Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

ĐI TÌM TƯỢNG ĐÀI MẸ SUỐT

1.Từ bức tranh Bảo Ninh...
           
Từ bên này thị xã Đồng Hới, nhìn qua bên kia dòng sông Nhật Lệ là xã Bảo Ninh, quê hương của nữ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt.
            Xã Bảo Ninh (thuộc thị xã Đồng Hới- Quảng Bình) trông giống như mũi một con tàu, mà một mạn là biển Đông, một mạn là dòng sông Nhật Lệ. Suốt một ngày sục chân trên cát, đi dọc ngang gắp làng, tìm đến từng nơi Mẹ đã sống và ngã xuống, chúng tôi không một lần được đặt chân trên đất. Gọi là xã, thật ra là một cồn cát trắng phơi mình giữa ba mặt biển khơi. Anh Trần Huyên, bí thư Đảng uỷ xã xót xa: Nhiều khi, chúng tôi chỉ thèm được đặt bàn chân trần lên cái mát lạnh của đất. Bước chân xuống giường là cát. Đi họp, đi làm cũng suốt ngày sục chân trong cát nóng. Cả xã có 510.000ha đất tự nhiên, thì chỉ có 97ha đất thổ cư, 270ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 9,7ha đất trồng lúa, còn lại là... cát.
            Vậy mà, với một điều kiện tự nhiên như thế, mà Bảo Ninh nay đã vươn lên trở thành một trong những xã giầu nhất tỉnh Quảng Bình. Cách đây 30 năm, Bảo Ninh là vùng cát trắng, trắng cả con người. Duy nhất chỉ có bến đò mẹ Suốt là sinh tồn để đưa bộ đội qua sông. Nay, Bảo Ninh đã là một làng cá sầm uất sinh sôi trên cát với gần 7.000người/1.500hộ. Đất ít, người đông, người Bảo Ninh lấy nghề đi biển và chế biến hải sản làm nguồn sống chính. Hiện nay, cả xã có tới gần 400 thuyền lớn, công suất 60 sức ngựa, ra tận phao số “0”, lên Quảng Ninh, xuống Phan Thiết đánh bắt hải sản. Nếu năm 1978, vụ được mùa nhất cũng chỉ đạt 800 tấn hải sản/năm; nay, bình quân mỗi năm đạt 2.000 tấn, trong đó có 30% được xuất khẩu trực tiếp. Các công việc chế biến hải sản, đóng sửa tàu thuyền... cũng phát triển, gần như 100% lao động trong xã đều có việc làm ổn định, thu nhập cao. Vì thế, hộ được coi là nghèo ở đây cũng thu nhập 150.000đ/khẩu, mà không phải là 15kg gạo/khẩu như ở nhiều nơi khác. Tuy vậy, số hộ được coi là nghèo này (thu nhập 150.000đ/khẩu) tuy chỉ chiếm 10%, rơi vào những gia đình không có lao động, hoặc không biết làm ăn. 30% số hộ có thu nhập 30-50 triệu; 30% số hộ có thu nhập trên 100 triệu mới được coi là hộ giầu. Số hộ trung bình còn lại mỗi năm cũng thu lãi vài ba chục triệu. Không năm nào năng suất lúa của Bảo Ninh xuống dưới 9,5 tấn/ha. Đời sống văn hóa, xã hội trong xã cũng phát triển. 100% số hộ có nhà kiên cố, 100% học sinh học cấp 1-2, không có ai mù chữ. Từ năm 1968, toàn xã Bảo Ninh đã sớm được phong Anh hùng; và hiện nay, cũng đang là một xã điểm, xã khá nhất trong 17 xã miền biển của tỉnh Quảng Bình... Đảng bộ và nhân dân Bảo Ninh đã vẽ nên một bức tranh hoành tráng rực rỡ.
Cùng con trai cả Mẹ Suốt(1996).
           
            2...Đến bức Tượng đài trong tranh.
            Từ nhiều năm nay, hình tượng mẹ Suốt không những là niềm tự hào của mỗi người dân Bảo Ninh, người dân Quảng Bình, mà còn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam bất khuất.
            Mẹ Suốt hy sinh ngày 22/8/1968 năm vừa tròn 60 tuổi. Nếu còn sống, năm nay mẹ vừa 88. Xuất thân từ một gia đình nông dân, trước những năm chiến tranh phá hoại, mẹ tranh thủ lúc nông nhàn, làm nghề chèo đò qua sông chở người chở cá... kiếm tiền nuôi 4 người con 3 gái 1 trai ăn học. Năm 1966, giặc Mỹ điên cuồng ném bom Đồng Hới suốt ngày đêm hòng cắt đứt tuyến giao thông chiến lược Bắc Nam. Cả làng, cả thị xã đi sơ tán hết. Bảo Ninh biến thành một vùng trắng người mà đen khói bom. Một mình mẹ bám sông, bám đò đưa bộ đội, đưa vũ khí qua sông. Năm 1967, mẹ được phong Anh hùng, được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Đến năm 1968, mẹ hy sinh vì một loạt bom bi, tay còn nắm chặt mái chèo. Trong vòng 3 năm, mẹ đã chở gần 1.000 chuyến đò với hàng vạn lượt bộ đội qua sông dưới làn bom đạn. Hình ảnh “Mẹ Suốt” tay chèo đò, mắt nhìn máy bay đã tạc thành tượng đài trong tim mỗi người dân Việt Nam từ cách đây 30 năm... Và khi biết được vào Bảo Ninh công tác, chúng tôi thầm mong, sẽ được thắp ba nén nhang, quỳ chân trước tượng đài mẹ mà lạy một trăm lạy.
            Vậy mà, sục chân trên cát nóng cả ngày, chúng tôi cũng không tìm thấy bức tượng đài ấy ở đâu. “bến đò mẹ Suốt” phía Đồng Hới, nay đã biến thành một cái chợ cá, ồn ào, tấp nập, trên bến dưới thuyền, suốt ngày bốc lên mùi cá ươn tanh tưởi. Một cái gọi là “phù điêu mẹ Suốt” xây vội vã, nhấp nhô giữa chợ người, đầy quang, đầy cá, lan can gẫy sập, tường vôi nhám đen, nhếch nhác. Anh Hùng, con trai mẹ Suốt than thở với chúng tôi: tượng đài chẳng ra tượng đài, phù điêu chẳng ra phù điêu, bia tưởng niệm chẳng ra bia tưởng niệm. Trông xa thì giống như một mảng vôi bị lở, trông gần thì giống như một vết mực đổ... Quả thật, không biết có phải mình kém cỏi về hội họa, song hình dung mãi, chúng tôi mới nhận ra hình một người đang lái đò trên lưng chừng. Tấm “phù điêu”, thấy chất đầy nào chăn, màn, chai mắm, lọ nước, nón, áo, củi... Hỏi ra mới biết đấy là đồ đạc của một cụ già 76 tuổi, người Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào đấy xin cá, lấy luôn tấm phù điêu “Mẹ Suốt” làm nơi tá túc, che mưa, che nắng. Vô tình, ống kính máy ảnh của người viết bài này chụp được cảnh cụ đang... bậy vào bức phù điêu. Hai cái bình hương ở hai mặt đổ ngả nghiêng. Chúng tôi cũng không dám thắp hương vào đấy.
            Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bảo Ninh bạt ngàn bia mộ các Liệt sĩ ngã xuống trong hai thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.
            Phải nói, nghĩa trang xây dựng đẹp, trang nghiêm, ngự trên một quả đồi ngay cạnh UBND xã. Giữa bạt ngàn bia mộ, tấm bia tưởng niệm mẹ Suốt nổi bật hẳn lên. Sau khi thắp hương trên Đài tưởng nhớ các Liệt sĩ, chúng tôi vác máy ảnh ra mộ mẹ. Hãnh diện làm sao, có được một tấm ảnh  chụp mình đang thắp hương trên mộ mẹ Suốt. Song, thật ngỡ ngàng khi một người đi cùng rỉ tai: mộ giả đấy. Sau này, về đến văn phòng UBND xã mới biết, năm 1993, trước khi qua đời, chồng mẹ Suốt có dối lại, muốn được nằm bên mẹ. Ngày xưa, khi “Mẹ Suốt” chèo đò đưa bộ đội qua sông, ông đã an ủi, động viên, khích lệ mẹ, mang cơm, mang chăn màn cho mẹ... Nhiều người cho rằng, không có ông chắc cũng không có hình tượng “Mẹ Suốt”. Vì thật sự, hai ông bà đã trở thành đồng chí của nhau, điểm tựa của nhau  trong những ngày mẹ đội bom chèo đò. Hẳn lúc chết, ông cũng muốn nằm bên bà, để làm chỗ dựa, để mà an ủi... Ngặt một nỗi, mặc dù được thưởng Huân trương độc lập hạng 3 nhưng ông không phải là Liệt sĩ(!), nên không được đưa vào NTLS. Mà chẳng lẽ, trong nghĩa trang tôn nghiêm của xã, lại không có mộ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt. Vậy là, xã quyết định xây một ngôi mộ giả cho mẹ trong nghĩa trang, còn mộ thật của mẹ thì vẫn cứ để ngoài cồn cát trắng, suốt gần 30 năm nay. Mãi đến năm 1995, nhiều người xì xào, xã mới lại phá tấm bia mộ để đổi thành “Bia tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt”.
            Rời nghĩa trang Liệt sĩ, chúng tôi tìm đến ngôi mộ thật của “Mẹ Suốt”. Gọi là khu lăng, nhưng thật ra cũng chỉ là một ngôi mộ xây công phu, nằm trên cồn cát sát biể Đông. Trước đây, mẹ Suốt được an táng ngay nơi mẹ ngã xuống. Đưa về đây từ năm 1970, nhưng năm ngoái, Sở VHTT Quảng Bình mới cấp kinh phí mới xây chứ trước đây cũng chỉ là một ụ cát. Nghe đâu trên cấp 5 triệu đồng, gia đình xây hết 6 triệu hai. Cách mộ mẹ chừng 50m là mộ chồng, cũng nằm trên một gò cát trắng toát. Nói là mộ, song thật ra là một đống cát được vun lên, bao quanh là chừng gần trăm viên gạch xếp tròn để cát khỏi trôi. Trên mộ, duy chỉ có vài cái chân hương cắm xiêu vẹo. Cụ đã đến ngày sang cát. Song gia đình nay không biết tính kiểu gì? Trước sau cũng phải đưa hai người lại bên nhau theo lời trăn trối của cụ ông. Mộ mẹ Suốt đã xây gọn gàng khá đẹp với 6,2 triệu đồng. Nếu xây mộ cụ ông bên cạnh cụ bà mà sơ sài, thì sợ “bên nặng, bên nhẹ”, mẹ cũng không yên lòng. Mà xây cho đàng hoàng, tương xứng thì không có... tiền. Ba người con gái mẹ Suốt suốt ngày ngoài chợ bán rau, bán dưa chỉ đủ nuôi con. Một mình người con trai út làm thợ mộc, mà đã làm thợ thì chỉ nuôi... miệng. Giá mà bây giờ, “Mẹ Suốt” và chồng cũng được “màn sui sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”... Tấm bằng của  Bộ VHTT cấp ngày 22/01/92 công nhận Bến đò mẹ Suốt (tức bến Cự Hà - Thị xã Đồng Hới) là di tích Văn hóa Lịch sử cũng chẳng có chỗ nào để treo cho xứng đáng; đành phải ngự trên một cái nóc tủ cũ trong uỷ ban xã cùng với mũ, áo mưa... của cán bộ xã(!).
            Trở lại ngôi nhà “Mẹ Suốt”, chúng tôi ngỡ ngàng: sao nhà mẹ Suốt lại đẹp đến thế? Hỏi ra mới biết, ngôi nhà cũ của mẹ đã bị cũ nát và mối ăn gần sập. Cách đây 2 năm, khi nhà gần có nguy cơ bị sập, anh Hùng, con trai út mẹ Suốt phải phá đi làm lại. Mà đã làm lại thì phải đàng hoàng cho “bằng anh bằng em”. Vậy là anh phá đi “ngôi nhà mẹ Suốt”,thay vào đấy là ngôi nhà mái bằng khang trang chừng 30m2 bằng tiền đi mượn. Nhìn ngôi nhà xinh xắn, chúng tôi giật mình: Thế hệ sau, nếu đến thăm nhà mẹ Suốt, hẳn sẽ thốt lên: Nhà mẹ Suốt đẹp quá. Ai sẽ hình dung nổi cái cảnh mẹ Suốt “cực thân từ thưở mới lên chín mười”. Chắc rằng, mươi năm nữa khi nền du lịch phát triển, và đẻ giáo dục lịch sử cho lớp trẻ, người ta sẽ lại dựng lên ở đâu đó một ngôi nhà mẹ Suốt giả lụp sụp, giột nát để phục vụ khách tham quan về giáo dục truyền thông ấy mới nhớ nguồn. Con đò mẹ Suốt sau lúc mẹ mất vẫn còn; mà nay chẳng biết chỗ nào? Duy chỉ giữ được một mái chèo cất trong viện Bảo tàng tỉnh; còn cái mái chèo khác phải làm... giả.
            Ngoài tấm phù điêu bên bờ Đồng Hới là bến đò chính, ngôi mộ giả trong nghĩa trang, khu mộ thật trên cồn cát, ngôi nhà mới của mẹ Suốt, còn có 2 nơi nữa để thắp hương cho mẹ. Đó là 2 bến đò phía bờ xã Bảo Ninh. hai bến đò này cũng có 2 tấm bia tưởng niệm, vị chi là 6 nơi tưởng niệm,song chẳng có một nơi nào được cấu trúc tương xứng với tầm vóc của “Mẹ Suốt”.
            Anh Phạm Đình Tiến- sinh viên Đại học Nghệ Thuật Huế mới ra trường, với một tâm huyết ấp ủ về hình ảnh mẹ Suốt, đã phác thảo bức tượng đài về mẹ. Cả tỉnh, huyện, xã và gia đình đều khen mẫu tượng đài đẹp, xứng đáng với hình tượng và tầm vóc “Mẹ Suốt”. Song cho đến nay, bức tượng đài vĩnh cửu để ghi công một người nữ hai lần được tuyên dương Anh hùng ấy vẫn còn nằm trong... bìa họa báo. Vì kinh phí khó khăn, không có... tiền. Trong khi đó, ngoài Bộ giao thông vận tải nhận “Mẹ Suốt” là Anh hùng giao thông vận tải, hiện nay, còn 4 ngành, đoàn thể nữa đều muốn nhận mẹ Suốt làm nữ Anh hùng của ngành, của đoàn thể mình(?!). Song có ai hiểu được trăn trở của chàng sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp trường Đại học Nghệ Thuật Huế?
            Nghe đâu tỉnh Quảng Bình cũng đang định giải phóng chợ cá để xây một khu quần thể tượng đài “Mẹ Suốt”, vì mẹ là niềm tự hào, là biểu tượng của tỉnh Quảng Bình. Song thị xã chưa chịu, vì họ bảo chợ họp đấy “quen rồi”.                       
           Ngồi trong phòng khách tỉnh uỷ Quảng Bình, nhìn qua cửa sổ tầng hai, thấy tòa nhà hát 4000 chỗ ngồi xây hết 9 tỉ đồng để chào mừng Đại hội Đảng nổi lên sừng sững bên này bờ sông Nhật Lệ; tôi thầm ước ao bên bờ sông bên kia, nơi quê hương mẹ Suốt, cũng nổi lên lồng lộng một tượng đài Mẹ Suốt thấp thoáng bên bờ sông Nhật Lệ trắng sóng.   
                                                                                                                               
                                                                                                                            Báo Lao động
Ngày 11 tháng 8 năm 1996.
(Và bây giờ, Quảng Bình đã dựng xong Tượng Mẹ rồi- đẹp, hoành tráng-
 trên Bến Cự Hà, chính nơi ngày xưa Mẹ ngã xuống- ảnh 2)                                                                     


Không có nhận xét nào: