Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

"CỤ ĐỒ THỜI NAY"... VĨ ĐẠI !

Căn nhà của "Cụ đồ” Lương Văn Trưng nằm tận cùng con ngõ nhỏ của một thôn nghèo thuộc xã Hồng Việt (Đông Hưng - Thái Bình). Gọi là "nhà" cho sang, thật ra đấy chỉ là bốn bức tường gạch xếp tạm, gắn qua quýt bằng vôi vữa, phía trên chụp bằng hai mái ngói bò xộc xà xộc xệch. Nó thấp lụp xụp và rộng chưa đầy vài chục mét vuông! Một chiếc giường bằng tre cũ kỹ, một bộ bàn ghế mộc choán hết lối đi. Cả nhà không thứ gì đáng giá, ngoài khoảng 60 thùng sách là vô giá! Có điện mà không dám thắp. Cụ Trưng ngồi miệt mài dưới ánh sáng tự nhiên lờ nhờ, bên cạnh là cuốn từ điển Anh- Việt dày cộp. Không phấn; không bảng. 8 em học trò mắt sáng như sao ngồi xếp bằng trên một chiếc chiếu cũ trải ngay dưới nền nhà...

Sinh năm 1930 trong một gia đình nghèo, đông con nhưng giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, lên 5 tuổi, cậu bé Trưng đã biết khai tăng 2 tuổi để được đến trường làng như bao cậu học trò nghèo khác. Học hết lớp 7, nhà nghèo, cậu học trò Lê Văn Trưng đành bỏ học. Tuy mới học hết lớp 7, song là người sáng dạ, học giỏi, nên năm 16 tuổi sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu đã được Chính quyền mời đi dạy xóa mù chữ trong các lớp Bình dân học vụ. Nghiệp làm Thầy đeo đuổi anh trai làng 16 tuổi từ đấy. Năm 17 tuổi đã là du kích xã, làm thường trực Hội đồng Nhân dân; kết nạp đảng cũng từ năm 17 (do thời gian đi học khai tăng hai tuổi). Biết anh là thầy giáo Bình dân học vụ thông minh, hiếu học, một đồng chí là cán bộ cách mạng do chính gia đình Lê Văn Trưng làm cơ sở nuôi giấu lại giới thiệu anh đi học Bổ túc văn hóa ở Trường Kháng chiến Phan Thanh. ở đây, anh là học sinh xuất sắc của cả hai khoa: Toán- lý- hoá, văn - sử - địa, ngoại ngữ và được giữ lại làm giáo viên của trường. Đến khi  giặc Pháp gây hấn, anh lại trở thành du kích, được điều lên hoạt động ở Chiến khu Việt Bắc. Là người thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, lại vốn là người "văn hay, chữ tốt", những ngày ở Việt Bắc, anh vừa là người viết tin, viết truyền đơn địch vận... Miền Bắc giải phóng, anh được cử về dạy học ở Trường cán bộ chủ chốt của huyện, rồi được cử đi học trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh. Ra trường, cả huyện Đông Hưng chưa có lấy một trường cấp 2, anh lại là người đứng ra xây dựng trường cấp 2 để có trường mà dạy. Những ngày dạy học cấp 2, anh từng là Chiến sỹ thi đua ngành Giáo dục. Sau khi được cử đi học nâng cao trình độ sư phạm, anh được điều về dạy ở Trường cấp 3 Nam Định... Lúc đất nước cần phát triển công nghiệp, anh lại được tín nhiệm cử đi học trường Công nghiệp Trung ương, rồi trở ra dạy trường Nghiệp vụ công nghiệp của Bộ Công nghiệp. Anh là một trong những người xây dựng trường Đại học Kinh tế Quốc dân bây giờ và giảng dạy ở đấy nhiều năm. Xuất thân từ một anh giáo dạy bình dân học vụ những năm 1945-1946, chỉ bằng con đường tự học và học bổ túc, anh đã trở thành giảng viên đại học khi mới ngoài 30 tuổi... Năm 1968, khi giặc Mỹ ném bom phá tan trường Đại học Kinh tế Quốc dân, anh lại được điều về Thái Bình, lần lượt làm cán bộ ở Ty Công nghiệp, rồi Ty Kiến trúc Thái Bình. Một thời gian sau do sức khỏe yếu, anh giảng viên đại học Lê Văn Trưng đi phu hồ cho công nhân xây dựng: ban ngày xách vôi, xách vữa, đêm đêm lại đi dạy học bổ túc văn hóa cho công nhân và cán bộ ngành Xây dựng. Đến năm 1973 thì anh xin nghỉ hưởng chế độ mất sức... Vài nét chấm phá phác họa một phần "thời oanh liệt" của "Cụ đồ thời nay".
            Trở về làng quê với vài sào ruộng khoán, vợ chồng ông "Giảng viên đại học" lại lăn lưng ngoài đồng kiếm gạo nuôi đàn con 5 đứa: ba gái, hai trai. Bỏ giảng đường về "mất sức" do sức khỏe kém, song ngày hai buổi "Cụ đồ" vác cuốc ra đồng bới đất nhặt cỏ, đêm về lại chong đèn tự học đủ các môn: từ tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ, đến đọc sách đông tây kim cổ... 26 năm làm nghề dạy học, cụ chỉ có mỗi một cái thú: Sưu tầm sách! Năm 1973, khi về nghỉ chế độ, cụ đã có trong tay 2 vạn cuốn sách. Và bây giờ, trong nhà cụ đã có gần 60 thùng sách với trên 5 vạn cuốn. Nhớ khi thành lập Thư viện Thái Bình, cụ tặng Thư viện hàng trăm cuốn sách quý; lãnh đạo thư viện trả tiền, cụ dứt khoát không nhận, thư viện đành mua tặng mấy chục chiếc hòm kẽm để đựng sách, lúc ấy cụ mới đành nhận. Đêm đêm, hàng xóm đi qua, thấy cụ trầm ngâm dưới ánh đèn đến sáng, bên cạnh là cả núi sách, cũng có người bảo: đúng là dở hơi, đã là nông dân còn bày đặt chuyện học hành, sách vở... Cụ càng bị coi là "dở hơi" hơn khi dám lên tận huyện xin mở lớp ôn thi đại học. Cụ kể: "Hàng năm, thấy các cháu đổ xô lên Hà Nội ôn thi đại học, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của mà trượt vẫn hoàn trượt ! Nhiều em học giỏi song nhà lại quá nghèo không có tiền đi ôn đành ở nhà học quấy, học quá nên cũng trượt. Thấy nhân tài phí quá, năm 1996 tôi lên phòng Giáo dục huyện xin mở lớp ôn thi miễn phí cho các cháu con nhà nghèo mà học giỏi". Cũng may cán bộ phòng, cán bộ huyện nhiều người là học trò cũ biết trình độ uyên thâm của cụ nên họ ủng hộ ngay. Ban đầu lớp do Phòng giáo dục mở tại trung tâm huyện, chỉ tuyển những em học sinh nghèo, học giỏi trong khắp huyện. Mỗi tuần hai buổi, Phòng cho người về đón "thầy" lên tận lớp. Sau, thấy thầy đi lại vất vả, các cháu học trò rủ nhau đến tận nhà thầy để học. Thấy vậy, cũng có người cười chê: "Giáo sư, Tiến sỹ Hà Nội dạy thêm còn chẳng ăn ai, huống chi ông già... nhà quê!". Thầy cắn răng nhẫn nhịn, chỉ có học trò là biết. Bởi cụ dạy chúng không chỉ dạy chữ theo kiểu nhồi nhét, học vẹt mà các lớp huyện thi vẫn làm. Cụ dạy cách học, dạy những kiến thức chưa từng có trong những cuốn sách mà chúng đã đọc. Cách dạy của cụ không chỉ là dạy kiến thức, mà là... "khai sáng" kiến thức! Chẳng thế có em học sinh học quá nhiều, gần đến ngày thi thì mụ mẫm giữa đống kiến thức đã được nhồi nhét, trở nên như bị tâm thần. Chỉ sau một tuần học, cháu bảo: đang như đi trong đêm tối mà có người đưa cho ngọn đèn! Cách dạy của cụ là như vậy. Mà cụ dạy được tất cả các môn, từ toán, lý, hoá, văn, sử, địa, Anh, Pháp..., môn nào cụ cũng là người "thông kim, bác cổ"! Sau khóa "luyện thi" đầu tiên ấy, cả 8 cháu theo học đều đỗ vào 8 trường đại học mà cụ chẳng hề nhận của ai một đồng tiền công hoặc một thứ gì. Có người bảo cụ: Khó khăn là thế, sao cụ không cầm ít tiền đỡ lúc khó khăn? Cụ bảo: người ta có nghèo thì mới đến lớp của tôi; mà đã nghèo thì lấy đâu ra tiền?  Suốt 7 khóa dạy ôn thi, duy nhất một lần cụ nhận quà, đấy là một cái màn: Có em học trò gặp trời mưa đành ngủ lại. Đêm, hai ông cháu ngủ với nhau, màn rách, muỗi đốt suốt đêm không ngủ được, em về kể với bố. Sáng hôm sau, bố em này vờ đến mượn "thầy" cái màn, rồi lại vờ làm mất, mang cái màn mới đến đền "đền". ấy vậy mà cụ còn chối đây đẩy, phải nói mãi về sau mới chịu nhận. Cụ ông an ủi cụ bà: Ai bảo mình dở hơi cũng được; dở hơi mà mỗi năm giúp cho vài cháu nghèo vào được đại học là quý rồi. Và con số ấy hàng năm không chỉ là vài cháu. Mỗi năm, cụ dạy ôn thi cho 6-10 cháu. Và thật là kỳ diệu, là năm nào cũng đỗ... 100%. Trong vòng 7 năm, cụ đã dạy cho 62 cháu, và cả 62 cháu này đã đỗ đại học, không "trật" cháu nào. Khi đã nhập học rồi, biết "thầy" yêu sách mà chê tiền, từ các trường đại học ở khắp các nơi, tháng tháng nhiều cháu lại dành tiền học bổng mua sách gửi về biếu thầy. Vì thế cho đến bây giờ, cụ đã có khoảng trên 5 vạn cuốn sách, phần lớn là sách quý, nhiều bộ sách cổ điển mà ngay đến các thư viện cũng phải ước ao. Trong nhà không còn chỗ nào để sách, cụ đành xây thêm một cái chòi nhỏ hai tầng rộng chừng 2m2 xếp vào đấy, ẩm thấp, hôi hám... Biết làm thế là ảnh hưởng đến việc bảo quản sách, song cũng chẳng có cách nào khác. Hai vợ chồng già, nguồn sống duy nhất là 7 thước ruộng, dè xẻn lắm cũng chỉ đủ gạo ăn chờ vụ tới, nói  gì đến việc xây một kho sách? Với 240 ngàn đồng tiền nghỉ chế độ, mỗi tuần hai cụ chỉ dám đi chợ đúng một lần vào ngày chủ nhật, và mỗi lần đi chợ chỉ dám mua đúng 2 lạng thịt, gọi là "cải thiện" cho... có chất! Đôi khi buổi sáng cụ bà thương tình làm cho bát bún, bát canh, cụ ông dứt khoát không ăn vì sợ... tốn! Con đông mà chẳng dám nhờ vì chúng còn nghèo hơn. 73 tuổi, lại sống đạm bạc như vậy, nên sang năm nay cụ đã yếu nhiều. Chính quyền địa phương biết vậy, đôi lúc cũng muốn trích từ ngân sách xã đỡ đần cụ theo diện "hộ chính sách". Khổ nỗi cụ cứ đây đẩy không nhận, nên cán bộ xã cũng... chẳng biết làm thế nào.
Lúc chúng tôi chuẩn bị từ biệt “Cụ đồ thời nay” thì thấy 8 cháu học trò tíu tít kéo đến. Một cháu gái cho biết: "Vào học lớp của thầy "tiêu chuẩn" khó lắm chú ạ. Phải có "Giấy chứng nhận" của nhà trường rằng học khá trở lên; và phải có "Giấy chứng nhận" của xã rằng... nghèo trở xuống"! Quả là "tiêu chuẩn" có một không hai.
Tám em học trò ngồi sắp bằng trên chiếc chiếu cũ; tám cặp mắt trẻ trung ngời sáng chăm chắm nhìn cụ đồ già. Không phấn, không bảng. ấy vậy mà năm học này, tôi tin chắc rằng sẽ lại có thêm 8 em trò nghèo được vào đại học nhờ “Cụ đồ thời nay” vĩ đại./.
TN


Không có nhận xét nào: