Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

DƯỚI ÁNH TRĂNG

(Tác phẩm đầu tay, đạt giải C, 
cuộc thi Viết do báo Thiếu niên tiền phong
 tổ chức năm 1974)

   Ông Hội, người xóm tôi đã già lắm. Da mặt ông dăn deo, tóc bạc phơ, dâu dài tới ngực trắng như cước. Ông là thương binh hồi 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ông sống một mình. Người con trai độc nhất của ông là một chú bộ đội. Chú còn ở đơn vị. Được sự phân công của đội thiếu niên, bọn tôi gồm Sơn, Minh, Thắng và Hoa thường sang quét dọn nhà cửa, cho lợn gà ăn, thổi cơm nấu nước giúp ông và còn đọc sách báo cho ông nghe nữa. Mà nếu đội chẳng phân công thì bọn tôi cũng sẽ làm như vậy thôi, vì chúng tôi nghĩ ông vừa là thương binh vừa là gia đình bộ đội. Hơn nữa, ông yêu trẻ lắm, nhất là với bọn tôi thì ông coi như cháu của ông vậy. Ngược lại, bọn tôi cũng mến ông hết mực. Ngày ngày giúp ông làm việc, tối tối sang chơi rồi vòi ông kể chuyện đánh Pháp cho nghe thú lắm. Có lần, tôi phát hiện trên đỉnh đầu ông có vết sẹo dài như vết dao chém, lâu nay tóc che lấp nên chẳng đứa nào nhìn thấy. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng để bụng thôi chứ hỏi lúc ấy chẳng tiện.
            Một buổi tối, mặt trăng vàng tròn xoe như cái mâm con, lơ lửng treo trên không trung, len lỏi chui trong những gợn mây trắng, lặng lờ trôi trên nền trời xanh. Chốc chốc, những làn gió nam thoảng qua làm những tàu dừa trên cao quạt phành phạch. Mấy ông cháu ngồi chơi trên chiếc chiếu trải rộng giữa sân. Một lúc sau tôi rụt rè hỏi ông về vết sẹo trên mà tôi mới phát hiện. Ông chép miệng, bảo chúng tôi ngồi vây quanh, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi kể, mắt nhìn xa xôi. Những ngày hoạt động của ông lại hiện lên ra trong óc ông rõ mồn một...
            ... Hôm ấy, trời đã về chiều. Các xí nghiệp tan tầm làm. Người ra về đông nghìn nghịt. Mọi người đã nhận được chỉ thị truyền miệng tới dự cuộc mít ting lớn hôm ấy. Anh Hội và các chiến sĩ cách mạng chờ sẵn các ngả đường. Đợi lúc mọi người về đông các anh nhảy lên một cái bệ xi măng ven đường. Anh Hội hai tay dương cao lá cờ búa liềm, một người khác đứng xoạc chân dõng dạc nói: “Anh chị em thợ thuyền , anh chị em lao động ...” Tiếng nói của Đảng vạch rõ tại sao khổ, tại sao phải đấu tranh, tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập, liên minh với nông dân đánh đổ thực dân địa chủ, quan lại bán nước, xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Những tiếng nói ấy đã truyền thêm sức mạnh cho nhân dân, gây lòng căm thù đế quốc thực dân phong kiến. Người đứng ùn lại đồng như hội. Đối với họ, tiếng ấy, lá cờ ấy là những thứ mà lâu nay mọi người mong đợi.
            Bỗng tiếng còi vang inh ỏi. Tên mật thám ập tới chực nuốt tươi hai chiến sĩ ta. Hai người vội lẩn vào đám đông. Nhưng không kịp, bọn mật thám xô vào đuổi. Người cầm cờ bị bắt: anh Hội. Những cái báng súng, những trái đấm thi nhau giáng xuống người anh. Chúng kéo anh về quận khi anh đã bị ngất đi. ở quận, những trận tra tấn dã man đến với anh. Mới lần tra tấn đầu tiên mà không ai nhận ra anh nữa, mắt mũi anh húp híp thâm tím. Lại một đêm nữa nếm “Xăng - tan”, anh chết đi sống lại nhiều lần nhưng anh chẳng khai với chúng nửa lời. Hết hỏi cung lại đánh đập. Chúng bắt anh phải khai những người cùng đi với anh, khai cơ sở cách mạng cho chúng nhưng anh chỉ trả lời chúng bằng những cái lắc đầu, những lời chửi mắng. Chúng tra tấn anh bằng đủ mọi cách; nóng nguội đủ cả. Có lần chúng dùng  hai miếng gỗ kẹp vào hai bên thái dương anh. Anh ngất đi, chúng tưởng anh chết, một thằng lấy lưỡi lê chém mạnh vào đỉnh đầu anh rồi ném thây anh vào nhà xác. Một số người lính giác ngộ đã tìm cách cứu anh khi thấy anh tỉnh lại. Nhưng cũng từ đấy, trên cơ thể anh vẫn còn đêt lại dấu tích của trận tra tấn tàn bạo ngày xưa.
            Trong lúc ông kể, chúng tôi ngôi im lặng như nuốt lấy từng lời. Một con người hiền lành, giản dị ngồi trước mặt tôi đây chứ đâu xa lạ mà có một ý chí anh dũng bất khuất lạ thường.
            Ông kể xong ngồi im một lúc rồi nói tiếp: “Các cháu ạ! Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân ta đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước. Mới rồi đây Mỹ lại phải cuốn gói khỏi nước ta một cách nhục nhã. Hôm nay các cháu được ngắm ánh trăng vàng rử rỡ, được hưởng một cuộc đời sung sướng, ấm no là nhờ công ơn của Đảng, Bác Hồ và Chính phủ ta. Các cháu phải nhớ lấy công ơn trời biển này mà cố gắng học cho giỏi, lao động cho chăm, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ, bảo vệ và xây dựng đất nước ta như các lớp cha anh, mà còn phải hơn thế nữa”. Sơn nhanh nhảu đáp “vâng ạ!” Rồi chúng tôi hứa làm theo lời ông dặn.
            Mặt trăng vàng tròn xoe như cái mâm con treo lơ lửng trên không trung len lỏi chui qua những gợn mây trắng như bông lặng lờ trôi trên nền trời xanh thẳm. Chốc chốc, những làn gió nam mát mẻ thoảng qua làm những tàu dừa trên cao quạt phành phạch.
             Đêm đã về khuya...
                                                                                                                   TN
                                                                                                               (1974-14 tuổi)

Không có nhận xét nào: