Translate

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

KHI GIẤY KẾT HÔN LÀ MỘT… 
“CÔNG HÀM”!

Báo chí đã viết nhiều về chuyện tình của anh – một cán bộ ngành TDTT cũng mới nghỉ hưu. Thậm chí, có đài truyền hình nước ngoài đã dựng thành phim, và gọi vợ chồng anh là “Romeo và Juliet của Châu Á”…
Thực tế, câu chuyện tình yêu của vợ chồng anh còn li kỳ hơn “Romeo – Juliet” của Shakespear cả trăm lần. Bởi nó không chỉ gặp rào cản pháp luật giữa hai nước; mà còn bị chi phối bởi sự “nóng – lạnh” của hai phe XHCN và TBCN, bởi sự thăng trầm trong quan hệ giữa các nước, của những biến cố chính trị, những cuộc chiến tranh… Để rồi sau 31 năm đợi chờ, phải nhờ đến nguyên thủ Quốc gia, đến Bộ Ngoại giao…, “câu chuyện tình yêu” của họ mới được kết trái bởi cả một… “Công hàm”…
1. Mối tình… “sét đánh”!
Con đường Đê La Thành (Ba Đình – Hà Nội) lúc nào cũng ồn ã, bụi bặm… Khu tập thể Thành Công được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã trở nên xập xệ, chắp vá; 8 giờ tối, kẻ mua, người bán vẫn huyên náo như một cái chợ…
Căn phòng nhỏ của cặp vợ chồng vẫn được mệnh danh là “Romeo – Juliet” lại tách bạch, trầm mặc giữa cái cảnh phố xá huyên náo ấy. Một khoảng sân chung trống trơn. Căn phòng tiếp khách chật tin hin. Sau cái cánh cửa kéo gỉ sét: một bộ bàn ghế bằng gỗ tạp đã cũ; một chiếc giường đơn vừa để ngồi uống nước, vừa để đón khách... Ấn tượng nhất là cái xe máy Uran to uỳnh oàng sản xuất từ thời Liên Xô mà ông vẫn dùng để giám sát các đoàn vận động viên đua xe đạp… 65 tuổi, tóc hói trắng đầu, song trông vẫn tráng kiện đúng vóc dáng của nhà thể thao. Vậy mà ông bảo: “Để có được cuộc sống như thế này, tôi đã phải “chiến đấu” suốt… 47 năm”!?
Vốn xuất thân từ một gia đình được coi là danh giá mà bố làm ở Bộ ngoại giao, mẹ làm ở Ngân hàng Nhà nước; 18 tuổi, Phạm Ngọc Cảnh được cử sang Triều Tiên học chuyên ngành máy hóa chất ở Trường Đại học Công nghiệp hóa học Hàm Hưng. Vốn vóc dáng cao to, đẹp trai; lại đóng gần một trường chuyên đào tạo lao động nữ của Việt Nam; song suốt 4 năm trời, Phạm Ngọc Cảnh không một lần rung động trước một ai. Hồi ấy, có người bảo Cảnh… kiêu (!); có người lại bảo: Cảnh có… vấn đề… (!).
Cho đến một ngày của năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh đi thực tập ở Nhà máy sản xuất phân đạm, nằm ở một thị trấn nhỏ ven biển. Là nhà máy, song vách tường của các phân xưởng làm toàn bằng kính. Có lần ngang qua phân xưởng tinh luyện khí, Phạm Ngọc Cảnh tò mò nhìn qua ô kính. Một cô gái mặc bộ đồ lao động đang chăm chú trước hộp công tác: Da trắng ngần như tuyết; cái mũi dọc dừa thanh tú; đôi môi chẳng son phấn mà đỏ mọng… Đặc biệt, cặp mắt đen láy nhưng trĩu buồn lúc ngước lên bắt gặp đúng lúc mắt Cảnh đang nhìn trộm làm cả hai cùng sững sờ. Lúc ấy, chàng trai Phạm Ngọc Cảnh chỉ biết ước ao: “Giá mà cô ấy làm vợ mình”; mà không hề biết rằng cái “tận khổ” của sự “lụy tình” bắt đầu vận vào anh từ ánh mắt ấy …
Hồi ấy, Việt Nam và Triều Tiên đều đang ở những năm đầu của xây dựng CNXH; hai nước lại mới đặt mối quan hệ; nên vấn đề kỷ luật của cả lao động lẫn lưu học sinh được đặt lên hàng đầu. Bất kỳ ai có quan hệ nam nữ, nhất lại quan hệ với người nước ngoài, đều bị cho về nước ngay, thậm chí bị kỷ luật rất nặng. Ngay cả việc nói chuyện giữa nam – nữ nước khác cũng không được phép. Phạm Ngọc Cảnh cũng không muốn rơi vào tình cảnh như thế, song bắt mình không yêu thì lại… không thể. Thế nên, anh trở nên hết sức thận trọng, âm thầm bước vào cuộc chinh phục tình yêu với một cảnh giác cao độ. Ri Yong Hui là một nữ công nhân khá cần mẫn. Trong mỗi ca, cô phải đi lại liên tục từ đầu phân xưởng đến cuối phân xưởng. Lợi dụng những lúc như thế, chàng trai Việt lại giả vờ đi ngược chiều; mỗi lần chạm mặt, hai người vẫn phải vờ như không quen, để chỉ khẽ chào nhau một câu, hoặc nhìn nhau một cái rồi ai lại về vị trí nấy. Tuy vậy, chàng trai Việt khấp khởi nhận định: phải chăng, “nàng” đã… “cảm” ?!
Cho đến một lần, lúc cả phân xưởng đã đi ăn trưa hết, chỉ còn mỗi mình Ri Yong Hui cặm cụi trong phòng máy. Phạm Ngọc Cảnh vờ cầm tập tài liệu vào phòng, hỏi cô gái một vài số liệu. Ri Yong Hui đã co dúm người vì… sợ! Song, chỉ trong vòng… 2 phút, chàng thanh niên Việt Nam đã kịp hỏi cô gái Triều Tiên: Em đã có người yêu chưa? Chỉ một câu: “Em chưa có”… Hai người chỉ kịp ghi địa chỉ cho nhau, cùng với một tấm hình mà Phạm Ngọc Cảnh chụp chung với hai người bạn. Vậy mà, cái “duyên trời” 31 năm đeo đuổi hai con người khác quốc tịch chỉ sau cái thời gian 2 phút ấy.
2./. Hành trình 31 năm…
Đầu năm 1973, Phạm Ngọc Cảnh lên đường về nước. Chiều ấy trên sân ga Bình Nhưỡng, người ta thấy một cô gái Triều Tiên cứ chạy theo đoàn tàu mà vẫy vẫy chiếc khăn với lời tiễn biệt: “Anh cứ về nước đi, nơi đây em sẽ mãi đợi anh”… Về nước rồi, Phạm Ngọc Cảnh vẫn phải giấu nhẹm mối tình với cô gái Triều Tiên, ngay cả gia đình lẫn bạn bè, không một ai hay biết. Phải vài tháng sau, chàng trai si tình Việt Nam mới dám gửi lá thư đầu tiên cho người bạn gái Triều Tiên. Để tránh kiểm duyệt, những lá thư phải “mạo danh”: người gửi là tên một cô gái Triều Tiên; còn người nhận là… mẹ người yêu. Mà trong thư cũng chỉ dám viết những câu mà khó có thể ai bắt bẻ, như “Đồng chí Ri Yong Hui có khỏe không?”; rồi “Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ”… Nếu có “ướt át” lắm thì cũng chỉ là những câu như “Mùa đông này, tuyết ở Hàm Hưng có dày hơn không?”… Vậy mà sau này Ri Yong Hui cho biết, những bức thư vẫn bị kiểm duyệt nhiều lần, rồi mới đến tay người nhận… “Cẩn thận” như vậy, mà cũng đến một ngày, hai người bặt tin nhau vì những lá thư không thể đến đúng địa chỉ. Ri Yong Hui thì nghĩ: anh ấy đã thay lòng, đổi dạ. Bên này đại dương, chàng trai Việt vẫn nóng lòng chờ tin từ đất nước Triều Tiên. Năm 1997, một người bạn công tác ở Bộ ngoại giao cho biết: Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sắp sang thăm Triều Tiên! Vốn là chỗ quen biết của gia đình, Phạm Ngọc Cảnh tìm đến tận nhà Bộ trưởng, nhờ giúp đỡ trong việc tìm lại tung tích người yêu. Bộ trưởng cảm động trước mối tình xuyên biên giới, vui vẻ nhận lời và nhờ Bộ ngoại giao Triều Tiên giúp đỡ. Chỉ ít ngày sau, một người trong Bộ ngoại giao Triều Tiên báo tin: Ri Yong Hui đã... đi lấy chồng (?). “Không thể tin được; nếu lấy chồng, cô ấy đã lấy từ nhiều năm trước”! Với một niềm tin như vậy, Phạm Ngọc Cảnh vẫn tiếp tục tìm mọi mối quan hệ, mọi hoàn cảnh để tìm tung tích người yêu. Khoảng năm 2000, biết Sở TDTT Hà Nội có một số huấn luyện viên người Triều Tiên đang huấn luyện Taekwondo, Phạm Ngọc Cảnh xin chuyển hẳn về đây để có cơ hội tìm tung tích Ri Yong Hui. Và, cái tin đầu tiên mà anh nhận được là: “Ri Yong Hui đã chết cách đây 10 năm…”! Lúc này, Phạm Ngọc Cảnh đã nửa tin, nửa ngờ; song vẫn tiếp tục nhờ một người bạn làm phiên dịch tìm về tận thị trấn Hàm Hưng tìm hiểu, xem Ri Yong Hui chết trong trường hợp nào, và từ hôm nào…? Không ngờ, chính người bạn đã từng báo Ri Yong Hui đã đi lấy chồng, lại báo một tin khác: “Cô ấy vẫn… chờ”! Niềm vui trong Phạm Ngọc Cảnh như vỡ òa… Mãi về sau anh mới biết: thời gian hai người thất lạc tin tức, thậm chí nhận được những thông tin sai; là do hồi ấy, quan hệ giữa một số nước liên quan đang trong giai đoạn “thiếu ấm áp”; nên những thông tin số phận một con người cũng… không được chính xác! Phạm Ngọc Cảnh nhớ lại: thời điểm 1992 – 2000, là thời kỳ Thế giới có nhiều biến động, mà mỗi biến động ảnh hưởng đến Triều Tiên, cũng là một ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm. Mỗi biến động của Triều Tiên đều ảnh hưởng đến sự khắc khoải của chàng trai si tình người Việt. Khi Mỹ mở cuộc chiến tranh với IRắc, Phạm Ngọc Cảnh cũng đứng ngồi không yên, vì IRắc có mối quan hệ khá mật thiết với Triều Tiên…, chỉ lo… lỡ có chuyện gì (?). Rồi vô số những mối quan hệ quốc tế kiểu như vậy, Phạm Ngọc Cảnh biết: nó đều ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm của mình. Bởi anh biết, Luật pháp Triều Tiên rất nghiêm khắc, và có mối liên hệ khá mật thiết… Những năm 1990 của thế kỷ trước, biết Triều Tiên đang gặp khó khăn về lương thực. Lúc này đang làm trưởng đoàn vận động viên xe đạp của Sở TDTT Hà Nội, anh tiên phong trong việc vận động vận động viên, rồi cán bộ Sở TDTT quyên góp tiền, gạo… giúp bạn. Phía Chính phủ Triều Tiên cũng biết việc này. Và chính đây cũng là một trong những việc mà Phạm Ngọc Cảnh đã làm cho Chính phủ Triều Tiên biết và… quan tâm hơn tới hoàn cảnh của anh… Nhớ hồi năm 1978, Phạm Ngọc Cảnh được cử sang Triều Tiên 3 tháng để nghiên cứu về ứng dụng của thuốc trừ cỏ. Biết việc kết hôn hết sức khó khăn, Phạm Ngọc Cảnh đã thổ lộ với người mình yêu: viết thư gửi vợ Chủ tịch Kim Nhật Thành (lúc ấy là Chủ tịch Hội Phụ nữ Triều Tiên) định nhờ giúp đỡ. Ri Yong Hui đã khuyên: nếu anh làm vậy, anh sẽ mất em vĩnh viễn!
Mãi cho đến năm 2002, biết tin có đoàn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Triều Tiên do Chủ tịch Trần Đức Lương dẫn đầu. Một lần nữa, Phạm Ngọc Cảnh lại đôn đáo viết thư, rồi viết đơn nhờ Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Di Niên giúp đỡ. Chưa yên tâm, anh lại lên tận Vụ phó Vụ Châu Á Lê Văn Cự nhờ giúp đỡ. Ông Cự cười: Tôi cũng đã có thư gửi Chủ tịch nước rồi mà không biết thế nào? Ngày mồng 2/5/2002 đoàn sang Triều Tiên; mồng 5 về, ông Lê Văn Cự thông báo luôn: Trong lúc máy bay đang bay, Bộ trưởng Nguyễn Di Niên đã báo cáo với Chủ tịch nước; Chủ tịch rất cảm động và đưa việc của anh vào mục cuối cùng của… chương trình nghị sự! Và trong buổi gặp gỡ lãnh đạo giữa hai nước, “mục cuối” ấy đã được… thông qua! Song, từ khi được “thông qua” đến có được một “Công hàm” chính thức cho hai người kết hôn cũng phải trải qua nhiều chặng đường gian nan với thời gian gần… 5 tháng. Chẳng là tháng 2/2002, Phạm Ngọc Cảnh được mời sang dự cuộc thi xe đạp nước ở Hàn Quốc. Anh lại lên Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc, nhờ Đại sứ tác động giúp với Triều Tiên cho… nhanh. Kẻo anh sợ Mỹ đang chiến tranh với IRắc, ảnh hưởng đến Triều Tiên, mà sẽ ảnh hưởng đến cái Công hàm mà anh đang nóng lòng chờ đợi. Cuối cùng, giữa tháng 9/2002, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo: Đại sứ Triều Tiên đã đến Bộ Ngoại giao trao Công hàm… cho hai người lấy nhau, với điều kiện: Ri Yong Hui vẫn là… công dân Triều Tiên! Niềm vui trong anh như vỡ òa sau 31 năm nín thở chờ đợi, khắc khoải: “Hôm ấy, tôi như… hóa điên”!
Hôm sang Triều Tiên đón vợ về, dư giả tiền do anh em giúp đỡ; song hai vợ chồng quyết định về bằng xe lửa, không dám đi máy bay. Anh bảo, đi máy bay lỡ có chuyện gì, sợ phí… 31 năm! Về đến Hà Nội thì chẳng còn đủ tiền mà làm đám cưới. Sở TDTT Hà Nội, rồi Liên đoàn xe đạp… lại một lần quyên góp tiền, tổ chức đám cưới cho anh chồng Việt, vợ Triều Tiên tưng bừng ngay Nhà thi đấu Hà Nội…
Bây giờ, “chú rể” về hưu đã được 5 năm nhưng vẫn làm phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Xe đạp – Mô tô thể thao Tp.Hà Nội, tuần tuần vẫn cùng các đoàn đua tập luyện… “Cô dâu”, trước đi bán chăn, ga, gối, đệm thuê, rồi học tiếng Việt... Nay ngày ngày chị vẫn cần mẫn cùng chiếc xe đạp điện đi dạy tiếng Hàn Quốc cho các Trung tâm. Căn hộ rộng chừng dăm chục mét vuông, lúp xúp, ngăn ra một nửa cho thuê mỗi tháng cũng được dăm triệu. Cùng với lương hưu của chồng mỗi tháng 4 triệu, tằn tiệm đủ cho cuộc sống một cặp vợ chồng son. Hôm gặp chị, tôi hỏi: Chị thấy Việt Nam thế nào? Gương mặt trắng ngần vẫn thanh tao chợt bẽn lẽn: “Tôi hạnh phúc lắm khi được làm dâu Việt Nam” – một giọng tiếng Việt vẫn chưa sõi !/.
                                                                                                                          
Thanh Nhuận.

Không có nhận xét nào: