Translate

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

NGƯỜI HAI LẦN CẮM CỜ TRONG 
“NGÀY LỊCH SỬ”…
Ba mươi nhăm năm công tác ở Văn phòng Chính phủ, người vẫn gầy nhẳng và giản dị như một lão nông. Lúc tôi hỏi quê, ông bảo: Tôi dân Vũ Thư- Thái Bình! Anh bạn đi cùng suýt xoa: Lại Thái Bình! Quê ông hình như có “duyên” đi căm cờ. Từ Tạ Quốc Luật cắm cờ ở Điện Biên Phủ, đến Bùi Quang Thận cắm cờ ở Dinh Độc Lập, rồi đến ông. Không những thế, ông còn là người duy nhất hai lần được cắm cờ trong cái thời khắc lịch sử ấy: 30/4/1975!
I.   Từ “Trại David”…
Sinh năm 1952 ở xã Tự Tân – Vũ Thư – Thái Bình. Từ nhỏ, cậu bé Phạm Văn Lãi đã có dáng người cao ngỏng nhưng gầy sắt, gầy seo. Năm 16 tuổi, cha xin cho đi học trường Thể dục – Thể thao Bắc Ninh, hòng mong cậu con trai sau này có cái “dáng thể thao” một tý! Song cái “nghiệp thể thao” chưa vận được vào cơ thể là mấy, thì năm 1970 Phạm Văn Lãi xung phong đi bộ đội, đúng lúc chiến trường Miền Nam đang thời kỳ ác liệt nhất. Ông bảo: Anh em học viên cùng trường lần lượt lên đường hết; ngồi học không chịu được…
Sau 6 tháng huấn luyện, Phạm Văn Lãi được điều động vào chiến trường Miền Đông, một trong những mặt trận quan trọng hình thành nên chiến dịch Hồ Chí Minh. Những trận chiến ác liệt giành thế “răng lược”; những lần bị địch vây ráp; có lần rơi vào ổ phục kích… Song với dáng người thể thao vốn nhanh nhẹn, mưa bom bão đạn của địch chẳng làm gì nổi được ông. Sau 3  năm tham gia hàng chục trận chiến ở chiến trường Miền Đông, với tư chất thông minh cộng với có chút văn hóa, năm 1973, Phạm Văn Lãi được điều về Phòng Điện ảnh thuộc Cục Chính trị Quân Giải phóng Miền Nam, hoạt động tại Trại David. Theo ông, đây mới là những tháng ngày hết sức căng thẳng và nguy hiểm. Nằm sâu trong lòng địch, nhân viên, chiến sỹ trong Trại không chỉ suốt ngày căng thẳng đối phó với những âm mưu nham hiểm của kẻ thù nhằm phá hoại Hiệp định Paris; mà còn phải dồn hết lòng gan dạ, mưu trí, thông minh của mỗi cá nhân để hóa giải sự lươn lẹo, dối trá của địch… Đây thật sự là một mặt trận hết sức căng thẳng ngay trong lòng địch; chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây hại cho cách mạng. Ông kể: “Trại David như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, một mặt trận công khai giữa lòng địch. Chúng tôi đã trải qua 823 ngày đêm đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ - Ngụy”… Và thực tế những năm tháng ấy, Trại David như cái gai nằm sát trái tim kẻ thù, góp phần quan trọng vào việc ép Mỹ - Ngụy thực hiện hiệp định Paris. Không những thế, anh em còn biến Trại thành nơi cung cấp, trung chuyển công khai những ấn phẩm văn hóa, phim, ảnh… phục vụ chiến trường. Ông Phạm Văn Lãi bồi hồi nhớ lại: Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn; thì ngay hôm ấy, anh em ở Trại David được lệnh cung cấp và chiếu liền 5 tập bộ phim “Giải phóng Châu Âu” của điện ảnh Liên Xô. Hình ảnh những chiếc xe tăng Hồng quân ào ạt tiến vào Berlin đã khiến chiến sĩ ta hết lòng phấn chấn trong trận tiến vào Sài Gòn…
Ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn thì đêm 28/6, Trại David nằm ven sân bay Tân Sơn Nhất cũng trở thành cứ điểm mọi loại hỏa lực của cả hai bên. Pháo tầm xa 130 ly của ta ngày đêm nã đạn vào sân bay, chặt đứt cầu hàng không cuối cùng trong việc di tản của Mỹ - Ngụy. Pháo của địch cũng câu đêm ngày vào sân bay, nhằm chặn đường tiến của ta. Đạn pháo hai bên rơi đầy cả vào Trại David. Những ngày ấy, nhân viên, chiến sĩ ta đang trong trại David cũng không nghĩ mình còn sống đến ngày chiến thắng, song mọi người đều bám trụ đến phút cuối cùng. Thức tế, đã có một số chiến sĩ của Trại hy sinh, bị thương ngay trong ngày toàn thắng…
II. …đến Dinh Độc lập.
Phải mất đến hơn hai đêm, một ngày giằng co, Quân Giải phóng mới căn bản chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất. Vào khoảng 8 giờ ngày 30/4, tiếng đạn pháo, tiếng súng ở khu vực sân bay mới vãn. Thiếu tướng, trưởng đoàn đại biểu Quân sự lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị: gọi Thượng sỹ Phạm Văn Lãi lên. Phạm Văn Lãi được giao nhiệm vụ: Vào kho lấy lá cờ to nhất, giao cho vệ binh cắm lên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất. Vốn tính nhanh nhẹn, chỉ trong vài phút, Phạm Văn Lãi đã có trong tay lá cờ to nhất may từ bốn khổ vải mà Trại có. Song, khi mang ra, thì các đồng chí vệ binh đã đi làm nhiệm vụ khác. Một thoáng chần chừ: tiếng súng vẫn nổ; tàn quân đầy rẫy; ta và địch vẫn còn giằng co… Mang cờ Giải phóng trèo lên điểm cao đơn độc là tháp nước lúc này chẳng khác nào tấm bia sống cho kẻ thù. Song, nếu lúc này có một lá cờ giải phóng trên cao điểm, sẽ động viên chiến sỹ ta rất nhiều, và làm cho địch tan rã cũng rất nhanh… Nghĩ vậy, Phạm Văn Lãi quyết định: tự mình cắm cờ! Trên đường chạy đến tháp nước. ông gọi thêm đồng chí Nguyễn Văn Cẩn – một chiến sỹ gác cổng Trại, đề nghị phối hợp cắm cờ. Hai người vượt qua làn đạn vẫn còn chát chúa, leo lên tháp nước cao chót vót. Cũng may, lúc chạy ra tháp nước, ông vớ được một đoạn ống nước bằng kẽm, giao cho đồng chí Cẩn. Đứng phía trên, ông ra hiệu cho đồng chí Cẩn đưa ông nước lên, rồi xuyên một đầu dây thép vào cuối cạp cờ, quấn mấy vòng rồi buộc dây thép vào cán cờ, sau đó buộc ghì vào thanh sắt ốp dọc bên ngoài thành tháp nước. “Lay lay thấy cán cờ đã chắc chắn, tôi mới buông hai mép cờ ra. Nghe “phật” một tiếng, rồi lá cờ tung bay trong gió, hai chúng tôi vui sướng đến nghẹn cả người…!”
Đúng như suy nghĩ của Phạm Văn Lãi; lá cờ được cắm lên, vừa là hoa tiêu cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công; vừa làm cho quân địch ở cả Sài Gòn hoảng loạn, nhanh chóng tan rã. Bản chất, nó như cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của chế độ cũ… Ngay chiều 30/4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập. Phạm Văn Lãi cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ Trại Divid cũng được điều về Ủy ban Quân quản. Phạm Văn Lãi được bố trí ở tầng 2 – Dinh Độc lập. Một vinh dự nữa lại đến với Phạm Văn Lãi: Sáng 1/5/1975, ông được Thượng tướng Trần Văn Trà đích thân giao nhiệm vụ: trèo lên nóc Dinh Độc lập, thay lá cờ do Bùi Quang Thận cắm hôm trước, vốn nhỏ quá. Hơn nữa, là cờ cũ bị mắc dây, không mở ra được, cũng không kéo dây hạ xuống được. Cột cờ cao, trơn tuột, Phạm Văn Lãi bèn lấy dây dù buộc vào hai chân như kiểu bà con Nam bộ leo dừa mà leeo lên, và cũng phải mãi mới gỡ được dây rối, rồi treo lại lá cờ lớn hơn…
Sau 7 năm quân ngũ, năm 1977, Phạm Văn Lãi được điều về Văn phòng Chính phủ.
Người viết bài này có một ông thầy dạy Địa lý hồi học cấp 3. Sau, Thầy chuyển ra Văn phòng Chính phủ, công tác cùng ông Phạm Văn Lãi ngót nghét chục năm. Vậy mà hỏi về “Người hai lần cắm cờ trong ngày lịch sử”, thầy ngớ người: Chỉ biết cái ông Phạm Văn Lãi,- Vụ phó- là một người cán bộ mẫn cán, đức độ, giản dị… Chỉ biết ông Phạm Văn Lãi cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chứ cũng ít ai ở Văn phòng Chính phủ biết rằng ông chính là người hai lần cắm cờ trong cái ngày lịch sử ấy…
Hỏi ông Phạm Văn Lãi về việc này, ông chỉ cười: Hai lần cắm cờ, chỉ là hai lần thực thi nhiệm vụ, có gì mà kể… Anh em chiến sỹ, công lao, hy sinh… còn lớn hơn tôi nhiều… 35 năm làm ở Văn phòng Chính phủ, người vẫn gầy sắt, gầy seo. Tài sản chẳng có gì ngoài một căn hộ bốn chục mét vuông ở khu tập thể Bộ Giáo dục. Năm 2012, bà vợ cũng về hưu từ Tổng Công ty rau quả (Bộ Nông nghiệp), hai ông bà bán nốt căn hộ này, phần chia cho con cái, phần mang về quê cải tạo cái nhà, cái vườn của Tổ tiên để lại. Gần sào vườn với và chục gốc trà cổ trồng từ hàng trăm năm trước lại là nguồn thu chính của ông bà. Cũng thèm có vài cái lồng chim lấy tiếng hót; vài nhành lan để ngắm hoa, thưởng nguyệt… Song ông bảo: Suốt ngày bới đất lật cỏ, đánh chỗ này, trồng chỗ kia…, chưa có lúc nào mà chim với hoa để thưởng thức lúc tuổi già. Chỉ còn có cái vườn còn đỏ ối, ngồn ngang đất là đã ngút ngát bóng xanh. Đến bà con ở thôn Nam Long cũng chỉ biết hai ông bà “làm gì trên Hà Nội” nay về hưu(?!). Chẳng ai biết rằng, đấy chính là người đã hai lần cắm cờ ở hai cao điểm trong trận chiến quyết định trong ngày 30/4.

                                                                                                T.N

Không có nhận xét nào: