Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

PHƯỢNG
                                                (Tác phẩm đạt giải B,
Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ 1999).
               
                                
     Em sinh đúng vào đầu mùa hoa phượng, nên nội đặt tên cho em là Phượng: Nguyễn ThịPhượng!
     Có điều, hoa phượng thì đỏ, mà một quãng đời của Phượng thì đen. Lúc mới sinh, giống bao đứa trẻ khác trên đời: em cũng lằn lặn, có mẹ có cha, có một gia đình hạnh phúc.Vậy mà, niềm hạnh phúc kéo dài chẳng được bao lâu. Chào đời được đúng 90 ngày, bất hạnh đã dồn dập ập đến với đứa trẻ chưa một lần kịp học lẫy. Sau một trận lên sởi, Phượng bị liệt chân trái. Nghĩ chồng bị “chất độc da cam”, mẹ Phượng – một người đàn bà mới tròn 20 tuổi- vội vã bỏ Phượng lại trên giường bệnh mà đi. Ba tháng tuổi, Phượng vừa mất mẹ, vừa thành đứa trẻ tàn phế. Bố đi bộ đội. Ông bà nội gần 70 tuổi đành dang rộng đôi tay gầy nâng niu, che chở đứa cháu tật nguyền. 20 năm rồi, dân làng Cao Viên (Thanh Oai – Hà Tây) vẫn nhớ như in hình ảnh 2 vợ chồng già, vắt đứa cháu gái như rẻ khoai héo trên lưng, dắt díu nhau đi hết huyện này xã khác tìm thầy, tìm thuốc. Bà con xóm riềng giềng, họ hàng, người cho bò gạo, kẻ biếu dăm đồng, suốt 3 năm ròng hai cụ đến gõ cửa gần trăm thầy thuốc, cả gần trăm thầy đều lắc đầu. Quãng đời của Phượng lúc ấy, chẳng khác nào bông hoa phượng đang đâm nụ, gặp bão giông đã vội bị giập vùi. Cuộc đời tưởng chừng bỏ Phượng mà đi. Thì người ta vẫn bảo:" Thân tàn, ma dại..." đấy thôi!
 Năm lên 6 tuổi, ngồi trong góc sân, nhìn các bạn cùng tuổi đến lớp, Phượng bảo ông:
           - Ông ơi, cháu đi học!
      Ông nhìn Phượng trân trân nước mắt:
           - Chân tay như vầy, học làm chi hở cháu?
       Phượng chỉ biết khóc ngấm, khóc ngầm. Năm lên 7, ông thương Phượng quá, bèn cõng cháu đến lớp trong con mắt ái ngại của xóm làng. Ông bảo: “Cố cho cháu học hết cấp một, gọi là để biết mặt cái chữ”. Bà nội có nghề làm đậu phụ. Đêm đêm, bà ngồi nấu đậu, ép đậu..., sáng mang ra chợ làng bán, gom góp từng xu, từng hào nuôi cháu ăn học. Quanh quẩn hết cấp một, bà đủ tiền mua cho Phượng chiếc máy khâu. Bà bảo:
           - Biết ối chữ rồi. Nay con đi học thợ may, sau ông bà chết, tự kiếm tiền mà sống.
       Phượng năn nỉ:
           - Cháu muốn đi học. Xin ông, xin bà cho cháu đi học. Cháu muốn làm cô giáo...
           Hai vợ chồng già lại đêm đêm thức trắng bên nồi đậu phụ, chiều lòng đứa cháu gái tật nguyền. Có người nói vào, nói ra:
           -  Ối người lành lặn đi học còn chẳng ăn ai. Đằng này...
       Phượng chỉ biết cắn chặt môi hơn, ấn sâu hơn hai hàng lỗ đáo trên con đường làng. Nhiều hôm trời mưa, cắm sâu mũi nạng xuống mặt đất rồi, vẫn ngã oành oạch trên đoạn đường có vài trăm  mét. Có bữa đến được lớp, trông Phượng chẳng khác gì mới đi... bắt cua về. Trời nắng, đường làng phơi ngập rơm, mỗi bước di lại kéo theo một đụn rơm, lại ngã sấp ngã ngửa. Suốt 9 năm học cơ sở, dù mưa, dù nắng, Phượng không bỏ một buổi. Từ chỗ thương hại, ái ngại, Phượng được bạn bè, thầy cô cảm phục. Nhiều bạn xin được cõng Phượng đến lớp, Phượng chỉ cảm ơn và đùa: Liệu có ai cõng mình được hết đời? Nhiều người nhìn cảnh Phượng gập người chống nạng đằng trước, lũ bạn tíu tít ôm mũ, ôm cặp hộ đằng sau, không khỏi vừa vui vừa gạt nước mắt. Học xong lớp 9, có người tìm đến bảo Phượng: một số người nước ngoài đang cần tìm trẻ em tàn tật để làm “con nuôi”? Nhiều người bảo “cơ may” đang đến với Phượng. Phượng nghỉ hẳn một năm ở nhà chờ “cơ may” ấy. Nhưng rồi, người ta lại đến và bảo Phượng “chưa đủ tiêu chuẩn”, vì chưa... mồ côi! Phượng ngậm cười, nhờ bạn bè nộp đơn xin thi vào trường PTTH Thanh Oai B. Ông Nhữ Đình Doanh thấy một cháu gái bị liệt đứng dựa cổng trường, liền hỏi:
           - Cháu đi đâu?
           - Thưa, cháu đi thi – Cô bé đáp.
        Khi hiểu rõ hoàn cảnh của Phượng, ông bảo: Nhà ông gần trường. Nếu đỗ, vào nhà ông mà ở. Và Phượng đỗ thật. Nhà ông Doanh chẳng giầu có  gì. 8 miệng ăn, một bà vợ ốm, chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vậy mà, có 6 người con, thì 4 người đỗ đại học, làm kỹ sư, bác sĩ. Thêm Phượng, gia đình càng túng bấn hơn. Ông Doanh chỉ cười: Thêm đũa, thêm bát ấy mà. Cả gia đình ông coi Phượng như con, nuôi nấng, chăm sóc Phượng suốt ba năm trời. Phượng kể, nhiều lúc nản quá, chỉ nghĩ đến cái chết để mọi người đỡ khổ. Song mọi người tốt quá, Phượng không nỡ để mọi người khổ thêm. Phượng “nợ” mọi người quá nhiều, Phượng càng lao vào học – học để “trả nghĩa”. Ngồi kể chuyện Phượng, cô Thắm- Chủ nhiệm lớp Phượng suốt 3 năm PTTH - rưng rưng: “Mỗi sáng, nhìn em nó liêu xiêu đến lớp trên cây nạng gỗ, thương lắm anh ạ. Ngay từ đầu, em đã họp lớp, căn dặn lớp phải giúp đỡ Phượng: Đây là một người đáng trân trọng, đừng để Phượng tủi thân...!”! Suốt 3 năm, bạn bè, rồi cô Thắm, sớm tối thay nhau đưa đón, trời nắng cũng như trời mưa. Có hôm mưa phùn gió bấc, bạn  bè thương không đến đón và xin phép cho Phượng nghỉ. Nghĩ thế nào, nhóm bạn lại xin nghỉ học, đi đón Phượng. Dọc đường đã thấy Phượng vai đeo cặp, tay vác nạng lết lê trên con đường đất trơn tuột. Nhóm bạn ôm Phượng ngồi khóc giữa trời mưa tả tơi. Biết Phượng nhà nghèo, bạn bè gom góp từng tập giấy, cái khăn, tấm áo... tặng Phượng. Cuối những năm cấp 3, học hành vất vả hơn, các bạn cũng vất vả hơn. Hằng, Hà, Tuyến, Lập... mỗi người học thêm mỗi nơi, song cứ phải đưa Phượng đến lớp rồi mọi người mới yên tâm đến lớp của mình. Có hôm thương bạn, Phượng lén một mình chống nạng đến trung tâm học thêm cách nhà 3 km, ngã xây xẩm mặt mày. Phượng bảo, mỗi lần ngã, Phượng càng quyết học. 12 năm học phổ thông, 12 năm Phượng đạt học sinh tiên tiến xuất sắc, là học sinh đạt giải học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh Hà Tây. Năm 1996- 1997, Phượng đỗ thẳng vào 2 trường Đại học: Ngoại ngữ và Dân lập Đông Đô - Hà Nội.

       Bây giờ, Phượng đã là nữ sinh năm thứ 2, lớp FA6-97 – Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ở tầng 2, học tầng 4, cuộc sống của Phượng gặp không ít khó khăn. Song, cùng 7  bạn trong phòng, người khoa Trung, người khoa Anh văn, lớp trên, lớp dưới, lại xúm vào giúp đỡ Phượng như chị em ruột thịt. Phượng bảo: Em chỉ muốn học để khỏi phụ lòng mọi người, khỏi trở thành người bỏ đi... Một vài tờ báo viết ca ngợi em. Phượng bảo tôi: anh đừng viết gì về em. Em muốn làm một con người bình thường. Nếu có thể, anh... “động viên” bố giúp em. Bố rất vất vả vì em, mà chưa có... báo nào nói cả.
Thanh Nhuận
(Báo NTNN, Phụ nữ VN
ngày 03/01/2000).

Không có nhận xét nào: