Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

 “ÔNG "LIỆT SỸ" 
ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI...!

Một ngôi nhà nhỏ nằm trong một ngõ nhỏ sát hai trường học; “diện tích mặt sàn” của ngôi nhà vẻn vẹn 12mét vuông, còn “mặt tiền” chỉ có …2,3m. Phía trước, một cái quán nhỏ liêu xiêu chênh vênh trên vỉa hè, lèo tèo dăm chai nước, vài hộp kẹo, một hộp thuốc lá và một ấm trà…Có người bảo, ở cái quận Hà Đông (Hà Nội), có hai quán trà pha ngon nhất, thì quán của “ông Liệt sĩ” ấy là… số 1! Trà ông pha thoạt trông thì nhạt mà sóng sánh, “cắm được tăm”; uống vừa thơm, đậm, ngọt, chát…; ngụm trà chảy vào đến đâu trong cơ thể, người uống cảm nhận được vị ngon đến đấy…
  Và, một điều quan trọng, là một ấm trà nhỏ, trong một quán trà cũng nhỏ, lại đang làm nên một  chuyện lớn lao cho đời!

1.     Mười hai ngàn ngày đi “Xin làm người còn sống”...
Ông chủ quán trà “Đệ nhất Hà Đông” ấy tên là Phạm Văn Nam, sinh năm 1953. Với “gốc gác” là con trai cả của một thương binh miền Nam tập kết, lúc ấy, anh đủ cơ hội để xin không gia nhập quân đội hoặc vào mặt trận; song anh bảo: “Đất nước cần, thì mình đi thôi…” Và thế là năm 1973, giữa lúc chiến trường miền Nam đang vào kỳ ác liệt nhất, anh rời Công ty Xây lắp Điện lực Hà Tây (cũ) lên đường ra trận, đúng tuổi 20.
18 năm trong quân ngũ; 6 năm trực tiếp tham gia 2 mặt trận là giải phóng Miền Nam và mặt trận biên giới Tây Nam, cũng ngần ấy năm làm lính trinh sát, nên Phạm Văn Nam kịp có mặt ở gần khắp các chiến trường, từ Đường 9, Rừng Sác…, đến mặt trận Lào, Campuchia… Nhiều lần bị thương, song lần bị thương mang tính “quyết định” nhất là năm 1978 ở mặt trận đường 56,  đánh nhau với lính PônPôt. Lần ấy bị hai viên đạn bắn toác đỉnh đầu, và một viên bắn nát đầu gối trái, chiến sĩ Phạm Văn Nam đã ngừng thở. Đồng đội đã kịp gói anh vào túi ni lông, kèm theo là một vỏ đạn ghi tên tuổi, quê quán, đưa về tuyến sau… Ai dè sau một đêm “gối đất, nằm sương”, Phạm Văn Nam tỉnh lại; một đồng đội giúp anh thoát khỏi chiếc túi ni lông đã bị buộc chặt, băng bó vết thương cho anh. Không ngờ, người đồng đội ấy hy sinh ngay sau đó; còn Nam luồn vào rừng, sau nhập vào một đơn vị khác… Lúc thu dọn chiến trường, ai nấy ngậm ngùi chẳng hiểu xác Nam lạc đâu, mà chỉ thấy mỗi cái túi ni lông dính đầy máu và mảnh giấy ghi rõ tên tuổi, quê quán… bên trong một chiếc vỏ đạn đã đập bẹp đầu… Năm 1979, bà con Khối 6, rồi cán bộ, nhân dân phường Quang Trung, Thị xã Hà Đông (lúc bấy giờ) đã long trọng tổ chức Lễ Truy điệu cho Liệt sĩ Phạm Văn Nam trong niềm tiếc thương vô hạn. Đùng một cái, năm 1990, anh được Trại an dưỡng Thuận Thành(Hà Bắc) đưa về nhà giữa lúc nửa đêm. Người mẹ già khóc lặng, chắp tay vái: “Con sống khôn chết thiêng…”! Anh chỉ kịp bảo: “Mẹ ơi, con còn sống…” rồi ngã vật vào lòng mẹ. Sau hỏi anh rằng suốt 13 năm liền sao không tin tức để gia đình biết mình còn sống? “Ông Liệt sĩ” Phạm Văn Nam hỷ hả: thì suốt 13 năm mình liệt nửa người; vết thương trên đầu làm mình lắm lúc bị thần kinh. Nghĩ bụng: thà cứ để gia đình coi mình là liệt sĩ, còn hơn trông thấy mình như thế này. Sau, nghĩ mẹ già đã gần đất xa trời, thương nhớ mẹ, đành phải… về thôi…
Suôt hai năm trời, người dân Hà Đông không cầm được nước mắt khi thấy lúc thì “Bà mẹ liêt sĩ”, lúc thì “Ông bố Liệt sĩ” vốn cũng là Thương binh chống Pháp còng lưng dìu “con Liệt sĩ” tập đi trong cái phố nhỏ Bế Văn Đàn. Sau hai năm “chập chững” trên đôi tay cha, mẹ già, “Liệt sĩ” Phạm Văn Nam biết tự đi trên đôi nạng gỗ thì người bố mất, để lại trong anh bao trăn trở, bộn bề…
Năm 1993, “bước đi đầu tiên” của Phạm Văn Nam trên đôi nạng gỗ, là lên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) trả lại Giấy Báo tử, trả lại Bằng Tổ quốc ghi công, và chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Xin cái giấy xác nhận là mình còn sống!
Và cho đến tận bây giờ, sau 12 ngàn ngày báo tử, và sau 18 năm đi xin, Phạm Văn Nam vẫn chưa xin được cái giấy ấy. Và cũng chỉ vì thiếu cái giấy thiêng liêng ấy, mà cho đến nay, ở cái tuổi 60, Phạm Văn Nam vẫn chưa được hưởng chế độ gì, vì liệt sĩ chẳng phải, thương binh cũng không(?!). Hôm nhóm phóng viên đến thăm nhà, ngoài tài sản quý giá nhất là một cái ti vi màn hình mỏng do bạn chiến đấu tặng, anh chỉ cho xem hai thứ mà anh cho rằng quý giá hơn cả: đó là một tủ hồ sơ liệt sĩ, và một bọc thuốc to bằng cái giỏ ấm. Anh bảo: một ngày không có thuốc là chết! Và thật tùi ngùi: cả đống thuốc ấy đều được chắt từ những chén nước chè sóng sánh “Đệ nhất Hà Đông” kia…

2.    “Liệt sĩ Nam” đi… tìm đồng đội.
Năm 1973, Phạm Văn Nam lên đường vào mặt trận giữa lúc chiến trường miền Nam trong thời kỳ ác liệt nhất. Trong khu phố lần ấy, lên đường với Nam có đến vài chục người. Tất cả đều được “phiên” vào một đơn vị, là Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Lần nào trước khi ra trận, mấy anh em cũng kịp tâm sự, dặn dò nhau: “Sau, nếu thằng nào còn sống, thì phải đi tìm thằng đã mất, để giao cho mẹ…”. Suốt bao năm đau đáu lời nguyền với đồng đội; song phần do liệt nửa người, phần do đời sống quá khó khăn, Phạm Văn Nam cũng chỉ biết khắc khoải với lời nguyền.
Cho đến một lần vào năm 1993, Phạm Văn Nam đi dự đám tang một người đồng đội dưới Quảng Ninh. Tình cờ, Nam gặp hai mẹ con đang khóc ngất vì vừa đi tìm mộ chồng, mộ cha trong Bình Phước mà không thấy. Gạn hỏi, hóa ra người Liệt sĩ mà hai mẹ con đang tìm chính là đồng đội của anh, tên  là Nguyễn Đình Hòa, hy sinh năm 1975 tại mặt trận Bình Phước mà do chính tay anh chôn cất. Vài ngày sau, “Liệt sĩ Nam” cùng vợ con người đồng đội trở lại Bình Phước, nhanh chóng tìm chính xác mộ liệt sĩ Nguyễn Đình Hòa. Anh Nam kể lại: là lính trinh sát, chẳng mấy ai vào trận mà lại mang theo giấy bút; đặc biệt là chẳng đào đâu ra lọ Penixilin, nên anh có sáng kiến: nếu có giấy bút thì ghi tên tuổi, quê quán lên mảnh giấy, rồi bỏ vào vỏ đạn, cắn bẹp đầu rồi để vào miệng liệt sĩ. Không có giấy bút thì bỏ vật gì đó vào vỏ đạn rồi về ghi đặc điểm vào sổ. Bằng cách ấy đã giúp anh khá hiệu quả trong công việc tìm mộ sau này. Và cũng từ cái lần đi tìm mộ Liệt sĩ hết sức tình cờ ấy, “nghiệp” tìm mộ gần như thấm vào máu “Liệt sĩ Nam”. Cho đến bấy giờ, mỗi khi trái nắng trở trời, hai vết thương trên đỉnh đầu lại hành hạ, làm anh nhiều lúc giở điên, giở khùng… Những lúc tỉnh táo, không hiểu sao, những hình ảnh cũ ngoài mặt trận cứ hiện dần lên hàng ngày, rõ mồn một... Có khi đang ngồi bán nước trà, bất chợt nhìn thấy một hiện tượng nào đấy, có thể như một màu áo lính…, anh lại nhớ ra tên tuổi, quê quán, phần mộ của một người đồng đội nào đấy…. Những lúc như thế, anh bỏ mặc khách, quay vào nhà ngồi vẽ chi tiết phần mộ, tên tuổi, quê quán… từng người. Ngồi sau quán nước từ Hà đông, anh có thể vẽ lại từng lối mòn, hốc đá; ghi lại từng đặc điểm dưới mộ của người liệt sĩ ở Miền Nam… Trong một trang vở, anh viết: “Nguyễn Danh Tuấn-1947; gói bằng tấm tôn, 2 dầu đóng 2 cọc sắt 3 cạnh”… Sau này, gia đình liệt sĩ Nguyễn Danh Tuấn vào bốc mộ anh, thấy địa điểm, đặc điểm y hệt như vậy, không khỏi ngỡ ngàng. Vì trong những năm sống trong hai cuộc chiến, “Liệt sĩ Nam” đã từng đánh khắp các mặt trận ở Miền Nam, rồi Lào, Campuchia…, tự tay chôn cất hàng trăm Liệt sĩ, chứ không phải chỉ vài người. Một người có uy tín trong lĩnh vực tâm thần học đặt giả thiết: Có thể, hai vết thương trên đầu ảnh hưởng đến não bộ, và chúng làm kích thích khu thần kinh liên quan đến trí nhớ của anh. Chẳng biết nhận định của nhà khoa học nọ có đúng hay không; chỉ thấy mỗi lần nhớ ra một ngôi mộ, một khu mộ, là “Liệt sĩ Nam” lại tìm cách… lên đường. Anh bảo: nhớ ra rồi, không đi tìm họ về, cứ như ngồi trên đống lửa, không chịu được. Cứ sau mỗi lần như thế, anh lại liên hệ với thân nhân liệt sĩ, rồi cùng gia đình thân nhân trở lại chiến trường với đủ loại phương tiện: ô tô, máy bay, xe lửa…, rồi lại cùng thân nhân leo đèo, vượt thác… 18 năm nay, “Liệt sĩ Nam” trở lại chiến trường xưa hàng trăm chuyến, năm nhiều tới 16 chuyến, năm ít nhất cũng 5-7 chuyến; mỗi lần đi cũng mất dăm bữa, nửa tháng; có lần dài nhất tới 45 ngày. Cứ dạo nào thấy vắng ông “Liệt sĩ Nam” đằng sau quán trà, dân phố Quang Trung, rồi dân ngõ Bế Văn Đàn lại bảo nhau: “Ông Liệt sĩ lại đi miền Nam rồi”, để đến lúc gặp lại bên quán nước trà, họ lại hỏi anh: “Thế nào, kỳ này được… mấy cái?”; để rồi anh lại cười khì: “Ừ, được có… dăm cái”! Lần tìm được nhiều nhất phải kể đến năm 2007, anh lăn lội lên tận Kon Tum, đưa về hài cốt 16 liệt sĩ của riêng xã Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội)… Cứ như “Con ong tìm… mộ” như thế, 18 năm nay, “Ông Liệt sĩ” Phạm Văn Nam đã trực tiếp bốc, rửa…, rồi “mang về cho mẹ” đồng đội tới 242 phần mộ liệt sĩ. Đấy là chưa kể nhiều phần mộ liệt sĩ anh chỉ đường, chỉ đặc điểm cho thân nhân tự bốc. Khắp miền Nam biết anh, vì anh đến đấy tìm mộ; khắp Miền Bắc biết anh, vì phần mộ anh tìm thấy giúp là người con của những thân nhân ở khắp miền Bắc. Nhiều liệt sĩ anh không hề biết, thân nhân đến nhờ, anh cũng nhận lời và tìm hộ rất hiệu quả. Người biếu nải chuối, cân gạo thì anh nhận; tuyệt nhiên không lấy của gia đình nào dù nào một xu. Có gia đình trên đường trở về thì hết tiền; anh đã bán bộ quân phục mang theo để đỡ cho gia đình thân nhân Liệt sĩ.
Khi hỏi về nguồn kinh phí cho những chuyến đi, anh Phạm Văn Nam chỉ tay vào cái ấm nước trà, rồi lại chỉ tay về phía vợ: “Tất cả ở đấy”! Từ năm 1990, người vợ thấy anh chồng “Liệt sĩ” đau ốm quanh năm, đành xin nghỉ “một cục”, ở nhà chăm sóc chồng và phụ đỡ quán nước. Chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu, tần tảo chắt chiu từ cái quán nước được đồng nào lại dồn hết cho chồng “vào Miền Nam”; 18 năm, chị không một lời than vãn. Có lần anh lên đường mà không có tiền, chị tất tả đi vay, đi mượn bên nội, bên ngoại, cho anh lấy tiền làm lộ phí. Chị bảo: “Thấy anh ấy vui là tôi vui rồi…”. Vài năm gần đây nhiều người biết chuyện, gửi biếu anh dăm chục, một trăm qua đường bưu điện. Thật cảm động khi đọc lá thư của bà Lê Minh Tâm, 80 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh: “Mẹ vừa được một triệu đồng lương hưu, mẹ chia cho 3 người: con 300 ngàn, và…”! Hàng trăm, hàng trăm là thư như thế khắp mọi miền đất nước gửi về, biết ơn, cảm động, sẻ chia… Có điều, họ chỉ biết đến anh như một người thương binh đi tìm mộ đồng đội, mà ít ai biết rằng: anh cũng vẫn đang là một… Liệt sĩ (?!)…
Sau 18 năm chống nạng lên xuống đi xin cái giấy “Xác nhận còn sống” mà chưa được; bây giờ anh im lặng! Anh động viên vợ con: “Bạn bè tôi còn nằm lại chiến trường nhiều lắm; tôi còn được sống thế này đã là… quý lắm rồi!”…

Vĩ thanh: Có lần, một người bố của đồng đội tìm đến anh để cảm ơn. Chưa kịp xong chào hỏi, ông cụ đã  quỳ xuống mà “Lạy quán nước trà, lạy anh…”, vì nhờ có quán nước trà,  nhờ có anh mà con trai  của cụ đã được trở về với  Đất Mẹ./….
                                                                                        (Báo Tiền phong- 27/4/2001)

                                                                                             T.N


Không có nhận xét nào: