Translate

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

TRÁI TIM LÀNG LỤA
Thật ra, Làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Nội) có đến 3 “nghệ nhân” dệt lụa. Đó là cụ Triệu Văn Mão, cụ Lê Văn Bằng, và ông- Nguyễn Hữu Chỉnh. Song hai cụ đã mất, nay chỉ còn mình ông, nên người chữ nghĩa thì gọi ông là “Nghệ nhân cuối cùng của Làng Lụa”; còn người làng thì gắn cho ông cái tên: “Trái tim Làng Lụa”… Tên nào cũng đúng!
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không thể nào biết nổi rằng gia tộc mình có bao đời làm lụa. Chỉ biết rằng, cái làng cổ Vạn Phúc làm lụa từ hơn 1000 năm trước, thỉ tổ tông làm lụa cũng lâu lắm rồi. Ông nội là cụ Nguyễn Chấp Chung, ngày xưa chuyên dệt các mặt hàng tơ, lụa phục vụ triều đình nhà Nguyễn. Cụ cũng chính là một trong ba người thợ dệt Việt Nam được vinh danh tại cuộc Đấu xảo của Pháp ở Mac-xay, và tên tuổi hiện vẫn được lưu trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cha đẻ của ông cũng là một nghệ nhân của làng nghề; thấy con trai có nét hào hoa, nên đã sớm truyền nghề cho ông từ tấm bé. Lên 8 tuổi, cậu bé Nguyễn Hữu Chỉnh đã biết dệt hoa là công việc mà không nhiều người thợ làm được. Ông bảo, nhà 6-7 cái khung cửi; hàng chục thợ dệt trong nhà. Cứ lúc nào đến công đoạn dệt hoa, ông lại về… dệt hộ; đến đoạn dệt trơn, ông lại bỏ đi… chơi… Thế mới thấm cái câu: “Nghề gì cũng có… Trạng Nguyên”!
Hòa bình lập lại, Làng Lụa Vạn Phúc được hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Rồi trong chiến tranh, tơ, lụa chắng ai mặc; HTX dệt Vạn Phúc chuyển sang dệt vải. Hàng nghìn máy dệt đạp chân, mỗi năm Vạn Phúc cung cấp hàng triệu mét vải cho chiến trường Miền Nam cũng như các địa phương Miền Bắc. Đúng thời điểm ấy, Nguyễn Hữu Chỉnh được điều động lên xây dựng ngành dệt cho tỉnh Sơn La. 20 năm tròn gắn bó với Xí nghiệp dệt Sơn La, với bàn tay vàng, ông là người có công lớn trong việc phát triển sản phẩm thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La, được UBND tỉnh Sơn La trao tặng “Bằng lao động sáng tạo”… Đặc biệt, sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò, ông đã thiết kế máy móc và chuyển giao kỹ thuật giúp đồng bào Ninh Thuận dệt thổ cẩm từ khổ hẹp sang khổ rộng mà bây giờ đồng bào vẫn ghi ơn…
Năm 1990, ông phó Giám đốc Xí nghiệp dệt Sơn La Nguyễn Hữu Chỉnh về nghỉ hưu tại làng Vạn Phúc, đúng thời điểm xóa bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường. Ông bảo, cả làng Vạn Phúc bấy giờ lao đao lắm. Chỉ mấy năm trước, Vạn Phúc được giao chỉ tiêu dệt cả chục nghìn mét vải mỗi tháng. Tháng tháng, từ trẻ lọt lòng đến cụ già đều có “gạo bông”. Đánh đùng một cái, cả làng bán sạch máy cho người ta lấy gỗ đóng đồ, bởi lụa làm ra bán chẳng ai mua. Cái làng lụa đang rộn rã tiếng thoi lách tách suốt đêm ngày bỗng dưng im ắng đến lạnh lùng. Người bỏ làng đi làm thuê. Người quay sang tập cấy, tập cày… Thời điểm này, làng lụa ngàn năm gần như biến mất…
Năm 1991, đau đáu với cái nghề cha truyền con nối, ông Nguyễn Hữu Chỉnh bàn bạc với ông Lê Văn Bằng (sau cũng được công nhận là Nghệ nhân-đã mất): Phải khôi phục lại Làng Lụa! Ông Nguyễn Hữu Chỉnh tỷ tê vay cô con gái cả được 4 chỉ vàng, đem bán đi rồi chia cho ông Lê Văn Bằng một nửa. Máy dệt trong làng đã bán hết. Hai ông hì hụi tự thiết kế, rồi đóng hai cái máy dệt bằng tay; rồi lại chia nhau mỗi người dệt một loại mặt hàng để thăm dò thị trường. Dệt được mét nào, hai anh em lại đạp xe đèo nhau ra Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai… (Hà Nội) gạ bán! Có khi cả tháng chẳng bán được mét nào, hai ông vẫn đi. May sau có người quen làm chủ cửa hàng đồ gỗ ở Giảng Võ cho mượn một khoang cửa hàng làm nơi trưng bày, hai ông đỡ mất công đạp xe đến chồn chân song vẫn chẳng ai mua. Mãi đến năm 1992, có đoàn thương gia Ấn Độ đến tham quan triển lãm Giảng Võ. Vô tình, họ ghé vào quán trưng bày hàng lụa và họ reo lên như vớ được vàng. Ngay hôm ấy, họ đặt hàng ông Nguyễn Hữu Chỉnh 3000 mét lụa. Song khổ nỗi, dồn cả số lụa ế ẩm suốt mấy tháng trời mới được 200 mét, còn gần 3000 mét họ chấp nhận lấy sau. Ông bảo, hai chục năm làm phó Giám đốc, gần một đời làm lụa, chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến thế. Mà lại toàn tiền USD. Thế rồi, ông dùng toàn bộ số tiền ấy đóng máy móc, mua tơ… dệt để trả hàng cho vị khách Ấn Độ. Một mình với 6 dàn máy dệt không xuể; ông vận động một số gia đình cùng dựng máy, cùng làm. Ngay năm đầu, ông đã “khôi phục” lại nghề được cho 10 hộ. Từ khách hàng đầu tiên là đoàn thương gia Ấn Độ, nhiều nước, nhiều nơi đã biết đến lụa Vạn Phúc. Khách hàng trong nước cũng bắt đầu tìm đến, mà vị khách đầu tiên sau này trở nên thương hiệu nổi tiếng là “Khải Silk”…
Chỉ sau 8 năm, đến năm 1998, từ hai cái máy dệt lụa bằng tay của hai lão Nghệ nhân, đã nhân lên trên 1000 máy. Làng lụa Vạn Phúc đã sống trở lại. Song sự phát triển trở lại quá đà nên lại gặp phải tình trạng cung vượt cầu, nhà nhà tranh mua, nhà nhà tranh bán, không quan tâm đến chất lượng. Thậm chí lụa giả, lụa Trung Quốc giá rẻ ngang nhiên luồn lách, cạnh tranh với lụa Vạn Phúc, lại một lần Làng Lụa nguy cơ mai một. Một lần nữa, ông Nguyễn Hữu Chỉnh lại bàn với anh em trong nghề: Phải thành lập hiệp hội, một phần để xiết chặt chất lượng sản phẩm, giữ thương hiệu; một mặt phải mở rộng thị trường, đưa lụa đến tận tay người tiêu dùng… Năm 2002, biết Huế tổ chức Festivan, ông cùng mấy người trong hiệp hội mua chịu hàng ngàn mét lụa của dân, mang về tẩy, nhuộm… rồi đem vào Festivan Huế tham dự. Lần ấy mấy ông lỗ lớn, song kéo về là một giải thưởng lớn cùng hàng trăm đơn đặt hàng cho Vạn Phúc. Nhiều hợp đồng từ Ấn Động, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng bắt đầu từ chuyến đi “lỗ lớn” ấy…
Không chỉ có công nhóm lại cái lò lửa đã tắt là Làng Lụa Vạn Phúc; ông còn được coi là người thả hồn vào lụa, đưa lụa Vạn Phúc đạt đến đỉnh cao mà mỗi tấm lụa là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ở tuổi thất thập, mắt lại đã mờ vì lụa; ngày ngày ông vẫn mày mò, nghiên cứu ra những mẫu mã mới phù hợp với từng đất nước, từng địa phương, mùa vụ… Chỉ riêng bộ sưu tập mẫu mã mà ông tâm đắc nhất đã có đến 16 sản phẩm do ông sáng tác. Như sản phẩm lụa “Chùa Cầu- Hội An” được giải nhì cuộc thi Sản phẩm quà tặng của Huế; sản phẩm “Long Vân” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xếp giải đặc biệt năm 2010; hoặc sản phẩm “Hoa Ban” được giải nhất trong triển lãm 1000 năm Thăng Long… “Chắt chiu” được mẫu mã nào, ông lại nhờ một người cháu đồ họa lại trên máy tính, rồi phổ biến cho cả làng cùng theo. Trước đây, lụa Vạn Phúc nổi tiếng có sẵn song vẫn phai mầu. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh lại mày mò, nghiên cứu thành công loại thuốc nhuộm có độ bền màu cao, rồi mở lớp tập huấn cho cả làng, để tấm lụa Vạn Phúc đạt được đỉnh cao về cả chất liệu, hoa văn, mầu sắc cho đến độ bền như ngày nay…
Năm nay, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã tròn 75 tuổi. 7 lần đạt vương miện; 12 lần đạt danh hiệu, giải thưởng trong các cuộc thi. Được phong dnah hiệu “Nghệ nhân Bàn Tay Vàng” từ năm 1996; rồi “Doanh nhân tiêu biểu” dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội… Song ông bảo: Cái “được” lớn nhất của đời ông, là đã nhóm lại được ngọn lửa làng tưởng như đã tắt. Hôm tôi đến thăm, ông và một nhà văn địa phương đang cặm cụi rà soát lại cuốn sách mà ông vừa được xuất bản. Đó là cuốn Hồi ký và thơ về cái Làng Lụa mà ông đã một đời cống hiến. Thật ngỡ ngàng, một người được mệnh danh là “Trái tim Làng Lụa” mà ông tự bạch mình giản dị như phận một con tằm nhả tơ! Xin mượn hai tứ trong bài “Phận tằm” của ông để làm câu kết; bởi câu thơ như đã khắc họa đủ chân dung một cuộc đời với lụa của ông:
                                                            “Phận tằm ăn lá dâu non,
                                                            Đắm mình lăn lóc giữa ngàn mầu xanh..
                                                             …“ Tằm tôi hiến tặng cho người,
                                                            Chút tình nồng thắm cả đời chắt chiu.”
                                                                                   
Thanh Nhuận.

Không có nhận xét nào: