Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

NHỮNG HÒN VỌNG PHU THỜI NAY...

            Trên bãi cát dài chừng non một cây số ven biển Ngư Lộc, hàng trăm người, phần đông là phụ nữ, trẻ con, bà già... ngồi thẫn thờ, mắt đau đáu dõi trông ra phía mặt biển xa. Họ vẫn mong đến thắt ruột dù chỉ một chấm nhỏ xuất hiện trên mặt biển. Họ vẫn ngóng trông những người chồng, người cha, người con của họ trở về. Trong đôi mắt đờ dại của những góa phụ, vẫn ngân ngấn một niềm hy vọng mong manh. Song tất cả, họ đều đã biến thành những hòn Vọng phu bên bờ biển Hậu Lộc(Thanh Hóa)...

       
   Về Hậu Lộc, nơi đầu tiên chúng tôi đến là xã Ngư Lộc, một xã vốn có tiếng là giầu có từ nghề đi biển. Xã có trên 1km là bờ biển, 1/3 số dân trong xã sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản.
            Ngư Lộc vẫn sầm uất. Nhà cửa san sát như phố. Chợ làng ê chề hàng hóa. Chỉ tội thiếu cái mùi tanh tanh, mằn mặn của cá. Dọc đường làng, mùi hương trầm u uất. Lác đác thấy mấy chị phụ nữ, mấy đứa trẻ con đeo tang trắng trên đầu đứng vật vờ. Người người ngậm ngùi. Ít thấy ai nói chuyện với ai. Làng đang có đại tang.
            Trên bãi cát dài ven làng chừng non một cây số, hàng trăm người, phần đông là phụ nữ, trẻ con, người già... ngồi thẫn thờ, mắt đau đáu dõi trông ra phía biển xa. Chỉ cần một chấm nhỏ xuất hiện phía chân trời, cả trăm người cùng ồ lên để rồi một lúc sau lại trở về vô vọng. Họ vẫn tin rằng người chồng, người bố, người con, người em trai của họ sẽ trở về. Trong đôi mắt cạn kiệt của những góa phụ, vẫn ngân ngấn một niềm hy vọng mong manh: Anh ấy sẽ trở về. Nhưng rồi tất cả họ lại biến thành những hòn vọng phu thời nay bên bờ cát trắng. Chị Bùi Thị Hoa, mẹ của hai đứa con nhỏ, một đứa lên năm, một đứa lên ba, và là một trong những số những hòng vọng phu ấy cho chúng tôi biết: Một người chồng, một em trai, một anh trai của chị - ba người đàn ông duy nhất trong gia đình - chiều ấy ra đi đã mãi mãi không về.
            Xã Ngư Lộc của chị, trước ngày 18/3, có tới 1.161 trai làng ra khơi đánh cá trên 131 chiếc tầu nhỏ 12 -15 sức ngựa. Lệ thường, tầu các anh đi 5-7 ngày, có khi tới cả tháng, ra tận đảo Hòn Mê, lên tận Hải Phòng, vào tận Đà Nẵng... đánh cá. Lần này, cả làng đuổi theo một đàn mực dồn cách bờ chừng 50km. Mỗi lần thuyền về, cả nhà, cả làng coi là ngày hội ngộ. Chồng bắt, vợ bán, hai người trở thành một dây chuyền nhỏ mà không thể thiếu được ai. Chiều ngày 13/8, các chị đã nghe Đài TNVN thông báo có đợt áp thấp nhiệt đới. Tưởng như mọi lần, các chị chỉ chuẩn bị cho con thêm tấm áo dày cho đỡ lạnh. Mấy ai nghĩ đến chuyện xé khăn trở chồng. Ai ngờ, đấy là giây phút để mà xa nhau vĩnh viễn. Anh Nguyễn Văn Viết, 32 tuổi, em chồng chị Bùi Thị Hoa, người sống sót trở về kể lại: Vào hồi 18h ngày13/8, đang lúc câu được nhiều cá nhất, thì từ trên tầu, qua riđio mang theo, các anh mới chính thức được nghe tin áp thấp nhiệt đới. Theo kinh nghiệm đi biển, nếu là áp thấp nhiệt đới, giỏi lắm gió chỉ mạnh cấp 5, cấp 6, không đủ sức lật thuyền. Vì thế, các anh cứ nấn ná với đàn mực trước khi bình tĩnh dong tầu về.
            Ai dè, các anh đánh cá ở ngoài, thì bão lốc (mà được báo là áp thấp nhiệt đới) hình thành phía trong bờ. Sau 4 tiếng rút neo chạy vào bờ, vô hình các anh đã lao vào trung tâm cơn bão lốc. Gió cấp 11-12. Tầu vỡ, tầu chìm tơi tả. Tầu của anh Viết bị vỡ ngay tức khắc. Hai người anh trai, một người anh rể của anh đã biến mất ngay sau vài đợt sóng. Vốn là người khỏe mạnh, và với một chiếc can 15 lít, anh đã bơi trong sóng suốt mấy giờ đồng hồ. Sau đó bám được vào một tàu lớn hơn chạy ngang qua, và đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
            Nhóm PV chúng tôi đã tới chia buồn với gia đình anh. Hai bố mẹ già 80 tuổi vẫn đang thiu thỉu trong cơn mê sảng. Ba người đàn ba đang lăn khóc ngoài sân. Gần chục đứa trẻ con ngồi nép vào nhau ở xó sân. Đứa lớn chừng 12 tuổi. Đứa nhỏ chừng 2 tuổi. Nhìn cảnh ấy, anh bạn phóng viên cùng đi đã phải cắn môi lại để khỏi bật ra tiếng khóc. Mà vẫn phải buông máy quay để chạy ra đường ngồi khóc nức nở.
            Riêng ở xã Ngư Lộc, trước ngày 13/8 có 130 tầu ra khơi, thì chỉ có 58 tầu trở về với 1.056 người sống sót. Còn 8 tấu với 105 người có lẽ mãi mãi không bao giờ trở về nữa. Còn ở xã Minh Lộc, 48 tầu đi với 496 lao động, nay mới trở về 398 người trên 35 tầu, còn 13 tầu và 98 người đã chết hoạc chưa về(?). Xã Hải Lộc 19 tầu đi với 164 lao động, thì đã thấy ba tầu chìm, 5 tầu chưa thấy tin tức với 24 người. Ít nhất là xã Hưng Lộc cũng chìm 1 tầu, chết 10 người.  xã Hòa Lộc, trước ngày 13/8 có 15 tầu ra đi với 128 lao động; thì đến 10h 30 ngày 17/8 đã tìm kiếm, cứu vớt được 9 thuyền với 85 lao động. Còn chết và mất tích 6 thuyền với 43 lao động. Trong đó biết chắc chắn đã chìm 4 tầu trọng tải 20 tấn. May mắn làm sao, tới 19/8, sau 1 tuần vật lộn với tử thần, tầu của anh Vũ Văn Tuấn đã trở về do may mắn dạt vào một cồn cát. 11 người trở về nguyên vẹn trước khi gần chết đói, chết khát. Sau khi vào bờ, phần lớn các anh đều bị kiệt sức và trong cơn hoảng loạn, mất trí nhớ. Nhiều gia đình bị xóa sổ hoàn toàn. Nhiều gia đình hết tất đàn ông. Có gia đình mất tới 11 người. Có tầu chết tất cả 13 người. Gia đình ông Đặng Văn Loan (Hòa Lộc) mất 6 anh em ruột cùng 5 anh em ruột con ông bác. Gia đình bà Cấy (Ngư Lộc) mất 2 con trai, một con rể. Điều đáng lo ngại là phần lớn những người chết đều là những lao động chính trong gia đình. Mà ở Hậu Lộc, chỉ cần 2 ngày không đi biển là cả nhà đã phải nhịn đói.
             tận Hậu Lộc, người ta đang hết sức cố gắng để khắc phục hậu quả tai hại của trận “Áp thấp nhiệt đới”! Có ngày, có hàng chục xe của hàng chục đoàn tìm đến tận nơi thăm hỏi, chia buồn, tặng quà... Thuốc men, gạo, tiền và cả lời nói cảm thông đã được chuyển đến nhiều gia đình bị nạn. Đó là những việc làm hết sức cần thiết và đáng được ghi nhận.
            Song ngẫm lại, không thể không thấy những day dứt đối với những thân phận xấu số. Về đến Hậu Lộc, một số người sống sót trở về cho biết: Ngư dân thường nghe thời tiết vào buổi 18h qua Đài TNVN. Cho đến 18h tối 13/8, nhiều người mới chính thức được nghe tin báo “áp thấp nhiệt đới”! Thì đến 21h đêm đã có bão lốc cấp lớn. Trong khi đó, từ điểm đánh cá chạy vào bờ biển ít nhất cũng phải mất 12 tiếng. Do tầu thuyền phần lớn là nhỏ, từ 12-20 sức ngựa, nên đại đa số đều chạy không kịp. Ngư dân cho bíêt, không có gì đảm bảo tính mạng cho họ hơn là nhà khí tượng dự báo thời tiết chính xác, kịp thời. Dự báo thời tiết chính xác, kịp thời về giông bão cho ngư dân, cũng chính là cứu sống ngư dân.
            Điều thứ hai cần phải bàn đến là vấn đề cứu hộ. Sau khi có người sống sót trở về loan báo, thì lãnh đạo huyện Hậu Lộc biết, và cũng tổ chức cứu hộ. Song phần lớn là tầu thuyền nhỏ, không ra được xa, nên cũng chỉ cứu được xác những người... giạt quanh bờ. Xa hơn nữa, là thông báo cho các địa phương bạn, các đồn, trạm, đảo... nhờ giúp đỡ. Một anh bạn làm truyền hình đi cùng với tôi vốn giầu trí tưởng tượng, anh ước ao: Giá mà có được mấy thước phim quay cảnh: dưới biển thì tầu cứu hộ; trên trời thì vài ba chiếc trực thăng của UB cứu hộ, của UB phòng chống lụt bão, hay của Hội chữ thập đỏ... cũng được, đang quần đảo, thả thang dây cứu mấy người đang ôm ván vào sáng 14/8 trên biển Hậu Lộc để phát trên truyền hình thì... hay biết mấy. Nhiều người cho rằng, nếu ngay sáng hôm sau, thậm chí 3- 4 ngày sau mà có phương tiện cứu hộ tốt, thì chắc chắn số người chết và mất tích sẽ ít hơn thế. Bằng chứng là 1 tuần sau vẫn có thuyền “mất tích” rôi lại trở về với 11 thuyền viên. Bằng chứng là sau 4 ngày, ở xã Quảng Tiến (Sầm Sơn) vẫn vớt được một người quê ở xã Hòa Lộc - còn sống - đang bám ván trôi giạt vào bờ...
            Ngồi viết bài này sau đúng một tuần thảm họa, lạy trời không còn biết có ai đang lênh đênh ôm ván trên biển hoặc trôi giạt vào một hòn đảo nào đó?! Các anh chịu làm sao nổi nữa với cơn bão số 4.
            Một điều đáng quan tâm nữa ở đây là công tác bảo hiểm. Từ lâu ngành Bảo hiểm vẫn lấy chữ “nhân đạo” làm đầu. Song thực tế, phải chăng ngành chỉ hoạt động ở những nơi nào “làm ăn phát triển”, như học sinh, công nhân, nông dân, cụ già... Còn với ngư dân, dễ lỗ, dễ bồi thường lớn thì... thôi. (Một con tầu xoàng cũng trị giá 50 triệu đồng). 4 năm nay, người ngư dân Hậu Lộc chỉ mong được đóng bảo hiểm mà không được. Vì thế, chẳng có ai hướng dẫn, dạy dỗ cho cách... bảo hiểm. Phần lớn các tầu thuyền ở đây đều không có phao cứu sinh(?). Cả 130 phương tiện ở xã Ngư Lộc không có lấy một phao cứu sinh. Như trận “áp thấp” vừa rồi, nếu có, ít nhất mỗi phao cứu sinh cũng cứu được một người khỏi bàn tay thần chết. Khi đi biển, ngư dân thường phải mang theo can nhựa loại 15-20 lít. Lúc mưa thuận gió hòa thì đựng nước uống, đựng rượu. Lúc gặp bão tố thì đổ nước, đổ rượu xuống biển mà lấy can làm phao. Anh Nguyễn Văn Viết (sống sót trở về) là người nhìn tận mắt hai người anh của mình bị chìm do sóng đập vỡ can. Ngư dân ở đây đang rất muốn được một công ty nào đó sản xuất và bán phao cứu sinh cho bà con...
             Người ta bảo: Tiên trách kỷ, hậu hãy trách... giời!
           Một nén hương này thắp lên viếng người xấu số rồi cũng vào dĩ vãng. Một tai họa rồi cũng nguôi ngoai. Nhưng việc làm ăn kiếm cái sinh nhai và thiên tai thì vẫn còn mãi mãi, một khi còn trời, còn đất.
           Thắp một nén nhang xong, xin mọi người, mỗi người hãy nghĩ đến cái giá quá đắt mà mấy trăm nhân mạng ở Hậu Lộc phải trả; để đừng có thêm nữa những hòn vọng phu sống trên bờ cát trắng.

(Đã lâu lắm rồi; cơn bão số 3 năm ấy)
                                                                                                                                                     T.N

Không có nhận xét nào: