Translate

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

CHUYỆN VỀ “NGƯỜI THẦY BẤT ĐẮC DĨ”
LẤY XE LĂN LÀM BỤC GIẢNG…

Năm 1979, người viết bài này có mấy tháng đóng quân, rèn binh ở xã Nam Phương Tiến- Chương Mỹ- Hà Nội. Đẫy là một xã vùng sâu, vùng xa; một  xã nghèo- nghèo nhất Hà Tây cũ và  kể cả Hà Nội tận lúc bây giờ…
Đơn vị đóng quân gần nhà một cặp vợ chồng trẻ; nhà ấy có cây lá vối ngon đến tuyệt trần, lại có thằng con trai mới lẫm chẫm biết đi mà bụ bẫm, đẹp trai hệt một thiên thần. Lúc rảnh rỗi, mấy tay tân binh tụi tôi lại sang bế hộ để làm thân với chủ nhà, hòng xin ít… lá vối về nấu nước . Về, anh nào cũng nức nở: “Chao ôi, thằng bé đẹp như... Liên Xô ấy!”…
35 năm gặp lại. Thằng bé “đẹp như Liên Xô” ngày nào nay đã  trở thành một tráng niên -nếu không bị liệt cả tứ chi, ngày ngày ngồi trên xe lăn làm ông “thầy đồ” bất đắc dĩ cho bọn trẻ con trong cái xã  nghèo… Mà quãng đời “thằng bé”có lúc  tưởng chừng đã bỏ đi…
                                                           
Lúc mới ra đời, Phùng Văn Trường cũng lành lặn, khôi ngô như bao đứa trẻ khác; thậm chí, cậu còn có phần hơn người: thân hình bụ bẫm; là con trai mà có nước da trắng như trứng gà bóc, cộng với làn môi đỏ thắm, cặp mắt đen láy…, trông chẳng khác gì một thiên thần nhỏ. “Đẹp như Liên Xô”! Ấy là một cách ví von, so sánh mộc mạc thuở đó mỗi khi bất cứ ai gặp cậu bé chứ chẳng kể gì lũ lính mới tụi tôi….
Vậy mà đến năm lên bốn, thì hai chân, rồi đến hai tay cậu bé “đẹp như Liên Xô” ấy cứ dần dần teo tóp. Nhà nghèo, từ bố đến ông nội cứ chạy hết ông lang gần đến bà lang xa tìm cách chạy chữa, song tứ chi cậu bé vẫn ngày càng co quắp, teo tóp. Lên 5 tuổi, bố đã phải bán hết những gì bán được để đưa con ra Viện 103… Rồi hai lần mổ…, song các bác sĩ giỏi nhất ở đấy cũng đành bất lực vì đã quá muộn: Cậu bé đã bị teo hết cơ của cả tứ chi… Mới 5 tuổi đầu, cậu bé “thiên thần” đã phải chập nhận số phận nghiệt ngã…
Lên bảy tuổi, bạn bè trang lứa đều được đi học hết. Cứ đến giờ tan học, cậu bé Phùng Văn Trường vừa bò, vừa lết ra cổng mà nhìn theo lũ bạn rồi nuốt nước mắt. Đến một ngày cậu bảo ông: “Ông ơi, cháu đi học”! Ông chỉ biết ôm ghì cháu vào lòng chặt hơn, rồi hai ông cháu ôm nhau mà khóc. Thế rồi, ông cũng cho cháu đến lớp. Bố bận đi làm kiếm gạo nuôi cả nhà. Ngày ngày người dân thôn Nhân Lý nhìn cảnh ông lão còng lưng chống gậy cõng đứa cháu vắt vẻo như cái rẻ khoai đến lớp, không ai cầm được nước mắt. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Nhiều hôm thương ông, cậu bé trốn ông đi học một mình. Nam Phương Tiến là xã sâu nhất, xa nhất, nghèo nhất của cái huyện nghèo Chương Mỹ. Hồi ấy, đường làng chỗ thì đất trơn trượt, chỗ thì đổ đá như trứng gà, trứng vịt. Bò được một đoạn là chân tay ứa máu, áo quần rách hết. Có người bảo: “Lành lặn còn chẳng ăn ai; đằng này…”. Ông nội nghe được chỉ biết vậy; ông càng bấm chặt hơn mười đầu ngón chân trên mặt con đường làng trơn tuột. Ông bảo: Thì chỉ cần con có được cái chữ!...
Ấy vậy mà suốt 6 năm trời học cấp 1, cậu bé Phùng Văn Trường không chịu bỏ học lấy một buổi. Năm nào cũng được nhận phần thưởng của trường, của huyện. Đặc biệt, với bàn tay teo tóp, song chữ của cậu lại rất đẹp, luôn được giải vở sạch chữ đẹp… Suốt 8 năm trời là hơn hai ngàn ngày đến lớp với một hình ảnh như vậy, hai ông cháu không “bỏ cuộc” ngày nào. Học hết lớp 8 thì cậu đành phải nghỉ học; phần vì lớp 9 cách xa nhà gần 10km; phần vì đôi tay teo tóp xong thì lại trở thành co quắp, không thể cầm bút được nữa. Ông nội an ủi: Thôi, cháu cũng biết được… ối chữ ra rồi…!
Năm 2009, đúng ở cái tuổi “tam thập”, chàng trai Phùng Văn Trường lại có một nỗi trăn trở khác. Ấy là ông nội đã mất, bố mẹ đã già, mà vẫn phải trần lực ra làm nuôi 5 anh em ăn học; thậm chí nuôi cả chàng trai tuổi ba mươi suốt ngày “ngồi chơi, xơi nước”…(?!). Nhìn cha lãm lũ, ngày ngày Trường vẫn khóc thầm. Có mảnh đất vốn là cái ao nhỏ ở ven đường làng, Trường xin bố mẹ làm cho gian nhà nhỏ để ra “ở riêng”, tự lập…, để cha dành sức nuôi các em. Cha thương, làm thêm cho một cái tủ hàng, vài gói mì tôm, dăm lạng mỳ chính, vài bao thuốc lá..., trước là để có người ra vào cho vui, sau là kiếm mỗi ngày dăm mười ngàn đỡ đần sớm tôi. Khổ một nỗi là ở nông thôn, bà con đôi khi mua hàng chịu tiền. Mà đã chịu tiền, nhất thiết phải ghi sổ sách. Vốn là cậu học trò liệt nhưng lại văn hay, chữ tốt; nay chân tay co quắp, không tài nào kẹp nổi cây bút nữa, làm sao mà ghi sổ hàng?. Biết gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, cậu cũng học theo cách viết bằng chân song không thành công vì cả đôi chân đã mất cảm giác tự bao giờ. Một lần xem phim “Bao Thanh Thiên”, thấy cảnh một oan phạm bị chặt chân tay, đã dùng miệng viết đơn kêu oan ngay trên công đường… Cậu bảo: Họ viết được, sao ta không viết được? Từ đấy, cậu lại kỳ công tập viết bằng… miệng! Khổ nỗi, cây bút thì ngắn, nhiều lần ngậm sâu xuýt nuốt cả bút; mà ngậm nông thì không có điểm tựa, không thể viết được. Mãi sau cậu có sáng kiến, là nhờ người đặt mua những cây bút chì dài hơn 20cm, để lấy răng hàm làm cổ tay (điểm tựa), răng cửa làm ngón tay (điều khiển). Sau sáu tháng khổ luyện, nét chữ của Trường đã như rồng bay, phượng múa, đạt trình độ đẹp như chữ in trên sách giáo khoa…
Lại nói bất chợt một ngày, mấy đứa con của em gái đi học về qua, kéo bạn vào chơi. Phùng Văn Trường lục cặp, rồi kiểm tra kiến thức của các cháu. Chao ôi, chữ đứa nào đứa nấy xấu như gà bới. Có đứa học đến lớp 3 mà đọc chưa thông, viết chưa thạo. Trường nảy ra ý định: kèm cho các cháu học thêm, mà trước hết là ở cái chữ; và cái lớp học thêm bắt đầu từ đấy. Có một điều lạ, là ở tuổi này, các cháu thường rất nghịch, và lười học. Song khi đến học ở đây, các cháu lại rất tự giác, và… chịu khó học. Ông thầy “bất đắc dĩ” mới trình độ lớp 8, chưa qua một giờ sư phạm, song nhận dạy… tất cả các môn. Cháu nào yếu môn gì, thầy đào sâu vào môn ấy. Tính nết mỗi cháu thế nào, thầy thuộc như lòng bàn tay. Và thầy nhận dạy… tất cả các lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Hôm tôi đến, 15 cháu, với 6 cái bàn kê hình chữ U, có đến 3-4 “trình độ” khác nhau. Một mình thầy một chiếc xe lăn ở giữa. Ấy mà vào giờ học, lớp im tăm tắp, em nào môn nấy: Em luyện chữ, em làm toán, em viết văn… Chỉ có vậy thôi mà kiến thức các em nâng lên trông thấy, đặc biệt là chữ viết. Có em mới vào học, chữ viết chỉ mỗi mình em ấy… đọc được; nay chữ đã trở thành  tròn căng… Có em lớp 3 mà vẫn đánh vần ê… a… Sau vài tháng đã đọc tròn vành, rõ chữ… Cá biệt, có hai cháu bị thiểu năng trí tuệ, ba năm đi học mà không nhận mặt được chữ cái. Chỉ sau ba tháng học ở cái lớp đặc biệt này, các cháu đã đọc thông, viết thạo... Nay có cháu đã học đến lớp 6, song ngày ngày vẫn đến nhờ “thầy Trường” kèm hộ…
“Tiếng lành đồn xa”… Cái lớp học đặc biệt của thầy giáo Phùng Văn Trường đã vượt ra khỏi ranh giới của cái xã nghèo Nam Phương Tiến. Có cháu trai bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội, phát triển không bình thường, nói không rõ, nhà cách xa hơn 10 km… Vậy mà chỉ sau ba tháng gia đình đưa cháu đến học ở đây, cháu đã biết viết, biết đọc. Nhiều gia đình ở xã khác, huyện bên… cũng xin được gửi con vào học, song nhà chật, sức yếu, thầy cũng chẳng dám nhận thêm, mà chỉ dám nhận ổn định khoảng 15 cháu. Chỉ đến mùa hè thầy mới dám đưa “sỹ số” đến 30. Suốt 5 năm trời, từng dạy cho hàng trăm lượt các cháu, không nhận của ai một đồng tiền công. Thầy bảo: Sức vóc thế này mà còn giúp được ai đã là điều quý… Người cho cái áo, người cho cái quần; rồi hộp bánh, hộp kẹo… Phụ huynh về rồi thầy trò lại mở ra khao nhau…
                                                                  
Cũng đã có một vài tờ báo địa phương, rồi trung ương viết về tấm gương thầy giáo liệt Phùng Văn Trường. Năm 2014, UBND huyện Chương Mỹ phong tặng “thầy giáo” Phùng Văn Trường danh hiệu Người tốt việc tốt xuất sắc huyện Chương Mỹ. Song, có một chuyện tình đẹp đến nao lòng mà chưa thấy ai nói đến: đó là bóng hình người vợ. “Đằng sau sự thành công của người đàn ông, là hình bóng của người phụ nữ”. Người viết bài này quả đến ngỡ ngàng khi câu danh ngôn ấy lại được nói ra từ một người đàn ông liệt toàn thân. Đấy là Trường muốn nói về người vợ. Trường tự hào: hồi trẻ- em biết- cô ấy rất đẹp; và có rất nhiều người đàn ông đến mà chẳng hiểu sao, cô ấy…chảng lấy ai(!). Vậy mà, chỉ sau một lần gặp gỡ, Ngô Thị Hường, người con gái ấy đã chấp nhận gắn bó cả đời với người đàn ông tưởng như tàn phế, vượt qua bao cản trở của gia đình. Nay, vợ tảo tần cơm nước, chợ búa… , rồi làm “trợ giảng” cho chồng. Để anh chồng được thảnh thơi lấy chiếc xe lăn làm bục giảng; lũ học trò lem luốc thì cặm cụi, chật kín ba bên. Và, họ lấy đấy làm hạnh phúc! Chị vợ bẽn lẽn: em cứ thấy anh ấy được vui là em cũng… vui rồi! Hai vợ chồng đã có được một cậu con trai chừng một tuổi đang lẫm chẫm tập đi. Trường thì cứ nhắc đi, nhắc lại với tôi: “Em cứ nghĩ, trời chẳng lấy đi tất của ai bao giờ, anh ạ”!
Còn tôi, chỉ biết cầm cái bàn tay mềm oặt của ông “Thầy đồ bất đắc dĩ” lắc lắc mà cảm phục: Không! Trường vẫn như một thiên thần, như “Cậu bé Liên Xô” của 35 năm trước- Trường ạ ./.
                                                                                               
Thanh Nhuận.

Không có nhận xét nào: