Translate

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

BA GIỜ VỚI... 
"NGƯỜI LÁI XE SỐ MỘT"!

Cũng vì sự ác liệt của hai cuộc chiến tranh, mà nhiều lái xe ô tô ở Việt Nam đạt trình độ siêu đẳng. Trong chiến trường, từng có người lái xe bay qua suối để đến bờ bên kia, ra mặt trận. Thậm chí, có những đoàn xe không lốp, đi bằng vành, lăn bánh sắt trên dây cáp vượt qua vực thẳm chở hàng ra tiền tuyến, thế giới phải kinh ngạc…
Song, nói đến “Người lái xe Số Một” ở Việt Nam, chắc không có ai khác ngoài ông Nguyễn Văn Mùi! Không hẳn vì ông là người đã lái xe suốt 30 năm không một lần mắc lỗi; mà vì 30 năm trong nghề lái xe, thì có đến 26 năm ông lái xe cho hai đời Nguyên thủ Quốc gia, trong đó có 16 năm làm bảo vệ, lái xe cho “Người công dân Số Một”- Chủ tịch Hồ Chí Minh…
 Một công việc, và một kỷ lục chắc… không có người vượt!

Con phố Phương Mai (Đống Đa- Hà Nội) nằm sát ba bệnh viện lớn, lúc nào cũng đông đúc, ngột ngạt…
Tận cùng trong cái ngách nhỏ thuộc con phố ấy, một ngôi nhà nhỏ chật chội, im ắng đến tĩnh mịch; song sạch sẽ, ngăn nắp và xanh mướt mát đến diệu kỳ. Nó như một ốc đảo giữa ồn ào phố thị. Tuy chật thôi; song người chủ đã khéo tạo nên sân trước, vườn sau. Những cây lộc vừng đang kỳ nở hoa đỏ lựng. Những giò phong lan cuối hè còn vương đầy nụ. Bốn, năm cái lồng chào mào, chòe lửa, gáy, họa mi…treo lủng lẳng; những con chim tranh nhau hót loạn xạ… Một ông cụ cao lớn, tóc húi cao bạc trắng như cước trên khuôn mặt còn đỏ au đang lúi cúi cho mấy con chim ăn. Phong độ. Đĩnh đạc. Vừa thấy mặt tôi, ông cụ đã tần ngần mà rằng: Tiếc quá! Tiếc quá! Có con chào mào hót hay quá mà nó vừa bay mất thôi… Thật không thể tin nổi rằng: đấy lại là một ông cụ đã ở tuổi 84, người có đến 26 năm làm bảo vệ, làm lái xe xuyên suốt hai đời Nguyên thủ Quốc gia, trong đó có 16 năm làm bảo vệ, lái xe cho Hồ Chủ Tịch- “Người công dân Số Một” của Việt Nam!
Trong căn phòng khách nhỏ mà trước đây vốn là cái kho của Nhà khách Văn phòng Chính phủ, đồ đạc khá đơn giản song sắp xếp rất gọn gàng, hợp lý. Ông cụ bảo: Tôi sống rất đơn giản, song rất sạch sẽ… Nhiều năm gần Bác Hồ, có lẽ tôi cũng được ảnh hưởng tính cách của Bác. Bản tính trầm lặng, ít nói, mà khi tôi hỏi về Người, cặp mắt vẫn sáng ngời lim dim một lúc lâu như để hồi tưởng những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời…
Ông là Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931 từ một vùng quê nghèo thuộc xã Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định. Cha mẹ sinh đến 9 người con, nhà ông được coi là nghèo nhất trong cái vùng quê nghèo ấy. Là con trai út, nên từ nhỏ đã được cha dắt díu đi hết Quảng Ninh, Hải Phòng…, cha con làm thuê, làm mướn. Năm 1948, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Mùi từ Quảng Ninh tìm đường về quê, nhập đội du kích. Sau, Pháp đánh chiếm Nam Định, đội du kích dạt sang Thái Bình, gây dựng lại lực lượng. Thái Bình mất nốt, mấy anh em trong đội du kích đành bỏ quê, trốn nhà tìm đường lên Chiến khu Việt Bắc. Cũng may là vừa lên đến Việt Bắc thì Nguyễn Văn Mùi gặp được ông anh cả đang làm ở xưởng đúc tiền. Nhờ anh trai xin cho, Nguyễn Văn Mùi được nhận vào làm công nhân ở đây với nhiệm vụ đốt than, thổi lò… Đến năm 1950, Chính phủ chuyển từ đúc tiền kim loại sang in tiền giấy, anh Mùi chuyên nghề đốt lò, thổi than bỗng dưng… thất nghiệp. Mất một thời gian dài, Nguyễn Văn Mùi được giao nhiệm vụ áp tải lương thực từ đồng bằng chuyển lên chiến khu. Những lúc nghỉ hay rảnh rỗi, Mùi lại năn nỉ lái xe cho… học lái. Với bản tính thông minh, ham học, chẳng mấy chốc anh đã lái được thành thạo, và nghiệp lái xe vận vào chàng thanh niên quê gốc Nam Định từ đây… Ông Nguyễn Văn Mùi nhớ lại: đời tôi có nhiều duyên may. Hôm ấy, đoàn vận tải lương thực đang nghỉ chân ở một cánh rừng, thì gặp đội xe của Văn phòng Chính phủ. Thấy xe tôi đông người, một anh bên Văn phòng Chính phủ hỏi: Sao xe ấy đông thế? Anh phụ trách bảo: thiếu xe, mấy người thay nhau lái một chiếc (cả đội xe vận tải lương thực cho chiến khu hồi ấy có đúng 5 chiếc). Thế rồi một anh–sau mới biết là anh Vũ Hoàng, đội trưởng–sang bảo: thì cho một cậu sang đây! Rồi anh Vũ Hoàng chọn đích danh Nguyễn Văn Mùi, một chàng “xế mới” cao to, mặt mũi hiền lành. Con đường từ quân du kích địa phương đến lái xe cho Văn phòng Chính phủ chỉ đơn giản có thế. Chẳng một Quyết định. Không một dấu mộc. Ông cười: hồi ấy bọn mình lên chiến khu mà cứ như… đi chơi ấy!
Năm 1954, đoàn quân tiến từ Việt Bắc về Thủ đô, Nguyễn Văn Mùi cũng ở trong đoàn quân ấy. Vốn cao to, nhanh nhẹn, Nguyễn Văn Mùi được giao nhiệm vụ: lái xe sau, áp sát, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Suốt 7 năm liền, chiếc xe Pô-Pê-Đa và Nguyễn Văn Mùi lặng lẽ như một cái bóng, lúc cản địa, lúc áp sát, lúc đổi xe, nghi binh…, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho vị Cha già dân tộc. Cho đến một ngày mà ông Mùi không sao quên được; ấy là ngày 15/3/1961, đồng chí Vũ Kỳ gọi ông lên giao nhiệm vụ: “Từ hôm nay đồng chí Mùi chính thức lái xe cho Bác”! Lúc ấy tai ông như ù đi: Không ngờ, cái anh đốt than, thổi lửa trên chiến khu hôm nào, nay được lái xe cho Lãnh tụ cao nhất của Đất nước. Nguyễn Văn Mùi vừa mừng, vừa lo đến thắt ruột. Biết ý, Bác vỗ vai Nguyễn Văn Mùi: “Cháu lái xe cho Bác, cứ đi đứng an toàn, cẩn thận là được. Bác không yêu cầu phải đi nhanh nhưng phải tuyệt đối an toàn, đừng đâm vào ai, cũng đừng để ai đâm vào mình.”! Được lời động viên của Bác, từ lúc ấy ông mới yên tâm. Ông tâm niệm: “Cả đời Bác đã hy sinh cho Dân tộc, không một đòi hỏi. Mình lái xe cho Bác, phải làm sao cho xứng với Bác.” Từ đấy, hàng ngày ông dậy sớm hơn, thay nước, đổ xăng, kiểm tra từng chi tiết nhỏ… Đi đâu Bác thường đi bất chợt, nên sáng sớm sau khi bảo dưỡng xe xong, ông phải dùng tay quay khởi động cho nóng máy, để Bác cần đi là có xe ngay. Hồi ấy, Văn phòng cấp cho ông một gian nhà rộng 10m2 ở số 2- phố Thụy Khuê nhưng chẳng mấy khi ông ở. Suốt đêm, suốt ngày ông trực ở đội xe, Bác cần đi đâu là có ngay. Vợ chồng quanh năm không gặp mặt. Nhớ mãi một lần, hôm ấy sáng sớm Bác phải đi địa phương gấp; đồng chí bảo vệ chuẩn bị không kịp; Bác bảo Nguyễn Văn Mùi: “Cứ đi! Không chờ!”. Lần ấy, đồng chí bảo vệ vừa được một phen vừa lo lắng, vừa ân hận suốt. Là người chuẩn mực về kỷ luật, song Bác lại là người cực kỳ tâm lý và quan tâm đến anh em phục vụ. Năm 1956, khi còn làm lái xe bảo vệ, Nguyễn Văn Mùi về quê cưới vợ. Bác biết, Bác “Mừng cô chú” một cái phong bao bên trong có 20 ngàn đồng. Lúc ấy, 20 ngàn đồng bằng đúng một tháng lương của lái xe, đủ đong một tạ gạo. Việc Bác nhịn ăn nhường khẩu phần ăn cho anh em lái xe, phục vụ đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Sinh nhật, Bác thường tổ chức đi địa phương, tránh tốn kém, mất thời gian. Lần ấy đúng dịp 19/5, Bác đi Vĩnh Phúc. Buổi trưa, trên đường về qua Đông Anh, Bác bảo dừng lại cho đoàn ăn cơm. Suất của anh em lái xe, phục vụ chỉ có ít thịt lợn. Suất cơm của Bác có thêm mấy miếng thịt gà hấp cách thủy. Thấy vậy, Bác gắp cho mỗi người một miếng thịt gà. Có người chưa quen cảnh ấy, ngồi rưng rưng nước mắt, không dám ăn. Bác bảo, cố mà ăn cho hết, không để lãng phí. Ăn để có sức mà làm việc… Ông Nguyễn Văn Mùi bùi ngùi: Thương Bác lắm. Lúc gần mất rồi, mà Bác vẫn cứ nhường nhịn, tiết kiệm... Đến cái quạt điện, Bác cũng cứ bật lên rồi lại tắt. Bác bảo: Vừa đỡ tốn điện; vừa đỡ hại quạt. Đất nước còn thiếu điện! Trưa hè nằm nhà sàn vẫn nóng như rang. Anh em tính lắp cho Bác cái điều hòa mà Bác nhất quyết không chịu. Anh em chúng tôi bàn nhau: hôm nào Bác đi vắng, cứ lắp cho Bác. Vậy mà về nhìn thấy thế, Bác nhất quyết bắt tháo xuống, mang lắp cho một bệnh viện. Bác bảo: “Ở đấy, họ cần hơn Bác”! Đến cái ô tô đảm bảo an toàn là thứ hết sức cần thiết với một lãnh tụ. Song Bác cũng dứt khoát không nhận. Hồi ấy, Liên Xô tặng Bác một chiếc xe Zit-Nanh-Đơ; đây là loại xe sản suất riêng cho nguyên thủ Quốc gia, có kính chống đạn dày đến nửa gang tay. Thấy chiếc xe quá sang trọng, Bác không nhận. Bác gọi tôi ra: “Này chú Mùi, xe mình (là cái xe Pô-Pê-Đa Bác vẫn thường đi) có tốt không?”. Tôi thật thà: “Dạ, tốt ạ…”! Bác bảo: “Tôi nghe chú Mùi; xe còn tốt, không đổi, lãng phí…”! Sau này bác mới bảo với tôi: Đất nước còn nghèo, đi xe sang là lãng phí! Hơn nữa Bác thường xuống với dân, đi xe quá sang không thể gần gũi với nhân dân được…
 Kể hết câu chuyện này thì ông Nguyễn Văn Mùi lắc đầu mà bảo tôi: Thôi, thôi; tôi mà kể cho anh hết những kỷ niệm về Bác thì phải mất ba ngày; chứ đừng nói đến… ba giờ! Là Nhà báo, chỉ cần anh nhớ một điều: Tôi đã học được ở Bác rất nhiều đức tính; nhất là tính tiết kiệm, giản dị… Đến lúc này, tôi mới chợt giật mình: ở trong căn phòng nhỏ vốn sửa lại từ cái nhà kho của Nhà khách Chính phủ ngày xưa (mà bây giờ hay gọi là “Khu tập thể Văn phòng Chính phủ”) quả có nét gì… “quen quen!”: Đồ đạc hết sức giản dị, đơn giản song vô cùng ngăn nắp, sạch sẽ.  Ông Mùi bảo: kể cả khi mất điện, cần tìm thứ gì, tôi chỉ cần với tay một cái là thấy ngay! Con đi làm, cháu đi học, một tay ông lão vẫn đảm đương việc dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc gọn gàng đâu vào đấy. Hết chăm giàn lan lại xoay sang chăm hai bể cá. Hết chăm sóc cho mấy cái lồng chim lại xoay sang tưới tắm cho mấy cây lộc vừng. 84 tuổi, vẫn luôn chân luôn tay. Ông bảo: Bác xưa cũng chẳng lúc nào được nghỉ ngơi; Bác cũng quần quật suốt ngày… Hết đi bảo vệ Bác, rồi lại lái xe cho Bác, 16 năm trời đến lúc Bác mất. 16 năm trời gần gũi, tính cách của Bác như ngấm sang tôi. Anh em phục vụ chúng tôi được Bác coi như ruột thịt trong nhà. Thế nên, chẳng biết trước lúc mất Bác có dặn gì hay không; mà hôm truy điệu, tất cả anh em phục vụ chúng tôi, từ lái xe, cấp dưỡng, bảo vệ… đều được thay nhau đứng trực bên linh cữu Bác như trước một người cha. Cả nhà tôi ơn Bác đúng với nghĩa đen. Hồi cưới xong, vợ tôi ở nhà làm ruộng. Bác biết, Bác bảo tạo điều kiện cho vợ tôi lên “để chú đỡ vất vả”! Thế rồi vợ tôi cũng được lên Hà Nội, sau làm nhân viên phục vụ cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Hai ông bà đều đã nghỉ hưu từ lâu. Với hai xuất lương hưu hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, đủ tằn tiệm cho một cuộc sống an nhàn; song ông bảo: giúp được cháu con ngày nào hay ngày ấy; hơn nữa không làm, không chịu được!
Nói đến đây, thì một lần nữa ông lão Nguyễn Văn Mùi cười lớn: Đấy, tôi đã bảo anh rồi rằng thôi, có kể hết mất 3 ngày chứ đừng nói ba giờ, mà tôi lại… cứ kể… Đấy là chưa nói đến việc sau ngày Bác mất, tôi lại được lái xe cho Bác Tôn Đức Thắng từ năm 1969 đến năm 1980- khi Bác Tôn mất. Thôi nhé, chuyện về Bác Tôn tôi hẹn anh lần sau…
Sau ba giờ, quả thật, phóng viên bản báo lần đầu tiên cảm thấy bối rối và bế tắc trước một nhân vật: Phải là con người thế nào? Phải là một đức tính và cốt cách thế nào, thì mới được tín nhiệm mà trở thành người bảo vệ, người lái xe xuyên suốt cho cả hai đời Nguyên thủ Quốc gia 26 năm trời; trong đó có đến 16 năm vừa làm bảo vệ, vừa làm lái xe cho “Người công dân Số Một”?. Không hẳn vì cả một đời lái xe 30 năm không một lần xẩy ra lỗi! Không hẳn chỉ vì có một đức tính tốt, một vóc dáng cao to hay một võ nghệ cao cường…! Ông Nguyễn Văn Mùi thì bảo: đấy là một mối duyên may! Còn tôi, tôi biết: chỉ có thể là một người có Nhân cách lớn: Nhân-cách-của-người-lái-xe!
Ba giờ và một trang báo, bất lực trước chân dung của ông; tôi đành chỉ biết gọi bằng cái biệt danh mà mọi người đã “mệnh” cho ông: “Người lái xe Số Một”!./.

                                                                                                                  THANH NHUẬN
                                                                                                    


Không có nhận xét nào: