Translate

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015


“HIỆP KHÙNG”!
Đã mấy dịp tìm đến mấy nhân vật chuyên sưu tập đồ chiến tranh; thấy lạ, là ông nào cũng bị gán chữ “khùng” đằng sau cái tên (!?) Với ông Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thương – quận Tây Hồ - Hà Nội) cũng không ngoại lệ: Vừa hỏi đến cái tên Nguyễn Mạnh Hiệp, cả chục người dọc đê Yên Phụ ai cũng gật gù: “À, Hiệp bảo tàng, “Hiệp khùng” chứ gì?”…
Ở tuổi 65, song trông ông còn khá nhanh nhẹn, quắc thước. Duy chỉ có cái lưng gù gù, cộng mái tóc bạc trắng với khuôn mặt đen đúa, làm ông như một lão nông khắc khổ. Vừa giời thiệu là phóng viên, ông đã quày quả xua tay mà rằng: Thôi, thôi! Tớ bận lắm! Còn đang bận đi xin tài trợ cho anh em vào chiến trường xưa đây… Bà vợ - một người phụ nữ nhỏ thó, mau mắn- ái ngại ghé tai phóng viên: “Ông ấy bị thương ở đầu, khùng khùng suốt mấy chục năm nay anh ạ”… Nguyễn Mạnh Hiệp cười ha hả: Thì 21 năm nay, cả phường, cả quận, cả nhà vẫn gọi tôi là “Hiệp khùng” đấy thôi! Chỉ đến khi thấy phóng viên đứng tần ngần trước tấm ảnh “Hiệp khùng” chụp chung với nữ Anh hùng Kan Lịch; và biết phóng viên có mối quan hệ đặc biệt với “Người con gái Pa Kô” này, “Hiệp khùng” mới thay đổi hắn thái độ, bù khú tiệp phóng viên suốt một buổi sáng trời mưa tầm tã. Nguyễn Mạnh Hiệp bảo: Kan Lịch là chiến sĩ địa phương của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), từng dẫn tôi đi đánh hàng chục trận. Kan Lịch vừa là đồng đội, vừa là ân nhân. Người quen Kan Lịch, không thể không tiếp… Lúc này, cái tính khùng khùng bến mất. Song Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn luôn nhận mình… khùng! Ông bảo, ông bị gán tên “khùng” từ 21 năm trước, khi ngày ấy ông cứ khuân về một lô một lốc nào bom, súng, với bi đông, ba lô… toàn của người đã chết về, bày biện khắp nhà. Người ta thì sưu tập đồ cổ, đồ đồng, đồ gốm… Ông thì đi sưu tập đồ chiến tranh, bán chẳng ai mua, xin chẳng ai cho, không “khùng” mới lạ. Khổ nhất là giai đoạn mới bắt tay vào làm: một ngôi nhà cũ tin hin dưới chân đê Yên Phụ, sáu vợ chồng cha con đã phải xoay xỏa trong sự chật chội, nay lối chẳng có mà đi vì ngổn ngang toàn bom với đạn. Có lúc bà vợ và bốn đứa con phải kêu trời vì những thứ mà người ta gọi là “đồng nát”. Sau, đêm đêm thấy ông chong đèn ngồi ngắm nghía, lau chùi từng món đồ vật, cả vợ và bốn đứa con như có sự cảm thông, lại xoay ra ủng hộ ông hết mình trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh…

Thật ra ban đầu, Nguyễn Mạnh Hiệp không có thú trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh.
Hồi ấy, khi mới 18 tuổi, vừa mới học xong lớp 9, Nguyễn Mạnh Hiệp xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng vừa hành quân, vừa huấn luyện mới vào đến chiến trường Bình Trị Thiên. Suốt 9 năm làm lính trinh sát ở mặt trận A Lưới, ở chiến trường Bình Trị Thiên, Nguyễn Mạnh Hiệp nhớ vùng chiến sự này như lòng bàn tay. Ông bảo, hồi ấy chiến sĩ hy sinh nhiều. Anh em trong đơn vị bảo nhau: Nếu anh nào chết, thì anh sống cố mang vật gì đó về cho gia đình làm… kỷ niệm. Song ở mặt trận, giữa sự sống và cái chết chẳng biết thế nào, nên cũng chẳng thực hiện được. Năm 1975, Nguyễn Mạnh Hiệp xuất ngũ, về công tác ở Bộ Văn Hóa với tấm thẻ thương binh 4/4 và một kỷ vật duy nhất là chiếc cốc nước của Đại tá Nguyễn  Văn Thọ mà ông thu được trong trận “Lam Sơn 719”. Suốt cả chục năm công tác ở Bộ Văn hóa, Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn đau đáu với lời dặn của đồng đội, là đưa những kỷ vật về cho gia đình liệt sĩ. Đối với ông, đó như món nợ với đồng đội. Phải đến năm 1996, sau khi xin nghỉ “hưu non”, Nguyễn Mạnh Hiệp mới có dịp và thời gian để trả món nợ này. Vợ làm công nhân ở Sở Giao thông, một nách nuôi bốn con nhỏ, tiền của chẳng có; Nguyễn Mạnh Hiệp từng bán món đồ cuối cùng trong nhà để trở lại chiến trường xưa, tìm lại di vật của đồng đội mà trong dân địa phương còn lưu giữ rất nhiều. Đầu tiên chỉ là những cái cốc, chiếc mũ cối, đôi dép cao su…; có khi cả chuyến đi mang về chỉ đúng mỗi cái ba lô… Tuy là những kỷ vật nhỏ; song phần lớn, kỷ vật nào cũng có một bản “lý lịch”, cho biết rõ đấy là đồ của ai, hy sinh năm nào, và ở chiến trường nào…? Mỗi kỷ vật là cả một câu chuyện. Không có ý định sưu tầm. Song sau những món kỷ vật đầu tiên, ông bảo, lạ lắm, cứ như có những linh hồn chiến sĩ theo về. Nhiều đêm nằm mơ, cũng thấy anh em trách cứ, hay dặn dò… Có lần, có anh em còn chỉ dẫn cho rằng ở chỗ ấy, chỗ nọ, có cái này, cái kia…, thế là lại lên đường, lại đi… Có khi chỉ là cái lược bằng xác máy bay; có khi chỉ là cái ca uống nước làm bằng vỏ đạn… Ông bảo, mỗi thứ như có linh hồn chỉ dẫn cho ông tìm đến; và tự dưng ông biến thành nhà sưu tập lúc nào cũng chẳng hay. Những kỷ vật nho nhỏ còn đỡ, như những đôi dép, cái mũ, chiếc máy bộ đàm… Có khi, chỉ một ba lô, hoặc một chiếc hòm, về nhà mở ra đã có vài ba chục kỷ vật. Tốn công sức, tiền của nhất là những quả bom từng ném xuống đơn vị mà đến nay còn nguyên thuốc nổ; rồi mảnh chiếc máy bay bị chính nữ anh hùng Kan Lịch bắn cháy năm nào… Có lần lên A Lưới, gặp quả bom tấn mà Mỹ ném xuống còn nguyên thuốc nổ. Vật nài mãi, chủ nhà hàng sắt vụn mới bán cho ông với giá “hữu nghị” là 3 triêu đồng. Vét xong đồng tiền cuối cùng, ông lại “hỏa tốc” ra Bắc, xin tiền vợ trở vào, thuê người khui thuốc nổ rồi lại thuê xe chở ra. Không ít lần bị công an bắt vì “buôn bán vũ khí chiến tranh”; sau biết ông là “nhà sưu tập”, lại được thả ra. Từ ý định ban đầu là sưu tập kỷ vật của đồng đội, ông Nguyễn Mạnh Hiệp chuyển sang ý đồ dựng lại hình ảnh cuộc chiến của cả hai phía trên mặt trận Bình Trị Thiên; nên ông sưu tập đủ thứ, nhưng chủ yếu từ mặt trận A Lưới và Bình Trị Thiên. Từ chiếc cúc áo, chiếc máy bộ đàm, cái ba lô, mũ cối… của chiến sĩ ta, đến những vật dụng vũ khí của phía bên kia. Cứ cái gì thuộc Bình Trị Thiên, thuộc A Lưới là ông lại rinh về. Người dân Phú Thượng một thời xầm xì cho rằng ông đi buôn bán sắt vụn! Có người hỏi thăm, đánh thuế! Ông bảo, mỗi kỷ vật là một linh hồn! Mà ai đánh thuế linh hồn? Sau, mọi người hiểu ra, cảm phục, động viên, thậm chí giúp đỡ. Ông bảo, biết trong vùng A Lưới có kỷ vật gì, không mang về được, không chịu được! Có cái đầu máy bay F111 nài nỉ mãi người ta mới bán cho. Lúc trở ra Bắc lấy tiền quay vào thì người ta bán mất rồi, ông tiếc hùi hụi đên tận bây giờ. Có cái cây nhiệt đới còn nguyên vẹn, người ta đòi đến 30 triệu đồng; thích qua mà không đủ tiền mua. Trong mỗi cây nhiệt đới chẳng hiểu có tác dụng gì mà lại có cục vàng to bằng viên bi nên đắt lắm. Ông đành bỏ ra mấy triệu mua cái cây nhiệt đới mà đã bị người ta tháo mất cục vàng ấy ra rồi, nên chẳng còn nguyên vẹn…
Cư thế suốt 21 năm nay, cả trăm lần Nguyễn Mạnh Hiệp trở lại chiến trường xưa đi tìm kỷ vật. Năm ít nhất cũng một vài lần. Có năm ông đi tới … 10 lần. Có khi, cứ đầy chuyến đồ lại ra. Cũng có khi, cứ hết tiền thì lại ra! “Kiến ta lâu cũng đầy tổ”, nay ông đã có trong tay bộ sưu tập tơi trên 3.000 hiện vật chiến tranh, chủ yếu từ vùng A Lưới và Thừa Thiên Huế. Nhỏ nhất như cái lược, viên đạn; lớn nhất như những quả tên lửa vác vai, quả bom tấn, đến cái cánh máy bay Mỹ…
Một căn phòng rộng 100m2 khắc họa đầy đủ hình ảnh của cuộc chiến khốc liệt. Một cái sân rộng cả trăm mét vuông lủng củng nào bom, nào đạn, nào pháo… Xác máy bay, tên lửa… treo kín bờ rào… Kỷ vật mà ông tâm đắc nhất vẫn còn giữ được là chiếc chăn và chiếc võng do Thiếu tướng Trần Minh Đức tặng trong lần ông bị thương nằm viện 268 sau trận đánh đồn Mang Cá (Thừa Thiên Huế). Hôm ấy, ông bị thương nặng; nằm viện mà chăn màn, quần áo cũng chẳng có. Thấy vậy, Thiếu tướng rút chăn, võng của mình trong ba lô ra tặng cho chiến sĩ Hiệp. Ông bảo: Chăn và võng ấy vẫn còn thẫm máu của tôi…
Với một vết đạn vào đầu, bây giờ nhiều lúc Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn khùng khùng, nhất là những ngày trời nắng. Hết khùng, ông lại đi. Hai suất lương hưu của hai vợ chồng nhiều khi chẳng đủ cho những chuyến đi, lại phải vay mượn anh em, bạn bè. Nay những chuyến đi dư dả hơn, bởi ông có một vườn cây cảnh rộng 700m2 đã đến kỳ làm hàng hóa. Sắp sửa đến mỗi chuyến đi, ông lại gọi khách đến… bán cây. Có người bảo: giá như 21 năm nay ông sưu tầm đồ cổ, đồ đồng, đồ sứ… thì nay đã thành… tỷ phú. Ai đời lại đi sưu tầm toàn đồ sắt vụn? Còn đối với ông, ông bảo: 3.000 kỷ vật sắt vụn của ông mới là vô giá: đấy là những linh hồn! Đêm đêm ngồi lau chùi từng món kỷ vật, thầm thì nói chuyện với những cái ca, cái cốc, chiếc ba lô…, ông thấy đồng đội hiện về, thân thiết, gần gũi và làm ông nhẹ vơi đi nỗi lòng. Người vợ tần tảo từ chỗ gọi ông là khùng, là điên vì mang toàn đồ liệt sĩ về bày biện khắp nhà, nay trở thành phụ tá đắc lực, lo toan cho ông trong mỗi chuyến đi. Không chỉ là nơi để hàng chục du khách đến đây để chiêm nghiệm mỗi ngày; cái Bảo tàng chiến tranh của ông còn là nơi tụ hội của đồng đội, của những cựu binh đến đây để nhớ lại một thời lửa đạn. Đây còn là bộ giáo cụ khổng lồ có một không hai cho những lớp học sinh nội thành, ngoại thành đến để tìm hiểu về chiến tranh.
Trước lúc phóng viên chuẩn bị ra về, thấy tiếng ông Nguyễn Mạnh Hiệp tất tả goi con trai, nhờ bán hộ bố vài cái cây lấy tiền trở lại A Lưới trước ngày 27/7.
Vườn cây lại sắp hụt đi. Và cái bảo tàng chiến tranh chắc lại có thêm dăm ba món đồ mới!

THANH NHUẬN


Không có nhận xét nào: