Translate

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016


PHIÊN TÒA KHÔNG XỬ...
         

  Người xưa có câu: 
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. 
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua...”
            Đằng này, nhà Lan và nhà Kiểm cách nhau có mỗi đoạn con sông đào, nên tình yêu của hai người đến với nhau dễ dàng và nhanh chóng lắm. Tuy là hai làng khác nhau nhưng cách nhau có mỗi bờ nước với đúng một con đò, nên chẳng mấy đêm, hai người không gặp nhau. Nhiều đêm trăng thanh gió mát, trên là cây đa, dưới là bến nước, hai người đã có những tháng ngày mơ mộng không kém những bài thơ hay nhất viết về quê hương, tình yêu. Có hôm về muộn, hết đò, Kiểm đội quần áo bơi qua sông trở về nhà, làm Lan không khỏi cảm động trước tình yêu “vượt sóng, vượt... nước” của Kiểm. Và tình yêu của họ ngày càng được thử thách, bền chặt sau mỗi đêm như thế, tưởng không có gì chia cắt nổi.
            Nhưng rồi, cái gì vẫn đến với tình yêu nó đã đến. Sau gần nửa năm yêu thương đắm đuối, cũng dưới bóng đa ven sông một đêm trăng lồng lộng, chỉ mười ngón tay đã đùa vào trong mái tóc của Kiểm, Lan mới hồi hộp báo cho người yêu cái tin quan trọng:
-         Anh! Chúng mình... sắp... có con...
-         Sao?
Kiểm chợt tuột khỏi vòng tay của Lan. Dù chỉ trong ánh trăng, Lan cũng đủ nhìn rõ gương mặt vốn            trắng bệch của Kiểm càng thêm nhợt nhạt.
-         Thật không? Một phút im lặng/
-         Thật không? Mà... có... thật... của anh không?
            Lan chỉ còn biết sững người, nhìn Kiểm trân trân như chết đứng. Phải một lúc sau, như chợt nhớ ra, Lan mới giơ tay, tát mạnh vào khuôn mặt nhợt nhạt của anh chàng mới chớm tuổi hai mươi, rồi ù té chạy tức tưởi trên bờ cỏ ướt đầm trăng...
            Chỉ sau đêm ấy, Lan và Kiểm đã vội xa nhau, cũng nhanh như lúc tình yêu vội đến. Đã mấy lần, Lan nhờ đứa em gái mang thư nhắn tìm Kiểm, song Kiểm như “chim trời, cá nước biết đâu mà tìm”. Vốn là người cháu của một Đôn Joan, Kiểm “lặn” một hơi lên vùng biên giới phía bắc với lý do “tìm việc làm” sau một thời gian “nối cầu liên lạc” mà không được, lại có người bắn tin: “Kiểm đã lấy vợ ở Lạng Sơn?!”... Lan cũng đành... nhắm mắt đưa chân, theo một người anh họ xa vào Sầm Sơn bán hàng nước mong che mắt hàng xóm. Sự sầm uất, vui vẻ của bãi biển Sầm Sơn trong bốn tháng hè cũng đủ làm Lan nguôi ngoai đi phần nào. Song cái bào thai trong người Lan cứ lớn dần lên cùng nỗi lo lắng, khắc khoải. Đến tháng tám, khi mùa hè ở biển đã hết, cũng là lúc ông anh họ thấy cái bụng Lan lùm lùm. Cũng đúng lúc ấy, Lan lại nghe cái tin Kiểm đã trở về và... chưa có vợ.
            Do sự kiên quyết của ông anh họ sợ “vạ lây”, Lan buộc phải quay về làng với hy vọng mong manh. Về đến làng, Lan đến thẳng nhà Kiểm. Với lòng kiên trì và nhẫn nhục,  Lan quỳ gối trước mặt bố mẹ Kiểm, kể lể hết sự tình, xin Kiểm nghĩ lại để đoàn tụ. Kiểm nằm trong buồng, nghe xong, bà mẹ Kiểm nói thẳng với Lan:
            - Cô đi Sầm Sơn suốt mấy tháng, vác bụng về đổ cho con tôi ư? Ai còn lạ gì cái cảnh Sầm Sơn... và bà còn nghiến răng: Tuần sau, con tao cưới vợ. Nếu mày... nếu mày phá hạnh phúc của con tao, tao... tao gi... ê ê... êt.
            Lan nuốt nước mắt, nghiến răng vác cái bụng đã gần 7 tháng về nhà trong nỗi đau đớn ê chề...
            Quả đúng như lời bà mẹ Kiểm nói thật, tuần sau thì Kiểm cưới vợ. Vợ Kiểm là cô gái Thái, người tận Lạng Sơn. Người ta bảo con gái Thái rất đẹp, kể cũng đúng thật. Vợ Kiểm tuy hơi chậm, song nói tiếng Kinh khá sõi, và gái trong làng không thể ai sánh kịp. Tuy giấu giếm, song người trong họ ngoài làng vẫn đến đông nườm nượp. Họ đến để mừng cho cô dâu, chú rể thì ít, mà đến thì để xem mặt cô dâu người Thái thì nhiều. (Vì hai nhà xa nhau gần ba trăm cây số). Đêm ấy, trai gái làng, bà con lối xóm đến chật nhà, chật ngõ. Đúng lúc đám trẻ con đang đứng vòng quanh cô dâu để xem mặt, thì ngoài bể nước, chợt có tiếng người kêu thất thanh:
-      Trời ơi...

Mọi người đổ xô ra.
            Bà mẹ chú rể nằm ngất xỉu bên bể nước. Còn trên nắp bể xi măng, một cái tả cũ, quấn quanh một hài nhi trai chừng bảy tháng đã tím ngắt. Mọi người hiểu ngay. Đám đông giải tán lập tức. Nghe đâu hôm sau, cô dâu xinh đẹp người Thái đã lén dậy sớm, lên tàu về Lạng Sơn trước giờ cưới.
            Chừng mười ngày sau, khi câu chuyện trên còn đang xôn xao người dân cả hai làng, thì Tiến, một người em cùng họ với Kiểm, không biết kiếm đâu ra tấm ảnh chụp hài nhi của Lan hôm cô đến “giải quyết” ở bệnh viện. Trong một lần uống rượu say, Tiến đến nhà Kiểm, giơ tấm ảnh vào mặt bố Kiểm mà phán một tràng về “Đạo lý”.
            - Con trai nhà ông thất đức. Con trai ông giết cháu ông. Cả nhà ông thất đức...
            Đoạn, Tiến đốt tấm ảnh, vứt lên bàn thờ mà về. Song Tiến mới ra đến cửa mấy ông anh, ông chú của Kiểm đã xông vào đánh Tiến một trận nên thân giữa nhà.
            Nghe nói, hôm Tiến nằm ở bệnh viện, chân tay Tiến không gãy, không sứt sẹo, mặt mũi cũng không bị thâm tím... mà chỉ thấy máu trong mồm, trong mũi Tiến trào ra. Nghe bác sĩ bảo, Tiến bị “chảy máu trong”.  Gia đình Tiến kiện nhà Kiểm vì tội “đánh người gây thương tích”, nhưng họ hàng lại bảo thôi. Nếu kiện, không biết ai sẽ phải ra tòa, một bên hay cả ba bên??? Vì thế, phiên tòa lương tâm của ba bên thì đều có, nhưng việc xử ở tòa thì không.

(Câu chuyện có thật ở một huyện đồng bằng Bắc bộ. Chuyện lâu lắm rồi; những người trong chuyện đều đã trưởng thành, thậm chí lên ông, lên bà... Song, chuyện thì vẫn còn chưa cũ...)

TN
(Báo Tiền phong cuối tháng)

Không có nhận xét nào: