Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Vấn nạn môi trường ở Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ):
GIẢI PHÁP NÀO CHO 
"LÀNG UNG THƯ"?
* “Làng” thành… nghĩa trang! Lãnh đạo xã cũng lần lượt… ưng thư!
* Lá chè xanh chống được ung thư?

Kỳ 1: Làng chết!
Nằm sát vùng văn hóa cổ Sơn Vi nổi tiếng, từng là nơi nhóm người Việt đầu tiên quần cư, sinh sống; xã Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ) cũng được coi là mảnh đất cổ, là “cái nôi” của người Việt. “Thiên thời, địa lợi”, trên bến, dưới thuyền, 4000 năm trước, tổ tiên người Việt từng chọn đây làm nơi khai thiên lập địa…
Bây giờ cũng vậy. Với địa thế nằm ven sông Hồng, có đường sắt, đường thuỷ, đường bộ chạy qua, cộng với truyền thống cần cù lao động của người dân từ thuở hồng hoang…, xã Thạch Sơn được coi là trù phú nhất nhì huyện Lâm Thao. Xã có vẻn vẹn 518 ha đất tự nhiên, 237 ha đất nông nghiệp với hơn 7 ngàn dân; diện tích canh tác có 10 thước vuông/lao động… Song nhờ năng động, nhanh nhậy với nền kinh tế thị trường…, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt tới 4 triệu đồng/năm. Sản xuất, ngành nghề phát triển, ít xã nào có tới 40 đầu xe ô tô như ở Thạch Sơn. Từ thế kỷ trước, Thạch Sơn đã thực hiện xong trường trạm kiên cố hoá; đường làng bê tông hoá; nhà nhà ngói hóa; rồi điện khí hoá… Thạch Sơn quả là mảnh đất cổ trù phú, giầu có… Con người ở đây cũng có tiếng là hiền lành, siêng năng, “chân chì hạt bột” song không kém tài ba, năng động… “Đất lành, chim đậu”, có lẽ vì thế nên dù là miền sơn cước, song từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã chọn đây làm nơi để dụng võ, để phát triển…
Nhưng rồi không hiểu từ đấy hay từ đâu, tai hoạ cứ ập đến với mỗi người dân Thạch Sơn một cách… từ từ? Đó là: Ung thư hàng loạt. Ông Quản Văn Lộc, 73 tuổi, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn nhớ lại: Năm 1954, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi được đi học lớp đào tạo y tá cứu thương cấp tốc, rồi đi phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Kháng chiến thành công, tôi trở về, “gù ghì” làm ở Trạm Y tế xã Thạch Sơn suốt từ 1954 đến năm 2003. 49 năm làm “thầy thuốc” thì có đến hơn 40 năm làm Trạm trưởng. Khi làm Trạm trưởng được ít năm, thấy dân trong xã chết nhiều quá - mà toàn chết vì ung thư – tôi mới thử lập một cuốn… “sổ tử” để theo dõi… Cho đến bây giờ, trong tay ông Lộc đã có tới 2 cuốn “sổ tử” dày cộp, ghi rõ tên tuổi người chết, rồi ngày tháng, nguyên nhân chết… Cảngiêng trong cuốn thứ 2, ghi từ năm 1991 đến tháng 10/2005, đã thấy cả xã Thạch Sơn có 304 người chết, thì có tới 106 người chết do ung thư, chiếm 34,86%. Trong đó có 33 người chết do ung thư phổi (32%); 29 người chết do ung thư gan (28%); số còn lại chết do đủ các loại ung thư: từ dạ dày, tinh hoàn, khớp, mắt đến não, răng, vòm họng… Trong số các gia đình có người chết do ung thư, có 9 gia đình chết cả vợ lẫn chồng; 7 gia đình chết cả bố mẹ và con; 3 gia đình có từ 3 người chết do ung thư trở lên. Cá biệt có gia đình chết cả ba đời (7 người), chết cả vợ chồng, con cháu, anh em trai gái, dâu rể… Trong xã Thạch Sơn có 10 cụm dân cư, thì cụm ít, cụm nhiều, cụm nào cũng có người chết vì ung thư. Khu bãi 8 (Mom Dền) còn 40 hộ, có tới 41 người chết do ung thư; đội 1: 15 người; đội 2: 14 người; đội 6: 18 người… Thương tâm nhất là hộ ông Đào Văn Minh: hộ này có 4 người ở riêng, thì cả vợ chồng và 2 con đều chết, nay căn nhà bỏ hoang không có ai thừa kế do cha mẹ, anh em… cũng đều đã chết hết vì ung thư. ở khu Mom Dền, trước những năm 1990 còn là khu làng trù mật với gần 300 nóc nhà. Do nằm sát Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, năm 1990 đã có hơn 200 hộ dân phải tự di dời đi nơi khác vì số hộ này có người ung thư chiếm tới 70%. Còn lại 40 hộ “trụ lại” cũng đều đã phải di dời vì có tới 41 người ung thư. Từ một xóm làng trù mật, đến nay, chính quyền xã đã chính thức có quyết định biến Mom Dền thành… nghĩa địa làng. Một khu làng đã bị xó sổ! Ngay đến số phận của những người làm lãnh đạo địa phương cũng không khả quan gì hơn. Ông Trần Ngọc Viện, Bí Thư Đảng uỷ xã cho biết: Chỉ tính từ năm 1991 đến nay, tất cả các chức sắc trong xã đều từng bị chết do ung thư ngay lúc đương nhiệm: từ Chủ tịch, Bí thư, phó Chủ tịch, Chủ nhiệm, Xã đội trưởng, Xã đội phó, phó Công an, trưởng ban Thuế, Giám đốc Quỹ Tín dụng… Hai Xã đội trưởng liên tiếp chết vì ung thư. Ông Viện ngậm ngùi: Cách đây 10 năm, ông Quản Văn Hòa Chủ tịch xã cũng chết do ung thư. Trước lúc chết Chủ tịch Hòa còn căn dặn đội ngũ cán bộ xã: Anh em còn sống, cố làm sao để cho dân sống, đừng để dân lại mắc căn bệnh này… Biết là biết thế, song dân vẫn lần lượt chết vì ung thư như có dịch, có năm tới 21 người. Gần đây nhất ngày 7/1, ông Hoàng Công Tấn, Giám đốc Quỹ tín dụng đang khỏe mạnh bình thường bỗng chết đột ngột do ung thư não. Hiện tại đã phát hiện thêm gần 40 người trong xã đang mang căn bệnh ung thư trong người, và đang điều trị khắp các bệnh viện trong cả nước. Một cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ quê ở Thạch Sơn, dù đi thoát ly từ nhiều năm nay, cũng đang mang trong người căn bệnh ung thư. Há miệng cho khách xem hàm răng nham nhở, đen sì, mòn vẹt…, ông Bí thư Đảng uỷ lo lắng: những ai còn sống như chúng tôi cũng hỏng hết răng, toét hết mắt, lở hết da… Còn việc thì còn làm, chứ cũng chẳng biết thế nào, sắp tới là ai? 92% dân số trong làng hỏng răng; 75% bị viêm phế quản; 48% bị bệnh ngoài da; hầu hết trẻ em trong làng bị viêm phổi… Mà chẳng riêng gì những người đã chết. Bệnh ung thư đang như những lưới hái thần chết lơ lửng trên đầu 7 ngàn dân Thạch Sơn. Cả xã tôi đang như bị án treo…
Có một điều lạ lùng là như trên đã nói: cả xóm Mom  Dền, nhà nào cũng có người chết vì ung thư; có nhà chết 7 người; có nhà bị xoá sổ… Xóm Mom Dền nay đã biến thành nghĩa địa làng. Vậy mà may mắn sao có nhà ông Phạm Văn Quế, từ lâu vẫn quần tụ nhiều đời ngay giữa vùng đất được coi là “chết”? Do nhà ở sát cạnh Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, thửa đất nhà ông Phạm Văn Quế được coi là “độc” nhất làng. Tất cả cây cối từ cổ thụ đến cây cỏ trong vườn nhà ông đều cháy hoặc chết trụi hết. Bản thân ông Quế cũng bị rụng hết tóc từ lâu. Duy có vạt chè xanh trong vườn, mặc dù khói, bụi… vẫn xanh ngăn ngắt quanh năm. Từ lâu và hàng ngày, mọi người trong nhà ông vẫn uống nước trà xanh từ vạt chè này. Không biết có phải vì cây chè xanh có thể kháng lại độc tố mà có sức sống mãnh liệt đến như thế? Và cũng không biết có phải do uống chè xanh hàng ngày mà cả ba đời nhà ông Phạm Văn Quế sống yên ổn, không bệnh tật gì giữa vùng đất đã được coi là “chết”. Tuy chưa có câu trả lời chắc chắn, song mới đây chính quyền địa phương xã Thạch Sơn đang vận động nhân dân trồng và uống chè xanh; cả huyện Lâm Thao và tỉnh Phú Thọ đang rộ lên phong trào uống chè xanh…
Liệu có thể coi đấy là một trong những giải pháp cho “Làng ung thư”?

Kỳ 2: BHYT toàn dân Thạch Sơn: Khả thi đến đâu?

Từ cuối năm 2005, hai lần, Phó Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có văn bản yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường... nghiên cứu, báo  cáo tình hình bệnh ung thư và ô nhiễm môi trường tại xã Thạch Sơn, và tìm giải pháp khắc phục. Và đến ngày 16 tháng 1 năm 2006, sau hơn 1 tháng khảo  sát, phân tích..., Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chính thức có văn bản báo cáo về tình trạng bệnh tật, ô nhiễm môi trường ở xã Thạch Sơn. Theo đó, tình hình ô nhiễm môi trường ở đây diễn ra khá nghiêm trọng, mà tác nhân chủ yếu là từ Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú, Công ty Giấy Bãi Bằng, và không thể không kể đến cả hàng trăm lò gạch của tư nhân.
Khảo sát tại Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe) cho thấy: Khí thải có nồng độ SO2 và SO3 rất cao trong các phân xưởng axít, vượt chuẩn từ 3,9 đến 9 lần. Nồng độ H2S trong khí thải phân xưởng sản xuất muối trừ sâu công nghiệp vượt chuẩn 1,9 lần. Với lượng nước thải 13.000m3/ngày (không kể nước rò rỉ từ bãi xỉ) có các thông số ô nhiễm vượt chuẩn nhiều lần, đặc biệt là lượng nước thải chẩy thẳng ra đường 32: hàm lượng chất hữu cơ BOD5 vượt từ 8,1 đến 20,2 lần; hàm lượng kim loại Fe vượt từ 6,4 lần đến 5.076 lần... Bãi xỉ của Công ty Supe nằm trên địa bàn Thạch Sơn tồn tại hơn 40 năm nay có độ PH rất thấp, mang tính axít mạnh, ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, kim loại nặng, độc hại có khả năng  tích lũy sinh học cao xuất hiện dọc theo tuyến mương thoát nước xỉ, trong mẫu bùn, và trong cả mẫu... rau...
Qua khảo sát ở khu vực Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú (Công ty Pin), thấy hàm lượng bụi chì trong khu vực sản xuất rất cao; chất lượng thải rắn, bụi chì thu hồi trong quá trình sản xuất không được thu gom thường xuyên, để  vương vãi, để thành đống lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường vào mùa mưa. Các kim loại, đặc biệt là kim loại nặng trong chất thải rắn có hàm lượng cao. Nước thải sinh hoạt và nước vệ sinh công nghiệp không được thu gom  xử lý, khối lượng trung bình khoảng 100m3/ngày. Khí thải và bụi chì chưa được thu gom và xử lý triệt để; hàm lượng chì trong không khí khu vực sản xuất cao: 0,233mg/m3, trong khi tiêu chuẩn cho phép nhỏ hơn 0.005mg/m3...
Đối với họng nước xả của Công ty Giấy Bãi Bằng, dù Công ty này đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo  công nghệ sinh  học hiếu khí, song kết quả phân tích chất lượng nước thải sản xuất sau xử lý vẫn ô nhiễm vượt chuẩn. Kết quả kiểm tra hàm lượng khí H2S trong khu vực Công ty cao hơn từ 5- 10 lần cho phép. Các chất thải rắn được đổ vào bãi ngoài trời của Công ty hiện đang ô nhiễm nặng, hôi thối, chẩy nước... rất nghiêm trọng.
   Đấy là chưa kể đến hàng trăm lò gạch đang ngày đêm nhả khói, làm môi trường không khí ở Thạch Sơn cũng bị ô nhiễm rất nặng. Các chất khí SO2, SO3, Pb, H2S, NH3, NO2... ở đây đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Những người dân ở đây kể lại: Những ngày gió quẩn, không khí đặc quánh toàn mùi hóa chất, dân phải đóng cửa ngồi trong nhà. Nước ngầm bị ô nhiễm nặng, có khoan thì cũng toàn mùi lưu huỳnh, người dân không đào được giếng. Hỏi sao không hứng nước mưa để dùng, thì được biết: nước mưa ở đây càng ô nhiễm hơn, vì mỗi trận mưa là  một trận mưa axít. Thậm chí mỗi khi có mưa, mọi người phải rút hết vào... trong nhà. Nước mưa  cũng gây hỏng da, rụng tóc...
Không phải cho đến bây giờ, người ta mới biết đến thực trạng khắc nghiệt ấy. Từ năm 1981- 1982, Trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu cấp Nhà nước: “Nghiên cứu tình hình ô nhiễm Nhà máy Supe Lâm Thao và các bệnh liên quan tới nhiễm độc Flo”. Kết quả từ ngày ấy đã cho thấy nồng độ Flo, khí SO2, SO3, bụi... ở đây cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Một số bệnh như cơ, xương, khớp, đường hô hấp... tăng nhanh. Các tác giả đã khuyến cáo cần phải di dời dân khỏi vùng ô nhiễm cực đại cũng như các giải pháp bảo vệ dân cư quanh vùng. Và sau hơn 20 năm có sự khảo sát đầu tiên, tình hình ở Thạch  Sơn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Qua phân tích 5 mẫu rau và 2 mẫu cá tại Thạch Sơn, thấy hàm lượng Zn, Se trong mẫu cá tương đối cao; hàm lượng Fe, Mn, Zn, Cu trong các mẫu rau trồng cạnh bãi xỉ và mương thoát nước bãi xỉ khá cao. Hàm lượng Asen (một nguyên tố kim loại nặng rất độc) trong mẫu rau nhà ông Quản Văn Luyện là 0.219mg/kg; trong khi tiêu chuẩn cho phép  nhỏ hơn 0.1mg/kg. Đặc biệt, phát hiện thấy cả nguyên tố phóng xạ Thalium trong mẫu rau muống được lấy ở đây.

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh thực trạng lo ngại về tình hình bệnh tật, sức khỏe của người dân Thạch Sơn. Từ Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đến các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã... đã vào cuộc. Phương án di dời đã được chính quyền địa phương đặt ra song vẫn trong vòng luẩn quẩn: đất đai thì ít; mà chẳng lẽ lại di dời cả... một xã? Thế nên, hàng trăm hộ dân vẫn phải “bám trụ” ngay cạnh bãi thải của Công ty Supe. Thậm chí, trường Tểu học cách Công ty có 500m, trường PTCS cách có km, ngày ngày học sinh đi học phải mang cả khẩu trang, song cũng... chẳng biết làm thế nào. Mỗi ca bệnh ung thư, người dân phải tự chạy chữa hết 70 đến hàng trăm triệu đồng song... chết vẫn chết. Thế nên, mỗi năm Thạch Sơn chi phí cho chữa bệnh hàng tỷ đồng mà đâu vẫn đấy. Nhiều nhà phải  bán nhà, bán ruộng để chữa bệnh. Có nhà khuynh gia bại sản. May mắt thời gian gần đây, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện K khám, chữa bệnh miễn phí cho người Thạch Sơn, nên gánh nặng người dân cũng nhẹ đi phần nào. Năm 2005, Bộ Y tế cũng chi nửa tỷ đồng khám chữa bện cho toàn bộ người dân Thạch Sơn. Trạm Y tế của xã cũng được đầu tư tiền của, máy móc hiện đại để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Song với người dân Thạch Sơn, đâu chỉ có mỗi căn bệnh ung thư. Ô nhiễm gây nên hàng trăm loại bệnh, mà ung thư chỉ là căn bệnh cuối cùng. Hàng trăm thứ bệnh họ muốn điều trị hàng ngày, vì có thế thì mới hạn chế được bệnh ung thư. Vậy mà hiện nay, chỉ ai đã ung thư thì mới “may mắn” được chữa bệnh miễn phí; còn các bệnh tiền ung thư thì... không. Thế nên, cả 7.000 người dân Thạch Sơn đang ngong ngóng trông một tấm thẻ BHYT để khám, chữa bệnh hàng ngày, chứ không phải chờ đến... ung thư rồi mới chữa! Hiện cả xã Thạch Sơn mới có 2.885 người được tham gia BHYT (38,1%), trong đó có 998 người tham gia BHYT tự nguyện, gồm học sinh- sinh viên 842 người, nhân dân 156 người. Còn lại, 4.746 người vẫn chưa có Thẻ BHYT, nghĩa là vẫn phải... chữa ngoài. Nhằm mục đích để người dân được khám, chữa bệnh một cách tốt nhất ngay từ đầu- mà không phải đợi ung thư rồi mới chữa- từ giữa năm 2005, Chính quyền xã Thạch Sơn đã có văn bản gửi các cấp, đề nghị cho 100% người dân ở đây được  KCB- BHYT. Đề nghị đưa ra được nhất loạt các cấp, ban, ngành... ủng hộ, tán thành cao; song khi bàn đến khoản kinh phí 493 triệu đồng mua Thẻ cho 5.700 người thì đang... “tắc”?! Được biết BHXH tỉnh Phú Thọ, và BHXH huyện Lâm Thao đã có phương án chi tiết triển khai BHYT toàn dân ở Thạch Sơn. Con người, phương tiện, phương pháp, thời gian... triển khai,  BHXH Phú Thọ và BHXH Lâm Thao đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ có... lệnh là triển khai, và chỉ trong 5 ngày là xong. Trong phương án mà BHXH Phú Thọ định ra, cả xã Thạch Sơn mua hết có 493 triệu đồng/năm  cho 5.700 người dân. Trong đó đề xuất; nhân dân đóng và các cơ quan hỗ trợ 50% bằng 246 triệu đồng; Ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 20%, bằng 98 triệu đồng; Trung ương (Bộ Y tế) hỗ trợ 30% bằng 147 triệu đồng. Chỉ bằng một nguồn kinh phí không lớn ấy, 5.700 người dân Thạch Sơn sẽ được KCB từ đầu, và miễn phí 100% trong suốt cả năm. Song được biết: 20% kinh phí do huyện và tỉnh hỗ trợ (98 triệu đồng) cũng đang gặp khó khăn do... không có kinh phí (?); 30% kinh phí Bộ Y tế cũng đang khó khăn do năm 2005 đã cấp 500 triệu đồng KCB rồi... Về nguồn 50% (246 triệu đồng) do dân đóng góp và các cơ quan hỗ trợ lại càng khó khăn hơn: Ngân sách xã được hơn 700 triệu/năm, chi lương không đủ, hàng năm trên vẫn phải hỗ trợ. Còn người dân, mỗi nhà bỏ ra 50% mua một vài tấm Thẻ BHYT thì dễ; song mỗi nhà mua 5- 7, thậm chí 8- 10 Thẻ BHYT thì quả là khó khả thi. Địa phương và người dân thì trông chờ vào cấp trên; các Công ty, Nhà máy trên địa bàn thì nghe ngóng, chưa có ý kiến gì? Thế nên, phương án BHYT toàn dân Thạch Sơn của BHXH Phú Thọ vẫn còn nằm im trên... giấy, còn người dân vẫn dài cổ ra... chờ...
Thiết nghĩ, số tiền 493 triệu đồng cho sức khỏe gần  6.000 dân Thạch Sơn không phải quá lớn để mà đùn đẩy hoặc “san sẻ trách nhiệm”. Với 3 Công ty lớn đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Thạch Sơn (đã có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường) là Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty Pin- ắc quy Vĩnh Phú, Công ty Giấy Bãi Bằng và hàng trăm lò gạch, thì số tiền này quả là không lớn.
Nếu chưa muốn nói là “bồi thường”; thì tại sao không yêu cầu 3 Công ty này và chủ của hơn 100 lò gạch “chung tiền” mua BHYT cho người dân Thạch Sơn.
Có lẽ, đấy là giải pháp bền vững nhất, và có lý, có tình nhất./.
TN

Không có nhận xét nào: