điều về dạy ở Trường cấp 3 Nam Định... Lúc đất nước cần phát triển công nghiệp, anh lại được tín nhiệm cử đi học trường Công nghiệp Trung ương, rồi trở ra dạy trường Nghiệp vụ công nghiệp của Bộ Công nghiệp. Anh là một trong những người xây dựng trường Đại học Kinh tế Quốc dân bây giờ và giảng dạy ở đấy nhiều năm. Xuất thân từ một anh giáo dạy bình dân học vụ những năm 1945-1946, chỉ bằng con đường tự học và học bổ túc, anh đã trở thành giảng viên đại học khi mới ngoài 30 tuổi... Năm 1968, khi giặc Mỹ ném bom phá tan trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh lại được điều về Thái Bình, lần lượt làm cán bộ ở Ty Công nghiệp, rồi Ty Kiến trúc Thái Bình. Một thời gian sau do sức khỏe yếu, anh giảng viên đại học Lê Văn Trưng đi phu hồ cho công nhân xây dựng: ban ngày xách vôi, xách vữa, đêm đêm lại đi dạy học bổ túc văn hóa cho công nhân và cán bộ ngành Xây dựng. Đến năm 1973 thì anh xin nghỉ hưởng chế độ mất sức... Vài nét chấm phá phác họa một phần "thời oanh liệt" của "Cụ đồ thời nay".
            Trở về làng quê với vài sào ruộng khoán, vợ chồng ông "Giảng viên đại học" lại lăn lưng ngoài đồng kiếm gạo nuôi đàn con 5 đứa: ba gái, hai trai. Bỏ giảng đường về "mất sức" do sức khỏe kém, song ngày hai buổi "Cụ đồ" vác cuốc ra đồng bới đất nhặt cỏ, đêm về lại chong đèn tự học đủ các môn: từ tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ, đến đọc sách đông tây kim cổ... 26 năm làm nghề dạy học, cụ chỉ có mỗi một cái thú: Sưu tầm sách! Năm 1973, khi về nghỉ chế độ, cụ đã có trong tay 2 vạn cuốn sách. Và bây giờ, trong nhà cụ đã có gần 60 thùng sách với trên 5 vạn cuốn. Nhớ khi thành lập Thư viện Thái Bình, cụ tặng Thư viện hàng trăm cuốn sách quý; lãnh đạo thư viện trả tiền, cụ dứt khoát không nhận, thư viện đành mua tặng mấy chục chiếc hòm kẽm để đựng sách, lúc ấy cụ mới đành nhận. Đêm đêm, hàng xóm đi qua, thấy cụ trầm ngâm dưới ánh đèn đến sáng, bên cạnh là cả núi sách, cũng có người bảo: đúng là dở hơi, đã là nông dân còn bày đặt chuyện học hành, sách vở... Cụ càng bị coi là "dở hơi" hơn khi dám lên tận huyện xin mở lớp ôn thi đại học. Cụ kể: "Hàng năm, thấy các cháu đổ xô lên Hà Nội ôn thi đại học, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của mà trượt vẫn hoàn trượt ! Nhiều em học giỏi song nhà lại quá nghèo không có tiền đi ôn đành ở nhà học quấy, học quá nên cũng trượt. Thấy nhân tài phí quá, năm 1996 tôi lên phòng Giáo dục huyện xin mở lớp ôn thi miễn phí cho các cháu con nhà nghèo mà học giỏi". Cũng may cán bộ phòng, cán bộ huyện nhiều người là học trò cũ biết trình độ uyên thâm của cụ nên họ ủng hộ ngay. Ban đầu lớp do Phòng giáo dục mở tại trung tâm huyện, chỉ tuyển những em học sinh nghèo, học giỏi trong khắp huyện. Mỗi tuần hai buổi, Phòng cho người về đón "thầy" lên tận lớp. Sau, thấy thầy đi lại vất vả, các cháu học trò rủ nhau đến tận nhà thầy để học. Thấy vậy, cũng có người cười chê: "Giáo sư, Tiến sỹ Hà Nội dạy thêm còn chẳng ăn ai, huống chi ông già... nhà quê!". Thầy cắn răng nhẫn nhịn, chỉ có học trò là biết. Bởi cụ dạy chúng không chỉ dạy chữ theo kiểu nhồi nhét, học vẹt mà các lớp huyện thi vẫn làm. Cụ dạy cách học, dạy những kiến thức chưa từng có trong những cuốn sách mà chúng đã đọc. Cách dạy của cụ không chỉ là dạy kiến thức, mà là... "khai sáng" kiến thức! Chẳng thế có em học sinh học quá nhiều, gần đến ngày thi thì mụ mẫm giữa đống kiến thức đã được nhồi nhét, trở nên như bị tâm thần. Chỉ sau một tuần học, cháu bảo: đang như đi trong đêm tối mà có người đưa cho ngọn đèn! Cách dạy của cụ là như vậy. Mà cụ dạy được tất cả các môn, từ toán, lý, hoá, văn, sử, địa, Anh, Pháp..., môn nào cụ cũng là người "thông kim, bác cổ"! Sau khóa "luyện thi" đầu tiên ấy, cả 8 cháu theo học đều đỗ vào 8 trường đại học mà cụ chẳng hề nhận của ai một đồng tiền công hoặc một thứ gì. Có người bảo cụ: Khó khăn là thế, sao cụ không cầm ít tiền đỡ lúc khó khăn? Cụ bảo: người ta có nghèo thì mới đến lớp của tôi; mà đã nghèo thì lấy đâu ra tiền?  Suốt 7 khóa dạy ôn thi, duy nhất một lần cụ nhận quà, đấy là một cái màn: Có em học trò gặp trời mưa đành ngủ lại. Đêm, hai ông cháu ngủ với nhau, màn rách, muỗi đốt suốt đêm không ngủ được, em về kể với bố. Sáng hôm sau, bố em này vờ đến mượn "thầy" cái màn, rồi lại vờ làm mất, mang cái màn mới đến đền "đền". ấy vậy mà cụ còn chối đây đẩy, phải nói mãi về sau mới chịu nhận. Cụ ông an ủi cụ bà: Ai bảo mình dở hơi cũng được; dở hơi mà mỗi năm giúp cho vài cháu nghèo vào được đại học là quý rồi. Và con số ấy hàng năm không chỉ là vài cháu. Mỗi năm, cụ dạy ôn thi cho 6-10 cháu. Và thật là kỳ diệu, là năm nào cũng đỗ... 100%. Trong vòng 7 năm, cụ đã dạy cho 62 cháu, và cả 62 cháu này đã đỗ đại học, không "trật" cháu nào. Khi đã nhập học rồi, biết "thầy" yêu sách mà chê tiền, từ các trường đại học ở khắp các nơi, tháng tháng nhiều cháu lại dành tiền học bổng mua sách gửi về biếu thầy. Vì thế cho đến bây giờ, cụ đã có khoảng trên 5 vạn cuốn sách, phần lớn là sách quý, nhiều bộ sách cổ điển mà ngay đến các thư viện cũng phải ước ao. Trong nhà không còn chỗ nào để sách, cụ đành xây thêm một cái chòi nhỏ hai tầng rộng chừng 2m2 xếp vào đấy, ẩm thấp, hôi hám... Biết làm thế là ảnh hưởng đến việc bảo quản sách, song cũng chẳng có cách nào khác. Hai vợ chồng già, nguồn sống duy nhất là 7 thước ruộng, dè xẻn lắm cũng chỉ đủ gạo ăn chờ vụ tới, nói  gì đến việc xây một kho sách? Với 240 ngàn đồng tiền nghỉ chế độ, mỗi tuần hai cụ chỉ dám đi chợ đúng một lần vào ngày chủ nhật, và mỗi lần đi chợ chỉ dám mua đúng 2 lạng thịt, gọi là "cải thiện" cho... có chất! Đôi khi buổi sáng cụ bà thương tình làm cho bát bún, bát canh, cụ ông dứt khoát không ăn vì sợ... tốn! Con đông mà chẳng dám nhờ vì chúng còn nghèo hơn. 73 tuổi, lại sống đạm bạc như vậy, nên sang năm nay cụ đã yếu nhiều. Chính quyền địa phương biết vậy, đôi lúc cũng muốn trích từ ngân sách xã đỡ đần cụ theo diện "hộ chính sách". Khổ nỗi cụ cứ đây đẩy không nhận, nên cán bộ xã cũng... chẳng biết làm thế nào.
Lúc chúng tôi chuẩn bị từ biệt “Cụ đồ thời nay” thì thấy 8 cháu học trò tíu tít kéo đến. Một cháu gái cho biết: "Vào học lớp của thầy "tiêu chuẩn" khó lắm chú ạ. Phải có "Giấy chứng nhận" của nhà trường rằng học khá trở lên; và phải có "Giấy chứng nhận" của xã rằng... nghèo trở xuống"! Quả là "tiêu chuẩn" có một không hai.
Tám em học trò ngồi sắp bằng trên chiếc chiếu cũ; tám cặp mắt trẻ trung ngời sáng chăm chắm nhìn cụ đồ già. Không phấn, không bảng. ấy vậy mà năm học này, tôi tin chắc rằng sẽ lại có thêm 8 em trò nghèo được vào đại học nhờ “Cụ đồ thời nay” vĩ đại./.
TN


Vấn nạn môi trường ở Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ):
GIẢI PHÁP NÀO CHO 
"LÀNG UNG THƯ"?
* “Làng” thành… nghĩa trang! Lãnh đạo xã cũng lần lượt… ưng thư!
* Lá chè xanh chống được ung thư?

Kỳ 1: Làng chết!
Nằm sát vùng văn hóa cổ Sơn Vi nổi tiếng, từng là nơi nhóm người Việt đầu tiên quần cư, sinh sống; xã Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ) cũng được coi là mảnh đất cổ, là “cái nôi” của người Việt. “Thiên thời, địa lợi”, trên bến, dưới thuyền, 4000 năm trước, tổ tiên người Việt từng chọn đây làm nơi khai thiên lập địa…
Bây giờ cũng vậy. Với địa thế nằm ven sông Hồng, có đường sắt, đường thuỷ, đường bộ chạy qua, cộng với truyền thống cần cù lao động của người dân từ thuở hồng hoang…, xã Thạch Sơn được coi là trù phú nhất nhì huyện Lâm Thao. Xã có vẻn vẹn 518 ha đất tự nhiên, 237 ha đất nông nghiệp với hơn 7 ngàn dân; diện tích canh tác có 10 thước vuông/lao động… Song nhờ năng động, nhanh nhậy với nền kinh tế thị trường…, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt tới 4 triệu đồng/năm. Sản xuất, ngành nghề phát triển, ít xã nào có tới 40 đầu xe ô tô như ở Thạch Sơn. Từ thế kỷ trước, Thạch Sơn đã thực hiện xong trường trạm kiên cố hoá; đường làng bê tông hoá; nhà nhà ngói hóa; rồi điện khí hoá… Thạch Sơn quả là mảnh đất cổ trù phú, giầu có… Con người ở đây cũng có tiếng là hiền lành, siêng năng, “chân chì hạt bột” song không kém tài ba, năng động… “Đất lành, chim đậu”, có lẽ vì thế nên dù là miền sơn cước, song từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã chọn đây làm nơi để dụng võ, để phát triển…
Nhưng rồi không hiểu từ đấy hay từ đâu, tai hoạ cứ ập đến với mỗi người dân Thạch Sơn một cách… từ từ? Đó là: Ung thư hàng loạt. Ông Quản Văn Lộc, 73 tuổi, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn nhớ lại: Năm 1954, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi được đi học lớp đào tạo y tá cứu thương cấp tốc, rồi đi phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Kháng chiến thành công, tôi trở về, “gù ghì” làm ở Trạm Y tế xã Thạch Sơn suốt từ 1954 đến năm 2003. 49 năm làm “thầy thuốc” thì có đến hơn 40 năm làm Trạm trưởng. Khi làm Trạm trưởng được ít năm, thấy dân trong xã chết nhiều quá - mà toàn chết vì ung thư – tôi mới thử lập một cuốn… “sổ tử” để theo dõi… Cho đến bây giờ, trong tay ông Lộc đã có tới 2 cuốn “sổ tử” dày cộp, ghi rõ tên tuổi người chết, rồi ngày tháng, nguyên nhân chết… Cảngiêng trong cuốn thứ 2, ghi từ năm 1991 đến tháng 10/2005, đã thấy cả xã Thạch Sơn có 304 người chết, thì có tới 106 người chết do ung thư, chiếm 34,86%. Trong đó có 33 người chết do ung thư phổi (32%); 29 người chết do ung thư gan (28%); số còn lại chết do đủ các loại ung thư: từ dạ dày, tinh hoàn, khớp, mắt đến não, răng, vòm họng… Trong số các gia đình có người chết do ung thư, có 9 gia đình chết cả vợ lẫn chồng; 7 gia đình chết cả bố mẹ và con; 3 gia đình có từ 3 người chết do ung thư trở lên. Cá biệt có gia đình chết cả ba đời (7 người), chết cả vợ chồng, con cháu, anh em trai gái, dâu rể… Trong xã Thạch Sơn có 10 cụm dân cư, thì cụm ít, cụm nhiều, cụm nào cũng có người chết vì ung thư. Khu bãi 8 (Mom Dền) còn 40 hộ, có tới 41 người chết do ung thư; đội 1: 15 người; đội 2: 14 người; đội 6: 18 người… Thương tâm nhất là hộ ông Đào Văn Minh: hộ này có 4 người ở riêng, thì cả vợ chồng và 2 con đều chết, nay căn nhà bỏ hoang không có ai thừa kế do cha mẹ, anh em… cũng đều đã chết hết vì ung thư. ở khu Mom Dền, trước những năm 1990 còn là khu làng trù mật với gần 300 nóc nhà. Do nằm sát Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, năm 1990 đã có hơn 200 hộ dân phải tự di dời đi nơi khác vì số hộ này có người ung thư chiếm tới 70%. Còn lại 40 hộ “trụ lại” cũng đều đã phải di dời vì có tới 41 người ung thư. Từ một xóm làng trù mật, đến nay, chính quyền xã đã chính thức có quyết định biến Mom Dền thành… nghĩa địa làng. Một khu làng đã bị xó sổ! Ngay đến số phận của những người làm lãnh đạo địa phương cũng không khả quan gì hơn. Ông Trần Ngọc Viện, Bí Thư Đảng uỷ xã cho biết: Chỉ tính từ năm 1991 đến nay, tất cả các chức sắc trong xã đều từng bị chết do ung thư ngay lúc đương nhiệm: từ Chủ tịch, Bí thư, phó Chủ tịch, Chủ nhiệm, Xã đội trưởng, Xã đội phó, phó Công an, trưởng ban Thuế, Giám đốc Quỹ Tín dụng… Hai Xã đội trưởng liên tiếp chết vì ung thư. Ông Viện ngậm ngùi: Cách đây 10 năm, ông Quản Văn Hòa Chủ tịch xã cũng chết do ung thư. Trước lúc chết Chủ tịch Hòa còn căn dặn đội ngũ cán bộ xã: Anh em còn sống, cố làm sao để cho dân sống, đừng để dân lại mắc căn bệnh này… Biết là biết thế, song dân vẫn lần lượt chết vì ung thư như có dịch, có năm tới 21 người. Gần đây nhất ngày 7/1, ông Hoàng Công Tấn, Giám đốc Quỹ tín dụng đang khỏe mạnh bình thường bỗng chết đột ngột do ung thư não. Hiện tại đã phát hiện thêm gần 40 người trong xã đang mang căn bệnh ung thư trong người, và đang điều trị khắp các bệnh viện trong cả nước. Một cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ quê ở Thạch Sơn, dù đi thoát ly từ nhiều năm nay, cũng đang mang trong người căn bệnh ung thư. Há miệng cho khách xem hàm răng nham nhở, đen sì, mòn vẹt…, ông Bí thư Đảng uỷ lo lắng: những ai còn sống như chúng tôi cũng hỏng hết răng, toét hết mắt, lở hết da… Còn việc thì còn làm, chứ cũng chẳng biết thế nào, sắp tới là ai? 92% dân số trong làng hỏng răng; 75% bị viêm phế quản; 48% bị bệnh ngoài da; hầu hết trẻ em trong làng bị viêm phổi… Mà chẳng riêng gì những người đã chết. Bệnh ung thư đang như những lưới hái thần chết lơ lửng trên đầu 7 ngàn dân Thạch Sơn. Cả xã tôi đang như bị án treo…
Có một điều lạ lùng là như trên đã nói: cả xóm Mom  Dền, nhà nào cũng có người chết vì ung thư; có nhà chết 7 người; có nhà bị xoá sổ… Xóm Mom Dền nay đã biến thành nghĩa địa làng. Vậy mà may mắn sao có nhà ông Phạm Văn Quế, từ lâu vẫn quần tụ nhiều đời ngay giữa vùng đất được coi là “chết”? Do nhà ở sát cạnh Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, thửa đất nhà ông Phạm Văn Quế được coi là “độc” nhất làng. Tất cả cây cối từ cổ thụ đến cây cỏ trong vườn nhà ông đều cháy hoặc chết trụi hết. Bản thân ông Quế cũng bị rụng hết tóc từ lâu. Duy có vạt chè xanh trong vườn, mặc dù khói, bụi… vẫn xanh ngăn ngắt quanh năm. Từ lâu và hàng ngày, mọi người trong nhà ông vẫn uống nước trà xanh từ vạt chè này. Không biết có phải vì cây chè xanh có thể kháng lại độc tố mà có sức sống mãnh liệt đến như thế? Và cũng không biết có phải do uống chè xanh hàng ngày mà cả ba đời nhà ông Phạm Văn Quế sống yên ổn, không bệnh tật gì giữa vùng đất đã được coi là “chết”. Tuy chưa có câu trả lời chắc chắn, song mới đây chính quyền địa phương xã Thạch Sơn đang vận động nhân dân trồng và uống chè xanh; cả huyện Lâm Thao và tỉnh Phú Thọ đang rộ lên phong trào uống chè xanh…
Liệu có thể coi đấy là một trong những giải pháp cho “Làng ung thư”?

Kỳ 2: BHYT toàn dân Thạch Sơn: Khả thi đến đâu?

Từ cuối năm 2005, hai lần, Phó Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có văn bản yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường... nghiên cứu, báo  cáo tình hình bệnh ung thư và ô nhiễm môi trường tại xã Thạch Sơn, và tìm giải pháp khắc phục. Và đến ngày 16 tháng 1 năm 2006, sau hơn 1 tháng khảo  sát, phân tích..., Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chính thức có văn bản báo cáo về tình trạng bệnh tật, ô nhiễm môi trường ở xã Thạch Sơn. Theo đó, tình hình ô nhiễm môi trường ở đây diễn ra khá nghiêm trọng, mà tác nhân chủ yếu là từ Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú, Công ty Giấy Bãi Bằng, và không thể không kể đến cả hàng trăm lò gạch của tư nhân.
Khảo sát tại Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe) cho thấy: Khí thải có nồng độ SO2 và SO3 rất cao trong các phân xưởng axít, vượt chuẩn từ 3,9 đến 9 lần. Nồng độ H2S trong khí thải phân xưởng sản xuất muối trừ sâu công nghiệp vượt chuẩn 1,9 lần. Với lượng nước thải 13.000m3/ngày (không kể nước rò rỉ từ bãi xỉ) có các thông số ô nhiễm vượt chuẩn nhiều lần, đặc biệt là lượng nước thải chẩy thẳng ra đường 32: hàm lượng chất hữu cơ BOD5 vượt từ 8,1 đến 20,2 lần; hàm lượng kim loại Fe vượt từ 6,4 lần đến 5.076 lần... Bãi xỉ của Công ty Supe nằm trên địa bàn Thạch Sơn tồn tại hơn 40 năm nay có độ PH rất thấp, mang tính axít mạnh, ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, kim loại nặng, độc hại có khả năng  tích lũy sinh học cao xuất hiện dọc theo tuyến mương thoát nước xỉ, trong mẫu bùn, và trong cả mẫu... rau...
Qua khảo sát ở khu vực Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú (Công ty Pin), thấy hàm lượng bụi chì trong khu vực sản xuất rất cao; chất lượng thải rắn, bụi chì thu hồi trong quá trình sản xuất không được thu gom thường xuyên, để  vương vãi, để thành đống lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường vào mùa mưa. Các kim loại, đặc biệt là kim loại nặng trong chất thải rắn có hàm lượng cao. Nước thải sinh hoạt và nước vệ sinh công nghiệp không được thu gom  xử lý, khối lượng trung bình khoảng 100m3/ngày. Khí thải và bụi chì chưa được thu gom và xử lý triệt để; hàm lượng chì trong không khí khu vực sản xuất cao: 0,233mg/m3, trong khi tiêu chuẩn cho phép nhỏ hơn 0.005mg/m3...
Đối với họng nước xả của Công ty Giấy Bãi Bằng, dù Công ty này đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo  công nghệ sinh  học hiếu khí, song kết quả phân tích chất lượng nước thải sản xuất sau xử lý vẫn ô nhiễm vượt chuẩn. Kết quả kiểm tra hàm lượng khí H2S trong khu vực Công ty cao hơn từ 5- 10 lần cho phép. Các chất thải rắn được đổ vào bãi ngoài trời của Công ty hiện đang ô nhiễm nặng, hôi thối, chẩy nước... rất nghiêm trọng.
   Đấy là chưa kể đến hàng trăm lò gạch đang ngày đêm nhả khói, làm môi trường không khí ở Thạch Sơn cũng bị ô nhiễm rất nặng. Các chất khí SO2, SO3, Pb, H2S, NH3, NO2... ở đây đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Những người dân ở đây kể lại: Những ngày gió quẩn, không khí đặc quánh toàn mùi hóa chất, dân phải đóng cửa ngồi trong nhà. Nước ngầm bị ô nhiễm nặng, có khoan thì cũng toàn mùi lưu huỳnh, người dân không đào được giếng. Hỏi sao không hứng nước mưa để dùng, thì được biết: nước mưa ở đây càng ô nhiễm hơn, vì mỗi trận mưa là  một trận mưa axít. Thậm chí mỗi khi có mưa, mọi người phải rút hết vào... trong nhà. Nước mưa  cũng gây hỏng da, rụng tóc...
Không phải cho đến bây giờ, người ta mới biết đến thực trạng khắc nghiệt ấy. Từ năm 1981- 1982, Trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu cấp Nhà nước: “Nghiên cứu tình hình ô nhiễm Nhà máy Supe Lâm Thao và các bệnh liên quan tới nhiễm độc Flo”. Kết quả từ ngày ấy đã cho thấy nồng độ Flo, khí SO2, SO3, bụi... ở đây cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Một số bệnh như cơ, xương, khớp, đường hô hấp... tăng nhanh. Các tác giả đã khuyến cáo cần phải di dời dân khỏi vùng ô nhiễm cực đại cũng như các giải pháp bảo vệ dân cư quanh vùng. Và sau hơn 20 năm có sự khảo sát đầu tiên, tình hình ở Thạch  Sơn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Qua phân tích 5 mẫu rau và 2 mẫu cá tại Thạch Sơn, thấy hàm lượng Zn, Se trong mẫu cá tương đối cao; hàm lượng Fe, Mn, Zn, Cu trong các mẫu rau trồng cạnh bãi xỉ và mương thoát nước bãi xỉ khá cao. Hàm lượng Asen (một nguyên tố kim loại nặng rất độc) trong mẫu rau nhà ông Quản Văn Luyện là 0.219mg/kg; trong khi tiêu chuẩn cho phép  nhỏ hơn 0.1mg/kg. Đặc biệt, phát hiện thấy cả nguyên tố phóng xạ Thalium trong mẫu rau muống được lấy ở đây.

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh thực trạng lo ngại về tình hình bệnh tật, sức khỏe của người dân Thạch Sơn. Từ Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đến các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã... đã vào cuộc. Phương án di dời đã được chính quyền địa phương đặt ra song vẫn trong vòng luẩn quẩn: đất đai thì ít; mà chẳng lẽ lại di dời cả... một xã? Thế nên, hàng trăm hộ dân vẫn phải “bám trụ” ngay cạnh bãi thải của Công ty Supe. Thậm chí, trường Tểu học cách Công ty có 500m, trường PTCS cách có km, ngày ngày học sinh đi học phải mang cả khẩu trang, song cũng... chẳng biết làm thế nào. Mỗi ca bệnh ung thư, người dân phải tự chạy chữa hết 70 đến hàng trăm triệu đồng song... chết vẫn chết. Thế nên, mỗi năm Thạch Sơn chi phí cho chữa bệnh hàng tỷ đồng mà đâu vẫn đấy. Nhiều nhà phải  bán nhà, bán ruộng để chữa bệnh. Có nhà khuynh gia bại sản. May mắt thời gian gần đây, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện K khám, chữa bệnh miễn phí cho người Thạch Sơn, nên gánh nặng người dân cũng nhẹ đi phần nào. Năm 2005, Bộ Y tế cũng chi nửa tỷ đồng khám chữa bện cho toàn bộ người dân Thạch Sơn. Trạm Y tế của xã cũng được đầu tư tiền của, máy móc hiện đại để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Song với người dân Thạch Sơn, đâu chỉ có mỗi căn bệnh ung thư. Ô nhiễm gây nên hàng trăm loại bệnh, mà ung thư chỉ là căn bệnh cuối cùng. Hàng trăm thứ bệnh họ muốn điều trị hàng ngày, vì có thế thì mới hạn chế được bệnh ung thư. Vậy mà hiện nay, chỉ ai đã ung thư thì mới “may mắn” được chữa bệnh miễn phí; còn các bệnh tiền ung thư thì... không. Thế nên, cả 7.000 người dân Thạch Sơn đang ngong ngóng trông một tấm thẻ BHYT để khám, chữa bệnh hàng ngày, chứ không phải chờ đến... ung thư rồi mới chữa! Hiện cả xã Thạch Sơn mới có 2.885 người được tham gia BHYT (38,1%), trong đó có 998 người tham gia BHYT tự nguyện, gồm học sinh- sinh viên 842 người, nhân dân 156 người. Còn lại, 4.746 người vẫn chưa có Thẻ BHYT, nghĩa là vẫn phải... chữa ngoài. Nhằm mục đích để người dân được khám, chữa bệnh một cách tốt nhất ngay từ đầu- mà không phải đợi ung thư rồi mới chữa- từ giữa năm 2005, Chính quyền xã Thạch Sơn đã có văn bản gửi các cấp, đề nghị cho 100% người dân ở đây được  KCB- BHYT. Đề nghị đưa ra được nhất loạt các cấp, ban, ngành... ủng hộ, tán thành cao; song khi bàn đến khoản kinh phí 493 triệu đồng mua Thẻ cho 5.700 người thì đang... “tắc”?! Được biết BHXH tỉnh Phú Thọ, và BHXH huyện Lâm Thao đã có phương án chi tiết triển khai BHYT toàn dân ở Thạch Sơn. Con người, phương tiện, phương pháp, thời gian... triển khai,  BHXH Phú Thọ và BHXH Lâm Thao đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ có... lệnh là triển khai, và chỉ trong 5 ngày là xong. Trong phương án mà BHXH Phú Thọ định ra, cả xã Thạch Sơn mua hết có 493 triệu đồng/năm  cho 5.700 người dân. Trong đó đề xuất; nhân dân đóng và các cơ quan hỗ trợ 50% bằng 246 triệu đồng; Ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 20%, bằng 98 triệu đồng; Trung ương (Bộ Y tế) hỗ trợ 30% bằng 147 triệu đồng. Chỉ bằng một nguồn kinh phí không lớn ấy, 5.700 người dân Thạch Sơn sẽ được KCB từ đầu, và miễn phí 100% trong suốt cả năm. Song được biết: 20% kinh phí do huyện và tỉnh hỗ trợ (98 triệu đồng) cũng đang gặp khó khăn do... không có kinh phí (?); 30% kinh phí Bộ Y tế cũng đang khó khăn do năm 2005 đã cấp 500 triệu đồng KCB rồi... Về nguồn 50% (246 triệu đồng) do dân đóng góp và các cơ quan hỗ trợ lại càng khó khăn hơn: Ngân sách xã được hơn 700 triệu/năm, chi lương không đủ, hàng năm trên vẫn phải hỗ trợ. Còn người dân, mỗi nhà bỏ ra 50% mua một vài tấm Thẻ BHYT thì dễ; song mỗi nhà mua 5- 7, thậm chí 8- 10 Thẻ BHYT thì quả là khó khả thi. Địa phương và người dân thì trông chờ vào cấp trên; các Công ty, Nhà máy trên địa bàn thì nghe ngóng, chưa có ý kiến gì? Thế nên, phương án BHYT toàn dân Thạch Sơn của BHXH Phú Thọ vẫn còn nằm im trên... giấy, còn người dân vẫn dài cổ ra... chờ...
Thiết nghĩ, số tiền 493 triệu đồng cho sức khỏe gần  6.000 dân Thạch Sơn không phải quá lớn để mà đùn đẩy hoặc “san sẻ trách nhiệm”. Với 3 Công ty lớn đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Thạch Sơn (đã có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường) là Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú, Công ty Giấy Bãi Bằng và hàng trăm lò gạch, thì số tiền này quả là không lớn.
Nếu chưa muốn nói là “bồi thường”; thì tại sao không yêu cầu 3 Công ty này và chủ của hơn 100 lò gạch “chung tiền” mua BHYT cho người dân Thạch Sơn.
Có lẽ, đấy là giải pháp bền vững nhất, và có lý, có tình nhất./.
TN

NÀNG DÂU VÀ THANG THUỐC ĐỘC...
          
         
Chuyện xưa kể lại... Nhà nọ có 3 người: mẹ chồng, anh con trai độc nhất và nàng dâu. Trước khi cưới vợ, anh con trai làm lụng suốt ngày, hết mực yêu kính mẹ, có miếng gì ngon cũng dành cho mẹ, ép mẹ ăn bằng được. Bà mẹ rất hài lòng  vì có đứa con trai hiếu thuận.
            Từ khi cưới được cô vợ, vừa trẻ, vừa đẹp, anh con trai suốt ngày quấn quýt bên vợ, chểnh mảng làm ăn, ít quan tâm đến mẹ hơn trước. Cô con dâu ỷ thế được chồng yêu chiều, suốt ngày ăn ngủ nhõng nhẽo với chồng, không những chẳng ngó ngàn gì mà còn coi mẹ chồng chẳng ra gi. Bà mẹ giận lắm. Càng giận con trai bao nhiêu bà càng chút cơn thịnh nộ lên đầu con dâu bấy nhiêu. suốt ngày bà lấy cớ này, cớ nọ mắng nhiếc con dâu, có lần còn đuổi cô ra khỏi nhà. Anh con trai sợ mẹ, nhiều khi không giám bênh vợ. Tình cảm vợ chồng vì thế ngày một nhạt phai. Cô con dâu tức lắm, cho rằng vì bà mẹ chồng ác nghiệt mà vợ chồng cô “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cô muốn mẹ chồng chết sớm ngày nào thì vợ chồng cô sớm trở lại hạnh phúc ngày ấy.
            Một hôm, cô tìm đến nhà ông lang làng bên kể hết sự tình và xin mua một liều thuốc độc. Ông lang đưa cho cô gái hẳn 10 thang thuốc và dặn:
            - Cô về sắc cho bà ấy, mỗi thang uống 3 ngày, chỉ sau một tháng cô sẽ hết khổ. Nhưng cô phải nhớ, trong vòng một tháng cô phải ân cần, tử tế và hết lòng chăm sóc bà ấy, có thế bà ấy mới chịu uống...
            Cô con dâu trở về sắc thuốc cho mẹ chồng uống. Cô đếm từng ngày. Càng ngày đến ngày mẹ chồng chết bao nhiêu, cô càng nhẫn nhịn chăm sóc mẹ chồng chu đáo bấy nhiêu. Phần vì cô nhớ đến lời dặn của ông lang; phần vì cô nghĩ: dù sao bà ấy cũng sắp chết!
            Thấy con dâu trở nên yêu quý, chăm sóc mình hết mực, bà mẹ chồng đổi tính, đổi nết, cũng yêu quý con dâu như con đẻ. Hai mẹ con bảo ban, yêu thương nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cô con dâu chợt thấy ân hận, vội chạy đến nhà ông lang nọ xin thuốc giải độc cho mẹ chồng. Sau khi cô gái khóc lóc kể hết sự tình, rằng giờ đây cô và mẹ chồng rất yêu thương nhau, cô không muốn mẹ chồng chết nữa, ông lang cười to mà bảo:
            - Thì tôi đã cho cô thuốc giải để cô hết khổ rồi đấy thôi. Rồi ông lang nói thật. 10 thang thuốc ấy chính là... thuốc bổ!
            Lúc này cô con dâu mới hiểu: mình càng yêu quý mẹ chồng bao nhiêu, mẹ chồng cũng sẽ yêu quý mẹ chồng bấy nhiêu.


 TN
CỔ TÍCH "LÀNG NHÔ"!


Tôi chuẩn bị về “Làng Nhô” viết bài, có anh bạn cùng cơ quan bảo: “Tìm bài ông Thiều mới viết về làng Nhô trên Văn nghệ Trẻ mà tham khảo”. Tôi bảo: đọc làm gì. Hắn bảo: đọc mà học.Tôi bảo: học Nguyễn Quang Thiều thế quái nào được. Ông ấy học trước tôi có hai lớp ở cấp 3 Mỹ Đức A. Làng ông ấy sát làng tôi. Nếu tắt qua bến đò chợ Sêu sang Kim Bảng, cả hai làng cùng cách “làng Nhô” có mươi cây số. Vậy mà, ông ấy chỉ nằm ở “làng Nhô” vẻn vẹn có 2 tuần lễ, viết xong cuốn tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” hay đến động trời. Còn tôi, may lắm viết được cái gương “làng tốt - người tốt” là cùng.
            Người dẫn bọn tôi xuống “làng Nhô”- một anh lính mới tò te vừa ra trường của Sở văn hóa Hà Nam. Khổ nỗi, anh bạn cũng chỉ “láng máng” biết hướng làng Nhô. Giữa cánh đồng rộng tít tắp trơ gốc rạ, một con đường độc đạo láng nhựa bóng loáng vắt ngang. Sáu, bẩy cô cậu học trò cấp 3 ngồi nghỉ dưới gốc nhãn. Nhìn thấy chúng tôi, cả sáu, bẩy cô cậu cười toe toét, trêu chọc eo éo. Anh lính mới bảo: chắc người làng Nhô. Tôi hỏi lối vào làng Nhô, sáu, bẩy nụ cười vụt tắt. Một cụ già dắt xe đạp ngang qua dừng lại trách: sao các anh lại gọi “làng Nhô”? “làng Nhô” là ở trên phim. Còn tên thật, phải hỏi làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa mới phải chứ? Biết chúng tôi là nhà báo, và tất nhiên phải sau lời xin lỗi chí tình, giọng cụ trầm xuống: Các anh nhắc lại chuyện cũ làm gì. Tôi, người làng Lạc Nhuế. Đấy là chuyện buồn một thời, chúng tôi đã coi như chuyện cổ tích, dân làng tôi không muốn nhắc lại. Nếu các anh viết, cứ viết từ đầu đường này trở vào là được rồi. Rồi cụ bỏ đi.
            Mấy cô con gái thì nấp vào gốc nhãn. Một cậu con trai “già” nhất hội, chừng 18 tuổi thanh minh: cụ nói đúng đấy, anh ạ. Đây là con đường độc đạo vào làng Nhô. “Hồi ấy” là con đường đất, gập ghềnh ổ trâu, ổ gà. Vì là độc đạo, nên hồi ấy, “họ” chiếm giữ, canh gác, nội bất xuất, ngoại bất nhập, làm loạn suốt năm trời. Còn bây giờ, anh thấy đấy: giữa cánh đồng mênh mông, một con đường nhựa láng bóng, dài tít tắp nối đến đầu làng. Lạc Nhuế bây giờ đã khác làng Nhô 100% rồi! Tôi chưa đến Lạc Nhuế bao giờ. Nhất là hồi xẩy ra “sự kiện làng Nhô”, tôi càng không biết. Tôi chỉ hình dung láng máng về làng Lạc Nhuế qua phim “Chuyện làng Nhô” (kịch bản Nguyễn Quang Thiều).
           Tôi hỏi anh Tư, Chủ tịch xã Đồng Hóa, người làng Lạc Nhuế: có thật vậy không. Ông Chủ tịch xã mới 46 tuổi đã có một cháu ngoại, bảo: Còn hơn thế nhiều. Phim chỉ nói được 80%, còn 20%, chắc phải... giấu. Giấu gì? anh bảo: năm 1991- 92, cả xã tôi chưa có một mét đường nhựa, một mét đường bê tông. Đường làng toàn trải đá, gập ghềnh lổn nhổn. Vậy mà chúng đập chết 2 trong 3 người buôn cá, buộc thừng vào cổ, kéo lê suốt trên con đường gập ghềnh để “cảnh cáo” ai dám chống lại chúng. Đội 447 do chúng thành lập, vũ khí toàn gậy gộc, giáo mác, canh phòng, hoạt động suốt ngày đêm như thời tề, ngụy. Bản thân tôi hồi đó còn là phó Chủ tịch xã, có lần đưa 3 anh công an vào làng để điều tra, bị chúng hô “cướp” đuổi đánh, cả 4 người đều phải bỏ chạy mất dép. Tất cả các hoạt động trong làng bị đình đốn. Người lớn không đi làm. Trẻ con không đi học. Chúng vận động cả làng đi đòi đất.74 Đảng viên chi bộ Lạc Nhuế cũng rệu rã.
            Trong 2 năm 91 -92, chúng bắt dân làng đóng góp tới 40 -50 triệu đồng lấy tiền đi “kiện”, nhưng thực chất là chúng xơi, dân thì đói xơ đói xác. Cả làng không có một lớp mẫu giáo. Mà có, cũng không ai dám đưa con em đi học trong một tình hình như vậy.
            Xã Đồng Hóa có 9.000 nhân khẩu thì Lạc Nhuế có tới 3.800 khẩu. Cuối năm 1992 đối tượng kích động bị bắt, dân làng Lạc Nhuế như qua khỏi cơn ác mộng. Họ biết, họ bị lừa. Lừa đi đòi đất. Lừa đi “chống tham nhũng”. Thanh tra tỉnh, huyện về nằm mấy tháng, tìm mãi không thấy cán bộ xã, thôn nào tham nhũng. Lấy đâu ra gì để tham nhũng ở một làng quê chiêm trũng, nghèo xơ nghèo xác. Chi bộ Đảng, 74 người họp cùng với dân, rà soát, kiểm điểm từng cán bộ, Đảng viên. Cuối cùng chỉ có 2 cán bộ  chủ chốt: Bí thư, Chủ tịch xã phải từ chức. 74 Đảng viên cùng 3.800 dân bắt tay vào “công cuộc” mới: tái thiết lại làng. Năm 1992, cả làng không có một lớp học nào. Ngay năm 1993, dân làng Lạc Nhuế bỏ ra 270 triệu đồng xây 2 nhà trẻ cho gần 200 cháu đến lớp. Đầu làng có một cụm gồm 2 điểm văn hóa: sát cạnh ngôi đình cổ kính đóng cửa im ỉm là khu nhà trẻ khang trang, sạch sẽ như ở bất kỳ một Thành phố nào. Ông Chủ tịch xã bảo: Ngôi đình này cách đây 7 năm, chính là nơi các phần tử quá khích chiếm giữ, làm “bộ tư lệnh”, được canh phòng cẩn mật, làm nơi tụ tập, hội họp. Nay, sân đình rêu phong là nơi vui chơi của các cháu. Quả là một sự so sánh đến sâu sắc. Thật thâm cho vị lãng đạo địa phương nào đem đặt cái nhà trẻ đẹp ngời ngợi sát cạnh một ngôi đình chứng kiến nhiều chuyện buồn vui như vậy. Ngay trong năm 1993, người dân Lạc Nhuế tự rút tiền trong hầu bao, đổ bê tông, toàn bộ đường làng, ngõ xóm, trải đá toàn bộ đường ra đỗi. Con đường độc đạo trước đây nay cũng được trải bê tông rộng thênh thang vào từng ngõ nhà. Vốn là nơi đồng chiêm trũng, xưa nay Lạc Nhuế quen dùng nước ao, nước giếng. Bệnh ngoài da, toét mắt, phụ khoa trở thành căn bệnh phổ biến của mỗi nhà. Năm 1996, sau khi đã hoàn thành  bê tông hóa đường làng, Lạc Nhuế bắt tay vào xây dựng hệ thống nước sạch. Cả xã Đồng Hóa nay có 2 trạm nước sạch, thì Lạc Nhuế có 1 trạm. 2.000 nhân khẩu đang dùng nước máy như ở Thành phố. Ao làng giếng làng hoặc là lấp hết, hoặc là cải tạo thành cây đa, bến nước, thành nơi trai gái hẹn hò. Năm 1991, gần 50% dân còn ở trong nhà tranh, vách đất. Năm 1996, cả làng đã ngói hóa hoàn toàn, trong đó ngôi nhà mái bằng, kiên cố chiếm 30%. Chỉ tính riêng 2 năm 96 -97, hơn 3 ngàn hộ dân Lạc Nhuế đóng góp trên 3 tỉ đồng xây dựng điện - đường- trường - trạm. Tôi hỏi ông Chủ tịch: có quá sức dân không? ông cười: Trước đây, một cái xe thồ ra đồng chở lúa, một vụ mất hai đôi lốp. Nay dân chở lúa trên đường nhựa, đường bê tông, mấy năm thay lốp một lần, dân “khoái” lắm. Bỏ ra vài trăm, ai mà chả tiếc. Song nay nhìn thấy làng xóm đổi thay như thế, chẳng tiếc vào đâu được. Về kinh tế, năm 90 -92 đúng là đói nghèo, bê bết nhất trong 5 xóm của xã. Song, nay lại là khá nhất, ổn định nhất. Trước đây, ngành nghề chủ yếu của nông dân là bắt lươn, bắt chạch bán  cho cửa hàng đặc sản, buôn bán sắt thép, vỏ chai... Nay, họ liên kết với nhau, thành lập hàng chục tổ hợp: gạch ngói, vận tải, mộc, mỹ nghệ... để có thể giúp nhau làm giàu nhanh hơn. Nhiều trang trại đã hình thành. Hàng trăm ha ruộng trước đây trồng lúa, mỗi năm thu khoảng 350.000đ/sào; nay chuyển sang nuôi trồng đặc sản, nuôi cá, thả sen, ba ba, ếch, rắn... thu hàng triệu đồng/sào. Nhà anh Nguyễn Văn Tiến (xóm 6) có 3 sào mặt nước thả cá, mỗi vụ thu 3 triệu đồng, cao gấp 9 lần trồng lúa. Từ hộ nghèo nhất xóm, nay đã xây nhà ngói với đầy đủ tiện nghi. Ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 7) cấy 6 sào lúa và làm cây vụ đông, trước năm 1992, đủ ăn đã quý. Nay ông nuôi trồng đặc sản, thực hiện mô hình VAC, trở thành một trong những hộ dân giầu có của Lạc Nhuế. Năm 1992, cả làng Lạc Nhuế có 40% đói nghèo, thì đến nay, có 40% giầu có, không còn hộ đói nghèo. Nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ, làm nghề phụ có mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng như anh Tảo (xóm 4) anh Thành (xóm 5). Tuy đều là thương binh nặng song vẫn vượt lên khó khăn để làm giầu.
            Nay về, xóm làng yên ả đến tĩnh lặng, cái yên ả của vùng quê chiêm trũng. Rơm vàng phơi đầy trên những con đường nhựa, đường bê tông láng bóng. Đường làng ít thấy bóng người, lác đác thấy mấy cô thiếu nữ khăn trùm kín mặt gẩy rơm trên đường. Trẻ con đang đi học. Người lớn ở hết ngoài đồng. Nhà cửa san sát như phố. Mỗi người mỗi việc, không còn cảnh “nhàn cư bất thiện”, không ai còn thời gian mà nghĩ đến việc kiện cáo. 6 năm nay, Lạc Nhuế luôn được coi là đơn vị xuất sắc nhất về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, đời sống, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, 6 năm nay luôn được công nhận là đơn vị có phong trào an ninh trật tự tốt nhất huyện: 6 năm nay, không có một vụ trộm cắp, xô xát, không có một người nghiện thuốc phiện; còn “mãi dâm” ở đây vẫn là một khái niệm trừu tượng. Làng Nhô đã đổi đời. Mà cái đổi đáng quý nhất là tình nghĩa xóm làng. Trước đây, người dân Lạc Nhuế vẫn sống ai biết phận nấy, nhà nào biết nhà nấy, coi nhau như người Thành phố. Nay, sau cơn hoạn nạn, mọi người hình như mới hiểu nhau hơn, đùm bọc nhau hơn. 6-7 năm nay, không kể hết được những mối quan hệ cảm động. Gia đình anh Hảo, anh Tuất vốn là thương binh nặng, gia đình gặp  khó khăn, không có điều kiện cho con đến lớp. Dân làng góp tiền, gạo, góp sách vở... động viên các anh cho con cháu đến trường. Nay, có cháu đã học xong tiểu học, có cháu học hết cấp 2. Từ năm 1997, làng đã có quy ước xây dựng làng văn hóa, giống như mọi nơi. Song ở đây, đặc biệt chú trọng đến vấn đề khuyến học. 3.800 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu mỗi vụ góp 1kg thóc vào quỹ khuyến học, thưởng các cháu học sinh giỏi, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó. Ai đỗ đại học, xã mời sang tận UBND dự liên hoan, tặng 50.000đ danh dự. Năm 91-92, có năm cả làng không ai đỗ đại học. Nay, mỗi năm làng cung cấp đều đều cho các trường đại học 10-20 sinh viên. Rồi chuyện hôm chúng tôi đến, làng mới khánh thành xong ngôi nhà cho một chị ở xóm 4. Nhà chị thật khó khăn: chồng câm, vợ liệt, một cháu nhỏ không đủ cơm mà ăn. Mới rồi, xã cấp một triệu, thôn cấp 500.000đ, xóm giúp 300.000đ, dân làng kẻ giúp công, người giúp dăm ngàn, một chục... xây cho vợ chồng chị một căn nhà khang trang cùng với giống vốn làm ăn. Hôm khánh thành nhà, 3 vợ chồng, con cái chỉ ôm nhau mà khóc. Chị bảo, lạ quá, trước đây làm gì có chuyện như thế này. Vâng, Lạc Nhuế bây giờ đã khác xa với làng Nhô 7 năm trước rồi. Ngồi làm việc ở cái trụ sở uỷ ban tuyềnh toàng giữa một hồ sen đỏ ối, ông bí thư Đảng uỷ gãi đầu thanh minh: khổ lắm, mấy năm rồi, chúng tôi đầu tư hết cho điện, đường, trường, trạm, cho... nước máy, cho giống mới. Chưa có tiền mà xây trụ sở... Thật tình cờ ở trụ sở UBND xã, chúng tôi gặp một anh ở đội CSĐT công an tỉnh về giải quyết vụ tai nạn giao thông. Anh kể, 8 năm trước, anh về Lạc Nhuế để điều tra “vụ rắc rối hồi ấy”. Nằm ở Lạc Nhuế 4 tháng, anh đủ thời gian  tìm hiểu một cô giáo cấp 2 trường làng. Vụ việc xong, anh chị cưới nhau, nay đã có 2 cháu kháu khỉnh. Tôi hỏi: gái làng Nhô thế nào hả anh. Anh công an cười: ngoan, đảm, mà hiền như cô tấm ấy anh ạ.
            Thế đấy, Vậy mà... Giữa cảnh yên bình, trù phú, ngồi nghe chuyện Lạc Nhuế 8 năm trước, cứ như nghe chuyện cổ tích. Và làng Nhô, cũng thay đổi nhanh như chuyện cổ tích vậy./.
  TN
                                                                                                                                                Báo NTNN
                                                                                                                                                        1997                                                                                                                                                              
NỮ ANH HÙNG KAN LỊCH
             HAI MƯƠI NĂM SAU...

 Tác phẩm đạt giải C(Không có giải A)
Giải Báo chí toàn Quốc 1996- 1997

            Khi tôi bước chân ra khỏi ngôi nhà lợp tôn nóng như rang, chị Kan Lịch còn rưng rưng kéo áo tôi lại mà thì thầm vào tai: Chú làm sao giúp chị có được ngôi nhà để sau này để lại cho các cháu, chị đỡ tủi, chú nhé... Tôi ngượng cười. Chao ôi, thân phận một nhà báo như tôi, làm sao có thể giúp chị được cái ước mơ cao sang ấy?!
            Vậy mà vừa hôm qua, từ đỉnh Trường Sơn thuộc huyện miền núi A Lưới cao hơn mặt biển gần 2.000 m, Anh hùng A Vai điện ra cho tôi. Kan Lịch đã có một ngôi nhà mái bằng ngay sát đường 14...
           
             
              Từ những ngày còn cắp sách đi học trường làng, tôi đã biết chị qua một bài hát.
            Hồi ấy, tôi có cô bạn gái ngồi bàn trước, nổi tiếng xinh xắn và hát hay; mới học lớp bảy đã làm hồi hộp bao lũ học trò trường làng mà trong đó có tôi. Tôi còn nhớ, bài tủ của cô là “Người con gái Pa Kô”; trong đó có câu “Người con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ, dù gian khổ vượt núi băng rừng, dù mưa bom vẫn không nản chí...” ... Mấy mươi năm rồi, mỗi khi chợt nhớ đến người bạn gái đầu tiên biết làm tôi bối rối, tôi lại nhớ đến như in những đêm văn nghệ, réo rắt bài hát về “Người con gái Pa Kô”...
            Và bây giờ, khi mà trẻ đã qua, già chưa đến, bẵng đi mấy mươi năm, khi đã ngồi giữa nhà chị Kan Lịch rồi, tôi mới lại chợt nhớ ra rằng: chính chị, “Người con gái Pa Kô”, người đã gián tiếp gieo vào tôi nỗi bối rối đầu tiên...
            Quả như lời anh bạn cùng đi với tôi bảo, lần gặp chị Kan Lịch đúng là cái “duyên kỳ ngộ”. Lần ấy, Hội Nông dân Thừa Thiên- Huế mời anh em chúng tôi vào, là để thăm thú các đền đài, lăng tẩm, và nhất là để hưởng một đêm “Trên dòng Hương Giang” chứ chẳng phải để viết lách cao sang gì. Nhưng rồi, “phát minh” ra Thừa Thiên – Huế chính là quê hương của Kan Lịch, “Người con gái Pa Kô”, anh em bọn tôi đòi đi luôn, gác lại mọi thú vui đất cố đô. Dường như ngại nẻo đường xa, ông Chủ tịch “can khéo”: Xe Nhật gầm thấp, không thể lên được đâu. Trong vòng nửa ngày giữa chốn đô thành, chúng tôi cũng xoay xong một xe Land Cruiser 4.500 láng coóng. Quả thật, nếu không có chiếc xe này, tổ PV chúng tôi khó lòng vượt qua gần 100 km đường đèo núi dốc đứng, hiểm trở, phần lớn là đi trong mây ở độ cao 2.000m đến huyện A Lưới, quê hương Kan Lịch. Từ con đường 14, để đi vào nhà chị, phải vượt qua đúng 3 ngọn đồi. Thú vị nhất, là để đến nhà Kan Lịch, phải đi qua nhà A Vai, người anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Kô, và là chú ruột của Kan Lịch. A Vai dẫn chúng tôi sang nhà Kan Lịch, vừa với tư các Chủ tịch Mặt trận của huyện, vừa với tư cách chú ruột. Trên sườn đồi chênh vênh, nơi người nữ anh hùng ở giống một cái lều giữ rẫy hơn là một cái nhà. Heo hút, lụp sụp, không có ranh giới giữa nhà và rẫy. Lúc chúng tôi đến, chỉ có chồng chị ở nhà trông đứa cháu nhỏ chừng hơn một tuổi, trần như nhộng. Và quây quần, chừng hơn một chục đứa khác, nhễ nhại trong cái nắng tháng 6. Đứa có quần thì không áo. Đứa có áo thì không quần. Một đứa ở trần co chân vụt đi, nói là đi gọi chị Kan Lịch. Chồng chị Kan Lịch nói tiếng Pa Kô lơ lớ, nghe không rõ. Nghe A Vai nói lại, biết anh cũng là đại úy về hưu, trước ở quân chủ lực, từng kèm cặp, huấn luyện Kan Lịch những ngày chị mới vào du kích. Kan Lịch không có ở nhà. Chị  đang mang đổi sắn lấy gạo dưới chợ. Mỗi gùi sắn đổi được một lon gạo. Lương đại úy về hưu của chồng và trung tá về hưu của vợ, vợ chồng Kan Lịch mỗi tháng có 1,2 triệu đồng. A Vai kể lại, Kan Lịch là người chăm chỉ, cần mẫn có tiếng nhất xã. Gần như suốt ngày, chị làm quần quật ở trên rẫy, trừ ngày ốm. 1 con trâu, 4 con bò, 2.000 bụi chuối, 7000 bụi sắn... do mỗi bàn tay chị chăm bón, kinh tế nhà Kan Lịch được coi là “kha khá” của xã vùng cao Hồng Bắc. Song thực tế, gia sản gần như không có thứ gì. Trong nhà độc chỉ một chiếc tủ gỗ, một chiếc ti vi đen trắng, một bộ xa lông đều do Hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh mua tặng. Tất cả đồ vật như nóng ran lên dưới căn nhà gỗ lợp tôn rộng chừng 40 m2. Anh Hồ Xuân Chiên, chồng chị kể lại, đây vốn là căn nhà lá từ ngày xưa các cụ để lại. Năm 1979, căn nhà cũ đổ sụp. Trung đoàn 8 đóng trên địa bàn thấy vậy, góp sức làm một ngôi nhà tường đất, lợp lá tặng anh chị. Đầu những năm 80, hai vợ chồng Kan
            Có lẽ do chợ xa, nên nghe hết mọi chuyện kim cổ, chừng hơn một giờ sau, Kan Lịch mới về đến nơi. Không tin được, dù tôi đã hỏi lại: đấy có phải Anh hùng Kan Lịch? Đó là một bà già rất khó đoán tuổi. Nhìn mái tóc rối bời đã bạc trắng, vóc người nhỏ thó trong bộ quần áo dân tộc cáu bẩn, đoán gần 70 tuổi cũng được. Khó tin rằng Kan Lịch mới ngoài 50. Duy chỉ có nụ cười chất phác và đôi mắt sáng là vẫn trẻ. Kan Lịch tránh nói về sự lam lũ của bản thận. Chị dấu khỏi mắt tôi đôi bàn tay sần sùi, nứt nẻ. Chị hỏi tôi về Hà Nội, về Lăng Bác... vẫn với giọng nói hơi ngọng sau lần đứt lưỡi trên đường ra thăm miền Bắc. Lần ấy (1968), sau khi được phong Anh hùng, chị được ra Bắc thăm Bác Hồ, dự Đại hội anh hùng CSTĐ. Trên quãng đường rừng gần trăm cây số về Huế chị bị sốt rét nặng. Ra đến Quảng  Bình, sốt trên 400, rét run, răng đánh vào nhau, cắn đứt lưỡi, phải khâu 4 lần do may có người nhặt được mẩu lưỡi của chị ven suối. Cũng ở Quảng Bình, chị đã một lần chết, đã khâm liệm, vô hòm. Các đồng chí cùng đi đã gọi điện báo tin cho Bác. Bác cử cố Đại tướng Hoàng Văn Thái vào Quảng Bình viếng và lo mai táng. Vậy mà cuối cùng chị lại đập hòm đòi ra, nhiều người vẫn tưởng là... ma. Chị bảo chưa được gặp Bác, chị không muốn chết. Ra tới Hà Nội gần 12 giờ đêm, Bác vẫn chong đèn ngồi đợi. Nhìn thấy Kan Lịch gầy trơ xương, Bác khóc. Chị đã được ăn cơm với Bác tới 7 lần. Bác tặng Kan Lịch chiếc đài do một nhà báo nước ngoài biếu Bác. Khi hồi sức, Bác cử Kan Lịch đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Rồi Bác cử chị đi học ở nước ngoài (cùng đoàn với chị Quyên – vợ anh Trỗi). Song chị xin Bác được trở về quê để tiếp tục chiến đấu. Chị Kan Lịch chặc lưỡi: cho đến bây giờ, không hiểu sao hồi ấy mình lại đánh hăng đến thế. 2 năm 61-62, chị chỉ huy đại đội nữ du kích đánh 49 trận, diệt hơn 1.000 ác ôn. Có lần bị lính Mỹ bắt, nó đánh mấy ngày liền, hỏi có thấy Việt cộng ở đâu không? Nó đánh đau quá thì khai bừa: có thấy, nhưng chắc là lính cộng hòa. Vì nếu là V.C thì phải có râu dài tới bụng, tay dài quá gối kia... Nó tưởng ngu ngơ, nó cười, nó đánh tiếp cho một trận nữa rồi mới thả. Thả ra, Kan Lịch lại luồn rừng đi đánh tiếp. Thấy nói đâu có Mỹ là tìm đến đánh. Đánh xong, lại vào rừng gùi gạo, gùi đạn cho bộ đội. Tuần tuần, lại luồn rừng gần 100 km xuống tận Huế mua thuốc men, kim chỉ... cho bộ đội. Huyện phát động phong trào mỗi xã bắn rơi một máy bay, bắt 2 tù binh. Kan Lịch đưa chị em lên núi mai phục suốt 2 ngày. 2 ngày đêm không bắn được, không có gì ăn, chị em đói quá rút lui hết, mình Kan Lịch nhịn đói nằm lại. Cuối cùng, bắn được 1 máy bay, bắt 2 phi công, đủ “chỉ tiêu” cho cả xã. Lần đại hội Đảng bộ Thừa Thiên – Huế năm 1968, đại hội mời A Vai và Kan Lịch về dự. Lần ấy, đại hội phải lui lại một ngày để chờ... Kan Lịch. Vì Kan Lịch còn cố nán lại một ngày, đánh thêm một trận nữa, giết 6 lính Mỹ, mang 2 súng đại liên đến tặng đại hội. Kan Lịch bảo, hồi ấy, đánh Mỹ cứ như... đánh chơi vậy.
            Bây giờ “Người con gái Pa Kô” đã ngồi trước mặt tôi với hình bóng của một bà già lam lũ. Tôi chỉ 2 chiếc giường rẻ quạt: tối chị ngủ đâu? Mới biết, tối chị ngủ dưới sàn xi măng, nhường giường cho trên 20 đứa vừa con vừa cháu. Hai bàn tay chai sần bới đất lật cỏ, đảm đang cần mẫn đến phi thường, sự giúp đỡ của đồng chí cũng không phải là ít, song không sao vực nổi  một “đại đồng điền” chỉ trông ngóng vào đôi tay của người anh hùng đánh giặc. Chị vẫn bị viêm túi mật từ những ngày chiến tranh. Song chỉ thỉnh thoảng mới lên bệnh viện huyện, được cấp ít thuốc theo chế độ bảo hiểm... không dám đi viện vì sợ không có người làm. Bữa trước, lần chia tay với chị, chị bảo: khách đến thăm đông, mà nhà chật, dột nát quá, ngại với khách lắm. Khi tôi bước chân ra khỏi ngôi nhà lợp tôn nóng hầm hập dưới cái nắng tháng 6, chị rưng rưng kéo áo tôi lại mà thì thào vào tai: chú làm sao giúp chị có được ngôi nhà chú nhé!
            Mới đây, huyện A Lưới đã cấp cho chị Kan Lịch 400 m2 đất thị trấn ven đường 14, nơi ngày xưa chị chiến đấu. Huyện cấp 15 triệu làm nhà trong chính sách “Nhà tình nghĩa”. Một số nhà máy, công ty, đoàn thể ở khắp đất nước ủng hộ một khoản tiền kha khá. Chị đã xây được một căn hộ cấp 1 rộng gần 100m2 với một số tiện nghi như ti vi màu, quạt điện, cát xét... Song ngôi nhà này vừa xây xong chị lại nhường cho con trai ở. Còn mình, lại trở về căn nhà lợp tôn cũ với cuộc sống cũ. Thấy bảo chỉ khi nào có khách về thăm, chị mới ra tiếp khách ở đó. Song cũng chỉ ra được vào những ngày nắng. Còn ngày mưa, ngồi nhà cũ như ở trên một hòn đảo, không thể đi lại được.
            Tôi hỏi chị, khỏi còn ước ao có cái nhà, chị còn ước mơ gì không? Chị cười bẻn lẻn: Chỉ còn ước ao được ra thăm lại Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ nữa thôi.

       TN
Báo NTNN; Báo Tiền phong
Ngày 16/7/1997.        
DƯỚI ÁNH TRĂNG

(Tác phẩm đầu tay, đạt giải C, 
cuộc thi Viết do báo Thiếu niên tiền phong
 tổ chức năm 1974)

   Ông Hội, người xóm tôi đã già lắm. Da mặt ông dăn deo, tóc bạc phơ, dâu dài tới ngực trắng như cước. Ông là thương binh hồi 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ông sống một mình. Người con trai độc nhất của ông là một chú bộ đội. Chú còn ở đơn vị. Được sự phân công của đội thiếu niên, bọn tôi gồm Sơn, Minh, Thắng và Hoa thường sang quét dọn nhà cửa, cho lợn gà ăn, thổi cơm nấu nước giúp ông và còn đọc sách báo cho ông nghe nữa. Mà nếu đội chẳng phân công thì bọn tôi cũng sẽ làm như vậy thôi, vì chúng tôi nghĩ ông vừa là thương binh vừa là gia đình bộ đội. Hơn nữa, ông yêu trẻ lắm, nhất là với bọn tôi thì ông coi như cháu của ông vậy. Ngược lại, bọn tôi cũng mến ông hết mực. Ngày ngày giúp ông làm việc, tối tối sang chơi rồi vòi ông kể chuyện đánh Pháp cho nghe thú lắm. Có lần, tôi phát hiện trên đỉnh đầu ông có vết sẹo dài như vết dao chém, lâu nay tóc che lấp nên chẳng đứa nào nhìn thấy. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng để bụng thôi chứ hỏi lúc ấy chẳng tiện.
            Một buổi tối, mặt trăng vàng tròn xoe như cái mâm con, lơ lửng treo trên không trung, len lỏi chui trong những gợn mây trắng, lặng lờ trôi trên nền trời xanh. Chốc chốc, những làn gió nam thoảng qua làm những tàu dừa trên cao quạt phành phạch. Mấy ông cháu ngồi chơi trên chiếc chiếu trải rộng giữa sân. Một lúc sau tôi rụt rè hỏi ông về vết sẹo trên mà tôi mới phát hiện. Ông chép miệng, bảo chúng tôi ngồi vây quanh, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi kể, mắt nhìn xa xôi. Những ngày hoạt động của ông lại hiện lên ra trong óc ông rõ mồn một...
            ... Hôm ấy, trời đã về chiều. Các xí nghiệp tan tầm làm. Người ra về đông nghìn nghịt. Mọi người đã nhận được chỉ thị truyền miệng tới dự cuộc mít ting lớn hôm ấy. Anh Hội và các chiến sĩ cách mạng chờ sẵn các ngả đường. Đợi lúc mọi người về đông các anh nhảy lên một cái bệ xi măng ven đường. Anh Hội hai tay dương cao lá cờ búa liềm, một người khác đứng xoạc chân dõng dạc nói: “Anh chị em thợ thuyền , anh chị em lao động ...” Tiếng nói của Đảng vạch rõ tại sao khổ, tại sao phải đấu tranh, tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập, liên minh với nông dân đánh đổ thực dân địa chủ, quan lại bán nước, xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Những tiếng nói ấy đã truyền thêm sức mạnh cho nhân dân, gây lòng căm thù đế quốc thực dân phong kiến. Người đứng ùn lại đồng như hội. Đối với họ, tiếng ấy, lá cờ ấy là những thứ mà lâu nay mọi người mong đợi.
            Bỗng tiếng còi vang inh ỏi. Tên mật thám ập tới chực nuốt tươi hai chiến sĩ ta. Hai người vội lẩn vào đám đông. Nhưng không kịp, bọn mật thám xô vào đuổi. Người cầm cờ bị bắt: anh Hội. Những cái báng súng, những trái đấm thi nhau giáng xuống người anh. Chúng kéo anh về quận khi anh đã bị ngất đi. ở quận, những trận tra tấn dã man đến với anh. Mới lần tra tấn đầu tiên mà không ai nhận ra anh nữa, mắt mũi anh húp híp thâm tím. Lại một đêm nữa nếm “Xăng - tan”, anh chết đi sống lại nhiều lần nhưng anh chẳng khai với chúng nửa lời. Hết hỏi cung lại đánh đập. Chúng bắt anh phải khai những người cùng đi với anh, khai cơ sở cách mạng cho chúng nhưng anh chỉ trả lời chúng bằng những cái lắc đầu, những lời chửi mắng. Chúng tra tấn anh bằng đủ mọi cách; nóng nguội đủ cả. Có lần chúng dùng  hai miếng gỗ kẹp vào hai bên thái dương anh. Anh ngất đi, chúng tưởng anh chết, một thằng lấy lưỡi lê chém mạnh vào đỉnh đầu anh rồi ném thây anh vào nhà xác. Một số người lính giác ngộ đã tìm cách cứu anh khi thấy anh tỉnh lại. Nhưng cũng từ đấy, trên cơ thể anh vẫn còn đêt lại dấu tích của trận tra tấn tàn bạo ngày xưa.
            Trong lúc ông kể, chúng tôi ngôi im lặng như nuốt lấy từng lời. Một con người hiền lành, giản dị ngồi trước mặt tôi đây chứ đâu xa lạ mà có một ý chí anh dũng bất khuất lạ thường.
            Ông kể xong ngồi im một lúc rồi nói tiếp: “Các cháu ạ! Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân ta đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước. Mới rồi đây Mỹ lại phải cuốn gói khỏi nước ta một cách nhục nhã. Hôm nay các cháu được ngắm ánh trăng vàng rử rỡ, được hưởng một cuộc đời sung sướng, ấm no là nhờ công ơn của Đảng, Bác Hồ và Chính phủ ta. Các cháu phải nhớ lấy công ơn trời biển này mà cố gắng học cho giỏi, lao động cho chăm, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ, bảo vệ và xây dựng đất nước ta như các lớp cha anh, mà còn phải hơn thế nữa”. Sơn nhanh nhảu đáp “vâng ạ!” Rồi chúng tôi hứa làm theo lời ông dặn.
            Mặt trăng vàng tròn xoe như cái mâm con treo lơ lửng trên không trung len lỏi chui qua những gợn mây trắng như bông lặng lờ trôi trên nền trời xanh thẳm. Chốc chốc, những làn gió nam mát mẻ thoảng qua làm những tàu dừa trên cao quạt phành phạch.
             Đêm đã về khuya...
                                                                                                                   TN
                                                                                                               (1974-14 tuổi)
 AI BẢO "GIÁO LÀNG"
 LÀ KHỔ...?

    
      Học xong cấp 3 trường huyện, tôi nộp đơn thi vào sư phạm. Chị tôi bảo: học sư phạm, sau về làm  anh giáo làng, khổ lắm. Chị tôi cũng là cô giáo làng. Chồng đi bộ đội, một nách nuôi ba con nhỏ, nghèo xơ, bố mẹ tôi vẫn phải chu cấp từng bơ gạo. Nghe chị khuyên, tôi biết vậy. Biết là khổ, là nghèo, song cứ nghĩ đến cái cảnh lũ học trò ngồi im phăng phắc, há hốc mồm ngồi nghe giảng bài, tôi lại thấy thinh thích. Tôi quyết định thi vào trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh và tôi đỗ thật. Một năm đi dạy học. Những giờ ra chơi, ngồi trên bàn giáo viên nhẩn nha điếu thuốc lá cuốn, nhìn lũ học trò nô đùa vui vẻ, mọi ưu tư, sầu não tan biến hết, bây giờ nhớ lại vẫn thấy nao nao. Hai mươi năm xa nghề dạy học, có người bạn cũ là giáo viên hỏi: Bây giờ ông thích làm gì? Tôi cười: Chỉ thèm một giờ đứng lớp, nhìn lũ học trò nô đùa vô tư, để mình cũng được vô tư như ngày xưa...
            Hồi tôi học lên cấp 3 thì chiến tranh vừa dứt. Không còn khói bom, không phải đi sơ tán, song quê tôi đồng chiêm nước trũng, sau cái đận ấy, lụt lội, mất mùa liên miên. Lũ học trò chúng tôi không có cả gạo mà đi trọ học. Hơn chục cây số, cả tốp gần chục đứa cứ ngày 2 buổi đi bộ từ nhà đến lớp, từ lớp về nhà. Hôm tan học muộn, có đứa đói lả dọc đường, cả bọn lại phải thay phiên nhau dìu về. Từ sáng đến trưa chẳng có hạt cơm vào bụng, bước trên đường làng chân cứ khuỵu xuống. Mà về đến nhà cũng chẳng có cơm. Nhà đứa nào khá, ăn no hạt mì đã là sướng. Học đến tiết 4, tiết 5, cứ nằm áp má trên mặt bàn mà nghe giảng. Thầy giáo biết, thương cũng không mắng mỏ gì. Mà nhiều thầy, cô giáo hồi ấy cũng vậy. Nghe bảo, được 13 cân gạo thì 2/3 là khoai tây, phân đạm. Có thầy ở độc thân, cứ mỗi lần đong gạo về, thầy lại xé giấy báo, chia chỗ tiêu chuẩn là gạo ấy thành 60 gói bằng nhau, mỗi bữa nấu đúng một gói. Bữa trưa nào đi ăn “cỗ”, chiều về nấu hẳn hai gói, ăn vẫn đói. Tôi có một thầy giáo dạy địa lý rất hay. Nghe thầy dạy địa lý thế giới mà mê hồn, cứ như văn tả cảnh. Người thầy gầy sọm. Có trưa, thầy đang giảng đến giữa bài thì dừng lại, nhìn cả lớp một lượt rồi ném viên phấn qua cửa sổ; thầy bảo: cho cả lớp nghỉ. Cả lớp ngạc nhiên. Thầy méo mó cười: trưa quá rồi, cô cậu đói, tôi cũng đói: ta nghỉ. Có lần, cô giáo dạy Trung văn đến giờ thứ 5 thì ngất xỉu, cả lớp hết hồn, nhốn nháo xuống báo thầy Hiệu trưởng. Thầy bình tĩnh dìu cô về phòng Giám hiệu. Mãi sau này mới biết: cô đói quá(!). Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình, thương thầy, thương cô đứt ruột. Có lần tôi kể lại cho đứa con gái đầu lòng nghe, cháu khen: Bố giỏi tưởng tượng đấy!
            Con gái tôi không tin cũng phải, vì đấy là chuyện ngày xưa... Còn bây giờ... Anh rể tôi là đại tá về hưu; chị gái tôi buổi lên lớp, buổi về nhà phụ với chồng mở xí nghiệp dệt quần áo len, vốn liếng hàng tỷ đồng. Cô giáo dạy Trung văn, lâu lắm rồi tôi không gặp lại. Còn thầy giáo dạy địa, lối về quê qua ngõ nhà tôi, thi thoảng thầy vẫ ghé chơi, tâm sự, ôn nghèo kể khổ. Thấy thầy giáo cao to, hoạt bát, tôi bảo: Thầy trẻ hơn ngày xưa! Thầy cười: “Tớ” tăng hơn “hồi ấy” gần ba chục ký. Con cái lớn cả, tâm hồn thư thái, thảnh thơi, trẻ ra là phải. Nhất là trong ngành giáo dục, quan hệ thầy trò vẫ đằm thắm, tình nghĩa, không phải ganh tỵ, đua chen như nhiều ngành khác. Thầy bảo, “nghề giáo” ngày nay khác lắm rồi, không còn ai phải long đong rau cháo, nhịn đói lên lớp nữa. Quả đúng thế thật. Nghề giáo đang là một nghề có giá nhất trong các nghề có giá với đúng nghĩa của nó. Điểm thi tuyển vào các trường Sư phạm bao giờ cũng cao nhất trong các trường chuyên nghiệp. Nhà nào có con thi đỗ vào trường Sư phạm, ấy là một niềm vinh hạnh. Vào đấy, được cấp học bổng toàn phần, bố mẹ đỡ phải lo chạy vạy. Ra trường lại dễ xin việc, lương cao, xã hội trọng vọng, làm nghề phụ thoải mái, đấy còn chưa kể đến... dạy thêm. Hôm có anh bạn đến mời dự buổi “gặp mặt giáo sinh cũ” học Cao đẳng Sư phạm từ 20 năm trước tại khách sạn Nhuệ Giang, tôi nghĩ thầm: toàn hội “Giáo làng”, khó khăn lắm lắm, lấy đâu ra điều kiện mà “gặp mặt”, nhất lại ở “Hotel”? Tôi nhầm, 43 cựu giáo sinh cũ, cũng là 43 thầy cô giáo làng đến dự trên 43 chiếc xe láng coóng, phần lớn là Dream. Nói cười hể hả, cao to béo tốt, 6-7 thầy còn điện thoại di động reng reng..., đa số phất lên từ dạy thêm và làm nghề phụ. Ngày xưa có người bảo: “Giáo làng có nghề làm ruộng, nghề phụ là dạy học”, bây giờ sai bét. 100% thầy cô giáo đã “ly nông” mà vẫn “bất ly hương”. 60% phất lên từ dạy thêm, 40% từ ngành nghề phụ, toàn ngành chính đáng cả. Phạm Pha quê Trầm Lộng, hồi học Sư phạm, cánh giáo sinh toàn nhại “anh Pha, chị Dậu” vì đen đúa và khó khăn nhất lớp: mới học năm thứ 2 mà đã một vợ 2 con. Hồi mới ra trường, Pha chuyên làm nghề đóng gạch. Một buổi đi dạy, một buổi vào khuôn, làm đất... mỗi năm cũng được 4-5 lò. Mấy vạn gạch một năm cũng không kéo nổi 4 đứa con gái lít nhít. Pha bỏ đóng gạch từ 6 năm trước, nay vừa làm Hiệu phó, vừa là chủ một trang trại rộng 4ha. Năm 1992, theo cơ chế khoán mới, Pha “đấu” một lúc 4ha đất trũng, thuê người vật đất trồng cây, thả sen, nuôi cá, thả hàng nghìn con gà theo mô hình VAC, mỗi năm thu 6-7 chục triệu tiền lãi. Pha bảo: đi dạy học để lấy nguồn vui, lương Hiệu phó gần triệu bạc chỉ đủ... bạn bè. Từ đen đúa, gầy gò, nay Pha trắng trẻo, béo tốt như ông chủ. Sớm thành đạt trong con đường kinh doanh là thầy Vũ Danh Nhân, dạy ở một trường cơ sở thuộc Phủ Quốc Oai. Hồi học Sư phạm, 19 tuổi, giáo sinh Nhân đã biết lên chợ trời mua xe đạp cũ mang về quê bán. Bố Liệt sĩ, mẹ già, mình Nhân xoay sở đủ tiền ăn học, tiền nuôi mẹ. Ra trường làm đủ nghề, từ buôn bán xe máy, bán phở, thịt chó..., nay làm chủ hiệu hoa cưới, áo cưới lớn nhất Phủ Quốc Oai. Mới rồi, thầy xây nhà 4 tầng, liên hoan làm hàng trăm mâm cỗ. Thầy bảo: mình nghèo, con cái khổ, là có “tội” với gia đình, với xã hội...! Nghĩ thế là tốt. Song để thực hiện được như vậy, cũng có thầy làm khác. Tình là bạn thân của tôi, thi thoảng ra nhà lại cho cháu mấy tờ hai chục, năm chục mới cứng. Hôm thì Tình bảo: “Thắng con 63” hôm lại bảo: “Vào” con 71... Hóa ra, Tình đánh... đề. Sau vài năm “thắng” như vậy, Tinh bán nhà đắp nợ cho ông anh trai, vợ chồng con cái dắt díu nhau lên khu tập thể. Năm 1992, Tình quyết chí thi hàm thụ đại học. Học xong 2 năm thì được lên dạy cấp 3. Sau 4 năm, chồng gò lưng vừa dạy ôn thi đại học, vừa chụp ảnh; vợ vừa làm ruộng vừa bán hàng, nay đã mua lại được mảnh đất, cất cái nhà nho nhỏ, vĩnh biệt số đề và từ biệt cái nghèo. Tình bảo: nghĩ lại “hồi ấy” thấy sợ quá...
            Chỉ 40% các thầy cô giáo dạy môn phụ, như: Sử, Địa, Kỹ thuật... là không có thu nhập từ dạy thêm... Còn 60% lấy dạy thêm làm “gốc”. Tất nhiên việc dạy thêm ở nông thôn không “đua nở” và không có thu nhập “chóng mặt” như ở thành phố. Song, dù sao nó cũng góp một phần không nhỏ cho những đồng lương vốn không nhiều. một trường chuyên của tỉnh H, một giờ dạy thêm thầy giáo được hưởng thù lao 80.000 đồng; mỗi tháng có vài ba triệu. Cô giáo đề nghị phụ huynh viết “đơn xin học thêm” cho con, chẳng ai viết, học sinh thấy cô giáo... giận.
            Cô K.T, giáo viên trường PTTH. M..., hồi mới ra trường, hai vợ chồng ở nhờ trong một chái nhà tranh của khu tập thể. Lúc ấy, hai vợ chồng, hai đứa con với một cuộc sống hạnh phúc vô cùng. Gặp bạn K.T vẫn tự hào: “Một chái nhà tranh... bốn trái tim vàng”. Từ khi có phong trào dạy thêm, K.T bị cuốn hút theo cơn lốc ấy: dạy suốt ngày, suốt đêm. Một ngày dạy 3 buổi, 5 kíp. Với chiếc 81 đời chót, K.T như con thoi, sáng huyện này, chiều huyện khác. Sau 5 năm “cuốn theo chiều gió” K.T gầy sọp hẳn đi, song bù lại, tiền nhiều. Từ bàn tay trắng, nay đã nhà mái bằng, ti-vi mầu, xe máy đời mới... K.T quay ra chê chồng “không biết làm ăn”. Quá mù ra mưa, vợ chồng đang chờ tòa gọi ly dị. Hôm gặp, anh chồng xót xa: đồng tiền đúng là... đồng bạc, ông ạ! Cũng vì chuyện dạy thêm mà vài chục học sinh ở huyện P (Hà Tây) đang khốn khổ. Chẳng là do trường này bắt học sinh học thêm quá nhiều, đóng góp quá nhiều, phụ huynh bèn bắt con em... bãi khóa hàng tháng trời, gây tai tiếng cho trường, cho huyện...
            Dạy thêm, bản thân nó vốn trong sáng và cần thiết. Song, trong cơ chế thị trường, dạy thêm đôi khi vô hình biến thành hàng hóa. Đã là hàng hóa, thượng vàng, hạ cám, có kẻ mua, người bán. Nhiều thầy cô, còn khó khăn nhưng kiên quyết từ chối dạy thêm. Thầy D, một “ông Tiên” trong nghề dạy học, quê tận Hà Tĩnh, ra dạy ở trường M.Đ suốt ba chục năm, kiến thức uyên bác như thần, hàng chục thế hệ học sinh, phụ huynh kính trọng như cha. Nhiều cua học có tiếng đến mời thầy dạy thêm với phù lao gấp 4-5 lần cô giáo khác, thầy trả lời: tôi già rồi, dạy sao được! Họ đi rồi thầy bảo tôi: Thầy dạy chữ, chứ không bán chữ. Với một quầy sách nho nhỏ, một dàn máy dệt len, nhẩn nha, thầy cũng nuôi đủ 6 cô con gái với cuộc sống không thừa, chẳng thiếu. 60 tuổi, tóc bạc như cước, da đỏ au, chiều chiều thầy cưỡi xe “City” đi bắn chim... thật sướng hơn tiên... Thầy L, giáo viên dạy toán nổi tiếng tỉnh H, từ chối lời mời dạy thêm với thù lao 7 triệu đồng/tháng. Với 3 sào đất vườn, sáng sáng thầy thả hết kiến thức vào đầu học trò, để chiều chiều lại thả hết hồn vào hàng ngàn gốc cây cảnh, hàng trăm con chim cảnh..., mỗi tháng thu vài ba triệu đồng từ cây, từ chim với một tâm hồn thanh thản...
            Trăm thầy, trăm cô, trăm cách lao động khác nhau, ít ai cam chịu phận nghèo. Thầy, cô giáo làng, chỉ còn một bộ phận nhỏ là còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... Ở đấy, họ không có thị trường, không có nghề phụ... Còn phần lớn cuộc sống của các thầy, cô đã được cải thiện, hoặc bằng nghề chính hoặc bằng nghề phụ. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng đang bươn chải, đang gồng lên với nền kinh tế thị trường mà vẫn phải giữ gìn nhân cách người Thầy. Vì đằng sau những bài giảng, họ cũng có một gia đình, có vợ, con với biết bao trách nhiệm. Trăm phương ngàn cách để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Cách nào cũng đáng trân trọng. Song, làm được như thầy D, thầy L... chắc cũng không nhiều...!

                                                                                                                                     TN
                                                                                                                                            (1999).