Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

 AI BẢO "GIÁO LÀNG"
 LÀ KHỔ...?

    
      Học xong cấp 3 trường huyện, tôi nộp đơn thi vào sư phạm. Chị tôi bảo: học sư phạm, sau về làm  anh giáo làng, khổ lắm. Chị tôi cũng là cô giáo làng. Chồng đi bộ đội, một nách nuôi ba con nhỏ, nghèo xơ, bố mẹ tôi vẫn phải chu cấp từng bơ gạo. Nghe chị khuyên, tôi biết vậy. Biết là khổ, là nghèo, song cứ nghĩ đến cái cảnh lũ học trò ngồi im phăng phắc, há hốc mồm ngồi nghe giảng bài, tôi lại thấy thinh thích. Tôi quyết định thi vào trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh và tôi đỗ thật. Một năm đi dạy học. Những giờ ra chơi, ngồi trên bàn giáo viên nhẩn nha điếu thuốc lá cuốn, nhìn lũ học trò nô đùa vui vẻ, mọi ưu tư, sầu não tan biến hết, bây giờ nhớ lại vẫn thấy nao nao. Hai mươi năm xa nghề dạy học, có người bạn cũ là giáo viên hỏi: Bây giờ ông thích làm gì? Tôi cười: Chỉ thèm một giờ đứng lớp, nhìn lũ học trò nô đùa vô tư, để mình cũng được vô tư như ngày xưa...
            Hồi tôi học lên cấp 3 thì chiến tranh vừa dứt. Không còn khói bom, không phải đi sơ tán, song quê tôi đồng chiêm nước trũng, sau cái đận ấy, lụt lội, mất mùa liên miên. Lũ học trò chúng tôi không có cả gạo mà đi trọ học. Hơn chục cây số, cả tốp gần chục đứa cứ ngày 2 buổi đi bộ từ nhà đến lớp, từ lớp về nhà. Hôm tan học muộn, có đứa đói lả dọc đường, cả bọn lại phải thay phiên nhau dìu về. Từ sáng đến trưa chẳng có hạt cơm vào bụng, bước trên đường làng chân cứ khuỵu xuống. Mà về đến nhà cũng chẳng có cơm. Nhà đứa nào khá, ăn no hạt mì đã là sướng. Học đến tiết 4, tiết 5, cứ nằm áp má trên mặt bàn mà nghe giảng. Thầy giáo biết, thương cũng không mắng mỏ gì. Mà nhiều thầy, cô giáo hồi ấy cũng vậy. Nghe bảo, được 13 cân gạo thì 2/3 là khoai tây, phân đạm. Có thầy ở độc thân, cứ mỗi lần đong gạo về, thầy lại xé giấy báo, chia chỗ tiêu chuẩn là gạo ấy thành 60 gói bằng nhau, mỗi bữa nấu đúng một gói. Bữa trưa nào đi ăn “cỗ”, chiều về nấu hẳn hai gói, ăn vẫn đói. Tôi có một thầy giáo dạy địa lý rất hay. Nghe thầy dạy địa lý thế giới mà mê hồn, cứ như văn tả cảnh. Người thầy gầy sọm. Có trưa, thầy đang giảng đến giữa bài thì dừng lại, nhìn cả lớp một lượt rồi ném viên phấn qua cửa sổ; thầy bảo: cho cả lớp nghỉ. Cả lớp ngạc nhiên. Thầy méo mó cười: trưa quá rồi, cô cậu đói, tôi cũng đói: ta nghỉ. Có lần, cô giáo dạy Trung văn đến giờ thứ 5 thì ngất xỉu, cả lớp hết hồn, nhốn nháo xuống báo thầy Hiệu trưởng. Thầy bình tĩnh dìu cô về phòng Giám hiệu. Mãi sau này mới biết: cô đói quá(!). Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình, thương thầy, thương cô đứt ruột. Có lần tôi kể lại cho đứa con gái đầu lòng nghe, cháu khen: Bố giỏi tưởng tượng đấy!
            Con gái tôi không tin cũng phải, vì đấy là chuyện ngày xưa... Còn bây giờ... Anh rể tôi là đại tá về hưu; chị gái tôi buổi lên lớp, buổi về nhà phụ với chồng mở xí nghiệp dệt quần áo len, vốn liếng hàng tỷ đồng. Cô giáo dạy Trung văn, lâu lắm rồi tôi không gặp lại. Còn thầy giáo dạy địa, lối về quê qua ngõ nhà tôi, thi thoảng thầy vẫ ghé chơi, tâm sự, ôn nghèo kể khổ. Thấy thầy giáo cao to, hoạt bát, tôi bảo: Thầy trẻ hơn ngày xưa! Thầy cười: “Tớ” tăng hơn “hồi ấy” gần ba chục ký. Con cái lớn cả, tâm hồn thư thái, thảnh thơi, trẻ ra là phải. Nhất là trong ngành giáo dục, quan hệ thầy trò vẫ đằm thắm, tình nghĩa, không phải ganh tỵ, đua chen như nhiều ngành khác. Thầy bảo, “nghề giáo” ngày nay khác lắm rồi, không còn ai phải long đong rau cháo, nhịn đói lên lớp nữa. Quả đúng thế thật. Nghề giáo đang là một nghề có giá nhất trong các nghề có giá với đúng nghĩa của nó. Điểm thi tuyển vào các trường Sư phạm bao giờ cũng cao nhất trong các trường chuyên nghiệp. Nhà nào có con thi đỗ vào trường Sư phạm, ấy là một niềm vinh hạnh. Vào đấy, được cấp học bổng toàn phần, bố mẹ đỡ phải lo chạy vạy. Ra trường lại dễ xin việc, lương cao, xã hội trọng vọng, làm nghề phụ thoải mái, đấy còn chưa kể đến... dạy thêm. Hôm có anh bạn đến mời dự buổi “gặp mặt giáo sinh cũ” học Cao đẳng Sư phạm từ 20 năm trước tại khách sạn Nhuệ Giang, tôi nghĩ thầm: toàn hội “Giáo làng”, khó khăn lắm lắm, lấy đâu ra điều kiện mà “gặp mặt”, nhất lại ở “Hotel”? Tôi nhầm, 43 cựu giáo sinh cũ, cũng là 43 thầy cô giáo làng đến dự trên 43 chiếc xe láng coóng, phần lớn là Dream. Nói cười hể hả, cao to béo tốt, 6-7 thầy còn điện thoại di động reng reng..., đa số phất lên từ dạy thêm và làm nghề phụ. Ngày xưa có người bảo: “Giáo làng có nghề làm ruộng, nghề phụ là dạy học”, bây giờ sai bét. 100% thầy cô giáo đã “ly nông” mà vẫn “bất ly hương”. 60% phất lên từ dạy thêm, 40% từ ngành nghề phụ, toàn ngành chính đáng cả. Phạm Pha quê Trầm Lộng, hồi học Sư phạm, cánh giáo sinh toàn nhại “anh Pha, chị Dậu” vì đen đúa và khó khăn nhất lớp: mới học năm thứ 2 mà đã một vợ 2 con. Hồi mới ra trường, Pha chuyên làm nghề đóng gạch. Một buổi đi dạy, một buổi vào khuôn, làm đất... mỗi năm cũng được 4-5 lò. Mấy vạn gạch một năm cũng không kéo nổi 4 đứa con gái lít nhít. Pha bỏ đóng gạch từ 6 năm trước, nay vừa làm Hiệu phó, vừa là chủ một trang trại rộng 4ha. Năm 1992, theo cơ chế khoán mới, Pha “đấu” một lúc 4ha đất trũng, thuê người vật đất trồng cây, thả sen, nuôi cá, thả hàng nghìn con gà theo mô hình VAC, mỗi năm thu 6-7 chục triệu tiền lãi. Pha bảo: đi dạy học để lấy nguồn vui, lương Hiệu phó gần triệu bạc chỉ đủ... bạn bè. Từ đen đúa, gầy gò, nay Pha trắng trẻo, béo tốt như ông chủ. Sớm thành đạt trong con đường kinh doanh là thầy Vũ Danh Nhân, dạy ở một trường cơ sở thuộc Phủ Quốc Oai. Hồi học Sư phạm, 19 tuổi, giáo sinh Nhân đã biết lên chợ trời mua xe đạp cũ mang về quê bán. Bố Liệt sĩ, mẹ già, mình Nhân xoay sở đủ tiền ăn học, tiền nuôi mẹ. Ra trường làm đủ nghề, từ buôn bán xe máy, bán phở, thịt chó..., nay làm chủ hiệu hoa cưới, áo cưới lớn nhất Phủ Quốc Oai. Mới rồi, thầy xây nhà 4 tầng, liên hoan làm hàng trăm mâm cỗ. Thầy bảo: mình nghèo, con cái khổ, là có “tội” với gia đình, với xã hội...! Nghĩ thế là tốt. Song để thực hiện được như vậy, cũng có thầy làm khác. Tình là bạn thân của tôi, thi thoảng ra nhà lại cho cháu mấy tờ hai chục, năm chục mới cứng. Hôm thì Tình bảo: “Thắng con 63” hôm lại bảo: “Vào” con 71... Hóa ra, Tình đánh... đề. Sau vài năm “thắng” như vậy, Tinh bán nhà đắp nợ cho ông anh trai, vợ chồng con cái dắt díu nhau lên khu tập thể. Năm 1992, Tình quyết chí thi hàm thụ đại học. Học xong 2 năm thì được lên dạy cấp 3. Sau 4 năm, chồng gò lưng vừa dạy ôn thi đại học, vừa chụp ảnh; vợ vừa làm ruộng vừa bán hàng, nay đã mua lại được mảnh đất, cất cái nhà nho nhỏ, vĩnh biệt số đề và từ biệt cái nghèo. Tình bảo: nghĩ lại “hồi ấy” thấy sợ quá...
            Chỉ 40% các thầy cô giáo dạy môn phụ, như: Sử, Địa, Kỹ thuật... là không có thu nhập từ dạy thêm... Còn 60% lấy dạy thêm làm “gốc”. Tất nhiên việc dạy thêm ở nông thôn không “đua nở” và không có thu nhập “chóng mặt” như ở thành phố. Song, dù sao nó cũng góp một phần không nhỏ cho những đồng lương vốn không nhiều. một trường chuyên của tỉnh H, một giờ dạy thêm thầy giáo được hưởng thù lao 80.000 đồng; mỗi tháng có vài ba triệu. Cô giáo đề nghị phụ huynh viết “đơn xin học thêm” cho con, chẳng ai viết, học sinh thấy cô giáo... giận.
            Cô K.T, giáo viên trường PTTH. M..., hồi mới ra trường, hai vợ chồng ở nhờ trong một chái nhà tranh của khu tập thể. Lúc ấy, hai vợ chồng, hai đứa con với một cuộc sống hạnh phúc vô cùng. Gặp bạn K.T vẫn tự hào: “Một chái nhà tranh... bốn trái tim vàng”. Từ khi có phong trào dạy thêm, K.T bị cuốn hút theo cơn lốc ấy: dạy suốt ngày, suốt đêm. Một ngày dạy 3 buổi, 5 kíp. Với chiếc 81 đời chót, K.T như con thoi, sáng huyện này, chiều huyện khác. Sau 5 năm “cuốn theo chiều gió” K.T gầy sọp hẳn đi, song bù lại, tiền nhiều. Từ bàn tay trắng, nay đã nhà mái bằng, ti-vi mầu, xe máy đời mới... K.T quay ra chê chồng “không biết làm ăn”. Quá mù ra mưa, vợ chồng đang chờ tòa gọi ly dị. Hôm gặp, anh chồng xót xa: đồng tiền đúng là... đồng bạc, ông ạ! Cũng vì chuyện dạy thêm mà vài chục học sinh ở huyện P (Hà Tây) đang khốn khổ. Chẳng là do trường này bắt học sinh học thêm quá nhiều, đóng góp quá nhiều, phụ huynh bèn bắt con em... bãi khóa hàng tháng trời, gây tai tiếng cho trường, cho huyện...
            Dạy thêm, bản thân nó vốn trong sáng và cần thiết. Song, trong cơ chế thị trường, dạy thêm đôi khi vô hình biến thành hàng hóa. Đã là hàng hóa, thượng vàng, hạ cám, có kẻ mua, người bán. Nhiều thầy cô, còn khó khăn nhưng kiên quyết từ chối dạy thêm. Thầy D, một “ông Tiên” trong nghề dạy học, quê tận Hà Tĩnh, ra dạy ở trường M.Đ suốt ba chục năm, kiến thức uyên bác như thần, hàng chục thế hệ học sinh, phụ huynh kính trọng như cha. Nhiều cua học có tiếng đến mời thầy dạy thêm với phù lao gấp 4-5 lần cô giáo khác, thầy trả lời: tôi già rồi, dạy sao được! Họ đi rồi thầy bảo tôi: Thầy dạy chữ, chứ không bán chữ. Với một quầy sách nho nhỏ, một dàn máy dệt len, nhẩn nha, thầy cũng nuôi đủ 6 cô con gái với cuộc sống không thừa, chẳng thiếu. 60 tuổi, tóc bạc như cước, da đỏ au, chiều chiều thầy cưỡi xe “City” đi bắn chim... thật sướng hơn tiên... Thầy L, giáo viên dạy toán nổi tiếng tỉnh H, từ chối lời mời dạy thêm với thù lao 7 triệu đồng/tháng. Với 3 sào đất vườn, sáng sáng thầy thả hết kiến thức vào đầu học trò, để chiều chiều lại thả hết hồn vào hàng ngàn gốc cây cảnh, hàng trăm con chim cảnh..., mỗi tháng thu vài ba triệu đồng từ cây, từ chim với một tâm hồn thanh thản...
            Trăm thầy, trăm cô, trăm cách lao động khác nhau, ít ai cam chịu phận nghèo. Thầy, cô giáo làng, chỉ còn một bộ phận nhỏ là còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... Ở đấy, họ không có thị trường, không có nghề phụ... Còn phần lớn cuộc sống của các thầy, cô đã được cải thiện, hoặc bằng nghề chính hoặc bằng nghề phụ. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng đang bươn chải, đang gồng lên với nền kinh tế thị trường mà vẫn phải giữ gìn nhân cách người Thầy. Vì đằng sau những bài giảng, họ cũng có một gia đình, có vợ, con với biết bao trách nhiệm. Trăm phương ngàn cách để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Cách nào cũng đáng trân trọng. Song, làm được như thầy D, thầy L... chắc cũng không nhiều...!

                                                                                                                                     TN
                                                                                                                                            (1999).

Không có nhận xét nào: