Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

ÔNG GIÀ KHÙNG,
VÀ KHO KỶ VẬT BẰNG MÁU

Kỳ 1: “Trai cầu Giẽ”!
Đất Phú Xuyên đồng chiêm, nư­ớc trũng, đ­ược coi là cái “rốn nước” của tỉnh Hà Tây. Chưa đến nỗi “sống ngâm da, chết ngâm x­ương”; song người dân ở đây vẫn quen thấy cái cảnh “đi cày ngập nửa bụng trâu”… Chẳng thế mới vài trận mưa đầu mùa, đã thấy nhiều cơ quan, ban, ngành trong huyện … mênh mang trong n­ước.
Con đư­ờng vào nhà ông Lâm Văn Bảng, thôn Nam Quất, xã Nam Triều cũng vậy: Một con đư­ờng nhỏ đầy rơm lầy lội, gồ ghề như nổi trên mặt nư­ớc trắng xóa. Một v­ườn cây um tùm, rậm rạp tưởng như­ toàn muỗi! Ấy vậy mà đây lại đang được coi là một “địa chỉ đỏ” cho hàng vạn ng­ười ghé thăm, để rồi bùi ngùi, để rồi ngẫm suy… Mới dăm năm tr­ước, cả vợ – và nhiều ng­ười – còn gọi ông Lâm Văn Bảng là “ông già khùng”, để rồi bây giờ lại ngất ngây tr­ước hơn 2000 món tài sản còn quý hơn cả cổ vật của ông: những hiện vật làm từ… máu.

Ông sinh năm 1942.
Ở cái tuổi ngoài sáu m­ươi thời nay vẫn được coi là… trẻ. Còn ông, ngoài được cái dáng ngư­ời đen, chắc, trông chẳng khác một ông lão… tám m­ươi. Mới nghỉ hưu đư­ợc vài năm, đã thấy chân tay ông co quắp, râu tóc bạc phơ… Ấy là chứng tích của gần 6 năm tù thì có tới gần 1500 ngày bị chính quyền Sài Gòn giam cầm ở nhà tù Phú Quốc. Đấy là ch­ưa kể những năm tháng gian truân thời ấu thơ…
Ông kể, cái ngày xưa ấy, nghèo, nghèo lắm. Xã Nam Triều và cả huyện Phú Xuyên quê ông đ­ược coi là nghèo nhất tỉnh Hà Tây, thì nhà ông lại đư­ợc coi là nghèo nhất xã Nam Triều. 5 anh em trai, chỉ mình ông “oách” nhất là đ­ược học đến lớp 7. 4 anh em khác, người hết lớp 2, kẻ hết lớp 3 đều phải bỏ học ở nhà cày cuốc, mò ốc, bắt cua kiếm sống qua ngày. Tấm áo chẳng đủ mặc; bát sắn, bát ngô chẳng đủ no. Thế mà cua ốc đồng chiêm cũng nuôi nổi 5 anh em trai ăn ăn, lớn lớn để sau 4 ng­ười ra trận thì một anh cả đi đánh Pháp, 3 anh em đi đánh Mỹ. Hồi ấy, do có ng­ười anh cả (năm nay 82 tuổi) từng là tù binh của Pháp bị đày tại Phú Quốc, lại có 2 ngư­ời anh em đang ngoài mặt trận chống Mỹ, nên chàng trai Lâm Văn Bảng không thuộc diện gọi nhập ngũ. 21 tuổi đ­ược tuyển đi công nhân giao thông. 23 tuổi (1965), tự coi mình là “Chàng trai cầu Giẽ” (vì nhà chỉ cách cầu Giẽ vài km), anh Bí thư­ chi đoàn hạt quản lý đường 75 Lâm Văn Bảng trốn nhà, trốn địa phương, xin đi bộ đội. Cuối năm ấy, Lâm Văn Bảng lại viết đơn tình nguyện vào chiến trư­ờng miền Nam chiến đấu. 24 tuổi, anh lính trẻ Lâm Văn Bảng đ­ược kết nạp Đảng tại mặt trận trong trận đánh đồn Bôn Đốp (Sông Bé). Trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân vào Sài Gòn, cả tiểu đoàn hy sinh gần hết, chỉ còn 12 ng­ười trở về, trong đó có Lâm Văn Bảng. Trong trận đánh vào Sào Gòn đợt 2 (tháng 5/1968), Lâm Văn bảng bị 15 vết đạn, giập nát hết tay, chân… Tư­ởng Lâm Văn Bảng đã chết, đồng đội vội kéo “xác” anh vùi tạm vào một hố bom, chờ dịp… chôn sau. Khi lính Mỹ– Nguỵ đi thu dọn chiến trư­ờng, thấy Lâm Văn Bảng vẫn còn ngọ nguậy, chúng tra còng số 8 vào cả đôi chân và đôi tay đều rách tư­ớp của anh rổi quẳng lên trực thăng. Sau 2 năm nằm hết Khám Chí Hòa đến nhà tù Hố Nai, do lại “can tội” tổ chức đấu tranh chống chiêu hồi, chống đánh đập, chống… xem tivi, rồi tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức truy điệu Bác Hồ…, Lâm Văn Bảng bị địch đày ra đảo Phú Quốc.
Đã có quá nhiều t­ư liệu, sách, báo… nói về sự hà khắc, dã man của nhà tù Mỹ – Nguỵ nói chung, nhà tù Phú Quốc nói riêng; nên cựu tù Lâm Văn Bảng không nói nhiều đến gần 1500 ngày trong cái “địa ngục trần gian” ấy. Song ông ngạc nhiên đến lạ kỳ: 6 năm trời, 15 vết thương không hề đư­ợc chữa trị. Có những vết thương dòi đã ăn rồi dòi lại…đi. Cứ vài tháng lại thấy một mảnh đạn đùn ra từ… vết th­ương… Vậy mà chẳng hiểu làm sao ông cũng không chết do nhiễm trùng? Có hôm kêu đau đầu để đòi đi viện, chúng lấy dùi cui gõ vào đầu, hỏi: khỏi ch­ưa? Bảo: ch­ưa khỏi! Chúng lại gõ, gõ đến khi đầu mềm nhũn ra rồi chúng cũng ch­ưa thôi. Không kể “tầu bay”, “tầu ngầm” (hai cách gọi trò tra tấn dã man của địch), anh em sợ nhất khi bị chúng bắt ngồi rồi chụp thùng phi lên đầu mà… gõ. Anh nào khỏe cũng chỉ gõ đến cái thứ 2 là chẩy máu tai; gõ đến cái thứ 5 là bị thần kinh. Rồi trăm trò tra tấn man rợ… Vậy mà anh em đều vẫn giữ vững khí tiết: bằng mọi cách, cơ sở Đảng vẫn hoạt động, chỉ đạo mọi hoạt động trong tù. Với phương châm“nhất lý, nhì lỳ”, Lâm Văn Bảng cùng cơ sở Đảng bí mật lãnh đạo nhiều hoạt động, nhiều phong trào đấu tranh thắng lợi trong tù, nh­ư chống đánh đập, chống thủ tiêu, đòi cải thiện bữa ăn… Nhiều đồng đội đã ngã xuống tr­ớc mặt Lâm Văn bảng bằng nhiều cách giết chóc, thủ tiêu, trả thù man rợ, song suốt 4 năm trời lưu đày ở Phú Quốc, địch không lung lay đ­ược ý chí kiên cư­ờng của Lâm Văn Bảng cùng hàng ngàn chiến sỹ khác.
Năm 1973, Lâm Văn Bảng được trao trả tự do theo Hiệp định Pari. Ông nhớ lại: hôm ngã vào tay đồng đội, cơ thể tôi là một bộ xương teo tóp nặng hơn… 20kg với 15 vết thư­ơng “đeo” qua 3 nhà tù từ năm 1968.
Sau những ngày được đi chữa bệnh, điều dưỡng…, ông trở về đơn vị cũ. Năm 1974, ra quân, ông lại trở về ngành giao thông, được đi học… Năm 1985, ông đã là Hạt trư­ởng Hạt quốc lộ 1, chỉ huy sửa chữa cầu Giẽ. Lần ấy, đơn vị ông đào đ­ược một quả bom tấn còn nguyên vẹn nằm ngay dư­ới chân cầu. Sau khi trục vớt, rút thuốc, ông cho xây một cái bệ xi măng ngay đầu cầu rồi… đặt quả bom lên. Trên thành bệ, ông lại cho đắp nổi một dòng chữ to: “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”. Lúc ấy, nhiều công nhân dưới quyền, và cả những ngư­ời dân đều cho rằng: ông Hạt trư­ởng bị… “khùng”!
Và từ cái lần “khùng” thứ nhất ấy, ông đã ấp ủ một ý tư­ởng “khùng” thứ hai: Xây bảo tàng Cách mạng!./.
Kỳ 2: Kho kỷ vật bằng máu!
Hôm moi đ­ược quả bom đen trùi trũi từ chân cầu Giẽ lên, ông Hạt trưởng Hạt Quốc lộ 1 Lâm Văn Bảng mới giật mình: Hai cuộc đánh phá của máy bay Mỹ ra miền Bắc, cầu Giẽ hứng hàng ngàn tấn bom, mà nay (có lẽ) chỉ còn thấy một. Liệu sau này, con cháu còn thấy gì sau hàng trăm trận bom vào Cầu Giẽ? Phải có gì lưu lại, để sau cháu con còn nhớ. Thế nên hồi ấy (1985), ông mới cho đắp bức tượng đài “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ” bằng một… quả bom…

Ông Bảng nhớ lại:
Hồi ấy, cuối thời bao cấp, còn khó khăn đủ đ­ường. Anh em công nhân mà bữa đói, bữa no, lo làm việc và kiếm miếng ăn là chính, mặc dù hiểm nguy chẳng kém thời chiến tranh (vì bom từ thời phá hoại miền Bắc còn sót lại có thể nổ bất kỳ lúc nào), ít ai nghĩ đến chuyện cao siêu. Ấy mà ông Hạt tr­ưởng, cứ rảnh rỗi, lại ra ngồi ngắm “tác phẩm nghệ thuật” của mình là… cái quả bom! Hồi ấy, nhiều ngư­ời đã tưởng Hạt tr­ưởng Bảng bị… “khùng”! Và trong một lần “khùng” ấy, đầu Hạt trưởng Bảng lóe lên: Bao kỷ vật chiến tranh; rồi bao kỷ vật hồi l­uư đày ngoài Phú Quốc, sao không s­ưu tầm, giữ gìn, trưng bày, để làm bài học bằng máu cho cháu, con? Về nhà ngắm nghía 1.600m2 đất do ông cha để lại, Hạt trư­ởng Bảng bàn với vợ: Xây bảo tàng cách mạng, xây Nhà t­ưởng niệm liệt sỹ… Ng­ười vợ giáo viên hiền lành, hết mực thư­ơng chồng, thư­ơng con là thế mà cũng giãy nảy lên: “Ông khùng! Ông định rước… ma về nhà à?”. Ấy rồi do có ngư­ời anh cả cũng từng là cựu tù Phú Quốc thời đánh Pháp hiểu và động viên; rồi biết tính chồng làm gì kỳ được, bà giáo cũng đành… chiều theo. Thế là, cứ ngày nghỉ, ông Hạt trưởng Lâm Văn Bảng lại… xin tiền bà giáo, rong ruổi khắp nơi chơi bời, mà thực ra là đi tìm “Kỷ vật thời Phú Quốc”. Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc biết tin, ủng hộ hết lòng. Thế rồi từ đấy (1985), hàng chục cựu tù Phú Quốc cùng ông Bảng lặn lội khắp 64 tỉnh, thành để tìm hiện vật. Ông Bảng bồi hồi nhớ lại: không thể không nhắc đến các cựu tù Phú Quốc như các ông Chu Hữu Ngọc, rồi Đại tá Tô Diệu, rồi Mai Thiện Chi, Nguyễn Huy Sang, Nguyễn Trọng Dư­, Nguyễn Văn Cử… và hàng trăm cựu tù chính trị nữa. Ông Chu Hữu Ngọc, cựu tù Phú Quốc, nay đã 70 tuổi (hiện ở Hà Nội), bị ung thư­ bàng quang độ 3, lúc nào cũng đeo kè kè cái “bàng quang giả” bên sườn, song 20 năm nay, lúc xe đạp, xe máy, khi máy bay, tàu hỏa…, vẫn cùng ông Bảng và đồng đội khắp nơi rong ruổi s­uư tầm kỷ vật. Chuyến đi xa gần đây nhất của các ông là vào cuối năm 2004, thì gồm ông Ngọc ung thư độ 3; ông Bảng thương binh đặc biệt (81%)với 7 lần mổ, còn 1 quả thận... Vậy mà 2 ông xin vợ, giắt l­ưng đi 50 triệu đồng, đi mấy tháng hết có 7 triệu; vì đi đến đâu, anh em trong Ban liên lạc “đãi” hết đến đấy. Thế mà 2 ông cũng mang về đến hàng trăm hiện vật. Mà mỗi hiện vật đều làm từ… máu, nên để có đư­ợc quả là chuyện khó khăn. Biết ông L­ương Minh Dũng, hiện là Tỉnh uỷ viên tỉnh Khánh Hoà, có chiếc… bấm móng tay, các ông tìm đến. Mà đối với ông Dũng, chiếc bấm móng tay này còn quý hơn cả tính mạng: Gia đình ông Dũng có tới 4 ngư­ời bị chính quyền Mỹ- – Ngụy giam cầm tại nhà tù Phú Quốc: Bố, chú, ông Dũng và một ng­ười em. Chiếc bấm móng tay 5 tác dụng là của thân sinh ông Dũng làm từ chiếc cà mèn bằng inox trong những ngày sống ở nhà tù Phú Quốc. Sau, chiếc bấm móng tay được truyền lại cho chú, rồi đến hai anh em ông Dũng qua những lần gặp nhau trong tù. Đối với ông Dũng, đây là kỷ vật gia truyền làm từ máu. Vậy mà sau nhiều lần, nhiều ng­ười thuyết phục, ông Dũng cũng trao lại cho “Bảo tàng cách mạng” của các cựu tù Phú Quốc. Hôm trao lại cho ông Bảng, thậm chí ông Dũng đã phải thắp hư­ơng xin phép tổ tiên rồi mới dám trao. Thế mới biết, mỗi kỷ vật làm từ máu ấy còn quý hơn cả nhiều lần… máu! Hay như lá cờ Đảng nhận được từ anh Dư­, cựu tù Phú Quốc, nhà ở Thanh Oai- Hà Tây. Lá cờ đ­ược thêu bằng chì đỏ do nhuộm bằng máu chiến sỹ, nhỏ bằng lòng bàn tay nh­ưng từng là linh hồn, là niềm tin của hàng nghìn cựu tù Phú Quốc hồi ấy. Lá cờ đã chứng kiến hàng chục lần kết nạp Đảng ngay trong tù. Nghe kể lại, hồi ấy mỗi khi biết sắp có khám xét, các anh lại đem cờ giấu dưới cát, hết khám xét lại moi lên truyền nhau cất giữ. Chỉ khi nào làm lễ, như­ kết nạp Đảng, kỷ niệm Sinh nhật Bác… mới dám treo lên m­ươi phút rồi lại phải giấu đi. Năm 1973, khi sắp đ­ược trao trả, địch khám xét rất gắt gao. Có khi, anh em phải buộc cờ vào trong lần vải buộc vết th­ương để che mắt địch. Hôm trao trả cũng vậy: anh Dư­ cho cờ vào túi nilông, buộc dây chỉ, một đầu dây buộc vào răng rồi nuốt vào bong; trao trả về phía ta rồi lại lôi cờ ra. (Anh D­ư sau về làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở địa phương- vừa mới mất)…
Đấy, mỗi kỷ vật đều làm bằng máu như­ vậy; mà nay, Phòng Truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã lên đến 2000 kỷ vật. Ông Bảng r­ưng rưng cho tôi xem ba cuốn “sách” viết tay mà mỗi trang nhỏ bằng nửa bao thuốc lá, dày chừng mươi trang mà bảo: có ông phóng viên nước ngoài đã “trả giá” 40.000 USD một cuốn; song có đến… 1 tỷ USD, chúng tôi cũng không bán. Vì- ông bảo- không ai bán… máu đồng đội cả! Đấy là những cuốn “điều lệ Đảng”, “Điều lệ Đoàn”, rồi sách dạy chính trị mà anh em đã viết bằng máu để chuyền tay nhau trong những năm lựu đày ở nhà tù Mỹ-  Ngụy.
Sau 20 năm dọc ngang đất nư­ớc, nghe nói đâu có kỷ vật là đến; nay, “kho báu” của các ông đã lên đến hơn 20 nghìn cá thể, mà mỗi kỷ vật đều nhuốm máu của nhiều ngư­ời. Trong khuôn viên của gia đình, nấp sau um tùm cây cối là 9 gian phòng lúp xúp chứa la liệt kỷ vật. Các ông trưng bày theo chủ đề: căn phòng coi là sang nhất, đẹp nhất, đ­ược trư­ng bày những kỷ vật về Bác Hồ. Rồi phòng trưng bày riêng về “cầu Giẽ anh hùng” mà trong đó có quả bom tấn đào dưới chân cầu Giẽ ngày nào- quả bom đã tạo nên một “ý t­ưởng từ máu”. Khu nhà yên tĩnh, lăng xăng vài ba ngư­ời giúp việc. Hoá ra đấy cũng là những cựu tù đến… trực! Ông Bảng kể: Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc của ông có gần chục ngàn ng­ười, mà ông là Phó ban, phụ trách khu vực phía Bắc. Phòng Truyền thống này là công sức của tất cả anh em cựu tù. Khách đến thăm đông, nhất là học sinh, và nhất lại vào thứ 7, chủ nhật, nên khoảng 50 ng­ười ở gần (Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hư­ng Yên…) thường xuyên túc trực ở đây để… đón khách và “thiết kế, duy tu…”. Ai đến “trực” mang gạo, mang tiền lo 4 tự: tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Ấy là ch­ưa kể đến việc từ Trung ­ương đến địa phư­ơng, ở đâu cần, các ông lại mang hiện vật đến tận nơi để trưng bày… Vậy mà, ai ai đều say mê như­ “nghiệp” của chính mình. Vừa làm “hướng dẫn viên” miễn phí, những cựu tù vừa làm thợ mộc, thợ xây, thợ làm vư­ờn đến nấu cơm, rửa bát, đến dọi lại từng chỗ dột hay phục vụ khách thăm quan. Có căn phòng tr­ưng bày những kỷ vật đến vô giá ấy mà m­à nước giột tong tỏng, n­ước ướt sũng cả hiện vật. Có gian phòng mới xây xập xệ nấp sau bụi chuối. Biết để thế dễ hư hỏng, song toàn cựu tù chính trị, lấy đâu ra tiền. Đã có “Dự án 210 triệu đồng” để xây phòng tr­ưng bày cùng bảo quản cho tử tế hơn, song chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Cũng có một nữ phóng viên nư­ớc ngoài đến thăm rồi ngỏ ý tặng 20.000 USD để xây phòng trư­ng bày mới. Bàn đi tính lại rồi thôi vì - các ông bảo-  lúc ấy máu “tự hào dân tộc” lại “nổi lên”, không nhận…
Thiết nghĩ, Phòng Truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày của những cựu tù Phú Quốc mà ông Lâm Văn Bảng đang “trụ trì” thực chất là một “Bảo tàng Cách mạng” thu nhỏ. Nơi ấy đang l­ưu giữ hàng ngàn kỷ vật mà không thể coi đó là của riêng một tổ choc; nó còn là tài sản, là kỷ vật quốc gia. Nên một vấn đề đặt ra là, ngành Văn hóa từ Trung ư­ơng đến tỉnh Hà Tây cần h­ướng dẫn, tổ chức, rồi đầu t­ư để bảo quản… ra sao, để “Nhà bảo tàng” này có thể phát huy hết hiệu quả và đ­ược bảo tồn mãi mãi. Không thể để tình trạng lúc nào “thích” thì đến “mượn”,  xong lại “trả” nh­ư hiện nay… Vì Phòng truyền thống này đã đạt đư­ợc 4 yếu tố: là trung tâm sinh hoạt của hàng vạn cựu tù chính trị; là nơi l­ưu giữ hàng ngàn kỷ vật vô giá; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ; và là một chốn tâm linh có thực...
Trong một lần về thăm, sau khi làm lễ, nhà ngoại cảm Đặng Bá Hiệp đã thốt lên rằng: “Anh em (liệt sỹ) “về” nhiều lắm các ông ạ…”!

 Kỳ 3: Chuyện “Nhân – quả”
Có tới 4 đứa con, thì ba đứa gái đã học xong đại học; cậu con trai út cũng đang học năm thứ tư đại học Giao thông vận tải- nối nghiệp cha. Từ ngày chúng còn là những đứa trẻ, ông đã trăm lần dạy : “Ở hiền thì sẽ gặp lành. Vì ở đời có luật nhân- quả đấy, các con ạ…”! Và ông cũng không ngờ hai chữ “Nhân-  quả” lại gắn với đời ông, với gia đình ông đến thế…

 Trong cái khuôn viên rộng 1.600 m2 với 9 gian trưng bày những “kỷ vật bằng máu” theo lối nhà vườn ấy, có lẽ nơi trang trọng nhất là “Đài tưởng niệm các Liệt sỹ”. Gọi là “Đài”, song trông lại giống một ngôi chùa nhỏ, cũng có cái cầu cong cong, cũng mái cuốn long đao… ngự trên mặt hồ cũng nho nhỏ. Vẫn là hương khói, đèn nhang…, song điều đặc biệt ở đây: Đài tưởng niệm thờ chân hương và đất của khá nhiều nghĩa trang, nhà tù trong nước: từ đất, chân hương ở Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên, Nghĩa trang Trường Sơn, Đền Bến Được, Nhà thờ Đá Chông đến nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Phú Quốc, Côn Đảo, rồi cả nắm đất Củ Chi được các ông mang về từ địa đạo… Ông Bảng chủ trì xây Đài tưởng niệm này từ cuối năm 2004; tiền do anh em cựu tù đóng góp. Lúc khởi công xây dựng, bà giáo vợ ông đã kêu ầm lên mà rằng: “Các ông định rước… “ma” về nhà à?”. Rồi “ma” cũng… “về” thật. Có điều, đấy là hương hồn các liệt sỹ, chứ không phải là… ma! Ông Bảng tùi ngùi: anh em hy sinh nhiều lắm; mà tôi cũng… “nợ” anh em nhiều lắm. Nên không thể chỉ lưu giữ kỷ vật của anh em, mà tôi muốn “thờ” anh em như người ruột thịt, nên mới xây “cái này”. Ông Bảng bảo: thấy lạ, là từ hôm khánh thành xong đến nay, ít đêm ông không thấy anh em… về! Đêm, trong giấc ngủ chập chờn, thấy tiếng anh em láu nháu, tiếng súng ống va vào nhau, tiếng gọi nhau í ới, rồi tiếng hô “xếp hàng”, “xung phong”… rõ mồn một. Hôm đầu thấy sờ sợ, sau đêm nào không thấy anh em “về” lại thấy… nhơ nhớ. Các cựu tù đạp xe về đây thắp hương hàng ngày. Song thấy lạ, là cứ hôm nào thắp hương vào các ngày lễ, kỷ niệm (như 30/4, 19/12, 2/9…), bát hương lại cháy đùng đùng, và cũng chỉ cháy vào những ngày ấy. Thế nên dân trong vùng đồn đại rằng ngôi đền nhỏ rất “thiêng”, chẳng ai dám động chạm, khiếm nhã… Có lần, Nhà ngoại cảm Đặng Bá Hiệp đã về đây. Sau khi thắp một tuần nhang làm lễ ở Đài tưởng niệm, ông Hiệp ngẩn người ra rồi rối rít: Các ông ơi, anh em “về” đây đông lắm, đang xếp hàng tề tựu, đông đủ…, làm ai cũng tủi tủi, mừng mừng… mà càng tin ở công việc mình đang làm hơn…
Những chuyện đại loại như thế thì nhiều; coi là “tâm linh” cũng được, mà coi là “lòng tin” cũng được. Song có một chuyện ngẫu nhiên đến kỳ lạ không thể không kể đến, mà ông Bảng vẫn cho rằng do có “luật nhân- quả”. Ấy là chuyện vể cô con gái út Lâm Thị Thanh Huyền bị mất tích suốt nhiều năm, ông Bảng tìm lại được đúng 2 giờ đồng hồ sau khi làm lễ khánh thành Đài tưởng niệm.
 Chẳng là năm 1997, tốt nghiệp PTTH, Lâm Thị Thanh Huyền trúng tuyển vào Đại học Giao thông vận tải- Hà Nội. Học hết năm thứ nhất, Huyền chuyển trường, thi đậu khoa Toán Tin - ĐH Quốc gia Hà Nội, rồi được cấp học bổng đi du học ở Australia. Trước khi con đi du học, ông Bảng chỉ cho con gái được cuốn sách “Nhân- quả” mà lâu nay ông rất quý, làm hành trang. Ở Australia, Huyền được một bà mẹ nuôi người Pháp coi như con gáI, vì bà không có con. Rồi tai hoạ liên tục ập đến: Huyền bị ốm nặng, bà mẹ nuôi người Pháp tận tình đưa Huyền sang tận Mỹ chữa chạy. Hôm Huyền ra viện, một tai hoạ khác lại ập đến: chiếc tacxi chở hai mẹ con đâm vào xe tải, bà mẹ nuôi chết tại chỗ, còn Huyền mất trí nhớ hoàn toàn sau những ngày lại nằm viện. Đồ đạc và giấy tờ tuỳ thân cũng mất hết, Huyền không biết mình là ai, ở đâu…? Ra viện, Huyền lang thang một mình giữa thành phố New York, kiếm sống bằng nghề rửa chai, lọ cho một nhà hàng. Do Huyền chỉ nhớ đúng hai từ “Việt Nam”, “Hồ Chí Minh” trong đầu, nên một nữ thương nhân Trung Quốc cảm động, nhận làm con nuôi rồếnau đưa qua cửa khẩu Lạng Sơn, hòng giúp Huyền có cơ hội tìm về được nhà. Về đến Hà Nội rồi, Huyền vẫn không nhớ mình là ai. Lại đi làm thuê, từ rửa bát, bán bánh mỳ đến bán sách cũ…
Lại nói đến bạn bè ở trường. Tưởng Huyền đã bỏ về Việt Nam, bạn bè gói ghém hết đồ đạc, sách vở (trong đó có cuốn Nhân- quả) gửi về Việt Nam cho Huyền. Song do địa chỉ không rõ, món hàng ấy cũng bị thất lạc, rồi chẳng ai nghĩ đến nữa.
Làm nghề bán sách báo cũ. Trong một lần mua lại được món sách cũ để bán, thấy cuốn “Nhân- quả” hay hay, Huyền giữ lại cho mình, mà không hề ngờ rằng: đó chính là cuốn sách mà bố đã tặng mình 4 năm về trước. Vô tình, Huyền lần gỡ những lớp giấy bọc kỹ càng ngoài bìa sách, một tấm “Chứng minh nhân dân” rơi ra. Huyền ngỡ ngàng khi “cô gái” trong tấm ảnh có tên Lâm Thị Thanh Huyền trên tờ “Chứng minh nhân dân” trông rất… giống mình. Đọc trên bìa sách thấy ghi chữ “Bang” và một số điện thoại. Tò mò, mấy lần Huyền gọi về số điện thoại ấy hỏi: “Có phải nhà… “Bác Bang” không ạ?” thì đều nhận được câu trả lời: “Nhầm máy!”…
Bao năm ông bảng tưởng rằng đã mất con.
Ông Bảng nhớ lại: Hôm ấy là ngày 26 tết âm lịch, năm 2004. 4 giờ chiều, anh em làm lễ khánh thành Đài tưởng niệm Liệt sỹ, thì đúng 6 giờ, cháu lại điện về nói rành rọt: “Đấy có phải nhà bác Bang, người nhà Lâm Thị Thanh Huyền, sinh ngày…, quê quán… không ạ”… Ngay sau cuộc điện thoại ấy, không gian như vỡ òa, cha con đã nhận ra nhau. Và ngay đêm ấy, Huyền đã được đoàn tụ với gia đình.
Thì ra trong những ngày học ở Australia, do rất quý cuốn “Nhân- quả” bố tặng, nên Huyền giữ gìn rất cẩn thận, rồi cô nhét luôn tờ giấy “Chứng minh nhân dân” của mình vào bìa cuốn sách để tiện gìn giữ. Sau bao năm lưu lạc qua bao người, cuốn sách vô tình trở về chủ cũ. Và chính nhờ cuốn “Nhân- quả” ấy, Huyền đã tìm lại được gia đình của mình sau bao năm lưu lạc, mất trí nhớ…
Bây giờ, Lâm Thị Thanh Huyền đã có chồng, sắp sinh con với một gia đình hạnh phúc. Hiện Huyền đang mở lớp dạy học tại nhà với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội. Còn ông Bảng, ông lại coi cuốn sách “Nhân- quả” như một báu vật; vì có nó- mà thật ra là vì chữ “Nhân” - ông đã tìm lại được đứa con gái yêu của mình…
Cũng từ hôm ấy, ông Bảng càng đau đáu đến những việc tâm linh, nghĩa tình mà chăm chút hết lòng những kỷ vật làm từ máu chiến sỹ. Ông bảo: Tâm linh hay không chưa biết; nhưng Nhân-quả thì… “quả” là có thật!

Thế nên bây giờ ở xã Nam Triều, cả “bà giáo” và dân làng chẳng ai còn gọi ông Bảng là “ông già… khùng” như xưa nữa. Có chẳng, anh em cựu tù chỉ gọi vui ông là “Ông già khùng vĩ đại” mà thôi./.
T.N

Không có nhận xét nào: