Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

500 CÔ GÁI KHÔNG CHỒNG...
ĐI ĐÂU?

    
Có người đùa Tác giả: 500 cô gái không chồng đi... tắm suối!
      Quả thật, tôi là một gã đàn ông quá đỗi vô tình. Biết Liên làm ở nông trường Sông Bôi đã 24 năm, mà mãi tới bây giờ tôi mới một lần tìm gặp. Ngày ấy, tôi và Liên học cùng một lớp. Kẻ ngõ trên, người ngõ dưới, suốt 8 năm, từ vỡ lòng đến lớp 7, mỗi lần đi học, tan học, tôi và Liên vẫn như hình với bóng. Liên không xinh, nhưng có duyên, và cái răng khểnh hồi ấy đã làm khổ khối người. Hồi cuối lớp 7 tôi biết Liên mên mến tôi qua những cái nhìn đau đáu, những gói kẹo bạc hà mà Liên giúi vội cho.
Nhưng tôi, lại mê mẩn với một cô bạn khác, cũng cùng lớp. Cái tuổi học trò ấy mà. Học xong cấp 2, mỗi người mỗi ngả, tôi học tiếp cấp 3, còn Liên theo chị lên nông trường Sông Bôi ...
          
  Đứng trước cổng nhà Liên, lần đầu tiên tôi lại thấy ngập ngừng. Hôm trước về quê, thấy thầy tôi bảo: Liên vẫn không chồng! Già bốn chục tuổi đầu, một vợ, hai con, gã đàn ông đến thăm cô bạn gái chưa chồng, nghe cứ làm sao? Tôi còn đang chần chừ, chân trong, chân ngoài đã nghe thấy tiếng Liên hát một điệu ru não nề đến sởn da gà: “À... ơi... Thương nhau cho thịt cho xôi, ghét nhau đưa đến Kim Bôi... hái... chè...” Đúng là giọng của Liên, cái giọng trầm trầm đặc sệt tiếng địa phương mà 1/4  thế kỷ vẫn không thay đổi. Bài hát ru và tiếng vỗ bồm bộp làm tôi biết Liên đã có con, và chắc chắn con còn nhỏ. Liên đã lấy chồng? Nghĩ thế, tôi lấy hết can đảm để bước chân qua cái cổng tre xộc xà xộc xệch. Cuối cùng, tôi cũng ngồi đối diện Liên trong nhà. Gọi là “nhà”, song thực chất chỉ là mấy mảnh giấy dầu chụp trên ba hàng gạch xỉ xếp chồng lên nhau, xiêu xiêu vẹo vẹo dọa đổ bất kỳ lúc nào. Đồ đạc trong nhà độc nhất có 2 chiếc ghế gỗ tự đóng, thì một chiếc đã gãy chân, ngồi cứ đong đa đong đưa. Có một thứ đắt tiền nhất là chiếc đồng hồ Liên Xô vỡ nắp thì khô dầu, không chạy. Anh bạn phóng viên ảnh cùng đi với tôi ra vật nghiêng xe máy, chọc một ít nhớt xe tra vào, cái đồng hồ lại chạy tanh tách. Liên cười méo mó: Thế mà cứ tưởng hỏng, định vứt từ lâu. Trong nhà không có đàn ông, khổ thế đấy! Chợt nhớ lời ru ai oán lúc nãy, tôi chỉ cháu gái nhỏ chừng 4 tuổi, đang ngủ nhễ nhải trên chiếc chõng tre:
            - Thế bố cháu...
            Phải đến nửa phút lặng người như để kìm những giọt nước mắt, Liên mới bật ra:
            - Cháu không có bố.
            Lúc này tôi mới nhìn thẳng vào mặt Liên. Nước da trắng hồng hồi nào đã trở nên đen sọm. Mới 40 tuổi, mà nếu đoán là 60 cũng được. Tóc lốm đốm trắng. Chiếc răng khểnh làm duyên hồi nào biến thành đôi hàm răng... vẩu. Tôi xót xa: mảnh đất này khắc nghiệt đến vậy ư? Liên bảo: không, mới vậy thôi.
            Với bề dày hàng trăm năm khai phá (1883) và hàng chục năm thành lập (1961), lúc ấy, Nông trường Quốc doanh Sông Bôi (NTSB) vang bóng một thời, giống như một biểu tượng, một điểm sáng trong giai đoạn quá độ tiến lên CNXH. Nhớ thời 1960 - 1965, hàng ngàn Thanh niên khắp miền Bắc viết đơn xung phong lên NTSB lao động, công tác, lấy việc lao động trên nông trường là nghĩa vụ vinh quang của cả một thế hệ. Năm 1975, sau khi học xong cấp 2, Liên lên với NTSB đúng lúc cả Liên và NT đang vào thời kỳ sung sức nhất. Năm 16 tuổi, Liên đã là công nhân biên chế chính thức của nông trường. Đất đai trù phú, Liên định nảy mầm, ươm cây ở đây...
            Nhưng rồi, sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, NTSB đã và đang xuống dốc nhanh chóng, nếu không muốn nói là đang đứng trước bờ vực tan rã. Tan rã cả về đất đai, cả về con người. Năm 1990 -1991, với trên 2000ha đất tự nhiên, có hơn 2200 công nhân, mà tổng toàn bộ tài sản nông trường còn có 1,1 tỉ đồng, trong đó nợ 1,75 tỉ đồng không có khả năng chi trả. Với mức lương 50.000 đ/tháng mà phải nửa năm mới có một lần, hàng ngàn công nhân phải rời bỏ nông trường đi tứ tán khắp nơi, kẻ đi buôn chó, người vào miền Nam, người về quê. Sau khi khoán đất về hộ (1993), quả là doanh thu và giao nộp của nông trường có khá lên thật nhờ kiểu làm ăn “bán canh, thu tô”. Song đấy là nông trường bộ. Còn đất đai và con người tan tành hết. Sau năm 1993, gần 2.000ha đất được bán hết cho hộ dưới hình thức “bán cây” hết chu kỳ thu hoạch. Người công nhân đã phải đóng tiền đất một lần, song lại vẫn phải nộp sản, nộp quản lí phí theo kiểu mua canh, trả tô, và tự phải nộp  cả 20 % lương cơ bản vào quỹ BHXH (?). Nông trường họ có cái lí của nông trường: Người lao động “đã thu sản phẩm”, nên phải tự đóng BHXH (?). Tính bình quân một công nhân bậc 6, phải đóng 1,2 triệu đồng BHXH/năm, trong khi thu nhập từ 1- 200.000đ/tháng, nên họ tự bỏ nông trường mà đi hết. (1988 có 2220 CN; 1991: 1334 CN; 1996: 884CN; 1997: 618 CN; 1998:546 CN). Vì theo họ, làm công nhân hay ra ngoài cũng thế: vẫn nộp tiền đất một lần, vẫn nộp sản (30%) và quản lí phí (33- 100% nộp sản), ra khỏi biên chế càng khỏi phải đóng BHXH hơn triệu/tháng. Có người lên lương bậc 6 từ 1989, nay cho nâng bậc nhất quyết không lên, vì lương càng cao đóng BHXH càng nhiều. Thế là, trong vòng 10 năm, NTSB đã “bán” xong gần 2.000ha đất, và “giảm biên” được1674 người. Còn lại 546 người, họ là ai mà gắn bó với “biên chế” của nông trường? đó là trên 30 người thuộc nông trường bộ, như Giám đốc, kế toán, thủ quỹ... và xấp xỉ 500 người đang ngấp nghé tuổi nghỉ hưu, nên họ cố kiên nhẫn để chờ... sổ hưu. Còn lại, nhiều người đã có 15- 17 năm công tác trong biên chế, cũng đều phải tự nguyện ... rút lui. y nên mới có chuyện cười ra nước mắt: mấy năm trước, có tờ báo loan tin rằng: NTSB có 500 cô gái không chồng (!). Hôm chúng tôi lên làm việc, một ông trong ban lãnh đạo cứ khăng khăng: tờ báo ấy nói sai, nông trường hiện chỉ còn một cô gái... “khó lấy chồng”. Vì hồi ấy, có 500 cô xung phong lên NTSB công tác thật, nhưng 449 cô đã ... bỏ mà đi rồi. Liên, bạn tôi, là một trong số 449 cô gái ấy. 17 năm trong biên chế nông trường, đến lúc “bỏ mà đi” thì đã lỡ thời con gái, chẳng giám về quê, Liên cũng “tậu” được một mảnh vườn chè cỗi 5 sào; 4 năm trước, Liên cũng theo chị, theo em “tậu” được một bé gái không cha để nương tựa lúc về già. Liên bảo, trong đội của Liên, cũng khoảng mươi người phải đành như thế. Đấy là còn sướng hơn 6 chị đang ở trong khu tập thể đội 6, 10 người, thì 6 chị còn không chồng, không con... Thảo nào, lúc xe máy tụi tôi đi qua khu tập thể, thấy các chị vịn cửa nhìn theo xe tôi đau đáu! Cạnh nhà Liên là nhà Huệ, cũng cảnh như vậy. Huệ 40 tuổi, quê Phù Lưu Tế – Mỹ Đức – Hà Tây, rời quân ngũ vào đây lập nghiệp từ năm 1983. Không chồng nhưng có một con gái nhỏ 8 tuổi. Huệ “nhận khoán” 5 sào chè song phải nộp 6,5 triệu đồng “mua cây chè” đã qua 31 năm thu hoạch, giờ đã cỗi hết. Sau 17 năm gắn bó với nông trường, nay tài sản lớn nhất chỉ có chiếc xe đạp nát. Năm1997, xây một gian nhà hết 5 triệu nay vẫn nợ 3 triệu. Đang hưởng lương bậc 4, mỗi năm phải đóng 700.000đ BHXH cùng với trên 300kg thóc thuế Nhà nước và quản lí phí; cũng đang lo nay mai nông trường giải thể, không biết... đi về đâu? Huệ không có tiền đóng BHYT. May mà 17 năm nay chưa ốm trận nào, chứ không, cũng chẳng biết chạy chữa ở đâu?
            “Hạnh phúc” nhất trong số các gia đình mà chúng tôi vào, có lẽ là chị Lê Thị Thủy, 37 tuổi, đội 7. Chị có cả chồng, cả con. Chị (quê Mỹ Đức- Hà Tây) và chồng (Ninh Thanh - Hưng Yên) lên đây “lập nghiệp” từ năm 1997. Năm 1998, “hợp đồng” mua của nông trường 1,1ha đất, giá 8 triệu đồng, trong đó có 0,4ha chè + 0,7ha đất trắng. Chè mà chị “hợp đồng” đã qua 24 năm thu hoạch; thu bình quân đạt 120kg/sào x 4 sào x 1.800 đ/kg = 816.000đ/năm. Song mỗi năm anh phải nộp 800.000đ tiền thuế Nhà nước và tiền quản lí phí của cả 1,1 ha đất cho nông trường. Đấy là chưa kể 840.000đ tiền thuốc sâu, 600.000đ tiền phân bón cho 0,4ha chè. Hỏi làm sao mua, anh bảo: để có chỗ ở. 3 năm lập nghiệp trên nông trường, 2 vợ chồng anh, 2 đứa con vẫn bàn tay trắng, sống trong một túp lều tranh vách đất rộng 10m2 , ốm đau bệnh tật không biết bấu víu vào ai...
             Lúc ở nhà Liên ra, mấy anh công nhân chặn chúng tôi lại mà bảo: nông trường bộ thì giầu lên nhờ bán canh thu tô. Người lao động thì tan tác, ngày một khốn khó. Trong khi nông trường khác, như Lam Sơn, Sông Hậu... đang bắt đất đẻ ra vàng. Thì 2349ha đất của NTSB vẫn đang như nàng công chúa ngủ quên trong rừng.
             Còn hai thằng chúng tôi lại nhảy lên chiếc xe ọc ạch để đi tìm: còn gần 500 chị nữa, giờ đang ở đâu?
T.N
Báo NTNN
(Ngày 11/5/1999).


(Sau bài báo này, Giám đốc NTSB kiện Tác giả lên bờ, xuống ruộng. Họ bảo: Cả Nông trường chẳng có ai tên là Liên- như trong bài báo! Tác giả đã bịa đặt?...  Và đến giây phút cuối cùng, Tác giả vẫn không tiết lộ: Liên trong bài chính là Biên- Vũ Thị Biên- quê ở thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây- chỉ vì sợ Nông trường lại làm khổ em)!

Không có nhận xét nào: