Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

ĐỢI LŨ

            Người ta thì mong “Bao giờ cho đến tháng mười”, còn người dân vùng lũ thì lại mong sao cho nhanh hết... tháng bảy. Tháng bảy là mùa mưa bão, cũng là mùa phân lũ. Mười năm thì cả mười tháng bảy người dân vùng lũ thấp thỏm đợi lũ. Cứ qua tháng bảy âm lịch mà chưa có lũ, khi lúa đã đỏ đòng, người nông dân mới thở phào: thoát rồi!
          
(Ảnh có tính minh họa)
  Những năm 1967 -1972, xã tôi có 3.000 dân thì có hơn 1.000 dân Hà Nội về sơ tán, tránh bom. Hồi ấy, dân làng tôi chặt trụi cả tre, cắt trụi cả những vườn cỏ tranh ủng hộ đồng bào sơ tán làm lán, làm nhà. Có hôm tôi vác rổ ra sân hợp tác xã chờ chia khoai; nhà ít điểm, hôm nào nhiều được chừng một rổ khoai là cùng. Đợi mọi người trong đội đến đông đủ, ông đội trưởng đội sản xuất mới đứng trên đống khoai cao ngất giữa sân mà tuyên bố:
            - Hôm nay xe chở bột mỳ của đồng bào sơ tán bị bom đánh cháy, bà con sơ tán không có gì ăn! Nay xã viên đội ta ủng hộ đồng bào sơ tán toàn bộ chỗ khoai lang này, có được không?
            Hàng trăm người đứng ngồi chật sân kho cùng đồng thanh đáp:
            - Đồng ý... ý... ý... Rồi mọi người vui vẻ quang rổ về không.
            Nhà tôi nhận nuôi hộ 2 đứa trẻ con, đứa lên bốn, đứa lên hai. Mỗi thứ bảy bố mẹ nó lại đạp xe về thăm, lúc cho nhà tôi lọ mỳ chính, lúc trai nước mắm loại một, quý lắm. Gần 30 năm chiến tranh qua đi, đứa làm kỹ sư, đứa làm bác sỹ, tuyệt không thấy một lần về thăm...
            Mấy hôm vừa rồi về quê thấy cả làng lại nháo lên về chuyện phân lũ! gặp bà chị họ ngoài đồng, chị hỏi: Năm nay có phân lũ không hả chú, cứ làm như tôi là cái ông chuyên mở cống phân lũ không bằng. Chị bảo, cắm cây mạ xuống bùn mà cứ đờ đẫn cái cổ tay. Đổ mồ hôi đuồn đuột mà không biết có nhìn thấy hạt lúa hay không? Năm 1971 cũng phân lũ. Chỉ trong một ngày, con lũ đổ về 4 dòng, cắt rời làng tôi ra làm 5 khúc; 2/3 xã tôi và 1/2 huyện Mỹ Đức chìm sâu trong xoáy nước. Từ xưa, làng tôi vốn là cái rốn của tỉnh Hà Tây, động nắng là hạn, động mưa là lụt. Chiến tranh thì dân làng tôi đón người Hà Nội về sơ tán; nước sông Hồng to thì lại đón lũ về để cứu Hà Nội. Lũ thì chỉ có mấy ngày, còn ngập thì hàng tháng. Tính riêng năm ấy, cả xã tôi mất 7 tỷ đồng (tiền năm 1971); 3.000 dân đói xơ đói xác. Nhà nước phải “cứu tế” bằng hạt mỳ, bột mỳ, không ai chết đói...
            Năm nay, theo số liệu của UBND huyện Mỹ Đức cung cấp thì mức nước phân lũ dự kiến sẽ cao hơn mức nước năm 1971 từ 1,6m đến 2m. Như vậy, toàn bộ huyện Mỹ Đức sẽ chìm sâu trong nước, mất trắng 7.250ha lúa (100%); 1.000ha màu (100%); 476ha vườn cây ăn trái, ngập 33.000 nóc nhà, ngập 40/54 trường học; 21/23 trạm y tế rơi vào tình trạng... ngập phủm! Toàn huyện Mỹ Đức sẽ mất khoảng 450 - 500 tỷ đồng. Riêng ở Đốc Tín - cái rốn của vùng rốn nước - sẽ thiệt hại lớn hơn cả: 1011 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó 500 nhà bị nhấn sâu 3m. Nếu các xã khác ngập 30 ngày nước rút, thì ở đây sau 45 ngày vẫn còn ngập. Ngoài 214ha canh tác bị mất trắng (trên 1.000 tấn lương thực) thì cái mất lớn nhất ở đây là cây ăn quả và cây công nghiệp. Đốc Tín là đất trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và là nơi có vườn nhãn lồng nổi tiếng trồng cách đây hàng trăm năm, có cây cho hàng tấn quả mỗi vụ. Cả xã có 60ha dâu, 9.000 cây nhãn và mỗi năm cho hàng trăm ngàn tấn quả và là nguồn sống của trên 4.000 con người. Riêng hai nguồn này, mỗi năm dân làng thu về trên 3 tỷ đồng. Nếu phải trồng lại, phải 10 năm sau mới lại có bãi dâu như bây giờ và 100 năm sau mới lại có được vườn nhãn như bây giờ. Cây dâu chỉ ngập nước 10 ngày là chết, vậy mà năm nay dự kiến nước sẽ ngập 30 - 40 ngày? Cán bộ xã lo sắt người, âm thấm lo cách di dân mà chưa dám hé răng vì sợ dân bỏ vụ cấy mùa. Không nói ai cũng biết, vì năm nào mà họ chẳng phải đợi lũ. Đi đến đâu cũng thấy tiếng hỏi: liệu có phân lũ không chú...? Liệu có phân lũ không anh...? Họ cứ làm như tôi là ông trưởng ban... phân lũ! Chợt nhớ hôm vừa rồi ra phố Khâm Thiên cắt cái áo, tôi nói chuyện với mấy chị thợ may về chuyện phân lũ. Một chị tặc lưỡi: Ôi dào, phân lũ là chuyện đẩu đâu, Hà Nội sao mà lũ được! Cả làng tôi đang thon thót một nỗi lo nữa: một đoạn đê Đáy sắp vỡ cuối làng. Nhớ hồi tôi còn bé, phía ngoài chỗ đê ấy là một bãi chiếu bóng rộng thênh thang. Nhưng bãi chiếu bóng đã lở xuống sông; nay sông lở sát vào mặt đường vào chừng 1m. Mà đây là đoạn đường rất đẹp, có hàng vạn du khách về thăm chùa Hương mỗi năm. Hồi chiến tranh, mấy nhà thơ về đây sơ tán cũng làm được nhiều bài thơ nổi tiếng về đoạn đê này. Phía trong đê là mấy cái hố bom. Bây giờ chỉ cần sông Đáy báo động mức nước số 3, đoạn đê này vỡ là điều cầm chắc. Nói dại, nếu nó vỡ, 10 xã vùng nam Mỹ Đức sẽ ngập phủm, chưa cần đợi đến phân lũ. Chỉ cần 400 - 500 triệu đồng kè lại, giữ cuộc sống cho 10 xã với 5 vạn dân mà xin kinh phí suốt 4 năm nay vẫn chưa được. Xã nghèo, đến cái trường cấp 1 bão sập suốt 4 năm nay vẫn chưa có tiền xây lại, học trò phải học đậu khắp nơi, lấy đâu ra tiền kè lại? Thật ra năm 1997, Chính phủ đã hỗ trợ cho chỗ đê sắp vỡ này 1,1 tỷ đồng để tu bổ; vì nó còn là đoạn đường đẹp nhất trong cả tuyến du lịch Mỹ Đức - Chùa Hương. Họp hành liên miên, dấu mực đỏ lòe, việc kè lại sẽ bắt đầu triển khai thì 1,1 tỷ đồng lại được huyện “điều động” sang xã khác...?
            Cho đến những ngày đầu tháng 7 này, 23 xã của huyện Mỹ Đức đã cấy gần xong 7.250 ha lúa vụ mùa mà đang có nguy cơ mất trắng. 20 năm nay, năm nào người dân Mỹ Đức cũng thấp thỏm đợi lũ. Họ quen rồi và họ vẫn cứ sống, cứ hy vọng lại đón lũ “sểnh” như năm ngoái, năm kia... Họ sẵng sàng chấp nhận tất cả, chấp nhận thiệt thòi mà không hề có đòi một hỏi gì, miễn là đừng ngập Thủ đô! Chính phủ, Trung ương, huyện, xã... đã có đầy đủ phương án chống lũ để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Từng cân muối, mét vải, bạt lều... đã ém sẵn trong kho. Phương án chống lũ của UBND huyện năm nào cũng dày cộp hàng trăm trang. Từ con người đến con bò, con lợn... đều đã có địa chỉ sơ tán. Trong phương án, khi phân lũ sẽ báo trước 48 giờ; liệu có đủ sức, đủ thời gian sơ tán ngần ấy con người, tài sản đến một nơi cách đấy dăm bảy cây số? Trừ xã Hương Sơn, phần lớn các xã đò chẳng có một con, xuồng chẳng có lấy một chiếc, đến phao cứu sinh cũng không có lấy một cái... Thế mà người dân ở đây vẫn vui vẻ đợi lũ. Họ hiểu: nếu lũ ở Hà Nội, thiệt hại còn gấp trăm ngàn lần lũ ở một vùng đất nghèo như quê tôi. Song, họ cũng có quyền mong người khác hiểu cho họ; họ sẽ đói, sẽ mất tất cả tài sản, vườn tược vì chịu lũ thay(!). Đến với họ, ngoài tình thương, sự cảm thông hoặc những tấm lòng “từ thiện”, cần phải có thêm một khái niệm nữa: Trách nhiệm! Xin đừng vô tình như chị thợ may mà tôi đã từng gặp.

            Hôm nay, người dân vùng lũ vẫn thấp thỏm: Bao giờ cho hết... tháng bảy?
T.N

Không có nhận xét nào: