Translate

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

THỜI OANH LIỆT CỦA NGƯỜI 
HAI MƯƠI NĂM NẰM... GẦM GIƯỜNG!
           
      Bằng một giọng trầm trầm và buồn, anh Lê Đoàn kể:
     Tôi và Tín cùng tuổi, nhập ngũ một ngày vào đầu năm 1973. Tôi ở Mỹ Đức; Tín ở Ứng Hòa (Hà Tây), được biên chế vào cùng tiểu đoàn 791, trung đoàn 12, Quân khu 9; Tín ở đại đội 3, còn tôi ở đại đội 4. Sau thời gian huấn luyện, tiểu đoàn chúng tôi được lệch vào chiến trường B, biên chế vào đơn vị C9, D6. E20, Quân Giải phóng miền Tây Nam Bộ. Đầu mùa mưa năm 1974, chúng tôi đã tập kết ở khu vực TaKeo (Cam Pu Chia). Cuối tháng 7 âm lịch, tiểu đoàn lại được lệnh hành quân vượt biên giới Cam Pu Chia, trở về bổ xung quân cho lực lượng Giải phóng miền Tây Nam Bộ, chống địch lấn chiếm phá hoại hiệp định Pari.
            Một đêm tối trời, không trăng, không sao. Vào khoảng nửa đêm, tiểu đoàn tập kết ở bờ sông Vĩnh Tế (Châu Đốc) chuẩn bị vượt sông. Lính miền Tây không có ba lô mà chỉ “bồng” (túi ni lông; bộ đội cho đồ vào đố, khi hành quân làm ba lô, khi vượt sông, vượt đầm... thổi căng làm phao bơi). Khi tôi và Tín cùng đồng  đội đang bắt đầu lặng lẽ vượt song thì bỗng bụp ... bụp..., pháo sáng địch đã bắn sáng mặt sông Vĩnh Tế không có gì làm điểm tựa, không có lấy một ụ đất, không một gốc cây, chỉ có rặt le lác lúp xúp và sình lầy. Ai xuống nước rồi thì kê súng lên bồng mà bắn trả; ại còn trên bờ thì nằm trên bãi cỏ mà bắn. Lúc đầu chỉ có bộ binh chọi nhau với bộ binh. Tảng sáng, xe tăng địch đã kéo đến lổm ngổm đầy bờ sông; trực thăng nhao đến xé nát bầu trời. Chúng tôi mang ít đạn quá, mỗi người vẻn vẹn chỉ có ba cơ sô AK, bắn đến tảng sáng thì hết. Xác chiến sĩ ngổn ngang. Chúng tôi bò đi lục súng của đồng đội đã hy sinh chiến đấu tiếp. Tôi vẫn nhớ như in cảnh Tín vừa bắn trả, vừa băng bó cho các đồng chí bị thương; Tín làm điều này khá thuần thục và tự tin, nhanh nhẹn... Tôi bi một viên đạn cói làm gãy chân phải, vỡ mất chân trái từ hồi đêm; rạng sáng lại bị tiếp tục một quả M79 nổ ngay bên cạnh, tôi ngất đi. Tỉnh dậy, thấy mình đã nằm trong bệnh viện, bên cạnh là Tín: hai chân Tín cũng bị đạn pháo, máu me bê bết; kinh nhất là cái đầu: chỏm gáy sau phía phải của Tín bị mảnh pháo phạt một miếng to bằng miệng cái bát ăn cơm, trông không khác quả bưởi bị “pheng” một góc, đỏ lòm, ruồi nhặng bu đen. Sau 4 ngày nằm viện dã chiến, chúng đưa anh em bị thương về bệnh viện Phan Thanh Giản – Cần Thơ. Được khoảng 20 ngày, vết thương chưa khô, chúng lại khiêng anh em thương binh lên xe hòm, đưa về Trung tâm thẩm vấn trung đoàn 4. Vào đến nơi, chúng cho ngay mỗi người vào một chuồng cọp; đó là những phòng giam mà đứng thì đụng đầu, ngồi thì đụng lưng. Suốt nửa tháng đánh đập, tra khảo... không ai khai lấy một lời. Có lúc chúng tra điện; lúc dùi cui; lúc vật ngửa ra, cứ dày đinh chúng dẫm lên ngực. Sợ nhất là cái trò chúng bắt ngồi vào thùng phi, đổ đầy nước rồi cứ dùng búa mà gõ bên ngoài, ngồi trong phát điên lên được. Tín trông lầm lỳ, ít nói song gan dạ. Riêng Tín hãi nhất mỗi khi chúng chơi trò “máu chảy về tim”: nó treo ngược lên ngoài nắng suốt cả ngày cho máu dồn hết xuống đầu, xuống ngực. Tín bị vết thương ở đầu, lúc bình thường đã đau dữ dội; lúc nó treo ngược lên, máu dồn về đầu, vết thương lại tứa máu. Chúng tôi bảo nhau: đằng nào cũng chết, cứ kệ cho nó đánh. Tôi và Tín còn thề: nếu đứa nào còn sống, phải trở về làm con, phụng dưỡng bố mẹ đứa kia! Đợt tuyển quân của chúng tôi là đợt “vét”, nên tuy binh nhất, binh nhì song phần lớn đều đã tốt nghiệp cấp 3, hoặc trung cấp, đại học... Duy chỉ có Tín nhà nghèo, lúc đi bộ đội mới học xong lớp 6. Bọn thẩm vấn hỏi: học xong lớp mấy? Tín bảo: Tao học hết lợp 10, sắp vào... đại học. Sau này hỏi, Tín bảo: phải nói vậy để chúng nó biết thế nào là bộ đội của Xã hội chủ nghĩa. Tra khảo suốt gần tháng trời không khai thác được gì, chúng đành đưa anh em về giam ởTrại giam tù binh Cộng sản nằm gần sân bay Trà Nóc. ở đây có hai khu trại giam: một bên là tù binh chiêu hồi, mặc quần áo  đen, được chúng đối sử tử tế; một bên là những tù binh kiên trung, mặc quần áo gụ đỏ, bị đối sử rất hà khắc. Tôi và Tín cùng bị giam một phòng (số 19) là phòng giam cho tù là thương binh. Đầu tiên, tiêu chuẩn gạo ăn mỗi ngày 5 lạng cùng với xương cá muối; sau chúng rút xuống 3 lạng rưỡi. Đói quá, 2 lần anh em tổ chức tuyệt thực. Cứ sáng, trưa, chiều, anh em lại tổ chức “hô - la”: Một người xướng: “Đả đảo, đả đảo”... Lần tuyệt thực thứ 2, đến ngày thứ 5 thì đói quá, Tín chộp một con nhện nhai ngấu nghiến. Vừa mới nhai vội nôn ra mật xanh, mật vàng. Chúng cho người mang bếp, mang chảo mỡ ra phi hành, mắm thơm lừng ở cửa phòng giam, dụ: ai chiêu hồi thì sướng (!), song không ai chịu. Chi bộ nhà giam tuyên bố với cai ngục: nếu không cải thiện đời sống cho anh em, tù nhân sẽ thay nhau mổ bụng. Tín cũng đã xung phong được mổ bụng. Đã có hai người rạch bụng, song sắp đến lượt Tín thì ngày thứ 12, cai ngục xuống thang, cải thiện đời sống cho tù binh, anh em cũng tạm dừng đấu tranh. Trưa 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam giải phóng, được bộ đội chủ lực và địa phương hỗ trợ, anh em chúng tôi phá ngục thoát ra ngoài. Sau khi thoát ngục, chúng tôi được đơn vị cũ đến đón; năm 1976 tôi được ra Bắc an dưỡng và ra quân. Tôi đã được hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, được trở về học tiếp trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh, ra làm thầy giáo. Nay tôi đã làm ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây, đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, được cấp “Kỷ niệm chương những chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt và tù đày”... Cách đây mấy tháng có dịp gặp lại Tín, tôi giật bắn mình vì người đồng đội cũ đang thiu thiu ngủ trong gầm của một chiếc giường tối om om. Té ra suốt 20 năm nay, cứ đến những tháng trời nắng nóng, Tín không thể chú ngụ được ở một nơi nào khác, trừ cái... gầm giường! Tôi hỏi chị Bảo, vợ Tín:
-         Anh ấy là Thương binh hạng mấy? Chị Bảo nghẹn ngào:
              - “Người ta” làm mất cái “Giấy chứng nhận thương tật”, có được “thương binh thương biếc” gì đâu... (!?).
            Anh Nguyễn Thái Sơn, quê xã Tuy Lai (Mỹ Đức – Hà Tây), hiện làm cán bộ Chi cục thuế huyện Mỹ Đức, kể: Tôi đi bộ đội từ năm 1969. Đầu tháng 2/1973, tôi tham gia trận đánh ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), biên chế thuộc tiểu đoàn 15 công binh, sư đoàn 2. Sau nửa tháng chiến đấu với một lực lượng địch tập trung lớn gồm máy bay, xe tăng, pháo biển, lục quân... tôi bị thương và bị bắt. Tôi vào trại giam tù binh Cộng sản ở Cần Thơ trước Tín. Tín ở phòng số 19; tôi ở phòng số 4. Suốt thời gian ở phòng số 4, tôi giữ chức Bí thư chi bộ. Chi bộ Đảng ở đây hoạt động rất mạnh; nhiều lần địch dò la tìm người đứng đầu chi bộ, tìm Đảng viên để thủ tiêu, song do anh em tù binh rất kiên trung nên chúng không làm gì được. Tổ chức Đảng trong nhà tù của chúng tôi vẫn sinh hoạt, vẫn kết nạp Đảng viên... Thi thoảng chúng cho tù binh đi dạo qua bờ rào; chúng tôi nhân cơ hội đó, vừa đi dạo, vừa sinh hoạt chi bộ. Vì thế, dù ở khác phòng, song chúgn tôi nắm tin tức về nhau rất rõ, biết Tín là người kiên trung. Nhiều lần ở cùng nhau đấu tranh; nhiều lần cùng nhau tuyệt thực. Có lần chi bộ ra nghị quyết: lần lượt thay nhau mổ bụng để phản đối chế độ nhà tù hà khắc của chính quyền Sài Gòn và yêu cầu chúng thực hiện Hiệp định Pari. Lần ấy, Tín cũng có tên trong danh sách những người mổ bụng, chưa đến lượt Tín thì chúng xuống thang. Cũng chính do lần Tín xung phong mổ bụng ấy mà Chi bộ trong tù đã đặt vấn đề kèm cặp, giúp đỡ Tín vào Đảng. Nhớ lại hồi đó chúng tôi đấu tranh rất ác liệt và có kỷ luật rất cao. Trước mỗi lần đấu tranh, tuyệt thực... mà ai chiêu hồi, anh em sẽ... “xử lý” luôn! Cũng may mà không có ai bị... “xử lý”. Tín là một trong những người đấu tranh tích cực. Tuy sống trong chế độ nhà tù hà khắc song anh em chúng tôi vẫn tổ chức văn nghệ, cũng như tổ chức các phong trào rôm rả. Có lần mấy tên cai ngục bảo: sao không hát những bài của... chúng tao? Chúng tôi lại bảo: Chúng tao là Cộng sản, hát bài của chúng mày làm gì? Chúng ném đá, gạch vào phòng giam, chúng tôi vẫn hát. Anh em thay phiên nhau lên trạm xá xin thuốc; thuốc Ký ninh có màu đỏ đem về vẽ cờ Tổ quốc; thuốc Con nhộng có màu vàng vẽ Bác Hồ... Rồi tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày 22/12... rất sôi nổi. Tất cả các hoạt động, Tín tham gia rất hăng hái.
            Sau khi phá tù thoát ra ngoài năm 1975, anh em chúng tôi ai ở đơn vị nào được trả về đơn vị ấy; sau này phục viên, tuy cùng tỉnh song mỗi người mỗi việc, tôi và Tín cũng ít gặp nhau... Nay tôi cũng đã được tặng “Kỷ niệm chương những Chiến sỹ bị bắt và tù đày”, được cấp Huân chương chiến sỹ Giải phóng... Chỉ có Tín là...
            Anh Đặng Văn Cương, người cùng thôn Đanh Xuyên, xã Hòa Nam, ứng Hòa, Hà Tây, nguyên Chính trị viên tiểu đoàn cùng đơn vị với Tín, kể: Sau khi phá ngục thoát ra ngoài, Tín lại được phiên về tiểu đoàn 791. Phải thừa nhận: Tín là người kiên trung; tuy lúc đó sức khỏe rất yếu, song tham gia công tác hăng hái, chấp hành kỷ luật tốt. Hồi đó, tôi đã giới thiệu Tín cảm tình Đảng; song chưa kịp kèm cặp tôi đã phải ra Bắc nên việc kết nạp Đảng cho Tín chưa thực hiện được. Giữa năm 1976, thấy Tín trở về lành lặn là tôi đã mừng rồi, không nghĩ gì đến chuyện khác. Ai de, càng sau này bệnh càng phát triển mạnh. Nhiều người gặp Tín lang thang, vạ vật ra ngồi giữa chợ Đanh lúc khóc, lúc cười ằng ặc, mới biết là vết thương cũ trên đầu anh ta vẫn quấy phá. Thỉnh thoảng lên cơn, Tín lại đến ngõ nhà tôi bò lê bò toài, lăn lăn lộn lộn mà hét: Chính trị viên ơi... địch... địch đến... bắn đi... bắn đi... Nhiều hôm Tín hét đến khản cả cổ, xong lại khóc khóc, cười cười không một ai dỗ nổi, trừ tôi. Nay tôi cũng đã được “Kỷ niệm chương”, được cấp Huân chương chiến sỹ Giải phóng. Chỉ có Tín là...
            Qua lời kể của những nhân chứng còn sống, đã từng cùng chiến đấu, rồi bị địch giam cầm... cùng với Tín đều chung một nhận xét: Tín có một thời oanh liệt trên mặt chận chống quân thù! Là người kiên trung, anh dũng trong chiến đấu, giữ vững khí tiết khi bị địch tù đày, tra tấn... cùng với đồng đội, Tín từng nhiều phen làm địch phải kính nể, bạt vía kinh hoàng! Vậy mà...
         
            Hơn hai mươi năm nay, thỉnh thoảng Tín vẫn lên cơn như vậy, nặng nhất là vào những tháng mùa hè. Trời nóng, nắng, nhất là vào dịp tháng năm, tháng sáu, cơ thể Tín bị rực lên không chịu nổi, chỉ tìm chỗ mát mà nằm. bà có lẽ trong căn nhà của Tín, mát nhát vẫn là nơi cái... gầm giường! Cứ nóng lên, Tín lại la hét, đuổi hết bố mẹ, vợ, con... ra đường để giành lấy bằng được cái gầm giường. Mấy năm trước, chị Bảo, vợ anh Tín đã bàn với gia đình: mua cái tủ lạnh để khi nóng quá, anh ấy... thò đầu vào cho mát. Nhiều người khuyên ngăn: không ăn thua gì đâu, kẻo tiền mất tật mang, chị Bảo mới thôi. Có điều lạ, là nếu cừ ngồi trong phòng máy điều hòa nhiệt độ, bệnh Tín lại giảm. Năm ngoái, đúng lúc Tín lên bệnh nặng nhất: đầu đau đến nỗi hai con mắt cứ từ từ lồi ra, thị lực hai mắt còn đúng 1/10, chỉ Bảo đưa Tín ra Quân y viện 103, rồi 107. Không ngờ đang lên cơn nặng, mà chỉ vào phóng khám một lát thì lại đỡ; té ra chỉ vì cái... máy điều hòa nhiệt độ. Biết được điểm này, suốt ba tháng hè năm ngoái, cứ rạng sáng, chị Bảo lại đèo chồng vượt 40 km đường ra viện 107 lấy thuốc rồi giả vờ... nằm lại, chiều tối lại đèo chồng về. Đầu tiên mấy ông Bác sỹ đuổi quầy quậy: lấy thuốc xong thì về, quanh quẩn làm gì? Sau biết chuyện, Bác sỹ cho nằm “ké” máy lạnh suốt ba tháng trời. Chị Bảo buôn gỗ suốt 20 năm nay ngoài chợ Đanh; 20 năm vật lộn chốn thương trường, buôn một lãi hai hai cũng không thấm vào đâu so với số tiền hàng tháng chị mua thuốc cho chồng và nuôi ba đứa con, hai trai, một gái. Đầu năm 2001, chị bán hết gỗ, bán xe máy, dành hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng 20 triệu đồng, xây một căn nhà nhỏ nhưng cao, mát, chỉ nhằm phục vụ cho chồng đỡ nóng. Chị khóc: mỗi lần lên cơn, anh đuổi hết mọi người đi để chiếm... cái gậm giường, trông thảm lắm. Những lúc như vậy, cả nhà lảng đi hết, nên cũng chưa ai bị... đánh đập lần nào. Chỉ có bà mẹ gần 80 tuổi không chịu nổi, phải sang ở nhà anh con trai thứ hai. Ông bố già 87 tuổi thương con vẫn nhẫn nại chịu đựng. Sau khi đi bộ đội về, chị Bảo sinh một lèo 3 đứa con. May mắn thế nào, đứa trai đầu và gái cuối lành lặn, không hề bị sao. Duy chỉ có thằng thứ hai ở giữa lại bị mất trí từ bé, hai mất đờ  dại chẳng biết cái gì, suốt ngày lang thang xin ăn ngoài chợ Đanh. Năm 1999, chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam cho cháu ai ngờ anh Tín cũng bị  chất dộc da cam từ mặt trận mang về, ngấm sanh người cháu. Năm ngoái cháu đã được cấp thẻ BHYT, loại thẻ dành cho nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh. Nhiều người an ủi: Thế vẫn còn... may, đẻ chỉ “bị” có... 1. Mình chị Bảo xoay xỏa nuôi 7 miệng người, chưa kể thuốc thang cho chồng, cho con, người gầy sắt seo.
            Tuy bị thương nặng như vậy; song những lúc tỉnh, Tín lại là người có trí nhớ không đến nỗi tồi. Tín vẫn nhớ lõm bõm: Hôm ấy, ta “mất” cũng nhiều, địch “mất” cũng nhiều. “Choảng” nhau đến sáng, lúc địch tăng cường máy bay trực thăng, xe tăng đông quá, tôi mới bị thương vàơ chân. Có mỗi 3 cơ số đạn, bắn dè sẻn lắm mà vẫn hết. Thấy một chiến sĩ đã chiết, có khẩu B40 vứt bên cạnh, tồi lết đến định lấy khẩu B40 bắn chiếc trực thăng đang lao đến gần thì... ùm..., tôi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, qua cửa sổ thấy 2 thằng độ mũ kepi giơ tay chào nhau, tôi biết ngay mình đã bị bắt. Nhớ nhất là tên Giám thị Phan Đình Hoạt; mấy lần gặp nó bắt chào, tôi không chào, nó thù; lần nào gặp, nó cũng vật ngửa ra, cứ gót dày đinh nó dận lên ngực, làm bây giờ mỗi khi trái gió trở trời hai bên ngực lại giộng lên đau dữ dội như có hai tấm gỗ ép lại. Tôi cũng thù nó. Chiều 30/4, vừa phá ngục ra ngoài gặp ngay tên Hoạt, tôi cướp súng định bắn, may có người giằng súng lại, tên Hoạt thoát chết...
            Bây giờ anh Tín đang ngồi trước tôi, thoại trông to cao song để ý mới thấy: cơ thể anh chẳng khác cái túi bong bóng bủng sũng nước, hai mắt lồi ra, lờ đờ nhìn khách vào ra. Từ ngày chị Bảo xây được căn nhà mới cao, mát, chưa thấy Tín bị dực người như hồi năm ngoái, song anh lại như người lẩn thẩn: suốt ngày ngồi ôm đống giấy nặng đến 3 cân, trong đó dễ có đến hai cân chín là các loại đơn thuốc của các loại bệnh viện; còn lại là giấy tờ trong quân ngũ, Thẻ Hội viên Hội Cựu chiên binh, Lý lịch quân nhân, Hồ sơ thương tật... Trong hồ sơ trong lý lịch quân nhân, Thiếu tà Dương Đình Lương – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 20 Quân khu 9 ghi nhận xét về Tín khi anh được chuyển ra Bắc: Phong cấp từ Hạ sỹ lên thượng sỹ; tư cách đạo đức tốt, công tác tốt... Duy chỉ có thiết mỗi tờ “Giấy chứng nhận thương tật” là không có! Và cũng chỉ vì thiết mỗi tờ giấy nhỏ chỉ bằng bàn tay này mà suốt 25 năm nay Tín không hề được hưởng một chế độ gì(?). Thực tế năm 1982, Tín đã mang tờ “Giấy chứng nhận thương tật” này cùng lý lịch quân nhân, đơn từ... ra bệnh viện E giám định lại sức khỏe làm hồ sơ thương binh. Song ít lâu sau, tờ “Giấy chứng nhận thương tật” này không biết... chạy đi đâu: Bệnh viện E nói: đã chuyển về Sở LĐ - TBXH Hà Sơn Bình (cũ); Sở Lao Động – TBXH Hà Sơn Bình cũ và Hà Tay ngày nay thì bảo: chưa thấy chuyển về. Hỏi đi hỏi lại năm lần bảy lượt cứ nơi này đổ nơi kia, nơi kia đổ tại nơi này, nản quá Tín cũng đành thôi! Mấy năm trước đã có người bảo: Chi khoảng dăm ba chỉ, họ sẽ... “xin thương binh” cho. Tín chỉ cười: Tôi bị thương thật, là thương binh thật, có phải thương binh dỏm đâu mà phải “xin”. Thật ra, 7 miệng ăn thì hai cụ già trên 80 tuổi, hai người tật nguyền... lấy đâu ra 5 -3 chỉ mà... chạy(!). Những lúc tỉnh táo, Tín chỉ còn biết động viên vợ: Trận ấy, anh em tôi “mất” rất nhiều; tôi mang được xác về thế này là... “may” lắm rồi. Còn lúc “bốc hỏa”, anh lại đuổi mọi người đi mà xí lấy cái... gầm giường... Có người nói vui: có lẽ, trong nơi gậm giường ấy anh lại cảm thấy là nơi... an toàn nhất  chăng?!?!...
            Còn tôi, một người lớn lên sau chiến tranh thì không hiểu: Chẳng lẽ chỉ vì một cái tờ “Giấy chứng nhận thương tật” vô chi nhỏ bằng cái bàn tay bị người ta làm mất, mà một con người có một “thời oanh liệt” như vậy phải cam chịu “nằm gầm giường” suốt hai mươi năm nay mà không hề có một chế độ gì?!?...

(Nguyệt san báo NTNN
Tháng 4 năm 2002). 

Không có nhận xét nào: