Translate

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

TRÁI TIM CỦA LÀNG...

  
Khi xe vừa vượt qua chiếc cầu ngói  cổ kính thì gặp một đoàn học trò đi ngược trở ra. Anh lái xe của BHXH Hà Tây dừng lại hỏi, một cô bé có cái trán dô rất bướng nói rành rọt:
            - Các chú hỏi “Thư viện làng” à? Kia kìa... Đấy, “Trái tim của làng” cháu đấy...
            Nếu nói rằng có một ngôi làng đẹp như công viên, hẳn  ai cũng cho rằng người viết... đại ngôn. Song khó cỏ thể dùng từ nào khác, khi tả về làng Bình Vọng- xã Văn Bình- Thường Tín- Hà Tây:
            Dọc làng là một hồ nước chạy dài trong văn vắt được kè đá phẳng lỳ. Bên bờ, đường làng trải  bê tông nhẵn bóng, rộng thênh thang. Những ngôi nhà cổ thụ đứng như kẻ chỉ. Những cụ già miệt mài đánh cầu lông trên thảm cỏ hay chăm chú đọc sách trên ghế đá chẳng khác gì trong công viên. Một chiếc cầu cổ lợp ngói vắt vẻo qua hồ nối tới ngôi đình cổ đồ sộ, uy nghiêm... Và điểm nhấn của cái khung cảngh nên thơ ấy là một “Thư viện làng” mà lâu nay người dân Bình Vọng vẫn tự hào, coi như... “Trái tim của làng”...

            Thật ra, Bình Vọng ngày xưa cũng nghèo, nghèo lắm; cái nghèo cố hữu của các miền quê Việt Nam. Bao nhiêu  năm trời, dân làng Bình Vọng chỉ biết  bám lấy cây lúa, cây dưa làm nguồn sống; tiếng là đất trồng mầu, song “tháng ba ngày tám”, mười phần dân cũng đến tám, chín phần thiếu ăn. Một phần dâm bám lấy cái chợ làng, gọi là chợ Bằng, song cũng chỉ gọi là đủ ăn qua ngày. Tuy nghèo như thế, song đây lại có tiếng là mảnh đất văn vật từ độ xa  xưa. Cái làng bé tẹo, mà cách đây từ  vài trăm năm đã có tới  7 vị Tiến sĩ, hiện văn bia vẫn còn lưu giữ trên Văn Miếu.- Quốc Tử Giám. Không chỉ là nơi duy nhất có hẳn đền thờ thánh hiền khổng tử, Bình Vọng còn lưu khá nguyên vẹn hệ thống  Đình, Đền, Chùa, Miếu, và cả cây cầu ngói có từ hàng nghìn năm... Nên dù trải  bao thăng trầm, Bình Vọng vẫn giữ được nét của sự tao mặc, cổ kính.
            Có lẽ sống trong không giam văn hóa như  vậy, nên người dân Bình Vọng cũng trở nên tao nhã, gia giáo hơn, thuần khiết hơn; song cũng kém năng động hơn trong cái gọi là “Kinh tế thị trường” sôi sùng sục. ở các làng khác, huyện khác, người ta giục con cháu làm ăn để giàu có; thì ở đây, người ta giục con học để... làm giầu. Có mấy trăm nóc nhà, chẳng mấy nhà không có con, cháu đang học Đại học. Không trai thì dâu, rể, chẳng mấy nhà không có ông giáo, bà giáo... ở đây, dân họ lấy chữ làm đầu. Chẳng thế mà từ năm 1946, lớp Bình dân học vụ đầu tiên của cả nước do cụ Bùi Văn Tố trực tiếp dạy người ta lại mở ở đây. Thế nên mới có  chuyện ông Dương Văn Phi, vốn cũng là giáo viên, khi về hưu chẳng  biết làm gì, vườn ít, ruộng không, bèn xoay sang làm... chữ! Ông bảo: mấy chục năm làm anh giáo, rồi quản lý. Nghề phụ chẳng có, kinh doanh không biết, ruộng vườn cũng không, chẳng lẽ mới ngoài 60 đã ngồi một chỗ xem ti vi rồi chờ con hầu cơm? Ông “xoay” sang... mở thư viện. Lúc biết ý định mở  thư viện của ông, có người nói gần, nói xa: họa có “thần kinh” mà “Kinh doanh thư viện” ở cái xứ nhìn gần chỉ thấy lúa, nhìn xa chỉ thấy dưa này! Song ông không kinh doanh. Gần triệu lương hưu ở cái đất màu này, tằn tiện ông cũng sống thỏa mái. Chẳng qua tuy nghỉ hưu rồi, ông vẫn muốn đóng góp một “cái gì đấy” cho sự phát triển của làng  quê. Mà theo ông, chẳng có cách nào làm cho quê mình đi lên, giầu lên bằng chi thức, bằng cái chữ! Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có “cái chữ” là còn mãi mãi. Và thế là ngày ngày ông lóc cóc đạp xe đến từng nhà, trước là “thuyết trình” về cái hay, cái tốt của “Thư viện làng”; Sau là... xin sách. Không phải không có người trước mặt vồn vã, hoặc hờ hững; đằng sau bảo... “ông già khùng”... Cũng có người nhặt cho ông vài ba cuốn sắch cũ cho... xong. Song các bậc cao tuổi, nhất là các cụ vốn là cán bộ về hưu trong làng thì ủng hộ cả... hai tay. Cụ Lan, cụ Tăng vốn là Đại tá về hưu, Bác Phi, cụ bà Nguyễn Thị Mai..., toàn người “thất thập”, “bát thập”, song cũng hăng  hái đến nhà con cháu vận động hiến sách mở thư viện. Gom được ít sách rồi , cụ Phi lại dắt mấy cụ già rồng rắn lên thôn, lên xã xin địa điểm làm... thư viện. Một chuyện “động trời”, vì chẳng mấy ai mở “thư viện làng” bao giờ cả! Song vì nể các vị “bô lão” hơn là tin, xã cũng cho “mượn” một gian “giải vũ” của Đình làng cho các cụ mở thư  viện. Có người nói “toẹt” ra rằng: để xem các cụ làm được  bao lâu...
            Thế rồi cái “Thư viện làng”  cũng thành. Đấy một gian nhà cũ, trước làm nơi bày cỗ mỗi khi có “việc làm”. Vài trăm cuốn sách cũ với vài trăm kệ sách đơn sơ. Có một  điều lạ, là trước khi có cái kệ sách ấy, ối người dè bỉu. Vậy mà có nó rồi, các cụ về hưu trong làng hồ hởi hẳn lên: sáng sáng sau buổi tập dưỡng sinh, các cụ ra  Đình... đọc sách. Nhiều cụ trước đây suốt ngày ngồi Tổ tôm, xóc đĩa..., nay thấy có cái thư viện,  bỏ hẳn món bài bạc, chuyển sang ngâm nga sách báo. Con cháu thấy lạ! Có anh bảo: Thử ra Thư viện làng xem các “làm gì”, sau... “nghiện” luôn, trở về vác sách mang hiến tặng thư viện. Mấy cháu học sinh tò mò ghé thăm ông bà, thấy sách, chúng “sà” vào luôn. Chị Lương Thị Liên, Giáo viên vừa mới nghỉ hưu tâm sự: Thấy cũng lạ. Trước khi có cái “Thư viện làng” này,  các cụ thì hay “đánh chén”, “đánh bài”..., các cháu hay la cà, tụ tập. Nay cứ lúc nào rảnh rỗi, các cụ lại ra thư viện, các cháu cũng ra Thư viện, tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn đi... Sau thấy các cụ cũng “làm ăn được”, chíng quyền thôn, xã dành cho các cụ hẳn 4 gian “giải vũ” của Đình làng để làm thư viện. Nay thì cái “Thư viện làng” ấy đã “hoành tráng” lắm: có tới 4.000 đầu sách, 2000 đầu tạp chí,  6 đầu  báo hàng ngày... với đầy đủ các thể loại. Các cháu thiếu niên có sách giáo dục, truyện thiếu nhi..., các cụ nhà nông, nhà làm trang trại có sách dạy nuôi gà, vịt, trồng cây...; phụ nữ có sách dạy sinh nở, nuôi con... Đáng kể là với ngần ấy đầu sách, các cụ chẳng phải... bỏ đồng nào. “Hữu xạ tự nhiên hương”, biết có cái “Thư viện làng” như thế, người tâm huyết mọi nơi gửi sách về tặng, người vài ba cuốn, người cả trăm  cuốn: Bà Nguyễn Thúy Hòa, giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh gửi biếu 100 cuốn sách quý; ông Thanh Huyên, cán bộ  NXB Lao động gửi biếu trọn cả tủ sách; ông Lương Khắc Huệ ở tận Thái Nguyên đánh hẳn ô tô về tặng hơn trăm cuốn sách quý...
            Tuy là “Thư  viện làng” song xem ra nghiệp vụ thư viện được các cụ ở đây thực hiện khá bài bản. Hàng trăm loại sách được phân loại một cách khoa học, tỷ mẩn, có “phích”, có thư mục, muốn tìm cuốn nào Thủ thư chỉ cần tìm trong thời gian một phút. Riêng số thẻ đọc sách phát ra trong các cháu học sinh- sinh viên trong làng đã đạt con số gần 200. Một vị phụ huynh cho biết: Trước khi có “Thươ viện làng”, phần đông các cháu chơi bời, tụ tập đinh đáo. Từ  ngày có cái Thư viện làng này, học sinh trong làng ngoan hẳn lên, rảnh rỗi lại ra thư viện... Chẳng thế mấy năm gần  đây, tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng tăng gấp 4- 5 lần những năm trước. Song “khoái” nhất có lẽ là mấy ông nông dân chủ trang trại: rảnh lúc nào, lại ra thư viện nghiền ngẫm mấy cuốn sách dạy nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi vịt... Có người  bảo: Đọc sách ở Bình Vọng đang là... “mốt”! Song thực tế không phải, mà nó đang là “văn hóa làng” vì  cái thư viện nhỏ ấy lại tác động không  nhỏ đến văn hóa, thậm chí kinh tế của cả một làng.
            Nhiều nơi, kể cả Sở VHTT Hà Tây từng coi đây là điểm sáng, tổ chức những hội thảo, tìm hiểu... để học tập và mở rộng. Học tập theo mô hình này, Hà Tây đã có đến vài chục điểm “văn hóa làng” sôi động.
             Điều đáng quý nhất, cái “Thư viện làng” Bình Vọng đang như tổ ấm của những người về hưu trong làng. Sớm sớm, cái “công viên làng” nên thơ trước cửa “Thư viện làng” đông nghịt các cụ ra tập dưỡng sinh, quyền, đi bộ... Xong, các “lão làng” lại vào thư viện, trầm ngâm đọc sách báo, sau rồi về tuyên truyền lại cho con cháu những vấn đề thời sự, kinh nghiệm làm ăn... 60 cụ già chia nhau 7 ngày; mỗi ngày 8- 9 cụ “trực” ,thư viện, giúp con cháu tìm sách, đọc sách, song thực tế lúc nào cũng có vài chục cụ giúp  nhau làm... “Thủ thư”. Vì các cụ bảo: “ngày ngày không ra được thư viện, không chịu được...”!
            Mới qua 8 năm hoạt động, “Thư viện làng” Bình Vọng đã đón tiếp hơn 200.000 người đến đọc, mượn sách, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển nông thôn không chỉ ở làng Bình Vọng. Trong lần về thăm, lãnh đạo Thư viện Hoàng Gia Thụy Điển đã tấm tắc: Đây là một điểm sáng văn hóa độc đáo, mà chúng tôi cũng đang muốn học tập...
            Còn chúng tôi, thấy cô học trò cấp 2 dùng từ khá đắt, khi gọi cái “thư viện làng” ấy là: Trái tim của làng./.

T.N 

Không có nhận xét nào: