Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

NGÃ BA ĐỒNG LỘC, 
"TÔI KỂ CHUYỆN NGÀY XƯA"...

Lúc ở nhà anh Ninh về đã 11 giờ đêm. Qua nghĩa trang10 cô, thấy trăng sáng vằng vặc. Hai tôi lại lên nghĩa trang ngồi, ngầm nghĩ. Tôi lầm rầm khấn: 30 năm trước, các chị chỉ khát khao một đêm trăng thế này được đi với người yêu mà chưa được. Nay, chúng em đến với các chị giữa một đêm trăng tuyệt đẹp, với mong rằng các chị bớt phần lạnh lẽo. Ông Chủ tịch xã bảo: chưa có đoàn phóng viên nào ngủ lại ở Ngã ba Đồng Lộc, và cũng chưa có ai lên nghĩa trang 10 chị vào nửa đêm. Về đến nhà anh Chủ tịch Hội nông dân đã gần 12 giờ đêm. Nhà gần ngay khu nghĩa trang 10 chị. Có mỗi chiếc quạt điện, đã nhường cho ông cụ thân sinh anh Chủ tịch Hội. Nóng quá, hai tôi mắc màn ra hè ngủ. Tôi không biết mặt chị Tần, nhưng đã mấy lần xem phim “Ngã ba Đồng Lộc” có ca sĩ Thúy Hường đóng vai chị. Tôi vốn nhát bóng đêm. Cứ nhắm mắt vào là thấy chị Tần (có khuôn mặt của ca sĩ Thúy Hường) đứng ngoài sân, tóc dài, mặt bầu, mắt đen nhìn tôi đau đáu, trách móc. Tôi đâm sợ, bèn lay anh bạn đã ngủ say dậy đổi chỗ, tôi nằm vào trong mà vẫn không dám nhắm mắt.

1. Chuyện về mười đóa sim rừng.

Đến Can Lộc, trời đã chạng vạng chiều. Ông Chính, trưởng phòng VHTT huyện khuyên chúng tôi: dưới Đồng Lộc, từ điện nước đến chỗ ngủ nghỉ đều rất khó khăn. Các anh nên nghỉ lại nhà khách huyện ủy cho đàng hoàng, sáng mai ta xuống! Anh bạn cùng đi với tôi thì bảo: Chúng tôi muốn ngủ một đêm ở đúng Ngã ba Đồng Lộc! Ông Trưởng phòng vốn rất nặng máu nghệ sĩ chắp tay bái bái như sư phụ: Tôi hiểu, tôi hiểu. Đây là lần đầu tiên tôi đưa khách xuống Đồng Lộc vào lúc chập tối...bái phục. Bái phục.
            Vù một lèo hết 30 km đường nhựa láng bóng, về đến Đồng Lộc đã thấy đủ mặt dàn lãnh đạo xã đang lim dim ngồi...chờ. Vị Chủ tịch xã còn trẻ, mặt đen cháy như Bao Công phân bua: Anh Chính vừa điện xuống nói các anh về, chúng tôi đến ngay. Hơn nữa, chúng tôi chờ cuộc gặp này từ lâu. Tức quá. Tức quá. "Sao chúng tôi đến, Chủ tịch lại bảo “tức” ?- Xin mời các anh xuống dưới dân, kẻo chúng tôi nói sợ các nhà báo không tin...
            Nhà “dân” đầu tiên mà chúng tôi đến là anh Nguyễn Thế Ninh, 60 tuổi, ở xã bên cạnh. Anh nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 552, chỉ huy trực tiếp tiểu đội 4- Tiểu đội có 10 cô Thanh niên xung phong hy sinh ngày 24 tháng 7 năm 1968. Vóc dáng gầy gò, khuôn măt u uất, song anh trẻ hơn so với cái tuổi 60. 9 giờ đêm, anh vẫn cởi trần, đánh vật với đống lúa cao ngất ngưởng ngoài sân. Một chiếc bàn thờ giữa nhà chăng đầy câu đối, hương khói ngan ngát. Anh Ninh bảo, bà cụ thân sinh ra anh vừa mất được mấy mươi ngày. Lúc thắp hương bái khấn vong linh cụ, tôi giật mình, trông ảnh cụ sao thấy...quen quen. Hóa ra - anh Ninh cho biết - đây chính là người đã đóng cảnh cụ già đi...chơi lang thang giữa ngổn ngang bom mìn trong phim “Ngã ba Đồng Lộc” của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh mà tôi đã mấy lần xem. Anh Ninh tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong từ tháng7 năm 1965, xuất phát từ Bí thư huyện đoàn Xuân Lộc. Chỉ huy một đại đội gồm 8 tiểu đội, toàn là nữ, song anh cũng chưa giám ngỏ lời yêu ai, chỉ thấy thương các cô vô cùng. Anh kể; cho tới bây giờ, hình ảnh 10 cô gái tiểu đội 4 đã hy sinh vẫn hiện lên trong tôi rõ mồn một, như ngày hôm qua, làm nhiều năm tôi bị ám ảnh mà không nghĩ đến chuyện lấy vợ, Mãi đến năm 1975, sau khi đại đội TNXP giải tán, tôi mới cưới một cô chiến sĩ cùng đại đội, lúc đã gần ở tuổi 40. Yêu thì chưa, song hồi ấy, tôi mến nhất cô Hường ở tiểu đội 4. Hường là người thị xã Hà Tĩnh, nhỏ nhắn, trẻ nhất tiểu đội, có mái tóc dài đến hông và nước da trắng như trứng bóc. Lần nào gặp tôi Hường cũng hỏi: sau này hết chiến tranh, liệu chúng em có lấy được chồng không anh? Tôi lại phải động viên: các cô cứ tích cực, nhiệm vụ bây giờ là thông đường, thông xe...sau này giải phóng, tôi sẽ giới thiệu...giúp. Cuộc chiến hồi ấy cực kỳ ác liệt. Mỗi ngày có khoảng 30 trận bom ném xuống Đồng Lộc, còn bom thì không đếm xuể, song  cả 10 cô đều rất tích cực. Lúc nhàn rỗi , hết bom, thông đường, các cô lại hát hò, nuôi gà, nuôi lợn, dạy nhau học văn hóa...lúc có bom, tắc đường, chỉ một tiếng còi, các cô đã có mặt ngay ở hiện trường, phá bom, san đường...10 cô hy sinh thì 8 cô chưa một lần yêu. Mới có cô Tần (tiểu đội trưởng) có người yêu tên là Hồng ở xã bên cạnh, đi bộ đội trước khi Tần vào TNXP; và cô Cúc, nhà ở huyện Hương Sơn, mới lấy chồng song cũng gia nhập TNXP. Trẻ trung, nhí nhảnh nhất vẫn là cô Hường, cô hát suốt ngày. Hết bài “Chào em cô gái Lam Hồng” lại đến bài “Ngày mai em vừa tròn 20 tuổi...”. Buổi chiều 24/ 7/1968 có anh lính lái xe ủi tặng Hường một bó hoa toàn sim rừng tím. Hường bỏ xẻng, chạy ngay lên nóc hầm đang đào giở cười khanh khách: Hoa này là anh ấy tặng cho cả tiểu đội ta, không chỉ tặng cho riêng em, nên các chị đừng...ghen nhé. Vừa nói dứt lời, một tiếng máy bay rít, một trái bom lao xuống, và...Lúc chúng tôi bới được Hường lên, Hường vẫn tươi rói, vẫn cười, và bó hoa sim rừng vẫn chặt trong tay. Hường chết lúc chưa tròn 19 tuổi.
            Còn cô Tần, không phải nhiều tuổi nhất trong tiểu đội, song là người kiên nghị, đứng đắn nhất, nên được bầu làm Tiểu đội trưởng. Tần người cao, da ngăm ngăm, có mái tóc dài tới ngang kheo. Chiều hôm ấy tiểu đội 4 được giao nhiệm vụ đi đào hầm tránh bom cho đơn vị. Hôm ấy, tiểu đội đi sớm hơn mọi khi. Không hiểu tại sao, Tần quay lại nói với tôi: “Chiều nay đi sớm thế này, cũng là chiều đi cuối cùng đấy anh Ninh ạ”.Tôi động viên : các cô cứ yên tâm ra đi, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thương nhất cô Tần lúc ra đi vẫn còn đang hiểu lầm người yêu mà chưa giải tỏa được. Chả là anh Hồng (người yêu chị Tần) lúc đó đang ở chiến trường B. Vì sợ mình đi lỡ không về, anh Hồng viết thư khuyên Tần đi lấy chồng; Tần giận, cũng viết thư cho anh Hồng dọa... cắt, hai người hiểu lầm nhau. Cũng chính vì vậy mà mãi hàng chục năm sau anh Hồng không lấy vợ. Mãi sau này, chính bố đẻ chị Tần thúc ép, đi hỏi vợ cho anh Hồng, anh mới chịu lấy, song lúc nào cũng coi Tần là vợ cả. Bố mẹ của 10 chị đều đã mất. Đúng chỉ có bố chị Tần còn sống, năm nay đã 83 tuổi. Anh Hồng vẫn đi lại, chăm sóc ông cụ, coi cụ là bố vợ. Còn ông cụ thỉnh thoảng vẫn chống gậy qua thăm bố con anh Hồng, như thăm con rể, thăm cháu...

            2. Chuyện về đoàn làm phim

           
Cùng anh Nguyễn Thế Ninh(1998).
Nhìn căn nhà còn ướt mạch vữa, biết thừa rằng vừa mới xây, anh bạn cùng đi vẫn buột một câu, nửa như khen, nửa như hỏi: Hình như anh làm ăn khá, mới xây ngôi nhà đẹp quá? Anh Ninh rầu rầu: Khổ quá, khá giả gì đâu. Tôi hưởng mất sức từ năm 1983; năm 1994-1995 bị cắt mất sức do ngành LĐ-TBXH tỉnh tính nhầm. Mãi tới năm 1995 mới được nhận chế độ thương binh, 2 người làm, 6-7 người ăn, nói sao đến dư giả.
         Cuối năm 1996, đoàn làm phim “Ngã ba Đồng Lộc”  về gặp tôi. Đầu tiên các anh ấy xin ý kiến tôi về kịch bản. Tôi đề nghị các anh ấy sửa nhiều chi tiết không có thật trong kịch bản. Song một anh trong Đoàn cho biết: Kịch bản là pháp lệnh, không ai được sửa, tôi đành thôi.(Đến cái ngày mất của 10 chị là ngày 24/7, trong kịch bản và trên phim lại nói 26/7, tôi bảo sửa lại cũng không được thì... thôi rồi còn gì.) Sau, đoàn quyết định mượn nhà tôi làm nơi ở và làm phim trường. Tôi đã phải dỡ nhà cho tan hoang để làm cảnh quay. Các anh ấy bảo, cứ dỡ đi, sau này đoàn sẽ giúp dăm bảy triệu mà làm ngôi nhà mới. Suốt hai tháng trời, vợ chồng, con cái xoay trần phục vụ đoàn làm phim, từ nấu cơm, đi chợ, đào hầm, vận chuyển hàng hóa, trông nom đồ đạc... Ruộng vườn bỏ bê, lợn gà bán hết, con cái nghỉ học... tất cả dành cho đoàn làm phim. Riêng tiền công mà đoàn phải thanh toán trả gia đình là 1,7 triệu, song đến lúc đoàn làm phim đi, mới trả được 1,2 triệu. Khi tôi đòi gay gắt, các anh mới gửi huyện trả thêm 500.000đ, nay vẫn còn thiếu 100.000đ, nói chi đến chuyện “giúp 5-7 triệu làm ngôi nhà mới”. Đoàn làm phim đi, để lại ngôi nhà tan hoang quá, tôi đành vay mượn xây lại ngôi này cho vợ con khỏi cằn nhằn. Mới xong phần “mộc”, nay đã nợ 8 triệu, chưa biết lấy gì mà trả. Anh Ninh bảo, lúc thấy đoàn về đặt vấn đề làm phim “Ngã ba Đồng Lộc”, cả xã, cả huyện mừng, vì cứ nghĩ, đây cũng là cuốn sử để lại cho con cháu sau này. Vì thế, mọi người đâu có đòi hỏi gì? 30 năm trước, người dân Đồng Lộc dỡ cả mái nhà cuối cùng lót nhà cho xe đi, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để thông xe, nào ai có nghĩ đến “hợp đông” hay “kinh phí”? Nay cũng vậy, người dân Đồng Lộc sẵn sàng giúp đỡ đoàn làm phim, để đoàn “làm giúp” Đồng Lộc một cuốn sử bằng hình mà không hề đòi hỏi. Song, đã hứa với người Đồng Lộc là phải làm, nói dối là không nên, nhất là khi nói dối ở Ngã ba Đồng Lộc. Mà lời nói dối ấy đâu có chỉ dành riêng cho gia đình người Đại đội trưởng C4 nổi tiếng?.Sáng hôm sau, khi làm việc với UBND xã Đồng Lộc, vị Chủ tịch xã cho biết: đoàn làm phim còn nợ UBND xã 700.000đ, nay vẫn chưa trả. Món tiền thì nhỏ, cái tiếng thì lớn. Hàng trăm người được xã huy động đào hầm, làm cỏ, vận tải... với lời hứa 10.000đ/công(!). Song chỉ một số người được trả 5.000đ/công (?), còn 5.000đ thì trừ vào... bát mì tôm và quả trứng vịt luộc mà đoàn đã mời ăn trưa. Đến cái kẻng của UBND xã vốn là vỏ một quả bom, đoàn mượn làm đạo cụ quay phim. Quay song, “đạo cụ” này được vần xuống...mương, để rồi hôm sau lại phải huy động dân quân ra... vớt lên. Giáo viên, học sinh trường cấp 2-3 Đồng Lộc cũng cùng chung cảnh ngộ như vậy. Với khẩu hiệu: tất cả vì bộ phim Ngã ba Đồng Lộc, trường đã động viên 32 học sinh khối 10, khối 12, tham gia đóng các vai, huy động hàng trăm lượt học sinh nghỉ học để đi đào hầm, san lấp, làm cỏ... để rồi cuối cùng chỉ có 32 học sinh nữ được nhận 5.000đ/ngày, còn 5.000đ cũng trừ vào... bát mì tôm và quả trứng gà giống như phụ huynh của chúng. Hiện nay đoàn vẫn nợ trường trên một triệu đồng chưa thấy trả. Các thầy cô giáo phải dạy bù 50 tiết học cho các em tham gia đóng phim, đi lao động... với lời hứa sẽ... “bồi dưỡng”, song nay vẫn chưa có thầy cô nào được “bồi dưỡng” tí gì?
           Lúc đoàn làm phim về, dân xã trong làng, trong huyện mừng bao nhiêu,thì lúc đoàn đi lại buồn bấy nhiêu.
            Kể mãi về đoàn làm phim, biết hai vị nhà báo gầy tom đã ngán, ông Chủ tịch Hội Đồng nhân xã cao to như hộ pháp bèn làm một con tính vui: Đồng Lộc có 2230 ha đất tự nhiên, thì hai năm 1967-1968 chịu tới 42.994 quả bom và tên lửa các loại. Bình quân mỗi ha được “bón” 19 quả. Nếu chia cho 3000 dân lúc đó, thì mỗi đầu người phải “gánh” 14 quả. Riêng mật độ số bom ném xuống Đồng Lộc bằng 9,3 lần mật độ ném xuống toàn tỉnh Hà Tĩnh. Với 403 người chết, 3768 lượt nhà dân bị cháy, Đồng Lộc lúc ấy đã hoàn toàn biến thành xã “trắng”.
             Sau 30 năm, dấu vết của chiến tranh nay chỉ còn đọng lại trên những bức tượng đài, trong những khu nghĩa trang yên tĩnh đầy phi lao. Từ một xã trắng, nay Đồng Lộc đã trở thành sầm uất với 5000 khẩu/1200hộ . Từ năm 1994, Đồng Lộc đã được phong tặng xã Anh hùng. Con đường mòn dày đặc bom năm xưa đã được trải nhựa láng bóng. Từ khi được công nhận là xã miền núi, Đồng Lộc đã lấy rừng làm mũi nhọn, đã bứt lên từ cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Tuyệt đại đa số nhà dân trong xã đã ngói hoá, có bát ăn, bát để. Xã đã có trường cấp 2, cấp 3 cho con em đến lớp. ngay Ngã ba Đồng Lộc, một cụm tượng đài hoành tráng cao như tòa nhà 5 tầng vừa được khánh thành. Cả xã có tới 7 cum di tích nổi tiếng, mỗi năm có hàng nghàn lượt người đến thăm. Đồng Lộc đang có hướng mở mang, phát triển du lịch, vừa tạo điều kiện cho khách đến thăm, vừa tăng nguồn thu cho địa phương. Song, điều đó vẫn còn đang ở thì tương lai, vì “lực bất, tòng tâm”, không có kinh phí. Thi thoảng, những quả bom vùi sâu trong lòng đất từ 30 năm trước vẫn nổ. Chiến tranh vẫn chưa đi qua Đồng Lộc.Với đặc thù vùng núi miền Trung, nghề phụ không có, đất đai bạc mầu và nặng chua phèn, phải cố gắng lắm người nông dân ở đây mới đưa năng suất lúa lên 3,2/vụ/sào; 300 kg lương thực quy thóc/người. Vì thế, không phải nông dân Đồng Lộc không còn phải vật lộn với những khó khăn, lo toan cho cuộc sống. Cạnh việc đầu tư cho những tượng đài, những khu tưởng niệm, người dân ở đây đang mong có được những dự án, chương trình, những giống lúa mới, những nghành nghề phụ... phù hợp với đồng đất chua Đồng Lộc. Chỉ có như vậy, mới mong giúp Đồng Lộc nhanh chóng thoát khỏi cảnh khó khăn gần như cố hữu.
            Xin dẫn một câu nói hơi hoa mĩ của vị trưởng phòng VHTT Can Lộc để thay câu kết cho bài viết này: Hơn một lần, Đồng Lộc đã vì cả nước. Nay, cả nước, hãy hướng về Đồng Lộc./.
T.N
Nông thôn ngày nay
Ngày 22/7/1998.
(Chuyện đã quá xưa cũ; mọi việc sau đó đã trở nên êm đẹp, có hậu... Nó chỉ còn lại như một chút hoài niệm xưa! Nếu có ai đó trong cuộc vô tình đọc phải bài này, cho Tác giả gửi lời xin lỗi là đã vô tình vẽ lại một ngày mưa)...

http://danviet.vn/tieng-dan/chuyen-hang-xom-va-cu-na-dai-bac/20130929103225608p1c36.htm


Không có nhận xét nào: