Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

CỔ TÍCH "LÀNG NHÔ"!


Tôi chuẩn bị về “Làng Nhô” viết bài, có anh bạn cùng cơ quan bảo: “Tìm bài ông Thiều mới viết về làng Nhô trên Văn nghệ Trẻ mà tham khảo”. Tôi bảo: đọc làm gì. Hắn bảo: đọc mà học.Tôi bảo: học Nguyễn Quang Thiều thế quái nào được. Ông ấy học trước tôi có hai lớp ở cấp 3 Mỹ Đức A. Làng ông ấy sát làng tôi. Nếu tắt qua bến đò chợ Sêu sang Kim Bảng, cả hai làng cùng cách “làng Nhô” có mươi cây số. Vậy mà, ông ấy chỉ nằm ở “làng Nhô” vẻn vẹn có 2 tuần lễ, viết xong cuốn tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” hay đến động trời. Còn tôi, may lắm viết được cái gương “làng tốt - người tốt” là cùng.
            Người dẫn bọn tôi xuống “làng Nhô”- một anh lính mới tò te vừa ra trường của Sở văn hóa Hà Nam. Khổ nỗi, anh bạn cũng chỉ “láng máng” biết hướng làng Nhô. Giữa cánh đồng rộng tít tắp trơ gốc rạ, một con đường độc đạo láng nhựa bóng loáng vắt ngang. Sáu, bẩy cô cậu học trò cấp 3 ngồi nghỉ dưới gốc nhãn. Nhìn thấy chúng tôi, cả sáu, bẩy cô cậu cười toe toét, trêu chọc eo éo. Anh lính mới bảo: chắc người làng Nhô. Tôi hỏi lối vào làng Nhô, sáu, bẩy nụ cười vụt tắt. Một cụ già dắt xe đạp ngang qua dừng lại trách: sao các anh lại gọi “làng Nhô”? “làng Nhô” là ở trên phim. Còn tên thật, phải hỏi làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa mới phải chứ? Biết chúng tôi là nhà báo, và tất nhiên phải sau lời xin lỗi chí tình, giọng cụ trầm xuống: Các anh nhắc lại chuyện cũ làm gì. Tôi, người làng Lạc Nhuế. Đấy là chuyện buồn một thời, chúng tôi đã coi như chuyện cổ tích, dân làng tôi không muốn nhắc lại. Nếu các anh viết, cứ viết từ đầu đường này trở vào là được rồi. Rồi cụ bỏ đi.
            Mấy cô con gái thì nấp vào gốc nhãn. Một cậu con trai “già” nhất hội, chừng 18 tuổi thanh minh: cụ nói đúng đấy, anh ạ. Đây là con đường độc đạo vào làng Nhô. “Hồi ấy” là con đường đất, gập ghềnh ổ trâu, ổ gà. Vì là độc đạo, nên hồi ấy, “họ” chiếm giữ, canh gác, nội bất xuất, ngoại bất nhập, làm loạn suốt năm trời. Còn bây giờ, anh thấy đấy: giữa cánh đồng mênh mông, một con đường nhựa láng bóng, dài tít tắp nối đến đầu làng. Lạc Nhuế bây giờ đã khác làng Nhô 100% rồi! Tôi chưa đến Lạc Nhuế bao giờ. Nhất là hồi xẩy ra “sự kiện làng Nhô”, tôi càng không biết. Tôi chỉ hình dung láng máng về làng Lạc Nhuế qua phim “Chuyện làng Nhô” (kịch bản Nguyễn Quang Thiều).
           Tôi hỏi anh Tư, Chủ tịch xã Đồng Hóa, người làng Lạc Nhuế: có thật vậy không. Ông Chủ tịch xã mới 46 tuổi đã có một cháu ngoại, bảo: Còn hơn thế nhiều. Phim chỉ nói được 80%, còn 20%, chắc phải... giấu. Giấu gì? anh bảo: năm 1991- 92, cả xã tôi chưa có một mét đường nhựa, một mét đường bê tông. Đường làng toàn trải đá, gập ghềnh lổn nhổn. Vậy mà chúng đập chết 2 trong 3 người buôn cá, buộc thừng vào cổ, kéo lê suốt trên con đường gập ghềnh để “cảnh cáo” ai dám chống lại chúng. Đội 447 do chúng thành lập, vũ khí toàn gậy gộc, giáo mác, canh phòng, hoạt động suốt ngày đêm như thời tề, ngụy. Bản thân tôi hồi đó còn là phó Chủ tịch xã, có lần đưa 3 anh công an vào làng để điều tra, bị chúng hô “cướp” đuổi đánh, cả 4 người đều phải bỏ chạy mất dép. Tất cả các hoạt động trong làng bị đình đốn. Người lớn không đi làm. Trẻ con không đi học. Chúng vận động cả làng đi đòi đất.74 Đảng viên chi bộ Lạc Nhuế cũng rệu rã.
            Trong 2 năm 91 -92, chúng bắt dân làng đóng góp tới 40 -50 triệu đồng lấy tiền đi “kiện”, nhưng thực chất là chúng xơi, dân thì đói xơ đói xác. Cả làng không có một lớp mẫu giáo. Mà có, cũng không ai dám đưa con em đi học trong một tình hình như vậy.
            Xã Đồng Hóa có 9.000 nhân khẩu thì Lạc Nhuế có tới 3.800 khẩu. Cuối năm 1992 đối tượng kích động bị bắt, dân làng Lạc Nhuế như qua khỏi cơn ác mộng. Họ biết, họ bị lừa. Lừa đi đòi đất. Lừa đi “chống tham nhũng”. Thanh tra tỉnh, huyện về nằm mấy tháng, tìm mãi không thấy cán bộ xã, thôn nào tham nhũng. Lấy đâu ra gì để tham nhũng ở một làng quê chiêm trũng, nghèo xơ nghèo xác. Chi bộ Đảng, 74 người họp cùng với dân, rà soát, kiểm điểm từng cán bộ, Đảng viên. Cuối cùng chỉ có 2 cán bộ  chủ chốt: Bí thư, Chủ tịch xã phải từ chức. 74 Đảng viên cùng 3.800 dân bắt tay vào “công cuộc” mới: tái thiết lại làng. Năm 1992, cả làng không có một lớp học nào. Ngay năm 1993, dân làng Lạc Nhuế bỏ ra 270 triệu đồng xây 2 nhà trẻ cho gần 200 cháu đến lớp. Đầu làng có một cụm gồm 2 điểm văn hóa: sát cạnh ngôi đình cổ kính đóng cửa im ỉm là khu nhà trẻ khang trang, sạch sẽ như ở bất kỳ một Thành phố nào. Ông Chủ tịch xã bảo: Ngôi đình này cách đây 7 năm, chính là nơi các phần tử quá khích chiếm giữ, làm “bộ tư lệnh”, được canh phòng cẩn mật, làm nơi tụ tập, hội họp. Nay, sân đình rêu phong là nơi vui chơi của các cháu. Quả là một sự so sánh đến sâu sắc. Thật thâm cho vị lãng đạo địa phương nào đem đặt cái nhà trẻ đẹp ngời ngợi sát cạnh một ngôi đình chứng kiến nhiều chuyện buồn vui như vậy. Ngay trong năm 1993, người dân Lạc Nhuế tự rút tiền trong hầu bao, đổ bê tông, toàn bộ đường làng, ngõ xóm, trải đá toàn bộ đường ra đỗi. Con đường độc đạo trước đây nay cũng được trải bê tông rộng thênh thang vào từng ngõ nhà. Vốn là nơi đồng chiêm trũng, xưa nay Lạc Nhuế quen dùng nước ao, nước giếng. Bệnh ngoài da, toét mắt, phụ khoa trở thành căn bệnh phổ biến của mỗi nhà. Năm 1996, sau khi đã hoàn thành  bê tông hóa đường làng, Lạc Nhuế bắt tay vào xây dựng hệ thống nước sạch. Cả xã Đồng Hóa nay có 2 trạm nước sạch, thì Lạc Nhuế có 1 trạm. 2.000 nhân khẩu đang dùng nước máy như ở Thành phố. Ao làng giếng làng hoặc là lấp hết, hoặc là cải tạo thành cây đa, bến nước, thành nơi trai gái hẹn hò. Năm 1991, gần 50% dân còn ở trong nhà tranh, vách đất. Năm 1996, cả làng đã ngói hóa hoàn toàn, trong đó ngôi nhà mái bằng, kiên cố chiếm 30%. Chỉ tính riêng 2 năm 96 -97, hơn 3 ngàn hộ dân Lạc Nhuế đóng góp trên 3 tỉ đồng xây dựng điện - đường- trường - trạm. Tôi hỏi ông Chủ tịch: có quá sức dân không? ông cười: Trước đây, một cái xe thồ ra đồng chở lúa, một vụ mất hai đôi lốp. Nay dân chở lúa trên đường nhựa, đường bê tông, mấy năm thay lốp một lần, dân “khoái” lắm. Bỏ ra vài trăm, ai mà chả tiếc. Song nay nhìn thấy làng xóm đổi thay như thế, chẳng tiếc vào đâu được. Về kinh tế, năm 90 -92 đúng là đói nghèo, bê bết nhất trong 5 xóm của xã. Song, nay lại là khá nhất, ổn định nhất. Trước đây, ngành nghề chủ yếu của nông dân là bắt lươn, bắt chạch bán  cho cửa hàng đặc sản, buôn bán sắt thép, vỏ chai... Nay, họ liên kết với nhau, thành lập hàng chục tổ hợp: gạch ngói, vận tải, mộc, mỹ nghệ... để có thể giúp nhau làm giàu nhanh hơn. Nhiều trang trại đã hình thành. Hàng trăm ha ruộng trước đây trồng lúa, mỗi năm thu khoảng 350.000đ/sào; nay chuyển sang nuôi trồng đặc sản, nuôi cá, thả sen, ba ba, ếch, rắn... thu hàng triệu đồng/sào. Nhà anh Nguyễn Văn Tiến (xóm 6) có 3 sào mặt nước thả cá, mỗi vụ thu 3 triệu đồng, cao gấp 9 lần trồng lúa. Từ hộ nghèo nhất xóm, nay đã xây nhà ngói với đầy đủ tiện nghi. Ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 7) cấy 6 sào lúa và làm cây vụ đông, trước năm 1992, đủ ăn đã quý. Nay ông nuôi trồng đặc sản, thực hiện mô hình VAC, trở thành một trong những hộ dân giầu có của Lạc Nhuế. Năm 1992, cả làng Lạc Nhuế có 40% đói nghèo, thì đến nay, có 40% giầu có, không còn hộ đói nghèo. Nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ, làm nghề phụ có mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng như anh Tảo (xóm 4) anh Thành (xóm 5). Tuy đều là thương binh nặng song vẫn vượt lên khó khăn để làm giầu.
            Nay về, xóm làng yên ả đến tĩnh lặng, cái yên ả của vùng quê chiêm trũng. Rơm vàng phơi đầy trên những con đường nhựa, đường bê tông láng bóng. Đường làng ít thấy bóng người, lác đác thấy mấy cô thiếu nữ khăn trùm kín mặt gẩy rơm trên đường. Trẻ con đang đi học. Người lớn ở hết ngoài đồng. Nhà cửa san sát như phố. Mỗi người mỗi việc, không còn cảnh “nhàn cư bất thiện”, không ai còn thời gian mà nghĩ đến việc kiện cáo. 6 năm nay, Lạc Nhuế luôn được coi là đơn vị xuất sắc nhất về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, đời sống, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, 6 năm nay luôn được công nhận là đơn vị có phong trào an ninh trật tự tốt nhất huyện: 6 năm nay, không có một vụ trộm cắp, xô xát, không có một người nghiện thuốc phiện; còn “mãi dâm” ở đây vẫn là một khái niệm trừu tượng. Làng Nhô đã đổi đời. Mà cái đổi đáng quý nhất là tình nghĩa xóm làng. Trước đây, người dân Lạc Nhuế vẫn sống ai biết phận nấy, nhà nào biết nhà nấy, coi nhau như người Thành phố. Nay, sau cơn hoạn nạn, mọi người hình như mới hiểu nhau hơn, đùm bọc nhau hơn. 6-7 năm nay, không kể hết được những mối quan hệ cảm động. Gia đình anh Hảo, anh Tuất vốn là thương binh nặng, gia đình gặp  khó khăn, không có điều kiện cho con đến lớp. Dân làng góp tiền, gạo, góp sách vở... động viên các anh cho con cháu đến trường. Nay, có cháu đã học xong tiểu học, có cháu học hết cấp 2. Từ năm 1997, làng đã có quy ước xây dựng làng văn hóa, giống như mọi nơi. Song ở đây, đặc biệt chú trọng đến vấn đề khuyến học. 3.800 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu mỗi vụ góp 1kg thóc vào quỹ khuyến học, thưởng các cháu học sinh giỏi, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó. Ai đỗ đại học, xã mời sang tận UBND dự liên hoan, tặng 50.000đ danh dự. Năm 91-92, có năm cả làng không ai đỗ đại học. Nay, mỗi năm làng cung cấp đều đều cho các trường đại học 10-20 sinh viên. Rồi chuyện hôm chúng tôi đến, làng mới khánh thành xong ngôi nhà cho một chị ở xóm 4. Nhà chị thật khó khăn: chồng câm, vợ liệt, một cháu nhỏ không đủ cơm mà ăn. Mới rồi, xã cấp một triệu, thôn cấp 500.000đ, xóm giúp 300.000đ, dân làng kẻ giúp công, người giúp dăm ngàn, một chục... xây cho vợ chồng chị một căn nhà khang trang cùng với giống vốn làm ăn. Hôm khánh thành nhà, 3 vợ chồng, con cái chỉ ôm nhau mà khóc. Chị bảo, lạ quá, trước đây làm gì có chuyện như thế này. Vâng, Lạc Nhuế bây giờ đã khác xa với làng Nhô 7 năm trước rồi. Ngồi làm việc ở cái trụ sở uỷ ban tuyềnh toàng giữa một hồ sen đỏ ối, ông bí thư Đảng uỷ gãi đầu thanh minh: khổ lắm, mấy năm rồi, chúng tôi đầu tư hết cho điện, đường, trường, trạm, cho... nước máy, cho giống mới. Chưa có tiền mà xây trụ sở... Thật tình cờ ở trụ sở UBND xã, chúng tôi gặp một anh ở đội CSĐT công an tỉnh về giải quyết vụ tai nạn giao thông. Anh kể, 8 năm trước, anh về Lạc Nhuế để điều tra “vụ rắc rối hồi ấy”. Nằm ở Lạc Nhuế 4 tháng, anh đủ thời gian  tìm hiểu một cô giáo cấp 2 trường làng. Vụ việc xong, anh chị cưới nhau, nay đã có 2 cháu kháu khỉnh. Tôi hỏi: gái làng Nhô thế nào hả anh. Anh công an cười: ngoan, đảm, mà hiền như cô tấm ấy anh ạ.
            Thế đấy, Vậy mà... Giữa cảnh yên bình, trù phú, ngồi nghe chuyện Lạc Nhuế 8 năm trước, cứ như nghe chuyện cổ tích. Và làng Nhô, cũng thay đổi nhanh như chuyện cổ tích vậy./.
  TN
                                                                                                                                                Báo NTNN
                                                                                                                                                        1997                                                                                                                                                              

Không có nhận xét nào: