Translate

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

TRĂNG MUỘN!
            
             Tôi nguyên là giám đốc một doanh nghiệp lớn của tỉnh, về hưu tới nay vừa tròn sáu năm. Tôi đang sống đơn độc trong một căn hộ khá khang trang ven bờ sông Đáy thuộc một huyện chiêm trũng nằm tận cuối tỉnh. Về hưu với lương giám đốc, mỗi tháng tôi vẫn được hơn 1triệu đồng, cộng với thu nhập từ ao cá, vườn cây ăn  quả rộng 3 sào, tiền tôi tiêu không hết, mỗi năm để ra vài ba chục triệu triệu đồng gửi tiết kiệm. Cuộc sống nông thôn với mức thu nhập ngần ấy đã là dư giả.
       Bởi tôi sinh sống điều độ, không thuốc, không rượu..., nên dù đã ngoài 65 tuổi, tôi vẫn khỏe mạnh như lúc còn đang đi làm: tóc còn đen, da vẫn đỏ, răng chưa rụng, hai tay vẫn xách được hai thùng nước to, ai cũng bảo tôi là người có phúc!  Vậy mà giờ đây tôi lại đang bạc tóc về một mối tình mà không biết là phúc hay là họa? Tôi băn khoăn không biết thổ lộ cùng ai, đành viết mấy chữ, trước là trút bỏ nỗi lòng, sau là xin ý kiến của quý báo, quý độc giả.
            Cách nay vừa tròn 45 năm, lúc 20 tuổi, bố mẹ đã bắt tôi lấy vợ. Tôi là con độc nhất trong nhà, bố mẹ tôi muốn sớm có người nối dõi. Lấy  vợ xong là đi. Hết chiến trường B đến Nam Lào, Đường 9... Xa nhau đằng đẵng, tuy chẳng được yêu nhau ngày nào, song vợ chồng tôi thương nhau thật sự. Cô ấy là con của một ông đồ cùng dạy học với bố tôi. Bốn lần về phép, cô ấy sinh cho tôi được 4 cháu gái xinh xắn. Giải phóng miền Nam xong, tôi chuyển ngành đi học đại học hàm thụ, rồi từ phó phòng, trưởng phòng, lên giám đốc. Dù công việc quản lý doanh nghiệp rất bận rộn, tôi vẫn dành hết tình yêu thương cho vợ, cho con mong bù đắp lại cho mẹ con cô ấy những thiệt thòi trong chuỗi ngày tôi đi xa đằng đẵng. Gia đình toàn  con gái, song thật hạnh phúc, những lúc gian khó nhất của thời bao cấp trong nhà lúc nào cũng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười.
            Ai ngờ, cách đây 15 năm, nhà tôi mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cùng các con đưa nhà tôi đi hết viện này, viện khác, được chăm sóc hết mình song nhà tôi vẫn không qua khỏi. Tôi gục ngã gục suốt mấy năm liền, song thương các con, tôi cố đành gắng gượng. Lúc ấy tôi mới ngoài 50 tuổi. Sau “đoạn tang” vợ, nhiều người mai mối, khuyên tôi “đi bước nữa” cho có  bầu, có bạn lúc tuổi xế chiều, nhưng ngại cảnh dì ghẻ con chồng, tôi quyết ở vậy một mình nuôi các cháu. Nay, tất cả bốn đứa đều đã có gia đình, đứa con gái út cũng lấy chồng đầu năm ngoái; cả 8 đứa gái, rể đều là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... Đứa lớn lấy chồng xa nhất cũng ở Sài Gòn, đứa út lấy chồng gần nhất cũng trên thị xã, cách nhà vài chục cây số. Đứa nào cũng vậy, khi mới lấy chồng, tháng nào cũng về thăm tôi đến dăm ba bận; sau thì một tháng, hai tháng, thậm chí ba tháng chúng mới về một lần, còn điện thoại thì ngày nào cũng gọi. Mấy lần về thăm, chúng cũng có ý mời bố ra thành phố, thị xã ở, nhưng tôi sống ở quê quen rồi, ở đấy còn có bà con họ mạc, chòm xóm. Hơn nữa, cái bàn thờ nhà tôi, chẳng lẽ lại để hương lạnh, khói tàn? Thông cảm với con cháu bận công việc xã hội, tôi chẳng hề có ý trách chúng một câu, song lắm lúc cũng cảm thấy buồn. Lại cảnh cơm niêu, nước lọ, chẳng khác nào hồi mới chuyển ngành sống ở khu tập thể cơ quan.
            Đùng một cái, “bà ấy” xuất hiện trước mặt tôi sau đúng 32 năm xa cách.
            Tôi quen bà ấy ở mặt trận Đường 9 vào năm 1967, lúc chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt. Lúc ấy, bà ấy là thanh niên xung phong, tròn 18 tuổi, còn tôi đã là trung đội trưởng, tuổi ngoài 30. Biết tôi đã có vợ, có con, song không hiểu sao bà ấy vẫn yêu tôi cuồng nhiệt. Từ cái cúc áo đứt, viên thuốc sốt rét, đến bát cháo lúc tôi ốm... đều do một tay bà ấy lo liệu. Bà ấy rất xinh, da trắng như trứng gà bóc, nết na, lại có giọng hát rất hay, bao nhiêu người ước ao được bà ấy yêu thương mà bà ấy dửng dưng, lại đi yêu tôi, một người đã có một vợ, hai con. Tôi cũng thầm yêu bà ấy thực lòng. Song tôi đã có vợ, có con, hơn nữa lính thời chiến dính vào chuyện yêu đương bất chính như vậy là phạm tội nặng lắm, nên tôi không dám đi xa hơn quan hệ anh em, đồng đội, thậm chí nhiều khi tôi phải trốn bà ấy. Hôm đơn vị tôi chuyển  quân, lần đầu tiên tôi và bà ấy mới dám lén ra ngồi với nhau bên bờ suối. Bà ấy khóc suốt cả một buổi chiều, nước mắt ướt đẫm một bên vai áo quân phục của tôi. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói cuối cùng của bà ấy trước lúc chia tay: “Dù anh chết hay trở về với vợ, với con, xin anh hãy nhớ rằng: em yêu anh suốt đời, và sẽ chỉ yêu mình anh thôi...”. Quả là một người con gái có tính cách mạnh mẽ khác người. Bà ấy tặng tôi cái khăn dù quàng cổ, tôi vẫn giữ gìn hơn 30 năm nay. Thi thoảng tôi vẫn nghĩ đến bà ấy, song thâm tâm chỉ nghĩ đấy là một kỷ niệm thời trai trẻ mà thôi. Tôi vốn vẫn là một người chồng, người cha mẫu mực.
            Một hôm, có chiếc xe ca chở khách đi chùa Hương đến ngõ nhà tôi thì hỏng máy, khách xuống xe kẻ đứng ven sông ngắm cảnh, người ngồi ven đường lố nhố. Một người phụ nữ nhỏ nhắn thấy nhà tôi có bể nước mưa, bà ta vào xin nước uống. Tôi bảo, đi chùa sao uống nước lã? Bà ấy bảo: “Cháu” ở nông trường, quen và chỉ thích uống nước mưa... Rồi bà ấy hét lên: Anh Đống phải không...? Bà ấy xuất hiện như ma hiện, tôi bất ngờ quá, chỉ biết đứng như trời chồng giữa sân. Kể cũng lạ. Hơn ba chục năm trời, từ con người đến đất trời bao sự đổi thay, vậy mà vừa nhìn thấy tôi bà ấy vẫn nhận ra ngay. Sau bà ấy bảo: anh có cái răng khểnh không lẫn vào đâu được, có... chui dưới đất em cũng vẫn nhận ra... Hôm ấy, bà ấy lỡ cả chuyến lên chùa.
            Hết tết Quý Mùi vừa rồi, sau khi tiễn con cháu đứa vào Nam, đứa ra thị xã, tôi lén khăn khói tìm lên chỗ bà ấy.
            Nơi bà ấy sống là một nông trường của tỉnh B, đang trong thời gian chờ giải thể.
            Tưởng nơi nào, chứ nông trường này thì tôi biết đã lâu.
            Đó là một khu đất màu mỡ rộng tới hơn 2000 ha, nằm giữa ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc. Trước năm 1960, nông trường còn là khu đất hoang thẳng cánh cò bay. Theo “tiếng gọi Tây Bắc”, đầu những năm 1960, hàng ngàn thanh niên xung phong mà phần lớn là nữ đã tình nguyện lên đây khai phá rừng hoang thành nông trường trù phú sau này. Hàng trăm bài báo đã viết đủ lời để ca ngợi nông trường. Hàng chục bài thơ ca ngợi sức mạnh của con người được thai nghén từ đây. Hồi ấy, nông trường như một biểu tượng của tinh thần tập thể, một bản anh hùng ca ca ngợi thành  quả lao động cua những con người...
            Khó một nỗi, những năm ấy lớp thanh niên chúng tôi ra mặt trận gần hết. Lên với nông trường mười người thì chín người là nữ. Mảnh đất mầu mỡ mà không có đàn ông. Sau 20 năm xây dựng, vào đúng cái lúc nông trường lên đến đỉnh của vinh quang thì mới “tòi” ra một vấn đề xã hội nhức nhối: hàng trăm cô gái ngày nào lên với nông trường còn mơn mởn, bỗng chốc biến thành những “cô lữ” không chồng! Ngày ấy, cánh lính tráng chúng tôi, cứ đánh xong vài trận lại được một dịp ra miền Bắc an dưỡng, nghỉ phép... Nghỉ phép mươi ngày, đủ thời gian vừa “tìm hiểu”, vừa cưới xong một “cô bé nhà bên” do bố mẹ “dấm” cho từ trước, công đâu mà mò lên tận cái nông trường heo hút cách xa hàng trăm cây số ấy. Thế là nhiều cô ế. Mà ế hàng loạt. Đầu những năm 1980, nhiều cô “tự cứu lấy mình” ở cái tuổi đã “đầu ba, đuôi vô cùng” bằng cách... về quê tìm chồng. Có cô lấy được anh trung úy xuất ngũ. Có cô lấy được anh công nhân cùng cảnh xa nhà. Có cô lấy anh thương binh vừa từ trại an dưỡng trở về. Nhiều cô lấy chồng thương binh được gọi là hành động cao cả, đẹp đẽ của thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Cũng có nhiều tấm gương những người phụ nữ rất cảm động mà ở đây tôi không thể kể hết ra. Song suy cho cùng, đã làm người, nhất lại làm phụ nữ, ai chẳng  muốn có chồng, có vài đứa con? Trước là để có đứa trẻ bi bô cho đỡ vắng cửa, vắng nhà, sau là để lúc về già có chỗ mà dựa dẫm. Với một mong muốn cháy bỏng là được làm mẹ, một vài “cô lữ” nông trường bắt đầu dấm dúi... đẻ! Bây giờ, chửa trước, cưới sau, thậm chí không chồng mà chửa đã là chuyện thường. Chứ hồi ấy, không chồng mà chửa là chuyện tày đình, nhiều người ác mồm vẫn gọi là “chửa hoang”. Hồi ấy, hai từ “chửa hoang” như cái án tử hình đối với những nhà nào có con gái lớn. Vì thế, khi tiễn con đi đâu xa, bố mẹ chẳng dặn dò gì ngoài một câu: “Khi về, nhớ đeo “ba lô” đằng sau, chớ đeo “ba lô” đằng trước; mất nết tao... băm!”. Thế mà có cô vẫn cứ chửa. Có tổ địa chất trú chân tạm trong nông trường: có cô chửa! Anh lái xe chở gạo đến nông trường: cũng có cô chửa! Có cô mẹ ốm, xin về quê dăm hôm chăm sóc mẹ, lên được non tháng đã vội bỏ về quê vì có... chửa! Theo quan niệm cũ, hồi ấy gái không chồng đâu được quyền sinh con. Thế nên, cô nào có bầu, vội vã lẻn về quê để đẻ. Không về thì nông trường cũng đuổi, nên cứ tìm cách “chuồn” trước là xong! Khổ thân, có cô biết mình có chửa bèn bỏ đi đâu biệt tăm, ở lại nông trường chẳng ở vì không có chốn nương thân, về  quê cũng chết vì sợ... (!). Có cô không dám về quê, xin nông trường vài chục mét đất hoang tận cuối bìa rừng làm lán ở tạm, người ta đồn um lên: chắc... con ông Giám đốc nên mới... mới “sướng” như thế! Để giữ cái “tiếng” cho mình, ông Giám đốc lại phải yêu cầu cô này rời khỏi nơi đang cư trú. Chửa: bỏ về quê; chửa: đuổi khỏi nông trường... Cứ thế, mỗi đứa trẻ sinh ra từ nông trường là cả một cái ao chứa đầy nước mắt. Đầu những năm 1980, nông trường vợi người, ông Giám đốc có lúc cũng giật mình: hàng chục cô gái không chồng... biến mất (?). Cứ “đà” này, nông trường lấy đâu ra người mà sản xuất?
            Cũng may, trước những năm “đổi mới”, nhất là từ khi có Luật Hôn nhân và Gia đình, quan niệm nặng nề về chuyện này nhẹ nhõm hẳn. Người ta chỉ còn cười dấm, cười dúi đằng sau những cô gái không chồng mà chửa, chứ  chẳng ai còn dám đưa ra cuộc họp, hoặc “bắt vạ” những cô gái đáng thương hơn là đáng giận. Quyền của họ là được làm mẹ! Giữa những năm 80, nông trường vẫn còn hàng chục cô gái ngoài 40 tuổi mà vẫn... phòng không. Sau khi chuyển sang cơ chế thị “khoán hộ”, lãnh đạo nông trường nẩy ra “sáng kiến”: cấp cho mỗi cô dăm chục mét vuông đất ven đường cái, cho mỗi cô vay vài triệu đồng dựng cái nhà tạm, gọi là “đầu tư cho... tương lai!”. Chỉ trong một tháng, cả chục ngôi nhà nhỏ, vách đất, mái rạ đồng loạt xuất hiện ven con đường tỉnh lộ chạy vắt qua nông trường. Và chỉ một năm sau, dân số nông trường đột ngột tăng lên được hàng chục... đứa trẻ. Báo chí, dư luận coi như một “sự kiện”; có báo hết lời ca ngợi ông Giám đốc bằng đủ mỹ từ: nào là “nhân văn cao cả”; nào là “năng động”; nào là “tình người”... Có báo gọi đấy là “Làng không chồng...”; có người gọi đấy là “Làng không cha...”. Không gì thì không, người ta cũng là con người, cũng có quyền được làm mẹ chứ! Ông Giám đốc già hoan hỷ bảo thế, coi đấy là một thành công mang đậm tính nhân văn! Quả thật, ông đã đúng. Bây giờ, những đứa trẻ cùng năm sinh ngày ấy đều đang học phổ thông trung học trường huyện, và đang là “nguồn sống chính” ở nhiều nghĩa của hàng chục gia đình. “Làng không chồng” này đã biến thành “làng đông con”...
            Đấy là những gì tôi được biết qua báo chí và tìm hiểu sau này. Có điều, tôi cứ nghĩ nó là chuyện ở tận đẩu, tận đâu, hay chuyện của ai đấy trong phim, trong tiểu thuyết (!). Không ngờ Nguyệt- bà ấy- cũng từng có một quãng đời không kém gì giông tố. May mà nghị lực người lính đã giúp bà ấy vượt qua.
            Lúc đứng trước ba cái cọc tre buộc vào nhau gọi là “cổng”, tôi ứa nước mắt mà không tin nổi vào chính mắt mình...
            Trên một vạt đất rộng chừng nửa sào nằm khuất dưới chân đồi, những thanh nứa chiếc dài, chiếc ngắn cắm xiêu vẹo. Rào cắm mà không buộc lạt, thưa đến nỗi một con lợn con cũng lọt qua.
            Nhìn cách cắm rào tôi suy nghĩ: chắc nhà không có đàn ông! Chính giữa cái vạt đất ấy, một gian nhà nhỏ, mái lợp tranh, tường xếp gạch xiêu dẹo. Xung quanh nhà, chè xuân xanh mơn mởn. Nguyệt ngồi ở chái nhà ,tư lự, chậm chạp bốc từng nắm ngô ném cho đàn gà to lồng lộc dẽ đến dăm chục con. Trông thấy tôi, Nguyệt vụt đứng dậy. Đàn gà đạp lên nhau chạy thục mạng. Nguyệt đứng trân trân nhìn tôi, mắt giàn dụa nước. Em thốt lên một câu: Không ngờ... anh... lên thật...
            Giữa bốn hàng gạch được gọi là “tường” không thấy có cái gì đáng giá. Một bộ phản gỗ sung dùng lâu ngày đã nhẵn thín. Chiếc xe đạp cũ không sơn được treo cẩn thận ở góc nhà bằng hại sợi thừng. Đã 2 giờ chiều mà chiếc kim giờ đồng hồ vẫn chỉ con số 6. Nguyệt méo mó cười: Có mỗi cái đồng hồ thì đã hỏng từ lâu. Nhà không có đàn ông mà anh...
            Một điều làm tôi thật bất ngờ: Đằng sau tấm riđô hoa chắng ngang gian nhà để chia thành “buồng” có chiết tủ đứng cũ kỹ dùng để đựng quần áo; trên nóc tủ đặt chiếc khung ảnh mà người trong đó không ai khác chính là tôi. Nhìn tấm ảnh truyền thần rất đẹp, tôi nhớ ngay đến buổi chiều chia tay bên bờ suối, tôi đã tặng Nguyệt một tấm ảnh cỡ 3x4 cm. Lạ một điều, tấm ảnh truyền thần của tôi đặt trên nóc tủ lại có một giải lụa đen vắt chéo qua ngực theo kiểu ảnh chụp  một người đã chết. Thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên, Nguyệt nói như van vỉ:
            - Anh vừa đi mệt, Xin anh, cơm nước xong, em sẽ kể hết anh nghe...
            Quả thật, 15 năm nay tôi mới lại có được những giờ phút hiếm hoi như buổi chiều hôm ấy. Sau ngày vợ mất, tôi dành hết tình yêu thương cho  bốn đứa con gái. Song chúng cũng còn phải lao vào học, lao vào những cuộc thi. Chúng yêu tôi, thương tôi, song thực lòng, mấy khi con cái hiểu được lòng cha mẹ? Sau, lên đại học, rồi lấy chồng, sinh con, chúng càng ít có thời gian quan tâm đến bố hơn. Lắm lúc tôi thấy thương tôi. Tôi thật cô đơn giữa chốn đông người. Hồi còn làm Giám đốc, tôi đi nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, đủ thứ sơn hào, hải vị. Ấy vậy mà đôi lúc vẫn thèm một bát canh cua nấu rau mồng tơi ăn với cà pháo mà cũng không có. Đôi lúc thèm cả một lời trách móc của vợ với chồng, thèm cả một lời quát mắng của mẹ đối với con, nhưng đâu có được. Bà ấy mất rồi!
            Bữa chiều hôm ấy, ngoài món gà luộc mà Nguyệt nuôi được, bà ấy còn đãi tôi món canh cua đồng nấu với rau mồng tơi kèm cà pháo là những thứ tôi nghiện từ trong bộ đội, và cũng là nhữnng thứ rất khó kiếm ở cái vùng đất nửa đồi, nửa núi này.
            Suốt bữa, bà ấy không ăn, chỉ ngồi nhìn tôi nhẩn nhà từng hớp rượu nhỏ.
            Đêm hạ tuần, trăng muộn.
            Lúc ông trăng khuyết mất một góc đột ngột chui lên từ ngọn đồi chè xa xa, bữa cơm mới tàn.
            Tôi hỏi Nguyệt, sao lại thờ tôi trong khi biết tôi còn sống. Bà ấy nén một tiếng thở dài rồi bảo:
            - Chuyện dài lắm, nhưng trước khi kể, em phải một trăm lần xin lỗi anh...
            Mẹ sinh em vào một đêm rằm trăng sáng. Đêm ấy, trên đường đến nhà hộ sinh, mẹ đẻ rơi em bên bờ giếng đầu làng; nhờ ánh trăng sáng vằng vặc mà bố mới nì rõ để tự tay cắt rốn cho em. Em sống nhờ ánh trăng. Có lẽ vì thế, bố đặt tên cho em là Nguyệt để nhớ đêm trăng hôm ấy.
            Người ta vẫn bảo, con gái sinh vào đêm rằm thường đáo để; còn ai có tên là Nguyệt, tên Liễu... thường hay gặp cảnh “hồng nhan”, chẳng biết có đúng hay không? Suốt từ bé đến lớn, chưa thấy ai bảo em đáo để bao giờ. Chỉ biết, tính em khác người: đã làm gì, làm bằng được; đã ghét ai, ghét hơn đào đất đổ đi; đã yêu ai, em quên cả thân mình. Học hết cấp 2 em nghỉ học. Năm 18 tuổi, nhiều người khen em đẹp nhất làng: mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa... gái  quê đồng chiêm lam lũ mà nước da vẫn trắng ngần như trứng gà bóc. Mẹ em thở dài: thanh niên lành lặn ra trận hết cả rồi, muốn lấy một anh tử tế, chẳng lẽ tao lại... cho đi bộ đội? Bố em bảo: “Cái ngữ ấy mà đòi ra trận, có họa... vướng chân!”. Chỉ vì một câu ấy của bố, em lén nộp đơn vào bộ đội thật. Dạo ấy bộ đội không tuyển nữ, mà chỉ tuyển vào Thanh niên  xung phong. Em đã cuốc bộ 7 cây số lên tận huyện, nộp đơn xin vào Thanh niên xung phong, mặc bố em chầm ngâm chép miệng, thở dài, còn mẹ ngầm khóc đến cạn nước mắt. Em cùng 8 đứa con gái cùng tuổi, cùn làng lên đường một ngày mà vui ngỡ đi hội. Lần ấy bọn em xuất quân bằng đò. Mỗi huyện được phân bổ một chiếc đò gỗ to, chở cả trăm người lẫn gạo thóc, hàng hóa... Cả tỉnh có 14 huyện là 14 con đò. Rất nhiều cô giá trẻ măng ở độ tuổi mười bảy, mười tám. Cờ, biểu ngữ đỏ rợp một đoạn ngã ba sông Đáy. Hết đò đến xe Zin, khoảng ba tháng đã ra gần hết mặt trận. Những ngày đàu sống ở trạm giao liên tiền phương em đã gặp anh. Anh biết không, em yêu anh đến mê mẩn, cuồng si. Phút gặp đầu tiên em đã nghĩ ngay rằng: anh sinh ra là để cho em; và sinh em ra cũng là để cho anh. Tinh yêu đích thực thường như vậy. Anh cao, to, đẹp trai, hai mắt sáng như sao, lại thêm cái tài ăn nói lôi cuốn, rất duyên... Anh biết không, cả tiểu đội em chúng nó mê anh, suốt đêm chỉ bàn chuyện về anh; song biết anh đã có vợ, có con, lại thêm kỷ luật mặt trận, không đứa nào dám hé răng- ngoài em. Không biết có phải hồi ấy em “lẳng lơ” hay không? Cũng may hồi ấy anh là người cương nghị, anh chạy trốn em. Nếu không, chẳng biết bây giờ thế nào? Hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời em là buổi chiều trước hôm anh chuyển quân, em được một lần khóc trên vai anh bên bờ suối. Không một câu anh nói yêu em, song qua ánh mắt, em biết anh cũng yêu em. Đối với em, chỉ thế là đủ. Sau buổi chiều hôm ấy, không hiểu tại sao em cứ nghĩ đã là vợ anh. Em khắc khoải. Em đợi chờ. Đêm nào trước khi đi ngủ em cũng cầu trời, khấn phật cho anh trở về, anh đừng chết. Em với anh như có một định mệnh mà chính em cũng không lý giải nổi. Suốt sáu năm làm thanh niên xung phong hỏa tuyến, đi đến đâu em cũng hỏi thăm anh, dò la tin tức về anh, song biệt vô âm tín. Năm 1972, giữa lúc bom Mỹ đang đáng phá ác liệt ở Hà Nội, bọn em được chuyển quê hương. Cả huyện trống dong, cờ mở đón chúng em. Xã em chín đứa đi thì có sáu đứa về. Hai mươi bốn tuổi. Ở quê em tuổi ấy coi như đã khó lấy chồng. Cũng một vài người mối mai, đánh tiếng, em chẳng hề rung động trước ai. Đứng trước họ, em lại nghĩ đến anh, em lại lắc đầu. Người ta bảo “Con cá mất, con cá to” là thế...
            Ở nhà với bố mẹ được đúng 6 tháng, thấy còn buồn hơn ngày đi hỏa tuyến. Ngoài việc đi làm theo kẻng cho Hợp tác xã lấy ngày mươi điểm, chẳng còn việc gì làm. Bạn bè cùn lứa đã lấy chồng hết, chẳng có chỗ mà chơi. Nghe tin nông trường này tuyển công nhân nữ chuyên đi hái cam, em lại lên xã xin “chỉ tiêu” đi xây dựng nông trường...

            Nguyệt kể đến đây thì ngoài phí bờ rào có tiếng xe máy Minskhơ nổ xoành xoành. Một ông xe ôm đội chiếc mũ cối chùm hụp xuống tận mặt, vừa bóp còi inh ỏi, vừa rọi đèn cho một cô gái lách qua cành rào chắn ngang ba cái cọc tre làm cổng. Vừa chạy vào nhà, cô gái vừa ríu rít:
            - Mẹ... Mẹ...
            Cô gái còn trẻ, ra dáng một nữ sinh. Qua ánh đèn vàng, tôi thoáng thất thần: không ngoài ai khác, đấy chính là Nguyệt của hơn ba mươi năm về trước; từ khuôn mặt, đôi mắt, sống mũi..., không lẫn vào đâu được. Nguyệt vụt đứng dậy:
            - Con em đấy!
            Cô gái sững lại trân trân nhìn tôi, rồi lại nhì lên cái ảnh thờ cài chéo băng tang vẫn đặt trên nóc tủ. Nguyệt ngẹn ngào bảo con gái:
            - Cha đấy, con...
            Tôi đứng như trời trồng. Thật bất ngờ chỉ trong vài tích tắc, cô gái chạy nhào về phía tôi...
            Tôi không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa.
            Hồi còn ở chiến trường, tôi và Nguyệt mến nhau thật, song yêu nhau theo đúng nghĩa của nó thì chưa bao giờ. Duy nhất buổi chiều cuối cùng bên bờ suối vắng, tôi ôm em vào lòng, đặt lên môi em một nụ hôn. Chỉ vậy thôi. Chẳng lẽ chỉ có thế mà Nguyệt nỡ... đổ vạ cho tôi?
            Cháu gái mới chừng ngoài hai mươi tuổi, gọn ghẽ, xinh xắn như mẹ ngày nào. Cháu chỉ kịp thét lên một tiếng: Cha!... rồi đổ gục trên vai tôi.
            Sau mấy phút nức nở đến nghẹn ngào, cháu trách:
            - Sao cha nỡ bỏ con suốt hai chục năm nay, hở cha...?
            Tôi nghẹn người không nói được câu gì, đưa ánh mắt giận giữ nhìn Nguyệt. Nguyệt chắp tay, vái trước mặt tôi hai cái:
            - Em xin anh, thư thư rồi em kể hết anh nghe, anh sẽ hiểu...
            Cháu gái tên Hạnh- Nguyễn Thị Đức Hạnh- lấy họ của tôi. Sau nửa ngày đường từ trường đại học ở Hà Nội về, cháu thấm mệt. Quá nửa đêm, cháu đã ngủ mê mệt. Con bé giống Nguyệt ngày xưa quá! Trong giấc ngủ, thi thoảng nó lại nhếch miệng, nở một nụ cười mãn nguyện. Nó đang có một giấc mơ tràn trề hạnh phúc.
            Đợi con ngủ say, Nguyệt lại lần lần quá khứ, kể nốt câu chuyện còn dở dang cho tôi nghe.
                                                                  
            ... Năm 1972, sau hơn nửa năm ở nhà với bố mẹ, em lại tình nguyện lên nông trường. Hồi ấy, đàn ông ra mặt trận hết. Nông trường có gần một ngàn người thì tới hơn chín trăm rưởi là nữ. Ban ngày bọn em đi làm theo đội, trồng cam, cắt cỏ..., vui lắm! Đêm về, một nôi cô đơn, vắng vẻ, heo hút, bao phủ lên cả đội. Đội 2 chúng em có 50 người, thì cả 50 người là nữ, từ đội trưởng, đội phó, tổ trưởng... Quá nửa đội là thanh niên xung phong xuất ngũ, sàn sàn, độ tuổi 22- 25. Ban ngày đi làm vất vả nhưng vui. Đêm đến, 50 đứa nằm trong một lán, không đứa nào nói với nhau một câu. Có đứa chong đèn dầu, cặm cụi suốt đêm viết thư cho gia đình. Nhiều đứa vờ ngủ, vắt tay lên trán, mắt thao láo nhìn lên mái gianh mà thở dài sườn sượt. Có đứa nằm ôm nhau, rấm rứt khóc... Nhiều khi cả tháng chúng em không thấy một bóng đàn ông đi qua. Nhớ một lần, có anh cán bộ huyện đội đi tuyển quân đạp xe ngang qua, cả đội nói, cười, trêu chọc, rồi lấy đất, đá, củi khô... ném anh cán bộ huyện đội. Anh này sợ quá, quẳng cả xe đạp chạy thục mạng, sáng hôm sau bọn em lại phải cử người mang xe lên lận huyện trả người ta. Suốt hàng chục năm trời như vậy. Chán cảnh ấy quá, một số đứa bỏ về quê lấy chồng. Không hiểu bằng cách nào, một vài đứa có chửa, nông trường kỷ luật lên, kỷ luật xuống rồi mới đuổi việc. Có đứa vác bụng về quê, đứa bỏ đi đâu không rõ? Gan lỳ nhất là cái Huyền. Khi biết nó có chửa, ông Giám đốc nông trường ký quyết định cho nó thôi việc, đuổi về quê, nó dứt khoát không về. Nó vác bụng vào rừng tìm tre, nứa, làm một cái lán nhỏ trên miếng đất hoang ven nông trường, sáng sáng xuống chợ huyện, mua hàng đầu chợ, bán cuối chợ, vậy mà sống được! Hồi nó đẻ được thằng con trai, cả đội em coi như con chung. Thằng bé bây giờ đã là kỹ sư lâm nghiệp, đang công tác ở chính nông trường này.
            10 năm sống cảnh như vậy, đến năm 1982, thì có tổ địa chất đến khảo sát suối nước nóng đóng trại ngay gần đội của em. Cả đội mừng như ruộng cạn gặp cơn giông. Lúc này em đã 34 tuổi, tưởng như cái tuổi đã hết thì con gái. Vậy mà có một anh vẫn đến với em. Anh ấy khen em đẹp, em trẻ..., em mụ cả người không biết gì nữa. Anh ấy bảo: Đi biền biệt, chưa có thời gian lấy vợ... Em như người đang ốm bỗng có thuốc thần, khỏe khoắn ngay lại. Nhiều đứa ganh tỵ, bảo em “tốt số”. Ngẫm cũng xứng đáng thôi! Ngoài ba mươi tuổi. Vẫn còn xuân sắc. Mà em đã được ai yêu bao giờ?...
            Lúc cái bụng em lùm lùm, cũng là lúc đơn vị anh ấy hoàn thành nhiệm vụ phải về xuôi. Hôm chia tay, anh ấy thề sống thề chết rằng chỉ mươi hôm sau anh ấy sẽ lên đón em về. Mươi hôm... Một tháng... Một năm... Rồi hai mươi mốt năm..., anh ấy lặn mất tăm. Chỉ thương cái Hạnh, côi cút suốt hai mươi mốt năm nay.
            Cũng may hồi em có mang, quan niệm về gái không chồng mà chửa không còn nặng nề như xưa nữa. Sau khi có cơ chế khoán hộ, nông trường còn cắt cho em một miếng đất nhỏ và cho vay ít tiền để dựng cái nhà tạm. Trong nhà có đứa trẻ con, em thấy mình cũng hạnh phúc.
            Đẻ cái Hạnh xong, em mới biết rõ con người thật của bố nó. Té ra anh ta đã có vợ và ba đứa con gái ở dưới xuôi. Anh ta đến với em chỉ để kiếm thằng con trai. Khi biết tin em lại sinh con gái, anh ta trốn biệt luôn. Có người xui em mang con trả cho nhà anh ta, em không nghe. Con người bạc tình như thế em chẳng tiếc. Lúc ấy, không hiểu làm sao em chỉ nghĩ đến anh. Em cứ ước ao rằng, giá như cái Hạnh nó là con anh? Em cứ tiếc rằng, sao buổi chiều hôm ấy em không liều mình xin anh một đứa con? Biết anh họ Nguyễn, em lấy họ anh là họ con. Giấy khai sinh của nó, trong phần ghi về bố, em cũng lấy tên anh: Nguyễn Văn Đống! Khi lên hai tuổi nó đã nói sõi. Câu hỏi đầu tiên trong đời nó với em là: “Bố con đâu?”. Em lấy tấm ảnh của anh ra, chỉ cho nó xem và bảo: “Bố hy sinh rồi”!. Suốt những năm thơ ấu, nó luôn giữ tấm ảnh anh bên mình. Em biết, nó yêu bố vô cùng. Cái ảnh trên bàn thờ kia là hồi lên 10 tuổi, nó bắt em xuống phố huyện vẽ truyền thần, rồi đặt lên bàn thờ. Suốt hai chục năm nay, nó vẫn tin rằng người trong ảnh chính là bố nó. Sau hôm gặp lại trong chuyến đi Chùa Hương, em nói với nó: “Bố hãy còn sống...”, nó như phát cuồng, tuần nào học xong cũng vội vã từ Hà Nội về, bắt em dãn đi gặp anh. Tội nghiệp nó quá...!
            Giờ tôi đã hiểu.
            Nguyệt van vỉ tôi hãy vì Nguyệt, vì cháu Hạnh mà đừng cho nó biết sự thật. Hãy cứ để nó yên ổn trong niềm hạnh phúc dù giả tạo là có một ông bố tuyệt vời như tôi. Tôi thương Nguyệt. Tôi thương cháu Hạnh vô cùng. Bỗng dưng, cả hai mẹ con đối với tôi như trở thành máu mủ. Tôi không muốn làm mất đi niềm hạnh phúc cuối cùng của hai mẹ con. Song  còn 4 đứa con gái của tôi, bốn đứa rể và hàng chục đứa cháu ngoại, lại còn bà con lối xóm, họ hàng..., tôi biết ăn nói với họ ra sao? Có ông bạn thân biết chuyện khuyên tôi đón mẹ con cô ấy xuống dưới này cho có bầu, có bạn lúc tuổi già... Chao ôi! Đã 15 năm sống vò võ một mình, tôi cũng muốn thế lắm chứ. Song đến cái tuổi này, chẳng nhẽ để người đời mai mỉa, con cháu cười chê. Ở đời có câu: “Trăng sớm còn chẳng ăn ai, huống gì trăng muộn”. Còn bỏ mặc mẹ con Nguyệt tôi cũng không đành!


            Tôi đau đầu quá, không biết xử trí ra sao. Đành viết lá thư dài, trước là để dốc bầu tâm sự, sau là hỏi quý báo, quý độc giả: Có ai rơi vào hoàn cảnh như tôi không? Tôi nên làm thế nào đẻ vẹn cả đôi đường?... Tôi xin hết lòng cám ơn.
T.N

Không có nhận xét nào: