Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

NỮ ANH HÙNG KAN LỊCH
             HAI MƯƠI NĂM SAU...

 Tác phẩm đạt giải C(Không có giải A)
Giải Báo chí toàn Quốc 1996- 1997

            Khi tôi bước chân ra khỏi ngôi nhà lợp tôn nóng như rang, chị Kan Lịch còn rưng rưng kéo áo tôi lại mà thì thầm vào tai: Chú làm sao giúp chị có được ngôi nhà để sau này để lại cho các cháu, chị đỡ tủi, chú nhé... Tôi ngượng cười. Chao ôi, thân phận một nhà báo như tôi, làm sao có thể giúp chị được cái ước mơ cao sang ấy?!
            Vậy mà vừa hôm qua, từ đỉnh Trường Sơn thuộc huyện miền núi A Lưới cao hơn mặt biển gần 2.000 m, Anh hùng A Vai điện ra cho tôi. Kan Lịch đã có một ngôi nhà mái bằng ngay sát đường 14...
           
             
              Từ những ngày còn cắp sách đi học trường làng, tôi đã biết chị qua một bài hát.
            Hồi ấy, tôi có cô bạn gái ngồi bàn trước, nổi tiếng xinh xắn và hát hay; mới học lớp bảy đã làm hồi hộp bao lũ học trò trường làng mà trong đó có tôi. Tôi còn nhớ, bài tủ của cô là “Người con gái Pa Kô”; trong đó có câu “Người con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ, dù gian khổ vượt núi băng rừng, dù mưa bom vẫn không nản chí...” ... Mấy mươi năm rồi, mỗi khi chợt nhớ đến người bạn gái đầu tiên biết làm tôi bối rối, tôi lại nhớ đến như in những đêm văn nghệ, réo rắt bài hát về “Người con gái Pa Kô”...
            Và bây giờ, khi mà trẻ đã qua, già chưa đến, bẵng đi mấy mươi năm, khi đã ngồi giữa nhà chị Kan Lịch rồi, tôi mới lại chợt nhớ ra rằng: chính chị, “Người con gái Pa Kô”, người đã gián tiếp gieo vào tôi nỗi bối rối đầu tiên...
            Quả như lời anh bạn cùng đi với tôi bảo, lần gặp chị Kan Lịch đúng là cái “duyên kỳ ngộ”. Lần ấy, Hội Nông dân Thừa Thiên- Huế mời anh em chúng tôi vào, là để thăm thú các đền đài, lăng tẩm, và nhất là để hưởng một đêm “Trên dòng Hương Giang” chứ chẳng phải để viết lách cao sang gì. Nhưng rồi, “phát minh” ra Thừa Thiên – Huế chính là quê hương của Kan Lịch, “Người con gái Pa Kô”, anh em bọn tôi đòi đi luôn, gác lại mọi thú vui đất cố đô. Dường như ngại nẻo đường xa, ông Chủ tịch “can khéo”: Xe Nhật gầm thấp, không thể lên được đâu. Trong vòng nửa ngày giữa chốn đô thành, chúng tôi cũng xoay xong một xe Land Cruiser 4.500 láng coóng. Quả thật, nếu không có chiếc xe này, tổ PV chúng tôi khó lòng vượt qua gần 100 km đường đèo núi dốc đứng, hiểm trở, phần lớn là đi trong mây ở độ cao 2.000m đến huyện A Lưới, quê hương Kan Lịch. Từ con đường 14, để đi vào nhà chị, phải vượt qua đúng 3 ngọn đồi. Thú vị nhất, là để đến nhà Kan Lịch, phải đi qua nhà A Vai, người anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Kô, và là chú ruột của Kan Lịch. A Vai dẫn chúng tôi sang nhà Kan Lịch, vừa với tư các Chủ tịch Mặt trận của huyện, vừa với tư cách chú ruột. Trên sườn đồi chênh vênh, nơi người nữ anh hùng ở giống một cái lều giữ rẫy hơn là một cái nhà. Heo hút, lụp sụp, không có ranh giới giữa nhà và rẫy. Lúc chúng tôi đến, chỉ có chồng chị ở nhà trông đứa cháu nhỏ chừng hơn một tuổi, trần như nhộng. Và quây quần, chừng hơn một chục đứa khác, nhễ nhại trong cái nắng tháng 6. Đứa có quần thì không áo. Đứa có áo thì không quần. Một đứa ở trần co chân vụt đi, nói là đi gọi chị Kan Lịch. Chồng chị Kan Lịch nói tiếng Pa Kô lơ lớ, nghe không rõ. Nghe A Vai nói lại, biết anh cũng là đại úy về hưu, trước ở quân chủ lực, từng kèm cặp, huấn luyện Kan Lịch những ngày chị mới vào du kích. Kan Lịch không có ở nhà. Chị  đang mang đổi sắn lấy gạo dưới chợ. Mỗi gùi sắn đổi được một lon gạo. Lương đại úy về hưu của chồng và trung tá về hưu của vợ, vợ chồng Kan Lịch mỗi tháng có 1,2 triệu đồng. A Vai kể lại, Kan Lịch là người chăm chỉ, cần mẫn có tiếng nhất xã. Gần như suốt ngày, chị làm quần quật ở trên rẫy, trừ ngày ốm. 1 con trâu, 4 con bò, 2.000 bụi chuối, 7000 bụi sắn... do mỗi bàn tay chị chăm bón, kinh tế nhà Kan Lịch được coi là “kha khá” của xã vùng cao Hồng Bắc. Song thực tế, gia sản gần như không có thứ gì. Trong nhà độc chỉ một chiếc tủ gỗ, một chiếc ti vi đen trắng, một bộ xa lông đều do Hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh mua tặng. Tất cả đồ vật như nóng ran lên dưới căn nhà gỗ lợp tôn rộng chừng 40 m2. Anh Hồ Xuân Chiên, chồng chị kể lại, đây vốn là căn nhà lá từ ngày xưa các cụ để lại. Năm 1979, căn nhà cũ đổ sụp. Trung đoàn 8 đóng trên địa bàn thấy vậy, góp sức làm một ngôi nhà tường đất, lợp lá tặng anh chị. Đầu những năm 80, hai vợ chồng Kan
            Có lẽ do chợ xa, nên nghe hết mọi chuyện kim cổ, chừng hơn một giờ sau, Kan Lịch mới về đến nơi. Không tin được, dù tôi đã hỏi lại: đấy có phải Anh hùng Kan Lịch? Đó là một bà già rất khó đoán tuổi. Nhìn mái tóc rối bời đã bạc trắng, vóc người nhỏ thó trong bộ quần áo dân tộc cáu bẩn, đoán gần 70 tuổi cũng được. Khó tin rằng Kan Lịch mới ngoài 50. Duy chỉ có nụ cười chất phác và đôi mắt sáng là vẫn trẻ. Kan Lịch tránh nói về sự lam lũ của bản thận. Chị dấu khỏi mắt tôi đôi bàn tay sần sùi, nứt nẻ. Chị hỏi tôi về Hà Nội, về Lăng Bác... vẫn với giọng nói hơi ngọng sau lần đứt lưỡi trên đường ra thăm miền Bắc. Lần ấy (1968), sau khi được phong Anh hùng, chị được ra Bắc thăm Bác Hồ, dự Đại hội anh hùng CSTĐ. Trên quãng đường rừng gần trăm cây số về Huế chị bị sốt rét nặng. Ra đến Quảng  Bình, sốt trên 400, rét run, răng đánh vào nhau, cắn đứt lưỡi, phải khâu 4 lần do may có người nhặt được mẩu lưỡi của chị ven suối. Cũng ở Quảng Bình, chị đã một lần chết, đã khâm liệm, vô hòm. Các đồng chí cùng đi đã gọi điện báo tin cho Bác. Bác cử cố Đại tướng Hoàng Văn Thái vào Quảng Bình viếng và lo mai táng. Vậy mà cuối cùng chị lại đập hòm đòi ra, nhiều người vẫn tưởng là... ma. Chị bảo chưa được gặp Bác, chị không muốn chết. Ra tới Hà Nội gần 12 giờ đêm, Bác vẫn chong đèn ngồi đợi. Nhìn thấy Kan Lịch gầy trơ xương, Bác khóc. Chị đã được ăn cơm với Bác tới 7 lần. Bác tặng Kan Lịch chiếc đài do một nhà báo nước ngoài biếu Bác. Khi hồi sức, Bác cử Kan Lịch đi Liên Xô dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Rồi Bác cử chị đi học ở nước ngoài (cùng đoàn với chị Quyên – vợ anh Trỗi). Song chị xin Bác được trở về quê để tiếp tục chiến đấu. Chị Kan Lịch chặc lưỡi: cho đến bây giờ, không hiểu sao hồi ấy mình lại đánh hăng đến thế. 2 năm 61-62, chị chỉ huy đại đội nữ du kích đánh 49 trận, diệt hơn 1.000 ác ôn. Có lần bị lính Mỹ bắt, nó đánh mấy ngày liền, hỏi có thấy Việt cộng ở đâu không? Nó đánh đau quá thì khai bừa: có thấy, nhưng chắc là lính cộng hòa. Vì nếu là V.C thì phải có râu dài tới bụng, tay dài quá gối kia... Nó tưởng ngu ngơ, nó cười, nó đánh tiếp cho một trận nữa rồi mới thả. Thả ra, Kan Lịch lại luồn rừng đi đánh tiếp. Thấy nói đâu có Mỹ là tìm đến đánh. Đánh xong, lại vào rừng gùi gạo, gùi đạn cho bộ đội. Tuần tuần, lại luồn rừng gần 100 km xuống tận Huế mua thuốc men, kim chỉ... cho bộ đội. Huyện phát động phong trào mỗi xã bắn rơi một máy bay, bắt 2 tù binh. Kan Lịch đưa chị em lên núi mai phục suốt 2 ngày. 2 ngày đêm không bắn được, không có gì ăn, chị em đói quá rút lui hết, mình Kan Lịch nhịn đói nằm lại. Cuối cùng, bắn được 1 máy bay, bắt 2 phi công, đủ “chỉ tiêu” cho cả xã. Lần đại hội Đảng bộ Thừa Thiên – Huế năm 1968, đại hội mời A Vai và Kan Lịch về dự. Lần ấy, đại hội phải lui lại một ngày để chờ... Kan Lịch. Vì Kan Lịch còn cố nán lại một ngày, đánh thêm một trận nữa, giết 6 lính Mỹ, mang 2 súng đại liên đến tặng đại hội. Kan Lịch bảo, hồi ấy, đánh Mỹ cứ như... đánh chơi vậy.
            Bây giờ “Người con gái Pa Kô” đã ngồi trước mặt tôi với hình bóng của một bà già lam lũ. Tôi chỉ 2 chiếc giường rẻ quạt: tối chị ngủ đâu? Mới biết, tối chị ngủ dưới sàn xi măng, nhường giường cho trên 20 đứa vừa con vừa cháu. Hai bàn tay chai sần bới đất lật cỏ, đảm đang cần mẫn đến phi thường, sự giúp đỡ của đồng chí cũng không phải là ít, song không sao vực nổi  một “đại đồng điền” chỉ trông ngóng vào đôi tay của người anh hùng đánh giặc. Chị vẫn bị viêm túi mật từ những ngày chiến tranh. Song chỉ thỉnh thoảng mới lên bệnh viện huyện, được cấp ít thuốc theo chế độ bảo hiểm... không dám đi viện vì sợ không có người làm. Bữa trước, lần chia tay với chị, chị bảo: khách đến thăm đông, mà nhà chật, dột nát quá, ngại với khách lắm. Khi tôi bước chân ra khỏi ngôi nhà lợp tôn nóng hầm hập dưới cái nắng tháng 6, chị rưng rưng kéo áo tôi lại mà thì thào vào tai: chú làm sao giúp chị có được ngôi nhà chú nhé!
            Mới đây, huyện A Lưới đã cấp cho chị Kan Lịch 400 m2 đất thị trấn ven đường 14, nơi ngày xưa chị chiến đấu. Huyện cấp 15 triệu làm nhà trong chính sách “Nhà tình nghĩa”. Một số nhà máy, công ty, đoàn thể ở khắp đất nước ủng hộ một khoản tiền kha khá. Chị đã xây được một căn hộ cấp 1 rộng gần 100m2 với một số tiện nghi như ti vi màu, quạt điện, cát xét... Song ngôi nhà này vừa xây xong chị lại nhường cho con trai ở. Còn mình, lại trở về căn nhà lợp tôn cũ với cuộc sống cũ. Thấy bảo chỉ khi nào có khách về thăm, chị mới ra tiếp khách ở đó. Song cũng chỉ ra được vào những ngày nắng. Còn ngày mưa, ngồi nhà cũ như ở trên một hòn đảo, không thể đi lại được.
            Tôi hỏi chị, khỏi còn ước ao có cái nhà, chị còn ước mơ gì không? Chị cười bẻn lẻn: Chỉ còn ước ao được ra thăm lại Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ nữa thôi.

       TN
Báo NTNN; Báo Tiền phong
Ngày 16/7/1997.        

Không có nhận xét nào: